Âm Vang

Chương 16

1.

“Sao hả con, đã hạ sốt chưa?”

Mẹ Trình cầm bịch thức ăn trong tay, chưa kịp đặt xuống đã đi vào phòng con gái. Bà đẩy cửa phòng, thấy Trình Hi ngẩn ngơ nhìn chiếc tủ thì lấy làm khó hiểu: “Có chuyện gì thế?”

“Mẹ, búp… búp bê của con đâu rồi?”

“Không phải vẫn ở đó à?”

“Không không không, không phải nó, con búp bê có mắt màu xanh cơ, hồi nhỏ con rất thích nó, vẫn hay đặt ở đây mà?”

Trình Hi cuống lên.

Mặt cô tái mét, trán đổ mồ hôi hột, giọng run run vì kích động nhưng vẫn ép mình bình tĩnh giải thích: “Là con búp bê mẹ mua cho con, mua ở cửa công viên nhi đồng, có phải mẹ cất rồi không?”

Mẹ Trình sửng sốt, nhẹ nhàng đặt bịch thức ăn xuống sàn rồi đi tới sờ trán cô: “Nóng đến hồ đồ rồi, sao lại đổ mồ hôi nhiều thế này.”

“Mẹ, mẹ cất con búp bê kia đâu rồi?”

“Có nóng đâu mà đổ mồ hôi nhiều thế này, con nằm nghỉ thêm lúc nữa đi.”

“Mẹ!”

Nỗi sợ hãi bao trùm đáy lòng, từng chút từng chút lan rộng – vì sao bà không trả lời mình?

Trình Hi như cảm ứng được điều gì đấy, song vẫn không cách nào tin nổi, chỉ vào con thỏ kia hỏi: “Con thỏ này từ đâu ra?”

“… Sốt đến hồ đồ rồi, con đừng dọa mẹ nữa, đó là con thỏ con chơi từ nhỏ đến lớn còn gì, cũng hai mươi mấy năm rồi, mấy hôm trước mẹ còn mới giặt cho con mà.”

Mẹ Trình cầm lấy chú thỏ lông trắng bị ố vàng, nói: “Nhưng chỗ này giặt mãi không sạch, mẹ phải giặt bằng tay, con quên rồi hả?”

“Nhưng… có phải mẹ giặt nó đâu! Mẹ giặt con búp bê kia mà! Mẹ tháo váy nó rồi giặt bằng tay, lúc đó con ở ngay bên cạnh…”

Cô chưa bao giờ tưởng tượng nổi chuyện này, như có một rào cản vô hình ngăn cách giữa những người thân nhất của cô, dù cô có giải thích điên cuồng thế nào thì đối phương vẫn không hiểu.

Ký ức phân nhánh rõ ràng, còn đâu là sự thật? Ngay cả khái niệm sự thật cũng đã biến mất…

Cô khó tiếp thu nổi nhận thức này.

Trình Hi suy sụp, hình ảnh mẹ Trình cầm con thỏ dần nhòe đi, cô chết lặng duỗi tay dụi mắt, chợt trong đầu xuất hiện những hình ảnh rời rạc.

Buổi chiều, trên ban công hai mẹ con vừa trò chuyện vừa phơi quần áo, cô lười biếng dựa vào tường, híp mắt nhìn bà cầm con búp bê, kẹp vai nó lên móc phơi quần áo…

Không đúng, là cầm con thỏ, giống như hiện tại, cầm con thỏ.

Sau đó kẹp tai nó lên móc phơi quần áo, bà nói, có chỗ bị ố rồi, không giặt được.

2.

Trình Hi chôn chân tại chỗ, đầu óc ong ong, một lúc lâu sau mới thở hổn hển như thiếu oxy.

Cô lao ra phòng khách, lấy mấy cuốn album trên giá ra bày la liệt dưới mặt đất, bắt đầu lật từng cuốn một.

Tiếng nhựa lật kêu sột soạt liên hồi. Mẹ Trình lo lắng hỏi: “Có chuyện gì thế? Con tìm gì hả?”

“Ảnh chụp.” Cô nói.

“Sao tự dưng lại muốn tìm ảnh chụp? Con làm sao thế nói cho mẹ biết đi?!”

Trình Hi khựng lại, nhìn lên với vẻ mất mát, nói đứt quãng ngắc ngứ, gần như van xin bà hiểu: “Hồi nhỏ đi chơi xuân, con có chụp một bức ảnh ở công viên nhi đồng, lúc đó còn ôm con búp bê, con búp bê mẹ mua ở cửa cho con… Về sau cũng chụp nhiều lắm mà, sao giờ lại biến mất cả rồi? Sao mẹ lại không nhớ? Sao có thể…”

Sao có thể biến thành ôm thỏ?!

Và hơn nữa, mỗi lần lật đến bức ảnh nào là trong đầu lại xuất hiện hình ảnh tương ứng, thể như có người đang biên tập lại quá khứ của cô.

Đầu đau như nứt toác, đánh mất cảm giác chân thật, vụt mất quyền khống chế của cuộc đời, nước mắt bất giác ứa trào, lăn dài trên má nhỏ xuống bức ảnh.

Đó là bức ảnh tập thể chụp ở số 76 đường Đàn Viên, Trình Hi bé nhỏ đeo cặp sách màu vàng, đội cài hoa màu hồng, vô cùng nổi bật giữa các bạn cùng lớp.

“Con nhìn đi, tấm hình này không phải chụp hồi lớp con đi chơi xuân à? Hôm đi tham quan số 76 đường Đàn Viên về, không phải con cầm con thỏ kia sao? Có phải hôm nay khó chịu nên mê sảng rồi không? Con đừng dọa mẹ!”

Cô đã không còn sức lắng nghe, mắt nhìn chằm chằm vào nền bức ảnh.

Một chàng trai. Rất cao, tóc ngắn, mặc áo khoác màu xanh lơ, vô tình bị chụp trúng bức ảnh.

Vô số những thước phim khác ùa vào tâm trí như thủy triều dâng.

Số 76 đường Đàn Viên, đám đông ồn ào, các bạn mẫu giáo ngó nghiêng nhìn quanh, mình lúc ấy đang đứng ở hàng đầu tiên, nghe cô giáo hét to bất lực, nhìn ống kính! Đừng nói chuyện nữa! Nhìn vào ống kính nào!

“Được rồi! Một hai ba ——

Nè Tưởng Kim Minh! Cậu tránh ra coi! Lọt vào ống kính rồi!”

3.

Bạn đã bao giờ chơi trò chơi một người chơi chưa?

Nó có thể lưu lại màn, có thể tải lại màn đã lưu, cũng có thể bị ghi đè.

Nếu bạn cảm thấy mình chơi quá yếu, vậy thì mở màn đã lưu ra và bắt đầu lại, bản ghi gốc bị ghi đè, bạn cũng có thể lừa bạn bè rằng mình đã hoàn thành cấp độ.

Nhưng là một người chơi, bạn chắc chắn biết mình đã từng trải nghiệm những cốt truyện này, những màn chơi này đã được chơi dở, và màn lưu trữ cuối cùng đã được viết lại rất nhiều lần.

Bạn biết … và chỉ một bạn biết.

Điều gì sẽ xảy ra nếu đấy không phải là một trò chơi, mà là cuộc sống?



Thứ bị xóa không phải là một con búp bê, mà là những thứ khác quý giá hơn?

4.

Trình Hi cầm điện thoại đến rạp chiếu phim.

Cũng giống như ngày này vào 20 năm trước, mưa rơi lất phất khi trời sẩm tối, càng lúc càng có xu hướng nặng hạt, cô cũng rảo nhanh bước chân the.

Có lẽ lúc này Tưởng Kim Minh chỉ mới tiễn cô trò ở vườn trẻ Nụ Hoa ra về, chuẩn bị tan làm.

Cô phải giành giật mỗi giây mỗi phút.

Trình Hi chạy tới số 76 đường Đàn Viên, tức tốc đi lên tầng bốn, mở cửa phòng VIP xông vào – ai ngờ lúc này lại đang chiếu phim.

Màn hình chiếu sáng mặt người xem, bọn họ nhìn cô với ánh mắt bất mãn.

Sao lại xui xẻo thế này!

Trình Hi không quan tâm, đi thẳng đến cuối phòng chiếu, vừa bấm số vừa đi vào phòng máy, chạm mặt Lý Tư Tề.

Vai cô ướt sũng, tóc mái dính vào trán trông rất thảm, nhưng cô không quan tâm, khịt mũi nói: “Cậu ra ngoài đi.”

“… Làm gì đấy.”

Lúc này Lý Tư Tề mới nhìn thấy chiếc điện thoại Motorola, trong lòng đã hiểu được đại khái, đành bất đắc dĩ nói: “Chị nhanh lên đấy, phim sắp hết rồi.”

Nhưng chưa nói hết câu thì cậu ta đã bị đẩy ra.

Trình Hi kiệt quệ ngồi xuống, im lặng nghe tiếng tút tút, đầu óc hỗn loạn không còn muốn suy nghĩ thê.

Và trong tích tắc điện thoại được kết nối, cô gào lên theo bản năng: “Anh đã làm gì hả Tưởng Kim Minh! Anh muốn làm gì! Hả?!”

“… Trình?”

“Vì sao tôi lại đi chơi xuân ở số 76 đường Đàn Viên, vì sao tôi lại gặp anh, anh đã làm cái gì? Anh muốn gì mà can thiệp vào cuộc sống của tôi?! Hiện thực đã bị anh thay đổi rồi.”

Đúng lúc này bên tai truyền đến tiếng gõ cửa, Lý Tư Tề nhắc nhở: “Lớn tiếng rồi đấy.”

Cô không cách nào dừng lại nổi, cơ thể run lẩy bẩy vì kích động, một lát sau, cô che mặt khẩn cầu: “Tôi xin anh đừng làm gì hết, tôi không phải ngòi bút máy, tôi là một con người…”

Đáng nhẽ cô nên hiểu ra từ lúc ấy.

Anh ta có thể thay đổi một cây bút, vậy cũng có thể thay đổi một người; anh ta sửa lại lịch sử, tác động đến thế giới nơi mình đang sống.

Tưởng Kim Minh ngẩn người cầm ống nghe, không biết phải nói gì.

Ngay cả chuyện cô ấy tên là Trình Thời hay Trình Hi anh còn không rõ, đối mặt với những lời chất vấn và khẩn cầu đến tới tấp, một lúc sau anh mới định thần lại…

Cô là cô bé tên Cát Tường ấy ư?

Nói thật, sau khi biết vườn trẻ Nụ Hoa sẽ đến tham quan, anh đã dự đoán có thể cô sẽ tới, cho nên mới chuẩn bị một món đồ chơi.

Nhưng suốt buổi chiều nhìn đám nhóc ồn ào ngây ngô, anh bỗng cảm thấy làm như vậy chẳng có nghĩa lý gì.

Thế là con thỏ kia bị ném vào trong hộc bàn, một lúc sau lại tiện tay đưa cho một bé gái đi lạc.

Chỉ vô tình thế thôi, chỉ một câu nói đã khiến trời xui đất khiến, thay đổi một phần cuộc đời của cô.

5.

Tưởng Kim Minh nói hết những gì cần nói, kể cả xin lỗi chân thành, đó là kết quả mà anh không hề ngờ tới, có lẽ cánh bướm đã bắt đầu vỗ.

Nhưng đối với Trình Hi, cứ nghĩ tới việc cuộc đời mình bị người khác nắm trong tay, có thể dễ dàng bị ghi đè, bị sửa đổi hay thậm chí là bị xóa đi, cô lại rơi vào nỗi sợ hãi vô tận.

Cả hai bên cũng ý thức được không thể hòa giải mâu thuẫn này, cố gắng giải quyết một cách bình tĩnh, cuối cùng đẩy đối thoại đến đây:

“Vậy cái tên Trình Thời là do cô bịa ra.”

“Không phải, đó là tên của sếp tôi. Tôi tên Trình Hi, Cát Tường là tên mụ, Hi mang ý nghĩa may mắn cát tường. Hiệu trưởng Quý cũng biết những chuyện này, tôi không cần thiết phải giấu anh.”

Cô đã bình tĩnh trở lại, sức cùng lực kiệt dựa vào máy chiếu, nói: “Tôi chỉ hy vọng anh đừng làm gì nữa, Tưởng Kim Minh, anh không trải qua cảm giác thực tại bị xóa bỏ, không còn ai nhớ đến, đến bản thân cũng nghi ngờ chính mình, anh không hiểu đâu. Đừng có điều tra nữa, cũng… đừng gọi điện nữa, không ai có thể là chúa cứu thế, chỉ có chính anh mới tự cứu được mình.”

Tưởng Kim Minh im lặng rất lâu, sau đó hỏi: “Cô đã đến nhà tôi rồi à?”

“… Chuyển nhà rồi.”

“Ừm.”

Tầm mắt của Trình Hi chuyển sang cửa sổ chiếu phim, trên màn ảnh hiện lên một hình ảnh buồn, bộ phim sắp sửa kết thúc.

“Cứ thế đi.”

“Ừ.”

Cô cúp máy, định đứng dậy nhưng không ngờ hai chân mềm oặt, ngã xuống máy chiếu, theo bản năng tìm điểm chống, nhưng trong cơn hoảng loạn lại chạm phải dây điện chằng chịt.

Một giây sau, Lý Tư Tề xông vào, ngoài phòng chiếu đang la ó phàn nàn.

“Sắp hết phim rồi mà chị làm cái gì thế?” Cậu ta đỡ Trình Hi dậy rồi bắt tay vào việc, nói, “Phim tự dưng cắt ngang, sự cố chiếu phim thế này rắc rối lắm đấy, chỉ sợ khó giải quyết được.”

Trình Hi nhìn cậu ta, có lẽ vì nhạy cảm nên cảm thấy lời ấy quá chói tai: “Sao không giải quyết được, cậu mau chiếu phim tiếp đi, hoàn lại tiền vé nữa là xong.”

Lý Tư Tề nhìn cô, im lặng gật đầu.

6.

Buổi chiếu lần đó bị khách hàng khiếu nại.

Ngày hôm sau, Trình Hi trở về tổng công ty báo cáo, giải thích rõ ràng với đông đảo ban lãnh đạo trong phòng họp.

“Có khách hàng phản ánh cô đã to tiếng trong phòng máy, hơn nữa còn đẩy nhân viên chiếu phim ra ngoài, dẫn đến sự cố. Cô giải thích thế nào đây?”

“Chuyện này có hiểu lầm, tôi chỉ đi kiểm tra thì bất cẩn đụng phải nguồn điện của phòng chiếu, là sơ suất của tôi.”

“Chúng tôi đã nói chuyện với người chiếu phim rồi, người chiếu phim tối hôm đó là Lý Tư Tề phải không?”

“… Vâng.”

“Trình Hi, cô là quản lý, cần phải biết có sự cố chiếu phim ở rạp là chuyện rất nghiêm trọng. Cho cô một cơ hội nữa giải thích rõ ràng.”

“Tôi…”

Cô mím môi khoanh tay, chợt nhận thấy có người bước vào phòng họp, ngồi cạnh cửa, ôm ngực lắng nghe.

Không ngờ lại có người thích hóng chuyện cơ đấy!

“Tôi đi tuần thì vô tình đụng phải nguồn điện của phòng chiếu, khiến buổi chiếu bị gián đoạn 5 phút.”

Chị Từ phòng Nhân sự thở dài.

Chị ấy ra chiều thất vọng, gõ tay xuống mặt bàn: “Lý Tư Tề nói em đã gọi điện cãi nhau với bạn trai trong phòng chiếu, do kích động nên đụng phải dây điện, có phải thế không?”

“Hở?” Trình Hi ngẩn ra, lại buột miệng đáp, “Vâng, đúng là như vậy.”

“Em đã làm việc bao nhiêu năm nay, thế mà lại áp tình cảm cá nhân vào công việc, phạm phải sai lầm cấp thấp, gây ra ảnh hưởng xấu như vậy…”

“Xin lỗi ban lãnh đạo, tuyệt đối sẽ không có chuyện đó lần hai, tôi đã… đã chia tay rồi.”

“Tháng này khấu trừ thành tích, quay về viết bản kiểm tra, hình phạt khác chờ công ty nghiên cứu rồi thông báo.”

“Vâng, tôi sẽ nghe theo mọi quyết định của công ty.”

Tan họp, cô gục đầu xuống bàn thở dài.

Đến khi ngẩng mặt lên thì phòng họp đã không một bóng người.
Bình Luận (0)
Comment