Ăn, Cầu Nguyện, Yêu

Chương 2

Và vì tôi đã quỳ trên sàn mà khẩn nguyện, cho phép tôi giữ nguyên tư thế đó để trở về thời điểm ba năm trước, khi toàn bộ câu chuyện này bắt đầu - thời khắc tôi cũng đang đúng trong tư thé đó: quỳ gối, trên sàn nhà, cầu nguyện.

Thế nhưng những thứ còn lại trong khung cảnh của ba-năm-trước thì có khác. Lúc đó, tôi không ở Roma mà trong phòng tắm trên lầu căn nhà lớn ở ngoại ô New York mới mua cho chồng. Khi ấy là khoảng ba giờ sáng một ngày tháng Mười một lạnh lẽo. Chồng tôi còn đang ngủ trên giường. Tôi náu mình trong phòng tắm đâu như đã đêm thứ bốn mươi bảy liên tiếp rồi, và - cũng như tất cả những đêm trước - tôi đang khóc nức nở. Thật vậy, nức nở đến độ trên sàn gạch men phòng tắm trước mặt tôi lan dài một hồ rộng đầy nước mắt nước mũi, một Hồ Hạ 1 thật sự (nếu bạn cho phép), đầy nỗi tủi thẹn, sợ hãi, bối rối và đau buồn của tôi.

Tôi không muốn đời sống hôn nhân nữa.

Tôi cố hết sức không nghĩ đến điều này nữa, nhưng sự thật vẫn cứ bám riết lấy tôi.

Tôi không muốn đời sống hôn nhân nữa. Tôi không muốn sống trong căn nhà lớn này. Tôi không muốn có con.

Nhưng lẽ ra tôi phải muốn có con. Tôi đã ba mươi mốt tuổi. Chồng tôi và tôi - chung sống trong tám năm, cưới nhau được sáu năm - đã xây dựng toàn bộ đời sống cả hai quanh một mong đợi chung là, sau khi bước qua ngưỡng cửa tuổi ba mươi già nua lập cập rồi, tôi sẽ muốn ổn định và có con. Chúng tôi cùng trông đợi là, đến lúc đó, tôi sẽ chán ngấy đi đây đó và sẽ sống hạnh phúc trong một đại gia đình bận bịu đầy bọn nhóc và chăn bông tự làm, có vườn ở sân sau và món hầm sôi lục bục trên bếp. (Thực ra đây là miêu tả khá chính xác về mẹ tôi, cho thấy ngay cả tôi cũng từng khó mà nêu ra được sự khác biệt giữa tôi và người phụ nữ mạnh mẽ đã nuôi dạy mình ấy ra sao.) Nhưng, tôi kinh hoàng nhận ra, mình không muốn bất cứ gì trong những thứ này cả. Thay vì vậy, khi thời hai mươi của tôi đã qua, cái hạn chót BA MƯƠI TUỔI đó lơ lửng trước mặt tôi như một bản án tử hình, và tôi hiểu ra là mình không muốn có mang. Tôi cứ chờ lúc mình muốn có con, nhưng điều đó không xảy ra. Và tôi biết cái cảm giác muốn một điều gì đó như thế nào, xin hãy tin tôi. Tôi biết rất rõ cảm giác khát khao thì sẽ ra sao. Nhưng o có. Vả chăng, tôi không thể thôi nghĩ đến điều chị tôi đã từng nói với tôi khi đang cho đứa con đầu lòng bú, "Có con giống như xăm hình trên mặt mình vậy. Em phải thật sự chắc chắn đó là điều mình muốn trước khi cam kết."

Thế nhưng làm sao tôi có thể quay trở lại? Mọi thứ đã sẵn sàng cả rồi. Năm đó là dành cho việc có mang. Trên thực tế, chúng tôi đã cố để có con vài tháng nay rồi. Nhưng chẳng có gì xảy ra cả (trừ việc - gần như một trò chế giễu mỉa mai của thai nghén - tôi bị mệt mỏi căng thẳng thần kinh vào buổi sáng, bồn chồn đến độ ngày nào cũng nôn hết bữa sáng đã ăn.) Và mỗi tháng tới chu kỳ tôi thường thầm thì lén lút trong phòng tắm: Cám ơn, cám ơn, cám ơn, cám ơn đã cho tôi sống thêm một tháng nữa...

Tôi đã cố thuyết phục mình rằng điều đó là tự nhiên. Mọi phụ nữ khác hẳn cũng cảm tháy vậy khi cố để có mang, tôi nghĩ. (Tôi dùng từ "do dự" để tránh một miêu tả chính xác hơn nhiều, "khiếp đảm cực độ".) Tôi cố buộc mình tin những cảm giác đó là bình thường, bất chấp mọi bằng chứng ngược lại - ví như tuần trước tôi tình cờ gặp một người quen vừa biết mình có thai lần đầu sau khi đã dành trọn hai năm và một món tiền lớn cho việc điều trị sinh sản. Cô ấy vô cùng sung sướng. Cô nói với tôi rằng lúc nào cô cũng muốn được làm mẹ. Cô thú nhận nhiều năm rồi đã âm thầm mua quần áo sơ sinh và giấu dưới giường, nơi chồng cô không thể phát hiện. Tôi thấy niềm vui trên khuôn mặt cô và tôi nhận ra nó. Đó chính là niềm vui rạng rỡ trên mặt tôi mùa xuân năm ngoái, cái ngày tôi được biết là tờ tạp chí nơi tôi làm việc sắp cử tôi đi New Zealand công tác để viết một bài về cuộc tìm kiếm loài mực khổng lồ. Và tôi tự nhủ, "Chừng nào mình chưa thể cảm thấy sướng rơn về chuyện có con như mình đã cảm thấy về chuyến đi đến New Zealand tìm loài mực to tướng thì mình chưa thể có con được."

Tôi không muốn đời sống hôn nhân nữa.

Ban ngày, tôi cự tuyệt ý nghĩ ấy, nhưng đêm đến nó thường giày vò tôi. Thật là một thảm họa. Làm sao tôi lại có thể ngu xuẩn một cách vô đạo đức khi dấn thân đến thế vào hôn nhân, chỉ để rồi bỏ đi? Chúng tôi chỉ mới mua căn nhà này một năm trước thôi. Tôi không muốn căn nhà xinh đẹp này sao? Tôi không yêu thích nó sao? Vậy sao giờ đây tôi lại lang thang khắp các gian phòng hàng đêm, gào khóc như Medea 2? Phải chăng tôi không hãnh diện về tất cả những gì chúng tôi đã tích lũy được - ngôi nhà hoành tráng ở thung lũng Hudson, căn hộ ở Manhattan, tám đường điện thoại, bạn bè, những cuộc dã ngoại và tiệc tùng, những ngày cuối tuần lang thang trên các lối đi của các cửa hiệu lớn ưa thích, sắm thật nhiều đồ dùng bằng thẻ tín dụng? Tôi đã hăng hái tham gia vào mỗi phút giây tạo nên cuộc sống này - vậy tại sao tôi lại cảm thấy như chẳng có gì ở đó tương đồng với mình? Tại sao tôi lại cảm thấy ngập trong nghĩa vụ, phát chán phải làm người nuôi sống gia đình, người nội trợ, người sắp xếp giao tế xã hội, người dắt chó đi dạo, người vợ và người mẹ tương lai, và - đâu đó trong những khoảnh khắc giành giật được - một nhà văn...?

Tôi không muốn đời sống hôn nhân nữa.

Chồng tôi đang ngủ trong căn phòng khác, trên giường chúng tôi. Tôi yêu anh ấy đồng thời cũng không chịu nổi anh ấy. Tôi không thể đánh thức anh dậy để chia sẻ nỗi khốn khổ của mình - để làm gì cơ chứ? Anh đã chứng kiến tôi suy sụp từ nhiều tháng nay rồi, thấy tôi cư xử như một mụ điên (cả hai chúng tôi cùng đồng ý với từ này), và tôi chỉ làm anh kiệt sức mà thôi. Cả hai đều biết có điều gì đó không ổn với tôi, và anh đã mất kiên nhẫn với chuyện đó. Chúng tôi cãi nhau và khóc, rồi chúng tôi mệt mỏi theo lối chỉ một cặp vợ chồng có hôn nhân đang sụp đổ mới cảm thấy. Ánh mắt chúng tôi trở thành ánh mắt của những kẻ tị nạn.

Những lý do khiến tôi không muốn làm vợ của người đàn ông này nữa là quá riêng tư và quá buồn để chia sẻ ở đây. Phần lớn các lý do đó liên quan đến những vấn đề của tôi, nhưng một phần khá lớn những rắc rối của chúng tôi cũng liên quan đến các vấn đề của anh ấy. Cũng tự nhiên thôi; suy cho cùng, hôn nhân nào cũng có hai nhân vật - hai biểu quyết, hai ý kiến, hai khuynh hướng quyết định, hai ước muốn và giới hạn mâu thuẫn nhau. Nhưng tôi cho rằng nói về những vấn đề của anh ấy trong cuốn sách của mình là không thích hợp. Tôi cũng không thể đòi hỏi ai đó tin là tôi có thể thuật lại câu chuyện của chúng tôi một cách khách quan, và do vậy, biên niên sử cuộc hôn nhân thât bại của chúng tôi sẽ không bao giờ được đề cập đến ở đây. Tôi cũng sẽ không thảo luận ở đây tất cả những lý do tại sao tôi vẫn đã rất muốn là vợ anh, hay điều tuyệt vời nơi anh, hay tại sao tôi yêu anh, tại sao lại cưới anh và tại sao không thể hình dung nổi một cuộc sống thiếu anh. Tôi sẽ không thổ lộ bất kỳ điều gì hết. Hãy cứ biết là, vào đêm đó, anh ấy vẫn là ngọn hải đăng và cũng là con chim hải âu lớn của tôi. Điều duy nhất khó nghĩ hơn ra đi là ở lại; điều duy nhất bất khả hơn ở lại là ra đi. Tôi không muốn phá hoại bất kỳ điều gì hay bất kỳ ai. Tôi chỉ muốn lẳng lặng lẻn ra cửa sau, không làm ầm ĩ hay gây ra một hậu quả nào, và rồi chạy một mạch tới khi đến được Greenland.

Phần này của câu chuyện không vui, tôi biết. Nhưng tôi chia sẻ ở đây vì một điều gì đó sắp xảy ra ngay tại sàn phòng tắm ấy đã vĩnh viễn thay đổi tiến trình cuộc đời tôi - kiểu như một trong những siêu sự kiện thiên văn điên rồ khi một hành tinh lật ngược trong vũ trụ không vì một lý do nào cả, rồi cái tâm nóng chảy của nó dịch chuyển, kéo theo vị trí hai cực dịch chuyển và hình dạng của nó thay đổi hoàn toàn, đến mức toàn khối hành tinh đột nhiên trở thành hình khuôn thay vì hình cầu. Đại loại như vậy.

Điều xảy ra là tôi bắt đầu cầu nguyện.

Bạn biết đấy, như là cầu nguyện Thượng Đế.

--- ------ ------ ------ -------

1 Lake Inferior: Một hồ ở quận Campbell thuộc tiểu bang Kentucky, Mỹ.

2 Một nhân vật trong thần thoại Hy Lạp.
Bình Luận (0)
Comment