Ân Thù Kiếm Lục

Chương 20

Tuy mọi người đều có ý khuyến trở Phương Bửu Ngọc, bất quá họ quá quan tâm về chàng, chứ họ cũng biết, chẳng còn phương pháp nào khác hơn được.

Nếu ở trong trường hợp chàng, họ cũng phải định làm như thế thôi!

Mạc Bất Khuất, Thạch Bất Vi, Dương Bất Nộ cùng Tây Môn Bất Nhược đồng thanh thốt :

- Chiến...

Ngụy Bất Tham chận liền :

- Dù thấy lỗ, bởi cái nghề là thương mãi, cũng phải làm...

Kim Bất Úy đặt chén rượu xuống bàn, đứng lên, cao giọng :

- Chiến! Chiến! Không chiến chẳng phải là con người! chẳng phải con người nữa!

Phương Bửu Ngọc đưa mắt sang Công Tôn Bất Trí :

- Chẳng hay nhị thúc...

Công Tôn Bất Trí cười nhẹ, lại chặn chàng :

- Bất quá ta thức tỉnh ngươi, nên cẩn thận, lưu ý đề phòng, chẳng những ngay tại cuộc chiến, mà phải quan tâm đến đường đi nước bước, bên ngoài cuộc chiến, trước và sau mỗi cuộc chiến. Chứ ta có bao giờ muốn cho ngươi thành con người khiếp nhược sợ chiến đấu?

Kim Bất Úy vỗ bàn, hét lên :

- Điều tối trọng là ngươi phải thắng, và thắng một cách quang minh chính đại, thắng liệt liệt oanh oanh, cho thiên hạ anh hùng đều biết chúng ta còn có được một hiền điệt tên Bửu Ngọc, một tiểu điệt anh hùng, sau này nếu có ai đề cập đến cái tên Phương Bửu Ngọc, thì Kim Bất Úy này sẽ ngẩng cao mặt mà tự đắc giương giương.

Kim Tổ Lâm bật cười cuồng dại :

- Hay! Một Phương Bửu Ngọc đáng ngợi! Hiện tại, Kim Tổ Lâm này uống ba trăm chén, phải uống đúng ba trăm chén! Ha ha! Nếu tất cả anh hùng hào kiệt đều uống được ba trăm chén! Uống đủ ba trăm chén!

Rượu có thể là không làm say người, nếu người có tửu lượng cao, nhưng hào khí dễ làm say người, dù người chưa đúng mức anh hùng.

Hào khí dân cao trong lòng người, hào khí bốc ứ gian nhà, bên trong gian nhà, mà bên ngoài thì thái dương từ từ lên, không khí bốc lên, hai thứ cùng bốc, làm ngây ngất mọi người, tất cả như cuồng loạn!

* * * * *

Ngựa phi đường xa, ngựa tốt cuốn vó như rồng cưỡi gió.

Ngựa phi về hướng Động đình hồ.

Cạnh Động đình hồ có Nhạc Dương thành. Bên tả Nhạc Dương thành có Trấn hồ trang.

Từ trong Trấn hồ trang, năm con ngựa phi ra, năm con ngựa trực chỉ hướng Động đình hồ.

Dĩ nhiên, trên lưng ngựa phải có kỵ sĩ.

Kỵ sĩ thứ nhất, ngồi trên lưng con Ô Truy, tay cầm ngọn Hồng Anh thương, vận y phục võ sĩ bằng lụa đen, đầu vấn khăn đen, có đôi mày lưỡi kiếm, thần sắc ngưng trọng phi thường.

Ánh mắt luôn chớp ngời, trong ánh mắt có niềm phấn khích dâng cao, lưng giữ thẳng, trông có oai nghi lắm lắm, mường tượng Lã Ôn Hầu ngày cũ, nếu ngựa xích thố, nếu thay y phục, thay vì màu đen là màu trắng...

Hoặc giả, cho người đó giống Triệu tử Long cũng chẳng ngoa, nhưng một Tử Long hơi chênh tuổi.

Bởi, kỵ sĩ còn trong lứa thiếu niên, và dù trong lứa thiếu niên, cái anh khí đã bốc cao, chứng tỏ bầu nhiệt huyết sôi động như sóng cồn.

Sương! Sương phủ đầy trời, Động đình hồ như bị che khuất bởi một vầng khói sóng, nhưng làm gì hồ có sóng to sinh khói?

Sương bàng bạc, sương khá dày, sương án khuất tầm mắt trước cảnh vật xa xôi.

Hơn mươi người tụ tập bên bờ hồ nghe tiếng vó ngựa, một trong bọn thốt :

- Vó ngựa vụt gấp như vậy, hẳn là Bửu Mã Thần Thương Lữ Vân, đệ nhất hảo hán vùng Tam Nương đến nơi đó!

Câu nói vừa dứt, thì đoàn kỵ sĩ đến nơi.

Thiếu niên ngồi trên lưng con Ô Truy vừa đến nơi, là oang oang cất tiếng :

- Lã Vân tại đất Nhạc Dương này, y hẹn mà đến, chẳng hay ai là Phương thiếu hiệp?

Bên bờ hồ một người bước tới, vòng tay đáp :

- Phương Bửu Ngọc ở đây lâu rồi, chờ đại giá đến!

Lữ Vân cấp tốc nhảy xuống ngựa vòng tay chào bốn phía, đoạn cao giọng :

- Vạn đại hiệp! Kim đại gia! Các vị thúc bá tiền bối! Xin tất cả tha thứ cho Lữ Vân này vì đeo vũ khí bên mình, nên không thể làm theo lễ.

Vạn Tử Lương, Kim Tổ Lâm và bảy đệ tử cùng nhau chào, lại nói mấy lời khiêm tốn.

Lữ Vân chú mắt nhìn thiếu niên vận chiếc áo rộng màu tím, tà áo bay phất phơ trước gió.

Thiếu niên điểm phớt nụ cười, nụ cười đó như ghi mãi trên vành môi, chẳng bao giờ rơi rụng.

Thiếu niên không cao lớn lắm, nhưng từ đầu đến chân, mọi bộ phận đều cân đối nhau lạ lùng. Tất cả những bộ phận đều hoàn toàn, quá hoàn toàn dù cho ai có khó tính đến đâu, cũng không che được một chỗ nào thừa thiếu, Đôi mắt thiếu niên sáng lạ lùng, ánh sáng ôn hòa, hiền dịu, nhưng không kém oai nghi.

Lữ Vân phải kính phục ngay trước thần thái đó.

Hắn vòng tay, điểm nụ cười, cất giọng sang sảng :

- Giao thủ với một nhân vật như thiếu hiệp, Lữ tôi thấy hân hạnh vô cùng, bình sinh chỉ hôm nay Lữ tôi mới thấy mình hân hạnh mà con nhà võ hằng mong ước. Giả sử Lữ tôi có bại nơi tay thiếu hiệp thì cái bại đó phải là một danh dự, chứ chẳng thể là một cái nhục được!

Phương Bửu Ngọc mỉm cười :

- Hôm nay tiểu đệ có cái ý lãnh giáo nơi huynh đài mà đến đây, chứ có phải đến để cầu thắng đâu! Tiểu đệ xin nhờ Vạn đại hiệp đóng vai trọng tài cho chúng ta xuất thủ, nếu có phân định hơn kém rồi thì lập tức ngưng thủ, có như vậy, mới tránh được điều đáng tiếc, và ít nhất hòa khí được bảo tồn!

Lữ Vân gật đầu :

- Toàn bằng ý muốn của thiếu hiệp!

Hai cánh tay hắn chuyển động, trường thương lay động chùm tơ đỏ nơi chuôi thương rung động.

Phương Bửu Ngọc lùi lại nửa bước, rút kiếm cầm tay, kiếm dài ba thước bảy tấc, thân kiếm màu tro, mờ mờ, không chiếu sáng như một thanh kiếm nào khác, thoạt nhìn, chẳng ai biết thanh kiếm bằng loại kim khí gì, nhìn kỹ, mới nhận ra là một thanh kiếm gỗ.

Kiếm gỗ thì còn chiếu sáng làm sao được?

Bửu Mã Thần Phương cau mày, cao giọng :

- Phương thiếu hiệp khinh thường ta? Tại sao lại dùng kiếm gỗ?

Phương Bửu Ngọc điềm nhiên :

- Thanh kiếm này là tặng vật của gia sư, có cái tên là Tâm Kiếm, tuy nó không chém sắt như chém bùn, nhưng nó biến ảo phi thường do cái tâm của mình, nó có thể là bảo kiếm, bằng thép tốt, bằng kim cương, hoặc bằng bất cứ chất liệu gì mình muốn!

Triết lý!

Dùng kiếm gỗ là một việc lạ, cái lạ còn tăng gia với phần triết lý đi kèm, cái lạ đó làm hoang mang đối phương không ít.

Lữ Vân chẳng thể thấu triệt được thâm ý của chàng, cho nên hắn bất mãn, cứ nghĩ rằng đối phương khinh thường mình nên sử dụng món vũ khí chẳng ra hồn.

Đối phương chừng như cho rằng hắn chưa phải là tay đối thủ và cuộc đấu không còn nghiêm trọng!

Hắn trầm giọng thốt :

- Đã thế thì thôi. Xin mời!

Tiếng mời vừa dứt, ngập trời bóng thương rợp sáng. Trường thương rít gió vi vu.

Thương là loại vũ khí hàng vương, thương được dùng như một loại vũ khí thuận lợi nhất tại sa trường, xung phong, phá trận, áp đảo dễ dàng vũ khí địch.

Nhưng giang hồ chẳng phải là sa trường, dù luôn luôn có cảnh giết nhau, luôn luôn có máu đổ, nên phần lớn cao thủ võ lâm không dám luyện tập thương pháp, cũng như không thích tập luyện.

Vậy mà Bửu Mã Thần Thương Tử Vân lại sở trường thương pháp.

Và phương pháp của hắn được luyện đến chỗ thần diệu. Hắn sử dụng thương rất thuần thục, linh ảo, tùy tâm, tùy ý mà biến hóa.

Trường thương của hắn, dài tám thước, vung lên, vun vút như rồng quẫy đuôi, như rắn lộn mình.

Phàm vũ khí, dài một tấc là mạnh thêm một tấc, thì ngọn thương dài tám thước lại được vũ lộng bằng một thủ pháp tân kỳ, hẳn cường lực phải là vô tưởng.

Thương ảnh ngời lên, bao trọn một vùng rộng hơn trượng tròn, che kín khắp người, địch đừng hòng bén mảng đến gần.

Cầm thanh kiếm gỗ trong tay, Phương Bửu Ngọc cứ chống kiếm nơi ngực, chẳng phát xuất chiêu nào, chàng chỉ nhảy qua, tạt lại, hoặc lùi hoặc tiến, lấy thân pháp ảo diệu hóa giải thương pháp của địch.

Lữ Vân sử dụng Liên hoàn tứ thập bát thương, đến chiêu thứ mười, mà Phương Bửu Ngọc chưa hoàn thủ.

Chừng như chàng không phương hoàn thủ, bởi thế thủ của đối tượng quá kín đáo, mà thế công cũng hùng mạnh khiến chàng chỉ thủ chứ chưa dám công.

Mạc Bất Khuất đứng bên ngoài cau mày trầm giọng :

- Phàm giao đấu, gặp đối phương dùng vũ khí dài, thì phải nhập nội, có vào gần địch, mới có cơ thủ thắng, chứ cứ chạy vòng bên ngoài xa, thì e cho...

Công Tôn Bất Trí tặc lưỡi :

- Võ công của Bửu Nhi tuy do thiên nhiên mà thành tựu, nhưng dù sao kinh nghiệm chiến đấu chưa dồi dào, đáng lẽ hắn phải tiến tới, đánh một vài chiêu bức bách địch, nhưng xem ra hắn còn do dự...

Bỗng Thạch Bất Vi kêu lên :

- Không lo! Rồi kia, hay lắm!

Võ học của Thiếu Lâm và Võ Đương hai phái, một chuyên hùng hồn, mãnh liệt, còn một thì chuyên nhẹ nhàng linh động, tuy khác nhau về mã vỏ, nhưng chung quy cũng chú trọng đến cái lối tiến công để bức bách tìm cái cớ thuận tiện tạo ưu thế trước nhất.

Nhưng Thạch Bất Vi vốn tánh trầm tịnh, do đó võ công của y cũng nương theo tính, lấy tịnh khắc động, lấy cái bất biến ứng phó với cái đổi dời vạn đoan, nhờ vậy y thấy cái dụng ý của Phương Bửu Ngọc, áp dụng phương pháp hậu phát chế nhân.

Phương pháp đó chỉ những người có thực học mới dám áp dụng, bởi có thực học mới dám tự tin và có tự tin mới để cho địch làm mưa làm gió lúc ban đầu.

Thần sắc Phương Bửu Ngọc bình hòa như thường, miệng như cười và không cười, tâm như chuyên chú mà cũng như mơ màng xa xăm, chàng cứ vờn vờn bên ngoài, không lùi xa lắm, mà cũng chẳng chịu nhập nội.

Giao đấu như vậy, có khác chi chờ đối phương đánh bại lúc quá mệt nhọc?

Lữ Vân càng phút càng hăng say, ngọn thương vung lên vùn vụt, lợi hại phi thường.

Bỗng Phương Bửu Ngọc cười nhẹ.

Lần này thì chàng cười thật sự.

Rồi chàng từ từ đưa thanh kiếm gỗ tới, vẫn ngang ngực, không lệch xuống mà cũng chẳng chếch lên.

Nhát kiếm đó, bình thường quá, nhẹ nhàng quá, chậm quá, nếu đối phương là một trẻ con thì trẻ con cũng tránh được dễ dàng.

Kiếm là thanh gỗ lại xuất chiêu như vậy, phỏng làm gì được địch?

Nhưng chiêu kiếm hết sức lạ lùng không giống một chiêu thức nào trong mấy mươi kiếm pháp lừng danh trên giang hồ đương thời. Mà cũng có lẽ từ nghìn xưa, chưa có ai biết chứ đừng nói là có thấy, hoặc có sử dụng.

Chiêu kiếm xuất phát, có công hiệu vô biên, đường thương của Lữ Vân đang cuồn cuộn, vun vút, bỗng gián đoạn liền.

Tuy đường thương gián đoạn, hắn chẳng hề rối loạn, bất quá hắn chỉ giật mình một thoáng, rồi hắn lùi lại, cúi lưng, xốc ngọn thương lại chuẩn bị tiến tới, tiếp tục cuộc đấu.

Nhưng thanh kiếm của Phương Bửu Ngọc đã kềm cứng mũi thương của Lữ Vân, xem thì chẳng thấy chàng dùng một điểm khí lực nào cả, song Tử Vân gồng tay, xốc ngọn thương cách nào nó vẫn không rời thanh kiếm.

Nó dính liền vào thanh kiếm gỗ bằng một chất nhựa vô hình, đã vô hình thì còn có cái gì chặt đứt?

Lữ Vân đã thay đổi mọi thủ pháp, hắn vẫn không sao điều động được ngọn thương, nó vẫn dính liền với thanh kiếm kia.

Phương Bửu Ngọc vẫn giữ nụ cười nhẹ, thần sắc vẫn an tường.

Trong khi chàng ung dung thì Lữ Vân khổ sở thấy rõ, hắn loay hoay mãi mà vẫn không sao điều động ngọn thương thoát ly chất nhựa vô hình đó.

Vạn Tử Lương hết sức hãi hùng, theo dõi từng chuyển biến của cuộc tương trì giữa song phương.

Cuối cùng Lữ Vân buông tay, bỏ thương, lùi lại ba bước, đoạn ngẩng mặt lên không, thở dài, thần tình quá ảm đạm.

Hắn chẳng thốt một lời nào.

Hắn thở dài mấy tiếng, lại cúi đầu, dáng bơ phờ.

Phương Bửu Ngọc từ từ tra kiếm gỗ vào vỏ. Chàng cúi xuống nhặt ngọn thương, bước tới, hai tay trao cho Lữ Vân, chàng cũng chẳng thốt lời nào, gọi là an ủi, khuyến giải.

Nhưng nụ cười trên môi chàng, ánh mắt của chàng, thay lời, bất cứ lời nào trên thế gian cũng chẳng tạo niềm cảm động nơi đối phương bằng nụ cười đó, ánh mắt đó.

Lữ Vân dù bại, vẫn không thấy nhục, mà cũng chẳng đáng buồn, hắn ngẩng đầu lên bật cười sang sảng :

- Tại hạ luyện võ hơn mười năm nay, cứ tưởng là mình học đúng phương pháp lắm rồi, ngờ đâu trên thế gian lại còn có một loại võ công của Phương thiếu hiệp, gồm những chiêu thức ảo diệu tinh kỳ vô tưởng!

Hắn thở dài, trầm ngâm một chút rồi tiếp :

- Chỗ tối diệu là chiêu thức được đưa ra rất đúng lúc, chẳng sớm quá mà cũng chẳng muộn quá. Như một quả cầu có một đường rạn nứt duy nhất, quả cầu đang lăn tròn, muốn phóng mũi tên trúng đường rạn nứt đó phải ức độ vòng lăn của quả cầu, vừa khi đường rạn nứt phơi bày, ức độ đúng thì mũi tên không lệch đích. Phương thiếu hiệp phóng mũi kiếm ngay chỗ ráp nối của hai chiêu thương thành ra phương pháp phải gián đoạn.

Vạn Tử Lương thở dài :

- Đó là chỗ ảo diệu nhất trong võ học, không sai không lệch, đúng cái cơ hội phát động!

Kim Tổ Lâm phụ họa :

- Chính hôm nay Kim Tổ Lâm này mới có dịp mở rộng tầm mắt!

Rất tiếc nơi đây không có rượu để tiểu đệ làm mấy trăm chén, đánh dấu cái ngày duy nhất trong đời giang hồ!

Lữ Vân chụp câu nói liền :

- Nếu các vị không hiềm tệ xá là nơi bẩn thỉu, tại hạ xin thỉnh tất cả đến đó, dùng mấy chén rượu nhạt...

Phương Bửu Ngọc mỉm cười :

- Xin để ngày khác sẽ đến phiền nhiễu quý trang, hiện tại, thì...

Lữ Vân trố mắt :

- Thiếu hiệp còn bận việc gì nữa?

Ngưu Thiết Oa cao giọng :

- Đại ca của tôi trong vòng hai tháng tới đây, phải giao chiến khắp bốn mươi thành, tiếp xúc với bốn mươi cao thủ, còn thì giờ đâu mà nghĩ đến rượu!

* * * * *

Gia Ngư thành!

Trước mặt có sông dài, thành có tường cao bao bọc, trong thành có Song Ngư tiêu cục, một tiêu cục có uy tín nhất vùng Giang Nam, nơi nào có tiêu cục phất phới là hào kiệt Giang Nam kể cả hắc bạch lưỡng đạo đều tranh nhau nghinh đón, giao tình.

Sáng lập tiêu cục, ngày xưa là hai anh em cao niên rồi Nhị Hiệp Ngư Ngân Giáp thọ chung, còn lại đại hiệp Ngư Kim Giáp.

Từ ba năm trước đây, đại hiệp Ngư Kim Giáp cũng lui về sống cái kiếp nhàn hạ, tránh trường thị phi an hưởng chuỗi ngày thừa.

Nhị hiệp quy tiên, đại hiệp quy ẩn, nhưng Song Ngư tiêu cục ngày càng khởi sắc, uy tín vững mạnh như ngày nào.

Cái thanh danh đó được duy trì là nhờ chủ nhân tiêu cục đời thứ hai có tài điều khiển khai thác.

Chủ nhân đời thứ hai là con trai của nhị hiệp Ngư Ngân Giáp.

Chủ nhân là Ngư Truyền Giáp, ngoại hiệu Giang Thượng Phi Hoa, võ công hẳn nhiên là cao cường rồi, mà con người lại ưa hoạt động, trí óc tinh minh, xứng đáng là một thiếu niên tài tuấn tại đất Giang Nam.

Một buổi sáng tinh sương...

Bên ngoài Gia Ngư thành, nơi ven sông dài, có mặt bọn Vạn Tử Lương và Kim Tổ Lâm, Ngưu Thiết Oa, bảy đệ tử của Bạch Tam Không.

Dĩ nhiên phải có thiếu niên áo tím, họ Phương, tên Bửu Ngọc.

Tuy sáng sớm, gió chưa về từng cơn mạnh, giòng sông vẫn cuộn sóng dồn.

Sóng lượn đều đều, đuổi nhau dọc theo giòng dài vô tận, vầng thái dương vén mây nhìn xuống, nhìn ánh chớp muôn màu sắc, phản chiếu trường giang, tạo cái cảnh bình minh vô giá.

Kim Tổ Lâm tặc lưỡi :

- Ngư Truyền Giáp thế mà ngạo mạn đấy. Mãi đến bây giờ cũng chưa đến nơi!

Vạn Tử Lương thốt :

- Nếu hắn có ngạo mạn, cũng chẳng phải là việc lạ, bởi vùng Giang Nam này còn ai không nể hắn? Võ công đã cao cường, chiêu thức tuyệt độc, hắn lại còn sở trường một loại ám khí lợi hại phi thường, nhìn cái túi Phi Ngư thích bên mình hắn, ai ai cũng phải rợn người.

Công Tôn Bất Trí đưa ra nhận xét :

- Kể ra Ngư Truyền Giáp cũng là tay hữu hạng đấy, một mặt hắn thi triển tuyệt học Đao Trung Hiệp Quải, Địa Tranh Tam bách lục thập chiêu, mặt khác hắn sử dụng ám khí, thủ đoạn lợi hại ngang nhau. Sau ngày Ngư Kim Giáp quy ẩn, hắn thừa kế sinh hoạt tổ phụ, điều khiển tiêu cục, có lần chạm trán với Náo Giang Long, một tay hiệt kiệt trên mặt trường giang, Náo Giang Long muốn cuỗm một số tài vật do tiêu cục Song Ngư hộ tống, lần đó bị Ngư Truyền Giáp dùng tuyệt kỹ Nhất Thủ tam tuyệt chiêu đánh bại. Xem đó đủ biết võ công của hắn cao cường đến bậc nào. Bửu Nhi nếu gặp hắn, phải hết sức dè dặt mới được.

Phương Bửu Ngọc cười nhẹ, chưa kịp nói gì, thì Ngưu Thiết Oa đã cất tiếng :

- Đến rồi kìa!

Gã có nhãn lực rất khá, hơn nữa thân hình lại cao, gã nhìn thấy trước những người khác là dĩ nhiên rồi. Cái gì ở xa, còn khuất tầm mắt mọi người, thì gã đã thấy, gã như một tòa viễn vọng đài.

Một đoàn người dọc theo ven sông, từ xa tiến đến, đi đầu là một người có thân hình lùn, thấp, y phục rực rỡ.

Người đó có bộ pháp rất nhanh.

Vạn Tử Lương thốt :

- Người đó là Giang Thượng Phi Hoa Ngư Truyền Giáp đấy!

Kim Tổ Lâm cau mày :

- Lúc đến nơi ước hội, thì Lữ Vân chỉ mang theo bốn kẻ tùy tùng, sao gã này lại mang rất nhiều người theo như vậy? Gã muốn thị oai với chúng ta chăng? Hắn muốn dựa vào số đông để thủ thắng?

Vạn Tử Lương trầm ngâm một chút :

- Gã là con người có nhiều cơ trí, tánh tình âm trầm, song chẳng phải là hạng gian hoạt, bọn người theo gã có thể là những kẻ hiếu kỳ, nghe có cuộc so tài nên muốn dự khán đó.

Đúng như sự ức đoán của Vạn Tử Lương, đoàn người đi theo Ngư Truyền Giáp có mấy vị tiêu đầu, còn thì hơn ba mươi người kia toàn là những danh thủ trong vùng phụ cận, chẳng kể đêm ngày vượt đường dài, quyết đến nơi kịp lúc để mục kích cuộc so tài hi hữu này.

Họ đã nghe thiếu niên áo tím đánh bại Bửu Mã Thần Thương Lữ Vân tại Nhạc Dương thành, họ đến Ngư gia thành vừa mục kích cuộc chiến vừa xem mặt vị thiếu niên tài tuấn.

Nơi đôi mày của Ngư Truyền Giáp ẩn hiện cái vẻ tự đắc, nơi ánh mắt thoáng lộ cái ngạo khí, hắn đến với cái dáng dương dương, như đã nắm chắc cơ cái thắng ngay từ lúc chưa bước ra khỏi nhà, ngay từ lúc chưa biết mặt mày đối thủ ra sao.

Đến nơi ước hội, mà vận y phục rực rỡ như vậy là mất cái nhã nhặn, cái khiêm tốn của con nhà võ, mà phàm người càng có tài cao thì lại càng tỏ ra nhã nhặn, khiêm tốn mới có được cái tác phong hào hiệp.

Đến nơi giao đấu, tranh tài, rất có thể mình thảm bại, thì khi thảm bại rồi, thì mình bẽ bàng làm sao với y phục rực rỡ đó?

Màu sắc chói lọi sẽ là một mỉa mai hùng hồn đối với nhục bại.

Ngư Truyền Giáp hoặc không nghĩ đến điều đó, hoặc có nghĩ nhưng hắn đinh ninh là mình sẽ thắng. Thắng là huy hoàng, thì y phục phải huy hoàng mới hợp tình, hợp cảnh.

Hắn đưa tay tiếp nhận vũ khí do một gia nhân trao cho.

Vũ khí của hắn là một thanh đao, nhưng đao lại có hình thức quảy, như Công Tôn Bất Trí đã nói Đao Trung Hiệp Quảy.

Quảy là một loại trượng, mà đao lại có hình quảy, như vậy khác nào trượng có lưỡi bén, mũi nhọn như đao?

Phương Bửu Ngọc từ từ bước tới, vòng tay, nghiêng mình điểm một nụ cười :

- Phương Bửu Ngọc này chờ đợi tôn giá đã lâu!

Tuy tuổi chưa cao, Ngư Truyền Giáp có thái độ trầm tĩnh phi thường, chừng như hắn chẳng chịu làm một cử động hay thốt một ngôn từ thừa thãi, hắn chú mắt nhìn Phương Bửu Ngọc.

Ánh mắt hắn ngời niềm tán thưởng rõ ràng.

Vân Mộng đại hiệp Vạn Tử Lương đóng vai trò giám cuộc, nói mấy câu ngắn ngủi, đại khái những ước lệ của cuộc giao đấu.

Bọn người đi theo Ngư Truyền Giáp thì thầm bàn tán.

- Cây có bóng, người có danh, cây lớn thì bóng to, người anh hùng mới có thanh danh trọng đại. Vạn đại hiệp quả thật có nghi biểu phi phàm. Chẳng biết Vạn đại hiệp có liên hệ gì chăng với thiếu niên họ Phương đó?

- Bảy người kia, hẳn là đệ tử của bảy môn phái lớn trên giang hồ mà gần đây võ lâm thường nhắc tới. Người nào cũng lồ lộ hùng oai, dũng khí, có thể họ có liên quan mật thiết đến Phương thiếu hiệp.

- Trời! Còn hảo hán kia! Đúng là một trang đại hán! Hắn là ai?

Còn ai biết hắn là ai?

Trên giang hồ, rất ít người biết đến lai lịch của Phương Bửu Ngọc, thì làm gì có người biết được Ngưu Thiết Oa là ai?

Bất quá, họ biết gã là một đại hán có vũ dũng phi thường, gã là một người có thân vóc hộ pháp, đúng với danh từ hộ pháp.

Ngư Truyền Giáp từ từ thốt :

- Lữ Vân có đưa tin sang, cho biết là võ công Phương thiếu hiệp siêu thần, nhập hóa, Phương thiếu hiệp là vì sao sáng vừa xuất hiện trên vòm trời võ lâm. Ngư tôi hết sức vui mừng vì được dịp tiếp xúc với một bậc thiếu niên tài tuấn, học hỏi thêm cái lạ cái hay!

Phương Bửu Ngọc khiêm tốn, nghiêng mình :

- Huynh đài quá khen!

Ngư Truyền Giáp lại tiếp :

- Ngư tôi ngay từ thuở nhỏ từng nghe các vị thúc bá nói là trong giang hồ xuất hiện một thần đồng được Tử Y Hầu ủy thác cho cái việc nghinh tiếp người áo trắng bảy năm sau. Vị thần đồng đó từng cứu nạn cả gia đình Tử Y Hầu sau ngày Hầu gia chết, vị thần đồng đó đại phá Thiên Phong trại, rồi trên lầu Hoàng hạc dùng miệng lưỡi thuyết phục quần hùng phá vỡ gian mưu của Vương Bán Hiệp. Giờ đây đối diện với Phương huynh, nếu sự suy đoán của Ngư tôi không lầm, thì Phương huynh là...

Phương Bửu Ngọc cười nhẹ :

- Đúng đấy! Đứa bé ngày xưa, có những hành động ngông cuồng đó, chính là Phương Bửu Ngọc.

Trong đám người đứng vây xung quanh, có tiếng hoan hô, trong những tiếng hoan hô, có âm thanh của một nữ nhân.

Ngư Truyền Giáp vẫn giữ thần thái trầm tĩnh, y điểm một nụ cười thốt :

- Thực ra, sự suy đoán đó, chẳng phải do Ngư tôi, mà chính là em gái của tại hạ. Bây giờ suy đoán đó đúng rồi, thì có lẽ Phương huynh phải bị phiền phức nhiều lắm...

Phương Bửu Ngọc lấy làm lạ :

- Tại sao, Ngư huynh?

Ngư Truyền Giáp mỉm cười tiếp :

- Tiện muội, lúc ấu thời, hết sức sùng bái vị thần đồng đó. Tiện muội có dặn tại hạ phải hỏi cho rõ ràng, nếu sự thật đúng như suy đoán thì...

Y do dự một chút.

Trong khi y do dự, thì từ trong đám đông, hai bóng người vọt ra, tuy mặc áo rộng, dài, tuy chít khăn vuông, tuy vận y phục phái nam, nhưng ánh mắt lại là phái nữ.

Thoáng nhìn qua, ai cũng biết là nữ cải dạng thành nam.

Hai bóng đó, một mặc xanh, một mặc đỏ, lướt đến trước mặt Phương Bửu Ngọc, cả hai nàng, nàng xanh cũng như nàng đỏ, cùng đỏ mặt, cùng nở một nụ cười, nụ cười e thẹn say sưa.

Say sưa mà nhìn, càng nhìn càng thẹn, biết thẹn nhưng vẫn nhìn, hai nàng không thốt tiếng nào.

Ngư Truyền Giáp đưa tay chỉ nàng áo xanh :

- Tiện muội đấy, nó tên là Phượng Giáp.

Y giới thiệu tiếp :

- Còn vị cô nương mặc áo đỏ kia, là Phùng tố Vân, vị thiên kim tiểu thư của Phùng thiết Chưởng tại đất Giang Nam.

Y mỉm cười, mở lối cho hai nàng :

- Cả hai định hỏi Phương huynh gì đó, để lưu niệm đời đời!

Trước khi ác chiến, lại có cái chuyện cầu tình thì cũng thích thú cho người trong cuộc lắm chứ?

Mà, khách bàng quan cũng có thú vị lây, tất cả cùng vỗ tay cười lớn.

Bất giác Phương Bửu Ngọc đỏ mặt.

Chàng cũng chẳng biết phải nói những lời gì, đáp lại Ngư Truyền Giáp.

Ngư Phượng Giáp và Phùng Tố Văn nhận ra, chàng chưa đỏ mặt, còn đẹp tuyệt vời, chàng đỏ mặt rồi càng đẹp hơn mấy phần, và thần thái đó làm say lòng người hơn là rượu mạnh.

Hai nàng chớp chớp mắt, đột nhiên bước tới, mỗi nàng nắm một tay áo của chàng, mỗi nàng cắt một mảng áo của chàng, rồi bước lùi lại.

Phương Bửu Ngọc nằm mộng cũng không tưởng là hai nàng can đảm đến mức độ đó.

Chàng giật mình, ngây người.

Là thiên kim tiểu thơ, xuất thân từ thế gia võ lâm, sống nương bóng cha anh, được nuông chiều quá độ, thành tánh nũng nịu vòi vĩnh, thường nhật nhàn hạ, nhàn quá đến nỗi chỉ còn biết nghĩ vu vơ qua ngày, đoạn tháng, khi cái hứng dâng lên, dù là cái hứng quái dị, hai nàng vẫn dám làm những việc phi thường, thì cái việc cắt chéo áo của chàng trai xinh đẹp nào phải là việc lên trời, hoặc một tội trọng sát nhân mà hai nàng chẳng dám làm?

Đám người bàng quan lại vỗ tay, reo hò, tiếng cười vang dội.

Ngư Truyền Giáp hết sức bối rối, vòng tay ấp úng :

- Tiện muội vô lễ quá, xin Phương huynh thứ cho.

Đoạn y chỉnh sắc mặt, tiếp :

- Giờ thì xin Phương huynh chỉ giáo cho tại hạ!

Phương Bửu Ngọc lấy lại bình tịnh, đáp :

- Xin mời huynh đài!

Vũ khí của Ngư Truyền Giáp thuộc ngoại môn, không hoàn toàn là một trong mười tám loại của con nhà võ thường dùng.

Nơi tay hữu của y, hiện tại có một vật hơi mường tượng là một đoản đao, nhưng hình thức hết sức quái dị, dài độ hai thước.

Tay tả của y cầm một ngọn thiết quảy, song hết sức nhỏ, nhỏ hơn bất cứ quảy trượng nào khách giang hồ thường dùng, nhỏ gần như chẳng phải là một vật dùng trong cuộc giao đấu.

Nếu cho rằng hai vật đó là những vật của trẻ con múa may đùa giỡn, cũng không ngoa tí nào.

Nhưng nhìn hai vật đó, Phương Bửu Ngọc chẳng dám khinh thường.

Bởi chàng hiểu phàm vũ khí càng ngắn, càng nhỏ, thì càng lợi hại.

Ngư Truyền Giáp cầm hai món vũ khí đó, hét lên một tiếng, cúi thấp mình xuống, chạy vòng vòng xung quanh Phương Bửu Ngọc, chạy như con khỉ làm trò, bất thình lình quét quảy ngang đối phương, còn thanh đao thì lòn dưới ngọn quảy, đâm tới.

Thanh đao nhắm trung bộ của Phương Bửu Ngọc bay qua.

Chiêu thức đó chẳng có gì phi thường cả.

Phương Bửu Ngọc lách mình qua một bên, né tránh.

Ngư Truyền Giáp biến thế, công tiếp liền. Y đưa ra một thoáng đúng ba chiêu, dùng ngọn quảy làm chủ lực, còn thanh đao thì chỉ tiếp trợ thôi, tuy tiếp trợ song vẫn lợi hại như thường.

Bây giờ thì những người đứng xem bên ngoài mới biết tại sao Ngư Truyền Giáp mặc y phục hoa lệ như vậy.

Thì ra màu sắc y phục chớp lên theo sự di động của y, rồi thép đao chớp lên, ánh chớp của hai thứ đó làm hoa mắt đối phương, khó mà nhận định được rõ ràng chiêu thức của y.

Qua ánh chớp đó, không ai còn thấy thân hình của Ngư Truyền Giáp chuyển động như thế nào nữa.

Ngư Truyền Giáp đã đánh ra hơn mười chiêu rồi, mà Phương Bửu Ngọc chỉ tránh né, chứ chưa hoàn thủ.

Những người đứng bên ngoài chờ mãi, chẳng thấy chàng xuất chiêu, có người không dằn được tính nóng, gọi to :

- Phản công chứ, Phương Bửu Ngọc!

Người vừa gọi đó, lạ lùng thay, lại chính là Ngư Phượng Giáp, em gái của Ngư Truyền Giáp.

Nàng giục chàng đánh trả lại anh chàng!

Kim Tổ Lâm lắc đầu thở dài :

- Xem ra sau này Phương Bửu Ngọc sẽ hưởng rất nhiều diễm phúc, song dù sao thì hắn cũng phải gặp nhiều phiền phức với cái bọn giai nhân. Chắc chắn là hắn sẽ phải khổ sở vì nữ sắc, dù hắn không hiếu sắc!

Mạc Bất Khuất cau mày :

- Biết làm sao, khi hắn là một mỹ nam tử! Mong rằng hắn đừng mê luyến các nàng như các nàng mê luyến hắn.

Bỗng Mạc Bất Khuất kêu lên :

- Á! Á!...

Thì ra mũi đao của Ngư Truyền Giáp sắp sửa chạm vào bụng của Phương Bửu Ngọc.

Tình thế hết sức hiểm nguy cho chàng. Thấy cái nguy đó, Mạc Bất Khuất mới kêu lên, chính y, y cũng chẳng biết phải hóa giải thế đao đó cách nào cho kịp thời...

Cho nên y lo sợ.

Nhưng y lo sợ cho Phương Bửu Ngọc vô ích. Bằng một thân pháp cực kỳ linh diệu, chẳng ai thấy kịp chàng di động như thế nào, chàng tránh ngọn đao đó dễ dàng.

Đồng thời, cũng chẳng ai thấy chàng rút thanh kiếm gỗ ra từ lúc nào, sau khi chàng lách mình trách mũi đao thì tay chàng đã cầm thanh kiếm.

Thanh kiếm đó bay ra, xuyên qua vùng đao quang, quảy ảnh, rồi một loạt tiếng lạch cạch vang lên, đao quang và quảy ành như bị cuồng phong dồn về phía hậu, xa vị trí chiến đấu hơn bảy thước, tắt phụt.

Ngư Truyền Giáp từ dưới đất, lồm cồm chỗi dậy, tay đao, tay quảy đều buông thõng.

Chẳng ai thấy tại sao Ngư Truyền Giáp bại nơi tay Phương Bửu Ngọc.

Phần Phương Bửu Ngọc, chàng đưa thanh kiếm gỗ lên, lấy tay vuốt dài theo thân kiếm, hơn mười vật sáng loáng từ thân kiếm rơi ra, nằm gọn trong tay chàng.

Những vật đó, là những mũi Phi Ngư Thích.

Trong lúc thoái hậu, ngã xuống đất, Ngư Truyền Giáp đã phóng trái lại hơn mười mũi phi ngư thích, song Phương Bửu Ngọc khoa thanh kiếm gỗ hứng trọn những ám khí đó, như chiếc khiên da hứng những mũi tên.

Mạc Bất Khuất thở dài :

- Võ công Ngư Truyền Giáp khá cao đó, mà món Phi ngư thích đúng là sở trường của hắn! Kể ra, hắn cũng là một tay lợi hại!

Vạn Tử Lương mỉm cười :

- Khen hắn, là gián tiếp khen Phương Bửu Ngọc, đối phương càng lợi hại thì Phương Bửu Ngọc càng phi thường, có phi thường mới chế ngự được tay lợi hại.

Kẻ bàng quan vỗ tay, reo hò, trong tiếng hoan hô, có âm thanh nữ nhân, nhưng Ngư Phượng Giáp thì im lặng, ánh mắt nàng ngời lên niềm thán phục, có pha lẫn say sưa.

* * * * *

Chương trình dự định đánh đúng bốn mươi trận, với Lữ Vân, với Ngư Truyền Giáp, Phương Bửu Ngọc đã đánh xong hai trận rồi.

Còn lại ba mươi tám trận.

Giờ đây, chàng và bọn Vạn Tử Lương đang ở trên con đường lớn tại thành Hiệp phí phía Bắc vùng Sào Hồ.

Con đường đó, rất dài, từ hướng Tây dẫn thẳng đến hướng Đông, dài không thấy tận đầu, mặt đường rộng đủ cho hai cỗ xe chạy song song, hai bên đường có phố, có lẽ cũng khá rộng, khác bộ hành xuôi ngược dập dìu.

Người bản xứ khá đông, mà kẻ từ đấy Hoán Châu đổ về học tập tại ngôi trường danh tiếng của vùng này cũng chẳng ít.

Ngày thường đã vậy, hôm nay còn náo nhiệt gấp mấy lần.

Náo nhiệt vì anh hùng hào kiệt quy tụ một số lớn, họ đang có mặt tại võ trường Thiên Kiều.

Võ trường nằm trên một con đường đó, một con đường chạy dọc ven sông dài, bờ Bắc đến tận dòng Dĩnh Thúy, theo đường dân cư phần đông hoặc tập văn, hoặc luyện võ, chứ không như ở những con đường khác, thiên hạ chuyên thương trường hay nông nghiệp.

Bên cạnh thương trường, có tòa Thiên Kiều đại tửu lâu, sinh ý rất thịnh vượng, khách hàng phần lớn là hào kiệt anh hùng, từ bốn phương sông hồ qua lại tạm dừng chân.

Tửu lâu cứ đến hoàng hôn là không còn một bàn trống, khách ăn uống bàn bàn, luận luận, nói cười, câu chuyện chỉ quanh quẩn về võ học.

Gần đây, đề tài câu chuyện giữa thực khách dần dần thay đổi, họ bắt đầu bàn bạc về một vị thiếu niên tài tuấn vừa xuất hiện trên giang hồ.

Thiếu niên, dĩ nhiên là Phương Bửu Ngọc.

Một lão nhân thốt với niềm cảm khái bốc cao trong ánh mắt :

- Lão phu từng bôn tẩu bốn phương suốt mấy mươi năm dài, nghe cũng nhiều, thấy cũng lắm, tuy nhiên chưa hề biết có kẻ nào thành danh sớm, sớm trên chỗ tưởng, như một Phương Bửu Ngọc đời này!

Một người khác tiếp nối :

- Chỉ trong vòng một thời gian ngắn, độ mươi hôm, mà tạo được thanh danh chấn động khắp sông hồ, thiết tưởng cũng là một sự kiện hi hữu trong võ lâm đấy! Phương Bửu Ngọc quả là một kỳ tài!

Một người nữa phụ họa :

- Lần thứ nhất trên giang hồ, Phương Bửu Ngọc giao thủ với Bửu Mã Thần Thương Lữ Vân, chàng ta chưa có mảy may kinh nghiệm chiến đấu, vậy mà cũng thủ thắng dễ dàng, rồi từ cuộc này đến cuộc khác, qua mỗi lần giao thủ là mỗi dịp cho chàng ta rút kinh nghiệm, hiện tại thì chàng đã già dặn lắm rồi! Thử kể xem chàng ta thắng được những ai :

Bửu Mã Thần Thương Lữ Vân bên cạnh hồ Động Đình, Giang Thượng Phi Hoa Ngư Truyền Giáp tại Ngư gia thành, Khuôn Tân Sanh tại Võ Xương, Đơn Nghi Thành tại Cửu Giang, Cao Quan Anh tại Nam Xương, Triệu Kiếm Minh tại Kỳ Môn, những danh thủ đó đều bị chàng ta đánh bại.

Một người tặc lưỡi :

- Rất tiếc chúng ta từ miền Bắc xuôi về Nam, tin tức thất thường, thành ra lỡ mất bao nhiêu dịp mục kích cái tài cao của Phương Bửu Ngọc, cứ mỗi lần đến tận nơi, là cuộc chiến đã xong!

Một người chừng như rất thạo giải thích :

- Kiếm pháp của Phương Bửu Ngọc cao diệu không thể tưởng, kiếm pháp do thiên ý mà thành chứ không phải con người truyền dạy, cứ vung tay là kiếm tùy theo ýý, muốn làm sao thì đắc thủ làm vậy, chẳng cần chiêu thức, theo cái sáo, cái quy củ của các kiếm pháp thông thường của bất cứ môn phái nào.

Có tiếng thở ra :

- Đem kiếm pháp của chàng ta so sánh với kiếm pháp của người áo trắng độ nào đánh bại Tử Y Hầu chẳng rõ kiếm pháp nào cao minh hơn...

Người vừa giải thích tiếp nối :

- Gì thì chẳng biết, chứ kiếm pháp của người áo trắng, cứ chớp sáng lên chừng như y chú trọng đến kiếm quang, kiếm ảnh, còn Phương Bửu Ngọc thì thủ pháp rất kinh dị, kiếm xuất ra, không rít gió, chừng như chẳng mảy may phát động cái khí thế bức người...

Bỗng, một đại hán cao giọng chen vào :

- Tiểu đệ vừa từ Giang Nam đến đây, may mắn được trong thấy Phương Bửu Ngọc hiển lộng tuyệt học, nhờ vậy mà biết được rõ ràng hơn những lời truyền thuyết trên giang hồ. Cuộc chiến tại Tiểu Cô Sơn tiểu đệ được chứng kiến từ đầu đến cuối!

Có kẻ reo lên :

- Tiểu Cô Sơn? Căn cứ của Đa Tý Hùng Ngụy Báo? Chẳng lẽ Ngụy Báo cũng thất bại hả?

Đại hán đó gật đầu :

- Họ Ngụy bại nơi tay Phương Bửu Ngọc! Ngụy Báo thay đổi bốn loại vũ khí: Đao thương, côn, bút, dùng đến tám món ám khí tiêu, châm, đạn, tiễn, nổ, tật lê, hoàn, vẫn không làm sao áp đảo được Phương Bửu Ngọc. Cuối cùng đại hiệp phải nhận bại!

Một người kêu lên :

- Trên thế gian này, làm gì có kiếm thuật siêu nhiên như vậy? Điều đó dù là sự thực, nhưng thuộc loại sự thật khó tin!

Đại hán tiếp :

- Đúng vậy, nếu chẳng chính mắt trông thấy, dù ai bức tử tiểu đệ cũng chẳng tin nổi! Hôm đó, có hơn năm trăm bằng hữu giang hồ dự khán cuộc đấu, tiểu đệ nhìn ra thì chẳng một ai không biến sắc. Mọi người xem chiến, ngây ngất xuất thần, khi bừng tỉnh cơn mê thì Phương thiếu hiệp đã biến mất dạng, thành những kẻ hiếu kỳ muốn thỉnh giáo một vài điều, phải mang tuyệt vọng mà rời Tiểu Cô Sơn!

Có người lấy làm lạ hỏi :

- Tại sao Phương thiếu hiệp bỏ đi? Có sợ gì chăng?

Đại hán mỉm cười :

- Huynh đài nào biết được, Phương thiếu hiệp bỏ đi là để tránh sự phiền nhiễu do bọn thiếu nữ gây nên.

Người trước đó hừ một tiếng :

- Thiếu nữ? Thiếu nữ nào mới được chứ? Tại sao lại có nữ nhân trong vụ?

Đại hán tiếp :

- Sự việc bắt nguồn từ hai vị cô nương Ngư Phượng Giáp và Phùng Tố Văn tại Ngư gia thành. Cả hai cô nương quá ái mộ cao tài của Phương thiếu hiệp, chẳng kể thẹn thùng, đã cắt mất của thiếu hiệp hai chéo áo, giữ mảnh vải đó làm vật lưu niệm. Sự việc đó được truyền đi khắp nơi, gây nên một phong trào, phàm thiếu nữ xuất thân từ gia đình hào hiệp đều theo đuổi Phương thiếu hiệp, tất cả cùng muốn có một vật lưu niệm như hai cô nương kia, cho nên sau mỗi cuộc chiến, Phương thiếu hiệp phải lẻn đi như vậy. Nếu cứ mỗi nơi nào có cuộc chiến, mà bỏ lại một vài chéo áo, cuối cùng thì phải để mình trần, rồi cắt chẳng được chéo áo nào, các thiếu nữ dám cắt đến da thịt lắm!

Có mấy người cùng kêu lên :

- Trời! Trời! Lại có những quái sự như vậy! Ái mộ chi mà bất nhân thất đức thế chứ!

Đại hán lại tiếp :

- Chính tiểu đệ có nhìn các thiếu nữ đứng xem cuộc chiến, tất cả đều ngây người, như bị một hấp lực thu hút mãnh liệt! Đúng là cái cảnh si cuồng không tưởng tượng nổi!

Rồi đại hán đó kết luận :

- Thực ra tiểu đệ nhìn nhận là Phương thiếu hiệp rất khôi ngô tuấn tú, gọi là mỹ nam tử cũng chưa đủ mô tả cái vẻ đẹp của chàng!

Mỗi người một câu, ai ai cũng hoan nghênh, cũng ngưỡng mộ chàng!

Có kẻ hỏi bâng quơ :

- Chẳng rõ, sau những cuộc chiến đó, Phương thiếu hiệp sẽ đi đến đâu nữa?

Đại hán nọ đáp :

- Bởi tránh mọi sự phiền nhiễu do bọn người ái mộ, Phương thiếu hiệp hành tung bí mật, nên chẳng ai biết được người sẽ đi tới đâu. Tuy nhiên tiểu đệ nghe rằng, cuộc chiến sắp tới đây sẽ khai diễn với trường chủ võ trường Thiên Kiều này, vì thế mà tiểu đệ chẳng quản ngày đêm, kiêm trình đến đây cho kịp mục kích!

Có mấy người cùng phụ họa :

- Bọn này cũng nghe như vậy, và cuộc chiến phải khai diễn sáng hôm nay. Nhưng đã đến đây chờ chực mãi, chúng tôi chẳng thấy gì cả...

Bỗng có một người vận y phục gấm từ xa chạy đến, mặt lộ vẻ hân hoan, vừa bước lên lầu, vừa thở, vừa thốt :

- Đến, đến rồi!...

Người vận y phục gấm, là một thiếu niên, tên Lý vĩnh Thanh, đệ tử của trường chủ võ trường Thiên Kiều.

Mọi người nhao nhao lên, hỏi :

- Đến! Cái gì đến?

Lý vĩnh Thanh cười hì hì đáp :

- Các vị chờ đợi chẳng uổng công chút nào! Phương thiếu hiệp vừa gửi thư tới, bức thư hiện trong tay gia sư!

Bầu không khí càng ồn ào hơn :

- Chiến thư! Chiến thư đã đến! Hẳn người cũng đã đến! Đi! Chúng ta đi xem cho biết vị thiếu niên tài tuấn đó như thế nào!

Một người hừ nhẹ :

- Đi? Đi đâu? Thành Hiệp Phì to lớn thế này, còn ai biết Phương thiếu hiệp ngụ nơi nào mà tìm?

Một kẻ lập luận :

- Dù có tài nghệ đến mức độ nào, Phương Bửu Ngọc cũng là một con người bằng xương, bằng thịt, hắn phải biết mệt mỏi, phải biết tĩnh dưỡng chứ, trước khi giao chiến ác liệt cần phải nghỉ ngơi cho sức khỏe dồi dào, lý nào ngao du lồ lộ trên đường trên phố mà toan đi tìm?

Một người bàn :

- Đúng vậy! Có lẽ hiện giờ chàng ta đang ở trong nhà một vị bằng hữu võ lâm nào đó! Nếu không nữa thì cũng ở trong một khách sạn nào an tịnh! Tìm không được đâu!

Cái tin đó được truyền ra, chẳng mấy phút mà khắp thành Hiệp Phì đều hay biết.

Bọn người đó, tuy nói thế, song vẫn đổ xô đi tìm, có người tìm trong những khách sạn nội thành, có người ra tận ngoại ô...

* * * * *

Hai cỗ xe mui đen, xe sau nối xe trước, từ từ qua cửa thành vào khu phố.

Hai cỗ xe dừng lại trước một khách sạn bình thường.

Từ trên xe, Vạn Tử Lương, Kim Tổ Lâm, bảy đệ tử, Phương Bửu Ngọc và Ngưu Thiết Oa bước xuống, vào khách sạn.

Vạn Tử Lương mỉm cười thốt :

- Chủ ý của Công Tôn nhị hiệp hay lắm đó, phải để cho họ vào đây tìm kiếm chúng ta rồi, họ đi ra là chúng ta vào, như vậy thì tránh được sự phiền nhiễu của họ!

Công Tôn Bất Trí lúc còn theo học với Thanh Bình kiếm khách Bạch Tam Không từng được sư phó khen là con người có tâm cơ, tuy cơ trí của y chưa được truyền dương trên giang hồ, song mấy lúc sau này Vạn Tử Lương hết sức khâm phục.

Bây giờ, một lần nữa, y tỏ rõ cái cơ trí đó, bằng cách chờ cho mọi người hiếu kỳ tìm tòi lục lạo ngôi khách sạn này rồi, cả bọn mới kéo vào.

Dĩ nhiên, họ chẳng bao giờ trở lại đây, tìm lần thứ hai, họ còn phải đi tìm những nơi khác.

Từ lúc rời khu rừng của Kim Tổ Lâm, tuy có Vạn Tử Lương điều động chuyến viễn hành, song chính Công Tôn Bất Trí hoạch định đường đi nước bước, nơi nào nên đến trước, nơi nào sau, đi theo con đường nào tránh sự dòm ngó của những kẻ hiếu kỳ.

Nhờ vậy, đoàn người mới được an tịnh tối đa.

Bởi là cuộc chiến liên tục, mọi người đều thỏa thuận là chỉ ăn, cần ăn cho có đầy đủ sức khỏe nhưng cấm uống.

Kim Tổ Lâm bắt buộc phải tuân theo đa số, tuy nhiên vẫn không giấu được vẻ buồn buồn.

Con sâu rượu, vớt ra khỏi vò rượu, bỏ trên khô, liệu con sâu đó có sống nổi không?

Kim Tổ Lâm vẫn sống được đấy chứ, nhưng sống khổ sở vô cùng, y chẳng mong gì hơn là cuộc chiến vòng quanh đất nước này sớm chấm dứt, để cho y tiếp nối cái thú say nồng.

Vào khách sạn, trước khi chọn nơi ngủ, phải kiếm cái ăn.

Trong khách sạn, chẳng biết do ai bày biện, có sẵn một bàn tiệc thức ăn bốc khói thơm phưng phức, trên bàn có mấy vò rượu ngon.

Kim Tổ Lâm thở dài :

- Kẻ nào đó, có diễm phúc mấy đời mà được vò rượu chực chờ như vậy, ta còn kém, kém xa!

Công Tôn Bất Trí cau mày, gọi tiểu nhị, hỏi :

- Bàn tiệc của ai đây? Nếu phòng ăn không còn chỗ, thì ngươi nên dọn bữa ăn cho ta ngay trong phòng ngủ cũng được.

Tiểu nhị mỉm cười :

- Tiệc này là của các vị, chứ còn của ai nữa?

Công Tôn Bất Trí trầm gương mặt :

- Mà do ai bày đặt ra chứ?

Tiểu nhị đáp :

- Phu nhân Âu Dương trường chủ võ trường Thiên Kiều đấy. Có lý nào các vị không hiểu việc ấy sao? Người đã dặn bọn chúng tôi, bày biện sẵn để chờ quý vị.

Công Tôn Bất Trí thoáng biến sắc mặt :

- Phu nhân Âu Dương trường chủ? Do đâu mà người biết được bọn ta đến đây?

Vạn Tử Lương và những người kia cũng hết sức kỳ quái.

Tiểu nhị cũng lấy làm lạ về cái chỗ bọn Công Tôn Bất Trí chẳng hay biết tí gì về việc này.

Tuy nhiên hắn tiếp luôn :

- Chẳng những người đặt tiệc sẵn, mà chính người còn chọn phòng cho các vị, đâu đó được an bài chu đáo lắm rồi. Các vị chẳng còn phải lo liệu gì cả.

Chợt nghĩ ra, tiểu nhị lộ vẻ sợ sệt, rung rung giọng hỏi :

- Hay là... hay là... bọn chúng tôi bày tiệc không khéo? Có điểm nào sơ thất không?

Công Tôn Bất Trí lắc đầu :

- Chẳng có gì sơ thất cả. Nhưng ngươi đừng làm ổn ào lên chứ? Hãy lui đi nơi khác, khi nào cần, ta sẽ gọi.

Tiểu nhị nghiêng mình chào, bước đi, thần sắc còn hoang mang, hắn chưa xóa tan được sự kinh dị.

Vạn Tử Lương cau mày :

- Âu Dưong phu nhân là nhân vật như thế nào? Trong bọn mình có ai biết bà ấy không?

Mạc Bất Khuất lắc đầu :

- Vạn đại hiệp là bậc tiền bối, không biết được thì bọn tiểu điệt làm gì biết chứ?

Công Tôn Bất Trí trầm ngâm một chút :

- Sao bà ấy biết rõ là chúng ta đến đây? Tại thành Hiệp Phì này nào phải chỉ có một khách sạn này? Tôi chỉ sợ bên trong có ẩn tình gì, chúng ta không thể không đề phòng.

Ngưu Thiết Oa cao giọng :

- Mặc cho họ muốn làm gì thì làm, mình cứ ăn, no rồi hãy tính.

Kim Bất Úy đồng tình ngay :

- Đúng! Hợp đạo lý lắm lắm! Ăn, cứ ăn, ăn rồi hẵng hay!

Y ngồi xuống, với tay cầm đũa, nhưng Công Tôn Bất Trí ngăn chặn liền.

Kim Bất Úy hừ một tiếng :

- Sợ gì chứ? Nhị ca lo xa quá! Dù sao, Âu Dương Thiên Kiều cũng là một nhân vật có tên tuổi trên giang hồ, có lẽ nào lại hạ độc trong thức ăn sao?

Công Tôn Bất Trí thốt :

- Đành rằng Âu Dương Thiên Kiều là một nhân vật hữu danh đấy, nhưng vợ y thì sao? Có ai biết được người đàn bà ấy như thế nào? Thuộc bạch đạo hay hắc đạo? Có lương tâm hay táng tận lương tâm?

Kim Bất Úy giật mình :

- Vậy thì...

Bỗng, gã tiểu nhị bước tới, bước đi của hắn trịnh trọng quá, hắn đưa tay, trong tay có tấm thiệp màu hồng, hắn cao giọng thốt :

- Bên ngoài khách sạn, có Âu Dương phu nhân đang chờ đợi các vị chấp nhận cho người vào bái kiến!

Vạn Tử Lương chỉnh nghiêm thần sắc, đưa tay tiếp lấy tấm thiếp, trên tấm thiếp có tên Âu Dương Châu, chứ chẳng có tên Âu Dương Thiên Kiều.

Công Tôn Bất Trí cau mày :

- Âu Dương Thiên Kiều chưa chịu xuất hiện, mà Âu Dương phu nhân lại đến! Tại sao người đàn bà đó lưu ý đến hành tung chúng ta?

Mọi người cùng nhìn nhau, chẳng ai hỏi ai, chẳng ai nói gì với ai, nhưng tất cả đều nghĩ rằng Âu Dương phu nhân có hành động bí mật quá. Cơ trí sâu xa như Công Tôn Bất Trí mà còn lắc đầu, không hiểu, thì liệu còn ai hiểu được?

Vạn Tử Lương nhìn sang Công Tôn Bất Trí, trầm giọng hỏi :

- Tiếp kiến hay tử khước?

Công Tôn Bất Trí không cần đáp, có tiếng chạm của các vật trang sức vang lên, rồi tiếng chân người, cuối cùng là giọng cười trong trẻo, những tiếng động đó từ ngoài cửa vọng vào, càng phút càng nghe rõ.

Như vậy, là người xin bái kiến vẫn vào, bên trong, bọn Vạn Tử Lương có chấp thuận hay từ khước, khách cũng vào như thường.

Mạc Bất Khuất cười chua :

- Không tiếp kiến cũng chẳng được rồi!

Y đứng lên trước hơn hết, y nhìn ra, thấy một người mang quá nhiều châu ngọc nơi mình, châu ngọc chiếu ngời hoa mắt tất cả.

Người vừa vào đó có mang trang sức bằng châu ngọc, hẳn là một nữ nhân. Nữ nhân diễm lệ phi thường, danh từ giai nhân gắn cho cũng chẳng xứng đáng với vẻ đẹp huyền diệu của khách.

Vạn Tử Lương vội nghiêng mình làm lễ :

- Phu nhân hạ cố đến đây, chẳng hay có điều chi chỉ giáo?

Người đẹp đảo mắt nhìn ra bốn phía, ánh mắt đó dừng lại nơi Phương Bửu Ngọc lâu hơn.

Lạ lùng thay, Phương Bửu Ngọc thấy khách, chàng như bạt vía bay hồn.

Người đẹp từ từ cất tiếng :

- Bửu Nhi còn nhận ra ta chăng?

Đột nhiên, Phương Bửu Ngọc kêu to lên một tiếng, nhún chân tung bổng người lên không, vọt ngang qua bàn tiệc, đáp xuống trước mặt nữ nhân, đặt hai tay lên vai nàng, nói gấp :

- Châu Nhi? Châu Nhi phải không?

Người đẹp rung rung giọng :

- Phải! Ta là Châu Nhi! Bửu Nhi ơi!... Không ngờ ngươi còn nhận ra ta!

Nàng òa lên khóc.

Thì ra, chính là Châu Nhi, một nàng hầu đẹp đẽ của Tử Y Hầu ngày trước, trên thuyền buồm ngũ sắc, nàng cao quý thế nào, giờ đây, lại sống dưới mái nhà một võ sư tầm thường!
Bình Luận (0)
Comment