Ấn Tượng Sai Lầm

Chương 28

Anna quay trở lại khách sạn, rồi sau khi lau qua mình và thay quần áo, người tài xế tắc xi đưa cô tới Học viện Nghệ thuật.

Tòa nhà này vẫn không hề mất đi vẻ tao nhã và quyến rũ của nó và khi Anna bước lên những bậc thềm về phía những chiếc cánh cửa khổng lỗ được trạm trổ tinh xảo, những ký ức ập về đầy ắp trong cô và cô nhớ tới những tác phẩm nghệ thuật vĩ đại treo trong các phòng trưng bày mà cô tưởng chẳng bao giờ còn được nhìn thấy. Anna bước tới quầy tiếp tân để hỏi xem giáo sư Teodorescu sẽ giảng bài ở phòng nào.

“Ở hội trường tầng ba”, cô gái ngồi sau quầy tiếp tân nói, “nhưng bài giảng đã bắt đầu rồi”.

Anna cảm ơn cô sinh viên và không cần hỏi đường, cô bước lên những bậc cầu thang rộng bằng đá hoa cương lên tầng ba. Cô dừng lại nhìn vào tờ thông báo dán bên ngoài hội trường:

ẢNH HƯỞNG CỦA PICASSO ĐỐI VỚI NỀN NGHỆ THUẬT THẾ KỶ HAI MƯƠI.

Giáo sư Anton Teodorescu

Bảy giờ tối nay

Bên cạnh đó là một mũi tên chỉ đường. Chẳng cần có mũi tên ấy cô cũng biết mình phải đi theo lối nào. Cô đẩy nhẹ cánh cửa và hài lòng khi thấy bên trong rất tối. Cô bước lên những bậc thềm sát bên tường và chọn một chỗ ngồi ở phía sau.

Trên màn chiếu là hình ảnh bức tranh Gurernica. Anton đang giải thích với các sinh viên rằng bức tranh khổng lồ này được vẽ vào năm 1937 trong thời kỳ nội chiến ở Tây Ban Nha, khi Picasso đang ở đỉnh cao phong độ. Anh nói tiếp rằng Picasso đã mất ba tuần để phác hoạ lại hình ảnh những trận đánh bom và sự chết chóc này, và rõ ràng thái độ căm ghét của nhà hoạ sỹ đối với Franco, kẻ độc tài của Tây Ban Nha thời bấy giờ được thể hiện rõ trong tranh. Các sinh viên đang chăm chú lắng nghe và ghi chép sự giảng bài say sưa và hấp dẫn của Anton khiến Anna nhớ lại lý do mà ngày xưa cô đã phải lòng anh, để rồi không chỉ mất đi sự trinh trắng của mình cho một nhà hoạ sỹ mà còn bắt đầu một cuộc tình không bao giờ phai đối với nghệ thuật.

Khi buổi thuyết trình của Anton kết thúc, tiếng vỗ tay không ngớt cho thấy các sinh viên rất hứng thú với bài giảng của anh. vẫn như ngày nào, anh luôn biết cách khuyến khích mọi người nuôi dưỡng lòng nhiệt tình đối với đề tài mà mình đã chọn.

Anna ngắm nhìn mối tình đầu của mình trong khi Anton nhặt các tài liệu và cho vào chiếc cặp cũ của mình. Cao lớn, gầy gò, tóc xoăn, áo khoác nhung cũ sờn và sơ mi hở cổ khiến anh trông giống như một chàng sinh viên chẳng bao giờ già. Cô nhận thấy anh có béo hơn một chút nhưng trông lại càng quyến rũ hơn.

Khi những sinh viên cuối cùng đã ra khỏi lớp. Anna đi lên phía bục giảng.

Anton liếc nhìn lên sau cặp kính, với dáng vẻ như anh đang chờ để đón nhận một câu hỏi từ một cô cậu sinh viên nào đó. Khi thấy người đó là Anna, anh không nói gì, chỉ nhìn cô chằm chằm.

“Anna”, cuối cùng anh reo lên. “ơn Chúa là anh đã không nhận ra em đang ngồi ở dưới kia vì chắc chắn là em biết về Picasso nhiều hơn anh”.

Anna hôn lên hai bên má Anton và vừa cười vừa nói, “Anh vẫn quyến rũ như ngày nào và tán vẫn rất hay”. Anton nắm tay lại như thể đang phòng thủ và nhe răng ra cười. “Sergei có tới sân bay đón em không?”

“Có ạ, cảm ơn anh”, Anna nói. “Anh gặp ông ấy ở đâu?”

“Trong tù”, Anton nói. “Ông ấy đã may mắn không bị chế độ Ceausescu thủ tiêu. Và em đã đi thăm mẹ chưa?”

“Rồi ạ”, Anna đáp, “và mẹ em vẫn sống trong những điều kiện chẳng khác nhà tù là mấy”.

“Đúng thế đấy và anh cũng đã thử hết cách rồi. Nhưng tiền của em và sự hảo tâm của bà cụ đã giúp những sinh viên giỏi của anh-”

“Em biết”, Anna nói, “mẹ đã nói với em”.

“Em không thể hình dung hết đâu”, Anton nói tiếp. “Để anh dẫn em đi xem kết quả đầu tư của em nhé”. Anton cầm tay Anna như thể họ còn là sinh viên và dẫn cô tới chiếc hành lang dài ở tầng một, nơi mà các bức tường được treo đầy những bức tranh đủ loại.

“Tranh của các sinh viên đoạt giải thưởng của năm”, Anton nói và nắm chặt tay Anna như một người thầy đầy tự hào về học trò của mình. “Và tiền mua những thứ cần thiết để vẽ các bức tranh này đều là tiền em gửi. Thực tế là có cả một giải thưởng mang tên em đấy, giải Petrescu”.

Anh dừng lại. “Nếu có em đứng ra lựa chọn người đoạt giải thì không chỉ vinh dự cho anh mà còn vinh dự cho tất cả những sinh viên nào được em trao giải”.

“Mũi em sắp nổ rồi đây này”, Anna vừa nói vừa mỉm cười, rồi cô bước về phía một dãy tranh dài. Cô chầm chậm đi tới đi lui dọc theo hành lang, thi thoảng lại dừng lại để xem xét kỹ một bức tranh nào đó. Rõ ràng Anton đã dạy cho sinh viên của mình biết về tầm quan trọng của việc vẽ tranh bằng các chất liệu đơn giản trước khi cho phép họ sử dụng các phương tiện khác. Đừng sờ vào bút lông trước khi sử dụng thành thạo bút chì là câu anh thường nói. Nhưng những đề tài đa dạng và các cách tiếp cận táo bạo cho thấy anh luôn khuyến khích sinh viên tự bộc lộ chính bản thân mình. Nhiều bức tranh ở đây thể hiện một tài năng đáng nể. Cuối cùng Anna dừng lại bên một bức sơn dầu có tựa đề Tự do, vẽ cảnh mặt trời đang mọc trên bầu trời Bucharest.

“Em biết có một người sẽ rất thích bức tranh này”, cô nói.

“Em tinh lắm”, Anton vừa nói vừa mỉm cười. “Danuta Sekalska là sinh viên xuất sắc nhất của năm học này, và cô bé đã được trường stale ở London nhận vào học. vấn đề bây giờ là lấy đâu ra tiền”. Anh nhìn đồng hồ. “Em có thời gian không, chúng mình đi uống chút gì nhé?”

“Vâng”, Anna đáp, “vì thú thật là em cũng muốn nhờ anh giúp một việc”, cô dừng lại, “chính xác là hai việc”.

Anton lại nắm tay Anna và đưa cô đi dọc hành lang tới căng tin của học viện. Khi họ bước vào căn phòng lớn, Anna được đón tiếp bằng những tiếng cười đùa vui vẻ của từng nhóm giảng viên đang vừa tán chuyện vừa uống cà phê. Họ dường như không nhận thấy rằng mọi thứ đồ đạc, từ bàn ghế, cốc chén, thậm chí cả bánh quy ở đây đều sẽ bị bất kỳ ai tìm đến Đội quân Cứu tế ở Bronx từ chối. Anton rót hai cốc cà phê. “Đen, nếu anh nhớ không nhầm. Không được như Starbucks”, anh nói đùa, “nhưng cứ từ từ rồi chúng mình cũng sẽ tới đó”. Mọi người ngoái đầu nhìn khi Anton dẫn cô học trò cũ của mình tới gần lò sưởi. Anh ngồi đối diện với cô. “Nào, anh có thể giúp gì em, Anna?” anh hỏi. “Bởi vì rõ ràng anh là người mắc nợ em”.

“Chuyện về mẹ em”, cô nói nhỏ. “Em cần anh giúp. Cụ không chịu tiêu đồng nào cho bản thân. Thảm không, bàn ghế không, tivi không, điện thoại không”.

“Em nghĩ là anh không thử à?” Anton nói. “Thế theo em thì cái tính ngang bướng của em từ đâu mà có? Anh thậm chí còn mời cụ đến sống với gia đình anh. Không phải là cung điện, nhưng vẫn gấp hàng vạn lần cái căn hộ tồi tàn ấy”. Anton uống một hơi cà phê. “Nhưng anh hứa là sẽ tiếp tục thử xem” - anh dừng lại - “thử nài ép nữa xem sao”.

“Cảm ơn anh”, Anna nói rồi im lặng nhìn Anton châm thuốc. “Và em thấy là mình đã thất bại trong việc thuyết phục anh bỏ thuốc lá”.

“Thì ở đây có phải là New York đâu. Làm gì có những ánh đèn rực rỡ để anh quên được thuốc lá”, anh vừa cười vừa nói. “Việc thứ hai là gì?”

“Anh sẽ phải suy nghĩ kỹ về việc này”, Anna nói bằng một giọng đều đều.

Anton đặt cốc cà phê xuống, rít một hơi thuốc và chăm chú lắng nghe Anna giải thích từng chi tiết.

“Em đã nói với mẹ chưa?”

“Chưa”, Anna thừa nhận. “Em nghĩ có lẽ tốt nhất là không nên nói với mẹ lý do tại sao em lại về Bucharest”.

“Anh có bao nhiêu thời gian?”

“Ba, có thể là bốn. Tuỳ thuộc vào mức độ thành công của em”, Anna nói mà không giải thích gì thêm.

“Còn nếu anh bị bắt thì sao?” Anton hỏi rồi lại rít một hơi thuốc.

“Thì anh lại quay trở lại nhà tù”, Anna thừa nhận.

“Còn em?”

“Bức tranh có thể được gửi sang New York để làm bằng chứng chống lại em. Nếu anh cần thêm tiền để-”

“Không, anh vẫn đang còn cầm 8.000 đôla tiền của mẹ em, vì vậy-”

“Tám nghìn đôla?”

“Ở Romania, đôla tiêu lâu hết lắm”.

“Em có thể hối lộ anh không?”

“Hối lộ anh à?”

“Nếu anh nhận lời giúp em, em sẽ chu cấp tiền cho cô bé sinh viên của anh, Danuta Sekalska, sang London học”.

Anton suy nghĩ một lát. “Và em sẽ trở lại sau ba ngày?” anh vừa hỏi vừa dụi tắt mẩu thuốc lá.

“Cùng lắm là bốn ngày”, Anna nói. “Vậy thì hy vọng anh sẽ không làm em thất vọng”.

***

“Vincent đây”.

“Cậu ở đâu?”

“Đi thăm mẹ mình”.

“Vậy thì đừng ở đó lâu”.

“Tại sao?”

“Kẻ truy đuổi đã biết cậu ở đâu”.

“Vậy thì mình e là gã sẽ lại vồ hụt mình”.

“Chưa chắc đã là đàn ông”.

“Điều gì khiến cậu nghĩ như vậy?”

“Mình thấy Fenston nói chuyện với một người phụ nữ mặc đồ đen trong chiếc xe của ông ta khi mình tham dự đám tang của cậu”.

“Như thế không có nghĩa là-”

“Mình đồng ý, nhưng mình chưa từng trông thấy cô ta bao giờ”.

“Có thể đó là một trong số những bạn gái của Fenston”.

“Kiểu đàn bà như cô ta không thể là bạn gái của bất kỳ ai”.

“Cô ta trông thế nào?”

“Cao năm bộ, tóc đen, dáng thể thao”.

“Chỗ mình sắp tới có rất nhiều người như thế”.

“Và cậu có đem theo bức tranh đi cùng không?”

“Không, mình đã để nó ở một chỗ không ai có thể nhìn thấy”.

Cuộc nói chuyện kết thúc ở đó.

Leapman ấn chiếc nút tắt. “Một chỗ không ai có thể nhìn thấy”, ông ta nhắc lại.

“Có thể, không phải là sẽ?” Fenston nói. “Chắc chắn vẫn còn đựng trong thùng”.

“Đúng thế, nhưng tiếp theo cô ta sẽ đi đâu?”

“Tới một nơi có nhiều người cao năm bộ, tóc đen”.

“Nhật Bản”, Leapman nói.

“Sao ông biết?” Fenston hỏi.

“Báo cáo của cô ta cũng đã nói lên điều đó. Cô ta sẽ tìm cách bán bức tranh cho một người sẵn sàng mất cả gia tài để có nó”.

“Nakamura”, Fenston nói.
Bình Luận (0)
Comment