Ấn Tượng Sai Lầm

Chương 33

Anna bước ra khỏi vòi tắm hoa sen, với tay lấy một chiếc khăn tắm và lau khô người. Cô liếc nhìn chiếc đồng hồ điện tử ở góc màn hình tivi. Mới 12 giờ trưa, giờ mà phần lớn các thương gia người Nhật tới câu lạc bộ của họ để ăn trưa. Không phải là lúc có thể quấy rầy Nakamura.

Sau khi lau khô người, Anna lấy một chiếc áo choàng mỏng treo sau cửa nhà tắm. Cô ngồi xuống cuối giường và bật máy tính xách tay lên. Cô gõ mật khẩu của mình, MIDAS, và truy cập vào tệp lưu trữ thông tin về những nhà sưu tầm giàu có nhất trên thế giới: Gates, Cohen, Lauder, Magnier, Nakamura, Rales, Wynn.

Cô rê con trỏ tới cái tên của ông ta. Nakamura, nhà tư bản công nghiệp.

Đại học Tokyo 1966-1970, Kỹ sư xây dựng. UCLA 1971-1973, Thạc sỹ Kinh tế. Bắt đầu làm việc cho công ty Maruha từ năm 1974, Thành viên ban Giám đốc năm 1989, Tổng giám đốc năm 1997, Chủ tịch năm 2001. Anna lướt xuống phần thông tin về công ty thép Maruha. Bản cân đối thường niên năm trước cho thấy doanh thu của công ty là gần 3 tỷ đôla, lợi nhuận ròng là 400 triệu. Ông Nakamura nắm giữ 22 % cổ phần của công ty này, và theo xếp hạng của Forbes, ông ta là người giàu thứ chín trên thứ giới. Một vợ, ba con, hai gái một trai. Sở thích: gôn và nghệ thuật. Không có thông tin chi tiết về những tật nguyền của ông ta theo tin đồn, cũng không có thông tin chi tiết về bộ sưu tập ấn tượng của ông ta, một bộ sưu tập được nhiều người đánh giá là toàn mỹ nhất trong số các bộ sưu tập cá nhân.

Nakamura đã một vài lần nói về bộ sưu tập này và khẳng định đó là tài sản của công ty. Cho dù hãng Christie luôn giấu kín thông tin về khách mua trong các vụ đấu giá tranh, những ai làm trong lĩnh vực nghệ thuật đều biết rằng Nakamura chính là người tranh mua sau cùng trong cuộc bán đấu giá bức Hoa Hướng Dương của Van Gogh vào năm 1987, khi ông ta bị một người bạn cũ và cũng là đối thủ của mình là Yasuo Goto, chủ tịch công ty bảo hiểm Yasuda Fire & Marine Insurance, người đã trả 39.921.750 bảng Anh để có được bức tranh ấy. Kể từ khi rời khỏi Sotheby, Anna hầu như không cập nhật được thông tin gì về Nakamura. Bức tranh Lớp khiêu vũ của quỷ bà Minette của Degas mà cô đã mua cho ông ta tỏ ra là một vụ đầu tư khôn ngoan, và Anna hy vọng ông ta nhớ rõ điều đó. Cô hoàn toàn tin chắc rằng cô đã chọn đúng người có thể giúp mình thoát ra khỏi tình cảnh khó khăn này. Cô mở vali ra và chọn một bộ vét màu xanh dương cùng một chiếc áo sơ mi màu kem, một chiếc váy ngắn, một đôi giày da có đế thấp; không trang điểm, không trang sức. Vừa là quần áo, Anna vừa nghĩ tới người đàn ông mà cô chỉ mới gặp một lần, và băn khoăn không hiểu cô có để lại ấn tượng gì đối với ông ta không. Sau khi thay quần áo, Anna nhìn lại mình trong gương. Đúng cách ăn mặc mà một thương gia Nhật Bản kỳ vọng ở một thành viên ban giám đốc của hãng Sotheby.

Anna kiểm tra số điện thoại riêng của ông ta trong máy tính. Cô ngồi xuống đuôi giường, cầm điện thoại lên, hít một hơi thật sâu và quay số.

“Hai, Shacho-Shitso desu”, một giọng nói cất lên trong máy.

“Xin chào, tên tôi là Anna Petrescu. Ông Nakamura có thể còn nhớ tôi là người của nhà đấu giá Sotheby”.

“Cô muốn được phỏng vấn à?”.

“Ờ, không, tôi chỉ muốn nói chuyện với ông Nakamura”.

“Xin chờ một lát, để tôi xem ông ấy có thể nói chuyện với cô không”.

Làm sao ông ta có thể nhớ nổi cô chỉ sau một lần gặp?

“Tiến sỹ Petrescu, rất vui khi được nói chuyện với cô. Hy vọng cô lâu nay vẫn khoẻ?”.

“Vâng, cảm ơn ông, Nakamura San”.

“Cô đang ở Tokyo à? Bởi vì nếu tôi không nhầm thì giờ này đang là nửa đêm ở New York”.

“Vâng, tôi đang ở Tokyo, và không biết ông có thể bố trí cho tôi được gặp một lát không?”.

“Cô không đăng ký phỏng vấn, nhưng bây giờ đã có tên trong danh sách rồi. Tôi có ba mươi phút rảnh vào lúc 4 giờ chiều nay. Có tiện cho cô không?”.

“Thế thì hay quá”, Anna nói.

“Cô có biết văn phòng của tôi không?”.

“Tôi có địa chỉ”.

“Cô ở khách sạn nào vậy?”.

“Khách sạn Seiyo”.

“Nếu tôi nhớ không nhầm thì người của Sotheby thường ở tại khách sạn Imperial”. Anna thấy miệng mình khô lại. “Văn phòng của tôi cách khách sạn đó khoảng 20 phút xe chạy. Tôi mong được đón tiếp cô vào lúc 4 giờ chiều nay. Tạm biệt, Tiến sỹ Petrescu”.

Anna đặt ống nghe xuống và ngồi yên tại chỗ một lúc. Cô cố nhớ lại chính xác những lời ông ta nói. Cô thư ký của ông ta muốn nói gì khi hỏi cô. “Cô muốn được phỏng vấn à?” và tại sao ông Nakamura lại nói, “Cô không đăng ký phỏng vấn, nhưng bây giờ đã có tên trong danh sách rồi”? Hay ông ta đã biết rằng cô sẽ gọi?

***

Jack cúi người về phía trước để nhìn cho rõ hơn. Hai người trực tầng đang bước ra khỏi khách sạn, vác theo chiếc thùng gỗ mà Anna đã đổi cho Anton Teodorescu trên bậc thềm của Học viện tại Bucharest. Một trong hai người trực tầng nói gì đó với người tài xế trên chiếc tắc xi đỗ ở đầu hàng, và người tài xế ra khỏi xe rồi cẩn thận đặt chiếc thùng gỗ vào cốp sau. Jack đứng dậy và bước về phía cửa sổ, cẩn thận đề phòng để không ai nhìn thấy anh. Anh chờ và nghĩ rằng có thể lại là một báo động giả. Anh nhìn lại hàng tắc xi đang chờ, có tất cả bốn chiếc. Anh nhìn về phía cửa ra vào phòng tập thể dục và tính rằng mình có thể ra đến chiếc tắc xi thứ hai trong vòng 20 giây.

Anh nhìn về phía những cánh cửa trượt của khách sạn và băn khoăn không hiểu Petrescu bao giờ thì xuất hiện. Nhưng người tiếp theo làm cho các cánh cửa trượt mở ra lại là Người Lùn. Cô ta đi qua chỗ người gác cửa rồi bước nhanh ra đường. Jack biết cô ta không bao giờ bắt tắc xi của khách sạn để có nguy cơ bị nhớ mặt; với những người như cô ta, anh không bao giờ có được cơ hội ấy.

Jack hướng sự chú ý của mình tới cửa khách sạn, bởi vì anh biết rằng Người Lùn lúc này đang ngồi trên một chiếc tắc xi ở một chỗ khuất nào đó để chờ cả Anna và anh.

Vài giây sau, Petrescu xuất hiện. Cô ăn mặc như thể sắp tham dự một cuộc họp của ban giám đốc. Người gác cửa hộ tống cô ra tới chiếc tắc xi ở đầu hàng chờ và mở cửa sau ra cho cô. Chiếc tắc xi từ từ lăn bánh rồi hoà vào dòng xe cộ trên đường.

Jack đã ngồi vào ghế sau của chiếc tắc xi thứ hai trước khi người gác cửa có cơ hội mở cửa cho anh.

“Đuổi theo chiếc tắc xi kia”, Jack vừa nói vừa chỉ tay về phía trước, “và nếu anh không để mất dấu, anh sẽ được thưởng gấp đôi tiền”. Người tắc xi tăng tốc. “Nhưng”, Jack nói thêm, “đừng lộ liễu quá”. Anh biết Người Lùn đang ngồi trên một chiếc tắc xi màu xanh nào đó trước mặt họ.

Chiếc tắc xi chở Anna rẽ trái tại Ginza rồi chạy theo hướng Bắc, rời xa khu mua sắm nhộn nhịp, hướng về quận Marunouchi, khu văn phòng nổi tiếng của thành phố. Jack băn khoăn không hiểu có phải cô đang đi gặp khách hàng tiềm năng hay không.

Chiếc tắc xi màu xanh kia rẽ trái ở ngã tư tiếp theo, và Jack lại nhắc người tài xế của mình: “Đừng để mất dấu cô ta”. Người lái xe chuyển làn đường, rồi vượt lên và bám theo chiếc xe kia, giữ một khoảng cách bằng ba thân xe. Cả hai chiếc tắc xi dừng lại tại điểm đèn đỏ tiếp theo. Chiếc tắc xi của Petrescu bật xi nhan báo rẽ phải, và khi đèn tín hiệu chuyển sang màu xanh, một vài chiếc xe khác chạy theo. Jack biết Người Lùn đang ngồi trên một trong những chiếc xe ấy. Khi họ chạy vào con đường cao tốc ba làn, Jack có thể nhìn thấy một dãy đèn tín hiệu giao thông trên đầu, tất cả đều có màu xanh. Anh chửi thầm. Anh thích đèn đỏ; dừng lại rồi chạy tiếp bao giờ cũng tốt hơn nếu anh đang bám theo một đối tượng.

Tất cả đều chạy an toàn qua tín hiệu đèn xanh thứ nhát và thứ hai, nhưng khi tín hiệu thứ ba chuyển sang màu hổ phách, chiếc tắc xi của anh là chiếc cuối cùng vượt qua ngã tư. Khi chạy qua Cung điện Hoàng gia, anh vỗ vai người lái xe để động viên anh ta. Anh cúi người về phía trước, và hy vọng tín hiệu đèn giao thông tiếp theo vẫn giữ màu xanh. Nó chuyển sang màu hổ phách ngay khi chiếc tắc xi chở Anna vượt qua ngã tư.

“Vượt đi, vượt đi”, Jack giục người lái xe khi thấy hai chiếc tắc xi trước mặt bám theo Anna. Nhưng thay vì tăng tốc và vượt đèn đỏ, anh ta cho xe chạy chậm lại rồi dừng hẳn. Jack vừa định quát lên thì thấy một chiếc xe cảnh sát dừng lại bên cạnh họ. Anh nhìn chằm chằm về phía trước. Chiếc Toyota màu xanh đã dừng lại ở tín hiệu đèn đỏ tiếp theo. Anh vẫn còn cơ hội. Anh hy vọng chiếc xe tuần tra của cảnh sát sẽ rẽ phải, để anh có thể lấy lại thời gian đã mất, nhưng chiếc xe ấy vẫn như cố tình bám chặt lấy xe anh. Anh nhìn theo chiếc tắc xi kia rẽ vào đại lộ Eitai- dori. Anh nín thở, và lại hy vọng đèn tín hiệu đừng chuyển màu, nhưng rồi nó vẫn chuyển sang màu hổ phách và chiếc xe trước mặt họ dừng lại, rõ ràng là nó đã phát hiện ra chiếc xe cảnh sát phía sau. Khi cuối cùng đèn tín hiệu chuyển sang màu xanh, sau 60 giây dài dằng dặc, chiếc tắc xi của anh quặt trái, và trước mặt họ là một biển đèn xanh. Để mất dấu Petrescu đã là quá tệ, nhưng ý nghĩ về việc Người Lùn vẫn đang bám theo cô ta khiến Jack quay lại và nguyền rủa chiếc xe tuần tra của cảnh sát, vừa lúc đó thì nó rẽ phải và mất hút.

Krantz chú ý theo dõi khi chiếc tắc xi màu xanh lách sang làn đường bên trong và dừng lại bên ngoài một tòa nhà hiện đại xây bằng đá hoa cương trắng ở otemachi. Tấm biển trên cổng ra vào, Công ty Thép Maruha, được viết bằng cả tiếng Nhật và tiếng Anh, giống như phần lớn các công ty quốc tế khác tại Tokyo.

Krantz để cho chiếc tắc xi của mình chạy qua trước cổng tòa nhà rồi mới yêu cầu tài xế cho xe dừng lại sát vỉa hè. Cô ta quan sát qua gương chiếu hậu khi Anna xuống xe. Tài xế chiếc tắc xi của Anna lấy chiếc thùng từ trong cốp sau ra. Anna giúp anh ta, và người gác cửa cũng chạy xuống. Krantz tiếp tục theo dõi khi hai người đàn ông bê chiếc thùng lên các bậc thềm và bước vào trong tòa nhà. Ngay khi họ vừa khuất khỏi tầm quan sát, Krantz trả tiền tắc xi, bước xuống và đi nhanh qua vỉa hè. Cô ta không bao giờ yêu cầu tắc xi đợi mình nếu không thật cần thiết. Cô ta làm thế để tránh khả năng có ai đó nhớ mặt mình. Cô ta cần phải suy tính nhanh, đề phòng Anna bất ngờ quay ra. Nhiệm vụ hàng đầu của cô ta là lấy lại bức tranh. Sau khi đã thực hiện xong nhiệm vụ ấy, cô ta được tự do thủ tiêu Petrescu, nhưng vì mới xuống máy bay, cô ta chưa kiếm được vũ khí phù hợp. Cô ta hài lòng khi thấy anh chàng người Mỹ kia không còn là mối đe doạ đối với mình nữa, và băn khoăn không hiểu có phải giờ này anh ta vẫn đang lùng sục khắp Hồng Kông để tìm Anna và bức tranh hay không.

Có vẻ như bức tranh đã được đưa tới đích. Có cả một trang đầy đủ chi tiết về Nakamura trong hồ sơ mà Fenston đưa cho cô ta. Nếu Anna xuất hiện cùng với chiếc thùng, thì chắc chắn là Anna đã thất bại, và cô ta có thể thực hiện cả hai nhiệm vụ của mình một cách dễ dàng hơn nhiều. Nếu Anna bước ra chỉ với một chiếc cặp trên tay, Krantz sẽ phải đưa ra một quyết định nhanh chóng. Cô ta lại nhìn quanh để đảm bảo rằng lúc nào cũng có đầy xe tắc xi chạy trên đường. Chỉ trong vài phút mà có hàng chục chiếc chạy qua, một nửa trong số đó không có khách. Người tiếp theo bước qua cửa là người tài xế chiếc xe tắc xi chở Anna. Anh ta ngồi vào sau vô lăng chiếc xe Toyota của mình. Cô ta chờ Petrescu xuất hiện, nhưng chiếc tắc xi kia lướt ra giữa đường và chạy chầm chậm để bắt khách. Krantz có cảm giác cô ta còn phải chờ lâu.

Cô ta đứng cạnh tường một tòa nhà bách hoá tổng hợp phía bên kia đường và chờ đợi. Cô ta nhìn dọc con phố đầy những cửa hàng đủ loại, cho đến khi đôi mắt cô ta dừng lại ở một cửa hàng mà cô ta mới chỉ được đọc thấy trước kia và luôn muốn được bước chân vào đó: không phải là Gucci, không phải là Burberry, không phải là Klein, mà là Cửa hàng Dao Kéo Nozaki.

Krantz bị hút về phía cửa hàng ấy như một chiếc ghim bị nam châm hút. Khi băng qua đường, mắt cô ta vẫn không rời cửa trước của Công ty Thép Maruha, vì cô ta sợ rằng Petrescu có thể bất ngờ xuất hiện.

Cô ta phán đoán rằng cuộc gặp giữa Petrescu và Nakamura có thể sẽ kéo dài. Thậm chí nếu ông ta không đủ tiền để mua bức tranh, ông ta vẫn muốn biết nhiều điều liên quan đến nó.

Sau khi sang bên kia đường, Krantz nhìn chằm chằm vào cửa hàng Dao Kéo như một đứa trẻ nhìn món quà Giáng sinh đến sớm. Nhíp, bấm móng tay, kéo dành cho người thuận tay trái, dao nhíp, kéo thợ may, dao rựa, kiếm Nhật cổ. Krantz cảm thấy mình đã sinh nhầm thế kỷ. Cô ta bước vào trong và được đón chào bằng những hàng dao đủ loại dành cho công việc bếp núc, những loại dao đã làm nên sự nổi tiếng của ông Takai, hậu duệ của một kiếm sỹ Samurai. Cô ta nhìn thấy ngay chủ nhân của cửa hiệu đang mài dao cho khách hàng trong góc. Krantz muốn được bắt tay với ông, một người mà cô ta đánh giá là một nghệ nhân đại tài, nhưng cô ta biết mình không có thời gian để làm điều đó.

Vừa để mắt theo dõi cánh cửa ở mặt tiền của công ty Maruha, cô ta vừa bắt đầu xem xét kỹ những dụng cụ được làm bằng tay, sắc và nhẹ, với cái tên NOZAKI được khắc chìm ở cả hai mặt lưỡi.

Từ lâu Krantz đã áp dụng nguyên tắc không bao giờ mang vũ khí giết người mà cô ta ưa thích lên máy bay, vì vậy cô ta không còn lựa chọn nào khác ngoài việc mua một sản phẩm của địa phương ở bất kỳ nơi nào mà Fenston phái cô ta tới để giúp ông ta khoá tài khoản của một khách hàng bất hạnh nào đó.

Krantz bắt đầu cẩn thận lựa chọn trong những âm thanh khích lệ của các loại dụng cụ nhỏ treo trên trần. Cô ta nhìn qua đường, chưa thấy bóng dáng Petrescu đâu. Cô ta quay trở lại với công việc lựa chọn của mình, bắt đầu bằng những loại dao nhỏ - gọt hoa quả, thái rau, cắt bánh mỳ, thái thịt. Cô ta xem xét kỹ trọng lượng, độ cân đối và kích thước của lưỡi dao. Không quá 8 inch, không dưới 4 inch.

Vài phút sau, cô ta đã có ba ứng viên tiềm năng. Cuối cùng, cô ta quyết định chọn loại dao dài 14cm, đã từng giành được giải thưởng mang tên Global GS5, loại dao được cho là có thể thái bít tết dễ dàng như cắt dưa hấu.

Cô ta đưa con dao cho một cô gái bán hàng. Cô gái mỉm cười - cổ bé quá - và gói con dao lại rồi đưa cho Krantz. Cô ta trả bằng tiền yên. Đôla có thể gây sự chú ý, và cô ta không có thẻ tín dụng. Một cái nhìn cuối cùng về phía ông Takai trước khi cô ta miễn cưỡng rời khỏi cửa hàng, đi sang bên kia đường và đứng vào một chỗ khuất.

***

Trong khi chờ Petrescu xuất hiện, Krantz bóc lớp giấy gói ra và cố cưỡng lại ý muốn được thử món đồ mới của mình. Cô ta đút con dao vào lớp lót đặc biệt trong chiếc quần bò của mình. Rất vừa, giống như đút một khẩu súng vào bao.

Bình Luận (0)
Comment