Ấn Tượng Sai Lầm

Chương 46

Một trong những nguyên tắc vàng của Anna khi cô thức dậy vào buổi sáng là không kiểm tra tin nhắn trước khi đã tắm rửa, mặc quần áo, ăn sáng và đọc tin trên tờ Thời báo New York. Nhưng vì cô đã phá vỡ rất nhiều những nguyên tắc vàng của mình trong hai tuần qua, lần này Anna đã kiểm tra tin nhắn thậm chí từ trước khi cô ngồi dậy khỏi giường. Một tin nhắn của Người Rình rập làm cô mỉm cười, và một tin nhắn của ông Nakamura làm cô cau mày - chỉ có vài từ, “Khẩn cấp, gọi lại ngay. Nakamura”.

Anna quyết định phải tắm trước khi gọi cho ông ta. Khi những dòng nước lạnh bắt đầu xối trên người Anna, cô nghĩ về nội dung tin nhắn của ông Nakamura. Cụm từ “Khẩn cấp” luôn khiến cô nghĩ đến những tình huống xấu nhất. jjj Anna đã tỉnh hẳn khi cô bước ra khỏi vòi tắm. Tim cô đập mạnh như thể cô vừa chạy xong đường chạy buổi sáng. Cô ngồi xuống đuôi giường và cố gắng giữ bình tĩnh.

Khi Anna cảm thấy nhịp tim mình đã trở lại bình thường, cô quay số của Nakamura ở Tokyo.

“Hai, Shacho-Shito desu”, cô nhân viên tiếp tân nói.

“Xin cho nói chuyện với ông Nakamura”.

“Xin cho biết tôi phải báo với ông ấy là ai đang gọi?”.

“Anna Petrescu”.

“À, vâng, ông ấy đang chờ điện thoại của bà”. Tim Anna đập mạnh hơn. “Xin chào, Tiến sỹ Petrescu, chúc cô một buổi sáng tốt lành”.

“Xin chào, ngài Nakamura, chúc ngài một buổi chiều tốt lành”, Anna nói và ước gì mình có thể nhìn thấy khuôn mặt của ông ta để biết rõ số phận của mình được nhanh hơn.

“Gần đây tôi vừa có một cuộc nói chuyện rất khó chịu với ông chủ cũ của cô là Bryce Fenston”, Nakamura tiếp tục. “Và tôi e rằng” - Anna gần như tức thở - “điều đó đã khiến tôi phải đánh giá lại” - cô cảm thấy mình sắp phát sốt - “nhận xét của tôi về con người ông ta. Tôi muốn cho cô biết rằng mấy hôm nay mỗi ngày cô đã khiến tôi mất 500 đôla vì tôi đã đặt cọc năm triệu đôla theo yêu cầu của cô tại chỗ các luật sư của tôi ở London. Vì vậy tôi muốn nhìn thấy bức tranh Van Gogh càng sớm càng tốt.”

“Tôi có thể bay sang London trong vài ngày tới”. Anna khẳng định với ông ta, “nhưng đầu tiên tôi phải sang Anh quốc để lấy bức tranh đã”.

“Có lẽ không cần thiết phải làm thế”, Nakamura nói. “Tôi có một cuộc gặp với công ty Corns Steel tại London vào ngày thứ Tư, và sẽ sẵn lòng đến trước hẹn một ngày, nếu chuyện đó không gây phiền phức cho Phu nhân Arabella”.

“Chắc chắn mọi chuyện sẽ tốt đẹp”, Anna nói. “Tôi cần phải liên lạc với Arabella, và sau đó sẽ gọi cho thư ký của ông để thống nhất các chi tiết. Lâu đài Wentworth chỉ cách sân bay Heathrow ba mươi phút”.

“Tuyệt vời”, Nakamura nói. “Vậy thì tôi mong tối mai sẽ được gặp cả cô và Phu nhân Arabella ông ta dừng lại. “Tiện đây, Anna, cô đã suy nghĩ gì tới việc về làm giám đốc quỹ của chúng tôi chưa? Bởi vì ông Fenston đã thuyết phục tôi tin một điều: cô xứng đáng được hưởng 500 đôla một ngày”.

***

Cho dù đây là lần thứ ba Fenston đọc bài báo này, nụ cười vẫn chưa tắt trên khuôn mặt ông ta. Ông ta muốn chia sẻ tin tức này với Leapman ngay, mặc dù ông ta biết có lẽ giờ này Leapman cũng đã biết rõ mọi chuyện. Ông ta liếc nhìn đồng hồ, vừa qua 10 giờ. Leapman không bao giờ muộn, ông ta ở đâu?

Tina đã báo cho ông ta biết rằng ông Jackson, một người định giá bảo hiểm, đang chờ trong phòng khách, và phòng tiếp tân vừa gọi để báo rằng Chris Savage của hãng Christie đang trên đường tới.

“Ngay khi Savage tới”, Fenston ra lệnh, “đưa cả hai người bọn họ sang đây, và bảo ông Leapman tới phòng tôi luôn thể”.

“Sáng nay tôi chưa thấy ông Leapman đâu”, Tina nói.

“Thế thì khi ông ta tới, bảo ông ta sang phòng tôi ngay”. Fenston nói. Nụ cười trở lại khuôn mặt ông ta khi ông ta đọc lại bài báo, Kẻ Sát Nhân Bằng Dao Làm Bếp Tẩu Thoát.

Có tiếng gõ cửa, Tina đưa cả hai người khách sang văn phòng chủ tịch.

“Ông Jackson và ông Savage”, chị nói. Từ cách ăn mặc của họ, người ta có thể dễ dàng biết ai là người môi giới bảo hiểm, ai là người thẩm định nghệ thuật.

Fenston bước lên một bước và bắt tay với một người thấp lùn, hói đầu mặc complê màu xanh hải quân và đeo một chiếc caravát màu xanh dương, ông ta giới thiệu tên mình là Bill Jackson. Fenston gật đầu với Savage, người mà ông ta đã gặp tại hãng Christie vài lần trong mấy năm qua. Ông ta đeo một cái nơ mang nét điển hình nghề nghiệp của mình.

“Tôi muốn nói rõ ngay từ đầu”, Fenston bắt đầu, “rằng tôi chỉ bảo hiểm mỗi bức tranh này”, ông ta vừa nói vừa chỉ tay vào bức Van Gogh trên tường, “với trị giá là 20 triệu đôla”.

“Cho dù nó phải có cái giá gấp năm lần như thế nếu được đem ra đấu giá?”, Savage vừa hỏi vừa chăm chú ngắm nhìn bức tranh mà ông ta vừa mới được thấy lần đầu.

“Tất nhiên là điều đó cũng đồng nghĩa với một mức phí thấp hơn nhiều”, Jackson nói. “Đó là nếu các nhân viên an ninh của chúng tôi đã biết chắc chắn rằng bức tranh được bảo vệ một cách an toàn”.

“Ông cứ ngồi yên đó, ông Jackson, và ông có thể tự trả lời câu hỏi là nó có được bảo vệ một cách chu đáo hay không”.

Fenston bước về phía cửa, nhập một mã số gồm sáu con số lên bảng khoá gần bảng mạch điện rồi rời khỏi căn phòng. Ngay sau khi cánh cửa đóng lại sau lưng ông ta, một tấm lưới sắt xuất hiện từ trên trần, và tám giây sau, nó đã chạm xuống sàn nhà, che kín bức tranh Van Gogh. Đồng thời, những tiếng còi báo động chói tai cất lên.

Jackson vội lấy tay bịt tai lại và nhìn lại phía sau. Một tấm lưới khác đã chắn ngang lối thoát của ông ta ra chiếc cửa duy nhất, ông ta bước lại phía cửa sổ để nhìn xuống dòng người trên đang chuyển động trên vỉa hè. Vài giây sau, tiếng còi dứt và các tấm lưới được nâng lên trần. Fenston bước trở lại vào phòng, trông ông ta có vẻ tự đắc.

“Rất ấn tượng”, Lackson nói mà cảm thấy tiếng còi vẫn còn xói vào tai mình. “Nhưng vẫn còn một vài câu hỏi mà tôi cần được trả lời”, ông ta nói thêm. “Có bao nhiêu người biết mã số bí mật?”.

“Chỉ có hai chúng tôi”, Fenston nói, “tôi và chánh văn phòng của tôi, và tôi đổi mật mã mỗi tuần một lần”.

“Thế còn chiếc cửa sổ kia”, Jackson nói, “có cách nào mở nó ra không?”.

“Không, đó là kính chống đạn hai lớp, và cho dù ông có thể phá vỡ nó ra, vẫn còn ba mươi hai tầng ở bên dưới nữa mới tới mặt đất”.

“Còn chiếc chuông báo động...?”.

“Nối trực tiếp với công ty bảo vệ Abbott”, Fenston nói. “Họ có một văn phòng trong tòa nhà này, và cam đoan sẽ có mặt trong phòng của ông sau hai phút”.

“Tôi cảm thấy bị thuyết phục rồi đấy”, Jackson nói. “Thuộc loại A theo cách gọi của chúng tôi, có nghĩa là phí chỉ dưới 1 %, tính ra là vào khoảng 200.000 đôla một năm”. Ông ta mỉm cười. “Tôi chỉ ước người Na Uy có được tầm nhìn như ông, ông Fenston ạ, và như thế có lẽ chúng tôi đã không phải trả quá nhiều cho bức tranh Tiếng Thét”.

“Nhưng các ông cũng đảm bảo giữ bí mật trong chuyện này chứ?”, Fenston hỏi.

“Tất nhiên”, Jackson khẳng định với ông ta. “Chúng tôi bảo hiểm một nửa kho báu của thế giới, và ông không thể biết khách hàng của chúng tôi là ai, cho dù ông có đột nhập vào trụ sở của chúng tôi ở London đi chăng nữa. Thậm chí tên của khách hàng cũng được mã hoá”.

“Nghe có vẻ thuyết phục đấy”, Fenston nói. “Vậy tất cả những gì cần làm là thủ tục giấy tờ”.

“Tôi sẽ làm ngay”, Jackson nói, “sau khi ông Savage khẳng định giá trị của bức tranh không dưới 20 triệu”.

“Điều đó không quá khó”, Fenston vừa nói vừa quay sang Chris Savage, lúc này đang chăm chú nhìn bức tranh. “Suy cho cùng, ông ấy đã nói khẳng định với chúng ta rằng bức Van Gogh này đáng giá 100 triệu đôla”.

“Bức Van Gogh của Lâu đài Wentworth thì đúng là đáng giá 100 triệu đôla”, Savage nói, “nhưng không phải bức tranh này”, ông ta dừng lại trước khi quay sang nhìn Fenston. “Thứ duy nhất còn nguyên bản là khung tranh”.

“Ông nói gì?”, Fenston vừa nói vừa nhìn chằm chằm lên bức tranh yêu thích như thể có ai đó vừa nói với ông ta rằng đứa con duy nhất của ông ta là con hoang.

“Tôi biết mình nói gì”, Savage nói. “Khung tranh là thật, nhưng bức tranh là giả”.

“Giả ư?”, Fenston lặp lại bằng một giọng lắp bắp. “Nhưng đây là bức tranh của Lâu đài Wentworth mà?”.

“Khung tranh có thể là của Wentworth”, Savage nói, “nhưng tôi có thể khẳng định với ông rằng bức tranh thì không”.

“Sao ông có thể biết chắc như vậy”, Fenston hỏi, “trong khi ông chưa thực hiện bất kỳ một công việc kiểm tra nào?”

“Không cần thiết phải thế”, Savage nói bằng một giọng thông cảm.

“Tại sao?”, Fenston nói bằng một giọng mất bình tĩnh.

“Bởi vì chiếc tai bị băng không phải là chiếc tai đó”, Savage trả lời ngay. “Không phải ư?”, Fenston vừa nói vừa nhìn chằm chằm lên bức tranh trên tường. “Đứa bé nào mà chẳng biết Van Gogh đã cắt tai trái của mình?”.

“Nhưng học sinh nào cũng biết Van Gogh nhìn vào gương khi vẽ chân dung của chính mình, đó là lý do tại sao chiếc tai bị băng là tai phải”. Fenston ngồi sụp xuống chiếc ghế bên bàn làm việc của mình, quay lưng lại phía bức tranh. Savage bước lại phía trước và bắt đầu xem xét bức tranh kỹ hơn. “Điều làm tôi ngạc nhiên là”, ông ta nói thêm, “dù bức tranh này là giả, có ai đó đã đưa nó vào khung tranh thật”. Fenston tím mặt vì giận dữ. “Và tôi phải thú nhận rằng”, Savage tiếp tục, “người đã vẽ nên bức tranh giả này là một hoạ sỹ tài năng”, ông ta dừng lại. “Tuy nhiên, tôi chỉ có thể định giá bức tranh này ở tầm mười nghìn đôla, và có lẽ” - ông ta lưỡng lự - “10.000 đôla nữa cho khung tranh, và như vậy mức phí 200.000 đôla một năm là hơi quá cao”. Fenston vẫn không nói gì. “Tôi xin lỗi vì đã nói ra những tin xấu như vậy”, Savage kết luận và bước tới trước mặt Fenston. “Tôi chỉ hy vọng là ông đã không phải chia tay với một món tiền quá lớn, và, nếu không may ông đã bỏ tiền ra, ông biết ai phải chịu trách nhiệm về sự lừa dối này”.

“Gọi Leapman cho tôi”, Fenston hét lên, Tina chạy vội sang văn phòng chủ tịch.

“Ông ấy vừa mới tới”, chị nói. “Tôi sẽ nói với ông ấy rằng ngài cần gặp”.

Cả nhân viên của hãng Lloyd và hãng Christie đều hiểu rằng đây không phải là lúc ngồi lại để kiếm một cốc cà phê. Họ yên lặng rút lui, cũng là lúc Leapman lao vào phòng.

“Đấy là đồ giả”, Fenston la lên.

Leapman nhìn chằm chằm bức tranh một lúc trước khi đưa ra nhận xét. “Và cả ngài lẫn tôi đều biết ai là người phải chịu trách nhiệm”, cuối cùng ông ta nói.

“Petrescu”, Fenston rít lên.

“Đấy là chưa kể đến kẻ đồng loã của cô ta, kẻ đã cung cấp thông tin cho cô ta kể từ khi cô ta bị ngài sa thải”.

“Ông nói đúng”, Fenston nói và quay về phía chiếc cánh cửa đang mở rồi lại rít lên “Tina”. Một lần nữa, chị lại chạy sang văn phòng chủ tịch.

“Cô có thấy bức tranh kia không?”, ông ta nói, và vẫn chưa thể quay lại nhìn bức tranh. Tina gật đầu, nhưng không nói gì. “Tôi muốn cô cho nó vào thùng, và gửi ngay tới Lâu đài Wentworth, cùng với một yêu cầu...”.

“Trả ngay ba mươi hai triệu 892.000 đôla”, Leapman nói.

“Và sau đó”, Fenston nói, “cô có thể thu dọn đồ đạc của mình và rời khỏi nơi này trong vòng mười phút, bởi vì cô đã bị sa thải, đồ chó cái”.

Tina bắt đầu run khi Fenston đứng dậy và nhìn cô chằm chằm. “Nhưng trước khi rời đi, tôi còn một công việc cuối cùng cho cô”. Tina không thể cử động. “Hãy nói với Petrescu, bạn của cô rằng tôi vẫn chưa gạch tên cô ta khỏi danh sách những người mất tích, được cho là đã chết”.
Bình Luận (0)
Comment