Ấn Tượng Sai Lầm

Chương 49

Jack dừng xe lại trên phố Broad lúc 9 giờ 30 phút. Anh bật radio lên và lắng nghe bài “Cousin Brucie” trên sóng FM 101.1, trong khi anh ngồi ngả người ra sau để chờ Leapman. Điểm hẹn của họ là do Leapman chọn, và ông ta đã yêu cầu người của FBI chờ mình trong khoảng thời gian từ 10 đến 11 giờ, vì ông ta hy vọng tới lúc đó, ông ta đã chụp đủ các tài liệu làm bằng chứng để buộc tội Fenston.

Jack đang thiu thiu trong tiếng nhạc thì nghe thấy tiếng còi hú. Giống như tất cả những người làm công việc thực thi pháp luật khác, anh có thể phân biệt rõ ràng sự khác nhau giữa tiếng còi hú của xe cảnh sát, xe cứu thương và xe cứu hỏa chỉ trong vòng một tích tắc. Đây là tiếng hú của xe cứu thương, có lẽ là trên phố St Vincent.

Anh nhìn đồng hồ: 11 giờ 15 phút. Leapman đã muộn, nhưng ông ta đã cảnh báo trước với Jack rằng có thể cần phải chụp ảnh hàng trăm tài liệu, vì vậy không nên nóng ruột nếu ông ta có đến muộn vài phút. Các nhân viên kỹ thuật của FBI đã hướng dẫn Leapman cách sử dụng chiếc máy ảnh công nghệ cao để ông ta có thể chụp được những bức ảnh tốt nhất. Nhưng đó là trước khi có cú điện thoại kia. Leapman đã gọi tới văn phòng của Jack vào lúc vừa sau bảy giờ để báo rằng Fenston đã nói với ông ta một chuyện có giá trị hơn nhiều so với bất kỳ tài liệu nào. Nhưng ông ta không muốn tiết lộ tin tức đó trên điện thoại. Tín hiệu đường dây tắt trước khi Jack kịp căn dặn ông ta. Jack biết rằng những người đang muốn được hưởng sự khoan hồng của pháp luật thường tuyên bố rằng mình có những thông tin mới giúp làm sáng tỏ vụ việc, và vì vậy FBI cần phải cân nhắc lại mức án tù của họ. Anh biết sếp của mình sẽ không đồng ý giảm nhẹ tội cho Leapman nếu ông ta không kiếm được những bằng chứng mới để chứng minh mối quan hệ trực tiếp giữa Fenston và Krantz.

Tiếng còi hú mỗi lúc một to hơn.

Jack quyết định ra khỏi xe và vận động chân tay một chút. Chiếc áo khoác của anh có vẻ quá nhàu nát. Anh đã mua nó từ cửa hàng Brooks Brothers vào cái thời khi anh muốn mọi người biết rằng mình là một người bên an ninh, nhưng khi anh càng được thăng cấp thì anh lại càng muốn người ta đừng biết về điều đó. Nếu anh được đề bạt làm trưởng phòng, thậm chí có thể anh sẽ mua một chiếc áo khoác mới, loại áo khoác giúp anh trông giống với một luật sư hay một chủ nhà băng, và cha anh hẳn sẽ hài lòng hơn.

Anh nghĩ tới Fenston, kẻ giờ này đang rao giảng về Trách nhiệm Đạo đức trước các Chủ nhà băng Hiện đại, rồi anh nghĩ tới Anna, người lúc này đang trên đường bay qua Đại Tây Dương để tới London gặp Nakamura. Anna đã gửi một tin nhắn tới điện thoại di động của anh, cho biết cô đã hiểu tại sao Tina lại nhận làm thư ký riêng của Fenston, và bằng chứng nằm ở ngay trước mắt cô trong suốt thời gian qua. Đường dây đang bận khi cô gọi, nhưng Anna cho biết cô sẽ gọi lại vào sáng ngày mai. Lúc đó chắn hẳn là khi Leapman đang nói chuyện với anh. Cái thằng cha khốn kiếp ấy. Jack đứng trên vỉa hè của một đường phố New York vào lúc nửa đêm, mệt mỏi và đói cồn cào, để chờ nhận một chiếc máy ảnh. Cha anh nói đúng. Nhẽ ra anh nên theo nghề luật thì hơn.

Tiếng còi hú lúc này chỉ còn cách hai tòa nhà.

Jack sải bước đi về phía cuối phố và ngước nhìn lên tòa nhà nơi Leapman làm việc, ở đâu đó trên tầng ba mươi hai. Có một dãy ánh đèn sáng chói ở khoảng giữa tòa nhà, tất cả các cửa sổ ở những tầng khác đều tối đen. Jack bắt đầu đến các tầng nhà từ dưới lên, nhưng khi anh đếm đến tầng thứ mười tám, anh không còn dám chắc nữa, và khi anh đếm đến tầng thứ ba mươi hai, đó có thể là tầng có dẫy đèn sáng kia. Nhưng không thể có chuyện đó, bởi vì trên tầng làm việc của Leapman, giờ này nếu có ánh đèn thì chỉ có một khung cửa sổ sáng mà thôi. Chắc chắn ông ta không dại gì mà đi thu hút sự chú ý về mình.

Jack nhìn qua đường và quan sát chiếc xe cứu thương vừa phanh gấp ngay trước cổng tòa nhà. Cửa sau của chiếc xe mở ra, và ba nhân viên y tế, hai nam và một nữ trong những bộ đồng phục màu xanh đậm của họ, nhảy lên vỉa hè. Một người đẩy cáng, người thứ hai vác bình ô xy, trong khi người thứ ba xách một chiếc túi cấp cứu to. Jack nhìn theo khi họ bước lên các bậc cầu thang vào trong tòa nhà.

Anh hướng sự chú ý tới quầy tiếp tân, nơi một nhân viên bảo vệ vừa chỉ tay vào một tấm bảng vừa nói gì đó với một người đàn ông mặc complê, có lẽ là sếp của anh ta, trong khi nhân viên bảo vệ thứ hai đang bận nói chuyện trên điện thoại. Nhiều người ra vào thang máy, nhưng chuyện đó cũng chẳng có gì đáng ngạc nhiên, bởi vì họ đang ở trung tâm của một thành phố mà các hoạt động tài chính được thực hiện 24/24 giờ. Phần lớn người New York ngủ khi tiền bạc đang được trao tay tại Sydney, Tokyo, Hong Kong và lúc này là London, nhưng bao giờ cũng có một nhóm người New York sống trên thời gian của người khác.

Dòng suy nghĩ của Jack bị cắt đứt khi một buồng thang máy mở ra và ba nhân viên y tế xuất hiện, hai người đẩy chiếc cáng, còn người thứ ba vẫn ôm chiếc bình ô xy. Khi họ chầm chậm đi về phía thang máy, mọi người đứng tránh sang hai bên để nhường lối cho họ. Jack bước lên các bậc thềm để nhìn cho rõ hơn. Lại có tiếng còi hú từ phía xa, lần này là tiếng hú của xe cảnh sát, NYPD, nhưng vào giờ này thì tiếng còi ấy có thể chạy về bất kỳ hướng nào, vả lại lúc này Jack chỉ tập trung nhìn vào chiếc cáng. Anh đứng bên cửa khi các nhân viên y tế bước ra khỏi tòa nhà và chầm chậm đưa bệnh nhân của họ xuống qua các bậc thềm. Anh nhìn chằm chằm vào khuôn mặt tái nhợt của người bệnh trên cáng; đôi mắt của người ấy mở trừng trừng. Mãi đến khi chiếc cáng được đẩy qua chỗ anh, Jack mới nhận ra đó là ai. Anh phải quyết định ngay. Anh nên đi theo chiếc xe cứu thương trở lại St Vincent, hay anh nên lên thẳng tầng ba mươi hai? Tiếng còi xe cảnh sát nghe có vẻ như đang hướng về phía họ. Một cái nhìn qua khuôn mặt ấy, và Jack hiểu rõ phải còn rất lâu Leapman mới có thể nói chuyện với bất kỳ ai. Anh chạy vào tòa nhà khi tiếng còi xe cảnh sát chỉ còn cách đó vài trăm mét. Anh biết mình chỉ có vài phút trước khi đội quân của NYPD có mặt. Anh dừng lại trước quầy tiếp tân mấy giây để cho họ xem thẻ FBI của mình.

“Anh phải trở lại ngay”, một nhân viên bảo vệ nói, nhưng Jack không trả lời mà vẫn đi thẳng về phía thang máy. Người nhân viên bảo vệ băn khoăn không hiểu tay nhân viên FBI kia làm sao có thể biết mình cần lên tầng nào.

Jack len vào buồng thang máy khi nó sắp đóng lại, và bấm nút 32. Khi cửa buồng thang máy lại mở ra, anh nhìn lướt khắp hành lang để xem ánh sáng phát ra từ đâu. Anh quay mình chạy về phía cuối hành lang, nơi có một nhân viên bảo vệ, hai kỹ sư và một nhân viên vệ sinh đang đứng bên một chiếc cánh cửa mở toang. “Anh là ai?”, người nhân viên bảo vệ hỏi.

“FBI”, Jack nói và chìa thẻ FBI ra, nhưng không cho anh ta xem tên mà bước thẳng vào trong phòng. Thứ đầu tiên mà anh trông thấy là một bức ảnh phóng to chụp cảnh Fenston đang bắt tay với George W. Bush treo trên bức tường ở sau chiếc bàn làm việc, ánh mắt Jack lướt qua căn phòng cho đến khi anh nhìn thấy thứ mà anh đang tìm kiếm. Nó nằm giữa bàn, trên một tập hồ sơ đang được mở ra.

“Chuyện gì đã xảy ra vậy?”, Jack hỏi bằng một giọng của người có thẩm quyền.

“Có một người bị kẹt trong văn phòng này trong suốt ba giờ và đã kích hoạt chuông báo động”.

“Đó không phải là lỗi của chúng tôi”, một kỹ sư nói chen vào, “chúng tôi được yêu cầu hạ thấp mức độ khẩn cấp của cuộc gọi, và chúng tôi đã ghi lại điều đó bằng giấy tờ hẳn hoi, nếu không chúng tôi đã có mặt ở đây từ lâu rồi”.

Jack không cần phải hỏi cũng biết ai đã kích hoạt chuông báo động và khiến Leapman lâm vào tình cảnh này. Anh bước về phía chiếc bàn, mắt anh lướt nhanh trên các trang hồ sơ. Anh nhìn lên và thấy cả bốn người kia đang nhìn mình chằm chằm. Jack nhìn thẳng vào người nhân viên bảo vệ. “Đi tới chỗ thang máy, và khi cảnh sát lên đến nơi, hãy đưa họ thẳng tới chỗ tôi”. Người nhân viên bảo vệ biến vào hành lang mà không nói lấy một lời và đi thẳng lại chỗ buồng thang máy. “Còn ba người các anh, ra ngoài”, Jack ra lệnh. “Đây có thể là hiện trường tội ác, và tôi không muốn các anh làm xáo trộn các chứng cứ”. Ba người kia quay đi, và ngay khi họ vừa ra khỏi phòng, Jack chụp lấy chiếc máy ảnh và cho vào túi áo khoác.

Anh cầm điện thoại trên bàn làm việc của Fenston lên. Không có tín hiệu thông đường dây, chỉ có tiếng vo vo không ngớt. Ai đó đã ngắt đường dây. Chắc chắn vẫn là kẻ đã kích hoạt chuông báo động. Jack không đụng vào bất cứ thứ gì khác trong căn phòng. Anh bước trở ra hành lang và lẻn vào căn phòng bên cạnh. Một chiếc màn hình gắn trên góc bàn làm việc vẫn còn sáng và cho thấy rõ những hình ảnh trong văn phòng của Fenston. Fenston chắc chắn không chỉ chứng kiến việc làm của Leapman, mà còn có đủ thời gian để nghĩ ra trò báo thù thâm hiểm kia. Đôi mắt Jack dừng lại trên bảng mạch điện. Một chiếc công tắc đang ở chế độ mở, nhấp nháy ánh đèn màu da cam, cho thấy đường dây đang bận. Ông ta đã cắt đứt mọi cơ hội để Leapman có thể liên lạc với thế giới bên ngoài. Jack nhìn xuống chiếc ghế nơi chắc hẳn trước đó Fenston đã ngồi để nghĩ ra cách báo thù kia. Ông ta đã viết ra một danh sách những bước cần thực hiện để không bị nhầm lẫn. Tất cả các bằng chứng đều còn đó để NYPD có thể thu thập và đánh giá. Nếu đây là một cuộc điều tra của Columbo, bảng mạch, danh sách viết tay để trên mặt bàn và thời điểm kích hoạt chuông báo động sẽ thừa đủ để vị thám từ tài ba này đưa ra lời kết tội, và Fenston sẽ phải thúc thủ và thú tội sau mục quảng cáo. Nhưng đáng tiếc đây không phải là một bộ phim truyền hình, và có một điều chắc chắn là Fenston sẽ không bao giờ chịu thúc thủ, không bao giờ chịu thú tội. Jack cau mày. Điểm giống nhau duy nhất giữa anh và Columbo là chiếc áo khoác. Jack nghe thấy tiếng cửa buồng cầu thang mở ra và một giọng nói cất lên: “Đi theo tôi”. Anh biết đó là cảnh sát New York. Anh tập trung chú ý vào màn hình khi hai người mặc sắc phục cảnh sát bước vào văn phòng của Fenston và bắt đầu hỏi chuyện bốn nhân chứng. Những người mặc thường phục chắc chắn cũng sắp tới. Anh bước ra khỏi căn phòng và nhè nhẹ đi về phía thang máy. Khi anh vừa tới cửa buồng thang máy thì một sỹ quan cảnh sát bước ra khỏi văn phòng của Fenston và quát lên: “Này, anh kia”. Jack nhấn nút đi xuống và xoay ngang mình để viên sỹ quan cảnh sát không thể nhìn thấy mặt anh. Ngay khi cửa mở ra, anh lách mình vào trong buồng thang máy. Anh ấn và giữ chặt ngón tay trên nút có chữ L và cửa buồng thang máy ngay lập tức đóng lại. Khi cánh cửa mở ra ba mươi giây sau đó tại tầng trệt, anh đi nhanh qua chỗ quầy tiếp tân, ra khỏi tòa nhà, nhảy xuống qua các bậc thềm, và chạy lại chỗ chiếc xe của anh.

Jack nhảy lên xe và khởi động máy. Một viên cảnh sát xuất hiện ở góc phố. Anh cho xe xoay một vòng, trèo lên vỉa hè, lùi lại xuống đường, và lao thẳng về phía bệnh viện St Vincent.

***

“Hãng Sotheby xin nghe”.

“Xin cho gặp Lord Poltimore”.

“Thưa bà, tôi cần phải nói với ông ấy là ai đang cần gặp?”.

“Phu nhân Wentworth”. Arabella không cần phải đợi lâu trước khi giọng nói của Mark vang lên trong điện thoại.

“Thật vui khi được nhận điện thoại của bà, Arabella”, Mark nói. “Cho tôi đánh liều hỏi một chút”, anh ta nói đùa, “lần này bà là người mua hay người bán?”.

“Một người cần lời khuyên”, Arabella trả lời. “Nhưng nếu tôi là người bán...”.

Mark bắt đầu ghi chú trong khi anh ta lắng nghe những câu hỏi nghiêm túc mà rõ ràng là Arabella đã chuẩn bị cẩn thận.

“Vào cái thời khi tôi còn là một nhà buôn tranh”, Mark trả lời, “trước khi tôi về làm cho Sotheby, tiền hoa hồng là 10% nếu giá bán thấp hơn 1 triệu. Từ 1 triệu trở lên, tôi sẽ thương lượng với người bán”.

“Và anh sẽ nêu ra mức phí nào, nếu tôi yêu cầu anh bán bức tranh Van Gogh cho tôi?”.

Mark cảm thấy mừng vì Arabella không thể trông thấy vẻ mặt của anh ta lúc đó. Sau khi đã trấn tĩnh lại, anh ta chờ một lát rồi mới nêu ra một con số, trước khi vội nói thêm, “nếu bà cho phép Sotheby đưa bức tranh ấy ra đấu giá, bà sẽ không phải trả một đồng tiền phí nào, và bà sẽ nhận được toàn bộ tiền đấu giá”.

“Vậy các anh kiếm lời bằng cách nào?”, Arabella hỏi.

“Chúng tôi yêu cầu người mua trả một mức phí nào đó”, Jack giải thích.

“Tôi đã có người mua”, Arabella nói, “nhưng cảm ơn anh vì lời khuyên nhé”.

Bình Luận (0)
Comment