Anh Hùng Bắc Cương

Chương 26

Tình Việt, duyên Hoa. --- -

Lại một thiếu niên ngang tuổi với Tôn Đản, Tự-Mai. Thân hình y to lớn kềnh càng, mặt non choẹt. Y tiến ra hành lễ với Tôn Đản:

- Tại hạ Khúc Chẩn, đệ tử Hoa-sơn, xin Tôn huynh dạy cho mấy cao chiêu.

Nghe Khúc nói tiếng Việt rành rẽ, không ngọng như Triệu Tiết. Tôn Đản kinh hãi:

- Anh Thiệu-Cực nói biên thần Nam phương nhà Tống chọn hai thiếu niên Triệu Tiết, Khúc Chẩn tranh chức thống lĩnh châu Phong, Thượng-oai. Tiết bị Tự-Mai đả bại. Đã vậy ta thử dò la công lực Khúc thế nào, hầu giúp Thuận-Tông, Thiện-Lãm.

Nó đáp lại bằng lời lẽ khách khí:

- Rất mong Khúc huynh nhẹ tay cho.

Khúc Chẩn bái tổ, rồi tấn công Tôn Đản bằng một hoành cước. Nếu như Tự-Mai, nó sẽ trầm người xuống để cước qua đầu, rồi trả lại bằng một hồi phong cước (đá giò lái).

Tôn Đản học võ công Cửu-chân, chuyên phá võ công Trung-nguyên. Nó biết khi đối thủ dùng hoành cước, ắt chỗ yếu nhất là hông trái. Vì vậy nó dùng trực cước tung vào hông trái Khúc Chẩn. Cước nó ra sau, mà tới trước. Bộp một tiếng, Khúc Chẩn ngã lộn đi hai vòng.

Tuy bị đau, Khúc Chẩn uốn cong người đứng dậy. Nó gườm gườm nhìn Tôn Đản. Tính toán cẩn thận, nó xuất chiêu Ưng-xà chưởng. Tay phải như móng ưng chụp vào mặt Tôn Đản. Tay trái mổ thẳng đến như con rắn. Vô tình để hở hạ bàn. Tôn Đản trầm người, quét một cước. Khúc Chẩn lại ngã lộn đi hai vòng nữa.

Khúc Chẩn thấy công lực, chiêu số đối thủ thua mình. Song ra hai chiêu, đều bị phá vỡ nhục nhã. Nó ngây người quan sát Tôn Đản.

Đám cao thủ Hoa-sơn cũng nhận thấy thế. Chu Chiếu-Anh nhắc nó:

- Tấn công bằng liên hoàn cước.

Khúc Chẩn tung mình tấn công bốn cước liền. Một thẳng, một ngang, một vòng, và một hồi phong. Tôn Đản lùi một nước, trả bằng bốn quyền khác nhau. Tuy bốn quyền không trúng đối thủ, nhưng từ nội công đến chiêu số đều khắc chế cước của Khúc Chẩn.

Hai trẻ đấu với nhau được trăm chiêu. Ai quan sát cũng phải kinh ngạc. Một bên chiêu số kỳ diệu, biến hoá tinh vi. Một bên thô kệch, chậm chạp. Nhưng hễ khi Tôn Đản xuất chiêu, lại làm cho Khúc Chẩn luống cuống.

Tự-Mai vận khí một lúc, người tỉnh táo, nó đứng dậy xem sư huynh đấu với Khúc Chẩn. Thấy sư huynh muốn thắng Khúc mà không được, nó dùng Lăng-không truyền ngữ rót vào tai Tôn Đản:

- Anh sáu! Hấp khí dẫn về đơn điền, rồi đưa ra huyệt Mệnh-môn. Chuyển từ Mệnh-môn lên Đại-trùy, phát lực ở Thủ-tam dương kinh.

Nó nhắc đến đâu, Tôn Đản làm đến đó.

Binh một tiếng, Khúc-Chẩn bị trúng một chiêu Cửu-chân. Người y bay tung lên cao, rơi xuống trước mặt nhà sư Vạn-Quang. Y cố ngóc đầu dậy, nhưng được nửa chừng, lại nằm vật ra.

Chu Chiếu-Anh cười nhạt:

- Tôn thiếu hiệp! Lão già này có lời muốn thỉnh thiếu hiệp.

- Xin tiền bối cứ dạy.

- Võ công mà thiếu hiệp xử dụng là võ công gì vậy? Lão già này mắt kém nhận không ra.

Tôn Đản đáp cho qua truyện:

- Tiểu bối đã dùng võ công cổ của thời Văn-lang.

Chu Chiếu-Anh bảo nhà sư Vạn-Quang:

- Sư đệ! Người hãy lĩnh giáo mấy cao chiêu của Tôn thiếu hiệp.

Vạn-Quang hiểu ý sư tỷ sai mình ra đấu với Tôn Đản, không với mục đích thắng bại, mà với ý định tìm hiểu pho võ công khắc chế với võ công Hoa-sơn. Vì vậy y bước ra:

- Tôn thí chủ! Xin mời.

Tôn Đản biết muôn ngàn lần, nó không phải là đối thủ của một trong Hoa-sơn thất hùng. Tuy vậy bản tính can đảm, nó vẫn không lùi. Nó nghĩ thân phận Vạn-Quang, không bao giờ xuất chiêu trước, nên nó vận khí bằng kinh mạch, rồi phát chiêu Loa-thành nguyệt ảo tấn công.

Vạn-Quang thấy chưởng pháp hung dữ, khắc chế với võ công của mình. Y ra một chiêu đỡ. Binh một tiếng, Tôn Đản bật lui hai bước. Trong khi cánh tay Vạn-Quang gần như tê liệt.

Vạn-Quang lại xuất chưởng đánh Tôn Đản. Y đánh cầm chừng khoảng hơn trăm hiệp, thì đám cao thủ Hoa-sơn tìm ra rằng công lực Đản không có gì, song võ công của nó khắc chế võ công Hoa-sơn mà thôi.

Tây-Sơn lão nhân dùng Lăng-không truyền ngữ rót vào tai Vạn-Quang:

- Sư đệ! Hãy bắt sống thằng nhỏ này, đem về tổng đàn, tra khảo bắt nó khai hết võ công. Chúng ta nhân đó sửa đổi chiêu thức, hầu khi gặp người trên nó, còn ứng phó được.

Nghe sư huynh nói, Vạn-Quang tiến lên dùng ưng trảo chụp tay trái Tôn Đản. Nó vung tay phải đánh vào mặt đối thủ để tự giải thoát. Vạn-Quang lại bắt tay phải nó. Nó vận sức giật ra.

Trong khi giật, nó thấy tay trái Vạn-Quang tiết ra kình lực âm nhu, tay phải tiết ra kình lực dương cương. Hai kình lực hỗ tương tấn công nó. Nó than thầm:

- Cơ chừng hôm nay ta ắt chết tại Tản-lĩnh này. Nó vận hết bình sinh công lực ra chống lại, nhưng vô ích. Chân khí Vạn-Quang một bên âm, một bên dương thay nhau tấn công nó. Mặt nó đỏ lừ, lồng ngực muốn nổ tung. Nó muốn lên tiếng đầu hàng, nhưng vì tự ái dân tộc, nó nghiến răng chịu đau.

Khoảng một khắc sau, nó không chống nổi nữa, chân khí Vạn-Quang tràn vào người nó một chút. Nó cảm thấy khoan khoái vô cùng, lực đạo sinh ra, nó vận công chống lại. Trong khi chống nó tự hỏi:

- Chân khí Vạn-Quang đánh ta, đáng lý ta phải vỡ tạng phủ mà chết, chứ có đâu lại khoan khoái thế này?

Nó chợt nhớ một truyện cũ, chép trong bia đá ở động Xuân-đài:

Hồi thơ ấu, Bắc-bình vương Đào Kỳ bị hai vợ chồng Phong-Châu song quái dùng nội lực đánh vào hai tay khác nhau. Vương qui liễm chân khí của Vũ Hỷ bằng ba kinh dương, của Phương-Anh bằng ba kinh âm. Vì vậy, chân khí âm dương hợp lại trong người vương. Lát sau hai người kiệt lực.

Hôm ấy nó đọc thuộc khẩu quyết, nhờ Lý Long, Tôn Đản, mỗi người nắm một tay để nó thử. Quả nhiên thành công. Bây giờ Vạn-Quang dùng hai kình lực khác nhau, một âm, một nhu đánh nó. Tại sao nó không buông lỏng chân khí, để âm dương tự hợp lại trong đơn điền? Nó nghĩ đến đâu, chân khí tòng tâm buông lỏng. Chân khí Vạn-Quang như thác đổ dồn vào người nó.

Nó vừa qui liễm khí, người Vạn-Quang run lên. Y thấy nội tức cuồn cuộn tiết ra, vội thu lại, nhưng không được. Khoảng nhai dập miếng trầu, Tôn Đản qui liễm được phân nửa chân khí của Vạn-Quang, sức hút càng thêm mạnh.

Vạn-Quang định lên tiếng cầu cứu với các sư huynh, sư tỷ, mà y không dám mở miệng. Y biết chỉ cần nói một tiếng, y sẽ hộc máu ra chết liền.

Đạo sĩ Du-Minh thấy sự lạ, vội tiến lên quan sát, nhưng y cũng không hiểu cái gì đang xẩy ra. Y cho rằng Vạn-Quang đấu nội lực với Tôn Đản. Y thấy dường như Vạn-Quang yếu thế, mà không dám ra tay, vì sợ mang tiếng hai người đánh một.

Về phía Đặng Đại-Khê, Tự-Mai. Hai người chỉ liếc qua đã biết rõ tình hình. Ông nghĩ thầm:

- Ta phải đánh lừa bọn khả ố này hầu Tôn Đản lấy hết nội lực cho bõ ghét.

Biết Du Minh muốn nhập cuộc, ông nói với y:

- Du đạo sư. Mong đạo sư can sư đệ, tha cho bậc tiểu bối Tôn Đản một phen.

Du Minh được lời nhắc, như mở cờ trong bụng. Y nắm lấy hai vai Vạn-Quang. Hai vai là nơi Thủ-tam dương kinh chạy qua. Khi Du Minh chạm tay vào, nội lực y bị Vạn-Quang hút mất. Y rùng mình một cái, vận sức giật sư đệ ra. Song y không vận sức còn khá, y càng vận sức, nội tức càng tuôn ra mãnh liệt.

Du-Minh kinh ngạc, chưa kịp phản ứng, thì nội tức như nước vỡ bờ truyền vào người Vạn-Quang rồi sang Tôn Đản mất. Hút khí của Vạn-Quang, Tôn Đản mất hơn khắc. Nay trong người nó thêm nội lực Vạn-Quang, nên hút của Du Minh chưa đầy nửa khắc, y đã kiệt quệ.

Khoảng nhai dập miếng trầu, nội lực Du Minh, Vạn-Quang bị hút hết. Hai người lảo đảo, ngã ngồi xuống đất.

Ngô Nam phóng mình tới tấn công Tôn Đản một chưởng. Thấy chưởng phong mãnh liệt, nó kinh hãi xuất chiêu Nguyệt ảo Loa-địa trong Cửu-chân chưởng pháp. Bình một tiếng Ngô Nam bật lui ba bước. Y lảo đảo, ọe một tiếng, máu miệng ri rỉ chảy ra.

Tất cả quảng trường, chỉ Đại-Khê, Tự-Mai biết Tôn Đản đã thu nội lực của Du Minh, Vạn-Quang, nên nó phất nhẹ một chiêu cũng khiến Ngô Nam lạc bại.

Bắc-Sơn lão nhân tuy bị trọng thương, nhưng đầu óc còn minh mẫn. Lão nghe nhiều biết rộng, nên hiểu hết mọi truyện.

Lão than thầm:

- Ta tưởng hơn nghìn năm trước Đào Kỳ, Trần Năng chết rồi thì thần công Yên-Lãng cùng qui pháp Âm-dương hỗ căn tuyệt tích. Không ngờ bọn này còn học được.

Lão lớn tiếng:

- Trần, Tôn thiếu hiệp. Lão phu cùng các sư muội, sư đệ thực hồ đồ. Trần công tử xử dụng thần công Yên-lãng. Tôn công tử xử dụng qui pháp âm-dương hỗ căn. Thành ra bốn người trong chúng tôi mất hết nội lực. Lại thêm Triệu Tiết, Khúc Chẩn bị thương nặng.

Lão thở dài nói với Hoa Trung:

- Hoa đại nhân. Toàn phái Hoa-sơn từ trên xuống dưới xin đa tạ hồng ân của Thiên-tử ban cho. Nhưng sự thể như ngài thấy. Đáng lẽ Tây-Sơn sư đệ lĩnh giáo cao chiêu của Đặng tiên sinh. Nay hai thiếu hiệp đánh bại sáu người bên lão phu. Hoa-sơn xin rút lui, không dám nhận núi Tản nữa.

Lê Văn bước ra xá Tây-Sơn lão nhân:

- Ở đây có Bắc, Nam-Sơn lão nhân cùng Triệu, Khúc nhị huynh bị trọng thương. Tiểu bối học được chút y thuật của phụ thân, xin trị cho các vị.

Mụ Anh-Tần nói với Tây-Sơn lão nhân:

- Lão tiên sinh đừng tin thằng lỏi sảo quyệt này. Tên Hồng-Sơn thường thề không trị bệnh cho ba loại người. Một là người Hoa, hai là họ Lý. Ba là nếu bệnh mà có người trị được, lão không rớ tới. Nếu để tên ôn con này trị bệnh, không chừng nó hại người của lão nhân đó.

Lê Văn cười ha hả:

- Con điếm già kia! Bố tao thề như thế chứ tao đâu có thề? Tao khác bố tao ở điểm: Ai bị bệnh cũng trị. Nếu người bị bệnh là kẻ thù, cần trị thực tận tâm hầu hóa giải.

Bắc-Sơn lão nhân cười lớn:

- Lê công tử. Năm nay lão đã trên bẩy mươi, có chết cũng thỏa nguyện rồi. Công tử trị cho lão trước đi.

Lê Văn đến bên lão, tay nó mở hộp kim, rồi cởi áo lão ra: Lưng lão bị một vết bầm, in hình bàn tay. Nó biết lão bị trúng chưởng của Đặng Đại-Khê. Sau khi án tay vào vết tím, nó nói:

- Không hề gì. Phục-ngưu thần chưởng là chưởng chính đại quang minh, trị dễ mà.

Đầu tiên nó châm những huyệt quanh vết bầm, sau đó nó cầm cây kim ngắn nói:

- Lão tiện sinh. Vì vết thương bao trùm khu huyệt Phế-du, Tâm-du, Cách-du, Tỳ-du, Vị-du. Tiểu bối đã châm huyệt áp thống rồi. Bây giờ cần châm huyệt thông kinh là huyệt Nhân-trung. Mong lão tiên sinh thứ lỗi.

- Được, công tử cứ thẳng tay.

Lê Văn châm vào huyệt Nhân-trung. Bắc-sơn lão nhân rùng mình một cái, lão khạc ra một bụm máu đen. Mặt lão đang tái mét, tươi hẳn lên.

Lê Văn cầm hai cái kim nữa nói:

- Tuy đã khai thông vết thương. Nhưng cần trị chung lồng ngực. Sau đây tiểu sinh châm hai huyệt Công-tôn, Nội-quan, tiên sinh sẽ hết đau liền.

Quả như Lê Văn nói. Nó châm hai huyệt Công-tôn, Nội-quan, xoay kim một lát, Bắc-Sơn lão nhân tỏ vẻ khoan khoái:

- Đa tạ Lê công tử. Vết thương đã lành rồi.

Lê Văn lại trị cho Nam-Sơn lão nhân, rồi tới Triệu Tiết, Khúc Chẩn. Còn Vương Lệ-Ngọc, Giáp Kim-Quy, Du Minh, Vạn-Quang nó nói:

- Ba vị này bị hút hết nội lực. Chỉ cần luyện trong sáu tháng, sẽ phục hồi.

Nó đến bên Triệu Tiết, Khúc Chẩn án tay vào các vết thương, cầm mạch, rồi nói:

- Triệu huynh bị gẫy xương chân. Khúc huynh bị gẫy xương tay. Nội tạng vô sự. Tôi bó xương cho hai đại huynh. Hai huynh cần tĩnh dưỡng trong ba bẩy hai mươi mốt ngày, lại xử dụng võ công được như thường.

Nó móc trong bọc ra hộp cao, bôi lên vết thương, rồi dùng hai thanh tre kẹp vào chân gẫy, dùng vải cuộn lại. Nó móc trong bọc ra bốn viên thuốc, bỏ vào miệng mỗi người hai viên:

- Đây là thuốc trấn thống. Hai vị hãy nuốt vào, cái đau đớn sẽ biến đi liền.

Lê Văn chẩn mạch đám đệ tử Tản-viên:

- Các vị này bị trúng độc Hủ cân, nhuyễn cốt của Hồng-thiết giáo. Loại này trị dễ. Song tiểu đệ không mang thuốc theo. Có lẽ phải nhờ Thân đại ca sai chim ưng mang thư về Vạn-thảo sơn trang xin thuốc. Từ đây vào Thanh-hóa, e mất một ngày đi, một ngày về. Như vậy nguy lắm. Đệ đành dùng châm cứu trị vậy. Xin các vị sư huynh, sư tỷ khuất thân chịu đau một tẹo.

Đặng Đại-Khê cười:

- Cháu cứ dùng kim. Thuốc đắng, rã tật. Chịu kim châm đau, mà khỏi bệnh là lẽ thường.

Nguyên từ khi Nhật-Hồ lão nhân đưa Hồng-thiết giáo vào Đại-Việt. Đệ tử lão xử dụng hầu hết các phương thuốc trong Hồng-thiết kinh. Người bị trúng độc tới Vạn-thảo sơn trang xin điều trị. Hồng-Sơn đại phu chỉ nghiên cứu nửa ngày lại tìm ra phương thuốc chữa. Cho nên Lê Văn hỏi qua vài đệ tử phái Tản-Viên, nó đã tìm ra nguyên ủy của bệnh.

Đặng Đại-Khê hỏi:

- Cháu nói sao? Chúng ta bị trúng độc của Hồng-thiết giáo chứ không phải của phái Hoa-sơn à?

Lê Văn biết người bạn của bố thuộc loại minh mẫn nhất Đại-Việt. Chỉ vì khi lên núi, thấy đệ tử của mình trúng độc, rồi phái Hoa-sơn tấn kích, nên ông chủ quan. Nó nói:

- Thưa sư bá! Cháu dám đem đầu quả quyết rằng phái Hoa-sơn không hề đánh thuốc độc anh em phái Tản-viên. Ngược lại anh em phái Hoa-sơn cũng là nạn nhân của Hồng-thiết giáo.

Đám đệ tử Hoa-sơn nghe Lê Văn nói, họ vỗ hay vang dội hết tràng này đến tràng khác.

Lê Văn chắp tay hướng Đại-Khê:

- Cháu xin trị bệnh cho các vị sư huynh, sư muội này trước, rồi hãy biện minh thủ phạm sau.

Không đợi Đại-Khuê trả lời. Nó móc trong túi ra một hộp kim, rồi nói:

- Cái thứ thuốc này thực kịch độc, thực nguy hai. Bởi chúng thuộc âm hàn. Nếu những ai luyện nội công âm nhu, e khó trục ra. Còn các vị đây luyên nội công dương cương của thánh Tản, chỉ cần châm hai huyệt Hiệp-cốc, Túc-tam-lý là đủ. Vì sao? Độc âm hàn nhập vào qua Thái-dương kinh, đã bị cản lại. Khi tới Dương-minh kinh, hoàn toàn vô hiệu. Nay chỉ cần dùng Hiệp-huyệt của Túc dương-minh vị kinh là Túc-tam-lý cùng Nguyên-huyệt của Thủ Dương-minh đại trường kinh, có thể đẩy ra được.

Nó châm vào hai huyệt Túc-tam-lý, Hiệp-cốc của anh em họ Đào, rồi xoay kim. Sau hơn bốn mươi tiếng đập tim, mồ hôi Nhị, Tam-Bách vã ra. Hai người vận công, thấy kinh khí chuyển đều như thường. Hai người tạ ơn Lê Văn.

Lê Văn tiếp tục trị cho những người khác.

Một chim ưng trên trời đáp xuống tay Thiệu-Cực. Chàng mở ống tre dưới chân nó ra, lấy tờ giấy đọc. Đọc xong, chàng vo lại bỏ vào túi, rồi tung nó lên trời. Con chim ưng bay bổng lên cao, mất hút trong đám mây tím của buổi chiều hè.

Thiệu-Cực vẫy cho Tôn Đản, Tự-Mai lui lại. Chàng móc trong túi ra cái quạt, phe phẩy mấy cái, rồi chắp tay hướng Tây-Sơn lão nhân:

- Lão tiên sinh! Tiểu sinh họ Thân tên Thiệu-Cực, phụ trách Khu-mật viện Bắc-biên Đại-Việt, xin tham kiến tiên sinh. Rất mong tiên sinh dạy cho ít lời.

Tây-Sơn lão nhân thấy một thanh niên da ngăm đen, dáng dấp như thư sinh, nói năng lễ độ. Lão đáp lễ, rồi gật đầu:

-- Thì ra Thân thế tử, con thứ vua Bà Bắc-biên đấy. Không biết thế tử có điều chi thắc mắc?

Thiệu-Cực quạt mấy cái, tiếp:

- Dường như phái Hoa-sơn được sắc chỉ của Thiên-Thánh hoàng đế ban cho núi Tản cùng bốn núi vua Bà. Vì vậy lão tiên sinh đi tiếp nhận phải không?

- Đúng thế. Không ngờ Đặng Đại-Khê vi chỉ chống lại. Y đánh hai trong Hoa-sơn tứ lão bị trọng thương. Tội thực đáng tru di tam tộc.

Thiệu-Cực chắp tay xá một xá:

- Lão tiên sinh ơi! Tiểu sinh thấy trung gian giữa Đặng tiên sinh với quý phái có chỗ hiểu lầm lớn. Tiểu sinh xin lão tiên sinh thứ lỗi tiểu sinh mới dám nói.

- Thế tử cứ giải.

- Lão tiên sinh thử đặt mình vào địa vị Đặng tiên sinh, mới thấy sự hiểu lầm to lớn biết dường nào? Thứ nhất Đặng tiên sinh không hề quen biết một người trong quý phái? Vậy lấy gì làm đảm bảo rằng các vị đây thuộc phái Hoa-sơn? Lại nữa dù Đặng tiên sinh có tin các vị thuộc phái Hoa-sơn chăng nữa, lấy gì bảo đảm sự chân thực của chiếu chỉ? Ai cũng có thể vẽ, in tấm giấy có hai con rồng chầu, rồi viết bản văn vào, nói rằng sắc chỉ của Thiên-tử?

Chu Chiếu-Anh chỉ viên quan:

- Vị đại nhân đây, từ Biện-kinh tới Hoa-sơn, tuyên chỉ của thiên tử. Như vậy còn sai thế nào được?

Mụ chỉ thiếu nữ áo xanh :

- Huống hồ Thuận-Tường đã nhận diện được Hoa đại nhân hiện giữ chức Lễ-bộ tham tri, kiêm Khu-mật viện phó sứ Thiên-triều.

Bây giờ Tự-Mai mới biết thiếu nữ mắng y quả thực tên Thuận-Tường. Thuận-Tường ngước mắt nhìn lên, bắt gặp Tự-Mai đang nhìn mình. Nàng chỉ vào mặt nó:

- Sao có người dễ ghét thế kia!

Tự-Mai ngửa mặt lên trời cười:

- Triệu cô nương! Nếu cô nương có điều chi không vừa ý, truyện sau đây xong, tại hạ xin mời cô nương dời gót ngọc dạo chơi thắng cảnh Đại-Việt, hầu tạ tội.

Thuận-Tường hứ một tiếng:

- Người định mời ta viếng cảnh nào?

- Giang sơn Hoa, Việt, mỗi nơi đều có hoa thơm, có lạ tiêng biệt. Phàm nơi nào mình chưa bước chân tới, đều thành thắng cảnh. Tại hạ sẽ mời cô nương về Thiên-trường thăm núi Dục-thúy, xơi chả cá, gỏi cá, vào Thanh-hóa thăm Hồng-lĩnh xơi chuối hương, chim nướng.

- Ta không đi! Ta ghét mặt người rồi. Khi nào ta hết ghét, sẽ nói truyện với người.

Tự-Mai mỉm cười tha thứ. Nó định lên tiếng nói, thì bị tiếng Thiệu-Cực át đi:

- Hãy coi như chiếu chỉ có thực đi. Song việc ban sắc chỉ không đúng luật lệ. Tỷ như chiếu chỉ đó tới triều đình Bắc-biên, tiểu sinh cũng không tin, không tuân, mà còn đem sứ giả ra chặt đầu là khác nữa.

Thiệu-Cực phụ trách Khu-mật viện Bắc-biên, chàng đọc sách nhiều, lại chú tâm học tiếng Hoa. Vì vậy chàng nói như nước chảy, như mây trôi, lời lời nhẹ nhàng, khúc triết. Khiến bọn Hoa-sơn đều gật đầu công nhận lý luận của chàng.

Gã thiếu niên Hoa-sơn tên Phùng Chí chỉ vào cuốn trục:

- Nhưng sắc chỉ đây lại đúng sự thực!

Thiệu-Cực xá Phùng Trí:

- Phùng huynh thứ lỗi. Đệ công nhận đối với phái Hoa-sơn sắc chỉ đúng sự thực, chứ có dám nói sắc chỉ giả đâu? Chỉ một điều này, cũng đủ tin sắc chỉ có thực. Điều đó là: Hoa-sơn tứ lão, danh trấn Trung-nguyên. Đệ tử Đông-Sơn lão nhân như Dư Tĩnh, Địch Thanh, khiến ai nghe danh cũng cúi đầu khâm phục. Huống hồ tứ lão? Không lẽ danh tứ lão cao như vậy lại đi giả chiếu chỉ làm gì? Không lẽ phái Hoa-sơn nức danh Hoa-hạ lại đi tranh dành ngọn núi Tản-viên ở xứ thấp nhiệt này?

Ở đời mấy ai tránh được ăn bánh phỉnh? Nhóm Hoa-sơn nghe Thiệu-Cực đề cao, sướng không bút nào tả siết. Họ cùng gật đầu tán thành lý luận của chàng. Biết cá đã cắn câu, Thiệu-Cực tiếp:

- Đối với quý phái, chắc chắn chiếu chỉ là thực. Nhưng chỉ vì quá tin vào uy tín mình, nên quý phái đã không nghĩ đến sự suy xét của người khác.

Tây-Sơn lão nhân gật đầu:

- Có phải thế tử muốn nói đến việc ban chỉ chăng?

- Đúng như tiên sinh dự đoán. Theo luật Đại-Tống, khi cắt năm ngọn núi phong cho phái Hoa-sơn, triều Tống phải sai sứ giả cùng chưởng môn phái này sang Đại-Việt, cáo với Thuận-Thiên hoàng-đế. Thuận-Thiên hoàng-đế sai sứ đi cùng sứ Tống lên triều đình Bắc-biên. Sau khi vua Bà Bắc-biên tiếp chỉ, một lần nữa sai sứ đi kèm sứ Đại-Tống, Đại-Việt lên đây tuyên chỉ. Hỏi ai dám chống?

Trong Hoa-sơn tứ lão, Tây-Sơn lão nhân vốn người đọc sách, đỗ đại khoa, lão minh mẫn vô cùng. Khi Hoa Trung tới ban chỉ, đúng ra lão cũng nghi ngờ, vì không có người của An-phủ-sứ hay Chuyển-vận-sứ sở tại đi theo. Song chính đệ tử của sư huynh Bắc-Sơn lão nhân là Thuận-Tường nhận diện được Hoa Trung lĩnh chức Tham-tri bộ Lễ , Khu-mật viện phó sứ, dưới quyền Khu-mật viện sứ Phạm Trọng-Yêm. Nay nghe Thiệu-Cực biện minh, lão kinh hoàng:

- Không khéo toàn phái Hoa-sơn phen nay bị mắc mưu người nào đó làm cho bại hoại danh tiếng cũng nên.

Thiệu-Cực chỉ vào đám đệ tử Tản-viên:

- Huống hồ các vị tới đây, giữa lúc toàn phái bị trúng độc. Đặng tiên sinh tin rằng các vị ám toán. Cho nên người dùng võ chống lại, đâu có gì lạ?

Tây-Sơn lão nhân chỉ trời đất thề:

- Lão phu xin thề trước trời đất. Nếu lão phu đánh thuốc độc các vị đây, cả phái tuyệt tử tuyệt tôn. Danh dự không bằng loài chó cái.

Thiệu-Cực hướng vào Đặng Đại-Khê, với đám đệ tử Tản-viên:

- Đặng tiên sinh! Chư vị huynh đệ! Tiểu bối thấy hai bên có chỗ hiểu lầm lớn. Vậy xin Đặng tiên sinh xoá bỏ những gì không đẹp đã xẩy ra, mà ngồi lại bàn cho ra lẽ. Không biết có nên chăng?

Đặng Đại-Khê thấy toàn phái sắp sửa bị tận diệt, mà Thiệu-Cực xuất hiện, lý luận đanh thép, khiến bọn Hoa-sơn nghe theo. Ông mừng như bắt được vàng. Miệng mỉm cười, nói:

- Ta... Ta hoàn toàn nghe lời thế tử.

Thiệu-Cực nói với Đào Nhị-Bách, đệ tử quyền chưởng môn:

- Khi đã biết hiểu lầm, ta cười xoà, trở thành bạn. Bây giờ huynh làm chủ, nên mời khách vào lễ thánh Tản-viên, rồi chúng ta uống rượu thảo luận với nhau thực chân thành, còn hơn đánh nhau vô ích.

Đám đệ tử Tản-viên có nhiều người muốn thắc mắc, nhưng vì chân tay vô lực, được Thiệu-Cực cứu viện, nên họ đành theo đề nghị của chàng.

Còn phía phái Hoa-sơn, họ cảm thấy bên trong vụ này có một vài điều khó hiểu, nên cũng đành theo đề nghị của Thiệu-Cực.

Hai bên vào trong sảnh đường, ngồi đối diện với nhau.

Tự-Mai ngạc nhiên vô cùng khi nó thấy Thuận-Tường được đặt ngồi ngang với Hoa-sơn tam lão, trên cả thất hùng. Nàng vẫn dùng đôi mắt sắc nhìn thẳng vào mặt nó.

Lê Văn đưa mắt nhìn Bắc-Sơn, Nam-Sơn lão nhân. Nó thấy cả hai dường như ngoài vết thương nặng, còn bị trúng độc. Nó tiến tới bắt mạch hai lão.

Nhóm Hoa-sơn, Tản-viên cùng im lặng theo dõi hành động của Lê Văn. Trán nó nhăn lại tỏ vẻ đăm chiêu.

Đạo cô Vương Lệ-Ngọc hỏi dồn dập:

- Thương thế có nặng lắm không?

- Nặng thì không nặng. Song có điều nhị lão bị trúng độc.

Thuận-Tường hỏi:

- Sư phụ với sư thúc bị trúng độc sao?

Lê Văn trả lời bằng cái gật đầu. Nó lật hai bàn tay Bắc, Nam-Sơn lão nhân lên. Bàn tay hai người xám lại như tay người chết.

Vương Lệ-Ngọc chỉ Đặng-đại-Khê:

- Không lẽ lão dùng độc chưởng hại sư huynh ta chăng?

Lê Văn lắc đầu:

- Đạo cô đừng hấp tấp, e vô lễ với Đặng sư bá. Đặng sư bá hiện là Thái-thượng chưởng môn phái Tản-viên. Phái Tản-viên được thành lập trải hơn nghìn năm, đường đường đanh môn, chính phái. Đến ám khí còn cấm dùng thuốc độc. Đặng sư bá có danh dự của một trong Đại-Việt ngũ-long, uy tín lớn biết mấy, có đâu dùng độc chưởng?

Nó ngừng lại một lát rồi nói:

- Khi thấy Đặng sư bá đánh ngã Hoa-sơn nhị lão, tôi biết bên trong có sự bất ổn.

- Vì sao?

- Tôi nghe Hoa-sơn tứ lão võ công ngang nhau. Tôi chưa biết mấy vị Bắc, Nam, Tây, nhưng đã biết bản lĩnh Đông-Sơn lão nhân. Bản lĩnh Đông-Sơn lão nhân có thua Đặng sư bá, cũng thua chút ít thôi. Cứ đó mà suy, dễ gì Đặng sư bá đả bại nhị lão? Thì ra nhị lão bị trúng độc.

Lý luận của Lê Văn làm cả bọn Hoa-sơn đều thoả mãn ấm ức trong lòng. Chính ngay Đặng Đai-Khê cũng phải công nhận không sai. Ông nghĩ thầm:

- Mình đấu với Bắc, Nam-Sơn lão nhân. Võ công, công lực chúng không thua mình làm bao. Thế mà lát sau, cả hai cùng bị thua mau chóng. Thì ra chúng cũng bị trúng độc. Nhưng ai núp trong bóng tối phóng độc vậy kìa?

Lê Văn tới bên Đặng Đại-Khê, lật bàn tay ông lên coi. Nó hỏi:

- Từ lúc sư bá lên đây, sư bá đã đấu chưởng với ai không?

- Không. Có gì lạ chăng?

- Cháu xem mạch Hoa-sơn nhị lão, thấy cả hai cùng bị trúng độc nặng từ trước. Vì vậy, nên khi đấu nội lực với sứ bá, hai lão tiên sinh mới dễ bị thương. Cháu nghĩ, kẻ bí mật kia bôi chất độc vào chỗ nào, khiến sư bá đụng phải, rồi mượn tay sư bá hại Hoa-sơn nhị lão.

- Nhưng tại sao ta lại không bị trúng độc?

Đặng Đại-Khê suy nghĩ một lúc, rồi bật lên tiếng kêu lớn:

- Thôi! Ta hiểu rồi!

Ông vẫy mọi người vào tổ đường, chỉ lên pho tượng thánh Tản-viên:

- Hồi nãy, ta đến đây, thấy tượng tổ sư bị lệch. Ta vội xoay lại. Không lẽ trên tượng có thuốc độc?

Lê Văn chạy tới quan sát tượng thánh Tản-viên, nó không thấy có gì lạ. Chợt Đại-Khê chỉ vào chỗ đầu gối tượng:

- Cháu xem kìa!

Lê Văn quan sát, quả nhiên đầu gối, vai tượng đều có lớp mỡ rất mỏng. Nó lấy chân nhang quệt lớp mỡ, đưa lên mũi ngửi, rồi nhăn mặt:

- Đúng thế! Kẻ nào đó đã bôi thuốc độc vào tượng thánh.

Mọi người nhìn nhau ngơ ngác, không ai hiểu gian tế thuộc loại người nào. Hơn nữa tổng đàn phái Tản-viên, e kẻ dám mò tới phải thuộc loại gan bằng trời.

Thiệu-Cực cầm quạt phạch mấy cái, rồi nói:

- Thưa ba vị tiên sinh, thưa Đặng sư bá. Tiểu sinh thử giải đoán nếu có gì vô lý, xin các vị đại xá cho.

Không đợi mọi người trả lời, chàng tiếp:

- Kẻ ngồi trong bóng tối này, thực tình không muốn hại phái Tản-viên, mà chỉ muốn hại phái Hoa-sơn.

Một đệ tử Tản-viên không đồng ý:

- Họ muốn hại phái Hoa-sơn sao lại đánh thuốc độc chúng ta, để Hoa-sơn chiếm núi?

- Xin đại huynh cho tiểu đệ nói hết đã. Kẻ đánh thuốc độc thuộc loại có tài dụng dược rất cao. Đầu tiên, họ cho thuốc vào thức ăn, để anh em phái Tản-viên mất hết sức lực. Họ tính toán sao, đúng lúc phái Hoa-sơn thượng sơn. Đương nhiên phái Hoa-sơn tới tổng đàn phái Tản-viên dễ dàng. Huynh đệ phái Tản-viên dù không còn sức lực, cũng chống đối. Thế là toàn phái bị diệt trọn. Tin này đồn ra ngoài, võ lâm Đại-Việt công phẫn, tất cử đại binh đến đây chiếm lại Tản-lĩnh.

Đám đệ tử Tản-viên đều gật đầu công nhận lý luận của Thiệu-Cực đúng.

Chàng tiếp:

- Chúng theo dõi, biết Đặng sư bá sắp lên đây. Vì vậy chúng bôi một loại thuốc độc mỡ vào tượng thánh Tản, rồi đẩy lệch sang một bên. Chúng tính toán rằng, khi về tới tổng đàn, Đặng sư bá ắt tới lễ thánh tổ. Khi lễ thánh tổ, Đặng sư bá thấy tượng bị lệch, người đâu có thời giờ suy nghĩ? Vội vàng đưa về vị trí cũ. Vô tình tay người bị dính chất độc.

Đặng Đại-Khê gật đầu tán thành.

Thiệu-Cực tiếp:

- Sau khi Đặng sư bá xoay tượng thánh Tản rồi, người phải xử dụng võ công giao đấu với cao thủ phái Hoa-sơn. Các cao thủ Hoa-sơn bị trúng một loại độc dược khác từ trớc, tiềm tàng trong người. Khi đấu, vừa bị nội lực của Đặng sư bá đem theo mỡ độc theo kinh mạch ngấm vào người. Mỡ độc này, hợp với độc tố trong người, không làm cho các vị chết, mà chỉ làm cho công lực suy kiệt dần dần cho nên bị bại dễ dàng.

Chàng nói chậm lại:

- Thế nhưng gian nhân cũng tính toán sao cho Đặng sư bá thắng các cao thủ Hoa-sơn. Tuy thắng, chung cuộc vẫn bị hại, vì một người đấu với nhiều người. Thế là trên danh nghiã, phái Hoa-sơn ám toán diệt phái Tản-viên. Trong khi cao thủ Hoa-sơn bị chết hết. Tới lúc võ lâm Đại-Việt hành quân tái chiếm Tản-lĩnh, toàn quân phái Hoa-sơn bị diệt. Gian nhân không phải đánh một chiêu, diệt xóa sổ hai phái võ lớn nhất Hoa-Việt.

Chàng ngơ ngẩn nhìn trời:

- Sau khi hai đại môn phái bị xóa sổ. Võ lâm Đại-Việt, võ lâm Trung-quốc còn thù hận nhau, chiến tranh đời đời khó chấm dứt.

Chu Chiếu-Anh hỏi lại:

- Đặt vấn đề gian nhân mưu hại hai phái Tản-viên, Hoa-sơn. Vậy gian nhân ấy thuộc loại người nào? Họ hại hai phái võ để được lợi ích gì? Tôi không tin lý luận của thế tử.

Mụ ngừng lại suy nghĩ rồi tiếp:

- Nói rằng gian nhân bôi thuốc vào tượng thánh Tản-viên, để mượn tay Đặng Đại-Khê hại Hoa-sơn tam lão. Vậy khi tay y bị ngấm thuốc y phải bị hại trước chứ?

Du Minh cũng nói:

- Thân thế tử. Dù người hoa ngôn xảo ngữ đến đâu, hôm nay chúng ta cũng phải tiếp nhận ngọn núi này.

Lê Văn không nói, không rằng, nó tới trước bàn thờ lạy bốn lạy, rồi xoa vào chỗ mỡ trên tượng thánh Tản-viên. Nói lùi lại phát chiêu Thiên-vương chưởng tấn công Chu Chiếu-Anh. Mụ thấy Lê Văn dám tấn công mình, mụ hơi kinh ngạc, phát chiêu đỡ.

Binh một tiếng, Lê Văn bật lui liền ba bước. Trong khi lui, nó phát chiêu Thiên-vương chưởng nữa đánh vào hông phải mụ. Mụ vung tay gạt. Bộp một tiếng Lê Văn bật lui liền hai bước. Nó tấn công chiêu thứ ba, mụ già đỡ, nó chỉ lui có một bước.

Mụ già cũng như mọi người đều nhận thấy thế. Nó tấn công đến chiêu thứ tư, không lùi lại nữa. Sang chiêu thứ năm, Chiếu-Anh bật lui một bước, mặt nhăn nhó tỏ vẻ đau đớn. Qua chiêu thứ sáu, mụ bật lui hai bước. Đến chiêu thứ bẩy mụ lùi liền ba bước. Mọi người kinh ngạc đến đờ người ra.

Sau khi đánh đủ mười chiêu, nó lạng đến bên Thiệu-Cực, nói với chàng. Nó nói lớn, mục đích để mọi người cùng nghe:

- Anh thấy không? Công lực em thua Chu lão tiền bối kia xa lắc xa lơ. Thế nhưng tay em có thuốc độc, tấn công bà. Chiêu đầu thuốc chạm da bà. Em bị đẩy lui ba bước. Chiêu hai, thuốc vào thịt. Công lực bà yếu đi, em lùi hai bước. Chiêu ba thuốc tràn ngập bàn tay, chân khí bà chỉ phát ra một nửa khiến em lùi một bước. Chiêu tư, thuốc ngấm tới cùi chỏ, công lực bà dường như còn một phần ba, ngang với em. Em không bị đẩy lui. Đến chiêu thứ năm, thuốc tới vai bà. Chân khí bà đâu còn gì? Vì vậy chính bà bị đẩy lui một bước. Em đánh tiếp liền năm chiêu, thuốc ngấm khắp người bà. Bây giờ bà như người kiệt lực vậy.

Nó chỉ Bắc, Nam-Sơn lão nhân:

- Hai tiên sinh thứ nghĩ xem. Đặng tiên sinh với bố tôi là bạn. Tôi phải khoe rằng một mình tiên sinh đả bại Hoa-sơn nhị lão, hầu làm rạng danh võ lâm Đại-Việt, chứ có đâu lại cố ý chứng minh Đặng sư bá thắng hai vị, vì do thuốc độc gian nhân bao giờ?

Nó ngừng lại một lát, rồi tiếp:

- Y đạo Lĩnh-Nam bắt phải chân thực với bệnh nhân. Vì tôi nhận lời trị bệnh cho hai lão tiên sinh, nên tôi phải nói thực ra mà thôi.

Bắc-Sơn lão nhân gật đầu:

- Lão phu ở Bắc xa xôi, cũng từng nghe y đạo Hồng-Sơn đại phu cùng chư đệ tử. Hôm nay thấy sự thực, mới biết rằng nghe chưa thể nào so sánh bằng thấy. Nhưng này Lê công tử. Tại sao Đặng tiên sinh cũng như công tử chạm vào thuốc mà không bị trúng độc. Trong khi các vị đánh chúng tôi, chúng tôi lại bị nạn?

Lê Văn thở dài:

- Anh Thiệu-Cực đã trình với lão tiên sinh rồi mà? Anh chẳng từng nói :Kẻ hại hai phái Tản-viên, Hoa-sơn có trình độ đầu độc rất cao. Không biết bằng cách nào, chúng bỏ một loại thuốc vào thức ăn. Loại thuốc này không hương, không vị, một mình nó, không làm hại cơ thể. Toàn thể đệ tử quý phái ăn vào, nào có hay. Nhưng khi các vị đấu với Đặng sư bá, với tiểu sinh, chất độc từ tay Đặng sư bá với tiểu sinh gặp chất độc trong người các vị. Hai thứ hợp với nhau sẽ làm cho khí huyết bế tắc. Nên lúc giao đấu thấy mình bị bại cứ cho rằng đối thủ mạnh. Nào ngờ?

Thiệu-Cực quát lớn:

- Các vị minh kiến! Từ chiếu chỉ của triều đình ban ra có hơi khác thường. Cách ban chiếu chỉ cũng không như luật định. Rồi anh em Tản-viên bị đầu độc. Tượng thánh bị bôi mỡ độc. Cho đến các đệ tử Hoa-sơn bị ăn phải độc chất. Rõ ràng tất cả đều do một bàn tay tạo ra.

Bỗng chàng ngừng lại, vẫy tay gọi viên quan truyền chiếu chỉ hô lớn:

- Hoa đại nhân. Xin đại nhân ngừng bước.

Hoa Trung tung mình chạy. Lê Văn lạng người một cái, chặn trước y. Y tung hai quyền vào ngực nó. Nó vọt người lên cao như pháo thăng thiên. Ở trên cao nó đánh xuống một chưởng.

Sư ni Trí-Thành, thấy chưởng Lê Văn hùng mạnh, mụ e Hoa Trung không chịu nổi, có thể mất mạng. Mụ vẫy tay y về trước, rồi biến chiêu đỡ chưởng của Lê Văn.

Tây-Sơn lão nhân lạnh lùng ra lệnh:

- Trí-Thành sư muội. Sư muội mời Hoa đại nhân ở lại cho ta.

Trí-Thành ngăn trước Hoa Trung:

-- Xin đại nhân dừng gót.

Hoa-Trung đành theo mụ, trở vào nhà.

Bắc-Sơn lão nhân hỏi Thuận-Tường bằng giọng ôn nhu, kính trọng:

- Thuận-Tường! Phải chăng Hoa đại nhân là mệnh quan của triều đình?

Thuận-Tường gật đầu:

- Thưa sư phụ đúng thế, y giữ chức Tham-tri Lễ-bộ, kiêm Khu-mật viện phó sứ. Đệ tử đã gặp y nhiều lần.

Nàng quay lại hỏi Hoa Trung như hỏi một người tôi tớ:

- Hoa tiên sinh, có đúng thế không?

Hoa Trung tỏ vẻ cực kỹ kính trọng, sợ hãi:

- Vâng, tiểu nhân làm việc tại Khu-mật viện.

Nàng hỏi:

- Thông thường khi tuyên chiếu, mi phải đi với viên Chuyển-vận-sứ thuộc châu sở tại. Thế sao, mi tới thẳng Hoa-sơn?

- Thưa... tiểu nhân quên.

- Quên! Mi xuất thân tiến sĩ, làm quan tới Hàn-lâm thừa chỉ, rồi Khu-mật viện phó sứ. Tuổi mi lại không nhỏ. Sao có thể sơ xuất như thế? Sự thực ra sao mi phải nói thực.

Tự-Mai nghe Thuận-Tường đối đáp với Bắc-Sơn lão nhân, với Hoa Trung. Nó càng nghi hoặc:

- Triệu cô nương thân thế ra sao, mà được toàn phái Hoa-sơn kính trọng đã đành. Đến viên đại thần chức tới Khu-mật viện phó sứ cũng khúm núm trước nàng? Thực khó hiểu.

Hoa Trung chưa kịp trả lời, Thiệu-Cực bỗng quay lại phía bàn thờ thánh Tản-Viên, chàng cười nhạt:

- Cho đến giờ phút này, mà hai vị chưa chịu xuất hiện ư? Hai vị núp ở đây đã lâu, như vậy e mỏi cổ chết?

Mọi người kinh ngạc, vì hiện diện có không biết bao nhiêu người nội lực cao thâm, mà hai người núp phía sau nghe trộm, không ai phát giác ra.

Không có tiếng người đáp lại. Thuận-Tường vọt người tới phía sau bàn thờ. Thình lình một luồng chưởng phong hùng mạnh quạt vào mặt nàng. Nàng vung tay lên đỡ. Nhưng không kịp.

Hoa-Sơn tam lão muốn ra tay cứu đệ tử, nhưng lại ngồi quá xa. Hơn nữa, trước mặt lão lại có bọn Hoa Trung, Chu Chiếu-Anh. Lão chỉ còn biết kêu lên:

- Xin nhẹ tay!

- Xin dung tình!

Tự-Mai đứng gần ngay bên bệ thờ. Nó lao tới vòng tay trái ôm lấy Thuận-Tường, lăn mình xuống nền nhà. Tay phải xuất chiêu Phong ba hợp bích đỡ chưởng kia.

Bình một tiếng. Chưởng đánh trúng nền nhà. Còn Tự-Mai đã ôm Thuận-Tường đứng dậy. Nó nhảy lui liền ba bước để hóa giải kình lực đối phương.

Từ sau bàn thờ liệt tổ phái Tản-viên, một cặp nam nữ xuất hiện. Nam dùng chiêu võ đánh thẳng vào vai Tự-Mai. Tự-Mai vung tay đỡ. Binh một tiếng. Cả hai lảo đảo lùi lại. Mùi hôi tanh nồng nặc bốc ra làm mọi người buồn nôn.

Nữ xuất chiêu tấn công Trí-Thành. Trí-Thành vung chương đỡ. Bình một tiếng, mụ bị đẩy lui ba nước. Nữ tiến lên đứng trước mặt Hoa Trung như bảo vệ cho gã. Thị quát lên the thé:

- Ai đụng vào Hoa-Trung, ta giết chết liền.

Đào Nhị-Bách hô lớn:

- Chu-sa ngũ độc chưởng!

Mọi người nhìn lại, cặp nam nữ, tuổi khoảng hai mươi lăm, hai mươi sáu. Thoáng nhìn, người ta cũng biết họ là anh em, vì khuôn mặt hơi giống nhau.

Cả hai người đồng xuất chiêu hướng Tự-Mai, nam quát:

- Buông đứa con gái ra mau.

Tự-Mai phát chiêu Phong ba hợp bích, đẩy chưởng của nam vào nữ. Bùng một tiếng. Hai người cùng bật lui. Tự-Mai nhảy về sau liền ba bước. Tay nó ôm chặt Thuận-Tường. Ngực nàng ép sát ngực nó.

Tự-Mai quát:

- Hai vị là ai? Tại sao ám toán hại người?

Thuận-Tường bị Tự-Mai ôm chặt. Nàng xấu hổ, kêu lên:

- Mi... mi... đại ca ôm ta giữa chỗ đông thế này còn ra thể thống gì nữa! Có mau bỏ ta ra không?

Tự-Mai vội buông Thuận-Tường xuống. Hương thơm trinh nữ làm cho nó cảm thấy ngây ngất.

Từ nhỏ, Tự-Mai chỉ biết có chị gái. Sau này gặp Mỹ-Linh, Bảo-Hòa, Thiếu-Mai, nhưng tất cả đối với nó giống người chị. Nó kính yêu như đối với Thanh-Mai. Lần đầu tiên, nó va chạm với một thiếu nữ xinh đẹp ngang tuổi. Một cảm giác kỳ lạ chạy khắp cơ thể nó.

Về phần Thuận-Tường, tuy thoát chết nhưng bị một phen hú vía. Nàng run lên bần bật, lại ngồi bên Bắc-Sơn lão nhân, đưa mắt nhìn Tự-Mai. Nghĩ lại biến cố vừa rồi, nàng vừa kinh hãi, vừa thẹn thùng. Để xua đuổi ý nghĩ vẩn vơ, nàng hỏi Triệu Tiết:

- Sư huynh! Sư huynh có đau không?

Triệu Tiết chỉ bị ngoại thương. Y được Lê Văn bó xương, cho uống thuốc trấn thống, đau đớn không còn. Từ đầu đến cuối, bao nhiêu cử chỉ, lời nói giữa Tự-Mai, Thuận-Tường đều lọt vào mắt nó.

Nguyên Triệu Tiết vốn xuất thân trong gia đình quyền quý. Nó được cho học cả văn lẫn võ. Về văn, nó theo học trường Quốc-tử giám ở Biện-kinh. Tương lai mở rộng. Về võ, nó được người đứng đầu phái Hoa-sơn, danh vang thiên hạ là Bắc-sơn lão nhân thu làm đệ tử. Trong các đệ tử của Bắc-Sơn nó sáng chói nhất, thường được sư phụ giao cho huấn luyện các sư đệ. Trong các sư đệ, sư muội, nó chú ý đến Thuận-Tường. Thuận-Tường với nó sống chung trên núi Hoa-sơn mấy năm. Tuy hai người chưa chính thức, song ai cũng coi như đôi trẻ sẽ được tác thành lứa đôi.

Hôm nay, trong cuộc Nam du, Tiết tuân lệnh sư thúc, đấu với một thiếu niên Nam-man. Y bị đánh bại. Một liều ba bẩy cũng liều. Nhân đối thủ không chú ý. Y đánh trộm mong thủ thắng. Nào ngờ y bị nội công đối thủ phản ứng, chân tay gẫy.

Lúc đầu Thuận-Tường bước ra mắng Tự-Mai bênh nó. Nó khoan khoái trong lòng. Nhưng rồi biến cố dồn dập xẩy ra, nó thấy Thuận-Tường bị Tự-Mai dùng ôn nhu chinh phục. Bây giờ nàng hút mất mạng, Tự-Mai ôm cứng nàng cứu thoát. Nhìn ngực nàng áp chặt vào ngực Tự-Mai, nó hận không ăn tươi nuốt sống được đối thủ. Nó phát ra tia hận thù nhìn Tự-Mai như con thú muốn nuốt mồi.

Về Thuận-Tường, trước kia nàng vẫn coi Triệu-Tiết như người anh. Tình cảm của cô gái mới lớn, gặp cậu trai tự nhiên nảy nở. Hôm nay gặp Tự-Mai, vì tình đồng môn, nàng mắng nó, bênh sư huynh. Nào ngờ Tự-Mai vẫn nhũn nhặn ôn tồn trả lời không hề chấp nhặt. Vừa rồi Tự-Mai ôm chặt nàng vào người. Hai ngực áp vào nhau. Người nàng như tê dại đi không còn biết gì nữa. Tuy miệng la Tự-Mai, mà trong lòng nàng muốn nó cứ ôm nàng mãi, càng lâu càng tốt.

Bây giờ Tự-Mai buông nàng ra, nghĩ lại thẹn thùng vô tả. Nàng phải săn sóc sư huynh để xua đuổi ý nghĩ làm rối loạn tâm tư. Nàng hỏi Triệu-Tiết mà không thấy nó trả lời. Bấy giờ nàng mới để ý thấy đôi mắt đầy hận thù của nó đang hướng vào Tự-Mai. Nàng than thầm:

- Nguy quá! Sư huynh biết hết những gì ta tỏ với gã họ Trần kia rồi.
Bình Luận (0)
Comment