Anh Không Muốn Để Em Một Mình

Chương 36

Tôi đến văn phòng, lấy cốc giấy dùng một lần rót một cốc nước nóng rồi bước đến khu cầu thang bộ.

“Cô Trần!” Tôi ngồi xuống bên cạnh bà, đưa cốc nước nóng trong tay cho bà, hỏi nhỏ: “Có cần cháu giúp gì không ạ?”

Bà Trần cầm cốc nước, nói: “Cảm ơn cháu!”

Uống một ngụm nước, bà đột nhiên dừng lại, ngoảnh đầu hỏi tôi: “Bác sĩ Bạc, ông Cận nhà tôi nói chiều mai muốn đi công tác Bắc Kinh, tôi lo sức khỏe của ông ấy không thể chống trụ nổi, bác sĩ có thể kê cho ông ấy ít thuốc không?”

“Chiều mai ư? Đi công tác?” Tôi gần như cho rằng mình nghe nhầm. “Sáng ngày mai chú ấy phải làm hóa trị.”

“Ông ấy muốn làm xong hóa trị thì đi công tác.”

“Cái gì cơ?” Tôi không cần nghĩ mà từ chối ngay. “Chú ấy tuyệt đối không thể đi.”

Bà Cận trầm mặc hồi lâu rồi ngẩng đầu lên, nhìn tôi với ánh mắt cầu khẩn, tôi nghĩ bà ấy sẽ nói: “Cháu hãy giúp cô khuyên nhủ ông ấy nhé!”

Nhưng, lời nói ra miệng của bà lại là: “Cháu để cho ông ấy đi đi, hội nghị lần này rất quan trọng với ông ấy, nếu khôngthể đi, ông ấy sẽ rất khó chịu.”

Tôi há miệng định nói, nhưng mãi mới thốt ra lời: “Hội nghị đó quan trọng thế nào? Còn quan trọng hơn tính mạng của chú ấy sao?”

Bà Cận cười khổ gật đầu: “Đối với ông ấy thì đúng là thế.”

Tôi cũng không còn gì để nói, chỉ cảm thấy giống như nuốt phải một quả chanh, trong lòng tràn đầy sự chua xót.

Ngày hôm qua, Cận tiên sinh làm xong hóa trị, chỉ nằm khoảng mười phút là ông ấy cắn răng nhịn đau bước xuống giường.

Tôi hỏi ông đi đâu, ông nói với tôi, ông muốn đi Bắc Kinh tham gia một hội nghị vô cùng quan trọng, cần lập tức ra sân bay.

Tôi muốn nói gì đó thì bà Cận nắm lấy tay tôi, nói: “Bác sĩ Bạc, cháu đừng ngăn cản ông ấy. Ông ấy muốn làm gì thì cứ để ông ấy làm đi.”

“Nhưng…”

“Tôi cùng đi Bắc Kinh với ông ấy, tôi sẽ chăm sóc cho ông ấy thật tốt.”

“…” Tôi không ngăn cản nữa, chỉ biết mở to mắt nhìn Cận tiên sinh bước từng bước khó khăn ra khỏi cửa phòng bệnh, vừa bước đến hành lang thì chân ông đã mềm nhũn ngã sõng soài ra nền đá lạnh băng ở hành lang. Bà Cận vội vàng đến dìu ông, ông khó khăn chống tay xuống đất rồi đứng dậy, sau đó được bà Cận dìu, ông vừa dựa vào tường vừa chầm chậm bước đến chỗ thang máy.

Tôi chưa bao giờ thích nghe ngóng về cuộc sống cũng như công việc của người bệnh, nhưng khoảnh khắc này, tôi thật sự muốn biết, rốt cuộc là hội nghị gì, quan trọng như thế nào mà còn hơn cả tính mạng của ông?

Trong lần hóa trị thứ năm của Cận tiên sinh, tôi cuối cùng không nhịn được mà đặt câu hỏi, mặc dù tôi biết mình khôngnên hỏi, nhưng quả thực là tôi không kiềm chế được. Vì thời gian tôi hẹn Cận tiên sinh hóa trị đã trôi qua bốn tiếng rồi mà vẫn không thấy bóng dáng của ông đâu.

Tôi gọi điện cho ông, hỏi ông có phải xảy ra vấn đề gì rồi không, ông đáp: “Xin lỗi bác sĩ Bạc, tôi vẫn đang họp.”

“Họp?” Trái tim tôi như bị kim châm, giọng nói không kìm được được mà trở nên gay gắt. “Chú đã hẹn đến làm hóa trị, chú không nhớ sao?”

“Tôi nhớ, nhưng hội nghị vẫn chưa kết thúc, phải tối muộn tôi mới có thể đến bệnh viện.”

Tôi cắn răng, cuối cùng vẫn hỏi: “Cận tiên sinh, chú có thể nói cháu biết đó là hội nghị gì được không, nó quan trọng đến thế sao?”

Ông do dự một lát rồi nói với tôi: “Đó là hội nghị bình xét về hạng mục hàng không vũ trụ, tôi là người phụ trách hạng mục này, tôi không thể rời đi được.”

Trong vốn kiến thức hạn hẹp của tôi, “hàng không vũ trụ” là một từ mới lạ, tôi chỉ biết “hàng không vũ trụ” đại diện cho khoa học kỹ thuật tiên tiến nhất của quốc gia, có quan trọng hay không, chắc chắn một bác sĩ khoa Ung bướu bình thường như tôi không thể đánh giá được, nhưng tôi vẫn không thể nào hiểu nổi tại sao hội nghị này cần một người bệnh sắp chết tham dự?

Với tình trạng bệnh tim của Cận tiên sinh, ông có thể chết bất cứ lúc nào.

“Xin lỗi, chỗ tôi đang có việc, không thể nói chuyện tiếp với cô được.”

Tôi vội vàng nói: “Đã như vậy thì chú yên tâm họp đi nhé. Cháu ở bệnh viện đợi chú, cho dù chú đến mấy giờ thì cháu cũng sẽ đợi.”

Ông cười nói: “Cảm ơn cô! Làm phiền thêm cho cô rồi.”

“Cháu nên làm vậy mà.” Không phải tôi khiêm tốn, mà tôi thật sự cảm thấy mình nên làm như vậy.

Một người bị bệnh ung thư vẫn có thể kiên trì làm việc, bác sĩ như tôi đây phải đợi thêm vài tiếng đồng hồ thì có đáng gì?
Bình Luận (0)
Comment