Anh Linh Thần Võ Tộc Việt

Chương 19

Đến lượt Xích-Thập hét lên be be, tay ôm ngực:

- Chết! Đau chết đi thôi.

Đỗ, Lê quằn quại một lúc rồi bò đến trước Lưu hậu rập đầu binh binh:

- Thái-hậu, xin Thái-hậu cứu anh em thần. Anh em thần tuân chỉ của giáo chủ sang đây hành sự trợ giúp Thái-hậu mà ra nông nỗi.

Lưu hậu lắc đầu:

- Ta vô dụng mất rồi. Ta có còn quyền gì nữa đâu? Chính ta cũng đau đớn như các người, phải khuất thân cầu kẻ hèn hạ cứu cho mới thoát khỏi tai kiếp.

- Xin Thái-hậu truyền cho tả, hữu sứ hút độc tố cứu... cứu anh em thần.

Lưu hậu lạnh lùng hỏi:

- Ta cứu cho hai người thì hai người báo đáp ta gì đây?

Xích-Thập nói:

- Tâu Thái-hậu, giáo chủ nói rằng người sẽ cho thần làm vua Đại-Việt. Còn Lê trưởng lão làm vua Chiêm-thành. Khi thần lên ngôi vua, nguyện cắt hết 207 khê động cùng các đảo ngoài khơi Nam-hải dâng cho Thiên-triều, đời đời tu cống xưng thần, mãi mãi chịu sắc phong, không dám xưng niên hiệu, cùng đặt quốc hiệu.

Lưu hậu lắc đầu:

- Chưa đủ.

- Thần xin chịu binh dịch, cho con sang làm con tin.

- Vẫn chưa đủ.

Xích-Thập rên lên:

- Thần mở rộng cửa cho binh Thiên-triều vào trấn đóng, cùng bỏ ý định bắt Lão-qua, Chiêm-thành, Chân-lạp tu cống. Hàng năm đến Biện-kinh chầu.

Lưu hậu tươi nét mặt nói với Định-vương:

- Vương thấy chưa? Trong khi vương hạ thể đi kết huynh đệ với Lý Long-Bồ trong tư thế ngang nhau. Còn ta, ta thu phục được những biên thần như thế này, cương vực Nam-phương mở rộng, không tốn một mũi tên, một giọt máu.

Định-vương cười nhạt:

- Thái-hậu bị ma kinh, quỷ ám nên minh mẫn mờ đi rồi! Thái-hậu ơi, tên ma đầu này uy không còn, thân danh tàn tạ, y có quyền gì đâu? Nay y sắp chết, Thái-hậu cứu y thì bảo y làm trâu, làm chó gì y chăng nghe theo?

Lưu hậu cười nhạt:

- Thái-sư chờ đi.

Bà quay lại bảo Xích-Thập đang nằm bò dưới đất, hai tay ôm lấy giầy bà, tỏ ra cực kỳ tôn kính:

- Được. Người nhớ lấy lời.

Lưu hậu vẫy tay cho Tôn Đức-Khắc, Lê Lục-Vũ:

- Nhị vị tả, hữu sứ. Xin nhị vị cứu cho hai trưởng lão.

Tôn, Lê đến bên Đỗ Xích-Thập. Hai người nắm lấy tay y, rồi vận công hút độc tố. Nhưng hút đến ba lần, Đỗ vẫn đau đớn như thường.

Khai-Quốc vương cười:

- Tôn, Lê. Hai vị nên biết rằng Hồng-thiết tâm pháp chỉ hút được nọc Chu-sa thôi. Chứ khi hai vị Đỗ, Lê đánh người, rồi bị người dồn độc tố trở lại thì vô dụng. Hồi đại hội Thăng-long, chính Nhật-Hồ lão nhân nào có hút được độc tố cho Đỗ trưởng lão đâu? Rút cục Đỗ trưởng lão phải xin Côi-sơn đại hiệp thu lại chân khí Đông-a, rồi Thân giáo chủ mới hút được độc tố ra.

Vương chỉ Trung-Đạo, Vương-Văn:

- Hai trưởng lão dùng Chu-sa độc chưởng đánh Phiêu-kị, cùng Trấn-quốc đại tướng quân, rồi bị hai vị đó đẩy độc tố trở lại mà thành nông nỗi. Vậy hai trưởng lão phải xin Hoàng-thượng ban chỉ dụ cho nhị vị đại tướng quân thu hồi chân khí. Sau đó mới xin Thân giáo chủ trị cho.

Đỗ Xích-Thập, Lê Đức cùng nghĩ rằng: Nếu mình là trưởng lão Lạc-long giáo, thì Thiệu-Thái phải nghĩ tình, xin với nhà vua ân xá, ban chỉ dụ cho Vương Văn, Trung-Đạo thu hồi chân khí. Đổi lại Thiệu-Thái sẽ trị bệnh một số quan Tống triều. Hai người lại bò đến trước Thiệu-Thái rập đầu binh binh. Lê Đức nói:

- Thuộc hạ tội đáng muôn thác, xin giáo chủ ban phúc cứu trị. Từ nay về sau, thuộc hạ nguyện làm thân trâu ngựa đền ơn giáo chủ. Thuộc hạ sẽ xuất lĩnh giáo chúng đi tiên phong giúp triều Lý tranh dành lại 207 Khê-động. Sau đó thống nhất tộc Việt đòi lại vùng đất Nam sông Trường-giang.

Xích-Thập nói:

- Đòi đất thế nào được, chúng ta phải diệt triều Tống, chia Trung-nguyên thành quận huyện mà cai trị.

Định-vương hỏi Lưu hậu:

- Thái-hậu có nghe ma đầu Xích-Thập nói không?

Mặt Lưu hậu xám lại như tro, bà quay đầu nhìn đi chỗ khác.

Lạc-long giáo gốc từ Hồng-thiết giáo. Khi Thiệu-Thái nhận chức giáo chủ, chàng cùng Thanh-Mai, Bảo-Hòa duyệt lại các điều giáo luật. Trong giáo luật cũ có khoản: Bất cứ trong hoàn cảnh nào. Đệ tử bản giáo cũng không thể để cho người ngoài giết hay làm nhục giáo hữu trước mặt mình. Thấy điều này duy trì tình đoàn kết trong giáo. Thiệu-Thái đồng ý giữ nguyên.

Bây giờ tuy hai gã Đỗ Xích-Thập, Lê Đức phản chàng. Nhưng dù sao chàng cũng không thể để cho chúng bị nhục quá đáng. Chàng đưa mắt hỏi ý kiến Thanh-Mai. Thanh-Mai hiểu ý Thiệu-Thái, nàng tiến lên chĩa ngón tay điểm vào huyệt Đại-trùy của Đỗ, Lê. Hai người bị tê liệt, ngồi ngay như pho tượng, không còn biết đau đớn gì nữa.

Lưu thái-hậu hỏi Định-vương:

- Thái-sư, thì ra Vương Văn, với Trung-Đạo đều là người phái Đông-a. Thái sư đưa họ vào triều để mưu đồ thoán nghịch đó ư?

Định-vương cười nhạt:

- Tâu Thái-hậu, Trấn-quốc đại tướng quân Vương-Văn nguyên là Đô-đốc vùng Động-đình, Tương-giang. Phiêu-kị đại tướng quân Trần Trung-Đạo nguyên là Tư-mã Kinh-châu. Cả hai vị đều đo thi tuyển, rồi đem sức hãn mã lập công từ thời Tiên-đế đến giờ. Ba năm trước đây, chính Thái-hậu ban chỉ thăng chức cho hai vị mà. Thần không hề nâng đỡ hai vị này đến một lần.

Vương nói lớn:

- Tiên đế trí lự rộng như trời, như biển. Vì vậy người coi tất cả dân trong Thiên-hạ đều là con đỏ. Chẳng thế mà người biết Yến đại học sĩ vốn là người Việt, người vẫn dùng. Không những dùng, mà con tín cẩn nữa. Khi tuyển Vương, Trần, người biết hai vị là đại cao thủ võ lâm gốc Việt. Người tin dùng đặc biệt. Ý người muốn noi gương vua Quang-Vũ nhà Hán, trọng dụng Nghiêm-tử Lăng, Đào Kỳ, tước phong tới vương. Chính vì lẽ đó, hôm nay mới khiến hai vị trừ quân Việt, Xiêm tới đây kết hiếu.

Vương chắp tay xá Lưu hậu:

- Tiên đế biết rất rõ Thái-hậu là người Việt. Người vẫn sủng ái. Hơn nữa sủng ái nhất, phong làm Hoàng-hậu. Khi băng hà người còn để di chiếu trao cho Thái-hậu dự triều chính. Thái-hậu là người Việt, cớ sao lại bỉ thử hai vị Vương, Trần vì cái gốc Việt?

Vương chỉ Xích-Thập, Lê Đức:

- Hai tên ma đầu này, tuân lệnh sư phụ là Nhật-Hồ lão nhân sang đây mưu hại Thiên-tử. Với Chu-sa độc chưởng của y, nếu không nhờ phản Chu-sa độc chưởng của hai vị Vương tướng quân, Trần tướng quân, hỏi ai kiềm chế nổi chúng?

Tôn Đức-Khắc cười nhạt:

- Hai tên Vương, Trần này chẳng qua là gian tế của phái Đông-a tiềm ẩn trong triều, điều này không ai có thể chổi cãi. Còn hai lão phu, rõ ràng vì Tiên-đế, vì Thái-hậu, suốt bao năm lập công với triều đình, lòng dạ anh em lão phu sáng như trăng rằm. Thế mà nay Thái-sư muốn hại Thái-hậu, nên đổ cho hai lão phu biết bao tội lỗi lên đầu. Bây giờ Thái-sư lại muốn dùng tên đại phản nghịch Ngô-Việt để giết hai lão phu. Tuy nhiên, hai lão phu nào có sợ gì.

Nói rồi y vẫy Ngô Quảng-Thiên:

- Tên nghịch tặc kia, lại đây! Lại đây để lĩnh Chu-sa Nhật-hồ độc chưởng.

Quần thần không ít thì nhiều đều đã nghe nói về bản lĩnh xảo quyệt, gian manh của đệ tử Hồng-thiết giáo. Bây giờ họ mới thấy tận mắt, nghe tận tai. Rõ ràng từ sáng đến giờ hai tên Lê Lục-Vũ, Tôn Đức-Khắc không dấu diếm thân phận ma đầu của mình. Cũng chính chúng tự nhận việc sát hại Sở-vương, Chiêu-Thành thái-tử, cùng các vị hoàng hậu, cung tần. Thế rồi lúc nãy chúng lại đem tình đồng bào Việt ra trách Ngô Quảng-Thiên. Bây giờ chúng trở giọng gọi ông là nghịch tặc, rồi xưng là trung thần.

Người bịt mặt đi cùng với Ngô Quảng-Thiên chỉ tay vào mặt Tôn Đức-Khắc:

- Khoan! Không vội. Ta với mi có món nợ lớn. Mi phải trả ta trước đã.

Hiện trường không biết ông ta là ai. Nhìn kỹ: da hồng mọng như trái táo, nhưng râu tóc bạc như cước, thì biết tuổi lão đã cao. Lão bảo Ngô Quảng-Thiên:

- Này Ngô lão đệ, lão đệ có biết tên Tôn Đức-Khắc này nợ nần ta ra sao không?

- Đệ hoàn toàn không biết.

- Y chính là người đã thu dụng Lê Ba vào Hồng-thiết giáo. Chính y cùng Lê Ba ám hại ta. Ta thành người tàn tật bấy lâu. Vì vậy không thể đích thân trả thù. Ta ngậm đắng nuốt cay tìm một thiếu niên anh tài, truyền hết bản lĩnh cho y, để để diệt chúng.

Nói rồi lão mở khăn bịt mặt ra. Mọi người đều bật lên tiếng kinh hãi. Bởi mặt lão người không ra người, quỷ không ra quỷ. Mũi lão bị cắt mất, hóa cho nên mặt bằng phẳng. Mắt bên trái mất con ngươi, cả lông mi, lông mày đều không có. Môi trên, môi dưới bị mất một miếng, thành ra miệng trên méo sang trái. Miệng dưới méo sang phải. Má trái có ba thẹo dài như ba cái đũa nổi lên cao theo chiều miệng, mũi ra tai. Má phải có hai thẹo chéo nhau. Song chỗ da còn lại thì đẹp vô cùng. Chứng tỏ xưa kia lão là một mỹ nam tử.

Tôn Đức-Khắc cười ha hả:

- Thì ra Phan Nam. Ta tưởng mi nát thây trong thung lũng Thần-đầu. Nào ngờ mi còn sống. Mi sống hay chết cũng thế thôi. Lại đây, lại đây, ta cho mi thưởng thức thêm ít đau khổ nữa. Ta sẽ lấy lưỡi mi, để mi không còn nói được.

Nghe đến Phan Nam, sứ đoàn cũng như Hoa-sơn tứ lão đều bật lên tiếng kinh ngạc. Bởi ba mươi năm trước, lão là một đạo sĩ thuộc phái Sài-sơn. Võ công, y-thuật của lão cao thâm khôn lường. Lão đi giữa chính, tà. Đối với phái Tiêu-sơn lão kết thân với Vạn-Hạnh thiền sư. Đối với phái Đông-a lão kết thân với chưởng môn Trần Trí-Đức. Đối với Hồng-thiết giáo, lão kết thân với giáo-chủ Nhật-Hồ cùng tả, hữu hộ giáo Chu Bội-Sơn, Đào Tường-Phúc. Lão chính là sư phụ của Hồng-sơn đại phu, tức sư huynh của Lê Ba. Lão hành sự rất kỳ bí như con rồng khi ẩn khi hiện.

Thế rồi tự nhiên lão mất tích. Lê Ba có vai vế cao nhất trong phái Sài-sơn đứng ra triệu tập môn hộ tôn Hồng-sơn đại phu lên làm chưởng môn. Nào ngờ bây giờ lão xuất hiện, kể tội Tôn Đức-Khắc tức Đào Tường-Phúc hợp với Lê Ba hại lão.

Thiếu-Mai, Lê Văn đến trước lão quỳ gối:

- Thái sư phụ.

Phan-Nam để cho hai người hành lễ, rồi cười:

- Hai trẻ được lắm. Ta theo dõi hành trạng chị em con từ lâu. Thực không hổ đệ tử của Phù-Đổng Thiên-vương.

Hai chị em Thiếu-Mai đứng cạnh Phan Nam, hầu hạ lão.

Phan Nam đeo mặt nạ trở lại, rồi vẫy tay gọi một thị vệ:

- Người lại đây. Khi dạy võ cho người, ta bắt người tuyên thệ phải giết tên Lê Ba với Đào Tường-Phúc. Hôm đại hội Thăng-long, người đã giết Lê Ba rồi. Bây giờ người giết tên Đào Tường-Phúc cho ta.

Sứ đoàn cũng như người của Định-vương đều biết tên thị vệ ấy là Trần Thông-Mai rồi. Còn lại không ai biết lý lịch chàng ra sao. Bây giờ thấy chàng ứng lời lão già, ai cũng đều ngạc nhiên.

Thông-Mai chỉ vào mặt Tôn Đức-Khắc:

- Tên Đào Tường-Phúc kia. Khi mi bị quan quân nhà Lê truy nã phải ẩn náu ở trang Yến-vĩ sương-sen. Mi tằng tịu với con điếm già Anh-Tần, bị chồng nó là thầy lang họ Trần bắt được. Mi định giết ông ta. Ông ta cầu cứu với ông nội ta. Ông nội ta ra tay trừ diệt ma đầu. Mi bị trúng chiêu Phong-ba hợp bích đến thổ máu miệng, xương ngực bị vỡ, tay trái bị gẫy. Mi lết đến núi Sài-sơn nhờ Lê Ba trị, nhưng y thuật Lê không tới. Sư phụ ta thương tình cứu trị cho mi. Mi thề độc vĩnh viễn rời bỏ Hồng-thiết giáo. Nào ngờ... nào ngờ.

Thông-Mai dừng lại cho mọi người theo kịp, rồi tiếp:

- Nào ngờ sau khi khỏi bệnh, mi cùng Lê Ba âm mưu biến phái Sài-sơn thành một nhánh Hồng-thiết giáo. Mi với Lê Ba khuyên sư phụ ta nhập Hồng-thiết giáo. Sư phụ ta không những từ chối, mà còn mắng chửi mi. Thế là đi tới dụng võ. Mi với Lê Ba liên thủ đấu với sư phụ ta. Khi lão nhân gia bị trúng Chu-sa độc chưởng, mi khoét mắt, cắt môi, rạch mặt rồi đem bỏ vào rừng cho thú ăn thịt. Mi đâu ngờ sư phụ ta dùng nội công tự trị bệnh, dùng cây cỏ tự cứu thương. Lão nhân gia âm thầm tìm dịp trả mối hận này. Ta được người thu làm đệ tử, với mục đích giết mi với Lê Ba để đòi nợ. Lê Ba đã đền tội. Hôm nay tới mi.

Dứt lời chàng vận chiêu Thiên-vương chưởng đánh thẳng vào mặt Tôn Đức-Khắc. Tôn Đức-Khắc thấy chàng còn trẻ, y tỏ vẻ khinh thường. Y phát chiêu chưởng Cửu-chân đỡ. Võ công Cửu-chân thiên về dương cương. Võ công Sài-sơn thuộc âm dương hợp nhất. Hai chưởng gặp nhau phát ra tiếng bùng lớn. Cả hai cùng lảo đảo lui lại.

Đám võ quan triều Tống đều biết công lực Tôn Đức-Khắc ngang với Tào Lợi-Dụng, hiện trong triều không ai đấu ngang tay được với y. Nay họ thấy Thông-Mai còn trẻ, mà dường như công lực ngang với Tôn, họ đều kinh hãi tự hỏi:

- Sao đất Việt nhiều nhân tài thế?

Tôn Đức-Khắc là một thiên tài võ học. Tuổi y lại đi vào bẩy mươi, công lực cao thâm không biết đâu mà lường. Y thấy rõ ràng Thông-Mai dùng võ công Sài-sơn, nhưng dường như nội công lại hơi giống Đông-a. Y chưa biết chàng là con Trần Tự-An, vì vậy y đấu cầm chừng để dò xét.

Trong thuật chiến tranh Hoa-Việt, thường nói: Tri kỷ tri bỉ, bách chiến bất thù. Nghiã là : Biết mình, biết người trăm trận trăm thắng. Thông-Mai biết Tôn rất rõ, trong khi y không biết rõ về võ công của chàng. Vì vậy trận đấu kéo dài đến trăm chiêu. Thình lình y lui lại phát chiêu trong Thiết-kình phi chưởng. Trong chưởng có mùi hôi tanh khủng khiếp. Mọi người hô lớn:

- Coi chừng Chu-sa độc chưởng.

Thông-Mai đã vận phương pháp phản Chu-sa từ trước. Chàng thản nhiên đỡ. Bộp một tiếng chàng thối lui một bước. Tôn Đức-Khắc thấy chàng trúng một Chu-sa độc chưởng, y đánh liền ba chiêu. Chàng thản nhiên đỡ. Cứ sau mỗi chiêu chàng lùi một bước. Sau khi đánh liền mười chiêu, Tôn Đức-Khắc nhảy lui lại cười gằn:

- Tên ôn con. Mi trúng liền mười chiêu độc chưởng. Mau mau qùi xuống bái ta làm sư phụ. Ta sẽ ban thuốc giải cho.

Thông-Mai đưa tay lên nhìn, rồi thình lình chàng thét lớn:

- Ối! Đau chết đi được.

Chàng ngồi xuống vận công, chân tay run rẩy. Cả triều Tống đều thất vọng. Họ thấy Thông-Mai còn trẻ, công lực đến chỗ siêu việt, mà bỗng chốc bị trúng Chu-sa độc chưởng, đến vô lực như Tây, Đông-Sơn lão nhân.

Lê Thiếu-Mai móc trong túi ra viên thuốc trao cho Thông-Mai:

- Thuốc giải đây. Sư thúc mau nuốt đi.

Thông-Mai bỏ viên thuốc vào miệng nuốt, rồi vận công. Nhưng chàng lại hét lên:

- Đau chết đi được.

Tôn Đức-Khắc cười nhạt:

- Gã Hồng-Sơn tưởng đâu bắt chước chúng ta chế thuốc giải. Nhưng, độc chưởng Chu-sa ta đã đổi đi rồi. Ngay thuốc của Nhật-Hồ lão nhân cũng vô ích.

Y nói trong niềm tự đắc:

- Thiếu niên kia. Người hãy qùy gối bái ta làm sư phụ. Ta hứa sẽ truyền Chu-sa độc chưởng cho người. Người sẽ cùng ta trở về Lưỡng-Quảng lập lại nước Ngô-Việt.

Thông-Mai run run bò lại trước Tôn Đức-Khắc. Chàng rập đầu:

- Sư phụ! Đệ tử nguyện qui phục.

Tôn Đức-Khắc kiêu hãnh nhìn Phan Nam:

- Tên đui mù kia! Mi thấy chưa? Mi có muốn lĩnh độc chưởng thì lại đây mà lĩnh.

Đám văn võ quan triều Tống thấy Thông-Mai hèn hạ, đều tỏ vẻ khinh bỉ, không ai muốn nhìn. Tôn Đức-Khắc móc trong túi ra hộp thuốc, y đổ lấy một viên trao cho Thông-Mai:

- Thuốc đây, người hãy nuốt đi, rồi vận công cho hết đau.

Thông-Mai bỏ thuốc vào miệng nuốt, rồi ngồi vận công. Phút chốc chàng rùng mình đứng dậy:

- Đa tạ sư phụ.

Tôn Đức-Khắc chỉ Tào Lợi-Dụng:

- Tên họ Tào tiềm ẩn trong triều đã ba đời. Nhưng không rõ y mưu đồ gì? Chính y hại Sở vương, Chiêu-Thành thái tử cùng chư vị hoàng hậu. Bây giờ truyện đổ bể, y đổ cho Hồng-thiết giáo ta. Vậy người hãy khống chế y, bắt y phải khai ra sự thực, hầu minh oan cho Thái-hậu, cho ta với sư thúc Lê Lục-Vũ.

Thông-Mai vâng một tiếng rồi phát chưởng tấn công Tào Lợi-Dụng. Tào Lợi-Dụng đã biết võ công Thông-Mai. Y phát Huyền-âm chưởng chống lại. Hai chưởng chạm nhau, vèo một tiếng. Cả hai cùng rung động toàn thân. Gờm gờm nhìn nhau.

Thông-Mai dùng Thiên-vương chưởng, Lợi-Dụng dùng Huyền-âm chưởng. Chàng nghĩ thầm:

- Trong Lĩnh-Nam vũ kinh nói rõ: Liêu-Đông chưởng là chưởng pháp tối cổ của Trung-quốc. Nhưng nội công lại phát xuất từ nội công Long-biên, tức nội công Lĩnh-Nam. Võ công Cửu-chân khắc chế võ công Trung-nguyên. Nhưng trong võ công Lĩnh-Nam, võ công Tản-viên đứng đầu. Tôn Đức-Khắc dùng võ công Cửu-chân, thắng các cao thủ Trung-nguyên, nhưng đối với Tào Lợi-Dụng lại vô hiệu là thế. Bây giờ ta dùng võ công Tản-viên để thắng y.

Thuận tay chàng phát chiêu Tứ-ngưu phân thi. Chưởng của chàng chạm vào chưởng Lợi-Dụng. Bình một tiếng, y bị bật lui liền ba bốn bước. Thông-Mai vốn kinh nghiệm chiến đấu, chàng đánh liền chiêu Thanh-ngưu ư hà, rồi chuyển sang chiêu Ngưu thực ư dã.

Không ai hiểu tại sao chàng lại biết xử dụng Phục-ngưu thần chưởng tinh vi như vậy, ngoài Ngô Quảng-Thiên với Bảo-Hòa.

Ngày nọ, chàng vào hầm đá, chép hết bộ Lĩnh-Nam võ kinh. Thấy Phục-ngưu chưởng tinh diệu, chàng luyện thử, nhưng không kết quả, vì thiếu mật ngữ. Từ hôm sang Trung-nguyên, đi cạnh Bảo-Hòa. Bảo-Hòa khuyên chàng luyện Phục-ngưu chưởng, rồi đọc mật ngữ cho chàng. Không khó nhọc, chàng luyện thành.

Thông-Mai đánh đến chiêu thứ bốn mươi, thì Lợi-Dụng chỉ còn thở hồng hộc. Chàng chập hai tay vào nhau, rồi hô lớn:

- Xin anh linh Sở vương, Chiêu-Thành thái tử cùng chư vị hoàng hậu nhìn tên gian thần đền tội.

Chàng dáng xuống một chưởng như sét nổ. Lợi-Dụng lật ngửa hai bàn tay lên đỡ. Bộp một tiếng, bốn chưởng dính vào nhau. Thế là hai người đấu nội lực.

Nội lực của Thông-Mai là nội lực Đông-a. Sau chàng luyện thêm nội lực Sài-sơn. Hai nội lực không dung hòa được với nhau. Vì vậy trong trận Lộc-hà chàng thua Lê Ba, thân mẫu chàng phải xuất hiện, hy sinh tính mệnh cứu con. Sau khi giết Lê Ba, phụ thân chàng giúp chàng phép hợp nhất hai nội lực, cùng dạy chàng phản Chu-sa độc chưởng. Cho nên nay nội công chàng không thua phụ thân làm bao.

Tuy nhiên nội lực Tào Lợi-Dụng đã đến độ bậc nhất Trung-nguyên. Vì vậy khoảng ăn xong bữa cơm, hai người vẫn đứng im, bất động. Lát sau trên đầu hai người đều bốc lên một làn hơi trắng mờ mờ.

Bảo-Hòa đứng ngoài nói một câu bâng quơ:

- Lĩnh-Nam chỉ pháp.

Thông-Mai chợt tỉnh ngộ, chàng đưa tay trái ra, ngón chỏ chĩa thẳng vào mắt Tào Lợi-Dụng. Nhưng khí lực chàng dồn hết vào tay phải, thành ra tay trái vô lực. Khó nhọc lắm tay trái chàng mới hướng được vào mặt Tào. Tào Lợi-Dụng kinh hoảng, y định đưa tay trái lên gạt tay Thông-Mai, mà vô lực.

Ngón tay Thông-Mai cứ mỗi lúc một gần mắt Tào. Kinh hãi quá, chân khí Tào hỗn loạn, y bật lùi lại một bước, rồi miệng phun máu vào mặt Thông-Mai. Thông-Mai né đầu tránh khỏi, nhưng má trái chàng cũng bị mấy giọt trúng phải. Chàng tung một chưởng vào ngực Tào. Người Tào bay bổng lên cao, rồi rơi xuống. Y quằn quại mấy cái, rồi không ngồi dậy được nữa.

Thông-Mai ngồi xuống vận công.

Ba người con Sở vương chạy ra trói Tào lại.

Lát sau Thông-Mai đứng dậy, đưa hai tay ra: Bàn tay chàng tím bầm. Chàng nói với Tôn Đức-Khắc:

- Sư phụ, đệ tử bị trúng Huyền-âm độc tố. Xin sư phụ dùng Thần-công chu-sa hút chất độc cứu đệ tử.

Tôn Đức-Khắc cười ha hả:

- Hài nhi, người đừng sợ. Cái thứ Huyền-âm độc tố này ta đâu có coi ra gì.

Tôn Đức-Khắc, đưa mắt cho Lê Lục-Vũ, rồi cả hai tiến tới. Mỗi người

cầm một bàn tay chàng để vào ngực, hút chất độc. Cả hai cười lớn, nói với mọi người:

- Chúng ta được Nhật-Hồ lão nhân ưu ái truyền Hồng-thiết tâm pháp, nhưng vì nội lực chúng ta thuộc Cửu-chân, Khúc-giang. Trong khi nội lực Hồng-thiết không đủ, nên chưa thể hút độc tố như lão nhân gia, mà chỉ có thể tự giải Chu-sa độc chưởng. Tuy nhiên chúng ta tự luyện thành, bằng cách hai người liên thủ cũng kết quả như lão.

Lê Lục-Vũ cười khành khạch:

- Những ai hiện diện tại đây mà bị trúng Chu-sa độc chưởng, nếu chịu qui phục Hồng-thiết giáo, cũng sẽ được trục hết độc tố như đệ tử của Tôn huynh đây.

Mặt y dương dương tự đắc.

Triều thần Tống thấy thái độ hiên ngang của Thông-Mai lúc đầu đều tỏ vẻ khâm phục. Song sau khi thấy chàng trúng Chu-sa độc chưởng, hèn nhát lạy đối thủ tôn làm sư phụ thì khinh rẻ ra mặt. Bây giờ họ thấy chàng bị trúng Huyền-âm độc chưởng, rồi phải nhờ chúng hút độc tố cho, tất cả đều chán ngấy, buông lời nguyền rủa:

- Đồ hèn hạ.

Nghe tiếng nguyền rủa, Thông-Mai lạnh lùng cười nhạt. Hai lão Tôn, Lê vẫn tiếp tục hút độc tố cho chàng.

Thình lình cả Tôn, Lê thét lên, rồi cùng nhảy lùi trở lại sau mấy bước, hai tay ôm lấy bụng, mặt nhăn nhó tỏ ra cực kỳ đau đớn. Cả hai hét lên chỉ vào mặt Thông-Mai:

- Đồ hèn hạ! Đồ lưu manh. Đồ xảo trá.

Thông-Mai cười khành khạch:

- Hai đại ma đầu. Bây giờ mi phải lạy ta, tôn ta làm sư phụ, hay ta phải lạy mi đây?

Chàng nói với Phan Nam:

- Sư phụ! Tuân lệnh sư phụ, đệ tử đã dùng gậy ông đập lưng ông với hai tên ma đầu, rửa hận ba mươi năm cho sư phụ.

Chàng xòe tay ra cho mọi người xem. Trong kẽ ngón tay chàng có hai viên thuốc. Chính là viên thuốc Thiếu-Mai với Tôn Đức-Khắc trao cho. Chàng chỉ vào mặt Tôn, Lê nói:

- Bọn mi bị ta dùng trí đả bại, chắc không hiểu tại sao. Như vậy khi chết đi vẫn còn ấm ức. Để ta nói cho bọn mi biết.

Chàng nghiêm mặt lại:

- Chính Hồng-thiết kinh đã giúp ta thắng bọn mi. Hồng-thiết kinh chẳng tự hào về xảo quyệt, lật lường đó sao? Hai người tụng hàng ngàn, hàng vạn lần Hồng-thiết kinh, nổi tiếng ma đầu bậc nhì thiên hạ, mà bị ta dùng gậy ông đập lưng ông đến thân tàn ma dại.

Chàng cười rung động cả không gian lên:

- Bọn mi phải biết rằng, sư phụ ta ngậm đắng nuốt cay, để chờ ngày giết hai mi, cùng tên Lê Ba, người ban lệnh cho ta phải chính tay giết bọn mi. Ta còn trẻ, công lực có hạn, trong khi công lực bọn mi đạt tới chỗ tối cao, làm sao ta giết bọn mi một lúc cho nổi? Cho nên ta phải dùng trí.

Chàng xòe bàn tay ra trước mặt Tôn Đức-Khắc:

- Ta là con trai lớn của Côi-sơn đại hiệp. Bố ta chế ra phản Chu-sa độc chưởng. Điều này khắp thiên hạ đều hay. Ta biết mi học Hồng-thiết tâm pháp, mà luyện chưa thành, khi muốn trị độc cho ai, phải dùng trung Đơn-điền mới hút được. Cho nên khi đấu với mi, ta dùng võ công Đông-a ắt mi đề phòng. Vả dùng võ công Đông-a thắng mi, thì phụ lòng sư môn. Mi nhớ chứ, ta dùng Thiên-vương chưởng, cho mi không đề phòng, rồi khi mi vận độc công, ta vận phản Chu-sa độc chưởng.

Chàng ngừng lại cười rung động cả quảng trường, rồi tiếp:

- Cứ mỗi chiêu mi đánh ra, ta đẩy độc tố trở lại người mi. Đúng ra ta đẩy mạnh thêm một chút, ắt mi đau đớn như hai tên Đỗ Xích-Thập, Lê Đức kia rồi. Ta chỉ đẩy sao cho độc chất tới vai mi thôi, rồi giả trúng độc, rên rỉ. Quả nhiên sự việc đúng như ta tiên liệu. Mi trúng kế. Ta vờ lạy, tôn mi làm sư phụ, khống chế tên Tào Lợi-Dụng cho mi. Khi đấu chưởng với Tào, ta vờ bị trúng độc. Bọn mi huênh hoang ra cái điều trị khỏi độc tố cho ta, để kéo những người quanh đây theo bọn mi. Ta chỉ đợi có thế, đẩy chất độc Huyền-âm vào Nhâm-mạch bọn mi. Bây giờ trong cơ thể bọn mi, vừa có độc tố Huyền-âm, vừa có độc tố Chu-sa, không còn ai có thể trị cho mi được nữa.

Nói dứt, chàng đến trước Phan Nam quỳ gối rập đầu:

- Sư phụ! Đệ tử đã khống chế hai tên đại ma đầu. Xin sư phụ phát lạc chúng.

Phan Nam hướng vào mọi người:

- Nếu lão phu giết chết hai tên này, có ai phản đối chăng?

Một thí sinh ứng tuyển phò mã bước ra:

- Tôi phản đối.

Mọi người nhìn lại thì ra Triệu Tiết.

Triệu Tiết vốn là sư huynh công chúa Huệ-Nhu. Suốt mấy năm qua, y thầm yêu trộm nhớ nàng. Vì vậy y luôn săn đón bên cạnh. Nhưng Huệ-Nhu không hề chú ý đến y. Nàng coi y như các sư huynh, sư đệ khác. Trong trận Tản-lĩnh, Tiết bị Tự-Mai đánh cho thập tử nhất sinh. Đau đớn hơn nữa, Huệ-Nhu lại có tình với Tự-Mai.

Khi về Trung-nguyên, y tự an ủi rằng Tự-Mai ở bên Đại-Việt, muôn ngàn lần Huệ-Nhu không thể làm vợ y được. Mối hy vọng của y gần như hình thành, khi Lưu hậu mở võ đài tuyển phò mã. Y nhờ Địch Thanh giúp sức bằng cách thắng các anh hùng thiên hạ, rồi cuối cùng trong trận đấu với y, Địch vờ xẩy tay thua. Kế hoạch định xong, thì Tự-Mai, Tôn Đản, Lê Văn lại xuất hiện, rồi Huệ-Nhu được đặc cách gả cho Tự-Mai.

Tuy Tiết vừa được Thiệu-Thái trị Chu-sa độc phấn cho. Nhưng lòng ghen tương làm lương tri mờ đi. Y thấy Thông-Mai là anh Tự-Mai, võ công vô địch, hạ luôn một lúc ba đối đầu ghê ghớm của triều đình. Y bước ra vái chàng:

- Trần đại hiệp. Tiểu bối Triệu Tiết, đệ tử phái Hoa-sơn xin được hỏi đại hiệp mấy câu. Không biết đại hiệp có chịu trả lời cho không?

Thông-Mai đã biết rõ uẩn khúc vụ Triệu Tiết, Huệ-Nhu. Chàng thản nhiên như không biết:

- Triệu huynh đệ hỏi đây là nhân danh triều đình? Hay nhân danh phái Hoa-sơn?

- Tiểu bối nhân danh con dân Đại-Tống mà thôi.

- Xin huynh đệ cứ hỏi.

- Đại hiệp đến Trung-nguyên không có phép của biên cương đại thần. Như vậy rõ ràng tiền bối khinh thị luật lệ Đại-Tống, coi Trung-nguyên không người. Chắc trong lòng tiền bối nghĩ: Ta có bản lĩnh nghiêng trời lệch đất, ta muốn đi là đi, muốn ở là ở, việc gì phải xin phép bọn biên thần? Đó phải chăng là võ đạo Đại-Việt?

Nó đưa mắt nhìn triều thần, thấy các quan như có vẻ đồng ý với nó. Nó tiếp:

- Lại nữa, vụ án Hành-Nam, mấy trăm mạng bị giết, cả đến chó mèo, gà vịt cũng không tha. Người ta nói cũng do tiền bối ra tay. Tiền bối ơi! Dù chúng là dư đảng bang Nhật-hồ, đáng lý tiền bối phải cáo quan bắt chúng. Nhưng đây tiền bối giết như chà kiến cỏ. Đó phải chăng là võ đạo Đại-Việt?

Thấy mọi người lắng nghe, nó dõng dạc:

- Quan chức bản triều định rằng Thị-vệ thuộc hàng tam phẩm. Tam phẩm không phải dễ gì mà trèo lên được. Thế mà tiền bối hiên ngang mặc y phục Thị-vệ. Như vậy rõ ràng tiền bối không coi phép nước tôi ra gì? Đó phải chăng là võ đạo Đại-Việt? Xin tiền bối trả lời cho.

Tuy cùng là con của Côi-sơn đại hiệp, tính tình ngang tàng, trên đầu không có ai. Nhưng Thanh-Mai, Tự-Mai theo bổn sư Tịnh-Huyền lâu năm, thâm nhiễm Phật-giáo, vì vậy hai chị em hành xử mọi việc đều uyển chuyển. Còn Thông-Mai, vì biến cố gia đình, chàng phải ra đi trong niềm bi phẫn, lại gặp sư phụ Phan Nam chứa chất hận thù. Vì vậy tính tình chàng cứng ngắt. Nghe Triệu Tiết hạch hỏi, chàng nghĩ rất nhanh:

- Những điều tên ôn con này hạch ta, thực đúng không sai chút nào. Hẳn có người dùng Lăng-không truyền ngữ mớm nó đây. Ta nhất định không chịu hèn. Ta nhận cho chúng nể mặt.

Chàng nói lớn:

- Trần mỗ là con nhà hiệp nghĩa, thấy bọn ma đầu hại dân, thì bất cứ giá nào cũng phải giết. Khi ở Đại-Việt, mỗ nghe tin bang Nhật-hồ, Trường-giang giết hại lương dân, mỗ chẳng cần biết luật lệ cho phép hay không, mỗ vượt biên sang chinh phục chúng. Nếu Tống triều cho rằng mỗ có tội, thì mỗ chịu. Vả xưa nay, võ lâm hành hiệp tức thế thiên hành đạo, những gì là nguyên tắc, luật lệ lôi thôi, quẳng mẹ nó vào thùng rác cho rồi.

Chàng cười nhạt:

- Sau khi bang Nhật-hồ hồi tỉnh lương tri, biến thành bang Hoàng-đế. Bang Trường-giang qui thuận triều đình. Ai cũng tưởng ác qủi Hồng-thiết tuyệt chủng. Nào ngờ dư đảng còn hoành hành ở Hành-Nam. Điều này làm mỗ suy nghĩ: Không chừng còn nhiều ma đầu luyến tiếc thời giết người, hại dân, tiếp tục tác ác. Vậy cần phải làm theo Khổng-tử.

Triệu Tiết hỏi:

- Tiền bối giết người không gớm tay thì tự mình nhận đi. Đừng đem bậc chí thánh, chí nhân ra làm bia che búa rìu dư luận nữa.

Thông-Mai nổi máu ngang tàng, chàng hừ một tiếng:

- Mỗ hành sự quang minh chính đại, sợ đếch gì dư luận của bọn ngu phu ngu phụ. Bạn nhỏ, bạn có biết khi Khổng-tử cầm quyền ba ngày, ngài giết gian thần Thiều Chính-Mão. Đệ tử hỏi: Thầy là bậc chí nhân, sao lại giết người?. Ngài trả lời: Sát nhất nhân vạn nhân cụ, nghĩa là giết một kẻ gian, vạn kẻ gian sợ. Cho nên mỗ giết dư đảng Nhật-hồ ở Hành-Nam, khiến cho vạn dư đảng khác sợ. Ai muốn trả thù cho chúng thì cứ tìm mỗ. Mỗ đi không đổi họ, ở chẳng thay tên. Mỗ là Trần Thông-Mai, đệ tử phái Sài-sơn thuộc nước Đại-Việt.

Chàng móc trong túi ra cái thẻ bài:

- Khi mỗ đến Biện-kinh, nghe tin dư đảng Hồng-thiết giáo Đại-Việt hợp với dư đảng bang Nhật-hồ Trung-nguyên, mưu tổ chức cuộc tạo phản. Mỗ tìm gặp Thái-sư trình bầy cho người rõ. Không ngờ người cũng biết hết chi tiết, và ra tay trước rồi. Người nhờ mỗ khuất thân đóng vai Thị-vệ, để âm thầm hộ giá hoàng-đế. Vì vậy huynh đệ bảo mỗ giả Thị-vệ là vô phép. Khi mỗ cần hộ giá hoàng-đế, dù mỗ có mặc phẩm phục của Tể-tướng cũng cứ được đi, xá gì cái phẩm phục Thị-vệ.

Triệu Tiết thấy Thông-Mai nói ngang cành bứa, nó đành im lặng.

Quách Quỳ thấy Triệu Tiết vấn nạn Thông-Mai, nó cũng bước ra hỏi:

- Trần đại hiệp, tiểu bối Quách Quỳ xin đại hiệp trả lời cho mấy câu.

- Huynh đệ cứ hỏi.

- Tiền bối coi bọn Hồng-thiết giáo là ma, là quỷ. Thế mà vừa rồi tiền bối quỳ gối bái lạy Tôn Đức-Khắc làm sư phụ. Dù là mưu kế, nhưng lễ bái sư đã có. Như vậy y cũng thành sư phụ tiền bối rồi. Vừa bái sư xong, tiền bối lại phản sư môn, như thế là chính nhân quân tử ư?

Thông-Mai chỉ xuống sân:

- Huynh đệ là người Tống. Tống dùng Nho làm chủ đạo. Nho mới nói đến chính nhân quân tử. Còn mỗ, mỗ là người Việt. Chủ đạo của tộc Việt lấy thiện nhân, lấy tương thân, tương thuận ăn ở với nhau. Tuy sau này Phật, Nho có truyền vào Đại-Việt, những cũng biến thành Nho-Việt, Phật-Việt. Vì vậy mỗ đếch cần biết cái gì là chính nhân quân tử của Nho. Mỗ chỉ biết hành xử sao cho đúng với thiện nhân là được rồi. Người hãy coi, kìa là chỗ mỗ quỳ gối lạy ma đầu. Người có thấy khi mỗ lạy, chân mỗ viết chữ bất nghĩa là không đúng. Như vậy lễ bái sư coi như vô hiệu.

Mọi người nhìn xuống sân, quả có chữ bất rất lớn.

Tôn Đức-Khắc, Lê Lục-Vũ đã được Thanh-Mai điểm huyệt khiến thân thể cứng đơ. Tuy nhiên chúng vẫn tỉnh táo, nói năng được. Tôn Đức-Khắc nói với Phan Nam:

- Ta tưởng mi đào tạo được tên học trò siêu quần, thoát chúng thế nào, hóa ra chỉ là tên tiểu tử giáo hoạt. Ta tuy bại, nhưng không phục.

Dù sao Phan Nam cũng là đại tôn sư võ học, nổi danh y đạo, võ đạo một thời. Ông bảo Thông-Mai:

- Con hãy giải huyệt cho chúng, để chính tay con dùng võ công giết chúng.

Thình lình có tiếng nói rất lớn:

- Ôi! Đối với bọn đại ma đầu Hồng-thiết, bàn tay đẫm máu hàng trăm vạn người, mà cũng đạo đức với chúng ư? Giết con bà chúng đi cho rồi, cần gì phải đòi chúng phục hay không phục. Không lẽ khi giết con chó điên cũng hỏi nó có phục không, rồi mới giết hay sao? Vương gia, chúng ta xuất hiện thôi.

Thấp thoáng, ba người từ bụi hoa gần đó xuất hiện. Một người mặc phẩm phục vương tước Tống triều, hai người mặc y phục nông dân Đại-Việt: Một người đầu chít khăn, quần áo nâu. Một người quần áo xanh đầu đội mũ vải. Cả hai nông dân đeo mặt nạ da người.

Thiên-Thánh hoàng đế hướng người mặc phẩm phục vương tước, bật lên tiếng kêu:

- Bá phụ.

Định-vương gọi lớn:

- Đại huynh.

Duẫn-Thăng, Duẫn-Tín, Duẫn-Thành chạy lại quỳ gối:

- Phụ vương.

Thì ra người mặc phẩm phục vương tước là Sở-vương.

Thanh-Mai, Thiệu-Thái, Bảo-Hòa, Mỹ-Linh đều đưa mắt nhìn Sở-vương. Cả bốn cùng dụi mắt, tưởng mình nằm mơ, vì Sở-vương chính là hòa thượng Thượng-Quán có biệt tài trồng hoa ở chùa Sơn-tĩnh. Hồi đại hội tế Lệ-hải Bà-vương xong, bốn người theo đại sư Huệ-Sinh lên chùa Sơn-Tĩnh, đã thấy ông đang trồng hoa. Nào ngờ ông lại là Sở-vương cao quý vô cùng của triều Tống.

Mỹ-Linh chắp tay hành lễ:

- A-Di Đà-Phật ! Thì ra đại sư nguyên là hoàng thúc tước phong Sở-vương sao? Đại sư không làm hòa thượng nữa ư?

Sở-vương chỉ vào Phan Nam:

- A-Di Đà-Phật ! Cô gia bị bọn Nhật-hồ ám hại, nên phải mượn người thế thân nằm trong màn giả bệnh. Còn chính mình ngậm đắng nuốt cay mười năm qua, bỏ Tống sang Đại-Việt tìm đại y sư Hồng-Sơn trị bệnh. Hồng-Sơn đại phu sợ cô gia ở trong Vạn-thảo sơn trang e bị lộ hình tích, sẽ nguy đến tính mệnh. Người nhờ vị tiền bối đây trị cho cô gia. Để che mắt bọn Nguyên-Hạnh, cô gia thế phát quy y rồi xin thọ giới sa di. Sau khi khỏi bệnh, cô gia xin các vị chủ trì công đạo, tiêu diệt bọn ma quỷ trong hoàng cung.

Ông cười với Mỹ-Linh như cười với con cháu:

- Công chúa! Hồi giỗ Lệ-hải Bà-vương cũng là ngày bần tăng khỏi bệnh, rồi gặp công chúa trên chùa Sơn-tĩnh.

Sở-vương đến trước Hoàng-đế vái một vái:

- Hoàng thượng! Xin Hoàng-thượng ân xá cho thần tội giả chết. Nếu thần không giả chết thì không thể qua mặt được bọn ma đầu Hồng-thiết giáo.

Những biến chuyển xẩy ra dồn dập, nhà vua từ kinh ngạc này, đến kinh ngạc khác. Ông không ngờ Sở-vương, Định-vương âm thầm tổ chức cuộc diệt phe đảng Lưu hậu cẩn thận, chi tiết đến thế: Một người giả chết, một người giả đi sứ, nhưng đều đến Đại-Việt tìm hậu thuẫn bảo vệ sự nghiệp tổ tiên. Hoàng-đế đáp lễ:

- Hoàng bá còn tại thế, thực... hạnh phúc cho triều đình.

Sớ-vương chỉ tay vào mặt Lưu hậu:

- Con ma nữ này an trí không biết bao nhiêu người trong phủ thần. Khi thần điều tra ra manh mối kẻ ám hại mình, cùng Chiêu-Thành thái tử, chư vị hoàng hậu, con ma nữ này biết hết. Y thị sai người trộn thuốc độc mưu giết thần.

Vương chỉ vào một người bịt mặt mặc áo xanh:

- Giữa lúc đó, vị này xuất hiện, âm thầm cứu thần khỏi chết. Thần mới tương kế tựu kế giả liệt dường, để con ma nữ này yên tâm. Trong bóng tối thần sang Đại-Việt. Mới đây thần trở về Trung-thổ cùng với Định-vương, Khai-Quốc vương bàn tính phương lược diệt tụi Nhật-hồ.

Người bịt mặt áo xanh hỏi người bịt mặt áo nâu:

- Đại huynh nghĩ mình có nên đường đường chính chính dùng võ công giết bọn này chăng?

Người áo nâu cau mặt:

- Huynh nói lạ! Huynh thử nghĩ xem, chúng có còn tư cách của cầm thú không mà dùng võ đạo với chúng. Tội chúng quá nặng nề. Đệ nghĩ, chẳng nên giết chúng. Giết chúng. Giết chúng mau chóng, chẳmg hóa ra giải thoát cho chúng ư?

- Vậy huynh nghĩ xem nên xử chúng như thế nào?

Hiện diện có gần nghìn văn võ Tống triều cùng sứ đoàn. Họ thấy Phan Nam, Ngô Quảng-Thiên, Thông-Mai đã ngang tàng, coi họ như không có. Họ đã lấy làm khó chịu. Bây giờ hai ông này còn ngang tàng hơn. Hai ông coi như không biết tới Hoàng-đế. Hơn nữa, ngay tại Hoàng-thành, mà bàn nhau xử tội nhân, như vậy còn trời đất nào nữa?

- Đệ có cách.

Người bịt mặt áo nâu nói với Sử-vạn Na-vượng, Khiếu Tam Bản:

- Nếu ta giết người trong khi người bị điểm huyệt, thì e có kẻ bất phục. Vậy ta sẽ giải khai huyệt đạo, và đánh người ba chưởng. Sau ba chưởng, dù người chết hay sống, cũng được ân xá.

Ông hất hàm cho Thanh-Mai:

- Giải huyệt chúng.

Thanh-Mai líu ríu tiến đến vỗ lên đầu Sử-vạn, Khiếu. Hai người rùng mình đứng dậy. Người áo nâu hất hàm nói với Sử-vạn:

- Người xuất chiêu đi.

Sử-vạn Na-vượng đưa mắt cho Khiếu Tam Bản, rồi cả hai cùng hít hơi vận đủ mười thành công lực đánh vào người áo nâu. Chưởng phong trầm trọng, mùi hôi tanh nồng nặc bốc ra. Mọi người đều bị bật lui lại sau.

Người áo nâu hít hơi đẩy ra một chưởng hướng Sử-vạn Na-vượng. Chưởng của y đổi chiều đánh vào chưởng của Khiếu Tam Bản. Bình một tiếng. Sử-vạn, Khiếu đồng bật lui liền bồn bước. Khí huyết đảo lộn, tai phát ra tiếng kêu o o không ngừng.

Người áo nâu tiếp:

- Một chiêu. Còn hai chiêu nữa.

Sử-vạn, Khiếu nhìn nhau, mỗi người cùng rút trong bọc ra hai thanh nga mi kiếm. Chúng quát lên, rồi hướng người áo nâu bổ xuống. Người áo nâu chìa ngón tay ra. Bốn chỉ veo, veo khiến bốn thanh nga mi kiếm cùng vuột tay chúng bay lên cao. Trong khi đó ông phát hai chưởng. Chưởng phong như sét nổ, khiến cây, cỏ, hoa xung quanh bị áp lực bật rễ bay tung lên cao. Những người hiện diện đều muốn nổ tung lồng ngực.

Sử-vạn, Khiếu vội phát hai chưởng chống lại. Bình, bình, hai người bay tung lên cao. Nhanh như chớp người áo nâu hướng tay lên không móc một cái, bốn thanh nga mi kiếm rơi vào tay ông. Ông bắt lấy, rồi quay tay một cái, bốn thanh kiếm hướng Sử-vạn, Khiếu đang chơi vơi trên không. Hai tên bị kiếm tiện đứt chân. Chúng kêu thét lên như con lợn bị chọc tiết.

Trong khi người Sử-vạn, Khiếu còn quay tròn trên không. Người áo nâu vọt lên cao, bắt lấy bốn thanh kiếm. Ánh kiếm lóe lên, bốn tay của Sử-vạn, Khiếu lại bị tiện đứt. Đến đây chúng vẫn chưa rơi xuống đất. Ông vung tay một cái, thân xác chúng lại bị tung lên cao. Ông chĩa hai ngón tay, bốn chỉ phát ra êm đềm hướng đầu Sử-vạn, Khiếu.

Hai ma đầu rơi xuống đất như hai khúc gỗ: Chân, tay đã bị tiện đứt. Con ngươi mắt lòi ra ngoài. Máu trên người chúng chảy ra xối xả.

Nhanh nhẹn, Thiếu-Mai, Lê Văn lạng người tới điểm vào các yếu huyệt cầm máu cho Sử-vạn, Khiếu, rồi băng bó chân, tay cho chúng. Trong khi chúng la hét thảm thiết.

Thiếu-Mai móc trong bọc ra hộp thuốc trao cho Vương-Văn:

- Đại tướng quân. Tôi đã điểm huyệt trấn thống, cầm máu, cùng băng vết thương cho chúng. Tuy nhiên phương pháp điểm huyệt chỉ có hiệu lực hai giờ. Sau hai giờ chúng sẽ đau đớn vô cùng. Đây là thuốc trấn thống, xin đại tướng quân cho chúng uống. Sáng, trưa, chiều, mỗi lần hai viên. Sau năm ngày, vết thương sẽ lành, không sợ chúng chết nữa.

Người mặc áo nâu nói lớn:

- Hai ma đầu. Từ nay người bị mù mắt, què chân, cụt tay sống như thú vật. Như vậy để bọn mi có thời giờ sám hối. Bây giờ bọn mi mới thấy cái đau đớn, khốn khổ của hàng vạn người bị bọn mi hành hạ dở sống, dở chết.

Ông chỉ vào Tôn, Lê hỏi người bịt mặt áo xanh:

- Hai tên này huynh tính sao?

Người mặc áo xanh chưa kịp trả lời thì Phan Nam đã nói:

- Phái Sài-sơn ta nổi danh y học. Vậy hãy dùng thuốc mà trị chúng.

Lạ thay, người áo xanh ngang tàng là vậy, mà líu ríu tuân theo lệnh Phan-Nam. Ông nói với Tôn Đức-Khắc:

- Ta cũng đánh mi ba chiêu. Nếu sau ba chiêu mà mi vô sự, ta tha cho mi rời khỏi đây.

Ông hất hàm ra lệnh cho Lê Văn. Lê Văn tiến tới vỗ vào huyệt Đại-trùy giải khai huyệt đạo cho Tôn Đức-Khắc. Y rùng mình một cái, rồi vọt mình đứng dậy. Người áo xanh nói:

- Ta phát chiêu thứ nhất đây.

Ông vung tay. Mọi người nhận ra đó là chiêu Lôi đả ân-tặc thuộc Thiên-vương chưởng của phái Sài-sơn. Ai cũng ngạc nhiên sao chiêu này không lấy gì làm dũng mãnh cho lắm.

Tôn Đức-Khắc vận một chiêu chưởng Cửu-chân tên Loa-thành nguyệt chiếu đỡ. Chưởng phong cực kỳ trầm trọng. Ai cũng nhận ra chưởng của y mạnh hơn chưởng của Sử-vạn nhiều. Xùy một tiếng, hai chưởng gặp nhau. Người mặc áo xanh lùi một bước. Còn Tôn tiến lên một bước.

Người mặc áo xanh đếm:

- Một chiêu.

Tôn Đức-Khắc thấy người mặc áo xanh dùng một thứ nội công âm nhu phát Thiên-vương chưởng, dường như không làm gì được mình. Y phấn khởi phát chiêu thứ nhì. Chiêu này y vận Chu-sa độc. Người kia lại phát chiêu Thiên-vương chưởng bằng âm kình. Xùy một tiếng, ông lại lùi hai bước, trong khi Tôn tiến lên hai bước. Người mặc áo xanh đếm:

- Hai chiêu. Còn một chiêu nữa.

Tôn Đức-Khắc thấp thỏm mừng thầm. Y phát chiêu thứ ba vẫn là võ công Cửu-chân. Người áo xanh vẫn xuất chiêu Thiên-vương chưởng đỡ. Xùy một tiếng. Tôn Đức-Khắc tiến lên ba bước, trong khi người mặc áo xanh lùi ba bước. Ông đếm:

- Ba chiêu. Người có thể rời khỏi đây được rồi.

Tôn Đức-Khắc cười ha hả một tràng dài. Y hỏi người áo xanh:

- Người là ai?

Người áo xanh lắc đầu không trả lời. Tôn Đức-Khắc nói lớn:

- Có còn ai muốn lĩnh Chu-sa độc chưởng của ta không? Bằng không ta đi đây.

Chưa ai kịp trả lời, thì y đưa tay lên dụi mắt, rồi xòe bàn tay ra nhìn vào, rồi lại đưa tay lên dụi mắt.

Thông-Mai cười nhạt:

- Mi mù rồi.

Tôn Đức-Khắc kinh ngạc:

- Ta mù ư?

Thông-Mai cười lớn:

- Mi ngu quá đi. Trong thời gian ngồi ở núi Thần-đầu luyện công trị thương. Sư phụ ta đã chế ra nội công âm nhu, rồi dùng nội công đó luyện Thiên-vương chưởng với dược liệu. Chưởng này có thể đẩy thuốc bổ vào người ta mà trị bệnh, nhưng cũng có thể dùng để trị tội bọn ác bá như mi.

Chàng vẫn cười:

- Vừa rồi sư huynh ta đánh chiêu thứ nhất, đã dùng thần công âm nhu đẩy Ma-hoàng, Quế-chi, Xuyên-khung vào Túc-dương-minh vị kinh. Mà kinh này chạy qua mắt. Do vậy mắt mi bị ba dược vị đó phá tan các mạch máu. Mi trở thành mù rồi.

Ai nghe Thông-Mai nói cũng rùng mình kinh khủng.

Đến đó Tôn Đức-Khắc ngã ngồi xuống. Hai tay rũ ra như người vô lực. Thông-Mai tiếp:

- Chiêu thứ nhì, sư huynh ta đẩy vào kinh Thủ-thái-dương của mi bốn viên Hủ-cân phá cốt hoàn. Loại thuốc này cũng do sư phụ ta nghiên cứu chế đặc biệt dành cho mi. Sau khi thuốc vào người mi, một khắc sau gân cốt chân tay hóa ra mềm xèo. Mi không què cụt, mà cũng giống như què cụt.

Mọi người hướng Phan Nam lấm lét nhìn lão, trong lòng nghĩ thầm:

- Lão này nghĩ ra biện pháp trả thù quá kinh khủng. Thực tiền vô cổ nhân, hậu vô lai giả.

Thông-Mai tiếp:

- Mi biết chiêu thứ ba sư huynh ta làm gì mi không? Người đẩy vào Nhâm-mạch mi ít bột Hủ-mạch-tán. Nhâm mạch thông qua lưỡi. Vì vậy lát nữa đây lưỡi mi sẽ cứng như miếng da khô, mi không nói được nữa. Mi sẽ thành tên câm, mù, què.

Chàng dõng dạc:

- Mi sống như cục gỗ. Đúng ra sư huynh ta định dồn thuốc cho mi điếc nữa. Nhưng sư phụ ta muốn để tai mi còn, hầu hằng ngày nghe được những lời thống mạ của thiên hạ.

Đến đó Tôn Đức-Khắc ú ớ trong miệng, chứng tỏ y câm.

Người áo nâu chỉ tên Lê Lục-Vũ nói với Ngô-Quảng-Thiên:

- Ngô tiền bối. Tên này để tiền bối phát lạc.
Bình Luận (0)
Comment