"Alo, mẹ."
"Hả? Duyệt Duyệt, dậy rồi à." Trần Phương vẫn nằm trên ghế bãi biển giống tư thế ngày hôm qua, chỉ là lần này không ngủ quên.
"Mẹ đang ở đâu?"
"Đang ở bãi biển dưới tầng." Vừa nói Trần Phương vừa đứng dậy xỏ dép, vừa co chân lại do bị bỏng cát phơi dưới nắng gắt.
Nghe vậy, Trần Cẩn Duyệt thở phào nhẹ nhõm. Lúc cô tỉnh dậy đã là hai rưỡi chiều, luống cuống bò dậy đi tìm mẹ, cả căn phòng to như thế, không có Lâm Vận Thanh, cũng không thấy mẹ đâu.
"Muộn thế này mà sao mẹ không gọi con?"
"Ơ kìa, thấy con ngủ ngon quá nên mẹ không làm phiền còn gì?"
"Mẹ ăn trưa chưa?" Trần Cẩn Duyệt chép miệng.
"Chưa."
"Thế bây giờ mẹ về đi, đi chợ với con."
"Đây, đây." Trần Phương nhấc chân giũ cát trong dép, đi về khách sạn.
Bầu không khí trong chợ Tết ở Nam Thành không sôi động bằng màn pháo hoa đêm qua, người qua lại không nhiều, trái lại, mọi nẻo đường xá, ngõ hẻm chằng chéo đan xen đều đã được mở rộng đâu ra đấy, quy hoạch thành một tuyến đường đi bộ hoàn chỉnh.
Vừa đến cổng chợ, có một tình nguyện viên đưa tận tay cho họ một tập rờ rơi. Trần Cẩn Duyệt lật qua, trên đó là giới thiệu ngắn gọn về các hoạt động của chợ và liệt kê các địa điểm dán tem khác nhau, hệt một cuốn album sưu tập tem nhỏ, đi đến đâu đóng dấu đến đó, như thế lúc đi hết sẽ đóng kín cả cuốn.
"Ai cũng được nhận một cuốn sổ sưu tập tem đấy ạ, hai chị muốn bao nhiêu cuốn?"
Trần Phương không ham những thứ này của giới trẻ, đang định nói một cuốn là đủ thì bỗng cô con gái nói: "Cho mình hai cuốn, cảm ơn."
Trần Phương liếc nhìn, Trần Cẩn Duyệt lấy một cuốn, một cuốn còn lại dúi vào tay mẹ: "Một cuốn hay hai cuốn cũng là đóng dấu, lấy thêm một cuốn về nhà cho chị."
Tình nguyện viên đi phía sau tiếp tục giới thiệu với những vị khách du lịch khác, Trần Cẩn Duyệt cầm tờ rơi quảng cáo lên, lật qua, nhìn thấy một cửa hàng khá ấn tượng.
Cô nắm tay mẹ, hỏi mẹ có muốn ăn lẩu gà dừa không? Trần Phương nói được, dạo này ăn hải sản suốt, đổi khẩu vị đi.
Chỉ là không biết bữa lẩu lúc 3:30 này là bữa trưa hay bữa tối, hay chỉ như bữa trà chiều ở Nam Thành.
Quán ăn giờ này vắng không một bóng người. Trần Cẩn Duyệt vừa ngồi xuống chưa được bao lâu, đã có nhân viên phục vụ bê vài chiếc đĩa nhỏ tới, giúp họ trộn nước chấm.
"Hai vị có kiêng đồ gì không?"
Trần Cẩn Duyệt thấy không có rau mùi, lắc đầu.
Người phục vụ khéo léo trộn nước tương, gừng cát, ớt chỉ thiên và quất với nhau, làm hai đĩa nước chấm rồi đặt trước mặt hai người. Trần Cẩn Duyệt thấy mới lạ, lấy điện thoại ra chụp ảnh.
"Không biết chị ấy đến nơi chưa nhỉ?" Trần Phương hỏi bâng quơ.
"Chắc là đến rồi."
Trần Phương bổ sung thêm một câu: "Con nhớ đừng quấy rầy chị."
Trần Cẩn Duyệt bĩu môi, bụng nghĩ, con có quấy rầy chị ấy đâu, nhỡ như chị ấy quấy rầy con thì sao.
Cô cầm đũa nhúng vào nước chấm, cho vào miệng, nếm thử bằng đầu lưỡi.
Chua không chịu được. Lông mày cô nhíu cả lại.
Cô phân tâm suốt cả bữa ăn, thỉnh thoảng lại kiểm tra điện thoại xem đang là mấy giờ, liệu có tin nhắn mới nào không.
Trần Phương hỏi tại sao cứ nhìn điện thoại, cô nói để xem giờ, chợ sẽ đóng cửa lúc sáu giờ, không được ăn quá lâu.
Mặt không đỏ, tim không loạn.
Khi hai người ôm trái dừa trở lại chợ thì đã sắp năm giờ.
Nắng không còn quá chói mắt, nhưng nắng rọi hướng Tây vẫn gay gắt khiến da dẻ người ta đỏ bừng. Hầu hết các du khách đều bắt chước cách ăn mặc của người dân bản địa nơi đây, áo hoạ tiết hoa đi biển, chân xỏ dép tông, đầu đội mũ rơm che hơn nửa khuôn mặt đẫm mồ hôi.
Các quầy hàng sát nhau sin sít, âm thanh xen lẫn với nhau trong không khí. Trần Cẩn Duyệt nắm tay mẹ đi loanh quanh cưỡi ngựa xem hoa, thỉnh thoảng mua một ít đồ lưu niệm, không quên mang về một phần cho Lâm Vận Thanh, bất kể chị có cần hay không, có thích hay không.
Họ đã quên khuấy chuyện tem thư khi mới chỉ đóng được vài dấu, vả lại cũng không thể đi hết cả chợ nên đã ném chúng vào một chiếc túi đựng đồ lưu niệm, chẳng màng đến số phận của chúng sau này.
Trần Cẩn Duyệt cắn ống hút cắm trong quả dừa, hỏi mẹ: "Mình ra biển ngắm hoàng hôn đi?"
"Đi thì đi."
Hai người đột ngột thay đổi lộ trình sang hướng khác. Nói ra cũng thật buồn cười, hình như không một ngày nào trong chuyến du lịch Hải Thành diễn ra đúng theo kế hoạch cô đã sắp đặt. Có lẽ cô không giỏi lập kế hoạch, gió biển dẫn lối đến đâu là cô đi theo đến nấy.
Mặt trời bắt đầu lặn, hơn nửa khoảng trời nhuộm vàng ánh kim giống như ngày họ mới đến.
Hôm đó ông trời lấp loé ẩn sau những tòa nhà cao ốc, nhưng hôm nay lại lộ mặt nhiều hơn, chỉ chìm ở phía bên kia bờ biển.
Ngồi xuống cùng mẹ trên bậc thang đá, chất những món đồ lưu niệm sang một bên, cô nhớ lại hình ảnh đôi mắt của Lâm Vận Thanh qua gương chiếu hậu trên đại lộ hoàng hôn. Lặng im và vương vấn.
Gió biển mặn thổi vào mặt, Trần Cẩn Duyệt ngả người, chống tay ra sau. Ngắm được một lúc lâu thì rút điện thoại ra, đưa hoàng hôn, rạng cây dừa và mặt biển lấp lánh trong veo vào khung ngắm, nhấn nút chụp.
Bầu trời mênh mông tráng lệ, đâu biết bận tâm đến suy nghĩ vẩn vơ của người dưới ánh hoàng hôn, thế nào là bảy phần diễm lệ, ba phần tiếc nuối, chỉ cô là người hiểu rõ nhất.
"Mẹ."
Trần Phương quay lại nhìn, thấy tóc Trần Cẩn Duyệt rối bù đến mức sắp che khuất tầm mắt.
"Mẹ có thích Nam Thành không?"
"Cũng được, mỗi tội không được đánh mạt chược." Trần Phương nhìn con gái bằng ánh mắt quái lạ.
Trần Cẩn Duyệt cười ngặt nghẽo, vai rung cả lên.
"Con có thích không?" Trần Phương hỏi ngược lại.
"Cũng được, không bằng Hải Thành."
Làn gió ấm của Nam Thành như một giấc mơ cô trộm về, suy nghĩ trôi theo chiều gió và rồi thình lình cô cảm thấy vô vị, bởi nỗi nhớ đã về bên những tòa nhà cao tầng và những con hẻm chật hẹp ở Hải Thành.
Nhớ cái đêm khi gió lạnh bị thuần hóa, Lâm Vận Thanh hôn cô ở dưới tầng.
Nhớ khoảnh khắc khi cô buộc tình yêu lên dây đôi bốt Martin, chạy theo và nhảy lên lưng chị, được chị cõng thật vững vàng.
Những điều còn chưa kịp nói ra, những lời vốn định nói với Lâm Vận Thanh ngay hôm nay, đã nghẹn lại trong cổ họng, thấm sâu vào lồng ngực cô.
Ồn ào. Mãi đến khi mặt trời lặn mới lắng xuống.
Hai mẹ con bắt taxi trở về khách sạn trong màn đêm buông xuống trên đường phố. Bác tài là một người đàn ông trung niên lớn tuổi, bật những bài hát từ xưa, Trần Phương thi thoảng ngân nga theo vài lời, vui vẻ thảnh thơi.
Trần Cẩn Duyệt vẫn luôn chờ đợi tin nhắn từ Lâm Vận Thanh, đến tận khi lên giường đi ngủ cùng mẹ vẫn chốc chốc nhấn vào WeChat, đoán giờ này không biết chị đã hết bận chưa.
Khi cơn buồn ngủ vừa ập đến mí mắt, dòng thông báo mà cô mong chờ cả ngày cuối cùng cũng xuất hiện. Cô ngồi bật dậy ngay tức thì, làm Trần Phương giật mình.
Lâm Vận Thanh hỏi: "Hôm nay em chơi vui không?"
Trần Cẩn Duyệt không trả lời, thay vào đó cô gửi cho chị bức ảnh chụp bãi biển.
Một lúc sau, cô gửi thêm ảnh món lẩu gà dừa: "Món này ngon lắm, lần sau chúng ta cùng ăn nhé."
Lâm Vận Thanh nói: "Được."
"Chị đã ăn chưa?"
Lâm Vận Thanh cũng gửi một bức ảnh tới. Phông nền là bàn ăn ở nhà, trên đó bày món bít-tết rán.
"Chuẩn bị ăn."
Trần Cẩn Duyệt nhìn thời gian, thấy đã hơn mười một giờ. "Vậy chị ăn nhanh đi, ăn xong đi ngủ sớm."
"Được."
Sau khoảng hai phút, tin nhắn của Lâm Vận Thanh lại đến. Lần này chị trả lời bức ảnh chụp bãi biển: "Đẹp quá."
Trần Cẩn Duyệt cười ngốc nghếch nhìn điện thoại. Trần Phương hỏi đang nhìn gì đấy, nhưng cô không trả lời.
Cô đưa tay vén mái tóc dài của mình. Căn phòng hoàn toàn trả lại vẻ yên tĩnh, dường như cô vẫn có thể nghe thấy tiếng sóng biển cách đó không xa, từng trận từng đợt đánh vào trái tim cô.
Như thể nước biển đang bốc hơi lên, bị gió cuốn bay vào phòng và quấn vào tóc cô. Cảm giác nơi cổ dinh dính gì đó, cô vô thức gãi gãi.
Cô ngước mắt nhìn mẹ đang nằm trên giường chơi điện thoại, hỏi: "Mẹ có muốn chơi mạt chược không?"
Trần Phương cau mày, không biết rốt cuộc con mình đang muốn nói gì.
Bên tai Trần Cẩn Duyệt đột nhiên vang lên bài hát cũ được phát trên chuyến taxi đêm nay. Là Lâm Ức Liên hát, với giọng ca dịu dàng và nhẹ êm:
Nốt ruồi trên lòng bàn tay người,
Em luôn nhớ ở đâu.
Cô thay đổi lời bài hát trong đầu, không phải lòng bàn tay, mà là đôi mắt dịu dàng của Lâm Vận Thanh đắm trong ánh chiều tà, là vết nốt ruồi đuôi mắt đánh cắp hồn cô đi.
Cô nói tiếp: "Chúng ta về sớm đi?"
"Hả?"
Trong mắt Trần Phương là vẻ gì đó ngạc nhiên, nhưng chỉ lát sau đã biến mất.
Những nếp nhăn kéo dài từ khóe mắt mẹ là minh chứng lắng đọng của thời gian, là dấu vết Trần Cẩn Duyệt chưa có cơ hội để hiểu.