Bác Sĩ Zhivago

Chương 139

- Còn bây giờ, tôi cũng xin thành thực đáp lại lòng thành thực của ông. Cái ông Strelnikov ông kể lúc nãy chính là chồng tôi. Pasa Pavlovich Antipop, mà tôi đã lặn lội ra mặt trận để tìm và tôi đã rất có lý khi không tin ở cái chết của anh ấy.

- Tôi không ngạc nhiên, tôi biết trước cô sẽ nói vậy. Tôi đã nghe câu chuyện hoang đường ấy và cho rằng nó chẳng có lý chút nào. Vì vậy, tôi mới vô tình đi kể một cách thoải mái và không chút dè dặt với cô về ông ta, tựa hồ chẳng có những lời đồn đại kia. Nhưng đúng là những lời đồn đại phi lý. Tôi đã gặp con người ấy. Sao người ta có thể gắn cô với ông ta được nhỉ? Có gì chung giữa hai người đâu?

- Tuy nhiên, đó là sự thực đấy. Ông Zhivago ạ.

Strelnikov đúng là Pasa Anhtipov, chồng tôi. Tôi đồng ý với dư luận chung. Bé Katenka cũng biết thế và nó hãnh diện về cha nó. Strelnikov chỉ là cái tên đi mượn, một bí danh, như tất cả những người hoạt động cách mạng đều có. Vì một lý do nào đấy, anh ấy phải sống và hoạt động dưới một cái tên giả. Cái dạo anh ấy đánh chiếm Yuratin này và nã pháo vào đầu chúng tôi, anh ấy biết rằng mẹ con tôi ở đây, nhưng không một lần tìm hiểu xem chúng tôi sống chết ra sao, để khỏi lộ tung tích của anh ấy. Đấy là bổn phận của anh ấy, hẳn thế. Giả dụ anh ấy có hỏi tôi, anh ấy phải hành động thế nào, thì chúng tôi cũng sẽ khuyên anh ấy làm đúng như vậy thôi. Ông sẽ bảo rằng, việc tôi không bị ai động đến, việc tôi được Xô viết thành phố bố trí chỗ ở, vân vân, là bằng chứng gián tiếp cho thấy anh ấy kín đáo săn sóc mẹ con tôi! Dầu vậy, ông cũng không thể lý giải được điều này: ở ngay sát nách, mà dứng vững trước sự cám dỗ về thăm vợ con! Đầu óc tôi, trí khôn của tôi không thể hiểu nổi điều đó. Đó là một cái gì vượt quá sức hiểu của tôi, không phải là cuộc sống nữa, mà là một thứ thái dộ dũng cảm công dân của người La Mã, một trong những điều bí ẩn thời nay. Nhưng tôi đang sa vào ảnh hưởng của ông và bắt đầu hót theo ông mất rồi. Tôi chả muốn sự thể ra như vậy. Tôi với ông không đồng nhất về tư tưởng. Đành rằng có những cái khó nắm bắt, những cái không cần thiết, thì tôi với ông quan niệm giống nhau. Nhưng khi đụng tới những chuyện rộng lớn, đến triết lý cuộc sống, thì tôi với ông cứ đối lập nhau lại hay hơn.

- Nhưng ta hãy trở lại chuyện Strelnikov.

- Hiện nay anh ấy đang ở Sibiri, và ông nói đúng, tôi cũng nghe đồn rằng người ta chê trách anh ấy, tôi nghe mà cứ lạnh cả tim. Hiện anh ấy đang ở Sibiri, ở một trong những mũi nhọn của chúng ta, đang giáng đòn chí tử vào người bạn thuở thiếu thời và sau đó cũng từng là chiến hữu của anh ấy ở ngoài mặt trận, ấy là anh chàng Galiulin tội nghiệp, một người thừa biết tên thật của Strelnikov, biết tôi là vợ anh ấy, song với một sự tế nhị cao quý, không hề để tôi cảm thấy một chút gì về điều đó, mặc dầu chỉ nghe nhắc đến cái tên Strelnikov, Galiulin đã sôi máu và hết cả bình tĩnh rồi. Vâng, vậy là hiện tại anh ấy đang ở Sibiri. Cái dạo anh ấy còn ở vùng này (anh ấy ở đây khá lâu và lúc nào cũng sống trên cái toa tàu bọc thép mà ông đã gặp anh ấy) tôi luôn luôn tìm cách chạm trán với anh ấy một cách bất chợt, tình cờ. Thỉnh thoảng anh ấy có đến bộ tham mưu, đặt ở trụ sở trước kia của Bộ chỉ huy Komus - quân đội của Hội nghị Lập hiến. Số phận thật trớ trêu. Lối vào bộ tham mưu lại nằm ngay ở chỗ Galiulin vẫn tiếp tôi dạo trước, khi tôi đến nhờ Galiulin can thiệp để cứu giúp một số người. Chẳng hạn hồi ấy ở trường võ bị có chuyện làm xôn xao dư luận: bọn học viên rình rập và bắn chết những giáo viên không vừa ý chúng, viện cớ họ có cảm tình với Bolsevich. Hoặc khi bắt đầu những cuộc truy lùng và tàn sát dân Do Thái. À, nhân câu chuyện, tôi nói với ông, nếu chúng ta là lao động trí óc ở thành phố này, thì một nửa số người quen biết của ta sẽ là dân Do Thái. Và vào giai đoạn tàn sát ấy, khi những trò dã man, hèn hạ ấy xảy ra, thì ngoài sự phẫn nộ, xấu hổ và thương xót, chúng tôi còn bị ám ảnh bởi cảm giác nặng nề về tính chất hai mặt, rằng sự thông cảm của mình chỉ tiến bộ được một nửa, còn nửa kia là dư vị giả dối đáng ghét.

Những người từng một thời giải phóng nhân loại khỏi cái ách tôn thờ ngẫu tượng, và hiện nay rất nhiều người trong số họ đã hiến thân cho sự nghiệp giải phóng nhân loại khỏi sự xấu xa của xã hội, - Những người ấy lại bất lực, không tự giải phóng được khỏi chính bản thân mình, khỏi sự trung thành với cái danh xưng lỗi thời, vốn có từ trước thời hồng hoang, đã mất hết ý nghĩa; họ lại không thể vươn lên trên họ và hoà nhập hoàn toàn với những dân tộc còn lại, với những người mà cơ sở tín ngưỡng do chính họ tạo nên, với những người hẳn sẽ rất gần gũi với họ, ví thử họ biết rõ hơn về những người ấy. Có lẽ những trò xua đuổi, truy lùng và tàn sát đang buộc họ vào cái tư thế hết sức vô ích và tai hại kia, vào sự biệt lập quên mình đáng xấu hổ và chỉ đem lại toàn tai họa kia, nhưng trong cái đó, còn có cả sự già cỗi nội tâm, sự mỏi mệt lịch sử nhiều đời. Tôi không ưa cái lối tự khích lệ mỉa mai của họ, sự nghèo nàn khái niệm và trí tưởng tượng dè dặt của họ. Cái đó khiến ta khó chịu như nghe những người già nói về tuổi già hay người ốm nói về bệnh tật. Ông đồng ý chứ?

- Tôi chưa nghĩ đến điều đó. Tôi có một anh bạn tên là Misa Gordon, cũng có những quan điểm như cô.

- Vậy là tôi thường tới đó đón gặp Pasa. Hy vọng thấy anh ấy đi vào hoặc đi ra. Thời trước, cái chỗ ấy là văn phòng của viên toàn quyền. Bây giờ trên cửa gắn tấm biển nhỏ: "Phòng khíếu nại" Có lẽ ông cũng đã thấy nơi ấy? Đây là nơi đẹp nhất thành phố. Cửa nhìn ra cái quảng trường lát đá vuông. Quảng trường là công viên thành phố, với các loại cây tứ cầu sơn trà cây thích. Tôi đứng lẫn trong đám người xếp hàng trên vỉa hè và chờ đợi. Dĩ nhiên tôi không đòi được tiếp, không xưng tôi là vợ Strelnikov, vả lại, họ của hai người khác nhau(1). Còn tiếng nói của trái tim là cái quái gì ở đây? Họ có những quy tắc hoàn toàn khác. Chẳng hạn, thân sinh của anh ấy là Pavel Ferapoltovich Antipop, một cựu chính trị phạm bị phát vãng, xưa kia làm thợ, nay làm ở toà án, rất gần đây, trên đường cái quan đi Sibiri. Ở nơi xưa kia ông ấy bị lưu đày. Và cả ông Tiverzin là bạn của ông ấy, hai người đều là thành viên của toà án quân sự cách mạng. Thế mà ông nghĩ sao? Pasa không buồn thổ lộ với bố rằng mình là ai, còn ông bố thì cũng chả tự ái, cứ coi như chuyện đương nhiên. Nếu anh còn giấu danh tính, tức là nó không thể lộ tên thật. Họ là đá, chứ không phải là người nữa. Nguyên tắc. Kỷ luật. Đúng, giả sử cuối cùng tôi có chứng minh được rằng tôi là vợ anh ấy đi nữa, thì sao, hệ trọng quá hả! Ở đấy người ta có để tâm đến vợ con chăng? Giữa thời buổi này chăng? Vô sản thế giới, tạo dựng lại vũ trụ, đấy mới là chuyện đáng bàn, cái đó tôi hiểu. Đằng này, một sinh vật có hai chân, đại loại như một mụ vợ ấy à, xì, thì cũng chả gì hơn một con chấy con rận.

Viên sĩ quan tuy tùng thỉnh thoảng bước ra, hỏi ai muốn gặp anh ấy có việc gì, rồi cho vài người vào. Tôi không xưng họ tên; vào gặp có việc gì, thì tôi trả lời là có chuyện riêng, có thể biết trước rằng mình sẽ bị từ chối. Viên sĩ quan tuỳ từng nhún vai, nhìn tôi bằng ánh mắt nghi ngờ. Thế là tôi không gặp Pasa lần nào cả.

Chắc ông tưởng anh ấy khinh rẻ mẹ con tôi, không còn thương và nhớ đến mẹ con tôi chăng, ngược lại! Tôi biết anh ấy quá mà! Vì quá dư thừa tình cảm mà anh ấy bày ra như thế! Anh ấy cần đặt xuống dưới chân mẹ con tôi tất cả các vòng hoa chiến thắng, để trở về không phải với hai bàn tay trắng, mà là trong niềm vinh quang của người chiến thắng! Để làm cho hai mẹ con tôi trở nên bất tử! Để chúng tôi phải loá mắt! Như một đứa trẻ con.

Katenka lại bước vào phòng. Lara nhấc bổng đứa bé đang ngơ ngác lên tay, đung đưa nó, cù nó, hôn nó và ôm nó đến nghẹt thở.

Chú thích:(1) Ở Nga phụ nữ có chồng thường mang họ của chồng.
Bình Luận (0)
Comment