Bác Sĩ Zhivago

Chương 79

Mấy ngày sau, Zhivago mới tự phát hiện ra sự cô đơn của chàng tới mức nào. Chàng không oán trách ai về điều ấy. Rõ ràng tự chàng đã muốn như thế và đã đạt được.

Bạn hữu của chàng trở nên mờ nhạt và buồn tẻ một cách lạ lùng. Chẳng còn một ai còn giữ được thế giới riêng, quan điểm riêng của mình. Trước đây họ từng rạng rỡ hơn nhiều trong các hồi ức của chàng. Hiển nhiên là bấy giờ chàng đã đánh giá họ quá cao.

Chừng nào trật tự sự vật còn cho phép những kẻ dư dật sống an nhàn và bày đủ trò kỳ dị ngông cuồng trên lưng những người nghèo khổ, thì chừng đó vẫn có thể dễ dàng lầm tưởng là độc dáo cái sự ngông cuồng và cái quyền sống an nhàn mà một thiểu số được tận hưởng, trong khi đa số phải cắn răn chịu đựng kia?

Nhưng khi những người bần cùng vừa vùng dậy, và các đặc quyền của bọn ăn trên ngồi trốc bị bãi bỏ, lập tức tất cả bọn họ liền trở nên mờ nhạt mới nhanh chóng làm sao, họ không chút hối tiếc từ bỏ tư tưởng độc lập mà té ra là chẳng ai trong số họ từng có cả!

Bây giờ những người duy nhất gần gũi với bác sĩ Zhivago là những người giản dị, không hợm hĩnh khoa trương, không nói năng hoa mỹ, là vợ và nhạc phụ, vài ba bạn đồng nghiệp, mấy nhân viên khiêm tốn và tận tuỵ, chẳng có chức tước gì.

Bữa tiệc mà tiết mục hấp dẫn nhất là con vịt trời và rượu nặng đã được tổ chức đúng như dự kiến, hai, ba, ngày sau khi chàng trở về, nhưng trước đó chàng đã kịp đi thăm tất cả những người được mời, thành thử bữa ăn đó không phải là cơ hội đầu tiên để họp mặt.

Con vịt béo mọng là món xa xỉ phẩm ít ai dám nghĩ tới trong thời buổi đã bắt đầu đói kém ấy. Nhưng không đủ bánh mì ăn với thịt vịt, thành thử món ăn cao cấp ấy trở nên vô vị, thậm chí còn làm cho người ta bực mình.

Món rượu do Misa Gordon mang tới, đựng trong một cái lọ thuốc nút đã cũ. Rượu mạnh lúc này đang là món hàng trao đổi ưa thích của dân buôn lậu. Tonia cứ giữ khư khư lọ rượu và khi cần lắm mới dè sẻn rót ra một chút, pha với ít hay nhiều nước là tuy hứng. Ai nấy nhận ra rằng uống đều đều thứ rượu mạnh, biết rõ nồng độ, còn dễ chịu hơn hẳn phải uống cái nước pha chế luôn luôn thay đổi nồng độ này. Điều đó cũng làm cho người ta bực mình.

Song buồn nhất là ai cũng cảm thấy bữa tiệc nho nhỏ này chẳng hợp chút nào với điều kiện sinh sống lúc đó. Không thể tự nhủ rằng ở các ngôi nhà đối diện bên kia đường phố, vào giờ này, người ta cũng đang được ăn uống như thế này. Bên ngoài cửa sổ là thành phố Moskva im lìm, tối tăm và đói khát Các cửa hàng đều trống trơn, còn về những món như vịt quay và vodka, thì chẳng ai dám nghĩ tới.

Hoá ra chỉ có cuộc sống giống như cuộc sống của những người xung quanh và chìm lẫn không chút dấu vết giữa nó mới là cuộc sống chân chính; hạnh phúc bị biệt lập không phải là hạnh phúc; thành thử món vịt quay và rượu nặng, là hai thứ có vẻ độc nhất ở thành phố này, thậm chí hoàn toàn chẳng còn là món vịt quay và rượu mạnh nữa. Và đó là điều khiến mọi người buồn phiền hơn cả…

Khách khứa cũng gợi ra những ý nghĩ chán chưởng. Misa còn đáng yêu, chừng nào anh ta còn suy xét vất vả và bộc bạch tư tưởng một cách vụng về, uể oải. Anh ta từng là ngrười bạn tốt nhất của Zhivago. Ở trường trung học, mọi người đều yêu mến Misa.

Nhưng bây giờ anh ta lại chán chính bản thân mình và bắt đầu bổ sung vào diện mạo nhân cách của mình những điểm sửa đổi chẳng đạt chút nào. Anh ta làm bộ phấn chấn, sắm vai một kẻ vui nhộn, luôn miệng kể chuyện với hy vọng được cử toạ cho là hóm hỉnh và thường thốt lên mấy tiếng "chết người" với "ngộ ghê" vốn không nằm trong kho từ ngữ của anh ta, bởi lẽ hồi trước Misa chưa bao giờ quan niệm cuộc sống như là trò giải trí.

Trước lúc Nica Dudorov tới, anh ta kể chuyện Nica lấy vợ một câu chuyện mà anh ta cho là khôi hài, thường được truyền miệng trong đám bạn bè, Zhivago chưa biết chuyện đó.

Thì ra Nica đã cưới vợ cách đây ngót một năm, sau đó ly dị luôn. Thực chất khó tin của chuyện phiêu lưu ấy là như sau.

Vì một sự nhầm lẫn, Nica bị gọi vào lính. Trong thời gian tại ngũ và chờ đợi người ta làm sáng tỏ sự nhầm lẫn ấy, anh ta luôn luôn bị phạt làm tạp dịch vì tật đãng trí và không chào cấp trên ngoài đường phố. Sau khi đã được giải ngũ, suốt một thời gian dài, hễ thấy mặt các sĩ quan là anh ta lại tự động đưa tay lên chào, và mắc cái bệnh hoa mắt, chỗ nào cũng thấy toàn các thứ lon quân đội.

Thời gian ấy, anh ta làm gì cũng vụng về, hết nhầm lại lẫn, chẳng đâu vào đâu. Chính dạo đó, hình như trên một bến tàu ven sông Volga, anh ta làm quen với hai cô gái, là hai chị em ruột đang đợi cùng một chuyến tàu thuỷ với anh ta. Anh ta cuống lên bối rối vì thấy số phận quân nhân ở xung quanh, vì cái cố tật chào hỏi theo kiểu nhà binh của mình, chưa chi anh ta đã mê cô em và vội vàng, cũng chưa đâu vào đâu, đã xin hỏi cưới cô ta ngay. "Ngộ ghê. - phải không các vị" - Misa hỏi.

Nhưng anh ta đành cắt ngang câu chuyện đó vì có tiếng nhân vật chính vang lên ngoài cửa. Nica Dudorov bước vào phòng.

Với Nica, sự thay đổi diễn ra theo hướng ngược lại. Cái anh chàng nhẹ dạ, tính khí thất thường ngày trước, nay đã biến thành một học giả trầm mặc.

Sau khi anh chàng bị đuổi khỏi trường trung học vì tội phạm gia chuẩn bị một cuộc vượt ngục của chính trị phạm, có một dạo anh ta lê gót qua nhiều trường nghệ thuật, nhưng rốt cuộc lại thả neo ở bờ cổ điển. Bị trễ so với các bạn đồng khoá, anh ta mới tốt nghiệp đại học trong mấy năm chiến tranh gần đây và được lưu lại dạy ở hai ban, ban lịch sử Nga và ban lịch sử thế giới. Để đoạt chức giáo sư môn thứ nhất, anh ta đã viết luận văn về chính sách điền địa của Ivan Hung đế 3, còn về môn thứ hai thì viết một thiên khảo luận về Saint- Giuýt.

Tối nay, anh ta lập luận về mọi sự bằng một giọng lịch lãm trầm trầm nghèn nghẹn như bị nghẹt mũi, mắt thì cứ mơ mơ màng màng nhìn vào một điểm xa xôi nào đó y như người ta đang diễn giải.

Cuối bữa tiệc, khi bà Sura Sledingle xộc vào phòng hoạch họe chuyện này chuyện nọ, còn tất cả thực khách vốn đã hăng lên từ lúc bà ta chưa vào, bắt đầu thi nhau lớn tiếng, thì Misa, người mà Yuri Zhivago vẫn tôn trọng trong cách xưng hô từ hồi ở ban trung học, hỏi chàng không biết đến lần thứ mấy:

- Anh đã đọc "Chiến tranh và hoà bình" và "Cây sáo xương sống" chưa?

Zhivago đã trả lời từ nãy cho anh ta biết chàng nghĩ gì về hai tác phẩm đó, nhưng Misa không nghe thấy vì cuộc tranh cãi ồn ào xung quanh, nên một lát sau lại hỏi lần nữa:

- Anh đã đọc "Cây sáo xương sống" và "Con người" chưa?

- Anh Misa, tôi đã trả lời anh rồi mà. Anh không nghe thấy đâu phải lỗi tại tôi. Được, thì tôi nhắc lại, nếu anh muốn.

Xưa nay tôi vẫn thích Maiakovski. Một cách nào đó, Maia là người tiếp nối Dostoievsky. Hay nói đúng hơn, đó là loại thơ trữ tình được viết bởi một trong những nhân vật nổi loạn trẻ tuổi của Đôt, đại loại như Ippolit, Rasconnikov hoặc nhân vật chính của "Gã thiếu niên". Sức mạnh của tài năng có sức cuốn hút mới mãnh liệt làm sao! Điều đó được nói lên mới đứt khoát, quyết liệt và thẳng thừng làm sao? Và chủ yếu là Maia đã táo bạo xiết bao khi đốp thẳng tất cả những cái ấy vào mặt xã hội, tưng đi xa hơn nữa, vào giữa không trung!

Nhưng cái đinh, vai chính của bữa tiệc hôm đó dĩ nhiên là cha Nicolai. Tonia đã lầm, khi nói rằng ông đang ở nhà nghỉ ngoại ô. Ông đã quay lại đúng hôm Zhivago về đến Moskva và hiện đang có mặt trong thành phố. Zhivago đã gặp ông cậu hai, ba lần gì đó và đã kịp hàn huyên, cười nói thoả thích trước bao điều mới lạ đáng kinh ngạc.

Hai cậu cháu gặp nhau lần đầu vào buổi tối một ngày âm u, ảm đạm, mưa bụi lất phất. Zhivago tới thăm ông cậu ở khách sạn. Hồi này khách sạn bắt đầu chỉ nhận những khách trọ theo giấy giới thiệu của chính quyền thành phố. Nhưng cha Nicolai thì ai cũng biết. Ông vẫn còn những mối quen biết cũ.

Khách sạn khiến người ta có cảm tưởng đây là một nhà thương điên mà ban quản trị đã từ bỏ một cách vội vàng. Các cầu thang và hành lang đều trống trải, đồ đạc vứt lung tung, bừa bãi.

Vào trong căn phòng không được dọn dẹp, nhìn qua chiếc cửa sổ lớn, người ta thấy một quảng trường thênh thang vắng tanh vắng ngắt, như thường thấy trong những ngày điên rồ ấy, có vẻ ghê sợ, tựa hồ thấy nó trong lúc mộng mị, chứ không phải là nó đăng nằm ưỡn trước mắt, phía dưới cửa sổ.

Cuộc gặp gỡ mới cam động, lạ lùng, đáng nhớ làm sao! Thần tượng thời thơ ấu của chàng, vị bá chủ chi phối các suy hrởng tuổi trẻ của chàng, lại đang dứng trước mặt chàng, bằng xương bằng thịt.

Mái tóc bạc rất hợp với ông Nicolai. Bộ complê rộng, may ở ngoại quốc cũng vậy. Ông còn rất trẻ và đẹp so với tuổi của mình. Dĩ nhiên, bên cạnh tầm vóc lớn lao của các biến cố đang xảy ra, ông bị lu mờ đi rất nhiều. Các biến cố che lấp ông.

Nhưng có bao giờ Zhivago nghĩ đến chuyện đánh giá ông theo cái thước đo như thế

Chàng kinh ngạc trước thái độ bình tĩnh, giọng nói pha trò lạnh lùng của ông cậu lúc ông đề cập các đề tài chính trị.

Khả năng tự chủ của ông cao hơn hẳn khả năng hiện thời của người dân Nga, chứng tỏ ông mới từ ngoại quốc về. Nét nổi bật ấy đập ngay vào mắt, xem ra có vẻ lỗi thời và khiến người ta mất tự nhiên.

Ôi nhưng hoàn toàn không phải cái đó, dứt khoát không phải cái đó tạo nên không khí của buổi đầu gặp gỡ. Hai cậu cháu chạy đến ôm chầm lấy nhau mà khóc, và vì cảm động nghẹn ngào, chốc chốc họ lại phải ngắt quãng câu chuyện hấp tấp và sôi nổi đầu tiên của họ.

Hai tính cách sáng tạo, được liên kết bởi tình máu mủ, được gặp nhau, và mặc dù dĩ vãng có trỗi dậy, có sống lại với bao hồi ức và bao nhiêu biến cố xảy ra suốt thời gian xa cách, nhưng khi vừa bàn đến điều chính yếu, đến những điều nằm trơng phạm vi am hiểu của những người có đầu óc sáng tạo, thì mọi mối liên hệ đều lập tức biến mất, trừ một mối liên hệ duy nhất. Không còn phân biệt cậu cháu, không còn sự chênh lệch tuổi tác, chỉ còn lại sự gần gũi giữa tự nhiên với tự nhiên, năng lực với năng lực, nguyên lý với nguyên lý.

Suốt mười năm qua, ông Nicolai chưa bao giờ có dịp nói đến sức hấp dẫn của việc sáng tác và thực chất của thiên chức sáng tạo đúng như ông nghĩ và hợp chỗ, hợp thời như hôm nay. Còn về phía Zhivago cũng chưa bao giờ chàng được nghe những lời hưởng ứng sâu sắc, xác dáng và đầy cảm hứng như buổi phân tích này.

Cả hai cậu cháu chốc chốc lại reo lên, đi đi lại lại như chạy trong phòng, kinh ngạc trước sự đoán biết hoàn toàn chính xác của người kia, hoặc đứng lặng bên cửa sổ, gõ gõ ngón tay vào mặt kính, xúc động sâu xa vì thấy đôi bên thấu hiểu nhau đến thế.

Lần đầu tiên gặp gỡ thì như vậy, nhưng sau đó Zhivago còn gặp ông cậu mấy lần nữa ở chỗ đông người, và khi đó ông thay đổi hẳn, đến mức không nhận ra được.

Ông cảm nhận mình là một người khác lạ ở Moskva và ông không muốn từ bỏ cảm giác đó. Chẳng rõ khi ấy ông có coi Petersburg hay một nơi nào khác là nhà của mình hay không. Ông thích thú với vai trò một người có tài ăn nói hùng hồn về chính trị, một nhà hoạt động xã hội có sức lôi cuốn. Có lẽ ông tưởng rằng rồi đây, ở Moskva sẽ mở ra các phòng khách chính trị, kiểu như xa- lông chính khách của madam Rôlăng ở Paris trước thời Quốc ước 4.

Ông thường lui tới nhà những bà bạn của mình, những bà quí phái hiếu khách ở các đường phố nhỏ yên tĩnh tại Moskva. Ở đấy, ông thân mật chế giễu vợ chồng các bà ấy về quan điểm nữa vời, lạc hậu, về thói quen xét đoán mọi việc một cách thiển cận, hẹp hòi của họ. Và dạo này ông phô trương tất cả những điều ông đọc trên báo chí hệt như có thời ông vẫn ra các cuốn sách cấm và các bản văn huyền bí vậy.

Người ta đồn rằng ông còn để lại ở Thuỵ Sĩ một cô nhân tình trẻ măng, nhiều công việc dở dang, một cuốn sách chưa được viết xong, rằng rồi đây ông sẽ bị cuốn chìm xuống dòng nước xoáy cuồn cuộn ở tổ quốc, sau đó nếu có may mắn ngoi lên được, ông sẽ lại cuốn gói về miền núi Alp ngay thôi.

Ông đứng về phía những người bolsevich và thường nhắc đến hai đảng viên xã hội cách mạng khuynh tả 5 như là hai người đồng tư tưởng với ông: một phóng viên lấy bút danh Miroska Pomo và nhà chính luận Sinvia Koteri.

Giáo sư Alexandr Gromeko càu nhàu trách:

- Thật đáng sợ khi thấy ông đi vào con đường ấy, ông Nicolai ạ! Mấy cha kiểu như Miroska của ông. Đúng là đi xuống hố. Lại còn cái mụ Lidia Pokori của ông nữa chứ.

- Sinvia Koteri, chứ không phải Lidia Pokori, thưa giáo sư, - cha Nicolai chữa lại.

- Pokori hay Koteri thì cũng thế cả. Họ tên đâu có thay đổi được gì.

- Dẫu sao, tên chị ta cũng là Koteri, giáo sư đừng nhầm lẫn, - cha Nicolai kiên nhẫn nhắc lại.

Và đôi bên đã trao đổi với nhau những ý kiến đại loại thế này:

- Chúng ta đang tranh luận cái gì? Thật xấu hổ khi phải chứng minh những chân lý sơ đẳng như thế này. Bao thế kỷ nay, đại bộ phận nhân dân đã tồn tại một cách khó tưởng tượng nổi. Thử giở bất cứ cuốn sách giao khoa lịch sử nào ra mà xem. Dầu gọi bằng danh từ gì, chế độ phong kiến hay chế độ nông nô, hoặc chủ nghĩa tư bản và công nghiệp xưởng may, thì tính phi tự nhiên và bất công của những thể chế kiểu ấy đều đã bị xác nhận từ lâu và từ lâu thế giới đã chuẩn bị một cuộc chính biến nhằm đem lại ánh sáng cho nhân dân và xếp đặt mọi thứ đúng vào chỗ của nó.

Giáo sư thừa biết rằng sự thay thế một phần cái cũ ở đây là không thích hợp, mà phải phá vỡ tận gốc cái trật tự cũ, phải đào tận móng. Rất có thể việc đó sẽ làm sụp đổ cả toà nhà. Thì đã sao? Điều đó đáng sợ thật, nhưng chẳng phải vì thế mà nó sẽ không xảy ra. Đó là vấn đề của thời đại. Sao lại có thể phủ nhận cái đó kia chứ?

- Ê, tôi đâu có nói với ông về chuyện đó? Tôi nói gì nào? giáo sư Alexandr Gromeko nổi cáu, thế là cuộc tranh cãi nổ ra.

Cái bọn Povuri và Miroska của cha là những kẻ thiếu lương tâm. Họ nói một đằng, làm một nẻo. Hơn nữa, lô- gích của chuyện này là ở đâu? Chẳng ăn khớp gì với nhau cả. Ô khoan, xin cha chờ cho một lát, tôi sẽ cho cha xem cái này.

Và giáo sư bắt đầu tìm kiếm một tạp chí nào đó có đăng một bài báo đầy mâu thuẫn. Giáo sư cứ mở đóng các ngăn kéo bàn viết ầm ầm và tiếng động ấy đánh thức khả năng hùng biện của ông.

Giáo sư Gromeko thích có một cái gì đó làm vướng trở câu chuyện, để trở ngại ấy biện minh cho những tiếng ê, a, ư, hử trong lúc ông đang lưỡng lự. Lời lẽ của ông trở nên lưu loát khi ông tìm kiếm một vật gì bị mất hoặc bị lẫn, chẳng hạn khi tìm một chiếc ủng di tuyết cho dù đôi trong ánh đèn mờ mờ của phòng để áo, hoặc khi ông dừng lại ngập ngừng ở cửa buồng tắm với chiếc khăn bông vắt vai, hoặc trong lúc rót rượu cho các khách mời.

Zhivago thích thú nghe ông nhạc. Chàng rất mê cái giọng ngân nga quen thuộc ấy của những người già ở Moskva, cộng với sắc thái trầm trầm, nhẹ nhàng, hơi trơn trớt của gia đình Gromeko.

Môi trên của giáo sư Gromeko hơi nhô ra, mang một bộ ria mép được xén tỉa cẩn thận. Chiếc nơ hình bướm của ông cũng hơi trễ ra trên ngực ông đúng như vậy. Có cái gì giống nhau giữa cái môi trên và chiếc nơ, khiến giáo sư mang một dáng vẻ cảm động và cả tin của trẻ thơ.

Về khuya, gần như lúc khách khứa sắp ra về, thì bà Sura Sledinghe xuất hiện. Từ một cuộc họp nào đấy, bà đến thẳng nơi đây. Bà mặc chiếc áo jắckét và đội chiếc mũ jắckét của thợ thuyền. Bà quả quyết bước vào phòng, bắt tay lần lượt tất cả mọi người, rồi chưa kịp ngồi đã lớn tiếng trách móc và buộc tội:

- Chào cô Tonia. Chào ông Gromeko. Dầu sao thì các vị cũng tệ bạc quá, đúng không nào. Đâu đâu cũng nghe nói cậu ấy đã về, cả Moskva bàn tán việc đó, thế mà tôi là kẻ cuối cùng được cha con nhà ông cho biết. Tệ quá đi mất. Chắc là tôi chẳng xứng đáng. Đâu, đâu, người được chờ mỏi mắt đâu? Tránh ra cho tôi đi nhờ nào. Người ta cứ vây kín cả cậu thế kia. A, chào ông! Gíỏi, giỏi lắm. Tôi đọc rồi. Tôi chả hiểu gì, nhưng thật là thiên tài: Ngó qua là biết ngay. Chào cha Nicolai ạ. Tôi sẽ trở lại gặp cậu Yuri ngay đây. Tôi có chuyện lởn, chuyện dặc biệt, cần nói riêng với cậu. Chào các bạn trẻ. À, cả chú cũng ở đây hả, Gogoska? Chú miêu, chú miêu, đói meo chưa, đói meo, đói meo, đói meo!

Câu cuối cùng bà nhằm vào Gogoska, một người bà con họ hàng bắn đại bác không tới của gia đình Gromeko, một kẻ hăng hái phù thịnh, chỉ ủng hộ kẻ mạnh, bị người ta đặt cho biệt hiệu "Cả đẫn" vì anh ta ngu ngốc, ngây ngô tức cười, hoặc "Sếu vườn", vì anh ta cao và gầy nghêu gầy ngao.

- Chà, các vị tụ tập ăn uống linh đình gớm chửa? Tôi phải đuổi kịp các vị mới được. Ái chà chà, các vị quý phái, các ngài thượng lưu! Các vị chẳng biết gì hết, chẳng hiểu gì hết! Bao nhiêu là chuyện đang xảy ra ngoài đời, bao nhiêu là biến cố! Các vị nên đến dự một cuộc họp thực sự của tầng lớp cần lao, với những anh em đích thực là thợ thuyền, với những anh em đích thực là binh lính, chứ không phải là những bác thợ và chú lính được miêu tả trong sách vở. Các vị cứ thử mở miệng khuyên họ tiếp tục cuộc chiến cho đến thắng lợi cuối cùng xem nào. Họ sẽ cho ngay các vị biết thế nào là thắng lợi cuối cùng! Tôi vừa nghe một anh lính thuỷ phát biểu! Cậu Yuri thân mến, cậu mà nghe chắc sẽ thích mê đi! Say sưa biết bao! Nhất quán biết bao!

Bà Sura bị ngắt lời luôn. Mỗi người hét một câu, chẳng ăn nhập gì với nhau, ông nói gà, bà bảo vịt. Bà ngồi xuống bên cạnh Yuri Zhivago, nắm lấy tay chàng, ghé sát mặt vào phía chàng để át tiếng những người khác, đoạn hét to đều đều, không lên mà cũng chẳng xuống giọng, y như đang nói chuyện điện thoại:

- Lúc nào cậu đi với tôi, Yuri thân mến. Tôi sẽ giới thiệu cậu với mọi người. Cậu phải chạm đất, dứt khoát phải chạm đất như Asin ấy, cậu hiểu chưa? Sao cậu lại trố mắt ra thế? Tôi làm cho cậu ngạc nhiên hả? Chẳng lẽ cậu không biết tôi là một con ngựa chiến già, một nữ nghĩa quân. Tôi cũng đã biết thế nào là bót tạm giam,, tôi từng chiến đấu trên các chiến luỹ. Đương nhiên! Thế cậu tưởng sao? Ồ, chúng ta chưa hiểu gì về nhân dân? Tôi vừa từ chỗ họ, từ giữa lòng quần chúng đến đây. Tôi đang lo bố trí cho họ một thư viện.

Bà nhấp rượu và chắc bắt đầu chếnh choáng. Nhưng cả Yuri Zhivago cũng cảm thấy đầu óc choáng váng. Chàng không hiểu làm thế nào mà bà Sura đã ở cuối phòng, còn mình lại ở đầu bàn đằng này. Chàng đang đứng nói, và rõ ràng là trái với cả dự định của mình. Phải một lúc sau chàng mới buộc được cử toạ im lặng nghe chàng phát biểu.

- Thưa các vị… Tôi muốn… Misa! Gogoska!… Tonia ơi, họ chẳng chịu nghe thì biết làm sao bây giờ? Nào các vị, hãy để cho tôi nói đôi lời. Đang xảy ra một biến cố chưa từng có. Trước khi nó ập đến với chúng ta, tôi xin cầu chúc cho các vị như sau. Khi chuyện đó bùng nổ, xin Thượng Đế phù hộ cho chúng ta đừng lạc nhau và đừng lạc mất linh hồn. Gogoska, để lát nữa anh hãy hoan hô tôi. Tôi chưa nói xong mà. Yêu cầu các góc nhà dừng nói chuyện riêng nữa và hãy chú ý lắng nghe. Bước sang năm thứ ba của cuộc chiến tranh, nhân dân tin rằng sớm muộn gì ranh giới phân cách giữa mặt trận và hậu phương cùng sẽ bị xoá nhoà, một biển máu sẽ tràn đến chỗ mỗi người, phủ lấp cả những kẻ ẩn trốn trong hầm hố, nhà cửa. Cách mạng chính là trận lụt máu đó. Lúc bấy giờ, các vị cũng sẽ tưởng, như khi chúng tôi ở ngoài mặt trận, là cuộc sống chấm dứt, mọi cái riêng tư đều kết thúc chẳng còn gì xảy ra trên đời nữa, trừ cảnh giết hại và chết chóc, còn nếu chúng ta sống được đến lúc đọc các bài bút ký và hồi ký về thời kỳ ấy, hẳn chúng ta sẽ nhận thức được rằng trong vòng năm mười năm ta nếm trải nhiều hơn những người từng sống cả trăm năm. Tôi chưa biết liệu có phải tự nhân dân sẽ vùng lên và tràn đi như nước triều dâng, hay mọi sự sẽ được thực hiện trên danh nghĩa nhân dân. Một sự kiện lớn lao nhường ấy không đòi hỏi kiểu chứng minh kịch tính. Khỏi cần chứng minh, tôi vẫn sẽ tin nó. Đi tìm nguyên nhân của những biến cố bão táp và việc làm tâm thường: Chúng không hề có nguyên nhân. Chỉ những cuộc cãi vã trong gia đình mởi có nguyên nhân phát sinh và sau khi người ta túm tóc giằng co hoặc đập vỡ nồi niêu chén bát chán chê rồi, họ vẫn chẳng hiểu kẻ nào gây sự trước. Còn mọi cái thực sự vĩ đại đều không có khởi thuỷ, hệt như vũ trụ vậy Đó đột nhiên hiện diện, không thấy nguồn gốc phát sinh, tựa hồ nó vẫn tồn tại bao lâu nay hoặc vừa sa từ trên trời xuống. Tôi cũng nghĩ rằng nước Nga được số mệnh chỉ định là vương quốc xã hội chủ nghĩa đầu tiên từ thuở khai thiên lập địa. Khi điều đó xảy ra, nó sẽ khiến ta bàng hoàng rất lâu, rồi khi tỉnh lại ta sẽ không còn trí nhớ nữa. Ta sẽ quên hắn một phần quá khứ và sẽ không tìm cách lý giải các biến cố chưa từng có kia. Trật tự mới sẽ bao quanh ta và trở nên thân quen như cánh rừng ở phía chân trời hay các đám mây trên đầu. Nó sẽ bao quanh ta ở khắp mọi nơi, sẽ không có gì khác nữa.

Chàng còn nói vài lời gì đó và dần dần tỉnh rượu hẳn. Nhưng lại như lúc trước, chàng chỉ nghe loáng thoáng những gì mọi người nói xung quanh, nên cứ trả lời trật lấc. Chàng thấy mọi người dểu tỏ thái độ yêu mến chàng, nhưng chàng không sao xua tan nỗi buồn khiến chàng muốn điên cái đầu.

Chàng bèn nói:

- Cám ơn, cám ơn. Tôi hiểu tình cảm của các vị. Tôi chưa xứng đáng được như thế. Nhưng không nên yêu một cách vội vàng, làm như phòng bị vì sợ rằng sau này sẽ phải yêu mãnh liệt hơn.

Tất cả cử toạ cười phá lên và vỗ tay, tưởng đó là một câu nói có dụng ý hóm hỉnh, trong khi chàng chẳng biết tránh đâu cho thoát cái cảm giác tai hoạ đang treo lơ lửng, cái ý thức về sự bất lực của mình trong tương lai, mặc dầu chàng rất khao khát điều thiện và có khả năng hưởng hạnh phúc.

Khách khứa lục đục ra về. Vẻ mặt ai nấy đều tiều tuỵ vì mệt mỏi. Những cái ngáp dài làm cho hàm họ há ra ngậm vào trông từa tựa mặt ngựa.

Khi chia tay, người ta kéo rèm và mở toang cửa sổ. Bình minh vàng nhợt, bầu trời ẩm ướt với những đám mây đùng đục, màu vỏ đậu sàm sạm như đất.

- Trong lúc cánh ta tán dóc, rõ ràng trời có cơn giông kia mà, - một người lên tiếng nhận xét.

Bà Sura xác nhận:

- Trên đường đến đây tôi gặp mưa. Phải gắng sức chạy mới thoát.

Ngoài đường vắng vẻ, vẫn chưa sáng hẳn, những giọt nước mưa từ trên cây rơi xuống h tách, xen lẫn với tiếng kêu ríu rít của bầy chim sẻ bị ướt.

Một hồi sấm lan vang, tựa hồ người ta cày một luống suốt nền trời, rồi vạn vật yên lặng. Kế đó vang lên bốn tiếng sấm muộn màng, nghe lịch bịch, như về mùa thu những củ khoai lớn bị xẻng hắt bật ra khỏi luống đất xốp.

Tiếng sấm quét sạch căn phòng khỏi bụi bậm và khói thuốc Đột nhiên người ta bắt đầu cảm nhận các hợp phần của tồn tại, nước và không khí. ước vọng vui sướng, đất và trời, như các nguyên tố mang điện.

Ngoài phố vang lên tiếng nói của những người đang từ biệt nhau. Họ còn tiếp tục bàn luận ầm ĩ điều gì đó ở ngoài đường y như lúc nãy ở trong nhà. Tiếng họ xa dần, nhỏ đi rồi lắng bặt.

- Gần sáng rồi em ạ, Yuri Zhivago bảo vợ. - Mình đi ngủ thôi Trong số hết thảy mọi người trên đời này, anh chỉ yêu có em và ba thôi.
Bình Luận (0)
Comment