Bậc Thầy Thẻ Sao

Chương 117

Tạ Minh Triết ngủ một giấc ngon lành, dưỡng thần đầy đủ, hôm sau rời giường tiếp tục chế tạo thẻ bài.

Cậu tính mỗi ngày sẽ làm khoảng 3, 4 tấm thẻ, trước hết phải làm cho xong bộ thẻ Kim Lăng thập nhị thoa của Hồng Lâu Mộng.

Kim Lăng thập nhị thoa là mười hai cô gái xinh đẹp có tính cách khác nhau được khắc họa trong “Hồng Lâu Mộng”. Ký ức của Tạ Minh Triết về những nhân vật này chưa hề phai mờ, trong đó cậu đã làm Lâm Đại Ngọc, Tiết Bảo Thoa, Giả Nguyên Xuân, Sử Tương Vân thành thẻ bài. Tiếp theo còn có Giả Nghênh Xuân, Giả Thám Xuân, Giả Tích Xuân, Vương Hy Phượng, Diệu Ngọc, Xảo Thư, Lý Hoàn và Tần Khả Khanh.

Cô cả Giả Nguyên Xuân đã được làm rồi, không bằng làm cả ba chị em Nghênh Xuân, Thám Xuân và Tích Xuân luôn.

Ba cô gái này và Giả Bảo Ngọc đều cùng trưởng thành bên cạnh Giả Mẫu, từ nhỏ đã được dạy bảo rất tốt.

Cô hai Giả Nghênh Xuân dịu dàng lương thiện, đồng thời cũng nhút nhát yếu đuối, là loại tính cách “bánh bao mềm”điển hình. Nàng còn có một biệt danh là “cô hai gỗ”, có thể thấy được ngày thường nàng rất hiền lành, là cô nương nhát gan mềm yếu nhất trong Kim Lăng thập nhị thoa.

Chẳng những tài hoa của nàng không bằng các chị em khác, mà cách đối xử với người khác cũng rất nhẫn nhịn, đầy nhượng bộ. Dù người hầu có lấy trang sức của mình đi đánh bạc, thì nàng cũng vẫn giữ thái độ “không muốn truy cứu”, nói cho dễ nghe thì nàng là người lương thiện, không bằng nói thẳng luôn nàng rất nhu nhược.

Cũng chính cái tính cách này đã tạo nên một số mệnh đầy bi kịch cho nàng. Phụ thân Giả Xá thiếu họ Tôn năm ngàn lượng bạc không trả nổi, gã bèn lấy nàng ra gán nợ, gả cho họ Tôn. Nghênh Xuân xuất giá không lâu đã bị gã chồng vũ phu ngược đãi qua đời, kết cục khá là thê thảm.

Câu chuyện của Giả Nghênh Xuân khắc họa sâu sắc hình ảnh đáng thương của rất nhiều cô gái trong xã hội phong kiến, các nàng luôn giữ quan niệm “tại gia tòng phụ” “xuất giá tòng phu”, xưa nay chưa từng có chủ kiến, dù có bị ngược đãi cũng không tìm đường phản kháng, chỉ nhẫn nhục chịu đựng, yên lặng rơi nước mắt. Loại người có tính cách bánh bao này xuất hiện rất nhiều trong thời cổ đại, dù ở thời hiện đại cũng không phải là hiếm.

Dùng Giả Nghênh Xuân làm thẻ bài, có lẽ có thể bắt chước Đậu Nga, tạo thành một tấm thẻ vong ngữ. Dù sao thì cái chết của nàng đúng là quá thảm.

Về hình tượng nhân vật, dáng người Nghênh Xuân hơi đầy đặn, tướng mạo cũng khá dịu dàng đoan trang. Vì tính tình hiền lành nên ánh mắt nàng luôn mềm mại, tay cầm quạt tròn, người mặc một chiếc váy màu xanh nhạt, hoàn toàn là bộ dáng của một cô tiểu thư khuê các hiền thục dịu dàng.

Về kỹ năng, thứ nhất có thể dựa vào tính cách “Nhẫn nhục chịu đựng” của nàng, thiết kế thành kỹ năng chủ động nhận lấy công kích của đối phương, xem như là cưỡng chế kéo cừu hận. Kỹ năng thứ hai thì sẽ khởi động sau khi bị hành hạ đến chết, tăng trạng thái cho đồng đội phe mình.

Giả Nghênh Xuân (hệ thủy)

Cấp độ: 1

Cấp sao: ★

Số lần sử dụng: 1/1

Thuộc tính cơ bản:

– Máu: 200

– Công: 0

– Thủ: 200

– Tốc: 30

– Tỷ lệ bạo kích: 0%

Kỹ năng: Nhẫn nhục chịu đựng (nội tại, Giả Nghênh Xuân có tính cách hiền lành lương thiện, nhưng lại rất nhút nhát nhu nhược, chỉ biết chịu đựng và nhường nhịn, xưa nay không hề phản kháng, khi kẻ địch phóng kỹ năng tấn công trong vòng 23 mét xung quanh mình, Giả Nghênh Xuân sẽ chủ động gánh chịu tổn thương, không hề tránh né)

Kỹ năng: Bị hành tới chết (kỹ năng vong ngữ, Giả Nghênh Xuân xuất giá không được bao lâu đã bị gã chồng vũ phu ngược đãi tới chết. Khi nàng gánh lấy sát thương khổng lồ rồi từ trần, số phận bi thảm của nàng khiến toàn thể quân địch lâm vào trầm mặc, 3 giây sau đó không thể thả ra kỹ năng. Toàn thể phe bạn lâm vào trạng thái bi thương, hiệu quả trị liệu tăng 50%, liên tục 10 giây)

Tấm thẻ vong ngữ Nghênh Xuân này có thể dùng như thẻ khiêu khích kéo cừu hận, vừa gọi ra là hấp thu ngay kỹ năng mấu chốt của đối thủ, khi chết đi còn có thể giúp đồng đội tăng trạng thái.

Trầm mặc đối thủ 3 giây, cũng thêm 50% hiệu quả trị liệu cho phe mình, rõ ràng là tập thể phe mình đang tàn phế, thời điểm đối thủ muốn thu hoạch một thể thì lại gọi Giả Nghênh Xuân ra chủ động tự sát, tranh thủ thời gian 3 giây trầm mặc để hồi máu.

Tấm thẻ này không mạnh bằng Đậu Nga, nhưng tác dụng của hai tấm thẻ lại không hề giống —— Đậu Nga là thẻ bùng nổ tập thể, vừa khống chế đối thủ vừa tăng cường công kích cho phe mình, có thể gọi ra tại thời điểm phe mình dang muốn mở một cuộc tấn công toàn diện. Nghênh Xuân thì ngược lại, nàng là thẻ phòng thủ toàn diện, nên gọi ra vào lúc toàn thể phe mình đều đã tàn phế, cứu người trong tình thế nguy cấp bảo đảm cho giai đoạn cuối trận, hấp thu sát thương cũng thêm hiệu quả trị liệu cho đồng đội, nhân cơ hội hồi máu toàn đoàn.

Đậu Nga tiến công, Nghênh Xuân phòng thủ, hai tấm thẻ vong ngữ, thẻ nào cũng có sở trường riêng.

Giả Nghênh Xuân đã xong, tiếp theo sẽ là cô ba Giả Thám Xuân.

Hoàn toàn tương phản với tính cách mềm yếu nhu nhược của Nghênh Xuân, Giả Thám Xuân là một cô gái thông minh lanh lợi, làm việc quyết đoán, hệt như một đóa hồng có gai, ai dám trêu chọc nàng thì nàng sẽ không hề khách khí đáp trả, ngay cả Vương phu nhân và Phượng Thư cũng rất kiêng kỵ nàng.

Trong một lần tra xét vườn Đại Quan, khác với những thiên kim tiểu thư được bảo bọc nuôi dưỡng, hoảng sợ không biết nên làm thế nào, thì chỉ có mỗi Thám Xuân là phản kháng quyết liệt, mắng cho một đám người á khẩu không nói nên lời. Khi kẻ hầu tiến đến định soát người thì nàng không hề do dự tát cho một bạt tai, dùng khí độ kiên cường cứng cỏi bảo vệ tôn nghiêm của bản thân, cũng giúp cho đám người chịu nhục trong vườn Đại Quan xả được cơn giận.

Thám Xuân chẳng những thông minh gan dạ mà còn là một cô nương rất tài hoa, làm thơ hay, giỏi văn chương, từng đề xuất xây dựng Hải Đường thi xã cực thịnh một thời.

Trong lúc Vương Hy Phượng bệnh nặng, Thám Xuân thông minh tài giỏi thay thế Vương Hy Phượng tạm thời quán xuyến mọi việc trong vườn Đại Quan, cũng chủ trì việc cải cách vườn Đại Quan, đây cũng là một điển cố “Thám Xuân quản nhà” khá nổi tiếng.

Tiếc rằng lúc đó vườn Đại Quan đã đứng trong tình trạng vô vọng không thể cứu vãn, nàng lại chỉ là một tiểu cô nương với quyền lực có hạn, khó mà vãn hồi được gia tộc đang trên bờ suy tàn. Cuối cùng bởi vì chiến loạn Nam Hải, Nàng được phụ thân an bài một cuộc hôn nhân chính trị, bị hoàng đế chỉ hôn lấy chồng ở nơi phương nam xa xôi, cốt nhục phân ly.

Lực công kích của Giả Thám Xuân phải nói là siêu mạnh, ở trước mặt rất nhiều người tặng cho kẻ hầu một cái tát là minh chứng tốt nhất. Đa phần các tiểu thư khuê các trong các gia tộc thời cổ đại đều sẽ dịu dàng nết na, rất hiếm thấy kiểu người hoa hồng có gai giống Thám Xuân thế này. Tạ Minh Triết cảm thấy, nếu không biến nàng thành một tấm thẻ công kích thì thật quá lãng phí.

Kỹ năng thứ nhất có thể gọi là Tức giận bạt tai, áp sát dùng bàn tay công kích mục tiêu, gây ra sát thương cực lớn.

Cậu cũng đã có tài liệu để thiết kế kỹ năng khác, “Thám Xuân quản nhà” và “Thám Xuân lấy chồng nơi xa” đều là những đoạn truyện kinh điển trong Hồng Lâu Mộng.

Quán xuyến nhà cửa, vì là quản lý người nhà nên có thể biến thành một kỹ năng buff hỗ trợ; lấy chồng ở xa thì làm thành một dạng “kỹ năng chạy trốn”, bởi Thám Xuân đi lấy chồng nơi xa nên đã tránh thoát khỏi bi kịch vườn Đại Quan bị tịch thu tài sản.

Hình tượng của Thám Xuân theo như miêu tả trong nguyên tác là, vai thon eo nhỏ, gương mặt trái xoan, mắt sắc mày dài, ánh mắt có thần”. Rất khác với khí độ đoan trang của cô cả Nguyên Xuân, hay nét mềm yếu dịu dàng của cô hai Nghênh Xuân, Thám Xuân rất linh hoạt, ánh mắt tinh đời, là một tiểu thư quý tộc có ngũ quan thanh tú và phong thái mạnh mẽ.

Lúc thiết kế trang phục, Tạ Minh Triết quyết định cho nàng mặc một bộ áo cưới, rất phù hợp với bối cảnh đoạn trích “Thám Xuân lấy chồng nơi xa”.

Sau khi suy xét xong, Tạ Minh Triết bắt đầu chế tạo tấm thẻ Giả Thám Xuân này.

Giấy tinh vân dần dần xuất hiện một cô gái mặc váy cưới đỏ rực, đầu đội mũ phượng, ngũ quan thanh tú, kỹ năng của thẻ bài cũng chậm rãi hình thành dựa theo ý nghĩ của cậu.

Giả Thám Xuân (Hệ thủy)

Cấp độ: 1

Cấp sao: ★

Số lần sử dụng: 1/1

Thuộc tính cơ bản:

– Máu: 400

– Công: 1000

– Thủ: 400

– Tốc: 30

– Tỷ lệ bạo kích: 30%

Kỹ năng: Nổi giận bạt tai (Giả Thám Xuân có tính cách quả quyết, không cam lòng bị người khác vũ nhục, nàng giơ tay lên cho đối phương một cái tát, dùng khí thế uy nghiêm để bảo vệ danh dự bản thân —— Thám Xuân có thể tạo ra công kích bằng bạt tai với mục tiêu đối địch trong phạm vi 1 mét, gây ra 200% sát thương khổng lồ, cũng khiến đối phương bị choáng đầu hoa mắt liên tục 2 giây; thời gian CD: 25 giây)

Kỹ năng: Thám Xuân quản nhà (Giả Thám Xuân thông minh tài giỏi, quản lý mọi thứ trong gia tộc ngay ngắn gọn gàng. Khi Giả Thám Xuân quản lý nhà cửa, trong 5 giây sau đó, toàn thể mục tiêu phe bạn sẽ được miễn dịch các loại khống chế như hỗn loạn, choáng váng, đóng băng, duy trì được sự tỉnh táo sáng suốt; thời gian CD: 45 giây)

Kỹ năng: Lấy chồng Nam Hải (Giả Thám Xuân bị bức vào cuộc hôn nhân chính trị, dưới sự an bài của phụ thân, nàng lấy chồng nơi Nam Hải xa xôi, rời xa người thân. Khi kỹ năng mở ra, Giả Thám Xuân sẽ dịch chuyển tức thời tới một vị trí chỉ định trong phạm vi 23 mét, đồng thời nàng có thể chỉ định một mục tiêu đồng đội làm thành viên đưa dâu, cùng dịch chuyển với nàng)

Lá bài này chỉ có một kỹ năng tấn công, là công kích từ bạt tai khi Giả Thám Xuân áp sát mục tiêu, gây ra sát thương rất cao, đồng thời còn thêm một khống chế choáng váng. Nhưng vì kỹ năng của nàng quá nhiều nên sát thương cơ bản chỉ có 1000 điểm, xem như là thẻ dame tầm trung, không đạt được giá trị cao nhất, thời gian khống chế choáng váng cũng chỉ có 2 giây rất ngắn, mà thời gian CD lại khá dài.

Kỹ năng thứ hai, Thám Xuân quản lý nhà cửa lúc nào cũng sẽ khôn khéo lanh lợi, đầu óc luôn duy trì sự sáng suốt, thế nên có thể tạo thành miễn dịch khống chế cho phe bạn, xem như là một kỹ năng hỗ trợ miễn khống dùng rất tốt.

Thứ ba là kỹ năng di động, cùng loại với Trở về quê hương của Tôn Thượng Hương. Có điều Tôn Thượng Hương chỉ dịch chuyển một mình, thích hợp đổi vị trí đánh xa bắn tên lửa thu hoạch. Thám Xuân là cận chiến, mặc kệ là áp sát truy kích đối thủ, hay chạy trốn tại thời khắc mấu chốt, với kỹ năng dịch chuyển tức thời này, trong trận đấu nàng sẽ càng thêm linh hoạt, lại còn tiện thể kéo theo một đồng bạn làm người đưa dâu, kéo đồng đội sắp chết tìm đường sống hoặc kéo hỗ trợ làm bảo tiêu cho mình, có thể căn cứ vào tình thế trên trận mà vận dụng linh hoạt.

Tạ Minh Triết rất thích tấm thẻ Giả Thám Xuân này, là một tấm thẻ dame tập hợp cả công kích đơn, miễn khống và dịch chuyển tức thời. Mặc dù dame cơ bản không được cao lắm, nhưng tính linh hoạt của nàng lại cực mạnh, chỉ cần có thể cầm cự được lâu là nàng có thể đánh ra được sát thương khổng lồ.

Sau đó chính là cô tư nhỏ nhất Giả phủ, Giả Tích Xuân.

Không giống với ba cô chị, Tích Xuân có tính cách vừa quái gở lại lạnh lùng, mà tính cách này cũng có quan hệ mật thiết tới thân thế của nàng.

Nàng là người nhỏ tuổi nhất trong bốn chị em Giả phủ, phụ thân Giả Kính có tuổi tác khá cao, lại sa vào con đường tu tiên luyện đan, cuối cùng là chết bởi nuốt phải đan độc, mẫu thân thì qua đời sau khi sinh nàng không lâu, từ nhỏ không được cha thương mẹ yêu.

Tích Xuân rõ ràng là người của phủ Ninh Quốc nhưng lại được nuôi dạy bên cạnh Giả Mẫu và Vương phu nhân của phủ Vinh Quốc. Dù Giả lão thái thái rất yêu thương cô cháu gái này, nhưng người Giả lão thái thái thương nhất vẫn là Bảo Ngọc, cộng thêm việc Đại Ngọc, Bảo Thoa lần lượt vào sống tại Giả phủ, nên lòng thương yêu với Tích Xuân ngày một ít đi. Việc ăn nhờ ở đậu thế này đã tạo ra một tính cách quái gở, lạnh lùng nơi nàng.

Tính cách “lạnh lùng” của Tích Xuân thể hiện rất rõ trong sự kiện tra xét vườn Đại Quan, khi “hàng cấm” được tìm thấy trong rương của nha hoàn của nàng, Tích Xuân lập tức rũ sạch sẽ, thái độ vô cùng rạch ròi: “Các người muốn đánh ả thì đem ra ngoài đánh. Tôi với ả ta không có liên quan gì cả, chỉ cần không tìm tôi gây sự thì xử lý thế nào cũng được.”

Nàng ta hoàn toàn thờ ơ với sự cầu xin tha thứ của nha hoàn, thậm chí còn tỏ rõ “muốn đánh, muốn giết, muốn bán tùy ý”, nha hoàn nàng quỳ khóc, đau khổ cầu xin, dù Tích Xuân tuổi nhỏ nhưng lại có ý chí sắt đá, nàng căn bản không màng tới sống chết của người khác.

Nguyên tắc đối nhân xử thế của Tích Xuân là “tôi sống một mình là đủ rồi, người khác thì có can hệ gì tới tôi?”

Nàng từng nói một câu rất kinh điển: “Không làm người nhẫn tâm, thì sao có thể quản chính mình”, ý là không nhẫn tâm đoạn tuyệt với những gút mắc tình cảm trong thế gian thì sẽ không thể trở thành một người tự do tự tại.

Cũng chính vì nguyên nhân này, khi bốn gia tộc lớn suy tàn, ba người chị của nàng người thì chết thảm, người thì lấy chồng nơi xa, còn Tích Xuân lại hoàn toàn thất vọng với hiện thực, nảy sinh ý nghĩ muốn chết, cuối cùng là xuất gia trở thành ni cô.

Tạ Minh Triết quyết định làm Tích Xuân thành một tấm thẻ hỗ trợ.

Dù sao thì Tích Xuân trong nguyên tác cũng không có tính công kích gì, chỉ lo chính bản thân mình, mặc kệ người khác. Như vậy có thể dùng “Chỉ lo thân mình” làm thành nội tại, mặc kệ đồng đội sống hay chết, Tích Xuân cũng sẽ không chịu chết.

Còn kỹ năng khác của nàng có thể dùng kết cục của nàng trong truyện: xuất gia, khám phá hồng trần. Nàng hoàn toàn mất lòng tin với thế gian, quyết định từ nay về sau sẽ tu hành, gõ mõ, nghe tiếng chuông chùa, mới có thể khiến trái tim nàng bình lặng.

Về hình tượng nhân vật, Tạ Minh Triết quyết định vẽ hình ảnh Tích Xuân trước khi xuất gia, như thế sẽ thống nhất với các chị của mình, thuận tiện để làm cả kỹ năng liên kết.

Tích Xuân là cô nương trẻ nhất, ngũ quan vẫn còn nét ngây thơ non nớt của thiếu nữ, nàng mặc một bộ váy màu tím nhạt, trang điểm kiểu thiếu nữ, mà vì gương mặt hoàn toàn không có một biểu tình nào, nên cả người hoàn toàn toát lên vẻ kiêu ngạo thanh cao.

Giả Tích Xuân (Hệ thủy)

Cấp độ:1

Cấp sao: ★

Số lần sử dụng: 1/1

Thuộc tính cơ bản:

– Máu: 1000

– Công: 0

– Thủ: 1500

– Tốc: 30

– Tỷ lệ bạo kích: 30%

Kỹ năng: Thanh đăng cổ phật (Giả Tích Xuân xuất gia làm ni cô, từ đây chỉ sống trong cảnh tịch mịch nơi phật môn, nàng niệm kinh phật, khiến toàn bộ mục tiêu đối địch trong phạm vi 23 mét trúng trạng thái yên lặng, không thế phóng kỹ năng trong 3 giây; thời gian CD: 30 giây)

Kỹ năng: Khám phá hồng trần (nội tại, Giả Tích Xuân thờ ơ lạnh nhạt với những tranh chấp nơi trần thế, khám phá hồng trần, khi Giả Tích Xuân vừa xuất hiện, toàn thể thẻ bài đang ẩn thân trong phạm vi 23 mét xung quanh sẽ tự động hiện hình)

Kỹ năng: Chỉ lo thân mình (nội tại, Giả Tích Xuân có nguyên tắc là chỉ lo thân mình, mặc kệ những thẻ bài khác sống chết thế nào. Mỗi lần bản thân nhận phải công kích, Giả Tích Xuân sẽ tự động tạo cho riêng mình một kết giới hệ thủy tương đương với 10% HP, liên tục 5 giây)

Có thể nói lá bài này rất phù hợp với cá tính của Tích Xuân. Kỹ năng thứ nhất là khống chế trầm mặc trong phạm vi rộng, là một loại khống chế thường gặp. Kỹ năng thứ hai là loại kỹ năng dùng để đối phó với ẩn thân, khi đối thủ có thẻ bài đang ẩn thân thì mình có thể dùng Tích Xuân để nhắm vào.

Còn kỹ năng thứ ba lại làm tăng năng lực sinh tồn của Tích Xuân lên rất nhiều, mỗi khi nàng nhận phải công kích thì có thể tự tạo cho mình một tấm khiên bảo hộ hệ thủy. Thủ của nàng siêu cao, cả máu cũng cực dày, vốn đã rất khó đánh rồi mà còn có thêm một kết giới bảo vệ, Tích Xuân lúc này đã biến thành người khó đánh chết nhất trong Kim Lăng thập nhị thoa, đánh mãi mà nàng vẫn không chết, lại còn khiến kẻ địch trầm mặc, đối thủ chắc chắn sẽ rất đau đầu.

Tới đây, thẻ bài bốn vị cô nương của Giả phủ đã hoàn thành.

Cô cả Nguyên Xuân và cô tư Tích Xuân đều là thẻ hỗ trợ, cô hai Nghênh Xuân là thẻ vong ngữ, còn cô ba Thám Xuân lại là một tấm thẻ công kích đơn siêu mạnh, hiện tại chỉ còn thiếu mỗi kỹ năng liên kết.

Bốn cô gái đều là chị em gái của Giả phủ, kỹ năng liên kết sẽ tương ứng với tên của các nàng: Vốn phải than thở.

Nguyên Xuân: Vốn phải than thở (kỹ năng liên kết, Nguyên Xuân là trưởng nữ của Giả phủ, khi có mặt một trong ba cô em Nghênh Xuân, Thám Xuân hoặc Tích Xuân, hiệu quả của kỹ năng Nguyên Xuân thăm nhà sẽ tăng lên, toàn thể đồng đội trong phạm vi sẽ tăng 70% công kích, tốc độ công kích và sát thương bạo kích)

Vốn chỉ là kỹ năng tăng 50% trạng thái, nhưng khi mở kỹ năng liên kết sẽ tăng tới 70%, hiệu quả khá mạnh.

Nghênh Xuân: Vốn phải than thở (kỹ năng liên kết, Nghênh Xuân là cô hai của Giả phủ, khi bất kỳ người nào trong Nguyên Xuân, Thám Xuân và Tích Xuân có mặt thì sau khi chết đi, Nghênh Xuân sẽ khởi động hiệu quả chúc phúc, chị em được chúc phúc sẽ xuất hiện thêm một tấm chắn hệ thủy, miễn dịch một lần sát thương trí mạng)

Kỹ năng này có thể nhân cơ hội Nghênh Xuân vừa chết giúp sẽ giúp cho chị em Giả phủ được miễn dịch một lần sát thương chết người, dù nàng có chết đi cũng không thể để chị em mình chết được, vô cùng thiện lương.

Thám Xuân: Vốn phải than thở (kỹ năng liên kết, Thám Xuân là cô ba của Giả phủ, khi có mặt bất kỳ người nào trong các chị em Nguyên Xuân, Nghênh Xuân, Tiếc Xuân thì Thám Xuân được các chị em cổ vũ, tăng 20% lực tấn công, và sát thương bạo kích ngoài định mức)

Nếu Thám Xuân là thẻ công kích thì có thể tăng dame, các chị em họ Giả cùng có mặt thì công kích sẽ càng mạnh hơn.

Tích Xuân: Vốn phải than thở (kỹ năng liên kết, Tích Xuân là cô tư của Giả phủ, khi có mặt một trong ba cô chị của mình, Tích Xuân nhớ thương ba người chị gái, kỹ năng niệm kinh phật gây khống chế trầm mặc cho kẻ địch được tăng thêm hai giây hiệu quả)

Kỹ năng liên kết của bốn chị em Giả phủ đều là tăng cường hiệu quả kỹ năng của bản thân.

Vì Nghênh Xuân là thẻ bài vừa xuất hiện sẽ chịu chết, và cũng phải chọn lựa thời cơ tốt nhất để có thể tung ra thẻ dame cực mạnh Thám Xuân, nên theo lý thuyết mà nói, rất khó đạt thành điều kiện để cả bốn tấm thẻ xuất hiện cùng một lúc.

Thế nên, lúc thiết kế kỹ năng liên kết, Tạ Minh Triết đã dùng một loại miêu tả khác —— khi có bất kỳ một người có mặt.

Miêu tả này rất quan trọng, trong bốn chị em, chỉ cần có một người ở đây thì sẽ lập tức có thể khởi động kỹ năng liên kết mà không cần cả bốn người đều phải có mặt cùng lúc. Như thế thì sẽ đơn giản hơn nhiều, tùy tiện hai chị em là đã có thể tạo ra hiệu quả buff cho nhau.

Đây là lần đầu tiên Tạ Minh Triết tạo kỹ năng liên kết cho bốn tấm thẻ, mà hệ thống cũng vang lên tiếng xét duyệt thành công khiến cậu càng phấn khích hơn.

Cậu bày bốn chị em lên cùng một chỗ trên tủ trưng bày, nhìn một chút, thật đúng là cảnh đẹp ý vui.

Bốn thiên kiêm tiểu thư có tính cách bất đồng, dung mạo khác biệt, nhân vật có máu có thịt, cùng nhau khắc họa nên một đoạn cố sự kinh điển trong Hồng Lâu Mộng.

Trình độ đặt tên của Tào Công rất cao minh —— cô cả Nguyên Xuân, chữ “Nguyên” là để kỷ niệm nàng sinh ra vào ngày đầu tiên của tháng giêng; Nghênh Xuân có tính cách đón nhận, chịu đựng nhẫn nhục, chưa từng phản kháng; Thám Xuân thích thăm dò chuyện lạ, khi quản lý vườn Đại Quan thì can đảm cải cách, làm việc rất quyết đoán dứt khoát; Tích Xuân thì lại tiếc rẻ mạng sống, cuối cùng xuất gia làm ni cô, bảo đảm cho bản thân bình an.

Vốn (nguyên), phải (ứng), than (thán), thở (tức) là chữ hài âm, dùng để chỉ bốn chị em Nguyên Xuân, Nghênh Xuân, Thám Xuân, Tích Xuân, hợp lại với nhau là trở thành ám hiệu ám chỉ tới số phận bi kịch của cả bốn người, dùng cụm từ này làm tên cho kỹ năng liên kết cũng có thể giúp ghi nhớ thứ tự của bốn chị em và nét đặc sắc của thẻ bài.

Tương lai trên đấu trường, kỹ năng liên kết của bốn chị em Giả phủ chắc chắn sẽ đem tới bất ngờ lớn cho toàn thể khán giả!

‿︵‿︵‿︵‿︵‿︵‿︵‿︵‿

Bốn cô gái này trong Hồng Lâu Mộng vì đều có tên Xuân nên được gọi là “Giả phủ tứ Xuân”, trừ Nguyên Xuân và Thám Xuân là chị em ruột cùng cha khác mẹ ra thì hai người còn lại đều là chị em họ.

Bốn chữ đầu của tên bốn cô Xuân của Giả phủ kết hợp lại là Nguyên Nghênh Thám Tích 元迎探惜 là hài âm với cụm từ “Vốn phải than thở” (nguyên ứng thán tức – 原应叹息). Đây là một cụm từ khá nổi tiếng, dường như đã trở thành lời tiên đoán về cuộc đời bi thảm của cả bốn cô gái. Thế nên tác giả mới lấy cụm từ này để làm kỹ năng liên kết (thật ra tên kỹ năng ban đầu là Giả phủ thiên kim, sau đó tác giả tiếp thu ý kiến độc giả mới đổi lại cho phù hợp hơn, ai đọc QT/convert thì có thể sẽ đọc phải bản cũ nhé).
Bình Luận (0)
Comment