Xe lửa vững vàng chạy đi, Triệu Hú chắp hai tay sau lưng đứng trước cửa sổ, ánh mắt tràn ngập sự tò mò đánh giá cảnh sắc ngoài cửa sổ. Với một người từ nhỏ chưa từng rời kinh thành như y mà nói, tất cả sự việc ngoài kia đều hết sức mới mẻ. Tuy trong mắt người khác đó chỉ là đồng ruộng hay thôn trang, nhưng những gì Triệu Hú nhìn thấy lại không chỉ có thế, quả rất giống một đứa trẻ.
Thật ra thì Triệu Hú có biểu hiện như thế chẳng có gì là lạ, chủ yếu là do hai nguyên nhân: một là y đã hiếu kì và tưởng tượng thế giới bên ngoài chưa từng xuất hiện trong kinh thành rất rất nhiều, giờ lần đầu tận mắt nhìn thấy, có khi cũng là lần duy nhất, y phải thừa dịp này ngắm nhìn nhiều một chút để khắc sâu chúng vào trong đầu. Ở mặt này, Triệu Hú quả thật đáng thương.
Nguyên nhân thứ hai có vẻ đơn giản hơn, y là hoàng đế của Đại Tống, phải thống trị một đế quốc có dân số cực khủng, nhưng bình thường y chỉ có thể thấy được cuộc sống dân chúng trong kinh thành, dân chúng trong kinh thành không thể đại diện cho tất cả dân chúng Đại Tống được, y có thể thông qua các đại thần hoặc các cơ quan tình báo để hiểu tình hình bên ngoài, nhưng đó đều là qua cái nhìn của những người khác, y chỉ nghe kể lại chứ không biết người đó có kể đúng hay không. Vì thế, y đến cả nằm mơ cũng muốn tận mắt nhìn thấy Đại Tống mình đang trị vì có hình dáng như thế nào.
Từ khi bắt đầu rời khỏi kinh thành, Triệu Hú cứ chằm chặp nhìn ra ngoài cửa sổ. Lại nói tiếp, từ sau khi xuất hiện xe lửa và đường sắt, tuyến đường dọc đường sắt dần dần náo nhiệt hẳn lên. Vì tốc độ ban đầu của xe lửa rất chậm, nhiều người có thể chạy theo chiều xe lửa mời chào mua hàng, nhưng như vậy hết sức nguy hiểm, cho nên triều đình hạ lệnh, trừ người của nhà ga ra, bất cứ kẻ nào dám tới gần xe lửa trong vòng năm mươi bước sẽ bị bắt ngay rồi phạt mười côn. Mặc dù không phải ai cũng tuân thủ, nhưng ít nhất một phần lớn không còn dám chạy liều theo xe lửa chào hàng nữa.
Tuy khi xe lửa chạy không có ai dám đuổi theo, nhưng khi đến nhà ga khác lại không như trước nữa. Đường từ Đông Kinh đến Thái Sơn tương đối xa, mà than đá và nước trên xe lửa lại tiêu hao cực nhanh, cho nên phải dừng ở nhà ga gần đó để châm nước thêm than. Triệu Hú đương nhiên không thể đi đến đâu, dọn bãi đến đấy, như vậy thì nhiễu dân quá, kết quả là lúc này có không ít tiểu thương cứ vây quanh cửa sổ xe lửa chào hàng, đến cả xe của Triệu Hú cũng không ngoại lệ, nhóm tiểu thương này đâu biết rằng người ngồi trên xe lại chính là Hoàng đế Bệ hạ của họ.
Đương nhiên, đám tiểu thương kia chắc chắn không thể đến gần chỗ Triệu Hú. Mỗi khi xe lửa dừng lại, hộ vệ trên xe đều ngăn cách giữa đám người với xe lửa. Ngược lại, Triệu Hú rất hưởng thụ, thậm chí khi thấy những món hàng mình thích còn sai nội thị đến mua về một ít, để dành sau này nếu không dùng thì khi hồi kinh cũng có thể làm quà tặng.
Nếu dùng tốc độ đi tàu cao tốc như ở hiện đại thì Đông Kinh cũng không xa Thái Sơn lắm, chỉ cần vài giờ là tới, nhưng tốc độ xe lửa ở Đại Tống đâu thể so được, đoạn đường này đi ít nhất cũng phải một ngày. Tuy có chậm hơn thời hiện đại rất nhiều, vậy mà đã rất nhanh với người Tống rồi. Phải biết rằng, trước đây, khi chưa có xe lửa, có cưỡi ngựa đi chăng nữa cũng phải mất vài ngày. Ngựa đâu thể không ăn không uống mà vẫn chạy được? Chỉ có xe lửa mới có thể.
Đám người Triệu Hú xuất phát vào buổi sáng, đi đến chập tối mới đến Cổn Châu Tập Khánh phủ dưới chân Thái Sơn. Nơi đây chính là thành phố Thái An đời sau. Tên Thái An này khi Kim quốc chiếm nơi này mới có, giờ Kim quốc đã bị diệt, sợ rằng tên Thái An sẽ không thể xuất hiện nữa…
Xe lửa dừng lại ở nhà ga Tập Khánh phủ. Các quan viên địa phương đã sớm nhận được tin tức, lúc này đều ở nhà ga chờ, ngoài ra còn có những quan văn võ được phái đến trước chuẩn bị đại lễ phong thiện, bọn họ đều như nhau, lo lắng chờ đợi. Đến khi xe lửa Triệu Hú chậm rãi dừng lại, mọi người cuối cùng mới nhẹ nhàng thở ra, đi lên chuẩn bị nghênh đón.
Xe lửa dừng hẳn, cửa xe lập tức mở ra, một đội hộ vệ chạy từ sau vòng tới, vây thành một vòng bảo vệ quanh nhà ga rồi bắt đầu kiểm tra thân phận mọi người ở đây. Sau khi đã xác nhận không còn gì nguy hiểm, vương công đại thần mới xuống xe, người xuống xe cuối cùng là Triệu Hú.
Triệu Hú vừa xuống xe vừa cười ha hả, sau đó đến gặp các quan viên đến nghênh đón. Khi y nhìn thấy một võ tướng trẻ tuổi trong đám người, ánh mắt lập tức sáng lên, định đến chào hỏi, nhưng người kia chỉ mỉm cười, khoát tay áo với y. Triệu Hú cũng hiểu ý người này, vì thế không tiến đến mà chỉ gật đầu lại với y.
Võ tướng trẻ tuổi kia chính là đại ca ruột của Triệu Hú, Triệu Dật. Y là một trong những quan viên đầu tiên được phái đi Thái Sơn chuẩn bị công việc phong thiện. Triệu Dật thân mang trọng trách rất quan trọng, đó là phải loại bỏ tất cả tai họa ngầm có thể xuất hiện ở Thái Sơn, tránh để Triệu Hú phải gặp nguy hiểm không cần thiết. Triệu Dật là một người hết sức khiêm tốn, thậm chí khi ở quân doanh còn đổi tên! Vì không muốn để lộ thân phận thật sự nên khi hắn ta nhìn thấy Triệu Hú mới không để y tới chào hỏi.
Trong Tập Khánh phủ có một tòa hành cung, nhưng hành cung này không phải do Triệu Hú sai người xây, mà là lần trước Tống Chân Tông đến Thái Sơn phong thiện đã sai người xây, hành cung này tồn tại cũng được lịch sử mấy chục năm rồi. Có điều, hành cung này mới chỉ sử dụng được một lần rồi thôi, qua mấy chục năm đã vô cùng xơ xác, vậy mà khi Triệu Hú biết chuyện lại rất cao hứng, chỉ sai người sửa sang lại hành cung một chút, không hề có ý xây lại, làm vậy có thể tiết kiệm được không ít.
Cũng bởi vậy, sau khi Triệu Hú đến Tập Khánh phủ liền được quan viên địa phương nghênh đón đến nội cung. Nội cung đã được sửa chữa qua một lần, giờ tuy có chút cũ kĩ nhưng chắc chắn không có vấn đề gì. Hơn nữa, trong đại điện, tiệc rượu đã được chuẩn bị xong, tiệc rượu này được tổ chức theo kiểu tiệc đậu hũ rất nổi tiếng ở nơi này, hoàn toàn là đồ chay, không hề có món mặn nào. Đây chính là lễ nghi khi các đế vương đến phong thiện, bởi vì toàn bộ quá trình phong thiện, Triệu Hú phải cho thấy sự chân thành của mình, cho nên khi dùng tiệc chay cũng phần nào bày tỏ phần tôn kính của mình với thiên địa.
Đậu hũ chỉ là một món chay, nhưng qua tay các đầu bếp địa phương lại biến tấu thành rất nhiều loại hoa, mỗi phần lại rất đặc sắc. Đến cả Triệu Hú đã quen ăn sơn hào hải vị cũng cảm thấy vô cùng ngon miệng.
Đợi đến sau khi yến hội kết thúc, Triệu Hú mới có cơ hội triệu kiến Triệu Dật. Triệu Dật vừa vào, thấy Triệu Hú liền lập tức khom người thi lễ:
- Thần Triệu Dật bái kiến Bệ hạ!