Vài ngày sau, trên tờ báo ra hàng ngày của Đại Tống có đăng một chuyên mục liên quan đến việc Tử Hạ giải quyết hậu quả sau chiến tranh, đồng thời cũng trong chuyên mục này đã phát tán thông tin về việc triều đình có ý định để cho phía Tử Hạ phải cắt đất đền tiền, kết quả là sự việc này rất nhanh sau đó đã trở thành tiêu điểm tranh luận của bàn dân thiên hạ. Trong bàn dân thiên hạ không ai có được cái tư tưởng vĩ đại như kiểu lấy đức báo oán cả, rồi lại thêm việc bọn họ đều không có chút cảm tình nào đối với Tử Hạ cả do đó đại bộ phận đều cảm thấy việc triều đình trừng phạt Tử Hạ bằng cách để cho bọn chúng cắt đất đền tiền khiến cho mọi người có phần hả dạ, và cũng rất ủng hộ triều đình
Nếu chỉ là sự ủng hộ của dân thường thì mấy vị đại thần kia của triều đình đều có thể sẽ không quá chú tâm, thế nhưng những kẻ chí sĩ học thức đặc biệt là những người tri thức trẻ tuổi đều rất tán đồng với biện pháp của triều đình, trong đó đặc biệt nổi bật nhất là những người tri thức trẻ tuổi lấy Lý Công Lân làm biểu tượng. Lý Công Lân dựa vào báo chí, rồi hàng ngày trên mặt báo đều cho đăng những bài viết của mình, trong những bài viết này luôn luôn là sự kêu gọi triều đình hãy trừng phạt thích đáng đám Tử Hạ. Cách làm này của y ảnh hưởng đến một bộ phận lớn những tri thức trẻ tuổi, và điều này cũng làm cho đại bộ phận chí sĩ cũng ủng hộ quyết định này của triều đình.
Trong tình hình này, tiếng nói phản đối việc trừng phạt một cách nghiêm khắc Tử Hạ đã giảm đi rõ ràng. Triệu Thự nhân cơ hội này tiến hành áp chế những kẻ có lập trường phản đối, cuối cùng thông qua quyết định truy cứu bắt Tử Hạ cắt đất đền tiền, và hơn nữa Triệu Thự để ngăn ngừa tình trạng này có thể lặp lại, sau khi được thông qua sẽ lập tức triệu kiến sứ giả của Tử Hạ đến, lấy điều kiện Đại Tống sẽ lui binh để ép bọn chúng phải đáp ứng điều kiện cắt đất đền tiền mà Đại Tống đưa ra.
Trước đây Tử Hạ đã từng phái vài vị sứ thần tới Đại Tống để cầu hòa, nhưng thật đáng tiếc cho bọn chúng là Đại Tống không thèm để ý đến bọn chúng, điều này làm cho mấy vị sứ giả của Tử Hạ về cơ bản là không dám vác mặt về nước. Bây giờ thật may Đại Tống đã đồng ý lui binh, thế nhưng kèm với đó là đưa ra điều kiện khiến cho bên Tử Hạ không có quyền quyết định. Vì điều này mà những vị sứ giả của Tử Hạ kia lại càng thêm đau đầu, cuối cùng bọn chúng chỉ có thể cầu xin Đại Tống cho kéo dài thêm một khoảng thời gian, để cho bọn chúng trở về nước và tâu lại với Lưu Thiên Đạo. Về vấn đề này Triệu Thự cũng đã sớm có sự chuẩn bị, dứt khoát bắt bọn chúng phải lập tức về nước, ngoài ra Triệu Thự cũng chuẩn bị phái một vị đại thần theo bọn sứ giả Tử Hạ kia về nước, vị sứ thần này sẽ được giao toàn quyền thay mặt cho Đại Tống để đàm phán với Tử Hạ.
Đối với việc lựa chọn ai đi sứ bên Tử Hạ, Triệu Thự về cơ bản là muốn Triệu Nhan sang bên đó một chuyến, bởi dù sao thì giao chiến cũng là do Triệu Nhan châm lửa, điều kiện về việc cắt đất đền tiền cùng là do hắn khơi mào, vì thế với cách nhìn của mình Triệu Thự cho rằng không có ai có thể thích hợp hơn Triệu Nhan để đi sứ bên Tử Hạ cả, thậm chí nếu như Triệu Nhan sang bên đó thì rất có thể sẽ thu về cho Đại Tống những điều kiện có lợi hơn nữa.
Song lần này Triệu Nhan dù thế nào đi nữa cũng không muốn rời khỏi kinh thành, đặc biệt là hắn sợ cái thời tiết nóng ẩm của Tử Hạ, thời tiết ở đây thực sự là hắn không thể thích nghi nổi, bởi thế hắn lập tức từ chối, song Triệu Nhan cũng tiến cử cho Triệu Thự một người để đảm đương nhiệm vụ này đó chính là phu quân của Đức Ninh công chúa, tướng quân Vương Sư Ước. Hiện tại vợ chồng hai người này đều đang phụ trách việc giao thương qua được hàng hải tại Quảng Châu vì thế có thể nói không ai có thể hiểu Tử Hạ hơn hai vợ chồng nhà này, đặc biệt là Đức Ninh công chúa lại thông minh, mạnh mẽ, có nàng ở đằng sau hậu thuẫn nhất định Vương Sư Ước có thể đảm nhiệm chức vụ sứ giả của Đại Tống tại Tử Hạ.
Triệu Thự thấy Triệu Nhan kiên quyết từ chối, ngoài ra ông cũng nhận thấy rằng Triệu Nhan hai năm nay đã thực sự vô cùng vất vả, lại thêm việc Vương Sư Ước người mà Triệu Nhan tiến cử xem ra cũng rất thích hợp với công việc lần này, đặc biệt là lại còn có con gái của mình là Đức Ninh công chúa nữa thế nên Triệu Thự cảm thấy rất yên tâm, ông liền hạ chỉ lệnh cho Vương Sư Ước đảm nhiệm chức tiết sứ của Đại Tống, toàn quyền đại diện cho Đại Tống đàm phán với bên Tử Hạ, chỉ có điều địa điểm đàm phán sẽ phải là Quảng Châu và lúc đàm phán Lưu Thiên Đạo phải phái người của Tử Hạ tới để cùng với Vương Sư Ước đàm phán.
Thời gian này tâm trạng của Đức Ninh công chúa rất tốt, việc giao thương mậu dịch trên biển của Đại Tống giờ đây dưới sự nỗ lực của hai phu thê nàng đang dần dần đi vào quỹ đạo. Hiện tại hầu như tất cả những việc giao thương mậu dịch trên biển đều phải đi qua con đường tơ lụa trên biển của Đại Tống. Hàng hóa mậu dịch biển không chỉ đưa bọn họ hợp lại thành một tổ chức mà còn có thể có được sự bảo hộ của thủy quân, ngoài ra trong việc giao thương trên biển này, không chỉ có bán lẻ mà còn có cả đổ buôn, bất luận ngươi làm công việc kinh doanh gì đi chăng nữa thì đều có thể nói là ngươi đang tham gia vào con đường tơ lụa trên biển vậy. Con đường này cũng tạo cho những thương lái sự tiện lợi, ngoài những điều vừa nêu ra việc tham gia vào con đường tơ lụa trên biển giúp cho thương nhân có được những sự ưu tiên nhất định ví dụ như giá thuế sẽ được giảm một chút, rồi còn có thể được đem theo một ít vũ khí v.v.... Cơ man là những ưu đãi như vậy, tất nhiên là đám thương nhân không thể chối từ rồi.
Hiện tại mỗi tháng hải mậu đều cho thông hành từ ba đến năm biên đội tàu xuống Nam Dương, những biên đội tàu này đều từ các vùng ven biển Đại Tống rồi sau đó đi tới tập hợp lại tại Quảng Châu, sau đó dưới sự tổ chức và điều phối của cơ quan hải mậu và cuối cùng là dưới sự bảo vệ của hải quân sẽ xuất bến và đi về phía nam. Tất nhiên trong thời gian này mỗi chủ thuyền đều phải nộp một khoản phí nhất định. Tiền thuế hàng hóa thì không nói, ngoài ra còn có phí thuê hải quân bảo vệ, và phí dành cho cơ quan hải mậu v.v.... tất cả các khoản phí này cùng gộp vào làm một kể ra là cũng không ít, thế nhưng nếu đem so sánh với tiền mãi lộ phải nộp cho bọn hải tặc trước đây thì ít hơn nhiều. Dưới sự bảo vệ của hải quân, thương nhân không chỉ được đảm bảo an toàn mà còn có thể liên kết lại với nhau để tăng giá hàng rồi từ đó kiếm được những khoản lợi nhuận lớn hơn, bởi thế đối với việc phải nộp một số khoản tiền như đã nêu bên trên, tất cả các chủ thuyền đều cảm thấy vui vẻ khi giao nộp.
Nghĩ đến công việc hải mậu càng ngày càng phát triển, Đức Ninh công chúa nở một nụ cười vô cùng đắc ý. Mặc dù trên danh nghĩa hải mậu là do phu quân của nàng là Vương Sư Ước chủ trì nhưng kì thực mọi người đều biết thực chất nắm quyền và điều hành hải mậu chính là Đức Ninh công chúa, thậm chí còn có người cho rằng nếu như nàng là một đấng nam nhi thì có lẽ ngôi thái tử sẽ không đến lượt Triệu Húc ngồi. Tuy nhiên mặc dù người đời bàn tán là như vậy nhưng Đức Ninh công chúa không hề có dã tâm muốn làm thái tử, tuy nhiên được nghe những lời như vậy trong lòng nàng cũng cảm thấy vô cùng phấn khởi.
Ngoài những thành tựu đạt được trong sự nghiệp ra, về mặt tình cảm Đức Ninh công chúa cũng vô cùng thỏa nguyện. Mặc dù là công chúa nhưng nàng lại là một mẫu người hiền dịu đức độ chứ không mang phong thái của một người được nuôi dưỡng từ nhỏ để trở thành công chúa của triều đường.
Lại nhắc đến vợ chồng Đức Ninh công chúa và Vương Sư Ước, hai người đã cưới nhau được bảy năm. Mặc dù lúc mới kết hôn tình yêu giữa hai người vô cùng đậm sâu nhưng cùng với dòng chảy thời gian, tình cảm hai bên giờ đây đã không còn được mặn nồng như lúc trước, tình cảm giờ cũng dần dần mà nguội lạnh đi không còn vẻ mật ngọt như khi mới thành thân, thậm chí Đức Ninh công chúa giờ đây cũng không còn cảm giác gì với Vương Sư Ước nữa.
Lần này hai vợ chồng bọn họ cùng đến Quảng Châu để chủ trì công việc hải mậu, mặc dù thân phận công chúa và phò mã đã giúp cho bọn họ có được rất nhiều thuận lợi thế nhưng một số điểm khó khăn vẫn cần bọn họ phải đích thân khắc phục và một điều nữa đó là Quảng Châu không hề giống với kinh thành, ở đây cái gì đối với bọn họ cũng đều lạ lẫm thế nên cả hai đều phải dựa vào nhau mà sống, đặc biệt là lúc vừa mới đến Quảng Châu, Đức Ninh công chúa không quen với khí hậu nơi đây, vậy nên Vương Sư Ước phải cực nhọc ngày đêm chăm sóc nàng, điều này cũng làm cho tình cảm hai người dần dần mặn nồng trở lại. Thậm chí tình cảm bây giờ giữa hai người còn tốt hơn cả lúc mới thành hôn, có lúc Đức Ninh công chúa nàng ngồi tự ngẫm nghĩ mà tự nhiên đôi má mình cũng ửng hồng.
Đang lúc Đức Ninh công chúa nghĩ đến những tâm sự trong lòng mình thì bỗng nhiên thấy phò mã Vương Sư Ước đang từ xa bước vội tới rồi sau đó ngồi xuống bên chiếc ghế, rót một ly trà rồi đưa lên miệng nhấp, rồi một lúc sau mới cất lời:
- Nương tử, biên đội tàu cuối cùng cũng xuất bến rồi, chúng ta cuối cùng cũng có thể được nghỉ ngơi vài ngày, chỉ có điều khí hậu ở Quảng Châu thật là khó chịu muốn chết đi được, sắp đến tết rồi mà thời tiết còn oi bức như vầy.
Kì thực cũng không thể trách được những lời mà Vương Sư Ước vừa nói, bởi hiện tại giờ cũng đã là tháng 11 rồi mà thời tiết ở Quảng Châu vẫn vô cùng oi bức, đặc biệt là những lúc phải đứng chỉ huy sự ra vào của thuyền bè ở bến cảng, mồ hôi đầm đìa. Kì thực năm nay thời tiết ở Quảng Châu thật bất thường, mọi năm vào tầm này, thời tiết dù có không lạnh thì cũng phải khoác thêm trên người một chiếc áo khoác vậy mà năm nay lại không như vậy, đến giờ thời tiết cứ như đang vụ hè vậy.
Đức Ninh công chúa nghe thấy vậy liền nói:
- Ha ha, phu quân nếu cảm thấy thời tiết nóng quá thì chúng ta có thể đi Bạch Vân Sơn, rồi nhân tiện vào thắp hương ở chùa Cảnh Thái, thiếp nghe nói nơi đó thiêng lắm đấy.
Nàng từ lâu đã nghe nói đến phong cảnh ở Bạch Vân Sơn vô cùng tuyệt mĩ, vì vậy nhân cơ hội này phải đi một chuyến để thưởng ngoạn mới được.
Vương Sư Ước nghe thấy Đức Ninh công chúa nói như vậy thì lập tức hưởng ứng:
- Ừm, ý này hay, để ta cho người đi chuẩn bị!
Vương Sư Ước là người phương bắc thế nên từ nhỏ đã sợ cái nóng, bởi vậy thời tiết ở Quảng Châu đối với y mà nói thì thật đúng là một cực hình, song nghe nói khí hậu ở Bạch Vân Sơn mát mẻ dễ chịu, thật là một nơi tuyệt vời để nghỉ ngơi.
Vẻ mặt hớn hở của Vương Sư Ước bỗng nhiên lại trùng xuống, y thở dài một tiếng, điều này làm cho Đức Ninh công chúa rất ngạc nhiên, nàng muốn biết trong đầu y đang suy nghĩ những gì, lại gần y, nàng ngồi xuống rồi dịu dàng hỏi:
- Có phải chàng đang nhớ Thù nhi không?
- Vẫn là nương tử hiểu lòng ta, Thù Nhi tuổi nhỏ như vậy, lại bị chúng ta để lại kinh thành, cũng không biết hiện giờ nó thế nào rồi?
Vương Sư Ước đưa tay nắm chặt bàn tay nhỏ bé của Đức Ninh công chúa, trên mặt lộ ra thần sắc lo lắng, y cùng với Đức Ninh công chúa có tất cả hai người con trai một người con gái, trong đó con trai út và con gái lớn đều theo họ đi Quảng Châu, Thù Nhi lớn tuổi nhất, nhưng vì phải đi học ở trường tiểu học, được bọn họ cho ở lại kinh thành, Vương Sư Ước bình thường thích nhất Thù Nhi, bởi vậy thường xuyên nhớ thương.
- Phu quân, chàng hãy yên lòng, nhị muội và tam đệ đều là người cẩn thận, hai người bọn họ nhất định sẽ không để cho Thù Nhi chịu thiệt thòi đâu, vả lại Thù Nhi là con trai lớn của chúng ta, sau này sẽ nối nghiệp cha mẹ, nhất định phải có bản lĩnh mới được. Cũng may tam đệ lại là bậc chí sĩ có tiếng trong kinh thành, con cái của những gia đình quý tộc còn đang tranh nhau đến trường học do đệ ấy mở ra kìa, rồi lại nữa, tam đệ rất yêu quí Thù Nhi thế nên để Thù Nhi bên cạnh đệ ấy chúng ta không phải lo lắng bất cứ điều gì cả.
Đức Ninh công chúa lên tiếng an ủi, kì thực không phải nàng không nhớ Thù Nhi mà rốt cuộc cũng chỉ vì muốn con mình có một tiền đồ sáng lạn mà người làm mẹ như nàng đành phải hạ quyết tâm.
Vương Sư Ước mặc dù cũng hiểu được những điều đó thế nhưng cuối cùng y cũng không thể không lo lắng mà rằng:
- Nói thì nói là như vậy đấy, nhưng trong lòng không thể yên tâm cho nổi, thực sự là muốn sớm được quay về kinh quá đi.
Đức Ninh công chúa thấy phu quân mình nói như vậy, nàng liền đáp lời:
- Cũng sắp rồi mà, hải mậu giờ cũng đã đi vào quỹ đạo, ngoài ra chúng ta cũng đã sớm tìm ra được những người quản lý và thương nhân có đủ năng lực, đợi qua tết, chỉ cần hải mậu không có việc gì khác thì chúng ta có thể chuẩn bị về kinh rồi.
Đức Ninh nàng với thân phận là công chúa của Đại Tống, tất nhiên nàng không thể vì công việc của hải mậu mà cứ ở mãi Quảng Châu được, chỉ cần mọi việc ở đây được vận hành một cách bình thường vậy thì nàng ta có thể trở về kinh điều khiển từ xa công việc ở đây rồi, chỉ cần không để xảy ra những sai lầm lớn là được rồi.
Vương Sư Ước nghe thấy sắp được trở lại kinh thành thì mặt mày rạng rỡ, vừa mới định đi chuẩn bị cho kì nghỉ ở Bạch Vân Sơn thì bỗng từ đằng xa thị nữ đang bước vội tới, rồi đưa cho Đức Ninh công chúa một phong thư, Đức Ninh đọc xong thì không thể không chau mày rồi cười khổ mà nói với phu quân mình rằng:
- Phu quân, chúng ta có lẽ tạm thời không thể về kinh nữa rồi.