- Cô… Cô nói cái gì?
Nghe thấy lời của Agnes, Triệu Giai không khỏi vô cùng kinh ngạc hỏi, y vạn lần không ngờ đối phương lại đề ra yêu cầu như thế này, tới kinh thành thì cũng thôi đi, thế nhưng còn muốn đề xuất xin triều đình che chở, nói ra thì cũng quá khéo, triều đình này vốn là nhà của lão Triệu bọn họ, vị Hoàng đế ngồi trên hoàng vị kia cũng chính là đường đệ của y.
Nhìn thấy bộ dạng kinh ngạc của Triệu Giai, Agnes không có giải thích gì nhiều, chỉ thấy cô bỗng đứng dậy, vén tóc rối trên trán, sau đó trịnh trọng hành một lễ cung đình với Triệu Giai nói:
- Công chúa Đế quốc La Mã thần thánh, Agnes of Bertha ra mắt Triệu Giai công tử!
- Công chúa? Cô là công chúa của Đế quốc La Mã thần thánh?
Triệu Giai nghe đến đây cũng không khỏi kinh ngạc đứng bật dậy nói, trước đây y đã nghe Agnes giới thiệu qua, biết Đế quốc La Mã thần thánh chính là Đế quốc có lãnh thổ lớn nhất, thế lực mạnh nhất của châu Âu, thậm chí lúc trước y cũng đoán ra được đối phương chính là quý tộc của Đế quốc này, nếu không cũng sẽ không quen thuộc với Đế quốc La Mã thần thánh đến vậy, nhưng không bao giờ nghĩ đến đối phương lại là một công chúa.
- Đúng vậy, cha ta chính là Hoàng đế của Đế quốc La Mã thần thánh Henry IV, chỉ đáng tiếc…
Khi Agnes nhắc đến cha, trên gương mặt thoáng qua vẻ tự hào, tuy nhiên vẻ mặt tự hào này chỉ chợt loé rồi biến mất, ngược lại biến thành vẻ đau buồn nặng nề.
- Đây rốt cuộc là chuyện gì, nếu cô đã là công chúa của Đế quốc La Mã thần thánh, thì cớ sao lại lưu lạc đến nơi đây?
Triệu Giai lúc này không khỏi vô cùng hứng thú hỏi, y thật sự không ngờ người mà mình tuỳ tiện mua từ tay bọn buôn người lại là một công chúa, hơn nữa còn là công chúa của Đế quốc La Mã thần thánh cường đại nhất châu Âu, đây quả thật là quá thú vị.
Nghe thấy Triệu Giai hỏi nguyên nhân mình lưu lạc đến đây, Agnes lại lập tức rơi lệ, lúc này Triệu Giai cũng có chút luống cuống, dù sao thì đây cũng là lần đầu tiên y đối mặt với tình huống này. Tuy nhiên vẻ mặt của Agnes lại vô cùng kiên cường, vừa rơi lệ vừa mở miệng nói:
- Nói đến nguyên nhân ta lưu lạc bên ngoài thì không thể không nói từ ông nội của ta, cũng chính là ân oán của hoàng đế Đế quốc La Mã thần thánh Henry đệ tam với Giáo hội…
Ngày trước Agnes đã nói qua về ân oán giữa Đế quốc La Mã thần thánh và Giáo hoàng cho Triệu Giai nghe. Lúc mới bắt đầu, Hoàng đế của Đế quốc La Mã thần thánh cần mượn danh nghĩa Giáo hoàng, khiến sự thống trị của mình càng thêm chính thống, mà Giáo hoàng cũng cần sự giúp đỡ của Hoàng đế Đế quốc, cho nên giữa hai bên xem như là phối hợp nhịp nhàng, trở thành một cặp đồng minh chính trị.
Nhưng cùng với việc thực lực Giáo hoàng tăng dần lên, bọn họ đã không cam lòng bị Hoàng đế La Mã quản chế, bắt đầu từ nhiều năm trước, Giáo hoàng đã muốn thoát khỏi sự khống chế của Hoàng đế La Mã. Vào thời tổ phụ của Agnes là Henry đệ tam, Giáo hoàng đã nhiều lần thử nghiệm, đáng tiếc Henry đệ tam lại rất mạnh, không ngờ mấy lần phế rồi lập lại Giáo hoàng, hơn nữa cũng luôn nắm giữ quyền bổ nhiệm và miễn nhiệm các cấp giám mục trong nước, có thể nói là vào thời Henry đệ tam còn tại thế, khống chế của Hoàng đế đối với Giáo hoàng đã đến đỉnh cao.
Nhưng bất hạnh đó là, áp chế của Henry đệ tam đối với Giáo hoàng khiến Giáo hội Thiên Chúa cực kỳ bất mãn, thế là vào năm Henry đệ tam 39 tuổi, trong một lần ra ngoài đột nhiên bị ám sát, hơn nữa trong những kỵ sĩ bên người ông cũng có người bị mua chuộc, kết quả lần ám sát này khiến Henry đệ tam ôm hận qua đời, tuy là sau này không tra ra được người chỉ thị sau lưng vụ ám sát, nhưng đủ loại dấu hiệu đều cho thấy rằng, hung thủ sau lưng vụ ám sát Henry đệ tam nhất định có liên quan đến Giáo hội.
Henry đệ tam bất ngờ tử vong gây nên chấn động lớn trong Đế quốc La Mã thần thánh, trong đó ảnh hưởng lớn nhất đương nhiên chính là việc kế thừa hoàng vị, may mà Henry đệ tam là ngươi nhìn xa trông rộng, từ mấy năm trước dường như là ông đã chuẩn bị xong mọi thứ, đã sớm chọn con trai của mình, cũng chính là phụ thân của Agnes làm người nối nghiệp Henry IV, hơn nữa vào hai năm trước khi ông bị ám sát đã cho con mình lên chức Tổng giám mục trong nước, cho nên Henry IV vô cùng thuận lợi tiếp nhận hoàng vị Đế quốc La Mã thần thánh.
Tuy nhiên khi Henry IV tiếp nhận hoàng vị lại mới vừa 6 tuổi, trong tình huống này, chỉ đành do mẫu thân ông, cũng chính là tổ mẫu của Agnes thay cầm quyền. Lại nói tiếp tổ mẫu của Agnes cũng tên là Agnes, tên của cô kỳ thật là để tưởng niệm bà nội này của mình.
Thái hậu Agnes dù sao cũng chỉ là một người phụ nữ, con trai lại quá nhỏ, cho nên đối với chuyện trên triều chỉ có thể dựa vào ngoại thần, dưới tình huống này, Tổng giám mục Colombe Anno của Đế quốc La Mã thần thánh bỗng phát động chính biến, đầu tiên là ép buộc Henry IV nhỏ tuổi, sau đó ép Thái hậu giao quyền triều chính, đồng thời sắc phong gã làm nhiếp chính.
Anno sau khi cướp được đại quyền Đế quốc La Mã thần thánh, rất nhanh liền đạt thành liên minh ngầm với công tước các địa phương, bọn họ cùng nhau đánh cắp lãnh địa hoàng thất, khiến cho thực lực của mình nhanh chóng khuếch trương, sức ảnh hưởng của hoàng thất giảm xuống cực điểm, đồng thời Anno còn ép Henry IV lấy người con gái mình không thích làm Hoàng hậu, sau này Henry IV công khai muốn ly hôn với vợ mình, lại bị tất cả mọi người phản đối, thậm chí ngay cả Giáo hoàng La Mã cũng tỏ ra phản đối, điều này khiến cho Henry IV càng thêm bất mãn với tổng giám mục Anno và Giáo hoàng.
Thật vất vả đợi đến khi Henry IV trưởng thành, cuối cùng thì ông cũng tìm được cơ hội diệt trừ tổng giám mục Anno, lần nữa đoạt lại đại quyền Đế quốc La Mã thần thánh, chỉ là trải qua mấy năm Anno loạn chính, Đế quốc La Mã thần thánh đã phải đối đầu với nguy cơ to lớn, đầu tiên là Giáo hoàng đã triệt để thoát khỏi sự khống chế của Hoàng đế, thậm chí địa vị của Giáo hoàng đã nằm trên cả địa vị của Hoàng đế, giáo đình La Mã bên kia cũng không còn nghe theo mệnh lệnh của Hoàng đế nữa.
Mặt khác càng thêm nghiêm trọng đó là, công tước nội bộ Đế quốc La Mã thần thánh lúc trước cấu kết với Anno, thôn tính lãnh thổ của hoàng thất, khiến thực lực của họ tăng mạnh, các nơi trong cả nước đều do các công tước này thống trị, lãnh thổ mà Henry IV thống trị chỉ vẻn vẹn giới hạn trong phụ cận thủ đô Aachen, có thể nói tình huống lúc đó của Henry IV cũng chẳng khá hơn gì so với Chu Thiên Tử trong lịch sử Trung Nguyên.
Đối mặt với hai sự uy hiếp lớn trong nội bộ Đế quốc, Henry IV không hề lựa chọn thoả hiệp, mà lựa chọn dũng cảm đối mặt, đầu tiên ông xem Giáo hoàng như đối tượng đầu tiên mà mình cần chinh phục, để bổ nhiệm và miễn nhiệm giáo chủ vùng Nam bộ của Đế quốc, ông đã nảy sinh xung đột kịch liệt với Giáo hoàng lúc đó là Gregory VII.
Cuộc đấu tranh giữa Henry IV và Gregory VII kéo dài suốt nhiều năm, cuối cùng Henry IV tuổi trẻ khí thịnh dẫn đầu làm khó dễ, ông triệu tập tất cả tổng giám mục trong các nước, tuyên bố Gregory VII là một giáo sĩ giả, đồng thời dùng danh nghĩa Hoàng đế phế bỏ vị trí Giáo hoàng của Gregory, đáng tiếc hành động này của ông không nhận được nhiều ủng hộ, mà ngược lại bị Gregory VII ăn miếng trả miếng, thực thi luật Phá môn với ông: khai trừ, phế truất và trục xuất Henry IV.
Dựa theo luận Phá môn, người bị trừng phạt trong vòng một năm nếu không được Giáo hoàng khoan thứ, thần dân của y đều phải giải trừ tuyên thệ trung thành với y. Lúc này sức ảnh hưởng của Giáo hoàng đã vượt qua Hoàng đế Đế quốc, cho nên trừng phạt của Gregory VII đối với Henry IV được đa số người ủng hộ, không ít công tước trong nước cũng đều bày tỏ, nếu Henry IV trong vòng một năm mà không thể khôi phục giáo tịch, vậy thì bọn họ sẽ không còn chịu sự thống trị của Henry IV nữa.
Dưới tình huống như vậy, Henry IV có thể nói là bị ép vào đường cùng, thậm chí ngay cả Triệu Giai khi nghe đến đây cũng không khỏi hít một hơi khí lạnh, đặt mình vào vị trí đó mà suy nghĩ một chút, nếu y rơi vào hoàn cảnh như Henry IV, e là căn bản không có biện pháp để thoát khỏi tử cục này, cuối cùng chỉ có thể nghênh đón cuộc nổi loạn đến từ các công tước trong nước.
Tuy nhiên khiến Triệu Giai không ngờ đó là, Henry IV lại tìm được biện pháp để hoá giải tử cục này, đó chính là nhịn nhục, Henry IV không ngờ lại đích thân tìm đến Gregory VII, đồng thời đứng trước cửa nhà Gregory VII 3 ngày 3 đêm, lúc đó trời không ngừng đổ tuyết, mà Henry IV thì lại chân trần đứng trong đống tuyết, cách làm này quả thật có thể so sánh với việc Câu Tiễn nằm gai nếm mật.
Cách làm này của Henry IV cũng ép Gregory VII rơi vào cảnh khó xử cả đôi bề, bởi nếu lão ta không tha thứ cho Henry IV, nhất định sẽ khiến cho dân chúng cho rằng lão quá mức hà khắc, và danh vọng của Giáo hoàng cũng sẽ bị đả kích nặng nề, cho nên tuy lão biết Henry IV có thể sẽ không tuân thủ hứa hẹn, nhưng cuối cùng vẫn không thể không thu hồi luật Phá môn.
Sau khi Henry IV giải trừ luật Phá môn xong, cũng lần nữa chiếm được sự ủng hộ của dân chúng, tuy nhiên điều này cũng khiến ông ý thức được sức ảnh hưởng của Giáo hoàng thật sự quá lớn, cho nên bắt đầu chuyển sang bình định thế cục trong nước, thu hồi hoàng quyền và lãnh địa bị mất đi. Cứ như vậy lại qua mấy năm, Henry IV cuối cùng cũng tích góp được đủ lực lượng, lúc này Gregory VII cũng ý thức được tình huống không ổn, thế là lại lần nữa thực thi luật Phá môn đối với Henry IV, mà Henry IV cũng phát động phản đối, chẳng những tuyên bố huỷ bỏ vị trí Giáo hoàng của Gregory VII, đồng thời còn khởi binh tấn công La Mã.
Thực lực của Henry IV nay đã khác xưa, cho nên hành động tấn công La Mã cũng vô cùng thuận lợi, cuối cùng chiếm lĩnh được La Mã, đồng thời còn lập Giáo hoàng khác, Gregory VII thì bỏ thành mà chạy, sau này Gregory VII đi cầu cứu người Normand, tuy rằng thành công đoạt lại La Mã, nhưng người Normand lại bội ước cướp La Mã, đồng thời lưu đày Gregory VII, kết quả không đến một năm, Gregory VII liền khuất nhục mà chết trên đường lưu đày.
Thế rồi, khi Henry IV vừa đánh bại đối thủ cũ Gregory VII này, đang đứng ở đỉnh cao nhân sinh, lại liên tục chịu hai đả kích khổng lồ, đầu tiên là đứa con cả của ông là Kantra phản bội ông, cấu kết với công tước trong nước cùng nổi loạn, điều này khiến Henry IV vừa đau lòng vừa phẫn nộ, lập tức khởi binh trấn áp cuộc nổi loạn của đứa con cả này.
Nhưng không đợi Henry IV bình định xong cuộc nổi loạn của đứa con cả, đứa con út Henry cũng bỗng nhiên khởi binh nổi loạn, hơn nữa còn đánh lén sau lưng quân đội của Henry IV, kết quả khiến Henry IV thảm bại bỏ chạy, cuối cùng chết trên đường đào vong.
Nghe Agnes kể xong huyền thoại một thời của phụ thân nàng Henry IV, Triệu Giai cũng có chút cảm khái, Henry IV cũng được xem là một hoàng đế giỏi, chỉ đáng tiếc sinh không đúng thời, tuy nhiên ngay sau đó y lại có chút kỳ quái nhìn Agnes nói:
- Agnes, cuộc tranh đấu giữa phụ thân và huynh đệ của cô chúng ta tạm thời không bàn luận, nhưng bọn họ bất kể là ai thắng ai bại, hẳn là cũng sẽ không làm khó cô, vì sao cô lại muốn chạy khỏi châu Âu?