Dịch: Hoa Gia Thất Đồng***
Vừa trở lại từ một nơi không ai biết đến, Thanh Dương Tử đã xuống tay hạ sát kẻ được xưng tụng là “Thiên hạ đệ nhất nhân” – Liệt Viêm Lão Tổ, khiến lão chỉ còn sót lại một tia lửa thần hồn giấu sâu trong lòng hỏa sơn.
Tuy nhiên, bất luận hiện tại bản lĩnh của Thanh Dương Tử có cao cường thế nào đi chăng nữa, y vẫn không có cách gì giữ được mảnh thần hồn đã sắp tiêu tán đó...
Y nhìn vào cặp mắt già cỗi bấy giờ đã cạn kiệt thần quang của Bất Chấp đạo nhân, trong lòng biết rõ, số lão đã tận rồi.
“Ta một đời truy cầu Đại Đạo thần diệu bất khả tri ấy, nhưng đến nay vẫn không cầu được. Con có thể nói cho ta biết, cái gì mới là Đại Đạo?” Bất Chấp đạo nhân giương mắt nhìn Thanh Dương Tử. Ánh mắt lão đã không còn thần quang của một người tu hành, cái duy nhất sót lại là nỗi trăn trở của một người cầu Đạo.
Thanh Dương Tử lặng im.
Y biết Bất Chấp đạo nhân đã hoàn toàn lạc mất phương hướng.
Bất Chấp đạo nhân chẳng qua cũng chỉ là một trong hàng ngàn hàng vạn người truy cầu Đại Đạo. Còn đó biết bao nhiêu kẻ cầu Đạo, đến lúc lâm chung cũng trăn trở hỏi một câu như thế: Đại Đạo là cái chi?
“Cái gì là Đại Đạo?” Thanh Dương Tử cũng tự hỏi trong lòng. Y nhận ra mình có vô số lời có thể nói ra, song lại không có lấy một lời có thể giải đáp được thắc mắc của Bất Chấp đạo nhân.
Bất Chấp đạo nhân thôi không nhìn Thanh Dương Tử nữa. Lão thất thần đưa mắt lên trần, nói tiếp:
“Có người bảo Đại Đạo là pháp ý trong trời đất, thế nên lắm kẻ bỏ cả một đời truy tìm pháp ý của thiên địa, song đến cuối cùng vẫn là pháp tán thân vong.
Lại có người nói, muốn cầu được Đại Đạo, ắt phải tìm được một bộ yếu quyết trực chỉ Đại Đạo, y theo quyết ấy mà tu, cuối cùng sẽ đắc Đạo. Nhưng cũng vậy, biết bao nhiêu người đến chung cuộc vẫn phải đạo tán mạng vong.
Người lại nói rằng, bất kể là pháp ý hay đại đạo yếu quyết, những thứ ấy đều chỉ là ngoại lực. Ngoại lực suy cho cùng không thể giúp người ta thành Đạo, chỉ nên chú trọng việc tu dưỡng tâm linh. Đối với sự tu dưỡng ấy, có người đưa ra thuyết Không - Vô, có người thì chấp thủ bản ngã, lại có kẻ cho rằng phải đạt được sự thanh tịnh. Lắm cách nói như thế, liệu đâu là đúng, đâu là sai?
Mà bất kể là cách nói nào, tu sĩ trong thiên hạ đều đã gặp qua; chính ta cũng đã đọc qua mấy mươi loại đạo kinh, mỗi bộ như thế đều đã đọc đến thông suốt cả. Những đạo ngôn chí lí ấy đã nằm lòng, vậy mà cuối cùng, thảy đều là không cả, không cả, không cả…”
Mi mắt của Bất Chấp đạo nhân khép lại. Âm giọng của lão mỗi lúc một trầm hơn. Thanh Dương Tử cảm giác được thần niệm của Bất Chấp đạo nhân đang tản mác…
Đột nhiên, một Bất Chấp đạo nhân sắp sửa đi vào cõi u tịch lại lần nữa cất tiếng: “Thanh Dương, con đắc Đạo chưa?”
Lời ấy của Bất Chấp đạo nhân cực kỳ trầm – đấy là tâm nguyện cuối cùng của một người đang đứng giữa bờ vực sinh tử. Lão muốn biết, rốt cuộc trên đời này có hay không có người đắc đạo. Thế nhưng, câu hỏi ấy vang lên bên tai Thanh Dương Tử lại tựa như tiếng sấm, đánh tan sương mù mờ mịt trong tâm y.
“Sư phụ, con đắc đạo rồi.”
Dùng giọng nói đã yếu đến mức không nghe được, Bất Chấp đạo nhân cất lên một tiếng “ừ”, rồi trút hơi thở cuối. Khoảnh khắc đó, Thanh Dương Tử dường như cảm nhận được sự buông bỏ cùng cảm giác thanh thản cuối cùng của Bất Chấp đạo nhân. Bất Chấp đã không phải rời đi cùng với nỗi trăn trở của mình.
Linh khí cùng nhục thân của Bất Chấp tan đi tựa như khúc gỗ mục, đã không còn có thể thu nạp linh lực nữa. Thực ra, cho dù không bị Địa Sát Độc Hỏa của Liệt Viêm Lão Tổ bám lấy rồi thiêu đốt, lão cũng không sống được bao lâu nữa; bởi mạng số của lão đã tận. Sức người không thể về trời; linh hồn của lão đã mục rữa, nay đương nhiên tan biến vào trong cõi vô hình.
Thanh Dương Tử bất lực ngồi đó. Đây là lần đầu tiên một người thân cận chết đi ngay trước mắt y. Trông thấy nhục thân của Bất Chấp đạo nhân tan vào trong hư vô, lòng y bất giác trào dâng một cảm giác bi thương. Cảm giác thương tâm ấy dường như bập bềnh nơi chân trời xa xăm, nhưng nỗi đau thì lại chân thực đến thế…
Hoàng Linh bấy giờ đang quỳ trước giường khóc rưng rức. Nó xé áo lấy một đoạn vải trắng, rồi lập tức quấn quanh ngực. Sau đó lại khóc tiếp, vừa khóc vừa đi đến trước Thông Thiên Quán, lấy hai khúc vải trắng cột lên cửa. Rồi sau đó, nó cũng không biết phải làm gì nữa. Nó làm những chuyện này là vì mang máng biết được ít lễ nghi phải thực hiện sau khi một người ở nhân gian chết đi; còn phải làm gì thêm nữa thì nó không biết.
Thanh Dương Tử lại chẳng làm gì.
Đời người được mấy độ thu, cuối cùng cũng phải đến ngày này; tuy rằng thương tâm, nhưng không đủ để khiến y biến động tâm thức. Huống hồ, y cho rằng, trong một khắc cuối đời ấy, Bất Chấp đạo nhân đã được nghe Đạo mà ra đi trong thanh thản, không có tiếc nuối. Một đời Bất Chấp cầu Đạo, từ chỗ cầu Đạo đi đến nghi ngờ Đạo; đến cuối cùng lại nghe nói có người đắc Đạo được, lòng lão rốt cuộc cũng có thể an yên. Bởi lẽ, lão đã hiểu ra, cái “Đạo” mà mình một đời truy cầu ấy không phải là bọt nước huyễn ảo.
(*) ooOoOoOoo
Thanh Dương Tử ngồi trong một gian tịnh thất, quán chiếu thế giới nội tâm. Nơi đó,
nộ ma(2) tựa lửa, ma chủng giết chóc lại như máu; tuy đều chưa hiển hóa, song đã như mầm cây sau mùa xuân bắt đầu bén rễ. Một ma chủng khác cũng đang lặng lẽ nhú mầm:
bi ma(3). Kể từ sau khi oán ma thực sự thành hình, hai mươi bốn tướng thiên ma khác đều như mầm măng được cơn mưa mùa xuân tưới mát, đã nhen nhóm xuất hiện.
Thế giới nội tại ấy có một tên gọi – Thần Thất, cũng có khi gọi là Linh Đài.
Hiện tại, bên trong thần thất của y, oán ma linh châu ngự ngay vị trí trung tâm, phát ra ánh sáng màu vàng. Oán ma linh châu chuyển động ngay tại đó, dường như đang lặng lẽ vận hành theo một thứ quy luật huyền diệu nào.
Được bao bọc bởi vầng hào quang do oán ma linh châu phát ra là nộ ma, bi ma cùng ma chủng giết chóc; thảy đều đang huyễn hóa ra muôn ngàn hình thái.
Đột nhiên, oán ma linh châu ấy thoát ra từ miệng Thanh Dương Tử, chuyển động quanh thân y ba vòng, rồi chỉ trong chớp mắt đã đi xuyên qua trần, biến mất ngay, không thấy tăm hơi đâu nữa. Nếu như lúc này, trong gian tịnh thất có thêm một người nữa, người đó sẽ trông thấy một viên minh châu vàng rực tựa kim đan; trên bề mặt kim đan là một lớp hào quang màu vàng rực rỡ như mây ráng.
Sau khi xoay tròn quanh Thanh Dương Tử ba vòng, oán ma linh châu xuyên thẳng qua trần của Thông Thiên Quán, vùng lên trời cao, hóa thành một đạo hoàng quang bay đi.
Phong Lăng ngẩng đầu nhìn luồng ánh sáng tựa cầu vồng ấy biến mất giữa bầu trời đêm mênh mang. Ánh sáng tựa như một tảng đá rơi xuống lòng sông mênh mông, chỉ trong nháy mắt đã chìm xuống, mất hút.
Trong lòng nàng ta đột nhiên lóe lên một ý nghĩ: “Cho dù là loại người thần thông quảng đại như y, hẳn cũng có lắm chuyện không làm được?”
Những vết bỏng trên mặt Phong Lăng bấy giờ vẫn còn, nhưng nàng hoàn toàn không để tâm đến. Sau khi uống bát nước mà Thanh Dương Tử đưa cho, nàng ta không hề nghĩ đến liệu mình có giết được tên Bàng Việt kia hay không. Lúc đó trong lòng nàng bồng bềnh một thứ hào khí không lời lẽ nào có thể diễn tả được, như thể anh hùng trong thiên hạ chẳng qua cũng chỉ có vậy mà thôi.
Nàng không hiểu, đó mới chỉ là một bát nước bùa chú đã có thể giúp mình giết được Bàng Việt, thế thì Bàng Việt tu hành đã lâu như vậy, rốt cuộc gã tu hành cái chi? Thiên hạ có lắm kẻ mỗi ngày đều chuyên tâm tu hành, cuối cùng vẫn không bằng một Phong Lăng chỉ uống mỗi bát nước bùa. Vậy thì, rốt cuộc là do bản lĩnh của Thanh Dương Tử quá lớn, hay là vì bản lĩnh của những người kia quá thấp kém?
Nàng không nghĩ thông được vấn đề này, bèn ngồi trước tịnh thất của Thanh Dương Tử, đợi y trở ra. Bội kiếm cắm ngay trước mặt, hai tay đan lại gác lên cán kiếm, cằm đặt lên đấy ngẫm nghĩ - nàng hiếm khi rơi vào trạng thái này.
Sắc trời tuy mờ mịt, nhưng bầu không vẫn rộng lớn như thế.
Trên ngọn Lạc Hà này, Thông Thiên Quán xưa nay luôn yên ắng một cách đặc biệt, yên ắng đến mức không ai màng quấy rầy chuyến xuất hành về cõi hư vô của Bất Chấp đạo nhân.
ooOoOoOoo
Phù Phong Tử tu hành đã hơn bảy mươi năm, quen biết Bất Chấp đạo nhân từ ba mươi năm trước; tính tình hai người hợp nhau, chưa được bao lâu đã trở thành bạn thân. Lão là một kẻ tán tu, tình cờ có được một đại đạo yếu quyết, sau đó phục khí luyện thần; cho đến hôm nay đã có thể “thần thất sinh anh”. Lúc lão mới kết được đan ở đan điền, trong kim đan ấy bỗng ẩn chứa một sợi pháp ý, thế là từ đó lão có được pháp thuật.
Mỗi ngày lão đều phục khí luyện thần, chỉ hy vọng một ngày có thể đốn ngộ mà thăng thiên. Tuy nhiên, những tháng ngày bình yên của lão bị kẻ khác phá vỡ mất; lão được truyền thụ cho một loại pháp trận, lại được giao phó đem trận ấy truyền thụ cho Bất Chấp đạo nhân.
Lão không muốn cũng không được. Kẻ kia trước sau không hề hiện thân, khiến lão vô phương vùng thoát, cuối cùng phải đi Bạch Nguyên Châu, tìm đến Thông Thiên Quán trên Lạc Hà Sơn, lại dùng lời lẽ mơ hồ để nhắc nhở Bất Chấp đạo nhân.
Lúc này, Phù Phong Tử vẫn chưa hay Liệt Viêm Lão Tổ đã chết, nơi lão ở cách Lạc Hà Sơn đến hơn bảy trăm dặm. Sau khi trở về từ Lạc Hà Sơn, lão đã sớm đóng cửa động phủ, quyết định nội trong mười năm sẽ không trở ra ngoài.
Chính vào lúc tinh thần của lão chìm sâu vào trong pháp ý huyền diệu khôn lường ấy, tim lão bỗng đập rộn một cách kỳ lạ. Hình như cũng chính lúc đó, trong khoảnh không gian ý thức của lão xuất hiện một vùng ánh sáng vàng rực. Ánh sáng ấy tựa thái dương, thái dương mọc lên từ phương đông, xua tan toàn bộ bóng đêm.
Trong lòng cả kinh, lão đột ngột mở trừng hai mắt. Chỉ thấy trong động phủ của mình chẳng biết tự khi nào đã xuất hiện một viên linh châu màu vàng. Linh châu phát ra ánh sáng rực rỡ, khiến cả gian tịnh thất như được phủ lên một tầng mây ráng.
“Chẳng hay đạo hữu là ai, đến đây có điều chi chỉ giáo?” Phù Phong Tử hoảng sợ trong lòng, không dám nói lời quá ư cứng rắn.
Chỉ thấy viên linh châu nhấp nhô giữa hư không. Đột nhiên, ánh lửa vàng rực bùng lên, hóa thành một cái đầu quái thú khổng lồ. Một giọng nói cất lên trong hư không: “Thất Tinh Hộ Mệnh Trận của lão là do ai truyền thụ?”
“Bần đạo không biết.” Phù Phong Tử nói ra lời này một cách tự nhiên.
Lời lão vừa dứt, ánh sáng chiếu rọi gian tịnh thất từ viên linh châu vụt tắt, mà viên linh châu trong thế giới tâm thức của lão cũng biến mất.
Ngay lập tức lão cảm nhận được có điều chi đó bất thường. Lão ngẫm nghĩ xem chỗ nào không đúng, nhưng nghĩ thế nào cũng không nghĩ thông được.
Lão không biết rằng, vừa nãy, ngay trong khoảnh khắc câu hỏi kia cất lên, Thanh Dương Tử đã thông qua oán ma quán chiếu ký ức trong tâm lão. Y chỉ thấy được một làn khói đen, mà làn khói ấy lại tựa như có sinh mệnh. Khi phát hiện mình bị Thanh Dương Tử trông thấy, làn khói đen lập tức biến mất, một chút dấu vết cũng không để lại.
Chuyện này khiến Thanh Dương Tử hiểu ra, kẻ này nếu không phải tu vi rất cao, thì cũng phải có một thứ pháp thuật đặc biệt nào đó. Nếu không, hắn đã không thể lưu lại một sợi thần niệm trong ký ức của người khác.
ooOoOoOoo
Trong một tòa thành lớn tại nhân gian có một căn nhà tầm thường.
Trong gian nhà, một đạo nhân trẻ tuổi đang đả tọa trên giường. Gã khẽ cau mày, trầm giọng tự nhủ:
“Không ngờ Thiên Diễn Đạo Phái vẫn còn một nhân vật như thế này lưu lạc bên ngoài, về sau ta phải thận trọng, không được chạm mặt y. Nếu chạm mặt, y tất sẽ nhận ra ta.”
ooOoOoOoo
Trong Thông Thiên Quán, Thanh Dương Tử cũng đang mở to mắt. Y há miệng hít một hơi.
Từ trong hư không, một viên linh châu tỏa thứ ánh sáng vàng rực trong trẻo bị y nuốt lấy.
- --------------------------
Chú thích:
(1) Lời bình của Thất Đồng:
Phật nói: “Nhất thiết hữu vi pháp, Như mộng, huyễn, bào, ảnh” – Tất thảy pháp hữu vi đều như giấc mơ, như huyễn ảo, như bọt nước, như chiếc bóng, mong manh vô thường, không thực có. Duy chỉ Phật Tánh, hay bản tánh chân như là thực. Điểm này tương đồng với quan điểm của Đạo gia, rằng cái Đạo “huyền chi hựu huyền” là bản thể của vạn vật; Đạo ấy không thể dùng lời diễn giải, chỉ có thể cảm ngộ.
Từ xưa đến nay, nhất là trong bối cảnh chạy đua theo vật chất của thời đại này, người đời bị những vật chất và danh lợi “hữu vi” che mờ mắt; ngay cả kẻ khoác áo tu hành cũng vì vô minh mà không tin tưởng nơi Đạo, nên cho rằng cái Đạo mà cổ nhân nói đến kia là hư huyễn, là một sản phẩm tưởng tượng của tâm trí con người. Lắm kẻ thế tục khi nghe đến Đạo, đến việc truy cầu Đạo, thì cho là chuyện hoang đường, mê tín, lãng phí thời gian. Người thực sự phát tâm tu dưỡng nhân cách đã ít ỏi, mà người hiểu được căn cơ của sự tu dưỡng lại càng như sao trời buổi sớm mai.
“Lão hiểu ra thứ mình một đời truy cầu không phải là bọt nước huyễn ảo.” Một câu đơn giản ấy lại hàm chứa đạo lý uyên áo, chứng tỏ Thân Vẫn Chỉ Tiêm không chỉ đơn thuần là một tác gia viết một thứ truyện hoang đường, mà thực sự có tu dưỡng, có cảm ngộ. Đây là điều mỗ mến phục nhất ở tác giả. Không như nhiều tác giả tiên hiệp khác chỉ đơn thuần vẽ nên một câu chuyện hư hư huyễn huyễn, Thân Vẫn Chỉ Tiêm đem cái thực lồng vào cái hư, trong cái hư ẩn tàng cái Bản Chân. “Văn dĩ tải Đạo”, nếu đem bốn chữ này đặt vào Thân Vẫn Chỉ Tiêm, thì có lẽ không sai trật chút nào cả.
(2) "Nộ ma": Ma chủng phẫn nộ;
(3) "Bi ma": Ma chủng buồn thương, bi thương v.v.