Bảo Đại, Hay Là Những Ngày Cuối Cùng Của Vương Quốc An Nam

Chương 25

Tóm lại, cuộc sống êm thuận, vui vẻ. Một cuộc cách mạng thực sự. Chỉ có một điều dè chừng. Ông chính trị viên luôn luôn có mặt, giám sát chặt chẽ mọi hoạt động của bà. Trong lúc chuyện trò, bà phải cẩn thận giữ gìn ý tứ, lựa lời để không làm phật lòng ông ta. Ngoài ra tâm trạng bà lúc nào cũng lo âu phấp phỏng.

Sáng sáng, bọn trẻ đến trường bằng xe kéo. Trừ đứa bé nhất chưa đủ tuổi vào lớp, còn ba đứa chất đầy một xe kéo. Trên đoạn đường ngắn từ nhà đến trường chúng được chứng kiến bọn lính Trung Hoa xử sự như đất nước chúng: Chúng ngang nhiên cướp bóc, trấn lột vơ vét của cải của người dân đem về doanh trại. Nhưng vui nhất là lúc đi qua khu phố Tây gần trường học, trong đó những gia đình kiều dân Pháp sống chen chúc biệt lập trong các nhà theo kiểu biệt thự.

Bọn trẻ con người Việt hễ thấy lũ con Tây là trêu chọc, chửi bới xua đuổi vào trong nhà, dùng súng cao su hay ném đá vào các cửa sổ. Anh em Bảo Long cũng đua đòi theo các bạn chơi cái trò độc ác đó. Người học sinh cũ của trường dòng Oiseaux và của trường trung học d’Adran cũng hò hét, ném đá vào cả những đứa trẻ mà chỉ chưa đầy một năm trước đây cậu hằng yêu mến. Dân quân Việt Minh ngày đêm canh gác khu phố Tây để ngăn mọi hành động quá khích. Một hôm tình hình trở nên căng thẳng hơn mọi ngày: Xảy ra một cuộc xô xát giữa mấy anh bộ đội Việt Minh với một số kiều dân Pháp. Số là trên mặt trận Nam Bộ, bộ đội Việt Nam vừa dùng lựu đạn đánh chìm chiếc tàu Pháp Richelieu. Bộ đội Huế nghe tin liền tổ chức hội họp ăn mừng chiến công đó. Quá phấn khích, suýt nữa thì họ xông vào các nhà Pháp kiều để tàn sát.

Các lực lượng trật tự đến kịp: chỉ có đấm đá nên chỉ gây thương tích nhẹ cho nạn nhân. Bà Nam Phương có thêm những lý do để lo lắng tình hình sẽ xảy ra tồi tệ hơn nữa.

Những kỷ niệm thời Pháp thuộc phai mờ dần trong tâm trí người dân, kể cả những đứa trẻ trong hoàng gla. Quyền lực được xây dựng và tồn tại gần một thế kỷ phút chốc tiêu tan qua các phong trào nổi dậy của đông đảo quần chúng. Không còn bóng người Pháp nghênh ngang trên đường phố. Kiều dân Pháp sống tập trung trong khu biệt cư. Binh lính và sĩ quan của đội quân thuộc địa một thời đã từng diễu binh hùng dũng dưới chế độ Decoux, hãy còn bị giam giữ trong các trại tù binh từ ngày đảo chính mồng 9 tháng 3, mặc dù Nhật đã đầu hàng(4).

Số phận hoàng gia đã bị thế giới phương Tây, những kẻ bảo hộ họ trước đây, bỏ quên. Chẳng ai buồn đoái hoài đến họ. Thật lạ lùng chỉ có đô đốc D’Argenlieu, vừa mới được tướng De Gaulle bổ nhiệm Cao uỷ Pháp tại Đông Dương nhớ đến. Từ Chandernagor, một tỉnh Ấn Độ, thuộc Pháp ông ta theo sát tình hình để chờ thời cơ thuận lợi tiến vào Đông Dương. Ông liên tiếp báo cáo về Pháp: “Hoàng hậu An Nam và các con bị những người nổi dậy nhốt ở Huế. Hoàng Thái hậu kỳ thị bà, chính quyền cách mạng luôn luôn đe doạ tính mệnh bà. Bà có ảnh hưởng lớn đối với tín đồ công giáo Đông Dương. Hy vọng Toà Thánh sẽ can thiệp với Trung Hoa đang chịu trách nhiệm giữ gìn trật tự khu vưc bắc Đông Dương có những biện pháp cần thiết đế đưa bà Hoàng hậu và các con về Sài Gòn”(điện ngày 9 tháng 10 năm 1945).

Nhưng Laurentie trong Uỷ ban Đông Dương nhận bức điện “tối mật” ngày 9 tháng 10 năm 1945 đã bác bỏ đề nghị của D’Argenlieu. Trong hồ sơ của Bộ Pháp quốc hải ngoại lưu giữ ở Aix-en-Provence, người ta còn thấy dấu tích bút phê bằng bút chì của ông Laurentie chua ở bên lề bức điện của đô đốc D’Argenlieu: “Tôi thấy không đúng lúc việc nhờ Toà Thánh can thiệp và Trung Hoa gây sức ép với những người chúng tôi muốn thương thuyết(5).

Nhiều phóng viên đến gặp bà cố vấn tối cao để viết bài. Trước tiên là hai phóng viên báo Quyết thắng, cơ quan của Việt Minh Trung Bộ. Họ thuật lại: Đến cung An Định họ được yêu cầu chờ ở phòng khách. Một người râu rậm, có vẻ trí thức tiếp họ. Đó là Nguyễn Duy Quang, nguyên Đại nội đại thần của Bảo Đại. Ông nói bà phu nhân cố vấn đang tắm nên không thể tiếp họ được, yêu cầu nhà báo để lại những câu hỏi phỏng vấn để hôm sau trở lại. Hôm sau, vào đến cổng họ chú ý đến một cậu bé, chín mười tuổi kháu khỉnh đang câu cá bên sông đào. Chắc là Bảo Long. Ông Quang dẫn họ vào một phòng dài có hai ghế bành lớn, hai ghế bành của cặp vợ chồng Nhà vua trước đây. Bà Nam Phương từ trong buồng trong bước ra. Hai ông nhà báo bất ngờ thấy bà đứng thẳng người, nâng nắm tay phải lên ngang tai chào theo kiểu Việt Minh? Một bà cựu hoàng “đỏ”, bà có đi quá xa không? Được hỏi về tình hình ông cố vấn ở Hà Nội. Bà cho biết ông vẫn mạnh khỏe, làm việc nhiều, thỉnh thoảng viết thư về, thư nào cũng nói tốt về cụ Hồ(6): Cụ có tuổi nhưng làm việc miệt mài, có hôm về rất muộn, thức ăn đã nguội mà cũng không yêu cầu người phục vụ hâm lại.

Nhà báo hỏi về vai trò của bà cựu hoàng trong xã hội mới và trách nhiệm của phu nhân cố vấn tối cao, bà vui vẻ trả lời: “Bây giờ đất nước được độc lập rồi, đã đến lúc người phụ nữ phải coi trọng vai trò của mình. Phụ nữ Trung Nam Bắc có nhiệm vụ chung là tích cực tham gia uào công cuộc tái thiết đất nước”. Bà còn tỏ ý mong Chính phủ cụ Hồ sẽ giao cho bà một trách nhiệm cụ thể. Mỗi khi viết thư trả lời ông cố vấn bà đều nhắc lại nguyện vọng đó. Trả lời câu hỏi về gia đình, các hoàng tử công chúa, bà cựu hoàng trả lời: tất cả đều mạnh khỏe. Cảm ơn các nhà báo đã đến phỏng vấn. Bà đứng dậy, đột ngột cắt dứt câu chuyện, tươi cười bắt tay tạm biệt hai nhà báo và lui vào buồng trong. Tác giả kết luận bài báo: Tính cách bà cựu hoàng thật đặc biệt.

Ít lâu sau, đáp ứng nguyện vọng của bà muốn tham gia vào công cuộc kiến thiết quốc gia, Hồ Chí Minh đã ký sắc lệnh bổ nhiệm bà cùng với hai chục nhân sĩ trí thức có tên tuổi tham gia “Uỷ ban nghiên cứu kế hoạch kiến quốc” thành lập ngày 31 tháng 12 năm 1945. Tuy vậy chưa khi nào bà rời Huế để tham gia các cuộc họp của Uỷ ban này.

Tháng mười năm 1945, ông Phạm Khắc Hòe, cựu Tổng lý Ngự tiền Văn phòng nay làm việc ở Bộ Nội Vụ từ Hà Nội vào Huế mang đến cho bà một phong thư có ba tờ giấy xanh kín chữ to rộng của Bảo Đại. Bà Nam Phương xúc động run tay nhè nhẹ thong thả đọc bức thư đầu tiên của ông cố vấn. Ông Hòe gặp bà trên đường dọc bờ kênh. Bà vừa đi dự lễ chầu ở nhà thờ Phú Cam về. Ông Hòe theo bà vào cung An Định, lên cầu thang lớn đến một căn phòng nhỏ, khá cổ. Nơi đây không nghe tiếng ồn của phố xá, cũng không nghe tiếng hò của những người kéo thuyền trên sông bên cạnh nhà. Bà ngồi trên một chiếc ghế bành nặng nề có tay vịn chạm rồng. Ghế đó có lẽ từ thời vua Khải Định để lại. Dù người nhỏ thó và mảnh khảnh, Khải Định thích những đồ dùng lớn.

Ông Hòe ngồi bên cạnh trên một ghế bành cùng loại, chờ bà đọc thư xong. Ông giữ im lặng. Bà vốn nặng tai nếu không ngồi gần sát, bà không nghe được người đối thoại nói gì. Trước đây có Nguyễn Tiến Lãng được mệnh danh là “cái tai” của Hoàng hậu Nam Phương chuyên nghe rồi nói lại cho bà hiểu. Lúc này ông Lãng đang ngồi trong tù. Hôm nay bà mặc chiếc áo dài lam giản dị, cổ đeo chiếc kiềng vàng nặng, không trang điểm vì vừa đi lễ về. Ông Hòe ngạc nhiên thấy bà như già đi, những nếp nhăn nhẹ hiện trên gương mặt đẹp.

Ông cảm động thấy bà bối rối, hai giọt nước mắt lăn chầm chậm trên gò má. Bà cựu hoàng thấy không cần che giấu cơn xúc động. Bà hẹn ông đến buổi chiều sẽ trở lại để lấy thư trả lời gửi ông Vĩnh Thuỵ.

4 giờ chiều hôm đó, y hẹn, ông Hòe trở lại cung An Định. Lần này, cuộc trò chuyện có vẻ thân tình hơn.

Sau khi đưa thư, bà nói:

- Ông Hòe này, tôi rất tin ông, trước thế nào thì nay cũng thế, tôi muốn ông cho biết tất cả sự thật về việc ông Vĩnh Thuỵ mê con Lý.

- Chúng tôi rất tiếc không được biết tường tận, nhưng đúng là ở Hà Nội tôi có nghe nói loáng thoáng về việc Ngài cố vấn có “quan hệ” (đương thời gọi là “mèo”) với Lý, ông Hòe ấp úng.

- Ông biết con Lý nhiều không. Con ấy là người như thế nào?

- Chúng tôi chưa bao giờ trông thấy cô ta. Chỉ nghe nói là cô ta đẹp nhưng về tư cách thì khỏi phải nói. – Ông Hòe nói thêm – Chúng tôi không biết gì khác vì tôi không ở cùng nhà với Ngài cố vấn. Công việc ở bộ Nội vụ choán hết thời gian nên chúng tôi không quan tâm đến những chuyện khác. – Ông Hòe im lặng một lát, rồi nói thêm – Bà cùng các con nên ra Hà Nội cùng sống và chăm sóc Ngài…

- Nếu chồng tôi được hạnh phúc với người tình thì tôi không hề ngăn cấm. Tốt hơn là tôi ở lại một mình ở đây. Ngoài ra cụ Hồ có đề nghị tôi ra sống ở Hà Nội không…?

- Tôi chưa biết. Đây mới là ý kiến riêng của tôi.

Cuộc nói chuyện kết thúc. Bà còn hẹn ông một cuộc gặp nữa vào sáng hôm sau trước khi lên đường ra Hà Nội, bà có câu chuyện muốn nói.(7)

Dù sống và làm việc ở Hà Nội, ông Hòe vẫn có nhà riêng cho gia đình ở cố đô Huế. Về thăm lại vợ con, ông còn nghe được. nhiều tin đồn trong thành phố.

Bà Nam Phương còn có chuyện gì nữa muốn nói với ông? Ông thắc mắc tự hỏi. Chắc hẳn bà sẽ nói với ông về một kế hoạch mà ông đã được nghe phong thanh.

Nếu tin đồn là có thật thì đó là một kế hoạch, đúng hơn là một âm mưu đảo chính đang được ấp ủ mà linh hồn chính là Nam Phương. Cánh bảo thủ trong hoàng tộc tập hợp một số người công giáo sẽ tiến công đồn Mang Cá ở phía bắc hoàng thành, giải thoát đám lính Pháp đang bị Nhật canh giữ rồi tổ chức cướp chính quyền, với sự ủng hộ của hoàng tộc sẽ đưa Bảo Long lên ngôi vua. Trước đây khi Bảo Đại thoái vị, hoàng tộc không được tham khảo ý kiến nên trong lòng vẫn oán hận.

Kế hoạch này nếu đem ra thực thi, chắc chắn sẽ nổ ra nội chiến. Có lẽ bà thăm dò ý kiến ông Hòe. Tại sao lại là ông? Bà biết ông rất thân cận với chính quyền Việt Minh. Có thể quan hệ thân tình trước đây khiến bà nghĩ rằng ông sẽ giữ im lặng hoặc kế hoạch đã xúc tiến đến mức ông có biết cũng không thể ngăn cản nổi.

Hôm sau ông Hòe đi luôn Hà Nội, không trở lại cung An Định nữa. Sau đó không có chuyện gì xảy ra. Có thể bà cựu hoàng đã thay đổi ý kiến, cũng có thể người Pháp đã khuyên bà không nên làm gì.

Ông Trần Hữu Dực, nguyên Phó thủ tướng chính phủ kể lại: Thời gian này với tư cách chủ tịch Uỷ ban nhân dân Trung Bộ tôi cũng đến thăm gia đình bà Vĩnh Thuỵ tại cung An Định trên bờ sông An Cựu, cùng ở với mẹ chồng (tức bà hoàng thái hậu Từ Cung), và các con trai, con gái, cấp 10 mẫu ruộng ở thôn An Cựu, theo yêu cầu của bà Từ Cung để lấy hoa lợi dùng vào việc thờ cúng các vua nhà Nguyễn, cấp một xe tải theo yêu cầu của bà Nam Phương để chạy xe lấy tiền chi tiêu thêm… Có lần ra Hà Nội họp, gặp Vĩnh Thuỵ tôi hỏi có cần gì không, Vĩnh Thuỵ nói ông ta ở Hà Nội cũng như gia đình ở Huế đều được chính phủ chăm sóc(8).

Ông Lê Văn Hiến, bộ trưởng Lao động, trong một chuyến công cán đặc biệt vào các tỉnh phía Nam, đã đến thăm bà Vĩnh Thuỵ. Nhân danh chính phủ ông chính thức đề nghị bà cùng các con ra sống ở Hà Nội.

Đó là một vinh dự mà chính phủ dành cho bà. Nhưng bà cựu hoàng đáp lại một cách từ tốn: Bà rất sung sướng được thấy ngày vinh quang của xứ sở. “Bà không mong gì cho cá nhân bà, cho gia đình bà cả. Bà chỉ mong sao cho cho nển độc lập của nước nhà được vững bền. Bà cũng mong được có dip ra Bắc để thăm đồng bào Bắc Bộ nhưng như vậy sẽ tổn hao và phiền phức cho chính phủ nên bà hẹn chờ ngày nước nhà được độc lập chính phủ khỏi cơn khó khăn, bà sẽ ra Bắc. Bà rất mong chồng bà đem hết tài sức giúp chính phủ”.(9)

Trong lúc Vĩnh Thuỵ đang sống lưu vong tại Trung Hoa, trong phiên họp ngày 20 tháng 5 năm 1946, sau khi nghe Bộ trưởng Ngoại giao Nguyễn Tường Tam báo cáo về tình hình gia đình bà Vĩnh Thuỵ, Hội đồng chính phủ quyết định sẽ dùng đủ phương pháp để lo cho sự an toàn gia đình ông Cố vấn, và nếu bà Cố vấn ưng ra ngoài Bắc hoặc ưng thế nào thì chính phủ sẽ tuỳ lo liệu(10).

Tại sao bà khước từ lời đề nghị ra Hà Nội cùng sống với ông cố vấn? Hẳn bà biết quá rõ tính nết của ông chồng, bà có ra Hà Nội ở cùng, vị tất dã làm ông chấm dứt thói trăng hoa của ông, hơn thế nữa xung đột gia đình được phơi bày trước mắt mọi người chỉ làm mọi người chê cười, làm hoen ố thêm uy tín ông cố vấn và khơi sâu thêm nỗi chua xót của bà.

Chú thích:

(1) Cung An Định là nơi ở của bà Hoàng Thái hậu Từ Cung cho đến năm 1954, sau đó Ngô Đình Diệm buộc bà phải rời cung. Sau năm 1975, cung An Định trở thành di tích của cố đô Huế.

(2) Báo Quyết chiến, cơ quan ủng hộ chính quyền nhân dân cách mệnh tại Thuận Hoá, xuất bản ngày 18 tháng 9 năm 1945.

(3) Báo Dân quốc xuất bản tại Hà Nộị ngày 24 tháng 9 năm 1945.

(4) Đại tá Cédille, được De Gaulle cử làm uỷ viên cộng hoà Pháp tại miền Nam Việt Nam nhảy dù xuống Lộc Ninh ngày 22 tháng 8 năm 1945 bị Nhật bắt đưa về Sài Gòn trao cho Gracey, trưởng phái bộ Anh (ND).

(5) COM, bộ Pháp quốc Hải ngoại, Hồ sơ 1211, NF.

(6) Ít nhất ông Cố vấn gửi đến năm bức thư về cho vợ, nhờ cán bộ đi công tác vào Nam chuyển.

(7) Phạm Khắc Hòe, Sách đã dẫn.

(8) Xem Hồi ký Trần Hữu Dực, Bước qua đầu thù, Nhà xuất bản Chính trị quốc gia, 1996.

(9) Báo Dân quốc xuất bán tại Hà Nội ngày 20 tháng 12 năm 1945.

(10 Biên bản họp Hội đồng Chính phủ ngày 20 tháng năm 1946, lưu trữ tại Bảo tàng Hồ Chí Minh.
Bình Luận (0)
Comment