FULL - HOT - LS Q.Sự - Bất Hủ Đại Hoàng Đế - FULL - Sa Mâu | Bàn Long Hội - Created with GetTextFromHtml-V1.5.5 - Written by Mkbyme
Trang 70# 1
Chương 138: Quyết Chiến Mở Ra
VIPTruyenGG.com
=== oOo ===
Mùng 10 tháng 10, một lời đồn đại điên cuồng lưu truyền trong Trịnh Quốc.
Tất cả bách tính đều đang cuồng nhiệt thảo luận chiến sự thời gian này, tiêu điểm là Trịnh hàn.
Nghe nói, để cướp đoạt Hoàng vị, Nhị Thái tử Trịnh Hàn không tiếc bày ra một âm mưu dẫn quân đội Thương Quốc vào cảnh nội, nhờ đó bức bách Hoàng Đế để thu lấy binh quyền.
Ngược lại, Tam Hoàng tử Trịnh Khang lấy đại cục làm trọng, cố gắng câu thông với Thương Quốc để lắng lại chiến loạn.
Lão bách tính thích nhất là buôn mấy thứ tin tức ngầm và bí sự cung đình này, cho nên tin này được truyền đi rất nhanh. Ngay cả binh lính trong quân đội cũng bắt đầu phàn nàn, cho rằng chỉ vì Trịnh Hàn bốc lên phân tranh giữa hai nước nên mới có cảnh tướng sĩ hai nước đổ máu chém giết.
Khi vẫn có một số ít người còn nghi ngờ tin tức này, phần lớn quý tộc Trịnh Quốc đã đứng ra khẳng định lời đồn này là thật, đồng thời cũng lên tiếng khiển trách hành vi của Trịnh Hàn, ủng hộ Trịnh Khang.
Quý tộc tầng trung và thấp cũng đi theo.
Nhất thời, đủ loại chỉ trích phô thiên cái địa nhắm vào Trịnh Hàn, khiến cho danh vọng của Nhị Hoàng tử ở trong nước đã đạt điểm thấp nhất trong lịch sử.
Trịnh Khang thì ngược lại, danh vọng như mặt trời ban trưa, không chỉ có quý tộc trong nước mà ngay cả bách tính bình dân cũng đánh giá hắn cao thêm mấy bậc.
Tình huống như vậy đương nhiên khiến cho Trịnh Hàn thân là nhân vật chính rất tức giận. Đồng thời hắn chuyển hóa lửa giận thành động lực, thay đổi hành động quân sự.
Ngày 11 tháng 10, đại quân Trịnh Quốc được điều động.
Đông đại doanh và Tây đại doanh suất lĩnh quân đội của mình, cộng thêm ba vạn nông dân binh, tổng cộng hơn tám vạn người, tả hữu giáp công tiến tới Hoàng thành.
Đồng thời, đúng như Khổng Thượng Hiền đã dự đoán. Quả nhiên Trịnh Hàn ra tay độc ác, không để ý tới các tòa thành trì dọc theo sơn mạch Lưu Phỉ, mà tập kết quân đóng giữ các nơi lại một chỗ, hợp thành một đội quân chính quy hơn tám ngàn người, trú đóng ở bên sơn mạch Lưu Phỉ ngay sát biên cảnh Thương Quốc, giằng co với quân đoàn Bạch Hổ.
Ba quân đoàn Thanh Long, Chu Tước và Huyền Vũ cũng đưa ra ứng đối, truyền lệnh cho Cố Phong Nam và Dương Hồng suất lĩnh quân khởi nghĩa còn sót lại đóng giữ Đông Dương, Lương Sơn và Hoàng Điền thành. Bộ đội chủ lực tập kết lại, đối diện chiến đấu với quân chủ lực Trịnh Quốc.
Một trận chiến quyết định tới vận mệnh và tiền đồ của hai nước cuối cùng đã tới.
Xem hết chiến báo từ tiền tuyến, Dương Mộc hơi tiếc nuối, trận quyết chiến cuối cùng tới nhanh quá. Lấy tình thế hai quân hiện giờ thì có thể nói, chỉ cần có thể kéo thêm mấy ngày nữa thì quân Thương sẽ có thêm một phần thắng.
Vì chiến sự đã tới giai đoạn mấu chốt, cho nên gần như cách mỗi một canh giờ sẽ có một phần chiến báo đưa tin mới nhất vào soái trướng của Dương Mộc. Nơi tiền tuyến xa xôi, Vệ Trung Toàn cẩn thận phân tích chiến cuộc, quyết định chia bộ đội chủ lực làm hai phần. Một phần ở lại trong nội thành Hoàng Điền thành, một phần khác sẽ tấn công Trịnh thành. Hai đội quân sẵn sàng chi viện cho nhau, công thành và thủ thành cùng đồng thời tiến hành.
Dương Mộc rất tán đồng, đồng thời cũng cảm thấy vui mừng.
Không hổ là người đã đọc qua binh thư. Thời gian này Vệ Trung Toàn tiến bộ rất nhanh, đặc biệt về phương diện dụng binh, không còn cứng đầu như con lừa đã quyết là không thể thay đổi nữa, mà đã biết linh động, cũng có được cái nhìn đại cục lâu dài, đã thành công lột xác từ một tướng tài thành soái tài.
Dương Mộc phê chỉ thị điều tám ngàn nghĩa quân mới huấn luyện tới tiền tuyến giúp đỡ chiến sự.
Ngày 12 tháng 10, do bị chiến lược của quân Thương bức bách, quân Trịnh không thể không chia quân chủ lực làm hai, do Đông đại doanh phụ trách tấn công Hoàng Điền thành.
Một vạn quân tinh nhuệ chính quy cộng thêm ba vạn nông dân binh, tổng cộng bốn vạn người.
Có thể nói, với hai nước Thương Trịnh thì đây là trận chiến tranh có quy mô lớn nhất trong vài chục năm gần đây.
Giống như Thương quốc, chủ tướng ba doanh đều không phải tử đệ trong các đại gia tộc, mà là thân vệ bên cạnh Hoàng Đế Trịnh Quốc.
Chủ tướng Đông đại doanh tên Tiết Ngũ, khoảng hơn bốn mươi tuổi.
Lưng hùm vai gấu, cưỡi trên lưng một con tuấn mã màu đỏ táo, chỉ huy cả nhánh quân đội.
- Tiểu nhi trong thành, mau mau mở cửa đầu hàng!
Tiết Ngũ vung vẩy roi ngựa, hô hào dưới thành.
Chu Hi trên tường thành nghe được rõ ràng, khoanh tay khinh thường nói:
- Công thành đoạt trại không dùng đến miệng đâu!
- …
Tiết Ngũ nổi giận trợn phồng hai má. Vừa nãy là hắn gọi hàng là làm đúng quá trình công thành, đại biểu hai quân đã khai chiến, không có nể nang gì sất. Nhưng không ngờ lại bị chủ tướng đối phương làm nhục.
Thế là Tiết Ngũ hừ lạnh một tiếng, thúc ngựa quay về trong trận, đưa tay chỉ thành Hoàng Điền phía xa mà quát lớn:
- Công thành cho ta!
Ô ô ô...
Ô ô ô...
Ô ô ô...
Trong đội ngũ quân Trịnh vang lên ba tiếng kèn trầm thấp, dưới sự uy hiếp của từng đội đốc quân, nông dân binh rải khắp núi đồi cầm theo vũ khí kém cỏi dũng mãnh lao tới Hoàng Điền thành.
Từ trên cổng thành nhìn xuống, chỉ thấy một biển đầu người đen kịt cuốn đến như sóng thủy triều.
- Giết…
- Xông lên…
Ba vạn nông dân binh bị đốc quân phía sau xua đuổi khàn giọng kiệt lực gào lớn, giày cỏ dưới chân dẫm xuống đất, cố gắng di chuyển hai chân phóng về phía tường thành.
Số nông dân binh này đều mới được chiêu mộ từ phương bắc Trịnh Quốc, trong đó có không ít người là nô bộc và tá điền của các đại gia tộc, ai nấy đều xanh xao vàng vọt, áo không đủ che thân. Làm bộ đội tiên phong công thành vậy mà toàn thân từ trên xuống dưới không có lấy một thứ gì để phòng ngự, thứ duy nhất có thể gọi là vũ khí chỉ có cây trường mâu làm ẩu trong tay họ.
Đương nhiên, nếu thứ đồ chơi làm từ cây gỗ lớn cột một thanh sắt rỉ sét kia cũng có thể gọi là trường mâu.
Nhưng đây cũng chưa phải vũ khí bết bát nhất của những nông dân binh này.
Thấp kém hơn cả thứ gọi là trường mâu này thực ra chỉ là một cây gậy gỗ được vót nhọn một đầu, hoặc một cây gậy buộc một tảng đá đã được mài nhọn.
Cầm thứ đồ chơi này đi đánh trận… Không, đi tìm cái chết sao?
Chu Hi đứng trên đầu thành nhếch miệng. Quân Trịnh chiêu mộ sáu vạn nông dân binh chỉ trong một thời gian ngắn, tuy số lượng khổng lồ nhưng khuyết điểm cũng đều lộ ra hết. Rõ ràng nhất chính là không cung ứng nổi trang bị vũ khí, còn có rất nhiều nông dân binh cầm theo cuốc và dao săn thú trong nhà mình đi nữa.
Không cần phải nghĩ, bất kỳ người lính nào trong quân đoàn Huyền Vũ cũng có thể chém giết năm sáu nông dân binh thế này.
Thậm chí, những nghĩa quân hỗ trợ thủ thành kia cũng có thể một ăn hai.
Chỉ cần tưới một bầu nước sôi từ trên đầu tường thành xuống là có thể dội bỏng một đám người.
Có lẽ tác dụng thực sự của bọn họ là dùng để tiêu hao thể lực quân thủ thành, gánh bớt tổn thất cho quân đội chính quy sau lưng, coi như làm khiên thịt.
Nghĩa quân đứng trên đầu thành cũng nghiêm túc.
Không thể không nói, từ khi quy thuận Thương Quốc bọn họ mới cảm nhận được rõ ràng, những nông dân binh lâm thời được chiêu mộ như chính mình không phải thứ đồ tiêu hao trên chiến trường.
So với các tướng quân Trịnh Quốc không coi nông dân binh là người, thì các tướng lãnh Thương Quốc mới thực sự có tư cách được xưng là thống soái. Vì suốt thời gian này, các tướng lĩnh đều hành động rất rõ ràng, huấn luyện bọn họ như quân chính quy, đãi ngộ cho quân nhân và giáo tập hoàn toàn không khác gì binh lính ba quân đoàn kia.
Thiếu khuyết có lẽ chỉ là một thân phận thực sự, và một chút chênh lệch do chương trình huấn luyện khác biệt.
Chính vì có so sánh, cho nên các nghĩa quân đều căm hận các tướng lĩnh trốn sau các nông dân binh bên phe địch, cũng tràn đầy cảm thông với những nông dân binh trùng trùng lao đầu đi tìm chết kia.
Đặc biệt là những hàng tốt trước kia từng dưới trướng Trịnh Khang, dường như cũng đang nhìn thấy chính mình.
Không!
Tình cảnh của nông dân binh ngoài thành còn gian nan hơn cả bọn họ lúc trước.
Chí ít khi dưới trướng Trịnh Khang, dù cũng không được các tướng lĩnh coi là người, nhưng tối thiểu nhất là không lo thiếu sót vũ khí, khi đối mặt với kẻ địch còn có một chút sức tự vệ.
Nhưng những nông dân binh đang bị xua đuổi xông tới kia thì không có một cái gì.
- Quý tộc Trịnh Quốc đáng chết!
Trên tường thành, một binh lính không nhịn được khẽ mắng ra lời, rồi nhổ một ngụm nước bọt xuống dưới tường thành, biểu thị sự căm hận của hắn dành cho quý tộc và tướng quân Trịnh Quốc.
Mà bên cạnh, các nghĩa quân còn lại cũng đều đầy vẻ căm hận.
Đồng thời, bọn họ cũng cảm giác được sự may mắn của mình vào lúc này. Sau khi quy thuận Thương Quốc, quốc gia này không đối đãi với bọn họ như heo chó, không xua đuổi họ ra chiến trường để lấy mạng người đắp lên thắng lợi giống như Trịnh Quốc.