FULL - HOT - LS Q.Sự - Bất Hủ Đại Hoàng Đế - FULL - Sa Mâu | Bàn Long Hội - Created with GetTextFromHtml-V1.5.5 - Written by Mkbyme
Trang 83# 1
Chương 164: Xưởng Sản Xuất Giấy Và Xưởng In Ấn
VIPTruyenGG.com
=== oOo ===
Loan giá của Dương Mộc đích thân tới, bên cạnh là ba tầng trong ba tầng ngoài hộ vệ, Công Bộ Thượng thư Trần Hữu đứng ở bên cạnh cẩn trọng hầu hạ, giới thiệu từng thứ một.
Việc hắn thị sát không đem tới bao nhiêu tác dụng thực tế, nhưng là tỏ thái độ, khiến cho cả triều đình bật đèn xanh với khu công nghiệp này.
Đến lúc đó khi Thời báo Đại Thương đăng tin, dân chúng sẽ tập trung quanh khu công nghiệp này, tranh nhau trở thành công nhân.
Đây cũng là nguyên nhân đại hội biết chữ lần này tuyển hơn năm mươi nữ tử. Tương lai những người này sẽ là cán bộ cơ sở của khu công nghiệp.
Một đường mà đi, khắp nơi đều có quan lại Công bộ đang làm việc.
Hai nhà xưởng đang xây chiếm diện tích rất lớn, mỗi nhà xưởng có thể chứa mấy ngàn người cùng làm việc, xưởng may bên cạnh cũng đang quy hoạch.
Xưởng giấy chỉ sản xuất giấy thôi, chỉ cần tuyển bình dân rồi truyền thụ kỹ nghệ là xong.
Mà xưởng in ấn có nhiều không gian để vận hành hơn. Ví dụ như “Tây Du ký”, “Truyện Ngụ ngôn”, “Kim Bình Mai”,... đều có thể cắt giảm rồi in ấn ra, phát hành trong và ngoài nước.
Dương Mộc cũng biết một ít về kinh tế học, không lo lắng lão bách tính không mua nổi mấy cuốn sách này. Hiện tại túi tiền của bách tính Thương Quốc đã bắt đầu dày lên rồi, bạc cất trong nhà chỉ là kim loại lạnh tanh, chỉ có lưu thông thì tiền tệ mới thực sự được gọi là tiền tệ.
Mua sách sẽ không khiến cho dân chúng nghèo đi, mà sẽ kéo theo cả nền kinh tế quốc gia lên. Khi sản nghiệp sẽ phát triển hơn, bách tính phổ thông sẽ càng có cơ hội kiếm việc làm, kéo theo giá tiền công cũng tăng theo, người có lợi chắc chắn sẽ là lão bách tính.
Nếu sách vở có thể xuất khẩu ra nước ngoài, từ đó coi như kiếm được ngoại hối rồi.
Quả nhiên sau khi được kỳ báo thứ ba tuyên truyền, tin tức Dương Mộc thị sát nhanh chóng được dân chúng bàn luận náo nhiệt. Tới khi đăng tin tuyển dụng công khai, người ta tranh nhau chen lấn đến ghi danh.
Một mặt là vì ủng hộ Hoàng Đế Bệ Hạ.
Mặt khác, mọi người khó mà ngăn cản được dụ hoặc của tiền công.
Vì trên kỳ báo thứ ba có ghi chú, tiền công của công nhân phổ thông cấp thấp nhất là một lượng bạc một tháng, một số ít người có thể kiếm hai lượng bạc một tháng!
Nên nhớ, gia đình dân chúng bình thường một năm chỉ thu được mười lượng bạc trở xuống. Trước kia những nông dân không có ruộng một năm có thể kiếm năm sáu lượng bạc đã là rất tốt rồi, sau khi nộp thuế thân thì trên cơ bản chẳng còn lại mấy, một năm khó mà được một bữa cơm no!
Một lượng bạc một tháng, nhiều hơn thu nhập một người bình thường rồi.
Cho nên, người ghi danh nô nức tấp nập cũng là chuyện hợp lý.
Đương nhiên Công Bộ cũng tuân theo ý chỉ của Dương Mộc, ưu tiên chọn phụ nữ nghèo khó phải gánh vác gia đình cho những vị trí nhẹ nhàng cần sự cẩn thận.
Lần này tuyển hơn năm ngàn người, trong đó phụ nữ chiếm hơn ba ngàn.
Dân gian bàn luận ầm ỹ. Chính sách này vừa được công bố mang tới tác động không kém cải cách chế độ và thuế nô lệ lúc trước. Trước kia là giải cứu nô lệ, hiện giờ là nâng cao địa vị của nữ tử.
Thực ra Dương Mộc cũng không nghĩ nhiều như vậy, dự tính ban đầu của hắn chỉ muốn giải phóng sức sản xuất. Phụ nữ chiếm một nửa dân số cả nước, nếu cứ tuân thủ nghiêm ngặt truyền thống ở nhà giúp chồng dạy con và làm việc nhà nông, vậy thì có hơi lãng phí tài nguyên. Công nghiệp nhẹ chính là sân khấu tốt nhất cho họ. Trong lịch sử, Trung Quốc thời kỳ cận đại là minh chứng rất rõ nét cho quan điểm này.
Huấn luyện nhân công tiến hành đồng bộ với xây dựng nhà xưởng. Trung tuần tháng mười hai, hai nhà máy bắt đầu đi vào sản xuất.
Cuốn sách in đầu tiên là “Truyện Ngụ ngôn”. Ở hậu thế nó được coi như là cuốn truyện vỡ lòng, nhưng thời này ít truyện, chưa bao giờ có tiền lệ tương tự. Vì thế cuốn sách này giống như giọt nước rơi vào chảo dầu nóng hổi, sôi lên sùng sục.
Truyện ngụ ngôn dễ đọc dễ hiểu, già trẻ đều ưa, cũng không cần trình độ trí thức quá cao, ẩn chứa triết lý làm người sâu xa, dư vị kéo dài. Đương nhiên cũng khiến cho người ta thích thú, cảm thấy mới mẻ và truyền miệng nhau.
Cho nên khi Dương Mộc đưa bản thảo tới trước mặt Khổng Thượng Hiền, người sau kích động không thôi, vừa đọc đã mê.
Dương Mộc bĩu môi. Không phải chỉ là mấy câu truyện trẻ con điển hình như “Sói đến”, “Nông phu và rắn”, “Vẽ rắn thêm chân”, “Con quạ khát nước” thôi sao? Có mị lực lớn thế à?
Hắn không tin nên lại đưa cho Cơ Linh Nhi, Hoàng Hậu và đám nữ tử trong hậu cung xem thử, cũng đều nhận được lời khen ngợi.
Lúc này Dương Mộc quyết định dùng nó để thăm dò sâu cạn, cho xưởng in sản xuất ba vạn cuốn, tiêu thụ thông qua con đường báo chí, giá bán buôn là hai mươi đồng một cuốn.
Kết quả là cháy hàng! Cuốn sách này được quý tộc vây đỡ, ngày đầu đã bán ra gần một vạn bản, đám tử đệ quý tộc gần như mỗi người một bản, lão bách tính có tiền một chút cũng bỏ ra mua, Hoàng thành đã tiêu thụ hết một nửa số sách bán ra.
Khi số sách đầu tiên được vận chuyển đến Trịnh Quốc và Thân Quốc cũng tạo ra một làn sóng trong giới quý tộc nơi này, sau ba bốn ngày thì hai vạn cuốn sách khác cũng bán sạch sẽ.
Thấy vậy, Dương Mộc đã hoàn toàn yên lòng, lệnh cho nhà xưởng in ấn thêm mười vạn cuốn nữa, để cho thương đội vận chuyển sang nước Đại Thịnh ở phương bắc bán.
Giá bán buôn tạm định là một lượng bạc mỗi cuốn.
Vật hiếm sẽ quý. Dương Mộc tin tưởng, những kẻ có tiền ở Đại Thịnh sẽ không keo kiệt chút bạc này.
Mà hắn cũng không lo Đại Thịnh sẽ có hàng lậu. Vì hắn hiểu rất rõ, Thương Quốc hoàn toàn chiếm ưu thế về kỹ thuật in ấn, lại còn cải tiến kỹ thuật sản xuất giấy khiến cho chất lượng giấy tốt hơn, in chữ rời giảm chi phí của mỗi cuốn sách xuống, lại được sản xuất theo dây chuyền, phí tổn cả nhân lực vật lực của một cuốn sách chỉ khoảng hai mươi đồng tiền.
Một cuốn sách lậu viết tay có giá gấp mấy lần sách in, dùng bút lông viết ra ít nhất cũng mất mấy ngày, không chỉ tốn thời gian công sức, chất lượng cũng khác biệt ngày đêm.
Đến lúc xuất hiện đồ lậu thì hắn sẽ in thêm một hơi mười mấy vạn bản rồi bán giá thấp, để cho đám làm đồ lậu kia lỗ chết, không còn chút không gian sinh tồn nào nữa.
Đây là chuyển vận văn hóa. Nếu biện pháp này có thể tiến hành thuận lợi, thì chỉ mười vạn cuốn sách này có thể đem tới thu nhập gần mười vạn lượng bạc cho Thương Quốc!
Mấy ngày sau, các thương đội đem về một tin tức: Mười vạn cuốn sách đã tiêu thụ sạch.
Nghe tin này, Dương Mộc suýt nữa phun một ngụm trà ra ngoài.
Mười vạn cuốn sách đó, tại sao tiêu thụ nhanh thế được?
Hắn gọi mấy người tới hỏi thăm, mới biết rõ ngọn nguồn.
Thì ra các thương đội của các đại gia tộc, đặc biệt là thương đội của Trịnh Quốc đã buôn bán nhiều năm nên có đối tác lâu dài ở Quốc đô Đại Thịnh. Những thương đội này khi lấy được sách từ xưởng in ra, trực tiếp bàn bạc với đối tác bên Đại Thịnh, phân phối sách ra ngoài.
Cứ như vậy, các thương đội phái ra đã biến thành thương nhân đầu cơ trục lợi, dễ dàng kiếm chênh lệch giá.
Các thương nhân và gia tộc Đại Thịnh kia xem sách xong cũng không lo không bán được hàng. Cả Đại Thịnh hơn một ngàn vạn nhân khẩu, tới mười mấy vạn người biết chữ, trong mấy thành thị lớn phồn hoa đều có thư tứ.
Thư tứ chính là hiệu sách thời cổ đại, chỉ cần đặt sách ở đó thì không sợ không bán được.
Mà Đại Thịnh phồn hoa vượt xa Trịnh Quốc và Thương Quốc, trong các thành trì lớn đầy thương nhân các nước, nhìn thấy cơ hội buôn bán đều nhao nhao mua vào, chuẩn bị đem về nước tiêu thụ. Với đám quý tộc kia, chỉ cần là thứ mình thích thì một lượng bạc với mười lượng bạc cũng chẳng khác nhau là mấy.
Thế là, khi thương đội Thương Quốc trở về cũng dẫn theo một đoàn thương nhân nước ngoài đến Thương Thành, đồng thời bọn họ thông qua Bộ Ngoại giao biểu đạt nguyện vọng muốn yết kiến Hoàng Đế Thương Quốc.