Bảy Năm Sau

Chương 41

Bảy giờ sáng.

Thời tiết khá mát mẻ.

Ở góc phố Lilas giao với phố Mouzaïa, quán bar nhỏ vừa kéo cửa cuốn lên. Đống ghế vẫn còn nguyên trên mặt bàn, máy pha ca phê đang khó nhọc thức giấc và hệ thống sưởi nặng nề tỏa hơi ấm khắp căn phòng. Tony, chủ quán, cố nén cái ngáp dài trước khi mang bữa sáng ra cho cô khách mở hàng.

- Của cô đây, đại úy.

Ngồi trên băng ghế trước máy tính xách tay, Constance khẽ gật đầu cảm ơn chủ quán.

Nữ cảnh sát đặt tay lên miệng cốc để sưởi ấm.

Bực mình vì vụ bắt giữ thất bại, cô đã thức suốt đêm nghiêm cứu hồ sơ về vợ chồng Larabee trong tiếng lẹt xẹt dò sóng từ máy điện đàm. Suốt nhiều giờ liền, cô xem xét tỉ mỉ tất cả những tư liệu có trong tay hòng tìm kiếm một dấu vết có thể giúp cô lần ra đường đi của đôi vợ chồng người Mỹ. Cô chẳng tìm thấy gì hết, và các đồng nghiệp của cô cũng chẳng khá khẩm hơn: dù dấu hiệu nhận dạng của họ đã được truyền đi khắp nơi, cặp đôi người New York vẫn bặt vô âm tín.

Sorbier, sếp của cô, đã gọi cho cô từ sáng sớm tinh mơ mắng té tát. Cô bình tĩnh chấp nhận lời quở trách. Bệnh tật không thể biện minh cho tất cả. Riêng lần này cô cảm thấy không thể tha thứ cho mình được. Cô vốn là người có lý lịch công tác không thể chê trách đã mắc phải lỗi quá tự tin, dẫn đến đánh giá thấp đối thủ như một kẻ ngây thơ nhất trong đám cảnh sát mới vào nghề. Hài hước làm sao khi đó là cách ăn mừng lon đại úy của cô. Larabee và cô vợ cũ đúng là đã gặp may nhưng họ cũng chứng tỏ được óc sáng tạo và sự điềm tĩnh. Những phẩm chất mà cô đặc biệt thiếu.

Constance là thành viên nữ duy nhất của đội thanh tra rút gọn của Đội cảnh sát truy nã quốc gia. Thường được so sánh với lực lượng cảnh sát tư pháp của cảnh sát Mỹ, đội ngũ tinh hoa này, chuyên truy lùng tội phạm bỏ trốn, là đội duy nhất ở châu Âu.

Xuất thân là cảnh sát tư pháp, Constance là một cảnh sát dạn dày kinh nghiệm. Cô đã lăn lộn bao nhiêu năm để có thể được gia nhập đội này. Nghề nghiệp là lẽ sống của đời cô. Cô đã thành công rực rỡ trong sự nghiệp, có nhiều đóng góp quyết định vào việc bắt giữ nhiều tội phạm “nổi tiếng” lẩn trốn bị truy lùng với những tội danh rất nặng hoặc những màn vượt ngục lừng lẫy. Đa số là người Pháp, nhưng cũng có không ít người nước ngoài được ủy thác bắt giữ trên toàn thế giới. Cô uống một ngụm lớn cà phê, cắn miếng bánh sừng bò rồi lại bắt tay vào việc. Cô đã bắt hụt cơ hội đầu tiên, nhưng quyết tâm sẽ tóm được vào lần tiếp theo.

Kết nối vào mạng wifi của quán Tony, Constance thu thập vài thông tin bổ sung trên mạng. Cái tên Sebastian Larabee có tần suất xuất hiện khá nhiều trên mạng. Trong lĩnh vực của mình, hẳn là một ngôi sao đích thực. Cô nhấp vào một đường link dẫn đến vài báo phác họa chân dung hắn trên trang New York Times, được đăng tải cách đây hai năm. Tờ nhật báo giật tít: “Người đàn ông có bàn tay vàng”. Được trời phú cho đôi tai hiếm có và trau dồi được vốn kiến thức đáng nể, theo bài báo, gã thợ làm đàn này có thể chế tạo ra những chiếc đàn violon ngoại hạng đánh bại cả đàn của Stradivarius ngay trên sân nhà của ông, trong những cuộc kiểm tra ngẫu nhiên. Những câu chuyện về Larabee rất cuốn hút, đầy những chi tiết ly kỳ về lịch sử nghề làm đàn và mối gắn bó đầy đam mê đã kết nối nhiều nghệ sĩ violon với nhạc cụ của họ. Có nhiều bức ảnh minh họa cho bài báo. Trong đó có bức ảnh Larabee chụp trong xưởng đàn, ăn mặc rất lịch lãm. Khi nhìn những bức ảnh đó, khó có thể hình dung ra cảnh hắn đang cắt cổ một tên buôn lậu ma túy trong một quán bar bẩn thiểu ở Brooklyn…

Constance cố nén một cái ngáp rồi làm vài động tác vươn vai. Cho đến phút này, cô vẫn giữ mình thoát ra khỏi trạng thái mỏi mệt và tê cứng. Chừng nào còn “kết nối” với cuộc điều tra, cô vẫn cảm thấy được bảo vệ, nhưng cô cần vững vàng, gây áp lực cho bản thân và tiến lên.

Cô nhắm mắt lại để tập trung tốt hơn. Larabee và cô vợ cũ đã qua đêm ở đâu? Chúng đang bị cảnh sát truy lùng nên sẽ không có chuyện tận hưởng cảnh tiện nghi ở những khách sạn sang trọng và những bữa tối trên du thuyền. Sớm muộn gì chúng cũng bị tóm thôi. Sớm muộn gì chúng cũng sẽ thiếu tiền, thiếu sự giúp đỡ và các mối liên hệ. Chuyện đào tẩu chẳng khác nào địa ngục, nhất là với những kẻ vốn không phải tội phạm chuyên nghiệp. Nếu là trước đây, có lẽ Constance cũng chẳng lo lắng. Như loài nhện, cô sẽ chỉ cần dệt mạng rồi rình chờ con mồi mắc sai lầm. Sự tinh tường và may mắn rất quan trọng, nhưng chính sự nhẫn nại và lòng quyết tâm đến quên mình mới có thể giải quyết được những vụ kiểu này. Tức là thời gian. Đồng minh tốt nhất của người làm nghề truy bắt những kẻ đào tẩu. Nhưng thời gian lại chính là thứ cô thiếu. Và cô phải tóm cổ được chúng hôm nay.

Trên lý thuyết, Đội cảnh sát truy nã quốc gia có thể yêu cầu sự trợ giúp từ các cơ quan cảnh sát khác và bên quân cảnh để xúc tiến ngay việc nghe điện thoại, tiến hành theo dõi và tiếp cận ngay lập tức với tất cả các yếu tố liên quan đến cuộc điều tra. Nhưng các vụ án quốc tế lại khó xử lý hơn. Các thông tin được chuyển tới từ nước ủy thác thường không đầy đủ và chỉ được cung cấp rất nhỏ giọt.

Khi xem xét hồ sơ, cô nhận ra rằng các điều tra ở New York chủ yếu được trung úy Lorenzo Santos thuộc Precinct 87 Brooklyn thực hiện. Cô nhìn đồng hồ đeo tay. Đang là hai giờ sáng ở New York. Quá muộn để gọi cho Santos. Trừ phi…

Cô quyết định đánh liều, gọi tới tổng đài của sở cảnh sát và hỏi số máy lẻ văn phòng của viên trung úy, bằng thứ tiếng Anh gần như hoàn hảo:

- Tôi là Santos, một giọng trầm rất đẹp đáp.

Quá may mắn.

Constance vừa mới xưng cấp bậc thì viên cảnh sát New York đã hỏi tin tức về cuộc điều tra của cô. Anh chàng này cũng cùng một giuộc với cô: một kẻ truy lùng sống chết với nghề. Anh ta tỏ ra tiếc nuối khi Constance cho biết vợ chồng Larabee vẫn đang lẩn trốn rồi lại hỏi cô tới tấp về những bước tiến trong điều tra. Constance tranh thủ cơ hội nói với anh ta về mục đích của mình. Cô rất muốn có trong tay bản thống kê các liên lạc điện thoại và giao dịch thẻ tính dụng của Sebastian Lerabee.

- Những thứ đó đều đang trong tay tôi, Santos khẳng định. Gửi cho tôi công văn chính thức, tôi sẽ chuyển cho cô.

- Tôi cần chúng ngay bây giờ cơ! Cô nài nỉ.

Để thuyết phục anh ta, cô đọc địa chỉ hòm thư của mình nhưng anh ta gác máy luôn và không hứa hẹn gì.

Cô đại úy trẻ chỉ kịp ăn nốt chiếc bánh sừng bò rồi gọi thêm một tách cà phê thì tiếng nhạc báo có thư mới vang lên trên điện thoại.

Santos đã không bỏ phí thời gian.

- Ông có máy in không, Tony? Cô vừa hỏi vừa tải dữ liệu xuống.
Bình Luận (0)
Comment