Liên lão gia tử đã qua đời, không thể tiếp tục để trên giường gạch nữa mà phải tiến hành khâm liệm. Chuyện đưa tang lão nhân, cũng chính là chuyện lo liệu việc tang ma trong nhà, đều không do người thân trong nhà làm mà do bạn bè bằng hữu giúp đỡ.
Đây là một sự cần thiết, cũng là một loại phong tục. Nói là cần thiết, bởi vì… trong lúc này, tang gia đau khổ quá mức, làm sao có tinh thần để ý tới những chuyện vặt. Nói nó là phong tục, bởi từ cổ chí kim đều như vậy. Đây là một truyền thống tốt đẹp, hàng xóm láng giềng giúp đỡ nhau, tình cảm tràn đầy, cũng thể hiện sự tôn trọng của người sống với người chết, với chuyện tử vong.
Không cần ai nói, Ngô Ngọc Xương chủ động bắt đầu tiếp khách. Bên cạnh còn có Ngô Ngọc Quý, quản sự Hàn Trung…, còn có cả mấy cụ già có kinh nghiệm trong thôn như cha của Xuân Trụ tới giúp đỡ.
Chuyện thứ nhất là cần lau người, thay quần áo liệm cho Liên lão gia tử. Chuyện này không thể kéo dài bởi người vừa tắt thở, thân thể vẫn còn mềm mại, lúc này mặc quần áo khá dễ dàng. Nếu để thời gian kéo dài sẽ không dễ làm nữa. Tưởng thị đã được đám người tiếp khách nhắc nhở, đun một nồi nước ấm, dùng chậu bê vào, đặt trên giường gạch.
Mấy hài tử Liên Mạn Nhi, tiểu Thất, Liên Diệp Nhi bị đuổi ra đầu tiên.
Chuyện như lau người, thay quần áo cho Liên lão gia tử tất nhiên là do Chu thị làm. Nhưng chỉ có một mình bà thì không được, còn cần người khác giúp đỡ.
“Con, để con tới lau người, thay quần áo cho cha.” Liên Lan Nhi xung phong nhận việc.
“Không cần tỷ.” Liên Thủ Tín vốn vẫn coi Liên Lan Nhi là không khí đột nhiên mở miệng, hắn tự tay ngăn cản Liên Lan Nhi đang định tiến lên, “Tỷ đợi trong phòng bên kia đi. Bên này…”
Liên Thủ Tín vừa nói chuyện vừa nhìn về phía Trương thị.
“Có mẹ của Ngũ Lang, có mẹ của Diệp Nhi, còn có cả vợ Kế Tổ giúp đỡ nữa.” Liên Thủ Tín nói một câu liền chọn ra người lau thân thể và mặc quần áo cho Liên lão gia tử.
Trong dân gian, chọn người làm việc này cũng cần chú ý. Chồng đã chết, nếu vợ còn sống thì chuyện này đương nhiên là do vợ làm, các con gái ruột giúp đỡ. Mà cô con gái có thể làm việc này vì cha, đương nhiên là người có tiền đồ, được lão nhân yêu quý, mà cũng phải là người hiếu thuận với lão nhân.
Ở thời đại coi trọng đạo hiếu này, có thể vì cha mẹ làm chuyện như vậy là việc vô cùng có thể diện, hơn nữa cũng được coi là hành động thể hiện sự hiếu thuận quan trọng nhất.
DTV
Liên Lan Nhi vốn là con gái lớn, có thể làm chuyện này. Nhưng hiện tại nàng đã không còn tư cách. Hiển nhiên, Liên Thủ Tín đã nhận định, cái c.h.ế.t của Liên lão gia tử có liên quan tới Liên Lan Nhi. Là một trong những thủ phạm làm Liên lão gia tử tức chết, Liên Lan Nhi đã không còn tư cách làm tròn đạo hiếu.
Vẻ mặt Liên Lan Nhi lo sợ không yên, dĩ nhiên nàng chưa biết Liên Thủ Tín nghĩ gì. Liên Thủ Tín về nhà, chưa nổi giận với nàng chỉ vì muốn mau lo liệu chuyện của Liên lão gia tử, cái này cũng không thể hiện Liên Thủ Tín không truy cứu. Cho nên Liên Lan Nhi hi vọng có thể thông qua việc lau người, mặc quần áo cho Liên lão gia tử mà có thể tăng thêm thiện cảm, đồng thời làm giảm ác cảm của Liên Thủ Tín với nàng. Nàng mang vẻ mặt tội nghiệp nhìn Chu thị, mong lúc này Chu thị có thể nói giúp nàng mấy câu. Là người mất chồng, vào lúc này, lời của Chu thị có sức nặng khá lớn.
Nhưng mà, thật ngoài ý muốn, lần này Chu thị không nói đỡ cho Liên Lan Nhi. Chu thị giống như không nghe thấy Liên Thủ Tín và Liên Lan Nhi đang tranh chấp, bà hoàn toàn không ngẩng đầu nhìn về phía này.
Liên Mạn Nhi đứng ngoài phòng nghe thấy trong phòng nói chuyện, liền vội hạ giọng sai bảo Tiểu Khánh hai câu. Tiểu Khánh nhanh chóng xoay người vào phòng, lát sau có hai nàng dâu nửa đỡ nửa kéo Liên Lan Nhi ra khỏi phòng, đi về Tây phòng.
Chốc lát sau Hà thị cũng bị đuổi ra. Tất nhiên, nàng cũng bị tước đoạt vinh dự có thể lau người, mặc quần áo cho Liên lão gia tử.
Trong nhà, những người khác đều đi, chỉ còn Chu thị, Liên Thủ Nhân, Liên Thủ Nghĩa, Liên Thủ Lễ, Liên Thủ Tín, còn có Trương thị, Triệu thị và Tưởng thị, đây là những người đưa tiễn Liên lão gia tử trên đoạn đường cuối cùng.
Tuy nói là để các con dâu hầu hạ, nhưng có nhiều con trai như vậy, chuyện lau người cho Liên lão gia tử cũng không thật sự để các con dâu làm.
Chu thị ngồi trên giường gạch, dẫn theo bốn con trai cẩn thận cởi quần áo cho Liên lão gia tử, dùng khăn ướt cẩn thận lau chùi thân thể, dùng lược chải lại tóc cho Liên lão gia tử. Trương thị, Triệu thị và Tưởng thị thì ở đầu giường đặt xa lò sưởi sắp xếp lại quần áo liệm cho Liên lão gia tử.
Quần áo liệm từ trong ra ngoài có vài lớp, cách làm phổ biến là ***g sẵn chúng vào nhau rồi mặc vào cho Liên lão gia tử trong một lần chứ không mặc lần lượt từng lớp, từng lớp một. Ba người đều là người nhanh nhẹn, chỉ một lát đã sắp xếp xong quần áo thật tốt, Chu thị lại cùng mấy đứa con trai, nhân lúc thân thể của Liên lão gia tử còn mềm mại, mặc trọn bộ áo liệm vào.
Sau đó mọi người đều cao giọng khóc lớn. Lúc này, người chờ ở ngoài mới mang linh sàng vào trong phòng, mọi người giúp đỡ đặt t.h.i t.h.ể của Liên lão gia tử lên linh sàng, sửa sang lại một chút. Lại có người bày biện xong xuôi hương án và các loại dụng cụ, việc khâm liệm lúc này mới coi như hoàn thành.
Sau khâm liệm chính là nhận phúng viếng.
Nhà nông dân, tin tức truyền miệng, nhà ai có người qua đời, chỉ đảo mắt mà mười dặm tám thôn đều biết. Không cần người báo tang đã có người tự động tới đây phúng viếng. Nhưng trong lời nói của người nông dân, họ không dùng từ phúng viếng nho nhã như vậy…, bọn họ gọi là giấy điếu.
Làm tang sự không giống với làm những chuyện khác. Nhà nông vô cùng coi trọng việc này nhưng vì vật lực có hạn nên không thể đưa ra quà lễ có giá trị, lúc phúng viếng chỉ cần cầm theo một bó giấy lớn là được. Người nông dân đều mang theo loại quà này nên mới gọi là giấy điếu.
Dĩ nhiên cũng có người tặng vải trắng, còn có tặng tiền. Nhưng thật sự rất ít, chỉ có người giàu có hoặc thân thích có quan hệ vô cùng thân mật, đi lại đặc biệt gần gũi mới có thể làm như vậy.
Ngoài các bà con ở gần không phải báo tang, nhưng thân thích ở xa thì phải cử người đi báo.
Ngô Ngọc Xương và Ngô Ngọc Quý tới hỏi Liên Thủ Tín, có cần báo cho người thân nào không.
“Nhạc phụ của ta bên kia cần sai người đi báo một tiếng, cái này để Hàn Trung sắp xếp.” Liên Thủ Tín nói, về phần thân thích khác, Liên Thủ Tín suy nghĩ một lát liền đi hỏi Chu thị.
“Đều c.h.ế.t hết, không còn ai!” Chu thị nói chắc chắn.
Mọi người đều hai mặt nhìn nhau.
“Đại ca, có muốn đi báo cho bạn bè biết hay không?” Ngô Ngọc Xương hỏi Liên Thủ Nhân một câu.
Liên Thủ Nhân không nói, chỉ nhìn Liên Thủ Tín. Liên Thủ Tín cũng không nói, bế tắc một lúc, Liên Thủ Nhân cũng chỉ lắc đầu.
“Vậy cứ như vậy đi.” Ngô Ngọc Xương quyết định.
Liên lão gia tử không có người quen cũ qua lại, Chu thị chỉ qua lại với Đại Chu thị và Tiểu Chu thị, đều ở trong thôn nên không cần đặc biệt thông báo. Về phần nhà vợ của Liên Thủ Nhân, Liên Thủ Nghĩa và Liên Thủ Lễ đều đã sớm không còn qua lại với nhau.
Hai huynh đệ Ngô Ngọc Xương và Ngô Ngọc Quý dù chủ động làm người tiếp khách nhưng cũng có những chuyện muốn chủ nhà làm.
“Dì hai.” Ngô Ngọc Xương cẩn thận nói chuyện với Chu thị, “Dượng hai của cháu đã mất, chuyện đại sự này cần làm ra sao, còn cần dì lên tiếng.”
Ngô Ngọc Xương là người duy nhất trong số tất cả vãn bối của Chu thị, bao gồm cả những con cháu đông đảo của bà, trừ Liên Lan Nhi và Liên Tú Nhi, có thể gần gũi với Chu thị, cũng có thể làm cho Chu thị bình tĩnh hòa nhã nói chuyện. Từ đó có thể thấy được rõ ràng sự khôn khéo và khéo léo của Ngô Ngọc Xương.
“Ta là một bà già cô độc, ta có thể nói gì.” Chu thị trầm tư một lúc rồi nói, “Trong tay đến một đồng tiền cũng không có, đều do thằng nhãi Tứ Lang kia trộm đi hết rồi. Muốn làm gì thì ngươi cứ tìm bọn hắn.”
Nói xong câu này, Chu thị không lên tiếng nữa.
Ngô Ngọc Xương cũng không thể làm gì khác ngoài chuyển hướng sang bốn huynh đệ Liên Thủ Nhân, Liên Thủ Nghĩa, Liên Thủ Lễ và Liên Thủ Tín. Dù đời cháu là Liên Kế Tổ, Nhị Lang, Ngũ Lang, Lục Lang, Thất Lang đều ở đây nhưng ở chuyện này phải đứng sau bậc cha chú.
Một hồi im lặng, Liên Thủ Nhân, Liên Thủ Nghĩa và Liên Thủ Lễ đều không nói chuyện.
“Chuyện này làm phiền hai vị huynh đệ lo liệu. Phát tang cho lão gia tử, tiền bạc cần dùng đều do ta bỏ ra.” Liên Thủ Tín liền nói.
“Tứ đệ, ta vốn biết cách làm người của đệ, cũng không có gì để nói.” Ngô Ngọc Xương liền nói, “Đệ muội lại là người dễ chịu, vừa rồi ta mới nói cần vải bố, nàng đã sai người mang tới.”
Không chỉ là Ngô Ngọc Xương và Ngô Ngọc Quý, mọi người đều sớm đoán được, tất cả chi phí cho lễ tang của Liên lão gia tử đều do Liên Thủ Tín gánh. Ngô Ngọc Xương đặc biệt hỏi như vậy là cho đúng quy củ, không thể cứ chắc hẳn phải vậy, cũng là để Liên Thủ Tín có chút vẻ vang.
Một chuyện lớn đã quyết định xong, Ngô Ngọc Xương và Ngô Ngọc Quý đều càng thả lỏng sắp xếp.
Rèm cửa được tháo xuống, những đồ vật có màu sắc tươi đều bị cất đi, linh đường được sắp đặt theo đúng tập tục nhà nông, ngoài cửa lớn treo cờ trắng. Tây sương phòng được mở ra, dọn dẹp, đốt lò sưởi, đặt thêm chậm than, nhiều nàng dâu tới đây giúp đỡ, ngồi trên giường gạch nhanh tay cắt vải trắng, may đồ tang.
Vải trắng này tất nhiên là vải vừa rồi được Ngô Ngọc Xương nhắc tới, được Trương thị sai người lấy từ nhà ra.
Theo tập tục nhà nông, lão nhân mất, con trai, con dâu, con gái đều để tang, đều mặc quần áo tang, đội mũ tang, các cháu phải đội mũ tang, cháu trai còn phải đeo thắt lưng trắng, cháu trai cả thì mặc cả quần áo giống đời con trai, về phần quan hệ xa hơn một chút thì chỉ đội mũ tang, xa hơn nữa thì chỉ có một cái thắt lưng trắng.
Mấy nàng dâu làm luôn tay, chỉ một lát đã may xong đồ tang cho con cháu dòng chính của Liên gia, mọi người đều mặc vào. Liên Lan Nhi vốn cũng phải mặc áo tang nhưng cuối cùng chỉ nhận được mũ tang. La Bảo Tài và Kim Tỏa, Ngân Tỏa chỉ được một cái thắt lưng trắng.
Đây là do Liên Thủ Tín còn chưa cư xử đến mức đoạn tuyệt, nếu là người khác, chỉ sợ mấy thứ này cũng không có.
Theo quy củ, Chu thị cũng phải để tang.
Từ lúc Liên lão gia tử trút hơi thở cuối cùng, Chu thị vẫn ngồi trên giường gạch, không xuống đất. Lúc này, Tiểu Chu thị và Đại Chu thị đã sớm tới, một trái một phải giúp đỡ Chu thị. Hai người giúp Chu thị mặc đồ tang, lại bị Chu thị kéo ra.
Chu thị không nói chuyện, chỉ không chịu mặc đồ tang, chỉ mặc trang phục bình thường.