Biệt Thự Hà Lan

Chương 1

Khi Me-grê đến Đen-phơ-di vào một buổi chiều tháng năm, ông mới chỉ có những khái niệm sơ bộ về công chuyện đã kéo ông tới cái thị trấn nhỏ nằm ở cực Bắc nước Hà Lan này.

Một ông tên là Giăng Đuy-clô, giáo sư trường đại học Năng-xi (Nancy - Thành phố cách Pari 308 km trung tâm công thương nghiệp và hành chính lớn) đi thuyết giảng một vòng ở các nước phương Bắc. Đến Đen-phơ-di, ông ta là khách mời của một giáo sư trường Hàng hải, ông Pô-pin-ga. Ông Pô-pin-ga đã bị ám sát, và nếu như người ta không chính thức buộc tội vị giáo sư người Pháp thì ít ra cũng đã yêu cầu ông này không rời khỏi thị trấn và tự đặt mình dưới quyền quản lí của nhà chức trách Hà Lan.

Đó là tất cả, hay cũng gần như tất cả câu chuyện. Giăng Đuy-clô đã cấp báo cho trường đại học Năng-xi và trường này xin được Nha cảnh sát Tư pháp phái một viên chức của Nha đi công cán ở Đen-phơ-di.

Nhiệm vụ đó rơi vào Me-grê. Nhiệm vụ bán chính thức hơn là chính thức, mà ông còn làm cho nó ít chính thức hơn nữa vì đã quên không báo cho các đồng nghiệp Hà Lan biết việc ông đến đây.

Nhờ sự cẩn thận của Giăng Đuy-clô mà ông đã nhận được một bản báo cáo khá mơ hồ kèm theo một danh sách những người có ít nhiều liên quan đến câu chuyện.

Khi tàu lửa gần đến ga Đen-phơ-di, ông đem bảng danh sách đó ra xem.

- Côn-rát Pô-pin-ga (nạn nhân), bốn mươi hai tuổi, cựu thuyền trưởng tàu viễn dương, giáo sư trường Hàng hải Đen-phơ-di. Có vợ. Không có con. Nói thạo tiếng Anh, tiếng Đức và khá thạo tiếng Pháp.

- Lix-bét Pô-pin-ga, vợ ông ta, con gái một vị hiệu trưởng trường Trung học Am-xtec-đam (thủ đô Hà Lan). Rất có học. Hiểu biết sâu tiếng Pháp.

- A-ni Van Et em gái út của Lix-bet Pô-pin-ga tạm trú vài tuần lễ ở Đen-phơ-di. Vừa bảo vệ xong luận án tiến sĩ luật, hai mươi lăm tuổi. Biết một ít tiếng Pháp nhưng nói kém.

- Gia đình Vi-ê-nan, ở một tòa biệt thự bên cạnh nhà Pô-pin-ga. Ông Các Vi-ê-nan là giáo sư toán học ở trường Hàng hải. Có vợ và hai con. Không biết tí tiếng Pháp nào.

- Bét Li-ê-ven, mười tám tuổi, con gái một chủ trại chuyên xuất khẩu bò cái thuần chủng. Hai lần sang Pa-ri. Tiếng Pháp hoàn bảo.

Chẳng nói lên gì cả. Những cái tên không gợi được điều gì, ít ra là đối với Me-grê khi ông từ Pa-ri tới đây sau một đêm cộng nửa ngày xe lửa.

Đen-phơ-di làm ông bối rối ngay từ lúc đầu tiếp xúc. Lúc mờ sáng, ông đã đi qua cả đất nước Hà Lan cổ truyền của hoa tuy-lip, rồi thành phố Am-xtec-đam mà ông quen thuộc. Vùng Đrăng, cái hoang mạc thực sự đầy thạch thảo, với 30 cây số đường chân trời bị những con sông đào xẻ nát, đã làm ông kinh ngạc.

Giờ đây ông rơi vào một cảnh trí chẳng có gì giống như những chiếc bưu ảnh Hà Lan, cảnh trí mang tính cách phương Bắc gấp trăm lần hơn ông tưởng.

Một thị trấn nhỏ: nhiều nhất là mười hay mười lăm đường phố lát gạch đẹp màu đỏ xếp đều đặn như những viên gạch men trong nhà bếp. Những ngôi nhà nhỏ, cũng bằng gạch, được trang trí bằng vô vàn viên ốp có màu sắc tươi vui.

Đó là một đồ chơi. Còn giống đồ chơi hơn bởi một con đê bao kín quanh thị trấn. Những lối đi qua con đê này có thể được đóng lại khi biển động, nhờ những cánh cổng nặng nề tựa như cánh cửa cống.

Phía bên kia là cửa sông Emx. Biển Bắc. Một dải ruy-băng dài ánh bạc. Những con tàu chở hàng đang dỡ hàng dưới những cần cẩu bạc ngoài ke. Những chiếc ca-nô và hằng hà sa số tàu buồm, lớn như những xà lan chở hàng, nặng như những xà lan ấy nhưng dư sức để vượt sóng đại dương.

Trời có nắng, Viên xếp ga đội một chiếc mũ cát két màu cam mà ông ta dùng để chào mừng người du khách lạ một cách hoàn toàn tự nhiên.

Trước mặt có một tiệm cà phê. Me-grê vào tiệm chỉ dám ngồi mớm xuống ghế. Không chỉ bóng lộn như một căn phòng ăn của gia đình tiểu tư sản, mà có cả cái không khí thân mật như ở đấy.

Một cái bàn duy nhất, với tất cả các tờ nhật báo trải rộng trên những thanh tròn bằng đồng. Chủ quán đang uống bia với hai người khách, đứng lên để tiếp Me-grê.

- Ông nói được tiếng Pháp chứ? - Me-grê hỏi.

Chủ quán lắc đầu. Với một chút ngượng nghịu.

- Cho tôi bia.. Bier.

Và, khi đã ngồi xuống, Me-grê rút mẩu giấy trong túi ra. Cái tên cuối cùng đập vào mắt ông. Ông chỉ vào đấy, phát âm hai bay ba lần:

- Li-ê-ven.

Ba người trong quán bắt đầu trao đổi với nhau. Rồi một người trong bọn đứng lên, một anh chàng to lớn đội chiếc cát két thủy thủ, anh ta ra hiệu cho vị khách nước ngoài đi theo mình.

Me-grê chưa có tiền Hà Lan và muốn đổi một tờ giấy bạc một trăm phơrăng, nhưng anh ta cứ nhắc đi nhắc lại:

- Morgen!... Morgen!

Ngày mai! Chỉ có việc trở lại thôi!

Thật là thân thiết. Có một cái gì thật giản dị, ngây thơ nữa là khác. Không nói năng chi, người dẫn đường dẫn Me-grê qua những đường phố của thị trấn nhỏ. Phía bên trái, một nhà kho chất đầy mỏ neo cũ, thừng chão, dây xích, phao với la bàn lấn cả ra vỉa hè. Xa hơn, một người thợ chằm buồm đang làm việc trên ngưỡng cửa nhà mình.

Và quầy kính hiệu bánh trưng ra một bộ chọn lọc phi thường những loại sô-cô-la và kẹo bánh.

- Không nói Ăng-lê?

Me-grê ra hiệu không.

- Không nói Đức?

Cũng thế, và người đàn ông đành im lặng.

Đến cuối một đường phố, đã là nông thôn rồi: những cánh đồng xanh biếc, một dải sông đào, gỗ phương Bắc nổi bập bềnh gần kín bề rộng mặt sông đợi được kéo đi qua suốt đất nước.

Khá xa, một mái nhà lớn bằng ngói sơn

- Nhà Li-ê-ven!... Dag, mijnheer!... (chào ông)

Và Me-grê một mình đi tiếp con đường, sau khi đã không quên tìm cách cảm ơn người đàn ông, tuy không quen biết, đã cuốc bộ đi giúp ông.

Bầu trời không gợn mây, một sự trong trẻo kì lạ.

Me-grê đi dọc theo một công trường toàn gỗ, súc gỗ sồi, gỗ đào hoa tâm, gỗ tếch có chiều cao bằng nóc nhà.

Có một con tàu đang cột. Những đứa trẻ nô đùa. Rồi đến một cây số vắng teo. Vẫn những thân cây trên dải sông đào. Những rào chắn màu trắng xung quanh cánh đồng lác đác những con bò đẹp.

Khung cảnh hiện ra trước mắt, khác xa với khái niệm sẵn có trong đầu, cái từ trang trại gợi cho Me-grê một mái tranh, những đống phân, súc vật lúc nhúc.

Và ông thấy mình đứng trước một kiến trúc mới, đẹp mắt, bao quanh là một sân cỏ chói lọi những hoa. Trên con sông đào đằng trước, một chiếc ca nô bằng gỗ đào hoa tâm với những đường nét thanh tao. Dựa vào hàng rào chắn song là một chiếc xe đạp đầm mạ kền sáng loáng.

Ông hoài công tìm một cái chuông. Ông gọi mà chẳng được trả lời. Một con chó chạy đến cọ vào người ông.

Phía bên trái ngôi nhà có một tòa dài với hàng cửa sổ đều đặn không có màn che, nếu không vì chất lượng của vật liệu và nhất là nếu không có những nước sơn diêm dúa thì người ta nghĩ đó là cái nhà để xe.

Một tiếng bê rống từ đó vọng tới, Me-grê tiến lên phía trước, đi vòng quanh những bồn hoa và thấy mình đứng trước một cái cửa mở rộng.

Tòa nhà là một cái chuồng bò, nhưng một chuồng bò sạch như nhà ở. Chỗ nào cũng là gạch đỏ khiến bầu không khí tỏa ra ánh sáng ấm áp thậm chí xa hoa. Những cái rãnh thoát nước. Một hệ thống cơ khí phân phối thức ăn vào cầu mảng. Và sau mỗi ngăn chuồng là một cái ròng rọc, về sau Me-grê mới biết lí do tồn tại của nó là để treo cao đuôi bò trong khi vắt sữa, giữ cho sữa khỏi bẩn.

Trong nhà lờ mờ tối. Lũ súc vật đang ở bên ngoài, trừ một con nằm nghiêng trong ngăn chuồng đầu tiên.

Và một cô gái tiến lại gần ông khách.

- Phải cô Li-ê-ven?

- Vâng.. ông là người Pháp?

Vừa nói cô vừa nhìn con bò cái. Cô có một nụ cười, một vẻ mặt hơi giễu cợt mà Me-grê thoạt tiên không hiểu.

Và ở đây, những quan niệm sẵn có lại một lần nữa tỏ ra sai lầm. Bét Li-ê-ven đi đôi ủng cao su đen trông như một nữ kỵ sĩ.

Phía trên, một áo dài lụa xanh mà chiếc tạp dề y tá che kín gần hết.

Một gương mặt hồng có thể là quá hồng nữa. Một nụ cười lành mạnh, vui tươi, nhưng thiếu sự tế nhị.

Đôi mắt to một màu xanh men sứ. Mớ tóc màu hung.

Chắc cô phải tìm những từ tiếng Pháp đầu tiên để nói, khi phát âm cô uốn giọng hơi nhiều. Nhưng rồi cô làm quen trở lại với thứ tiếng này không lâu.

- Ông muốn nói chuyện với bố tôi?

- Với cô.

Cô gái suýt phì cười.

- Xin ông tha lỗi... Bố tôi đi Grô-nin-ghen (thành phố phía Đông Bắc Hà Lan). Mãi đến chiều mới về. Hai anh đầy tớ thì đang dỡ than ngoài sông đào... Bà người ở đi chợ... Con bò lại chọn đúng lúc này mà đẻ... Không ai lường trước. Có mỗi một mình tôi...

Cô tựa người vào một cái tời mà cô chuẩn bị cầu may, phòng khi phải giúp con vật. Cô cười phô cả hai hàm răng.

Bên ngoài trời nắng. Đôi ủng của cô bóng loáng như quang dầu. Cô có hai bàn tay mũm mĩm và hồng hào, móng tay tỉa tót.

- Vì chuyện Côn-rát Pô-pin-ga mà...

Nhưng cô nhíu mày. Con bò vừa chồm dậy một cách đau đớn rồi lại nặng nề ngã xuống.

- Chú ý... Ông vui lòng giúp tôi chứ?...

Cô lấy đôi găng tay cao su đã chuẩn bị sẵn.

Me-grê bắt đầu cuộc điều tra này như thế, bằng cách giúp một con bê thuần giống phơ-ri ra đời, hợp sức với một cô gái có những động tác quả quyết tỏ ra người có luyện tập thể thao.

Nửa giờ sau, trong khi con bê mới đẻ đã đi tìm vú mẹ, ông cùng với Bét cúi mình dưới một chiếc vòi nước bằng đồng đỏ và rửa tay xà bông đến tận khuỷu.

- Chắc đây là lần đầu tiên ông làm cái nghề này? - Cô gái hỏi.

- Lần đầu...

Cô gái mới mười tám tuổi. Khi cô kéo bỏ chiếc tạp dề trắng, cái áo lụa tạc nên những khuôn hình đầy đặn cơ thể vì không khí ngập nắng thì có cái gì đó hấp dẫn hết sức.

- Chúng ta vừa uống trà vừa nói chuyện.. Xin mời lên nhà...

Bà người ở đã về. Phòng khách khắc khổ, hơi tối, nhưng tiện nghi chọn lọc tinh tế. Những ô kính cửa sổ nho nhỏ phảng phất màu hồng tế nhị mà Me-grê chưa bao giờ thấy.

Một tủ sách đầy sách. Nhiều công trình viết về chăn nuôi và nghệ thuật thú y... Trên tường, những huy thương vàng giành được trong các dịp hội chợ quốc tế và những văn bằng.

Giữa tất cả những thứ đó là những quyển sách mới nhất của Clô-đen, Ang-đrê Git, Va-lé-ry.

Bét mỉm một nụ cười thật đỏm dáng:

- Ông có muốn thăm phòng tôi không?

Và cô dò xem cảm tưởng của khách.

Không có giường, mà một chiếc đi văng bọc nhung xanh. Tường căng vải toan Giu-y.

Những tầng ngăn và lại đầy sách, một con búp bê mua ở Pa-ri kêu sột soạt.

Một căn phòng con gái, gần như thế, nhưng có một khung cảnh hơi nặng nề, vững chãi, chín chắn..

- Không giống như ở Pa-ri sao?

- Tôi muốn cô kể cho nghe những gì xảy ra vào tuần trước.

Khuôn mặt Bét sầm lại tuy nhiên không quá mức, không đủ để tin là cô nhìn sự kiện một cách bi thảm.

Nếu không thì liệu cô có nụ cười rung lên niềm kiêu hãnh khi giới thiệu căn phòng của cô như thế chăng?

- Ta đi uống trà đi..

Và hai người ngồi đối diện trước bình trà phủ một loại vải đay giữ cho nước khỏi nguội.

Bét lại phải tìm từ. Cô nói khá hơn, cô dùng quyển tự điển và đôi lúc lại ngừng khá lâu để tra từ cần diễn đạt cho chính xác.

Con tàu lướt trên sông đào, căng một cánh buồm lớn màu xám và phải chống sào vì không có gió. Nó len lỏi giữa những thân cây cồng kềnh cả mặt sông.

- Ông chưa đến đằng nhà Pô-pin-ga sao?

- Tôi mới đến đây được có một tiếng và chỉ đủ thì giờ giúp con bò cái của cô đó thôi.

- Phải... Côn-rát là một anh chàng đáng yêu, một con người thật sự dễ có thiện cảm... Anh ta thoạt tiên đi khắp các nước, làm thuyền phó hai rồi thuyền phó nhất... Tiếng Pháp cũng gọi như thế nhỉ?... Rồi khi đã có bằng thuyền trưởng, anh ấy cưới vợ, vì bà vợ mà anh ấy nhận một chân giáo sư ở trường Hàng Hải... Chẳng thú vị lắm. Anh có một du thuyền nhỏ... Nhưng bà Pô-pin-ga sợ nước... Anh phải đem bán đi... Anh chỉ còn một chiếc ca nô trên sông đào... Ông đã thấy chiếc của tôi chưa?... Gần giống chiếc ấy! Buổi tối anh dạy cua riêng cho học sinh... Anh ấy làm việc nhiều lắm...

- Anh ta ra sao?

Cô không hiểu ngay câu hỏi. Cuối cùng cô đi tìm một bức ảnh chụp một chàng trai lớn con, má phính, tóc cắt ngắn, trông ra vẻ thật thà và khỏe mạnh.

- Còn rất trẻ. Chẳng ai bảo anh ấy đến bốn mươi tuổi, phải không? Bà vợ già hơn... có thể bốn mươi lăm... Ông chưa thấy à? Và không hoàn toàn hợp ý nhau. Chẳng hạn như... Ở đây mọi người đều theo Tin lành, phải không nào... Tôi theo Nhà thờ hiện đại. Lix-bét Pô-pin-ga, bà ấy lại theo Nhà thờ quốc gia phái này khắc khổ hơn... Các ông gọi sao nhỉ? Bảo thẩu?

- Bảo thủ...

- Phải! Và bà ấy chủ trì mọi việc từ thiện..

- Cô không thích bà ấy?

- Vâng... Nhưng đó là chuyện khác... Bà ta là con gái một ông hiệu trưởng trường trung học, ông hiểu chứ? Còn tôi, bố tôi chỉ là chủ trại... Tuy nhiên bà ta rất dịu dàng, rất tử tế...

- Chuyện gì đã xảy ra?

- Ở đây thường có những cuộc nói chuyện... Đây là một thị trấn nhỏ. Năm nghìn dân. Chỉ là vì người ta muốn theo sát các lí thuyết mới... Thứ năm tuần trước là giáo sư Đuy-clô ở Năngxi. Ông có biết chứ?

Cô rất ngạc nhiên vì Me-grê không biết vị giáo sư mà cô ngỡ là niềm vinh quang của nước Pháp.

- Một luật gia cỡ lớn... Chuyên gia về những vấn đề tội phạm và... dùng từ thế nào nhỉ? Nhà tâm lí học... Ông ta đã nói về trách nhiệm của những kẻ tội phạm. Nói thế đúng chứ? Nếu tôi nói sai, ông phải bảo nhé.

Bà Pô-pin-ga là chủ tịch của hội... Các thuyết trình viên bao giờ cũng được tiếp đón tại nhà bà.

Lúc 10 giờ, có một cuộc họp mặt thân mật... Giáo sư Giăng Đuy-clô, Côn-rát Pô-pin-ga và vợ anh ấy, rồi Vi-ê-nan, vợ con ông này... Với tôi...

Tại nhà Pô-pin-ga... Cách đấy một cây số, cũng trên sông Am-xtec-đi-ep... Am-xtec-đi-ep là con sông đào mà ông thấy... Mọi người uống rượu vang và ăn bánh ngọt... Côn-rát mở máy V.T.Đ. Còn có cô A-ni, tôi quên mất, cô em gái của bà Pô -pin-ga, là nữ luật sư... Côn-rát muốn nhảy. Người ta đã cuốn thảm lên.

Gia đình ông Vi-ê-nan về trước vì có trẻ con... Thằng bé út khóc... Họ ở bên cạnh nhà Pô-pin-ga... Đến nửa đêm, A-ni buồn ngủ... Tôi có xe đạp.. Côn-rat đi đưa tôi về.. Anh ta cũng lấy xe đạp của mình.

Mãi đến sáng hôm sau chúng tôi mới biết tấn thảm kịch... Cả Đen-phơ di náo động...

Tôi không tin rằng lỗi tại tôi... Khi Côn-rát quay vô nhà, anh ấy muốn cất xe vào nhà kho, đằng sau nhà...

Người ta đã bắn bằng súng lục... Anh chết sau đó nửa giờ.

Tội nghiệp Côn-rát... Miệng anh há ra...

Cô chùi một giọt nước mắt trông thật ngộ nghĩnh trên gò má trơn bóng màu hồng giống như vỏ trái táo chín ruỗm....

- Đầu đuôi có thế?

- Vâng... cảnh sát từ Grô-nin-ghen đến giúp sức cho cảnh sát địa phương... Họ bảo rằng người ta từ trong nhà bắn ra... Hình như người ta đã thấy ông giáo sư sau lúc đó đi xuống cầu thang với một khẩu súng lục trong tay... Và chính là khẩu súng đã bắn...

- Giáo sư Giăng Đuy-clô?

- Vâng... Do đó người ta không cho ông ấy ra đi.

- Tóm lại, lúc đó ở trong nhà có bà Pô-pin-ga, cô A-ni em gái bà ta và giáo sư Đuy-clô...

- Vâng.

- Và, lúc tối, còn có thêm gia đình Vi-ê-nan, cô và Côn-rát..,

- Còn có Cor. Tôi quên...

- Cor?

- Tức là Con-nê-li-uýt,.. Một học sinh trường Hàng Hải học thêm cua riêng.

- Cậu này về lúc nào?

- Cùng lúc với Côn-rát và tôi... Nhưng cậu ấy đã quay xe đạp đi về hướng bên trái để trở về con tàu nhà trường trên sông đào Emx. Ông dùng đường chứ?

Trà bốc khói trong các tách. Một chiếc xe hơi vừa dừng dưới chân thềm nhà ba bậc. Lát sau, một người đàn ông bước vào, ông ta cao lớn, vai rộng, tóc muối tiêu, gương mặt nghiêm nghị, một sự nặng nề làm tăng vẻ trầm lặng.

Đó là ông chủ trại Li-ê-ven, ông đợi cô con gái giới thiệu khách với mình.

Ông siết mạnh bàn tay Me-grê nhưng không nói gì hết.

- Bố tôi không nói được tiếng Pháp..

Cô rót cho bố một tách trà, ông đứng uống từng ngụm một. Rồi cô cho ông hay việc chú bê ra đời, bằng tiếng Hà Lan.

Chắc chắn cô có nói đến vai trò của viên chỉ huy trưởng trong hoàn cảnh ấy, vì ông nhìn người khách một cách ngạc nhiên không phải không pha chút giễu cợt, rồi sau một cái chào cứng đờ, ông đi vào chuồng bò.

- Người ta đã bỏ tù giáo sư Đuy-clô?

- Không! Ông ta ở khách sạn Van Hát-xen, với một người cảnh sát.

- Còn Côn-rát?

- Người ta đã chở xác anh ấy đến Grô-nin-ghen... Cách 30 cây số... Một thành phố lớn có trăm ngàn dân, với một trường đại học, bữa trước Giăng Đuy-clô đã được tiếp đón ở đó... Thật là kinh khủng, phải không ông?... Không hiểu được.

Có thể là kinh khủng. Nhưng điều đó người ta không cảm thấy! Chắc chắn là vì cái không khí trong trẻo này, vì cảnh trí êm đềm và tiện nghi, tách trà đang bốc khói và vì toàn bộ cái thị trấn nhỏ bé này có vẻ như một đồ chơi được dựng trên bờ biển để cho vui.

Cúi mình bên cửa sổ, người ta nhìn thấy ống khói và ca-bin của một con tàu chở hàng đang dỡ hàng vượt cao trên thị trấn bằng gạch đỏ. Và những con tàu trên sông Emx buông mình trôi theo dòng nước ra đến tận biển.

- Côn-rát thường hay đưa cô về nhà?

- Mỗi lần tôi đến nhà anh ấy. Đó là một người bạn.

- Bà Pô-pin-ga không ghen à?

Me-grê tình cờ mà hỏi câu ấy vì ánh mắt ông vừa chạm phải bộ ngực quyến rũ của cô gái trẻ và có thể vì một làn hơi nóng hổi từ đó vừa phả vào má ông.

- Vì sao?

- Tôi cũng không hiểu... Buổi tối. Chỉ hai người.

Cô cười, lộ hàm răng đẹp.

- Ở Hà Lan bao giờ chẳng thế... Cor cũng đưa tôi về.

- Và cậu ấy không si tình chứ?

Cô gái không trả lời có hay không, cô cười cùng cục. Dùng đúng chữ. Một tiếng cười cùng cục khẽ khọt của sự làm dáng được thỏa mãn.

Qua cửa sổ, người ta thấy ông bố mang con bê ra khỏi chuồng như ẵm một đứa bé mới đẻ và đặt nó trên bãi cỏ giữa nắng trời.

Con vật lẩy bẩy trên bốn cái cẳng quá mảnh mai, suýt ngã quỵ xuống, đột nhiên phóng đi được bốn hay năm thước rồi đứng bất động.

- Côn-rát không bao giờ ôm hôn cô à?

Lại cười, nhưng kèm một chút xíu đỏ mặt.

- Có.

- Và Cor?...

Lần này cô làm bộ hơn, ngoảnh đầu sang một bên.

- Cũng có... Tại sao ông hỏi tôi chuyện ấy?

Cô có một cái nhìn rất ngộ. Có thể cô trông đợi đến lượt Me-grê ôm hôn cô?

Ông bố gọi cô ở bên ngoài. Cô mở cửa sổ, ông nói với cô bằng tiếng Hà Lan. Khi quay mình lại, cô nói:

- Xin lỗi, tôi phải đi tìm ông thị trưởng trên phố, để làm lí lịch cho con bê... Quan trọng lắm... Ông không đi Đen-phơ-di à?

Me-grê đi ra với cô. Cô nắm tay lái chiếc xe đạp mạ kền và bước đi bên cạnh ông, hơi đưa đẩy đôi mông đã xề như mông đàn bà.

- Xứ sở đẹp đấy chứ ông?... Tội nghiệp Côn-rát không còn được thấy nó! Ngày mai khai mạc mùa tắm!... Những năm trước anh ấy ngày nào cũng đến bãi tắm... Anh ở hằng giờ dưới nước.

Mé-grê vừa đi vừa nhìn xuống.
Bình Luận (0)
Comment