Biểu Tượng Thất Truyền

Chương 106

Mặc độc chiếc khố lụa, Mal’akh phóng lên lối dốc, đi qua cánh cửa thép và bước ra phòng khách qua bức tranh. Ta cần chuẩn bị thật nhanh. Gã liếc xác chết của tay đặc vụ CIA nơi tiền sảnh. Căn nhà này không còn an toàn nữa.

Một tay cầm chiếc kim tự tháp đá, Mal’akh bước thẳng tới phòng đọc sách ở tầng 1 và ngồi xuống bên chiếc máy tính xách tay. Vừa đăng nhập, gã vừa nghĩ đến Langdon ở dưới nhà và tự hỏi phải bao nhiêu ngày hoặc tuần nữa người ta mới phát hiện ra xác chết ngâm nước trong tầng hầm bí mật. Nhưng cũng chẳng có gì khác cả. Khi đó Mal’akh đã cao chạy xa bay rồi.

Langdon thực hiện vai trò của mình rất… xuất sắc.

Anh không chỉ ráp các phần của Kim tự tháp Tam điểm mà còn nghĩ ra cách giải bảng biểu tượng bí hiểm dưới đế. Thoạt nhìn, tưởng chừng không thể giải mã nổi những biểu tượng ấy… nhưng câu trả lời rất đơn giản… hiện rõ ngay trước mặt họ.

Máy tính bắt đầu hoạt động, màn hình hiển thị chính bức thư điện tử gửi đến lúc trước: tấm ảnh chụp chóp vàng phát sáng, một phần bị ngón tay của Warren Bellamy che đi.

Tám… quảng trường Franklin… Katherine đã cho Mal’akh biết như vậy. Cô cũng thừa nhận đám đặc vụ CIA đang phục kích ở Quảng trường, hy vọng tóm được Mal’akh và cố đoán xem cái chóp muốn ám chỉ tổ chức nào. Hội Tam điểm? Hiệp sĩ Đền thánh? Thập tự Hoa hồng?

Không phải tổ chức nào trong số đó hết!, giờ thì Mal’akh hiểu rõ như vậy. Langdon đã nhìn ra sự thật! Mười phút trước, khi chất lỏng dâng quanh mặt, vị Giáo sư Harvard đã đoán được chìa khoá để giải cái kim tự tháp.

- Ô vuông Franklin bậc tám! - anh đã hét to như vậy, vẻ khiếp hãi ngập tràn ánh mắt - Bí mật nằm ngay trong ô vuông Franklin bậc tám!

Thoạt đầu. Mal’akh không hiểu.

- Đó không phải là một địa chỉ! - Langdon hét, miệng áp chặt vào ô cửa sổ kính Plexiglas - Ô vuông Franklin bậc tám! Đó là một ma phương - Sau đó anh nhắc đến Albrecht Durer… và giải thích cách dùng mật mã đầu tiên của kim tự tháp làm manh mối phá giải mật mã cuối cùng.

Mal’akh rất quen thuộc với các ma phương, hay kameas như cách gọi của các tín đồ chủ nghĩa thần bí sơ khai. Văn bản cổ Triết học Thần bí từng mô tả tỉ mỉ sức mạnh huyền diệu của ma phương cũng như cách thức thiết kế những con dấu quyền năng dựa trên hệ thống các chữ số kỳ ảo ấy, và Langdon nói rằng chìa khoá giải mã phần đế kim tự tháp nằm trong một ma phương…

- Anh cần một ma phương mỗi chiều tám ô! - vị Giáo sư hét to, môi anh là phần cơ thể duy nhất còn nhô lên khỏi chất lỏng - Các ma phương được xếp loại theo bậc! Một hình vuông mỗi chiều ba ô là "bậc ba"! Một hình vuông mỗi chiều bốn ô là "bậc bốn!" Anh cần một hình vuông "bậc tám"!

Chất lỏng sắp sửa nhấn chìm Langdon, vị Giáo sư hít lấy hơi thở tuyệt vọng cuối cùng và hét nốt điều gì đó về một hội viên Tam điểm nổi tiếng… người sáng lập nước Mỹ… nhà khoa học, thần bí chủ nghĩa, nhà toán học, nhà phát minh… cũng là người sáng tạo ra ma phương kỳ lạ mang tên ông cho đến ngày nay.

Franklin.

Chỉ nháy mắt. Mal’akh biết Langdon đã nói đúng.

Giờ đây, nín thở đầy hi vọng, gã ngồi trên gác bên chiếc máy tính của mình, thực hiện một lệnh tìm kiếm nhanh trên web, nhận được hàng chục kết quả, chọn lấy một và bắt đầu đọc.

Ô VUÔNG FRANKLIN BẬC TÁM

Một trong những ma phương nổi tiếng nhất lịch sử là ma phương bậc tám do nhà khoa học Mỹ Benjamin Franklin công bố năm 1769. Nó nổi tiếng nhờ bao gồm cả các "phép tổng đường chéo" hoàn toàn mới mẻ. Nỗi ám ánh của Franklin với hình thức nghệ thuật thần bí này chắc chắn bắt nguồn từ niềm tin vào chiêm tinh, từ mối liên hệ cá nhân của ông với các nhà giá kim và nhà thần bí chú nghĩa nổi bật đương thời, tất cả là nền tảng cho những dự đoán công bố trong cuốn Niên giám của Richard tội nghiệp.

Mal’akh nghiên cứu sáng tạo nổi tiếng của Franklin, xem xét cách bố trí có một không hai các con số từ 1 đến 64, trong đó mỗi hàng, cột, và đường chéo đều cho cùng một hằng số kỳ lạ. Bí mật nằm ngay trong ô vuông Franklin bậc tám.

Mal’akh mỉm cười. Run lên vì phấn khích, gã vớ lấy kim tự tháp đá và lật nghiêng nó để xem xét phần đế.

Sáu mươi tư biểu tượng này cần được tổ chức lại và sắp xếp theo một trật tự khác, căn cứ theo các con số trong ma phương của Franklin. Mal’akh không thể hình dung được làm thế nào mà bảng biểu tượng hỗn độn này tạo thành ý nghĩa khi sắp xếp theo một trật tự khác, nhưng gã rất tin tưởng vào lời hứa hẹn cổ xưa.

Ordo ab chao.

Tim đập rộn lên, gã lôi ra một tờ giấy và nhanh nhẹn vẽ một bảng mỗi chiều tám ô. Sau đó, gã bắt đầu điền các biểu tượng, lần lượt từng cái một, vào vị trí theo định nghĩa mới của chúng. Gần như ngay lập tức, trước sự kinh ngạc của gã, bảng biểu tượng bắt đầu bộc lộ ý nghĩa.

Trật tự từ hỗn loạn! Giải mã xong, Mal’akh nghi hoặc nhìn đáp án trước mặt. Một hình ảnh ấn tượng đã định hình. Cái mớ lộn xộn đã được biến cải… tổ chức lại… và mặc dù Mal’akh không thể nắm được ý nghĩa của toàn bộ thông điệp nhưng gã đủ hiểu… đủ để biết chính xác bây giờ cần đi về đâu.

Kim tự tháp chỉ đường.

Bảng biểu tượng trỏ tới một trong những địa điểm bí ẩn vĩ đại của thế giới. Thật không tin nổi, đó cũng chính là nơi hoàn tất hành trình mà Mal’akh luôn mơ ước.

Đúng là số phận.
Bình Luận (0)
Comment