Biểu Tượng Thất Truyền

Chương 85

Biến cải.

Đức cha Galloway nghe rõ mọi việc xảy ra, và vì thế ông không cần phải nhìn thấy.

Phía bên kia bàn, Langdon và Katherine đều lặng phắc, rõ ràng là đang sững sờ ngó cái hộp đá vừa biến đổi ngay trước mắt họ.

Galloway không nén nổi nụ cười. Ông đã đoán trước được kết quả, mặc dù chưa rõ diễn biến mới sẽ giúp họ giải quyết câu đố của kim tự tháp ra sao, nhưng chí ít ông cũng thích thú tận dụng cơ hội hiếm hoi này để dạy một chuyên gia ký tượng học Harvard đôi điều về các biểu tượng.

- Giáo sư. - cha chánh xứ lên tiếng - ít người nhận ra rằng các hội viên Tam điểm rất sùng kính hình hộp, hay đá khối theo cách gọi của chúng tôi, bởi vì nó chính là hình thức thể hiện ba chiều của một biểu tượng khác… xa xưa hơn, một biểu tượng hai chiều - Galloway không hỏi xem liệu anh Giáo sư kia có nhận ra biểu tượng đang nằm ngay trước mặt họ không. Đó là một trong những biểu tượng cổ và nổi tiếng nhất thế giới.

° ° °

Robert Langdon chăm chăm nhìn cái hộp đã thay hình đổi dạng trên bàn, tâm trí rối bời. Mình không hề biết.

Mới đây thôi, anh thọc tay vào hộp đá, cầm chiếc nhẫn Tam điểm và nhẹ nhàng xoay nó. Khi chiếc nhẫn xoay được 33 độ, cái hộp đột nhiên thay đổi ngay trước mắt anh. Khớp nối rã ra làm các mảnh vuông vốn là thành hộp tách rời nhau. Cái hộp sụm xuống, các thành và nắp hộp bung mở, bật cạch xuống mặt bàn.

Khối hộp trở thành một cây thánh giá, Langdon nghĩ. Giả kim thuậi tượng trưng.

Katherine kinh ngạc nhìn cái hộp đã bung.

Kim tự tháp Tam điểm có liên quan đến… Thiên Chúa giáo ư?

Trong khoảnh khắc, Langdon cũng nảy ra thắc mắc tương tự. Suy cho cùng, thánh giá Thiên Chúa giáo là một biểu tượng được các hội viên Tam điểm sùng kính, và chắc chắn có nhiều hội viên Tam điểm là tín đồ Thiên Chúa. Tuy nhiên, trong Hội Tam điểm còn khối người theo đạo Do Thái, Hồi, Phật. Ấn Độ và cả những tôn giáo mà vị tổ thần vẫn chưa được đặt tên. Hiển nhiên rất ít khả năng họ ưu tiên mỗi mình biểu tượng Thiên Chúa giáo. Ý nghĩa thực sự của hình chữ thập chợt lóe lên trong óc anh.

- Đó không phải là thánh giá, - Langdon cất tiếng và đứng dậy - Hình thập tự với bàn huyền điểm ở chính giữa là một biểu tượng nhị nguyên, tức một biểu tượng được tạo ra từ việc hợp nhất hai biểu tượng khác.

- Anh nói sao? - ánh mắt Katherine dõi theo Langdon trong khi anh đi đi lại lại.

- Từ thế kỷ thứ tư trở đi, thập tự mới trở thành biểu tượng Thiên Chúa giáo - Langdon giải thích - Trước đó rất lâu, nó được người Ai Cập sử dụng để thể hiện sự giao hoà hai chiều giữa con người và thần thánh. Thượng hạ tương liên. Nó là biểu hiện hữu hình cho giao lộ nơi con người và thánh thần hợp làm một.

- Ra vậy.

- Bàn huyền điểm, - Langdon nói - chúng ta đều biết nó mang rất nhiều ý nghĩa, một trong những nghĩa ít phổ biến nhất là hoa hồng. Hoa hồng là biểu tượng của giới giả kim về sự hoàn hảo. Nhưng khi đặt bông hồng vào chính giữa cây thập tự thì ta sẽ tạo ra một biểu tượng khác hẳn, đó là Thập tự Hoa hồng.

Galloway ngả người trên ghế, tủm tỉm cười.

- Ối chà chà! Giờ thì các vị hiểu ra rồi đấy.

Katherine cũng đứng lên.

- Tôi chưa thật hiểu đâu!

- Thập tự Hoa hồng, - Langdon cắt nghĩa - là một biểu tượng phổ biến trong Hội Tam điểm. Thực ra, chi phái Scottish Rite có một cấp độ gọi là "Hiệp sĩ Thập tự Hoa hồng" nhằm tôn vinh tổ chức Thập tự Hoa hồng vốn có nhiều đóng góp cho triết lý bí truyền của Hội Tam điểm xưa kia. Chắc Peter đã từng kể cho chị nghe về tổ chức Thập tự Hoa hồng. Trong đội ngũ họ có hàng chục nhà khoa học vĩ đại, tỉ dụ Hohn Dee, Elias Ashmole, Robert Fludd…

- Có - Katherine nói - Trong quá trình nghiên cứu, tôi đã đọc tất cả các tuyên ngôn của họ.

Mọi nhà khoa học đều nên làm như vậy, Langdon nghĩ thầm. Giáo phẩm Thập tự Hoa hồng - tên chính thức là Giáo phẩm Thập tự Hoa hồng Cổ xưa và Bí truyền - có một lịch sử huyền bí ảnh hưởng sâu rộng đến khoa học và gần như song hành cùng truyền thuyết về các Bí ẩn cổ xưa. Tri thức bí mật của các bậc hiền triết chỉ được ký thác cho những bộ óc sáng láng nhất để truyền lại đời sau. Phải thừa nhận rằng, danh sách những thành viên nổi tiếng của Thập tự Hoa hồng có thể lập nên một bộ từ điển vĩ nhân với những tên tuổi chói sáng thời Phục hưng châu Âu, chẳng hạn Paracelsus, Bacon, Fludd, Descartes, Pascal, Spinoza, Newton và Leibniz.

Theo học thuyết Thập tự Hoa hồng, trật tự được "xây dựng trên những chân lý mật truyền của quá khứ", những chân lý này hứa hẹn một nguồn hiểu biết sâu sắc về "lĩnh vực tinh thần" mà "hạng phàm phu tục tử" không bao giờ được phép biết đến. Qua nhiều năm tháng phát triển, biểu tượng của hội huynh đệ này luôn là một đoá hồng nở rộ trên cây thập tự trang trí lộng lẫy, nhưng sau đó, nó bắt đầu đơn giản hoá thành vòng tròn bao quanh dấu chấm gắn trên cây thập tự không trang trí - hình thức biểu thị sơ sài nhất của hoa hồng trên hình thức biểu thị sơ sài nhất của thập tự.

- Peter và tôi thường thảo luận về triết lý Thập tự Hoa hồng, - Galloway nói với Katherine.

Trong khi cha chánh xứ phác hoạ mối quan hệ tương hỗ giữa Hội Tam điểm và tổ chức Thập tự Hoa hồng, tâm trí Langdon quay trở lại với ý nghĩ dai dẳng bám lấy anh suốt cả buổi tối nay. Jeova Sanctus Unus. Cụm từ này có mối liên hệ nào đó với giả kim. Anh vẫn chưa nhớ được chính xác Peter từng nói gì với mình về Jeova Sanctus Unus, nhưng việc nhắc đến Thập tự Hoa hồng lại khuấy động ý nghĩ ấy lên. Nghĩ đi nào, Robert! Người ta cho rằng sáng lập viên Thập tự Hoa hồng, - Galloway vẫn giảng giải - là Christian Rosenkreuz, một người Đức theo chủ nghĩa thần bí. Nghe cái tên cũng biết chỉ là biệt danh, và biệt danh ấy có thể là của Francis Bacon. Mặc dù chẳng có bằng chứng gì, nhiều sử gia vẫn tin rằng Bacon sáng lập ra tổ chức này…

- Một biệt danh! - Langdon đột nhiên kêu lên, bản thân anh cũng phải kinh ngạc vì phát hiện đó - Đúng rồi. Jeova Sanctus Unus là một biệt danh?

- Anh đang nói về chuyện gì thế? - Katherine gặng hỏi.

Mạch máu trong người Langdon chảy nhanh hơn.

- Suốt buổi tối, tôi cố nhớ xem Peter đã nói gì với tôi về Jeova Sanctus Unus và mối quan hệ của cụm từ ấy với ngành giả kim. Cuối cùng tôi đã nhớ ra! Nó không có liên hệ nhiều với ngành giả kim mà chỉ với một nhà giả kim! Một nhà giả kim rất nổi tiếng?

Galloway cười húng hắng.

- Đến lúc rồi đấy, Giáo sư ạ. Tôi đã nhắc tới cái tên này hai lần và cả từ biệt danh nữa.

Langdon đăm đăm nhìn vị chánh xứ già.

- Cha biết rồi ư?

- Chà, tôi đã tự đề ra vài giả thuyết khi nghe anh bảo phần chữ khắc nói đến Jeova Sanctus Unus và được giải mã bằng cách sử dụng ma phương giả kim của Durer, đến khi anh tìm ra Thập tự Hoa hồng, tôi càng thêm chắc chắn. Chắc anh cũng biết, trong số tư liệu cá nhân của nhà khoa học mà chúng ta đang đề cập có cả một bản sao các tuyên ngôn Thập tự Hoa hong với chú giải kỹ càng.

- Là ai cơ? - Katherine hỏi.

- Một trong những nhà khoa học vĩ đại nhất thế giới! - Langdon đáp - Ông là một nhà giả kim, thành viên Hiệp hội Hoàng gia London, hiệp sĩ Thập tự Hoa hồng, và ông đã ký biệt danh lên một số tài liệu khoa học bí mật nhất của mình, biệt danh ấy là Jeova Sanctus Unus!

- Một Đức Chúa đích thực? - Katherine hỏi - Khiêm nhường nhỉ?

- Thực tế là một người rất vĩ đại đấy, - Galloway đính chính - ông ký tên như vậy bởi vì, cũng giống các bậc thầy giả kim cổ đại, ông hiểu bản thân mình chính là thánh nhân. Thêm nữa, mười sáu chữ cái trong Jeova Sanctus Unus có thể sắp xếp lại để ra được tên thật của ông theo tiếng Latin, cho nên nó là một biệt danh hoàn hảo.

Katherine lộ vẻ bối rối.

- Đảo các chữ cái trong Jeova Sanctus Unus thì sẽ được tên Latin của một nhà giả kim nổi tiếng ư?

Langdon vớ lấy mảnh giấy và cây bút chì trên bàn cha chánh xứ, miệng nói tay viết.

- Trong tiếng Latin, J và I có thể thay thế cho nhau, V và U cũng vậy. Theo đó, các chữ cái trong Jeova Sanctus Unus có thể sắp xếp lại thành đúng tên thật của người này.

Langdon viết ra mười sáu chữ cái: Isaacus Neutonuus.

Anh trao mảnh giấy cho Katherine và nói.

- Tôi chắc chị biết tiếng ông ấy.

- Isaac Newton? - Katherine hỏi lại, mắt nhìn tờ giấy - Đó là những gì dòng chữ khắc trên Kim tự tháp đang cố cho chúng ta biết ư?

Nhất thời, Langdon tưởng như mình đang quay trở lại Tu viện Westminster, đứng trước ngôi mộ hình kim tự tháp của Newton, nơi anh giác ngộ được một điều tương tự. Tối nay, nhà khoa học vĩ đại lại xuất hiện một lần nữa. Dĩ nhiên, đó không phải là sự trùng hợp… kim tự tháp, những điều bí ẩn, khoa học, tri thức mật truyền… tất cả đan xen vào nhau. Tên tuổi của Newton luôn là cột chỉ đường cho những người kiếm tìm tri thức bí mật.

- Isaac Newton, - Galloway lên tiếng - chắc chắn có liên hệ với cách giải mã ý nghĩa của kim tự tháp này. Tôi không tường tận mối liên hệ ấy nhưng…

- Quả là thiên tài - Katherine thốt lên, mắt mở to - Hoá ra đó là cách biến đổi kim tự tháp!

- Chị tìm ra rồi ư? - Langdon hỏi.

- Phải - Katherine đáp - Tôi không tin nổi là chúng ta lại không nhận thấy! Nó sờ sờ ngay trước mắt đây. Một quy trình giả kim rất đơn giản. Tôi có thể biến đổi cái kim tự tháp này bằng khoa học cơ bản. Khoa học của Newton!

Langdon căng óc cố hiểu.

- Đức cha Galloway, - Katherine nói - Cha vừa đọc cái nhẫn, nó nói rắng…

- Khoan! - người giáo sĩ già nua đột nhiên giơ ngón tay làm hiệu im lặng. Rất nhẹ nhàng, ông nghiêng đầu sang một bên như thể đang lắng nghe. Lát sau, ông đứng phắt dậy - Các bạn, rõ ràng kim tự tháp này có những bí mật còn chưa hé lộ. Tôi không hiểu cô Solomon lĩnh hội được gì, nhưng nếu cô ấy biết bước tiếp theo cho hai người thì coi như vai trò của tôi đã hoàn thành. Hãy thu dọn đồ đạc và không phải nói gì thêm với tôi nữa cả. Cứ để tôi ở lại trong bóng tối một lát. Tôi không muốn nhận lấy thứ thông tin mà các vị khách của chúng ta sắp tìm cách ép tôi chia sẻ.

- Các vị khách ư? - Katherine hỏi, cố lắng tai nghe - Con chẳng nghe thấy tiếng ai cả.

- Cô sẽ nghe thấy thôi, - Galloway đáp, tiến thẳng ra cửa - Nhanh lên đi!

- Ở bên kia thành phố, một trạm điện thoại đang cố gắng liên lạc với một máy di động đã vỡ nát trên Đại lộ Massachusetts. Không dò được tín hiệu, nó chuyển hướng cuộc gọi sang tin nhắn thoại.

- Robert! - giọng Warren Bellamy đầy hốt hoảng - Anh ở đâu?! Gọi ngay cho tôi. Có chuyện kinh khủng đang xảy ra!
Bình Luận (0)
Comment