Binh Lâm Thiên Hạ

Chương 641

Theo sự phân công, tuyến đông và tuyến bắc do Lý Điển phụ trách, Trương Liêu phụ trách tuyến nam và tuyến tây. Lý Điển dẫn theo 3 ngàn lính chạy về phía đông bắc, trong ánh trăng, y thấy vô số binh lính cao lớn mặc trọng giáp đang chiến đấu kịch liệt với bộ hạ của mình.

Quân địch hung hãn vô cùng, những nơi lưỡi đao đi qua máu bay tứ tung. Khắp nơi đều là lính Tào cụt chân, đứt tay máu tanh nồng nặc, cũng may quân địch hành động bất tiện, phần đông đã bị xe chở quân nhu chặn lại.

Đầu của Lý Điển như muốn nổ tung, y biết trọng giáp bộ binh là bộ binh nổi tiếng nhất của quân Hán.

Lúc này, phía sau y có một tên lính Tào hô to:

- Tướng quân, có mấy trăm quân địch đã vào vùng trung tâm rồi.

Lý Điển nghiêng đầu, trong bóng đêm chỉ thấy ánh lửa trên núi cao ngập trời, lửa cháy nghi ngút, đó là chỗ để cỏ khô, khắp nơi đều có ngựa và súc vật chạy trốn, loạn thành một bầy. Lúc Lý Điển cảm giác chân tay luống cuống thì có một gã kỵ binh vội vàng chạy tới hô lên:

- Lý tướng quân, Trương tướng quân mời ngài chặn địch đi vào vùng cửa, quân địch ở vùng trung tâm để ông ấy ứng đối.

Trong lòng Lý Điển bỗng được thả lỏng, y vẫy thương hô lớn:

- Các huynh đệ, theo ta chặn quân địch lại!

Lúc này 1500 quân Tào ở phía đông bắc thì đã phải bỏ mạng 1 ngàn người, mấy trăm người còn lại đang chiến đấu kịch liệt với đối phương. Trong lòng Lý Diển vừa sợ vừa giận dữ, y hét lớn một tiếng rồi vẫy trường mâu xông tới.Ba ngàn quân Tào như một đàn kiến bám sát theo y mà xông lên trước để chặn đường của bộ binh trọng giáp.

Quân Tào có hơn 2 vạn người, quân Hán cũng có 2 vạn người, lực quân của hai bên cân bằng nhau. Cho dù quân Tào lợi dụng ưu thế về địa hình nhưng dù sao cũng đã ở thế bị bao vây, còn quân Hán là thế tấn công. Quyền chủ động nằm trong tay quân Hán, cho nên cả hai bên thực ra là ngang tài ngang sức.

Nhưng 1 ngàn trọng giáp bộ binh xuất hiện đã phá vỡ sự ngang sức này. Chiến lực của trọng giáp bộ binh dũng mãnh đã nhanh chóng đã mở được chiến tuyến phòng ngự của quân Tào, khiến họ bị vây và lâm vào thế bị động. Trương Liêu cũng đã nhận được tin tuyến phòng ngự đã bị đột phá, y tự dẫn ba ngàn lính đốt cháy vùng trung tâm.

Lúc này, bộ binh trọng giáp của quân Hán do Lưu Hổ dẫn đầu đã có gần 500 người từ góc đông bắc giết vào vùng trung tâm, còn có một lượng lớn quân Hán vẫn không ngừng tấn công vào lỗ hổng bên này.

Nhưng Lưu Hổ cũng phạm phải một sai lầm, sau khi y dẫn quân vào vùng trung tâm lại không lập tức đi trợ giúp các tuyến phòng ngự khác của quân Hán mà lại đặt hết tinh lực chủ yếu tấn công quân Tào tại vùng này, bao gồm cả phá hủy rào chắn trâu, ngựa, thiêu hủy cỏ khô và chặt đứt chiến kỳ chính của quân Tào.

Đương nhiên, phá hủy rào chắn trâu ngựa là rất có lợi cho việc làm nhiễu loạn phòng ngự của quân Tào, chặt đứt cờ chiến cũng có thể tấn công vào sĩ khí của quân địch. Cách làm của Lưu Hổ không có gì là không ổn, phàm là chuyện đều có hai mặt. Phá hủy rào chắn trâu, ngựa, và chặt cờ chiến không giống như hành động bỏ gốc lấy ngọn.

Lúc này Trương Liêu dẫn theo 3 ngàn người giết đến, họ dùng đao chém tiễn bắn, xung kích ngăn trở, ý đồ phân cách tiêu diệt 500 trọng giáp bộ binh. Lưu Hổ cũng đã biết mình sai lầm, trong lòng y hối hận, ý chí chiến đấu càng bùng nổ mãnh liệt hơn, y hét lớn:

- Các huynh đệ, xếp thành hàng!

Lưu Hổ vung trảm mã trường đao tung bay như hoa tuyết trong nháy mắt đã chém bay đầu của 3 tên lính Tào, 500 trọng giáp bộ binh nhanh chóng hợp lại, cho dù quân Tào có liều mạng chia rẽ cũng khó mà ngăn họ hợp lại với nhau được. Trương Liêu cũng bị sự dũng mãnh của trọng giáp bộ binh làm cho kinh sợ.

Lúc này phía sau y có một trận gió thổi đến, Trương Liêu thầm nghĩ có sự không ổn liền cúi đầu lăn ra ngoài. Một ánh chớp bổ qua đầu y, chỉ thấy một gã Nha tướng trọng giáp bộ binh cao lớn tay cầm Trảm mã đao, một đao chém vào khoảng không.

Tên Nha tướng này lại hô to một tiếng, vung đao bổ chém về phía Trương Liêu bên cạnh. Thế đao vô cùng sắc bén và linh hoạt, gã chém từ trên cao xuống như chim ưng quắp thỏ, nhưng Trương Liêu né được, thoát khỏi nhát đao trí mạng này. Tiện tay y nhặt một cây trường thương lên đâm ngược trở lại, mũ thương đâm vào hốc mắt tên lính trọng giáp bộ binh, xuyên qua đầu. Một tiếng hét kinh hoàng, tên Nha tướng thân hình cao lớn đã bị cán thương của Trương Liêu làm bị thương, Trương Liêu lại vung cán thương lên, đánh thi thể của đối phương văng xa hơn trượng.

Nha tướng chết khiến mắt của 500 trọng giáp bộ binh long lên sòng sọc, họ giận giữ hét lớn kết thành tường đội, trảm mã trường đao bổ ra, khiến quân Tào liên tục lui binh.

Trương Liêu chỉ huy cho binh lính dùng chiến xa bao vây trọng giáp bộ binh mới cố gắng chống lại được thế tấn công của đối phương. Lưu Hổ thấy quân địch quá nhiều cũng hạ lệnh dừng tấn công, tạm thời rút lui đến chỗ rào chắn trâu ngựa để khôi phục thể lực, tạo thế giằng co với quân địch.

Tiếng trống trận của quân Hán lại vang lên, một đội hơn vạn quân Hán nhanh chóng giết lên từ phía tây, không ngừng tấn công vào phòng tuyến phía tây nam không ổn định nhất của quân Tào.

Lúc này, thế cục của quân Tào đã vô cùng bất lợi, nhưng Văn Sính cũng không vội đánh tan họ. Ông ta thay đổi thế tấn công, lệnh cho Thái Tiến dẫn theo nhóm quân Hán thứ hai tiến lên, tổng cộng có 10 ngàn đại quân tấn công tuyến tây.

Cho dù bị chết rất thê thảm và nghiêm trọng dưới trận tên dày đặc của quân Tào nhưng đã có một đội quân công phá được phòng tuyến phía tây nam. Mà 8 ngàn quân ở phía ngoài trăm bước cũng như hổ rình mồi, bất cứ lúc nào cũng có thể tiến lên.

Lúc này có một tên lính vội vào bẩm báo với Trương Liêu:

- Tướng quân, góc tây nam bị công phá, chúng tôi không cầm cự nổi, Tôn tướng quân cầu cứu!

Trương Liêu vừa mới củng cố lại góc tây nam, giao tuyến phòng ngự cho cấp dưới là Tôn Thái phụ trách. Y dẫn quân đến chặn trọng giáp bộ binh tấn công vùng trung tâm. Không ngờ mình vừa đi được một lát thì góc tây nam lại bị công phá. Trương Liêu giận đến tím mặt:

- Đi nói với y nếu trong vòng một khắc mà không chặn lỗ hổng lại được, ta sẽ lấy đầu của y.

Tuy rất hận nhưng Trương Liêu không thể không lo, y hạ lệnh cho 5 ngàn quân Tào tuyến bắc phái ra 2 ngàn người đi tiếp viện cho góc tây nam. Còn quân Tào góc tây nam đã chết mất hơn 1 ngàn người, chỉ còn chưa đến 800 người dưới sự chỉ huy của Giáo úy Tôn Thái chống cự một cách khổ sở.

Trong màn đêm, mũi tên của quân Tào đã không còn lực sát thương, sĩ khí tê liệt, chống đỡ thế tấn công của quân Hán càng khó khăn hơn. Nếu không phải Văn Sính vì tôi luyện sức chiến đấu cho quân Hán, phái các đội quân thay phiên tấn công vào phòng tuyến quân Tào thì lúc này quân Tào đã thất bại từ lâu rồi.

Văn Sính đứng ở chỗ cao, thần sắc vẫn bình tĩnh nhìn cuộc chiến trên bãi đất. Thỉnh thoảng ông ta lại quay đầu nhìn về hướng bắc, ông ta vừa mới nhận được lệnh của Lưu Cảnh. Kỵ binh quân Tào có thể sẽ xuôi nam viện trợ cho hậu quân, nhưng bảo ông ta vẫn theo như kế hoạch cũ, không nên bị kỵ binh ảnh hưởng.

Văn Sính hiểu ý của Lưu Cảnh, thì ra là phương bắc đã có sự bố trí rồi.

Lúc này, có một gã quân hầu cưỡi ngựa chạy gấp đến chắp tay nói:

- Chúng tôi đã phá thế phòng ngự ở tuyến tây của quân địch, Thái tướng quân xin chỉ thị có thể tấn công toàn tuyến không?

Văn Sính hỏi:

- Tình hình của Hổ tướng quân thế nào rồi?

- Hổ tướng quân đang giằng co với địch, hai bên tạm thời chiến đấu đã không còn kịch liệt nữa.

Văn Sính gật đầu nói:

- Truyền lệnh của ta cho Thái tướng quân, hãy kiên nhẫn chờ một chút, đợi lệnh của ta.

- Tuân lệnh!

Quân hầu thúc ngựa chạy như bay, Văn Sính lại nhìn về phía bắc, ông ta nhất định phải phối hợp với Lưu Cảnh để cục diện thành một chỉnh thể. Đánh tan quân địch quá sớm sẽ ảnh hưởng đến hành động phục kích của kỵ binh. Ông ta cần đợi một lúc nữa, xem tình hình phía bắc chiến đấu thế nào rồi mới quyết định tiếp.

Trong đêm tối, một đội kỵ binh 5 ngàn người dưới sự chỉ huy của Tào Hưu cũng hăng hái xuất phát về phía nam. Tào Hưu là cháu của Tào Hồng, dáng người khôi ngô, cao lớn, võ nghệ cao cường và cũng thiện chiến, cùng với Tào Chân được vinh danh là “Nhị hổ câu của Tào thị” trở thành thế hệ trẻ tuổi nổi bật của gia tộc Tào thị.

Tào Hưu không chỉ có dũng lực hơn người mà còn rất mưu lược, rất được Tào Tháo coi trọng, được lão bổ nhiệm chức Túc vệ kỵ binh thống lĩnh, phong Trấn Dũng Giáo úy. Vốn dĩ y theo Tào Thuần mở đường lên bắc nhưng lại nhận được tin khẩn cấp của Tào Tháo, lệnh cho y dẫn theo 5 ngàn kỵ binh đuổi theo cứu viện hậu quân của Trương Liêu.

Năm ngàn kỵ binh hành quân dưới ánh trăng, chỉ thấy bụi vàng bay lên cuồn cuộn, kỵ binh dài khoảng vài dặm trùng trùng điệp điệp xuất phát về phía nam.

Đây là Hổ báo kỵ tinh nhuệ nhất của quân Tào, phần lớn bọn họ không phải là người Hán mà là người Ô Hoàn. Họ có kỹ thuật cưỡi ngựa rất giỏi, giỏi về cưỡi ngựa bắn cung, bản lĩnh cá nhân rất mạnh, sau khi trải qua sự huấn luyện nghiêm khắc đã trở thành một đội kỵ binh rất tinh nhuệ khiến người ta nhìn thấy đã là sợ.

Cho dù kỹ thuật cưỡi ngựa của đội kỵ binh này giỏi nhưng hành quân ban đêm tốc độ vẫn không thể nhanh bằng ban ngày được. Không thể phóng ngựa mà chỉ rong ruổi, điều này khiến Tào Hưu hơi lo lắng. Hai canh giờ mới đi được hơn 50 dặm, y lo hậu quân sẽ cản không nổi.

Quân đội đã qua trấn Hà Khẩu, cách chỗ hậu quân bị bao vây ở đồi Bạch Long chỉ còn hơn 10 dặm. Cho đến giờ, vẫn chưa thấy bại binh của hậu quân, chứng tỏ quân đội của Trương Liêu cũng chưa thất bại, vẫn còn chống đỡ được. Lúc này trong lòng Tào Hưu mới được thả lỏng, y lập tức ra lệnh cho quân đội hạ tốc độ nghỉ ngơi. Đồng thời y cũng phái mấy tên thám báo đi lên phía trước tìm hiểu tình hình.

Lúc này, Tào Hưu nhìn xung quanh thấy đại bộ phận đều là bình nguyên, nhưng phía xa xa vẫn lờ mờ thấy hình ảnh của đồi núi. Hai bên đường là ruộng lúa mạch tươi tốt, đã đến kỳ trổ bông nhưng vì thiếu người chăm bón nên lúa mạch cũng không được tươi tốt, hơn nữa phần lớn đều bị quân đội giẫm đạp tàn phá.

Ngoài ruộng lúa mạch ra còn có rừng cây dài và hẹp, chỉ thấy bốn bề mông quạnh, bốn phía hoàn toàn tĩnh mịch. Tào Hưu thấy không có dấu hiệu của phục binh lại nhìn về phía trước, thám báo dẫn theo một gã lính mang tin của Trương Liêu đến.

Tên lính này tay cầm lệnh tiễn, ở trên ngựa ôm quyền nói:

- Khởi bẩm tướng quân, chúng tôi bị 2 vạn quân Hán bao vây ở quanh đồi Bạch Long, chết mất gần 4 phần, mong tướng quân viện trợ gấp.

- Ta biết rồi, mau đi đi!

Tào Hưu lớn tiếng quát nói:

- Truyền lệnh của ta, toàn quân tăng tốc.

Kỵ binh quân Tào lại tăng tốc vó ngựa đạp lên mặt đất như sấm rền. Không lâu sau, đội quân lại đi được mấy dặm, phía trước là rừng cây tươi tốt, thám tử đã tuần tra không thấy có dấu hiệu bất thường. Tào Hưu cũng không nghi ngờ nữa chỉ lệnh cho đội quân đi mau.

Nhưng sau khi thám tử tuần tra và quân đội đến khoảng một tuần trà thì Bàng Đức và Ngụy Diên đã dẫn theo 10 ngàn quân Hán từ phương xa nhanh chóng chạy vào rừng cây và dừng lại cách phía ngoài hơn 60 bước. Bọn họ trốn trong bụi cây hoặc cây đại thụ lén lút nhìn về kỵ binh xếp thành hàng đi phía xa.

Kỵ binh quân Tào kéo dài đến mấy dặm, phải đánh vào giữa kỵ binh mới đạt được hiệu quả lớn nhất. Mười ngàn binh lính quân Hán phân bố trải dài 2 dặm trong rừng cây. Bọn họ đã thầm giương quân nỏ, nhắm vào kỵ binh trên đường, đợi lệnh.

Đội kỵ binh tiên phong trên quan đạo chợt phát hiện mấy gốc cây đại thụ bên đường có kỳ lạ, một tên lính chỉ vào cây đại thụ, hỏi:

- Tướng quân, ngài nhìn xem trên đại thụ có gì?
Bình Luận (0)
Comment