Bồ Công Anh Bất Diệt - Dạ Đích Đệ Thất Mộng

Chương 8

15.

Em gái rất muốn đi.

Những năm gần đây, huyện mất nhân tài nghiêm trọng.

Nhiều giáo viên đã bị các trường tốt ở thành phố và tỉnh lôi kéo đi.

Tỷ lệ trúng tuyển của trường cấp ba Nhất Trung ở huyện đang giảm dần hàng năm.

Ba mẹ rất do dự.

Nói cho cùng vấn đề vẫn là tiền.

Tôi tranh thủ về nhà một chuyến, mang ra năm ngàn tệ (~17,6 triệu VNĐ).

"Tất nhiên là phải lên tỉnh rồi. Điểm xuất phát càng cao, Thu Thu có thể vượt qua càng nhiều bậc thang, cuộc sống sau này sẽ khác."

Tôi đã đi bao nhiêu đường vòng, chỉ mong em gái có thể thuận buồm xuôi gió, tránh được mọi lựa chọn sai lầm.

Mẹ có chút tự hào, nói tôi có thể chi trả học phí cho em gái.

Bà nội và bác gái đều ngạc nhiên.

Dù sao tôi vẫn đang đi học, chỉ dựa vào làm thêm mà kiếm được bao nhiêu tiền.

Ngày hôm sau, trong làng đã có tin đồn, nói tôi tối nào cũng ra ngoài ăn chơi, kiếm tiền không sạch sẽ.

Tối đó ăn cơm xong, mẹ ấp úng: "Hạ Hạ, con không phải thực sự làm bậy ở tỉnh thành chứ?"

"Nhiều tiền như vậy, con là sinh viên, làm sao kiếm được!"

Tôi tức đến mức đầu sắp nổ tung.

Người trong làng nói bậy nói bạ thì không nói làm gì.

Bà ấy là mẹ tôi, sao có thể nghi ngờ tôi như vậy.

Tôi lớn tiếng với bà.

Ba mắng tôi: "Mẹ con cũng lo cho con, học nhiều như vậy là để con cãi lại ba mẹ sao?"

Ngày hôm sau tôi đứng ngoài sân nhà bác gái, nói giọng mỉa mai:

"Tôi làm ca đêm chứ không phải đi chơi. Có người cả đời chưa ra khỏi huyện, không biết ca đêm nghĩa là gì đâu!"

"Thời gian đi nói xấu người khác, chi bằng kiếm tiền cho con trai cưới vợ."

Bác gái suýt tức chết.

Tôi khuyên ba mẹ đến tỉnh thành tìm việc.

Thành phố càng lớn, cơ hội càng nhiều.

Bạn của quản lý chỗ tôi làm đã thầu một căng tin đại học, đang tuyển nhân viên.

Nhưng bà nội kiên quyết phản đối, mắng xối xả.

Nói ba là đồ bất hiếu, đồ vô ơn.

Nói ba là kẻ ngu ngốc, vì hai đứa con gái sớm muộn gì cũng gả đi, bận rộn cả đời, đến cuối cùng vẫn tay trắng.

Nói ba không nghĩ đến dòng họ.

Mấy đứa cháu trai đến giờ vẫn chưa kết hôn, mà ba cũng chẳng giúp đỡ gì.

Ba tôi thoái lui.

Ông nhấm nháp rượu: "Thôi đi, nếu đi lên tỉnh thì không thể trồng trọt ở nhà được nữa."

"Con dù sao bây giờ cũng lớn và cũng có khả năng rồi. Sau này, con có thể giúp đỡ cho việc học của Thu Thu. Ba với mẹ đã vất vả cả đời rồi, cũng cần được nghỉ ngơi."

Ba ơi, con biết ba với mẹ rất vất vả.

Nhưng ba năm nay mới ngoài bốn mươi tuổi.

Còn con, vẫn là một sinh viên đang đi học mà.

Nhưng con không thể yêu cầu ba mẹ tiếp tục cố gắng, chỉ có thể thúc đẩy bản thân.

Cũng vào lúc đó con hiểu được, một cô gái muốn leo lên cao thật khó biết bao.

Bởi vì sẽ có vô số bàn tay kéo cô ấy xuống.

Những người thân đáng lẽ phải ủng hộ và khích lệ bạn, đôi khi lại là gánh nặng nặng nề nhất.

May mà cấp ba có thể ở nội trú.

Cuối tuần được nghỉ, tôi sẽ đi xe đến Hà Tây để gặp em gái.

Năm hai đại học, môn chuyên ngành nhiều hơn, tôi phải chuẩn bị cho kỳ thi chuyên ngành bốn, còn phải đi làm, bận rộn hơn trước.

Thành phố lớn có rất nhiều người tài giấu mình.

Kết quả thi giữa kỳ của em gái vừa đủ lọt vào top 100 của khối.

Hôm đó, tâm trạng của nó đặc biệt sa sút.

"Chị, em thực sự đã cố gắng hơn trước rất nhiều rồi."

16.

Tôi xoa đầu em gái: "Bây giờ em cũng có thể cảm nhận được cảm giác của chị rồi."

"Đây chính là cuộc sống của người bình thường." Tôi thở dài, "Không có gì là dễ dàng cả. Chúng ta phải nỗ lực và không ngừng phấn đấu, nếu không sẽ bị chìm nghỉm vào đám đông."

Ánh hoàng hôn phản chiếu trên khuôn mặt trẻ trung và ngây thơ của em gái.

Tôi hướng về phía mặt trời lặn: "Thu Thu, đây chính là ý nghĩa của sự cố gắng của chúng ta."

"Hãy tận hưởng cảm giác không ngừng vươn lên và nỗ lực vượt qua giới hạn của bản thân. Thu Thu, chị tin em có thể làm được."

Mỗi lần vượt qua, chúng ta đều nghe thấy tiếng răng rắc.

Đó chính là sự tan vỡ mà cũng là sự tái sinh của chúng ta.

Chúng ta cố gắng, để một ngày nào đó khi nhìn lại, có thể không hối tiếc mà nói:

"Tôi đã cố gắng hết sức rồi, tôi không có gì để hối hận cả."

Mùa đông năm đó, đã xảy ra vài sự việc.

Hương Hương đã ly hôn.

Đứa con để lại cho chồng.

Cô ấy mới chỉ hai mươi tuổi nên trên sổ hộ khẩu vẫn ghi chưa kết hôn.

Nhưng cô đã trải qua một cuộc hôn nhân vô vọng khiến cả người héo mòn.

Em gái thi cuối kỳ được lọt vào top 50 của khối.

Anh họ lớn vẫn phải đi đường hôn nhân sắp đặt.

Không có nhà, không có xe, không có công việc ổn định, bị người ta chê đủ điều.

Cuối cùng tìm được một người lớn hơn anh hai tuổi.

Bên kia đòi sáu mươi tám ngàn tệ (~237 triệu VNĐ) tiền sính lễ, còn phải có ba món vàng.

Bác gái lần này không dám ho he một lời.

Sợ rằng nếu tiếp tục kén chọn, con trai sẽ phải chịu cảnh độc thân.

Hai bên định ngày mùng sáu Tết đính hôn, quen nhau được một năm, đến cuối năm sẽ cưới.

Tôi ghét bác gái, cũng không thích anh họ.

Nhưng anh ấy muốn cưới thì cứ cưới, tôi cũng chẳng thể ngăn cản được.

Dù sao cũng chẳng ảnh hưởng gì đến tôi.

Nhưng tôi vẫn quá ngây thơ.

Đêm ba mươi Tết, chúng tôi tụ tập ở nhà bác cả ăn bữa cơm tất niên.

Hai cô cũng được gọi về.

Lần này bác gái lại rất nhiệt tình, tất cả món ăn đều do bà ấy chuẩn bị, tôi còn tưởng bà thay đổi tính nết, ai ngờ lại là “có chuyện muốn nhờ vả”.

Đang ăn cơm thì bà nội lên tiếng:

"Đại Bảo sắp đính hôn, các cô chú cũng phải góp một phần."

"Hương hỏa nhà họ Trịnh không thể đứt đoạn ở thế hệ chúng ta, không thì sau này làm sao có mặt mũi gặp tổ tiên đây?"

"Đại Nhi, Tiểu Nhi, mỗi người đưa năm ngàn."

"Kiến Quân, con là chú, sau này còn phải nhờ cháu đỡ đần, con đưa hai vạn (~70 triệu VNĐ)!"

17.

Đúng là được mở mang tầm mắt.

Tôi phản đối ngay lập tức: “Anh họ kết hôn sao lại lấy tiền của ba? Anh ấy có phải mồ côi cha mẹ đâu?”

Bà nội đập bàn: “Câm mồm! Bao nhiêu sách mày đọc bằng mông hết à?”

“Tao nói chuyện với ba mẹ mày, mày xen mồm vào làm gì? Sớm muộn gì mày cũng phải đi lấy chồng, ở đây không có chỗ cho mày nói chuyện!”

Hai người cô tôi ở thành phố, gia cảnh cũng tạm được.

Bà nội liên tục thúc ép, các cô dù không muốn nhưng vẫn phải hứa sẽ cho tiền.

Vì thế, áp lực lại đè lên ba tôi.

Bác gái nhìn ba: “Ui trời, Đại Bảo cũng gần như con trai của chú còn gì? Chú là chú ruột nó, chắc không tuyệt tình đến mức ấy đâu nhỉ?”

“Sau này chú già rồi cũng sống ở quê, đến lúc ốm đau bệnh tật không nhờ đến mấy đứa cháu trai chắc?”

“Chú nghĩ cho kỹ vào, con gái lấy chồng cũng như bát nước đổ đi thôi.”

Ba tôi không đồng ý luôn nhưng cũng chẳng từ chối.

Sau bữa cơm tất niên, chúng tôi quay lại ngôi nhà gạch của mình.

Tôi khuyên ba không nên tin lời bác gái nói.

Con trai ruột còn chưa chắc đã chăm sóc cha mẹ, càng đừng mong cháu trai chăm.

Ba tôi cau mày: “Mày mà là con trai thì tao để ý đến nó làm gì?”

“Nhà mình mà không giúp nhỡ hương hỏa nhà họ Trịnh bị đứt thì sao? Lúc sắp chết ông nội mày còn cầm tay ba mày dặn dò đấy!”

Mẹ lẩm bẩm: “Hay chúng ta cũng góp 5000 (~17,5 triệu VNĐ) nhỉ?”

Ba ngước mắt lên nhìn tôi: “Góp một vạn (~35 triệu VNĐ) đi. Hạ Hạ đi làm rồi, mày góp 5000.”

Khoảnh khắc ấy lửa giận trong tôi bỗng bùng lên dữ dội.

“Con đi đâu kiếm 5000? Con không có tiền!”

Ba đập bàn: “Tiền lương của mày cao thế còn gì? Bảo mày lấy một ít cho người nhà mà cũng không đồng ý!”

“Con cũng cần tiêu tiền, còn lo học phí và phí sinh hoạt của Thu Thu nữa.” Tôi cố kìm lại để không bật khóc, “Ba à, con cũng đang đi học đấy, con cũng mới chỉ 20 tuổi thôi!”

Tôi cũng muốn được như bạn bè mình lắm chứ!

Muốn trang điểm thật xinh đẹp, đi dạo phố, xem phim; muốn du lịch, yêu đương; muốn tận hưởng thanh xuân của mình.

Nhưng tôi phải kiếm tiền.

Tiền tôi kiếm được là dùng thanh xuân và vui vẻ đổi lấy.

Tôi có thể cho em gái, cho ba mẹ.

Nhưng đừng hòng tôi cho anh họ một xu nào.

Nhà họ Trịnh có tuyệt hậu hay không tôi mặc kệ!

Tôi và ba cãi nhau to. Mẹ không can nổi nên rơi nước mắt.

Tôi đóng sầm cửa bước vào phòng, mẹ đi theo.

Ánh đèn dây tóc chiếu nên mái tóc bạc phơ của mẹ, bà thở dài: “Đều là lỗi của mẹ, nếu mẹ sinh được con trai ba con cũng không phải làm đến mức này...”
Bình Luận (0)
Comment