Bóng Hình Của Gió

Chương 29

MÀN ĐÊM BAO PHỦ LẤY CHÚNG TÔI trong bóng xanh mờ khi chúng tôi rời dinh thự. Trận bão đang tan, giờ chỉ còn dư âm cơn mưa lạnh. Tôi muốn trả lại chìa khóa cho Bea, nhưng mắt nàng bảo nàng muốn tôi là người giữ nó. Chúng tôi rảo bước xuống Paseo de San Gervasio, hy vọng tìm được một chiếc taxi hoặc xe buýt. Chúng tôi bước đi lặng lẽ, nắm tay nhau và gần như chẳng nhìn nhau.

“Phải tới thứ Ba này em mới gặp lại anh được," Bea nói giọng run rẩy, như thể nàng đột nhiên nghi ngờ khao khát của tôi muốn gặp nàng,

“Anh sẽ đợi em" Tôi mặc nhiên cho rằng những cuộc gặp của tôi với Bea sẽ diễn ra giữa những bức tường của ngôi nhà cổ rộng lớn đó, rằng phần còn lại của thành phố không thuộc về chúng tôi. Thậm chí dường như cảm giác rắn chắc khi tiếp xúc với cơ thể nàng giảm dần khi chúng tôi bước rời xa tòa nhà, sức mạnh và hơi ấm của nàng sẽ vợi đi dần theo mỗi bước chân chúng tôi. Khi đến đại lộ, chúng tôi nhận ra đường phố gần như vắng tanh.

“Chẳng tìm được chiếc xe nào ở đây đâu,” Bea nói. “Mình nên xuống Balmes đi.”

Chúng tôi rảo bước xuống phố Balmes, men dưới những rặng cây để tránh cơn mưa nhỏ. Dường như sau mỗi bước chân Bea lại càng đi nhanh hơn, gần như kéo tôi theo. Có lúc tôi nghĩ nếu tôi buông tay ra, Bea sẽ bắt đầu chạy. Trí tưởng tưởng của tôi, vẫn say sưa với những đụng chạm và mùi vị của nàng, cháy lên nỗi khao khát muốn dồn nàng về phía một băng ghế dài, để tìm đôi môi nàng và lặp lại những câu vô nghĩa có thể đoán được mà bất cứ ai nghe thấy cũng phải phì cười, bất cứ ai trừ tôi. Nhưng Bea đang co người lại, nhạt nhòa vào một thế giới xa cách với tôi.

“Có chuyện gì vậy?” tôi hỏi nhỏ.

Nàng cười tuyệt vọng, đầy lo lắng và cô đơn. Rồi tôi nhìn thấy mình trong ánh mắt nàng: một cậu bé ngây thơ cứ nghĩ mình đã chinh phục cả thế giới trong một giờ đồng hồ nhưng lại không nhận ra rằng cậu ta có thể lại mất nó trong một tích tắc. Tôi cứ bước đi, không chờ câu trả lời. Cuối cùng cũng tỉnh ra. Chẳng mấy chốc chúng tôi nghe tiếng giao thông ồn ã, và không khí dường như cháy bừng lên do sức nóng những ngọn đèn đường và đèn giao thông. Chúng khiến tôi nghĩ đến những bức tường vô hình.

“Chúng ta nên từ biệt ở đây,” Bea nói, buông tay tôi ra.

Nơi góc phố có thể thấy những ánh đèn từ hàng xe taxi, như cuộc diễu hành của những con đom đóm.

“Tùy em”

Bea cúi mình tới hôn lên má tôi. Tóc nàng vẫn còn mùi sáp nến.

“Bea,” tôi dợm nói, hầu như không thành tiếng. “Anh yêu em...”

Nàng lắc đầu nhưng không nói gì, lấy tay che tôi như thể những lời ấy khiến nàng đau đớn.

“Thứ Ba, lúc sáu giờ nhé?” nàng hỏi.

Tôi lại gật đầu. Tôi nhìn nàng bước đi rồi biến mất vào một chiếc taxi, gần như một người xa lạ. Một tài xế, vốn đã dõi theo cuộc trò chuyện của chúng tôi như một trọng tài, nhìn tôi tò mò. “Sao nào? Chúng ta về nhà chứ?”

Tôi lẳng lặng vào xe. Tài xế đưa mắt nhìn tôi qua gương. Tôi đã mất dấu chiếc xe đã mang Bea đi, hai chấm sáng chìm vào một hố sâu bóng đêm.

***

MÃI ĐẾN KHI HỪNG ĐÔNG rải hàng trăm tấn ánh sáng ảm đạm lên cửa phòng ngủ thì tôi mới chợp mắt được. Fermín đánh thức tôi dậy. Anh ta đứng giữa quảnh trường nhà thờ mà ném mấy viên sỏi lên cửa sổ phóng tới. Tôi mặc vội bộ đồ đầu tiên vớ được rồi chạy xuống mở cửa cho anh ta. Fermín đầy niềm sốt sắng không thể nào chịu nổi của chú chim dậy sớm. Chúng tôi đẩy cửa và treo biển MỞ CỬA.

“Nhìn quầng thâm dưới mắt cậu kìa, Daniel. Lớn như cả một cái công trường ấy. Chúng tôi có nên nghĩ là con cú đã tha được mèo ra biển không nhỉ?”

Tôi quay lại phòng sau, đeo tạp dề xanh của mình rồi đưa tạp dề cho anh ta, hay đúng hơn là tức tối ném vào anh ta. Fermín bắt được khi nó đang bay giữa chừng, và mỉm cười tinh quái.

“Con cú chết đuối, chấm hết. Hài lòng chưa?” tôi quật lại.

“Ẩn dụ thật khó hiểu. Cậu đang lau bụi tập thơ của Verlaine hả, chàng trai?”

“Tôi chỉ làm văn xuôi mỗi sáng thứ Hai thôi. Anh muốn tôi kể gì nào?”

“Tùy cậu thôi. Số lần đâm kiếm hoặc số vòng đấu danh dự.”

“Tôi không có hứng đùa đâu, Fermín.”

“Ôi tuổi trẻ, hoa thơm của dại khờ! Ôi thôi, được rồi, đừng bực với tôi. Tôi có tin mới về cuộc điều tra ông bạn Julián Carax của cậu này.”

“Tôi nghe đây.”

Anh ta ban cho tôi một trong những vẻ mặt bí hiểm và sắc sảo của anh ta, một bên mày nhướng lên.

“Ờ, ngày hôm qua, sau khi để Bernarda về nhà với trinh tiết còn vẹn nguyên, tất nhiên là vẫn có vài vết bầm đúng chỗ trên mông, một cơn mất ngủ tấn công tôi - ấy là do những đợt hứng tình về đêm - nên tôi mới có cớ đi xuống một trong các tụ điểm thông tin của thế giới ngầm Barcelona - như quán rượu Eliodoro Salfumán, còn gọi là 'Gai Lạnh', nằm ở một chốn dơ dáy nhưng lòe loẹt trên phố Sant Jeroni, niềm tự hào của khu phố Raval.”

“Nói ngắn gọn thôi, Fermín, vì Chúa.”

“Thôi nào. Vấn đề là khi đã đến đó rồi, tôi lấy lòng vài người trong đám đông thường có đó, những anh bạn cũ thuở hàn vi, tôi bắt đầu dò hỏi về Miquel Moliner, chồng của cái cô Mata Hari Nuria Monfort và người được cho là tù nhân trong nhà trừng giới địa phương.”

“Được cho là?”

“Với chữ Đ viết hoa. Trong vụ này chẳng có gì là đáng tin cả, nếu cậu hiểu tôi nói gì. Từ kinh nghiệm bản thân, tôi biết rằng khi nói đến quân số trong tù, người đưa tin cho tôi trên bàn rượu trong quán Gai Lạnh còn chính xác hơn nhiều so với lục sự tòa án, và tôi có thể đảm bảo, Daniel ạ, rằng không ai nghe nói gì đến một tù nhân, khách đến thăm hay bất cứ người sống nào trong các nhà tù ở Barcelona mà lại mang tên Miquel Moliner cả, ít nhất là trong mười năm qua."

“Có lẽ ông ta ở trong một nhà tù khác.”

“Đúng. Alcatraz, Sing Sing, hay Bastille. Daniel à, cái bà kia bịp cậu rồi.”

“Tôi cho là vậy.”

“Đừng có cho là; hãy chấp nhận nó."

“Giờ thì sao? Lần theo cái tên Miquel Moliner như đi vào ngõ cụt.”

“Hoặc cái cô Nuria này rất xảo quyệt.

“Anh có đề nghị gì không?”

“Lúc này chúng ta phải khai thác điểm khác. Sẽ không phải ý tồi nếu đến thăm bà cô già tốt bụng mà vị cha đạo đã kể cho chúng ta sáng hôm qua.”

“Đừng bảo là anh nghi ngờ bà bảo mẫu ấy cũng biến mất.”

“Không, nhưng tôi nghĩ đây là lúc chúng ta thôi nghĩ đừng lăng xăng gõ cửa khắp thiên hạ cứ như đang đi xin của bố thí nữa. Trong chuyện này, ta phải đi cửa sau. Cậu đồng ý không?”

“Anh biết rằng với tôi lời anh là lời vàng lời ngọc mà, Fermín.”

“Chà, vậy thì đi mà phủi bụi áo lễ của cậu đi. Chiều này, khi đóng cửa hàng, chúng ta sẽ đến thăm từ thiện cụ bà ở Nhà tế bần Santa Lucía. Giờ thì kể tôi nghe, chuyện của cậu với cô bé kia hôm qua thế nào? Đừng bí bí mật mật. Nếu cậu giấu, cậu sẽ bị nổi mụn nhọt đấy.”

Tôi thở dài chịu thua và thú nhận đến từng chi tiết. Cuối câu chuyện, sau khi liệt kê điều mà tôi đoán chắc là mối lo lắng hiện sinh của một cậu nam sinh khờ khạo, Fermín làm tôi ngạc nhiên với một cái ôm chân thành.

“Cậu yêu rồi đấy,” anh ta lẩm bẩm, đầy xúc động, vỗ vỗ lưng tôi. “Tội nghiệp thằng bé.”

Chiều hôm đó, vừa đến giờ đóng cửa là chúng tôi rời hiệu sách ngay, một hành động khiến cha tôi ném cho một cái nhìn nghiêm khắc, ông đang bắt đầu nghi ngờ khi thấy chúng tôi thậm thụt đi đi về về, chắc đang dính vào chuyện mờ ám gì đây, Fermín lẩm bẩm gì đó không rõ rằng có vài việc lặt vặt cho làm, và chúng tôi nhanh chóng biến mất. Tôi tự nhủ rồi sớm muộn gì cũng phải tiết lộ một phần của mớ bòng bong này cho cha biết; nhưng chính xác phần nào thì lại là chuyện khác.

Trên đường đi, với xu hướng ưa kể chuyện thường thấy, Fermín phác sơ qua nơi chúng tôi sắp đến. Nhà tế bần Santa Lucía là một cơ sở có tiếng tăm đáng ngờ nằm trong mớ tàn dư sót lại của một cung điện cổ trên phố Moncada. Huyền thoại xung quanh nơi này nghe có vẻ như là điểm gặp gỡ của nơi rửa tội và nhà xác, với tình trạng vệ sinh ngày càng tồi tệ. Câu chuyện hết sức kỳ cục. Từ thế kỷ 11, cung điện này, bên cạnh nhiềuác, đã là chỗ cư ngụ cho những gia đình giàu có, là một nhà tù, một nhà thổ, một thư viện gồm những sách cấm, một trại lính, một xưởng điêu khắc, nhà điều dưỡng cho bệnh nhân bị dịch, một nhà tu. Giữa thế kỷ 19, khi nó thực sự đang vụn dần ra từng mảnh, cung điện được chuyển thành bảo tàng trưng bầy những vật kỳ dị cùng những thứ tàn khốc khác của tay giám đốc nhà hát ba hoa thấu trời tự gọi mình là Laszlo de Vicherny, Công tước xứ Parma và nhà giả kim riêng của Gia tộc Bourbon. Tên thật của ông ta hóa ra là Baltasar Deulofeu i Carallot, con hoang của một lão bán thịt muối với một cô thiếu nữ sa ngã, hắn ta nổi danh chủ yếu nhờ những trò hoang đàng như một tên đĩ đực chuyên nghiệp và một nghệ sĩ dỏm.

Gã này lấy làm tự hào vì sở hữu một bộ sưu tập bào thai dị hình ở các giai đoạn khác nhau, đựng trong lọ có dung dịch ướp xác, và kém tự hào hơn một chút với bộ sưu tập thậm chí còn lớn hơn gồm những chứng thư đảm bảo ký phát bởi một số cơ quan thực thi pháp luật uy tín nhất của châu Âu và Mỹ. Trong số những thứ đáng chú ý khác, “El Tenebrarium” (như Deulofeu đặt tên lại cho cung điện này) còn là nơi thực hiện các cuộc lên đồng, gọi hồn, các cuộc đấu (với gà trống, chuột, chó, phụ nữ phì nộn, những kẻ đần độn, hoặc kết hợp giữa các loại trên), cũng là nơi kinh doanh, một nhà thổ chuyên phục vụ những kẻ tàn phế và quái đản, một sòng bạc, một công ty tư vấn pháp lý và tài chính, một hiệu thuốc bán tình dược, một sân khấu dân gian địa phương và múa rối, một vũ đoàn những vũ công nước ngoài. Vào dịp Giáng sinh một vở kịch Lễ Thánh Đản được dàn dựng, không màng đến chi phí, và tham gia diễn xuất là nhân viên bảo tàng cùng toàn bộ các cô điếm. Danh tiếng của nó vang đến khắp mọi ngõ ngách tỉnh thành.

El Tenebrarium thành công vang dội trong mười lăm năm, cho đến khi người ta phát hiện Deulofeu đã quyến rũ vợ, con gái và mẹ vợ của vị thống lĩnh quân sự trong tỉnh chỉ trong một tuần. Điều sỉ nhục đen tối nhất đã giáng lên cung điện và chủ của nó. Trước khi Deulofeu có thể chạy trốn khỏi thành phố và dùng đến một trong nhiều căn cước khác của y, một nhóm du thủ du thực đeo mặt nạ đã bắt hắn ta tại một xóm liều trong khu phố Santa María rồi treo cổ và châm lửa thiêu hắn trong Công viên Ciudadela, rồi để mặc xác hắn cho lũ chó hoang lai vãng gần đấy cắn xé. Sau hai thế kỷ bị bỏ hoang, trong thời gian ấy không ai thèm dỡ đi những bộ sưu tập kinh hoàng của Laszlo xấu xí, El Tenebrarium được chuyển thành một cơ sở từ thiện dưới sự quản lý của một nhóm bà xơ.

“Chư bà của Thử thách Cuối cùng, hay cái gì đó bệnh hoạn đại loại vậy,” Fermín nói. “Rắc rối là bọn họ rất ám ảnh về sự bí mật của nơi này (thật xấu hổ, tôi phải nói vậy), nghĩa là ta phải tìm mách khóe để chui vào.

Thời gian gần đây, những người vào trú trong Nhà tế bần Santa Lucía toàn những người già sắp chết, bị bỏ mặc, điên, bần cùng, những người tạo nên thế giới ngầm đông đúc của Barcelona. May cho họ là hầu hết họ chỉ sống được một thời gian ngắn ngủi sau khi được đưa vào đây; tình trạng của cơ sở này cũng như những người sống trong đó không khuyến khích sự sống lâu. Theo Fermín, những người chết được đưa ra khỏi đó trước khi trời sáng và hành trình cuối cùng tới nghĩa trang chung là ở trong một chiếc xe phủ kín được tài trợ bởi một công ty ở Hospitalet với danh tiếng đáng ngờ chuyên làm thịt hộp và đồ ăn sẵn - thỉnh thoảng công ty này lại dính vào những vụ xi căng đan bẩn thỉu.

“Những chuyện này toàn anh bịa hết,” tôi phản đối, bị ám ảnh bởi những chi tiết kinh hoàng trong câu chuyện của Fermín.

“Sức sáng tạo của tôi không xa đến thế đâu, Daniel. Hãy chờ xem. Tôi đã đến tòa nhà này vào một dịp không lấy gì vui vẻ cách đây mười năm, và tôi có thể nói với cậu rằng như thể người ta đã thuê ông bạn Julián Carax của cậu làm thiết kế nội thất ấy. Thật tiếc là chúng ta không mang theo lá nguyệt quế để làm bớt mùi. Nhưng chúng ta sẽ có đủ rắc rối ngay khi được phép vào trong.”

Với những kỳ vọng của tôi được định hình như vậy, chúng tôi đi vào phố Moncada lúc bấy giờ đã biến thành một đường hầm tối hai bên là những tòa nhà cổ được chuyển thành nhà kho và cửa hàng. Tiếng chuông nguyện từ nhà thờ Santa María del Mar lẫn vào tiếng vọng bước chân chúng tôi. Ngay sau đó, một mùi đắng ngắt thấm vào cơn gió lạnh băng.

“Mùi gì thế nhỉ?”

“Chúng ta đến nơi rồi,” Fermín thông báo.
Bình Luận (0)
Comment