Bữa Sáng Ở Tiffany’s

Chương 10

CÂY ĐÀN GUITAR KIM CƯƠNG

Từ thị trấn gần nhất đến trại tù cũng phải cách đến hai mươi dặm. Giữa hai đầu là bạt ngàn rừng thông, nơi họ phải lao động khổ sai bằng cách cạo mủ lấy nhựa thông. Nhà tù cũng ở ngay trong rừng. Bạn sẽ thấy nó cuối đường mòn đất đỏ, với những dây thép gai tua tủa ngoằn ngoèo như dây leo quấn khắp các bức tường. Trong đó có một trăm linh chín người da trắng, chín mươi bảy người Phi, người Tàu và các sắc dân khác. Có tòa hai nhà lớn để làm chỗ ngủ, xây bằng gỗ còn tươi, mái trải nhựa đường. Đám da trắng ở một nhà. Dân Phi, Tàu và các nơi khác ở nhà kia. Mỗi nhà đều có một cái bếp lò lớn, hình cái bình phình ra, nhưng mùa đông ở đây rất lạnh, và đêm đến dưới ánh trăng soi rét mướt, những cây thông băng giá đu đưa, đám đàn ông nằm đơ trên cái giường sắt của mình, trắng mắt nhìn ánh lửa bập bùng trong bếp lò.

Những người có giường gần lò sưởi nhất là nhân vật quan trọng - đáng ngưỡng mộ hoặc đáng sợ. Ông Schaeffer là một trong số đó. Ông Schaeffer - ông thường được gọi như thế, dấu hiệu của sự kính nể đặc biệt - gầy lòng khòng và quá khổ. Tóc ông bạc và đỏ quạch, gương mặt khắc khổ và ngoan đạo, ông chẳng có tí thịt nào, có thể thấy xương ông chuyển động, còn đôi mắt thì mờ đục. Ông biết đọc biết viết, và có thể điền cả một cột số. Ai nhận được thư cũng mang đến cho Ông Schaeffer. Đa số các bức thư đều buồn bã, than phiền; Ông Schaeffer thường thêm thắt những tin vui và không đọc những gì viết trên trang giấy. Trong nhà giam có hai người khác cũng biết đọc. Thậm chí một trong hai người cũng mang thư của mình đến cho Ông Schaeffer, người có nghĩa vụ không bao giờ đọc sự thật. Bản thân Ông Schaeffer chẳng có thư, ngay cả vào Lễ Giáng sinh; hình như ông không có bạn bè ngoài nhà tù, mà thực ra ở đây ông cũng không có nốt - nghĩa là bạn theo nghĩa đặc biệt. Điều này thì không phải lúc nào cũng đúng.

Một ngày Chủ nhật mùa đông vài năm trước, Ông Schaeffer đang ngồi trên cầu thang nhà giam đẽo một con búp bê. Món này thì ông khá có hoa tay. Búp bê ông tạc từng bộ phận một, rồi nối chúng với nhau bằng mẩu dây thép; chân tay nó chuyển động, đầu lắc lư. Khi ông làm xong chừng một tá búp bê, Giám đốc trại mang chúng xuống thị trấn và bán ở một cửa hàng tổng hợp. Ông Schaeffer kiếm tiền mua kẹo và thuốc lá bằng cách này.

Chủ nhật đó, khi ông đang ngồi gọt những ngón tay cho một bàn tay xinh xinh thì một chiếc xe tải chạy vào sân nhà tù. Một thằng bé bị còng tay gửi đến Giám đốc trại, trèo ra khỏi chiếc xe và đứng chớp mắt dưới mặt trời mùa đông chợt hiện ra ma quái. Ông Schaeffer chỉ liếc mắt nhìn nó. Ông đã năm mươi tuổi và sống mười bảy năm trong trại. Một tù nhân mới đến chẳng lạ lẫm gì với ông. Chủ nhật là ngày nghỉ trong trại, những người đàn ông khác đang đứng ủ rũ trong sân xúm lại quanh chiếc xe tải. Sau đó, Cuốc Chim và Củ Lạc tạt vào nói chuyện với Ông Schaeffer.

Cuốc Chim bảo: “Thằng đó là người nước ngoài, thằng mới đến ấy. Người Cuba. Nhưng mà tóc vàng.”

“Một tay dao đấy, Sếp nói thế,” Củ Lạc nói, hắn ta cũng là một tay dao. “Cắt gọn một thủy thủ ở Mobile.”

“Hai thủy thủ,” Cuốc Chim nói. “Chỉ là đánh nhau ở quán cà phê thôi. Nó cũng có làm bọn kia đau gì đâu.”

“Cắt tai người mà ông bảo không đau à? Họ cho nó bóc lịch hai năm, Sếp bảo thế.”

Cuốc Chim nói, “Nó có một cái guitar gắn đầy đá quý.”

Trời tối quá không làm được nữa. Ông Schaeffer chắp các mẩu của con búp bê vào với nhau, và nắm hai cái tay bé xíu, ông để nó lên đầu gối mình. Ông cuộn một điếu thuốc, những cây thông xanh biếc lên trong ánh hoàng hôn, khói từ điếu thuốc của ông nấn ná vờn trong không khí lạnh và tối dần. Ông nhìn thấy ngài Giám đốc đi qua sân. Tù nhân mới, một thằng nhóc tóc vàng đi cách một quãng phía sau. Nó mang một cái đàn guitar khảm đầy kim cương thủy tinh sáng lấp lánh như sao, bộ đồng phục mới quá rộng cho nó, trông như bộ đồ ngày Halloween.

“Một đứa cho anh này, Schaeffer,” ông Giám đốc nói, dừng bước ở cầu thang nhà giam. Giám đốc không phải là người nghiêm khắc, thỉnh thoảng ông ta còn mời Ông Schaeffer vào văn phòng mình và họ trò chuyện với nhau về những chuyện đọc được trên báo. “Tico Feo”, ông ta nói như thể đó là tên một con chim hay bài hát, “đây là Ông Schaeffer. Thích ông ấy đi, chú mày sẽ ổn.”

Ông Schaeffer ngước nhìn thằng bé và mỉm cười. Ông cười với nó lâu hơn chủ định, vì đôi mắt thằng bé như một mảng trời - xanh biếc như chiều mùa đông - và tóc nó vàng rực như răng ông Giám đốc. Nó có một khuôn mặt hoàn toàn đáng yêu, lanh lợi, thông minh; và nhìn nó, Ông Schaeffer nghĩ đến nghỉ hè và những tháng ngày tốt đẹp.

“Trông nó như em gái cháu ấy” Tico Feo nói, chạm vào con búp bê của Ông Schaeffer. Giọng nó với ngữ điệu Cuba êm ái và ngọt lịm như chuối. “Nó cũng ngồi trên đầu gối cháu.”

Ông Schaeffer đột nhiên ngượng ngùng. Khom người trước Giám đốc, ông đi khỏi chỗ ngồi, bước vào góc tối trong sân. Ông đứng đó, thì thầm tên những vì sao buổi tối trong khi chúng nở thành hoa tít trên cao. Những vì sao là niềm vui của ông, nhưng tối nay chúng không giúp gì được, chúng không làm ông nhớ rằng những cái xảy đến với chúng ta trên trái đất này thật vô nghĩa giữa ánh sáng bất tận của sự vĩnh cửu. Nhìn vào những vì sao, ông lại nghĩ đến cây đàn gắn đá quý và ánh sáng nhấp nháy trần tục của nó.

Có thể nói rằng cả đời Ông Schaeffer chỉ làm mỗi một việc thật sự xấu: giết một người đàn ông. Hoàn cảnh dẫn đến hành động đó không quan trọng lắm, trừ việc nó nói lên rằng gã đàn ông ấy đáng chết và do đó mà Ông Schaeffer phải chịu án chín mươi chín năm thêm một ngày. Suốt một thời gian dài, thực ra là trong nhiều năm, ông chẳng còn nhớ trước khi vào trại mình đã sống thế nào. Ký ức của ông về thời đó giống như một ngôi nhà chẳng còn ai sống và đồ đạc thì đã mục nát hết rồi. Nhưng đêm nay dường như có những ngọn đèn được thắp lên trong tất cả các căn phòng u ám chết chóc. Nó bắt đầu xảy ra ngay khi ông nhìn thấy Tico Feo bước qua hoàng hôn với cây đàn guitar rực rỡ của cậu. Cho tới phút đó, ông đã không cảm thấy đơn độc. Giờ đây, ý thức được sự cô đơn của mình, ông như sống lại. Ông đã không muốn phải sống. Sống để mà nhớ những nhánh sông nâu nơi lũ cá bơi lội và nắng mặt trời trên tóc một người đàn bà.

Ông Schaeffer lắc lắc đầu. Ánh sáng chói của sao trời làm mắt ông nhòe nước.

Nhà giam thường là một nơi chán ngắt, ôi oai mùi đàn ông và khắc nghiệt với ánh sáng trần trụi của hai bóng đèn điện. Nhưng Tico Feo tới như mang đến căn phòng giá lạnh một chút gì nhiệt đới, vì khi Ông Schaeffer trở về sau khi ngắm sao, ông bước ngay vào một cảnh tượng thật hoang dại và lóa mắt. Ngồi bắt chéo chân trên giường, Tico Feo đang gảy đàn guitar với những ngón tay dài điêu luyện và hát một bài hát nghe vui như tiếng bạc rơi. Mặc dù bài hát bằng tiếng Tây Ban Nha, vài người vẫn cố hát theo cậu, còn Cuốc Chim và Củ Lạc đang nhảy với nhau. Charlie và Wink cũng nhảy, nhưng riêng rẽ. Nghe cánh đàn ông cười phá lên thật dễ chịu và khi cuối cùng Tico Feo buông cây guitar xuống, Ông Schaeffer là một trong số những người chúc mừng cậu.

“Cậu xứng với cây guitar đẹp như vậy” ông nói.

“Là guitar kim cương đấy” Tico Feo đáp, vẽ ngón tay lên lớp bọc lóa mắt như trên sân khấu của nó. “Một lần cháu có một cái khảm ruby. Nhưng nó bị đánh cắp mất. Ở Havana, chị cháu làm ở, nói thế nào nhỉ, nơi chế tạo guitar, cho nên cháu mới có cái này.”

Ông Schaeffer hỏi cậu có nhiều chị em không, và Tico Feo cười toe tóe giơ bốn ngón tay. Rồi cặp mắt xanh của cậu nheo lại thèm khát, cậu hỏi, “Bác ơi, bác có thể cho cháu con búp bê cho hai em gái cháu được không?”

Tối hôm sau, Ông Schaeffer mang cho cậu mấy con búp bê. Sau đó, ông thành bạn tốt nhất của Tico Feo và họ luôn ở bên nhau. Lúc nào họ cũng nghĩ đến nhau.

Tico Feo đã mười tám và làm việc hai năm trên một con tàu chở hàng ở Caribê. Hồi còn nhỏ, cậu đến trường với các xơ và cậu đeo một cây thánh giá vàng trên cổ. Cậu cũng có cả tràng hạt. Cậu gói nó trong một cái khăn lụa màu xanh cùng với ba báu vật khác: một chai nước thơm Đêm Paris, một cái gương bỏ túi và tấm bản đồ thế giới của Rand McNally. Những thứ đó, cùng với cây guitar là tài sản duy nhất của cậu và cậu không để ai đụng vào chúng. Có lẽ cậu quý cái bản đồ nhất. Ba đêm, trước khi đèn tắt, cậu lôi cái bản đồ của mình ra và chỉ cho Ông Schaeffer những nơi cậu đã đến - Galveston, Miami, New Orleans, Mobile, Cuba, Haiti, Jamaica, Puerto Rico, quần đảo Virgin - và cả những nơi cậu muốn đến. Cậu muốn đi gần như khắp nơi, đặc biệt là Madrid hay Bắc Cực. Điều này làm Ông Schaeffer vừa thích vừa sợ. Ông đau lòng khi hình dung ra Tico trên biển khơi và những nơi xa xôi. Đôi khi ông nhìn cậu bạn của mình một cách tự ái và nghĩ “cậu là đồ lười nhác mơ giữa ban ngày.”

Tico Feo lười thật. Sau đêm đầu tiên đó, ngay cả chơi guitar cũng phải nài nỉ cậu. Vào sáng sớm khi lính gác đến đánh thức mọi người bằng cách nện búa lên bếp lò, Tico Feo rên rỉ như trẻ con. Đôi khi cậu vờ ốm, khóc lóc và xoa dạ dày nhưng chẳng bao giờ ăn thua vì ông Giám đốc vẫn bắt cậu ra ngoài làm việc với những người khác. Cậu và Ông Schaeffer được bố trí vào một nhóm làm ở đường quốc lộ. Nó là một công việc nặng nhọc, đào lớp đất sét đóng băng và vác những túi xộc xệch đầy đá vỡ. Lính gác luôn luôn phải quát Tico vì cậu mất thời gian cố gắng dựa dẫm chỗ này chỗ kia.

Mỗi buổi chiều, khi các xô đồ ăn tối được chuyển vòng quanh, đôi bạn ngồi cạnh nhau. Trong xô của Ông Schaeffer có vài thứ ngon lành vì ông có thể mua táo và kẹo từ thị trấn. Ông thích cho cậu bạn những thứ này vì cậu khoái chúng lắm, và ông nghĩ, “Cậu đang lớn; còn lâu cậu mới thành một người đàn ông trưởng thành.”

Không phải ai cũng thích Tico Feo. Vì họ ghen tỵ, hay vì nhiều lí do tế nhị, vài người trong số họ bắt đầu kể xấu về cậu. Tico Feo có vẻ chẳng biết gì về chuyện này. Khi đám đàn ông tụ tập xung quanh, cậu chơi guitar và hát những bài hát của mình, có thể thấy cậu vẫn cảm thấy mình được yêu mến. Đa số quả có yêu quý cậu thật, họ chờ đợi và tùy vào thời gian giữa bữa tối và lúc tắt đèn. “Tico, chơi món tủ của cậu đi” họ đề nghị. Họ không để ý rằng sau đó nỗi buồn còn thấm thía hơn cả trước đây. Giấc ngủ nhảy nhót trêu tức họ như một con thỏ săn đêm, và mắt họ cứ khắc khoải nhìn vào ánh lửa lách tách phía sau tấm lưới bếp lò. Ông Schaeffer là người duy nhất hiểu tâm sự rắc rối ấy của họ, vì ông cũng cảm thấy thế. Chẳng phải chính cậu bạn ông đã làm hồi sinh lại những nhánh sông nâu có cá bơi lội và đàn bà với mái tóc đẫm nắng đó sao.

Chẳng bao lâu Tico Feo được vinh dự có chỗ nằm gần bếp lò, gần Ông Schaeffer. Ông Schaeffer luôn biết rằng bạn mình là một tay nói dối thành thần. Ông chẳng tin chút nào vào những chuyện phiêu lưu, chinh phục hay tỉ thí với những người nổi tiếng của Feo. Thay vào đó, ông vui vẻ coi chúng như những mẩu chuyện tưởng tượng mà ta có thể đọc trên một tờ tạp chí nào đó, và ông thấy lòng mình ấm áp khi nghe cái giọng mang âm sắc nhiệt đới của bạn mình thì thầm trong bóng đêm.

Trừ mỗi việc không đụng chạm cơ thể, hoặc có ý định làm thế, điều này chẳng hiếm trong trại, thì họ cứ như một cặp tình nhân. Trong các mùa thì mùa xuân gây nhiều xáo động nhất: những chồi cây đâm xuyên qua lớp đất mùa đồng cứng ngắc, lá non nhú ra trên những cành khô chết, gió như ru lướt qua màu xanh non tơ. Và với Ông Schaeffer cũng vậy; có cái gì nứt vỡ, những bắp thịt cứng đanh chợt mềm ra, thư giãn.

Đấy là vào cuối tháng Một. Đôi bạn ngồi trên cầu thang nhà giam, mỗi người cầm điếu thuốc trên tay. Vầng trăng mỏng và vàng như một miếng vỏ chanh uốn cong trên đầu họ, dưới ánh trăng, những đường nứt trên nền sân băng giá ánh lên như vệt đi của những con ốc bạc. Nhiều ngày nay, Tico đã thu mình lại, lặng lẽ như một tên cướp đợi chờ trong bóng tối. Bảo cậu ta “Tico, chơi món tủ của cậu đi” cũng vô ích. Cậu chỉ nhìn lại bằng cặp mắt phẳng lặng, rỗng không.

“Kể chuyện gì đi,” Ông Schaeffer nói, cảm thấy căng thẳng và bất lực vì không thể kết nối với bạn mình. “Kể chuyện cháu đến đường đua ở Miami ấy.”

“Cháu chẳng bao giờ đến đường đua nào,” tự Tico Feo nói, thừa nhận sự dối trá trắng trợn nhất của mình, liên quan tới hàng trăm đô la và gặp cả Bing Crosby[1]. Cậu có vẻ bất cần. Cậu lôi ra một cái lược và sưng sỉa cào nó lên tóc mình. Vài ngày trước, cái lược này là nguyên nhân một cuộc tranh cãi nảy lửa. Một trong số những người tù, Wink tuyên bố là Tico Feo đã ăn cắp cái lược của anh ta và kẻ bị buộc tội trả lời bằng cách nhổ thẳng vào mặt Wink. Hai người quần nhau cho đến khi Ông Schaeffer và vài người khác lôi họ ra. “Lược của cháu chứ. Bác bảo hắn thế!” Tico Feo yêu cầu với Ông Schaeffer. Nhưng Ông Schaeffer điềm đạm nói không, đấy không phải là chiếc lược của cậu - câu trả lời có vẻ xóa sạch mọi thắc mắc. “Chà” Wink nói, “nếu nó đã muốn cái đó đến thế thì, vì Chúa, để thằng con hoang ấy giữ cái lược đi.” Một lát sau, bằng giọng bối rối, ngập ngừng, Tico Feo nói, “Cháu cứ tưởng bác là bạn cháu.”

“Bác vẫn là bạn cháu” Ông Schaeffer nghĩ thầm nhưng ông chẳng nói gì.

[1] Harry Lillis “Bing” Crosby (1903-1977): ca sĩ, diễn viên nổi tiếng người Mỹ.

“Cháu không đi đua xe, và chuyện cháu kể về bà góa ấy cũng không phải là sự thật” Cậu ta rít một hơi làm điếu thuốc cháy rực lên rồi nhìn Ông Schaeffer với vẻ dò xét. “Bác có tiền không?”

“Chắc khoảng hai mươi đô” Ông Schaeffer ngần ngừ nói, thầm lo không biết chuyện này sẽ đi đến đâu.

“Chẳng ăn thua gì mấy, hai mươi đô,” Tico nói nhưng không có vẻ thất vọng. “Không sao, mình sẽ có cách. Ở Mobile cháu có anh bạn tên là Frederico. Anh ấy sẽ đưa chúng ta lên một cái thuyền. Sẽ không có rắc rối gì đâu,” cứ như cậu ta đang nói chuyện thời tiết trở lạnh.

Tim Ông Schaeffer thắt lại, ông không nói nên lời.

“Không ai ở đây có thể chạy đuổi bắt được Tico. Cháu chạy nhanh nhất.”

“Súng đạn chạy nhanh hơn” Ông Schaeffer nói bằng giọng như sắp chết. “Bác già quá rồi” ông bảo với ý thức về tuổi tác cuộn lên như một cơn buồn nôn trong lòng.

Tico không chịu nghe. “Rồi thì, thế giới. Cả thế giới, el mundo[2] bạn ơi.” Đứng lên, cậu rùng mình như một chú ngựa tơ; mọi thứ dường như gần hơn trước mắt cậu - vầng trăng, tiếng gọi của những con cú rít lên. Hơi thở của cậu trở nên dồn dập, tỏa khói trong không trung. “Chúng ta có nên đi Madrid không? Biết đâu có ai đó sẽ dạy cháu đấu bò. Bác có nghĩ thế không?”

[2] El mundo: thế giới có thật, thật sự.

Ông Schaeffer cũng không chịu nghe. “Bác già quá rồi,” ông đáp. “Già nua khốn kiếp.”

Suốt vài tuần sau, Tico Feo cứ bám theo ông - thế giới, thế giới thật, ông bạn già của cháu ơi; và cậu muốn trốn. Cậu tự nhốt mình trong toilet, tay ôm đầu. Dù sao cậu cũng rất kích động, như trêu ngươi. Nếu nó thành sự thật thì sao, cùng chạy với Tico xuyên qua những cánh rừng rồi ra biển? Và ông hình dung mình ở trên thuyền, ông, người chưa bao giờ nhìn thấy biển, cả đời cắm rễ trên đất liền. Vào khoảng thời gian đó, một người tù bị chết, ở trong sân có thể nghe tiếng đóng quan tài. Mỗi tiếng đinh đóng vào áo quan, Ông Schaeffer lại nghĩ, “Đấy là cho mình, dành cho mình đây.”

Tico Feo chưa bao giờ hưng phấn như thế; cậu đi dạo với những bước chân nhảy nhót, uyển chuyển như trai bao và đùa cợt với tất cả mọi người. Trong nhà giam, sau bữa tối, những ngón tay cậu bung trên cây đàn guitar như pháo hoa. Cậu dạy mọi người gào lên olé và vài người tung mũ lên trời.

Khi việc làm đường kết thúc, Ông Schaeffer và Tico được chuyển trở lại vào trong rừng. Vào ngày Lễ Tình Nhân, họ ăn trưa dưới một cây thông. Ông Schaeffer đã đặt mua từ thị trấn một tá cam tươi và ông chậm rãi gọt cam, lớp vỏ kéo dần thành hình xoắn ốc; những miếng mọng nước nhất ông phần cho anh bạn nhỏ, cậu rất tự hào vì mình có thể nhổ hạt cam rất xa - những hơn ba mét.

Đấy là một ngày đẹp trời, những vệt nắng lướt qua họ như bướm bay, và Ông Schaeffer, vốn rất thích làm việc với cây cối, cảm thấy lơ mơ, sung sướng. Rồi Tico bảo, “Cái gã kia, hắn chẳng bắt nổi một con ruồi trong miệng” Cậu ám chỉ Armstrong, một gã mặt phì phị đang ngồi với khẩu súng kẹp giữa hai chân. Gã là lính canh trẻ nhất và vừa mới đến trại.

“Chẳng biết được” Ông Schaeffer nói. Ông quan sát Armstrong và để ý thấy, giống như nhiều kẻ to xác và tự đắc, tên lính gác mới di chuyển khá nhanh nhẹn. “Gã có thể đánh lừa cháu đấy.”

“Cháu lừa nó thì có” Tico Feo đáp, nhổ một hạt cam về phía Armstrong. Gã lừ mắt nhìn cậu rồi huýt một tiếng còi. Đó là hiệu lệnh bắt đầu làm việc.

Thỉnh thoảng vào buổi chiểu, hai người bạn lại gặp nhau, đó là lúc họ đóng đinh treo xô lấy nhựa thông vào những cái cây cạnh nhau. Không xa phía dưới họ là một nhánh sông cạn chạy vòng xuyên qua rừng cây. “Trong nước không để lại mùi” Tico nói một cách tỉ mỉ, như thể đang nhớ lại những gì cậu đã từng nghe. “Chúng ta chạy trong nước; khi nào trời tối thì trèo lên cây. Được không bác?”

Ông Schaeffer cứ gõ búa, nhưng tay ông run rẩy, và cái búa giáng xuống ngón cái của ông. Ông sửng sốt nhìn bạn mình từ đầu đến chân. Mặt ông không có biểu hiện gì đau đớn, và ông cũng không cho ngón tay vào miệng như bình thường người ta vẫn làm.

Cặp mắt xanh biếc của Tico trợn lên như bong bóng, và bằng một giọng khẽ hơn cả tiếng gió trên ngọn thông, cậu đáp, “Ngày mai” Ông Schaeffer hầu như chỉ còn thấy mỗi đôi mắt cậu.

“Mai được không bác?”

“Mai.” Ông Schaeffer đáp.

Những màu sắc đầu tiên của buổi sáng rơi trên bức tường nhà giam, và Ông Schaeffer, cũng nghỉ ngơi được chút ít, biết rằng Tico Feo đã thức giấc. Bằng cặp mắt mệt mỏi của một con cá sấu, ông quan sát từng cử động của bạn mình ở giường bên. Tico Feo đang tháo nút buộc chiếc khăn đựng những báu vật của cậu. Đầu tiên, cậu lấy cái gương nhỏ ra. Ánh sáng nhờ nhờ của nó run rẩy ưên gương mặt cậu. Trong một lúc cậu tự hào ngắm mình với vẻ vui sướng thành thực, chải đầu và vuốt mượt tóc như thể đang chuẩn bị để đi ra ngoài dự tiệc. Rồi cậu quàng cái tràng hạt quanh cổ. Chai nước thơm và tấm bản đồ cậu không mở ra. Cuối cùng, cậu lên dây cây đàn guitar. Trong khi những người khác mặc quần áo, cậu ngồi bên mép giường và điều chỉnh dây đàn. Thật lạ lùng, vì chắc cậu thừa biết mình sẽ không bao giờ chơi nó nữa.

Chim chóc ríu ran theo chân những người đàn ông đi qua khu rừng còn mờ mịt sương sớm. Họ bước thành hàng một, một nhóm mười lăm người có một lính gác đi bọc hậu. Ông Schaeffer toát mồ hôi như thể trời nóng lắm, ông không thể bước kịp bạn mình, cậu đi đầu, búng ngón tay tanh tách và huýt sáo với lũ chim.

Đã có ám hiệu. Tico gọi, “Hết giờ “ và vờ đi ra sau một cái cây. Nhưng Ông Schaeffer không biết khi nào chuyện đó sẽ xảy ra.

Tên lính gác Armstrong huýt một hồi còi, mọi người trong nhóm rời khỏi hàng và tản ra những chỗ làm khác nhau. Ông Schaeffer cố gắng làm tốt nhất phần việc của mình nhưng luôn chú ý chọn một vị trí để ông có thể theo dõi cả tên gác và Tico Feo. Armstrong ngồi lên một gốc cây, phồng một bên má nhai thuốc lá, mũi súng của gã ngếch lên trời. Gã có đôi mắt giảo hoạt của một kẻ cờ gian bạc bịp; không ai có thể nói được gã đang nhìn vào đâu.

Một lần một người khác nói đúng ám hiệu. Mặc dù Ông Schaeffer biết ngay đấy không phải giọng bạn mình, nỗi hoảng sợ vẫn như sợi thừng xiết nghẹn họng ông. Suốt cả buổi sáng tai ông lùng bùng như trống đánh khiến ông đâm lo là mình không nghe nổi ám hiệu khi nó phát ra thật.

Mặt trời lên đến đỉnh đầu. “Cu cậu đúng là một thằng lười mơ giữa ban ngày. Sẽ chẳng có gì xảy ra đâu,” Ông Schaeffer nghĩ, đến một lúc gần như tin vào chuyện đó. “Đầu tiên mình ăn đã,” Tico Feo nói với vẻ thực tế khi họ đặt cái xô đựng bữa tối bên bờ con sông. Họ ăn trong im lặng, như thể đang bất mãn với nhau, nhưng cuối bữa, Ông Schaeffer cảm thấy bàn tay cậu bạn với gần tay mình rồi khẽ xiết chặt.

“Ông Armstrong, hết giờ...”

Gần nhánh sông, Ông Schaeffer biết một cây bạch đàn ngọt, ông đang nghĩ chẳng bao lâu xuân đến sẽ có nhựa ngọt để nhai. Một mảnh đá sắc như dao cạo cắt đứt bàn tay ông khi ông trườn khỏi bờ sông trơn tuột để xuống nước. Ông đứng thẳng dậy và bắt đầu chạy; chân ông dài, ông gần như đuổi sát Tico Feo, những cột nước lạnh cóng phun lên khắp người họ. Đây đó xuyên qua rừng tiếng người quát tháo vang lên âm âm như vọng trong hang, có ba tiếng súng bắn vọt lên cao như thể lính gác nhắm vào đám ngỗng trời.

Ông Schaeffer không nhìn thấy khúc gỗ nằm chắn ngang sông. Ông nghĩ mình vẫn đang chạy nhưng đôi chân đã phản lại ông, ông chẳng khác gì một con rùa bị mắc kẹt trong mai của mình.

Trong khi đang vật lộn ở đó, dường như gương mặt cậu bạn chập chờn trước mặt ông, giống một mảnh trời mùa đông trăng trắng - thật xa xôi và phán xét. Nó lơ lửng ở đó, nhưng chỉ trong thoáng chốc, nhanh như một con chim ruồi, cũng đủ thời gian cho ông chợt hiểu Tico Feo đã không muốn ông thành công, không bao giờ nghĩ ông có thể, và ông nhớ một lần mình đã nhủ thầm còn lâu lắm cậu bạn mới thành người lớn được. Khi người ta tìm thấy ông, ông vẫn còn nằm ở chỗ nước nông đến mắt cá chân, như thể đó là một chiều hè và ông đang lười nhác thả mình trên suối.

Từ dạo đó ba mùa đông đã qua đi, mùa đông nào cũng được coi là dài nhất, lạnh nhất. Cơn mưa kéo dài suốt hai tháng gần đây đã xói những rãnh sâu trên con đường đất dẫn vào trại khiến việc đến đó khó khăn hơn bao giờ hết, mà ra đi lại càng khó hơn. Một cặp đèn pha đã được gắn thêm vào tường, chúng chiếu sáng suốt đêm như đôi mắt con cú vọ khổng lồ. Ngoài ra chẳng có nhiều thay đổi. Ví dụ như Ông Schaeffer trông vẫn y như xưa, trừ mỗi cái tóc bạc nhiều hơn, và do mắt cá chân bị vỡ, ông bước đi tập tễnh. Chính ông Giám đốc nói rằng Ông Schaeffer bị vỡ mắt cá chân do cố gắng đuổi bắt Tico Feo. Thậm chí có cả hình của Ông Schaeffer trên báo với dòng tít: “Cố ngăn kẻ đào tẩu”. Thời điểm đó, ông đã ngấm ngầm hổ thẹn, không phải vì biết mọi người cười nhạo mình mà vì nghĩ rằng Tico Feo sẽ thấy nó. Nhưng dù sao ông đã cắt bài đó khỏi tờ báo và giữ nó trong một chiếc phong bì cùng với vài mẩu tin liên quan tới bạn mình: một bà cô không chồng báo với nhà chức trách rằng cậu đã vào nhà và hôn bà, hai lần có báo cáo thấy cậu ở Mobile và vùng lân cận, cuối cùng người ta tin rằng cậu đã rời khỏi nước này.

Không ai tranh với Ông Schaeffer quyền giữ cái guitar. Vài tháng trước, một người tù mới chuyển vào nhà giam. Người ta nói gã chơi đàn rất khá và thuyết phục Ông Schaeffer đưa cây guitar cho gã. Nhưng giọng của hắn ta cứ phô ra chua loét, như thể Tico Feo vào buổi sáng cuối cùng khi chỉnh dây guitar đã cài một lời nguyền lên đó. Giờ thì nó nằm dưới gầm giường Ông Schaeffer, những mảnh kim cương thủy tinh chuyển màu vàng ố; trong đêm, đôi khi tay ông tìm kiếm nó, những ngón tay ông chơi vơi trên dây đàn: và rồi, thế giới.
Bình Luận (0)
Comment