Buôn Đồ Người Chết

Chương 103

Tiếp đó, chủ thuyền liền tuân thủ giao kèo, nhét tờ giấy ghi mật mã chuyển tiền ra ngoài. Đoạn, hắn nơm nớp đi về chỗ tôi, hỏi tôi liệu có thành công hay không? Tôi gật đầu nói, cứ việc yên tâm, đêm nay mụ ta sẽ mở cửa, trừ khi mụ ấy muốn chết.

Thế nhưng một giờ, hai giờ trôi qua, chúng tôi vẫn không thấy mụ ta quay lại.

Lòng tôi lạnh buốt, ác phụ này vậy là đã nuốt lời, cũng không biết nửa lượng có làm gì được mụ ta không.

Có điều, rõ ràng tôi đã đánh giá thấp ma lực của vật rà âm.

Lúc trời gần sáng, tôi nghe ngoài cửa có tiếng người, nhưng không phải đi tới, mà bò tới. Chủ thuyền lập tức hỏi: "Chuyển tiền xong chưa?"

Đối phương không trả lời, chỉ tiếp tục bò về phía cửa. Tôi biết tới tám phần mười là mụ vợ cũ đã trúng chiêu, vội vàng tới rình ở cửa, chỉ cần mụ hé cửa, tôi sẽ lao ra.

Tiếng bò ngày càng gần tới cửa, tôi lại chợt phát hiện có máu chảy qua khe cửa vào trong. Rốt cuộc là có chuyện gì? Tôi không hiểu được, tự hỏi.

Đang suy nghĩ thì cửa bật mở. Mà đập vào mắt tôi là một cảnh tượng hãi hùng.

Vợ cũ gã chủ thuyền bị cắt mất cái mũi, mỗi lần hít thở máu sẽ phun từ hai lỗ mũi ra ngoài. Cả khuôn mặt của mụ thấm đầy máu và tóc.

Mụ châc đã bị quỷ nhập, ánh mắt đờ đẫn, động tác cứng ngắc bò từ cầu thang xuống. Tôi sợ hãi, vội né sang một bên.

Mụ ta thần trí mơ hồ, giống như không biết chính bản thân đang làm gì. Bò tới một góc phòng cất đồ cổ, liền đứng dậy, không nhúc nhích, giống như người chết.

Nhìn vợ cũ biến thành bộ dạng đáng sợ này, gã chủ thuyền cũng chẳng có tâm.tư báo thù, vội kéo chúng tôi rời khỏi căn phòng.

Ra được bên ngoài, thấy gã chủ thuyền định khóa cửa lại, tôi liền ngăn cản hắn: "Ngươi làm gì vậy?"

"Còn làm gì nữa." Gã chủ thuyền phẫn nộ nói: "Con tiện nhân này hại ta thê thảm như vậy, giữ lại sẽ chỉ gây họa."

"Dưới thanh thiên bạch nhật lại dám giết người?" Tôi mắng một câu: "Ngươi có nghĩ tới hậu quả không?"

"Có nghĩ tới." Chủ thuyền hừ lạnh một tiếng: "Đây là mụ ta tự sát, không liên quan tới ta, các ngươi cũng không dính líu, tốt nhất các ngươi đừng nhúng tay vào."

Nói xong, hắn không chút do dự, sập khóa cửa, sau đó còn dùng cát đổ vào ổ khóa.

Tôi thở dài, hai vợ chồng này thật là nồi nào úp vung nấy, độc ác như nhau.

Ngẫm nghĩ, tôi liền nháy mắt cho lão Lý, ra hiệu cho hắn âm thầm gọi điện báo cảnh sát.

Chưa đầy mười phút, cảnh sát đã ập tới, bắt gã chủ thuyền, đồng thời phá cửa giải cứu mụ vợ cũ của gã.

Mụ vợ được cảnh sát khiêng ra, máu chảy đầy đất, nằm im không nhúc nhích, chẳn biết còn sống hay đã chết?

Cái du thuyền cũng tạm thời bị phong tỏa, du khách trên thuyền được chuyển tới nơi khác.

Mấy người chúng tôi cũng chẳng nóng vội rời đi, bởi vì còn chưa lấy được thù lao. Nếu như là trước kia, có lẽ tôi sẽ tình nguyện không lấy thù lao, cũng chẳng muốn cuốn vào vụ án mưu sát này. Nhưng lần này chúng tôi chịu nhiều khổ sở, thậm chí suýt nữa bỏ mạng trên thuyền, nên có thể nói, khoản thù lao này do chúng tôi dùng mạng mình đánh đổi, nếu không trân trọng, sẽ hối tiếc cả đời.

Mấy ngày sau, gã chủ thuyền được thả tự do, mụ vợ cũng được cứu chữa tại bệnh viện. Cũng may đưa đi kịp thời, cái mũi của mụ khâu lại được.

Mụ vợ chủ thuyền có ý định mưu sát chúng tôi, cuộc nói chuyện của mụ với gã chủ thuyền đã được chúng tôi ghi âm lại bằng điện thoại, chẳng thể chối cãi.

Mà mụ ta tự cắt mũi, là hành vi cá nhân, cho nên không liên quan gì tới chúng tôi.

Thậm chí chủ thuyền còn đâm đơn kiện lên tòa án, nói rằng chiếc du thuyền là bị mụ vợ lừa đảo chiếm đoạt, cuối cùng bất ngờ thắng kiện.

Có một chiếc du thuyền trên sông Tần Hoài, đó là cái cây hái ra tiền, nên gã chủ thuyền cũng không quỵt nợ, đưa cho chúng tôi không thiếu một xu.

Về phần nửa lượng, làm sao gã dám giữ nữa, nên cũng thành vật tạ lễ cho chúng tôi. Hắn sợ rằng nửa lượng bất chợt nổi điên, đem nốt khối tài sản còn lại của gã mà cho người ta thì khổ.

Nhận được thù lao cùng đồng nửa lượng, chúng tôi cũng không dám ở lại Nam Kinh lâu, trong ngày liền lái xe rời khỏi.

Đồng nửa lượng sau này tôi mới được biết lai lịch. Vốn dĩ, chủ nhân của nó là một danh thần thời Tần, tên là Quý Bố.

Tục ngữ có câu: "Được trăm cân vàng cũng không bằng được một lời hứa của Quý Bố."

Theo câu tục ngữ này thì Quý Bố nổi tiếng là người trọng lời hứa. Tương truyền hồi nhỏ, Quý Bố cũng không có đức tình này, mà ngược lại đi khắp nơi lừa gạt mọi người. Về sau có một sự việc phát sinh, mới khiến cho Quý Bố dần trở thành người coi trọng lời hứa.

Đó là lúc Quý Bố làm quản ngục, gặp một phạm nhân. Phạm nhân này cho Quý Bố một đồng nửa lượng, cầu xin hắn kêu oan giúp mình. Quý Bố gật đầu đồng ý

Nhưng cuối cùng Quý Bố không kêu oan cho phạm nhân kia. Kết quả phạm nhân bị xử lăng trì, trước khi chết mắng lớn Quý Bố nuôt lời.

Tuổi trẻ Quý Bố bị việc này rúng động, trong lòng thầm thề rằng, từ nay về sau nhất định phải hết lòng tuân thủ lời hứa, đồng thời luôn đeo nửa lượng kia bên người, để cảnh cáo chính mình.

Và hắn cũng hoàn toàn làm được điều này, trở thành một danh thần lưu danh trong lịch sử.

Sau này, tôi bán nửa lượng cho một doanh nhân người Philippine. Thương nhân này là người đi đầu trong ngành công nghệ thông tin ở nước hắn, hắn nói bí quyết thành công của mình là luôn giữ chữ tín.

Có điều làm ăn càng ngày càng lớn, sinh hoạt trong xã hội thối nát, hắn dần trở nên lươn lẹo, nhận rất nhiều ngân phiếu khống. Cho nên hắn tìm mua nửa lượng, nhờ vào đó coi là ranh giới cuối cùng của mình.

Xã hội bây giờ, trình độ học thức con người ngày càng cao, nhưng những đức tính tốt đẹp từ hàng ngàn năm trước truyền lại đang dần mai một. Nơi đâu cũng là lừa gạt, hãm hại lẫn nhau, thậm chí ngẫu nhiên xuất hiện một người giữ lời hứa sẽ được báo chí đưa lên mây xanh.

Càng buồn cười hơn chính là, bây giờ lại còn muốn nhờ vào một vật tà âm, để mình không quên sơ tâm, hết lòng tuân thủ lời hứa. Đây đúng là một xã hội đáng thương, một nhân loại đáng thương!

Hết phần 12
Bình Luận (0)
Comment