Búp Bê Bắc Kinh

Chương 26

VỰC THẲM CỦA SÔNG TÌNH

Một mùa đông nữa trôi qua, cũng lạnh như bao mùa đông khác. Mười bốn tuổi, mười lăm,… và bây giờ là mùa xuân, mùa bão cát. 

Một buổi chiều, tôi quyết định đến Hiệu sách Phương Chu, nơi có một chàng trai trẻ tên là Nước Nóng (nguyên tác: Bạch Khai Thủy) làm việc. Khi tôi đến nơi, tôi thấy anh chàng mặc áo phông Móng Chín Phân màu đen. Cậu ta trông nhỏ con hơn trước và đã cắt tóc rất ngắn. 

“A, xem ai kìa!” Nước Nóng kêu lên và vươn cả hai tay ra với vẻ khoa trương điệu bộ. Một số khách hàng đang xem sách cũng ngẩng lên nhìn, và một anh chàng mà tôi vừa mới phỏng vấn, tên là Kiệt Tư, ca sĩ chính của một ban nhạc, chợt bước tới. Anh ta vẫn mang kính gọng đen và một đôi giày dã chiến phun màu vàng. 

Anh ta hỏi tôi bài viết sau khi phỏng vấn thế nào, và tôi trả lời rằng cũng đã sắp xong, rồi tôi trả lại anh ta một bản Demo Bướm Chết mà tôi đã mượn. 

“Em thấy thế nào?” anh ta hỏi. 

“Cũng được lắm,” tôi nói. “Có mấy bài rất khá ở mặt B.” 

“Ồ?” Anh ta nở một nụ cười hạ cố với tôi. “Kỹ thuật họ thối um. Tôi không thể ngửi được. Mấy nhịp mở đầu của bài thứ nhất đã làm tôi oải luôn. Cứt! Nếu họ mà cũng dám ra băng demo thì bọn ất ơ nào cũng ra được.” 

Tôi kệ thây anh ta. Trong một môi trường quậy rock ở Bắc Kinh, ai thấy ai cũng đáng ghét. 

“Bọn họ chỉ có hai thôi, đúng không?” tôi hỏi. 

“Ờ, làm gì có bass.” 

Tôi mở vỏ băng ra để nhìn dòng ghi biên chế. 

Bướm Chết 

Guitar/ Ca sĩ chính: G 

Trống: LCNTC 

Còn ghi cả số máy nhắn tin của G. Bọn họ đều dùng “tên” tiếng Anh, một loại mật mã mà tôi chịu chết không hiểu. Cho nên, ra vẻ quan trọng, tôi gọi vào máy nhắn tin của G, muốn xem xem gã này thuộc loại nào. Mấy phút sau thì điện thọai reo. Nước Nóng nhấc máy: “Alô, Hiệu sách Phương Chu đây.” Cậu ta đùa ghẹo người gọi, nói với anh ta rằng có một người ở đây mết nhạc của các anh lắm. 

Tôi lục lọi trong hiệu sách, nơi bán vô số các sách và tạp chí âm nhạc hiện đại, mặc dù kích thước cũng rất nhỏ - không quá mấy chục mét vuông. Bên ngoài, các ban nhạc dán đầy các poster về các buổi biểu diễn, hay các thông báo thử giọng cho các ca sĩ, trong khi đó, hơn một nửa các bức tường trong phòng chất đầy đĩa CD – một số giá 15 tệ, một số khác giá 150 tệ - rồi các băng demo của vô số ban nhạc ở Bắc Kinh cùng những nơi khác. Tại quầy thu tiền, bạn có thể mua áo phông, đề-can, cùng các tạp chí từ Châu Âu và Mỹ. Tôi nhặt mấy tờ tạp chí cho không như Beijing Scene, Giải trí ở Bắc Kinh, và tờ Hướng dẫn Độc giả vứt bừa ở đó. Rồi tôi tự rót cho mình một chén trà, càng lúc càng cảm thấy đây như nhà mình vậy. Nước Nóng luôn bận rộn trả lời điện thọai. Đầu tiên, cậu ta rất cho đáo và tôn trọng, bao giờ cậu ta cũng xin chào và nói, “Cảm ơn vì đã gọi đến Hiệu sách Phương Chu.” Thỉnh thoảng lại có một khách hàng gọi điện đến hỏi xem một cuốn sách nào đó đã có chưa, nhưng thường thì là một trong số những bạn cậu ta, và cậu ta lúc cười khúc khích lúc sỉ vả với bất cứ gã nào, khá là nhộn. Còn nhớ lúc khi Nước Nóng bắt đầu làm việc ở đây, cậu ta vừa mới đến Bắc Kinh, và đã trải qua một thời gian khốn khổ vì gia đình cậu ta vẫn ở làng quê tại Giao Đông. Nhưng cuộc sống bây giờ đã khá hơn rồi. Bám lấy hiệu sách, cậu ta đã tiếp xúc được với rất nhiều người, hầu hết là các nhạc công, và một số đã trở thành bạn của cậu. Chẳng biết làm gì, bọn họ thường hay tạt qua hiệu sách để giết thời giờ, kiếm gì đó để ăn, hay bất cứ thứ gì. Họ thường trò chuyện kiểu như thế này: 

“Thế nào?” 

“Không tốt lắm. Chả biết làm gì. Đi xem vài sô – mệt quá! Phí của. Ngấy lắm rồi. Dào ôi, thật ra mình chả hợp với thế giới này.” 

Hoặc là: “Tớ sẽ chết vì thi sĩ Hải Tử!” 

“Tớ cũng sẽ nằm giữa đường tàu, như ông ấy.” 

Đại loại vậy. 

Tôi ngồi yên đó đắm mình trong những suy nghĩ, đưa đẩy đến một trạng thái lạnh nhạt kỳ lạ. Thời gian trôi qua. Một cơn gió nổi lên ngoài kia, phủ lên Bắc Kinh một tấm thảm cát vàng. Nhưng chúng tôi ngồi dễ chịu trong này, quên đi, ít ra là lúc này, cái thời tiết khó chịu bên ngoài và tất cả những thứ khiến chúng tôi kinh sợ. Tôi thật sự chẳng quan tâm lắm về thời gian, bởi lẽ dẫu sao, thời gian là tất cả những gì mà tôi có. Sau chừng hơn nửa giờ, G đã xuất hiện trong hiệu sách. 

G nói lần đầu tiên thấy tôi, tôi chẳng gây cho cậu ta ấn tượng gì, ngoại trừ mái tóc màu xanh. Lại một con nhóc punk nữa, cậu nghĩ vậy. Cậu cho rằng tôi là bạn gái của Kiệt Tư. Khi cậu thấy Kiệt Tư, cậu hỏi anh ta nghĩ gì về bản demo, và Kiệt Tư nói mình chưa thực sự nghe nó. Rồi bọn họ nói một lúc về chuyện biểu diễn. Tôi nghe G đề nghị Kiệt tư giúp cậu sắp xếp cho cái gì đó, nhưng Kiệt Tư nói không xong đâu nếu như không có một cây bass. Cuộc trao đổi của họ kết thúc khi tôi bước tới. 

“Có phải cậu là ca sĩ chính của Bướm Chết?” tôi hỏi. 

“Phải.” 

“Cậu có yêu cầu gì ở người chơi bass hay không?” 

Cậu ta nhìn tôi nặng nề. “Không có gì cả, chỉ là một người nào có chung ý tưởng với chúng tôi.” 

“Tôi có được không?” tôi nói. 

Tôi làm quen với G như vậy đó. 

Một lúc sau đó, cậu dẫn tôi đi gặp tay trống của chúng tôi, một học sinh năm cuối của một trường trung học gần đó. Chúng tôi đạp xe đến đó, cậu thì trong đôi-kính-mắt-đen-gọng-vàng-kỳ-ngộ, cùng đạp loằng ngoằng đến Trường Trung học Đường sắt số Ba. Ngôi trường có những tòa nhà cũ kỹ với một sân thể dục rộng lớn mà mấy đứa trẻ vẫn đang đá bóng. Đang cuối tháng Ba, đã gần như là tháng Tư, và bọn con trai đã chuyển sang mặc áo ba lỗ trắng. Ngôi trường tỏa ra một mùi cỏ dễ chịu. Một vài đứa trẻ nhìn chúng tôi chằm chằm, và tôi thì đút hai tay vào túi quần. 

Chúng tôi không thấy tay trống đâu cả. Cậu ta đã cuốn xéo ngay sau khi tan học. Sau đó không lâu, khi chúng tôi chia tay tại đại lộ Tràng An, tôi nói với G rằng tôi sẽ sớm gọi cho cậu. 

Ngày hôm sau tôi đánh mất cuốn sổ địa chỉ. Tôi tìm nó khắp nơi, và trong khi tìm kiếm tôi vớ được một mảnh giấy có số điện thọai của G. Tôi gọi, và cậu ta nhấc máy lên sau vài hồi chuông. “Alô, có phải G không?” 

“Vâng, đúng vậy.” Cậu ta trả lời cho một giọng con gái như vậy đó. “Tôi là người duy nhất dùng máy này, vậy nếu có ai đó trả lời, thì đó là tôi. Nếu không có ai, thì tức là tôi không có nhà.” 

“Hừm. Tôi là Xuân Thụ, tôi là…” 

“Ô, cậu thế nào rồi?” 

Ban đầu thì còn có gì đó ngượng ngùng, nhưng hay. Chúng tôi nói chuyện một lúc, và cậu ta nói suốt cả ngày cậu ta đợi tôi gọi điện thọai. Lúng túng, tôi nói với cậu tôi không tìm được sổ địa chỉ. Tôi luôn như vậy đó, không mất cái này thì quên cái khác.

_________________
Bình Luận (0)
Comment