Bút Vẽ Giang Sơn, Mực Tô Xã Tắc

Chương 16

Nhìn vẻ mặt nghiêm túc của Vũ Ngôn khi nói đến những lời cuối cùng, Nguyễn Phong không dám lơ đễnh một chút nào, đem nhưng lời nhắc nhở ấy ghi nhớ thật kỹ. Dù sao đây cũng là chuyện liên quan đến tính mạng cơ mà, không có mạng thì làm sao mà tìm được đường về nhà, vì vậy tốt hơn hết là vẫn nên cẩn thận. Chẳng phải người xưa vẫn có câu cẩn thận dùng được thuyền vạn năm đấy thôi.

“Sau đây, ta sẽ dạy cho con những pháp môn cơ bản của một thư pháp gia. Thư pháp gia chính là vận dụng sức mạnh tự nhiên. Mà sức mạnh tự nhiên hình thành từ đâu? Câu hỏi này có rất nhiều đáp án, mỗi đáp án tương ứng với một thuyết pháp của các bậc tiền nhân. Ngày nay,giới thư pháp thống nhất rằng hai thuyết pháp bát quái, ngũ hành là chuẩn xác nhất. Ngũ hành bao gồm kim, mộc, thủy, hỏa, thổ năm đại nguyên tố. Mọi sự vật trên thế giới này đều được hình thành từ sự tổ hợp của năm nguyên tố này. Ví dụ như cuộc sống của con người, sử dụng kim loại để làm công cụ, sử dụng gỗ, đất đá để dựng nhà, sử dụng lúa gạo làm thức ăn, lại phải uống nước để duy trì sự sống, khi đói thì phải dùng lửa để nấu chín thức ăn. Con người tuy là một động vật, nhưng cuộc sống vẫn liên hệ mật thiết với ngũ hành. Tất cả các sự vật hiện tượng trên đời này cũng như vậy, đều phải gắn liền với ngũ hành. Đây là một cách giải thích rất thực tế, trực quan, vì vậy thuyết ngũ hành có thể coi như thuyết bản nguyên về sức mạnh tự nhiên”

Dừng lại một chút để Nguyễn Phong ghi nhớ những điều vừa nghe, Vũ Ngôn tranh thủ điều chính lại tư tưởng, tiếp tục thuyết giáo:

“Thuyết bát quái, lại giải thích về nguồn gốc của sự vật hiện tượng. Toàn bộ hư vô, trước đây là một khoảng hỗn độn, chỉ bao gồm các dạng vật chất mà không có sự sống,hay còn gọi là vô cực. Trải qua các quá trình thay đổi, mặc dù hỗn độn vẫn không có sự sống, nhưng lại tiềm ẩn sinh cơ vô cùng tận, chính vì vậy đã tạo thành thái cực. Trong thái cực tồn tại sự lưu chuyển, động tạo ra dương, khi dương đạt đến cực hạn thì sẽ biến đổi thành tĩnh, trong tĩnh lại sinh ra âm, khi âm đã đạt đến cực hạn thì sẽ lại chuyển đổi thành động. Quá trình này sinh ra âm, dương là các mặt đối lập, nhưng lại bổ sung cho nhau, tương hội giao hòa, đó chính là lưỡng nghi. Lưỡng nghi trải qua quá trình diễn hóa, lại hình thành lên tứ tượng, biểu thị cho sự sinh sôi, phát triển, suy thoái, lụi tàn, tương ứng là thái dương, thiếu dương, thiếu âm, thái âm. Tứ tượng tuần hoàn, sinh ra bát quái, lần lượt là càn, khôn, cấn, chấn, tốn, ly, khảm, đoài đại biểu cho các lực lượng tự nhiên. Từ bát quái diễn hóa ra 64 quẻ, đại biểu cho mọi sự trên đời. Đây chính là nguồn gốc của tất cả mọi sự vật theo thuyết bát quái”

Nguyễn Phong tuy đã biết đến sự tồn tại của hai đại thuyết pháp này từ trước, nhưng hắn chưa bao giờ khiên cứu. Đây là lần đầu tiên hắn được nghe giảng giải kỹ lưỡng đến như vậy, không khỏi thầm bội phục trí tuệ của người xưa, từ các sự vật hiện tượng trong tự nhiên mà tìm ra được những triết lýsâu xa như vậy.

“Thực ra mà nói, thuyết âm dương ngũ hành, tuy hai mà một. Giữa chúng luôn có sự liên hệ nhất định. Âm dương phân chia, chuyển hóa lẫn nhau, từ đó hình thành lên ngũ hành. Trong ngũ hành có tồn tại sự tương sinh, tương khắc. Khi ngũ hành phân hóa, hình thành lên sự hài hòa. Khi đã có sự hài hòa, âm dương sẽ tạo ra vạn vật. Từ vạn vật này, sự sống sinh sôi tiếp diễn, luân chuyển không dứt, chính là vòng tuần hoàn của mọi vật trên đời này. Hai thuyết này bổ sung cho nhau, giúp người ta càng hiểu sâu hơn về đạo. Đây chính là điều người xưa vẫn nói: đại đạo phi thường, vạn pháp quy nhất”.

“Vì hai thuyết này tuy hai mà một, nên thư pháp gia khi bắt đầu, thường lựa chọn thuyết ngũ hành để tu tập. Ngũ hành tương sinh tương khắc, luân chuyển vô cùng, đại biểu cho sự sinh sôi và ức chế lẫn nhau, duy trì sự cân bằng của vạn vật. Thư pháp gia học đạo ngũ hành, chính là vận dụng mối quan hệ giữa các nguyên tố, từ đó đảm bảo sự cân bằng của giới tự nhiên. Trong tự nhiên bao quanh chúng ta, nguyên tố ngũ hành luôn tồn tại và vận động. Chỉ là mắt thường của con người không thể nhìn thấy sự tồn tại của các nguyên tố này, vì vậy thư pháp gia mới cần phải khai mở tâm nhãn để cảm nhận chúng. Tâm nhãn này, chính là sử dụng tâm thần để cảm ứng thay cho mắt nhìn, vì vậy mỗi người đều có thể tự mình khai mở tâm nhãn. Nhưng tùy vào tinh thần lực mạnh yếu khác nhau, cho nên thời gian để khai mở tâm nhãn của mỗi người cũng khác nhau, và khả năng cảm ứng nguyên tố tự nhiên cũng có sự chênh lệch. Có người dùng cả đời mới có thể khai mở được tâm nhãn, cũng có người từ khi sinh ra đã có khai mở được tâm nhãn. Con người tự khai mở được tâm nhãn, cũng có thể tiếp nhận sự giúp đỡ của người khác để khai mở tâm nhãn, từ đó đẩy nhanh quá trình, giúp người ta sớm cảm thụ được nguyên tố tự nhiên”

“Bây giờ con hãy làm theo ta bảo, kiểm tra thử xem đã có tâm nhãn hay chưa. Nếu chưa có thì ta sẽ giúp con khai mở tâm nhãn. Đầu tiên là hãy nhắm mắt vào, bình tâm tĩnh khí, sau đó sử dụng tâm thần để cảm ứng tự nhiên. Hãy coi tâm thần giống như là đôi mắt, thông qua đôi mắt đó con hãy nhìn ra thế giới bên ngoài. Hãy cho ta biết con có thể thấy gì?”

Nguyễn Phong hít sâu một hơi, thả lỏng tâm thần, từ từ nhắm mắt lại. Trong đầu hắn dường như hiện ra một đôi mắt tâm hồn vẫn đang nhắm chặt. Hắn muốn mở đôi mắt này, dùng nó để nhìn nhận sự vật xung quanh. Nhưng dù bản thân cố gắng thế nào, đôi mắt ấy vẫn nhắm chặt. Nguyễn Phong cố gắng lấy lại bình tĩnh, từ từ khuếch tán tâm thần của bản thân, dùng chúng để đánh động đến đôi mắt kia. Đôi mắt từ từ động đậy, dần dần mở ra, cho dù tốc độ rất chậm, nhưng đôi mắt thực sự đã mở ra. Trong thế giới tinh thần của Nguyễn Phong đột nhiên sáng bừng lên. Khung cảnh xung quanh ngọn Thanh Long sơn toàn bộ đều hiện lên trong lòng hắn. Đồng thời, Nguyễn Phong còn thấy được những đám mây nho nhỏ nhẹ nhàng trôi nổi trong không trung, có cái lại nhập vào lòng đất, chui vào thân cây…..

Những đám mây này màu sắc sặc sỡ, nhưng lại chỉ có năm màu, luân phiên lưu chuyển. Tâm thần Nguyễn Phong như lạc vào kì cảnh, thỏa thích ngắm nhìn những đám mây này. Có mấy đám mây ngũ sắc ở gần Nguyễn Phong, như bị tâm thần của hắn hấp dẫn, nhẹ nhàng trôi về phía Nguyễn Phong, sau đó nhập vào cơ thể hắn. Một cảm giác khoan khoái tràn ngập cơ thể Nguyễn Phong, khiến hắn càng muốn hấp thu nhiều đám mây hơn nữa. Nhưng chẳng được bao lâu sau, cảm giác này đã thay đổi thành khó chịu vô cùng. Thân thể khi thì nóng rực như chui vào lò lửa, khi thì lạnh lẽo như ở trong hầm băng, có lúc lại nặng nề vô cùng, hoặc cứng ngắc như mọc rễ, hoặc là đau đớn như bị kim châm. Năm loại cảm giác thống khổ liên tục thay đổi, tra tấn thân thể và tâm thần của Nguyễn Phong, khiến cho hắn lập tức ngất đi. Vũ Ngôn đứng một bên thấy vậy, chỉ có thể lắc đầu cười khổ:

“ Đứa nhóc này, thật là chưa học bò đã lo học chạy, quá vội vàng hấp tấp rồi. Cũng may nguyên tố quanh đây đã chịu sự khống chế của ta, nếu không thì hậu quả khó mà lường được. Coi như là một lần kinh nghiệm đau khổ, cho hắn sau này chừa cái tính hấp tấp đi vậy”.

Thầm nhủ trong lòng như vậy, Vũ Ngôn lại cõng Nguyễn Phong lên lưng, đưa hắn xuống núi. Mặt trời chẳng biết đã ngả về hướng tây từ lúc nào, đang dần dần chìm xuống sau đường chân trời.
Bình Luận (0)
Comment