Bút Vẽ Giang Sơn, Mực Tô Xã Tắc

Chương 8

Nguyễn Phong bây giờ cũng đã năm tuổi. Thời gian trôi qua cũng quá nhanh, nhưng vẫn kịp để hắn làm quen được phần nào với cái thế giới xa lạ này. Về cơ bản, nơi đây cũng không khác nhiều với trái đất, hoặc nên nói là những gì hắn tiếp xúc cũng không khác nhiều với trái đất. Từ khi hắn bắt đầu nghe hiểu được những gì người khác nói, hắn nhận ra rằng người ở vương triều Đại Việt cũng sử dụng tiếng Việt. Mặc dù có một số từ có cách phát âm lệch đi, và vốn từ cũng không phong phú như tiếng Việt ở thế giới hắn, nhưng theo Nguyễn Phong suy đoán, có lẽ đây là tiếng Việt từ thời xa xưa. Hắn dám chắc là mình đã xuyên việt, nhưng hắn không thể xác định được mình đã bị chuyển đến đâu. Dựa vào những gì mà hắn nghĩ, có lẽ hắn đã xuyên qua thời gian, trở lại thời phong kiến ở Việt Nam, cụ thể mà nói thì đây là khoảng thời gian tương đương với triều Lý. Việc này liệu có liên quan gì đến những di tích đền Đô mà hắn đã tham quan không? Liệu có cách nào để hắn trở lại hay không? Ngọc Thanh liệu có xuyên việt cùng hắn đến thế giới này hay không? Vô vàn nghi vấn được đặt ra trong đầu Nguyễn Phong. Mặc dù là trí nhớ của hắn được kế thừa nguyên vẹn từ “kiếp trước”, nhưng với trí óc của một đứa bé mới năm tuổi, mà thân thể lại có phần yếu đuối, những suy nghĩ này hiện tại thật sự là quá sức đối với Nguyễn Phong. Đã không suy nghĩ được, thì cũng không cần phải cố suy nghĩ nữa. Nguyễn Phong quyết định để những vấn đề này sang một bên, đợi sau này khi hắn có đủ khả năng thì sẽ tiếp tục tìm lời giải đáp.

Sau khi đã tiếp xúc với ngôn ngữ ở vương triều Đại Việt, việc tiếp theo Nguyễn Phong muốn làm là tìm hiểu về chữ viết. Hắn vẫn nhớ rõ những chữ khắc trên bức thư pháp ở đền Đô kia. Có lẽ đó chính là cảnh giới “thần” trong thư pháp mà ông nội hắn trước đây từng nhắc đến. Nếu điều này là thực sự, thì chặng đường để bước đến đỉnh cao thư pháp quả thực là rất khó khăn. Nguyễn Phong rõ ràng một điều, với trình độ của mình ở tiền thế, có lẽ chẳng thể nào đạt đến cảnh giới đỉnh cao này. Nguyên nhân có lẽ do bản thân đã không chuyên tâm rèn giũa từ bé, hay tại vì sau này trong cuộc sống có những lúc xao nhãng việc luyện tập, Nguyễn Phong cũng không rõ ràng. Việc hắn có thể làm bây giờ là bắt tay vào việc tập viết ngay từ sớm. Nhưng muốn viết được thì cũng phải biết rõ chữ viết của thế giới này đã!

Khi Nguyễn Phong nói với cha mình về việc muốn học chữ, cha hắn rất ngạc nhiên. Trẻ con bình thường, đều phải sáu tuổi mới bắt đầu học vỡ lòng, vậy mà con mình mới năm tuổi đã muốn học chữ, đây là biểu hiện của thiên tài, hay chỉ là mong muốn nhất thời của trẻ con? Nguyễn Bảo cũng không rõ lắm, chỉ là nhìn vẻ kiên định trong mắt Nguyễn Phong, hắn vẫn gật đầu đồng ý cho con mình đi học chữ. Mẹ Nguyễn Phong thì lại không được như chồng mình, thấy con còn nhỏ tuổi mà đã phải đi học, bà cũng xót con, mấy lần đã khuyên chồng cho con đợi sang năm sau mới đi học chữ. Chỉ là Nguyễn Phong đã quyết, mẹ hắn khuyên mấy cũng không được, cuối cùng vẫn phải để hắn đi học.

Đại Việt vương triều sùng võ, trọng võ, vì vậy võ sư ở các làng đều có ít nhất ba vị. Thế nhưng thầy đồ thì lại không được nhiều như vậy.Thầy đồ chủ yếu xuất thân từ thư sinh trượt khoa cử, hoặc những vị quan về hưu mở lớp dạy chữ cho con cháu. Nhưng số lượng thầy đồ cũng không tính là nhiều, không phải mỗi làng đều có. Thứ nhất là vì hầu hết mọi thư sinh đều ôm giấc mộng khoa cử, cố gắng đèn sách nhiều năm để đi thi, chứ chẳng mấy ai muốn suốt đời làm một thầy đồ gõ đầu trẻ ở làng. Thứ hai là các vị quan già về quê dưỡng lão cũng thường muốn an hưởng tuổi già, ở nhà chăm lo con cháu, cho nên cũng chẳng mấy ai bỏ thời gian, công sức mở lớp để dạy chữ cho trẻ con. Chỉ những người thực sự có tâm bồi đắp cho lớp trẻ, hoặc những người đã không còn hy vọng khoa cử, mới mở lớp dạy chữ. Chính vì vậy số lượng thầy đồ đã ít lại càng thêm ít.

Làng Vĩnh Thái võ sư cũng có đến năm vị, trong nhà họ Nguyễn cũng có một vị võ sư chính là ông ngoại của Nguyễn Phong. Thế nhưng cả làng lại chỉ có một vị thầy đồ. Thực ra trước đây cũng có đến hai vị thầy đồ, chỉ là một vị đã tuổi cao sức yếu, cho nên đóng cửa lớp, an hưởng tuổi già bên con cháu. Một vị còn lại vốn không phải dân bản xứ, khoảng hơn mười năm trước thì đến làng này, rồi sau đó yêu thích khung cảnh thiên nhiên tươi đẹp xung quanh, lại quý mến người dân làng lương thiện chất phác, cho nên quyết định ở lại làng để dạy chữ cho trẻ nhỏ, âu cũng là góp một phần sức lực giúp đỡ cho làng. Vị thầy đồ này họ Vũ tên Ngôn, tự là Trường Quý, tuổi cũng đã tứ tuần. Gia cảnh, quê quán của thầy không có ai trong làng biết rõ, chỉ biết là thầy trước khi đến đây thì chưa lập gia đình. Sau khi đi đến làng này, được một vị hương thân phụ lão mến tài, gả con gái mình cho thầy, đến nay cũng đã thành thân được gần chục năm, nhưng chỉ mới có một mụn con gái đầu lòng, kém Nguyễn Phong một tuổi.

Một buổi sáng, theo lịch là thuận cho việc khai trương, tế lễ, bái sư, Nguyễn Bảo tự thân dẫn con trai là Nguyễn Phong đến nhà thầy đồ, muốn cho con mình bái thầy học chữ. Hôm nay cũng là ngày thầy đồ nhận học trò, mỗi năm một lần, các học trò đến tuổi đều đến nhà thầy xin học. Lễ vật bái sư cũng không có gì đặc biệt, chỉ là một mâm xôi, một con gà luộc, một cút rượu gạo. Năm nay, số người đến cho con xin học chữ cũng không nhiều lắm, chỉ khoảng trên dưới mười nhà, bao gồm cả Nguyễn Phong. Giờ lành đến, thầy Vũ Ngôn cho các học sinh xếp hàng trước sân. Sân nhà thầy đã được quét sạch bong từ bao giờ, giữa sân bày một án thờ,trên bày hương đèn hoa quả, xung quanh bày lễ vật của học sinh. Thầy tiến lên trước, thắp hương khấn trời đất, xong xuôi thầy gối lễ 4 lễ 4 vái, sau đó mới cho học sinh lần lượt tiến lên. Tất cả học trò mới, đều lễ bàn thờ 4 lễ 4 vái, sau đó lại quay sang, lễ thầy 4 lễ 2 vái, coi như hoàn thành thủ tục xin nhập học. Sau khi lễ xong, tất cả học sinh đều đi vào thăm quan phòng học một lượt.

Phòng học cũng không tính là cũ nát tồi tàn, nhưng cũng khá đơn sơ, bên trong chỉ bày một loạt bàn cho học sinh ngồi học. Số bàn học cũng không nhiều lắm, chỉ có khoảng hơn hai mươi cái, đa số làm bằng tre, khá thấp, vừa vặn để học sinh ngồi xếp bằng trên nền mà vẫn có thể đọc được sách trên bàn. Bên cạnh phòng học cũng chính là nhà thầy, cả khuôn viên bao được bao quanh bởi một hàng rào tre thấp, bên trên có một vài loại dây leo quấn quanh. Hàng rào rẽ sang hai bên một khoảng vừa đủ sánh vai đi qua, chính là lối vào nhà thầy, hai bên lối vào là hai cây tre cao ngang đầu người, to cỡ hai nắm tay ôm vừa, bên trên có treo một tấm bảng đề bốn chữ “Trường Quý Thư Ốc”, cũng chính là tên của “trường học” này.

Lễ bái sư kết thúc, thầy đồ cho học sinh về nhà nghỉ ngơi, hẹn sang ngày hôm sau bắt đầu dạy chữ cho học sinh. Tất cả trẻ nhỏ đều vui vẻ chạy về nhà, líu ríu tốp ba tốp bốn, trong làng cũng chẳng có bao nhiêu gia đình, trẻ con coi như đều quen thân với nhau cả. Chỉ có duy nhất một đứa trẻ còn đứng lại ngắm tấm biển đề tên trường, trong mắt có chữ mơ hồ. Những chứ đề trên đó hắn cảm thấy rất quen, nhưng lại cũng có chút xa lạ,kích khởi lên sự tò mò của Nguyễn Phong, khiến hắn càng mong chờ hơn vào buổi học ngày mai.
Bình Luận (0)
Comment