Cả Nhà Đều Là Dân Xuyên Không, Mỗi Tôi Dân Bản Xứ

Chương 2

Đã trộm gà không xong còn mất luôn nắm gạo!

Hứa Lão Tam không ngờ lại gặp phải sấm sét giữa ban ngày như vậy!

Anh đờ đẫn nhìn lớn nhỏ ba đồng chí nữ nhà mình, nuốt nước miếng một cái, thốt lên: “Ba sợ mà!”

Hứa Đào Đào chớp chớp đôi mắt long lanh, cái miệng nhỏ ríu rít: “Không cần ba đâu! Bọn con là được rồi! Bọn con lên kế hoạch cả rồi nhé, mấy đứa bọn con đi thu hút sự chú ý của đám ong mật, Lãng ca ca len lén đi qua gỡ tổ ong! Đảm bảo một phát trúng ngay!”

Nói xong còn huơ huơ nắm tay nho nhỏ, ra vẻ mình năng lực lắm.

Chỉ là…

Cả nhà: “…”

Hứa Lão Tam hắng giọng một cái, hỏi: “Đây là kế hoạch của các con đó hả???”

… Như này mà cũng gọi là kế hoạch?

Hứa Đào Đào gật đầu, hai chùm tóc nhỏ lắc lư, hơi đắc ý nói: “Giỏi lắm đúng không ba?”

Hứa Lão Tam nhìn gương mặt phúng phính đáng yêu của bé cưng nhà mình, nếu bị ong đốt thì làm sao bây giờ.

Rốt cuộc vẫn không nỡ cục cưng nhà mình mà!

Hứa Lão Tam cảm thấy mình thật đúng là người ba tốt nhất trần đời, anh rầu rĩ nhìn trời, sau đó vô cùng chính nghĩa nói: “Nam tử hán đại trượng phu, không có gì phải sợ, Đào Đào bé nhỏ nhà chúng ta là quan trọng nhất! Chiều nay ba đi với bọn con!”

Vừa nói xong, lại đột nhiên xuống giọng, khe khẽ thì thầm: “Tổ ong ở đâu con? Chúng ta len lén gỡ về, tất cả đều thành của con nhé.”

Hứa Lão Tam nở nụ cười gian trá, khà khà khà.

Cô nhóc nhỏ Hứa Đào Đào vô cùng chính nghĩa: “Làm vậy là không đúng đâu!”

Hứa Lão Tam từ từ dụ dỗ: “Không phải, con nghe ba nói này….”

Thường Hỉ đạp anh một cái, rồi nói: “Anh không thể dạy con bé mấy thứ tốt đẹp được hả? Đào Đào đừng nghe lời ba con.”

Hứa Lão Tam bị đạp một cái cũng không dám làm gì, chỉ biết trừng mắt lại.

Anh trừng mắt nhìn Thường Hỉ: “Em thật là….”

Thường Hỉ hất gương mặt đen xì lên, hỏi: “Sao hả?!”

Hứa Lão Tam nghẹn lại lời định nói trong họng, cũng không dám ho he gì nữa, chỉ ngưỡng mặt lên, khì một hơi qua mũi, nói: “Ai như em có từng đấy kiến thức.”

Nói thì nói như vậy, bất quá vẫn cứ lảm nhảm, giọng nói gần như không nghe được: “Anh đây đường đường là tú tài, cô còn đối xử với anh như vậy. Nếu sau này còn có thể trở về, cô xem anh có hưu cô hay không…”

Thường Hỉ âm u nhìn về phía anh, lạnh lẽo cười một tiếng: “Ha!”

Chỉ một tiếng “ha”, lại để chị cười ra một hơi lạnh giá.

Hứa Lão Tam: “Anh anh anh, anh chỉ nói thế thôi.”

Chỉ bấy nhiêu đã đủ làm kinh sợ.

Hứa Đào Đào dỏng tai lên, hai mắt vừa to vừa sáng.

Hứa Lão Tam lơ đãng quay đầu qua, liền nhìn thấy đôi mắt to tròn của con gái nhỏ, nồng đậm mơ hồ.

Anh lập tức hắng giọng một cái, vội vàng sửa lời: “Ui cha, sao lại nhắc đến chuyện nằm mơ thế này, nhất định là nói bừa, nói bừa rồi!”

Vừa nói vừa đứng lên, vỗ vỗ quần áo, nói: “Anh đến nhà Đại đội trưởng mượn cái áo mưa mặc vào phòng ong đốt…”

Thường Hỉ: “Nhu Nhu, Đào Đào vào dọn bàn cơm này.”

Mắt thấy hai cô nhóc nhỏ bưng đồ vào nhà, Thường Hỉ xuống giọng, khẽ dặn đi dặn lại: “Đào Đào lớn rồi, bớt nói bậy dùm cái.”

Hứa Lão Tam khoát tay, nói: “Làm như anh không biết ấy! Còn cần đến đàn bà con gái như em nhắc nhở sao? Em ấy…A!”

Thường Hỉ véo phần thịt mềm của anh, Hứa Lão Tam đau thấu tim gan, anh che eo, thiếu chút rớt nước mắt, mắng một tiếng: “Bà vợ độc ác.”

Mắt lệ tuôn rơi đi ra ngoài.

Thường Hỉ thở một hơi, sau đó mỉm cười.

Trưa hè tháng sáu, ánh mặt trời không quá gay gắt, chỉ thấy ấm áp mấy phần. Thường Hỉ ngồi trong sân phơi nắng, cảm thụ ánh mặt trời và cơn gió hiu hiu, tâm tình thoải mái. Ai ai cũng nói, đàn ông nhà chị không nhờ cậy được, nhưng riêng Thường Hỉ lại cảm thấy, cuộc sống thế này, quá ư là thư thả.

Nói đúng hơn, Thường Hỉ cũng chẳng phải người của thời đại này.

Chị vốn là người của triều Đại Khánh, tổ tiên đời đời đều là ngự trù, cha chị là đại trù nổi danh của Ngự thiện phòng. Ngay từ nhỏ, chị đã được mưa dầm thấm đất, tay nghề nấu cơm rất tốt, ai cũng phải khen một câu có thiên phú.

Nhưng mà, tay nghề nhà chị, chỉ truyền nam không truyền nữ, dù chị có thiên phú thế nào, thì cũng chỉ là lén lén lúc lúc tự suy xét học tập mà thôi. Lúc này, cậu em họ được nhận làm con thừa tự đến nhà chị lại không thể khoan nhượng cho chị, hãm hại nói chị học trộm “Đại thái”. Lần đó, suýt nữa chị bị chính cha mình bóp chết, còn mẹ chị thì chỉ biết khóc và mắng chị là đồ bạch nhãn lang. Nhất định là học trộm tay nghề để đem về nhà chồng.

Có trời mới biết, lúc đấy chị mới mời hai mười ba tuổi, còn chưa thấy bóng dáng nhà chồng ở đâu. Dù chị có giải thích thế nào, thì “con trai nuôi” vẫn quan trọng hơn con gái ruột, rồi cha mẹ cũng nhanh chóng đem chị gả ra ngoài. Chị gả cho một cậu tú tài nhỏ hơn mình ba tuổi, cũng chính là tam công tử nhà họ Hứa.

Hứa gia cũng chẳng phải nhà tốt lành gì. Cha chồng thiên vị, mẹ chồng cay nghiệt, tướng công vừa lười tham ăn. Cho dù chị có sinh cho nhà họ một đôi long phượng thai vô cùng xuất sắc đi nữa. Con trai từ nhỏ đã thông minh trí tuệ, con gái có thần lực trời sinh. Thì cuộc sống vẫn cứ gian khổ như cũ, làm trâu làm ngựa vẫn không được chút tử tế nào.

Nếu không phải nhờ đôi trai gái vô cùng hiểu chuyện, chị sợ mình đã không kiên trì nổi.

Thật vất vả, con trẻ lớn lên, tướng công làm mười mấy năm tú tài vẫn không đậu nổi Trạng Nguyên, con trai mười bốn tuổi đã vinh danh Kim bảng, thi đậu Trạng Nguyên. Chị nghĩ, những ngày tốt lành cuối cùng cũng tới, nhưng lại ở ngày con trai cưỡi ngựa diễu hành, Hoàng thành bị công phá.

Triều Đại Khánh chiến hỏa liên tục mười mấy năm, rốt cuộc không cầm cự nổi nữa.

Vốn là, bọn họ có thể chạy thoát thân, nhưng ai có thể ngờ được, trong nhà có kẻ ác. Chú em chồng nhà chị, chỉ vì muốn thêm chút tiền chạy trốn, mà hạ độc vào giếng nước, độc chết bốn người nhà bọn họ.

Thời điểm chuẩn bị tắt thở, Thường Hỉ ngẫm lại cả cuộc đời mình, trừ lúc bé thơ còn có chút vui sướng, thì cả đời đều là khổ. Nhưng chị cũng không hoàn toàn hối hận, bởi vì có một đôi trai gái, đặc biệt hiểu chuyện, trong nhà không có ấm áp dịu dàng, nhưng bọn nhỏ lại cho chị đầy đủ yêu thương.

Nhưng ai có thể ngờ được, lại tỉnh dậy.

Chị chuyển kiếp đến một triều đại xa lạ, thành một phụ nữ nông thôn. Gia đình bốn người này từ lúc ra riêng đã sống trong một ngôi nhà cũ dưới chân núi, nhưng không ngờ được mùa Thu mưa xuống lại khiến ngọn núi sạt lở, nhà sập, một gia đình bốn người cũng bị chôn theo. Đến khi tỉnh lại, biến thành bọn họ.

Đúng vậy, là bọn họ.

Không chỉ mỗi mình chị đến.

Tên đàn ông chết tiệt của chị, cùng với một đôi trai gái cũng đến. Chỉ là, bọn họ cũng không phải là thiếu niên mười bốn tuổi nữa, mà thành hai đứa nhóc ba tuổi gầy còm. Càng trùng hợp kinh người hơn là, bọn họ cùng với gia đình bốn người này, không chỉ ngoại hình giống nhau, ngay cả họ tên cũng giống nhau như đúc.

Chị không hiểu được đạo lý lớn lao gì, chỉ biết, đây chính là cao xanh thương hại bọn họ, cho bọn họ một cơ hội khác.

Con trai chị nói: Đây là đầu thai chuyển thế.

Mà chị, phải nắm chặt lấy cơ hội này.

Thật may mắn, dù nơi này nghèo, nhưng rất khác biệt.

Trong lòng chị vô cùng vui mừng.

Cuộc sống là sướng hay khổ, cũng không chỉ dựa trên ăn uống sinh hoạt. Chị không đọc sách, không biết những đạo lý to lớn. Nhưng chị hiểu, nơi đây không có triền miên khói lửa chiến tranh, không có sưu cao thuế nặng, không có loại quan to tốt nhỏ ăn thịt người còn chẳng chịu nhả xương, càng không có những điều khắc nghiệt áp đặt lên phụ nữ như triều Đại Khánh.

Cuộc sống dù khổ một chút.

Nhưng mà, phụ nữ lại có thể gánh nửa bầu trời!

Cuộc sống như vậy, chính là rất tốt.

Bảy năm qua đi, bọn họ đã hoàn toàn quen thuộc với nơi này.

Chị cũng thích ứng dần với hoàn cảnh, từ một phụ nữ hèn yếu, trầm mặc ít lời, trở thành một người đàn bà nông thôn hung dữ, chống đỡ lên cửa nhà.

Mà lại, con trai con gái đều ở bên người, còn gì không thỏa mãn nữa. Mặc dù tên đàn ông chết tiệt kia cũng ở bên. Nhưng nếu không có tên chết tiệt này, thì chị cũng không sinh được Đào Đào đáng yêu như vậy…. Tóm lại cũng xem như một nhà đoàn viên đúng không?

Thường Hỉ xoa tay đứng dậy, cũng không vào trong nghỉ ngơi, mà đi qua nhà chính, từ cửa sau ra thằng ngoài vườn. Vườn sau nhà là đất thuộc sở hữu của bọn họ, được rào xung quanh, chắc được tầm hai phần rưỡi đất (*). Không tính là nhiều, nhưng Thường Hỉ cảm thấy như vậy cũng đủ, đậu que, khoai tây, cà chua, ớt, hẹ, hành lá, dù nhiều dù ít, thứ nào cũng có.

Chị lấy thùng múc nước rồi tưới từng loại một.

Cô nhóc Nhu Nhu thò người ra thấy chị đang làm việc, vội vàng nói: “Mẹ đã mệt cả buổi sáng rồi, nghỉ ngơi một chút đi mẹ. Để con làm là được rồi, mấy việc này với con chỉ là chuyện nhỏ thôi.”

Đừng thấy cô nhóc cô nhóc nhỏ tuổi, chỉ mới là một đứa trẻ, nhưng mấy lời này cũng chẳng phải là nói cho vui.

Khỏe như trâu, chính xác là nói về cô nhóc.

Thường Hỉ: “Nào cần đến con, có chút việc mẹ làm được rồi, cũng xem như vận động cho tiêu cơm.” Chị nhìn quanh một chút, hỏi: “Em con đâu?”

Nhu Nhu: “Chui vào kho rồi ạ.”

Cô nhóc đến bên cạnh Thường Hỉ, cùng chị tưới rau, hai mẹ con cùng nhau làm việc, nên nhanh hơn rất nhiều. Tiện tay Thường Hỉ cắt một mớ rau hẹ, nói: “Tối nay làm hẹ xào trứng cho các con ăn.”

Nhu Nhu chần chừ một chút, nói: “Trong nhà chỉ còn lại hai quả trứng, sáng mai con định nấu cho Đào Đào một chén trứng hoa (**)”

Hứa Nhu Nhu sống hai đời, mặc dù đời trước cũng chẳng sung sướng gì. Nhưng Hứa gia cũng là gia đình vừa làm ruộng và đi học, nhà có ruộng có đất. Mặc dù mẹ con bọn họ bị đối xử tệ bạc, ăn uống không bằng nhà người ta, nhưng cũng tốt hơn đời này rất rất nhiều. Còn chưa kể là, em trai cô hiểu chuyện, thường xuyên len lén lấy bánh kẹo đồ ăn ngon của mình chia cho cô. Nên thực ra Hứa Nhu Nhu cũng được tính như nhìn thấy qua nhiều thứ “hơn người”.

Thế nhưng là, Đào Đào lại không có.

Đào Đào bé nhỏ là ở bọn họ “đến” đây gần hai năm mới ra đời.

Đừng nói đến mấy thứ kẹo bánh hiếm có, mới chỉ là trứng gà, thì với cô bé đã là món vô cùng ngon rồi. Hơn nữa, cô bé lại là trẻ sinh non, mới tám tháng đã ra đời, nhỏ bé yếu ớt, như một bé mèo con. Ngay cả tiếng ê a cũng vô cùng nhỏ bé.

Lúc ấy có nhiều người nói, con bé này sợ là không sống nổi.

Những lời đó, Hứa Nhu Nhu nhớ cả!

Vì dù sao, cô cũng không phải là một cô nhóc đơn thuần.

Chính vì vậy, Hứa Nhu Nhu muốn để dành trứng gà bồi bổ cho em gái.

Thường Hỉ vỗ tay an ủi con gái, nói khẽ: “Ngày kia, bên thôn nhà mẹ đẻ của thím Thúy Hoa con có người làm tiệc cưới, nhờ mẹ qua nấu tiệc.”

Hứa Nhu Nhu nghe vậy lập tức vui mừng, nói: “Vậy thì tốt quá rồi.”

Hai mẹ con đang nói chuyện, thì nghe thấy tiếng chạy lạch bạch, cô nhóc nhỏ Đào Đào thò đầu ra. Cô nhóc khoác lên người một cái áo mưa rộng thùng thình làm từ tấm phủ sợi thủy tinh, áo mưa bị kéo lê một đoạn lớn, phết dưới đất. Tay áo dài lê thê như diễn tuồng, lôi thôi lếch thếch.

Cô nhóc nhìn Nhu Nhu cười ngọt ngào, nịn nọt nói: “Chị ơi, cho em mượn áo mưa của chị nha.”

Hứa Nhu Nhu ra vẻ dữ dằn: “Hứa Đào Đào, em lại nghịch ngợm nữa! Cởi ra ngay! Chị có mỗi một cái áo mưa đó thôi đấy, coi chừng làm hư!”

Thương em gái, là thật.

Mà hung dữ với em gái, cũng là thật!

Bọn con nít nghịch ngợm, nhất định phải dữ dằn với nó!

(*) Chỗ này nguyên văn là 两分半 (hai phân rưỡi): nếu đất vườn mà 2 phân rưỡi theo cách tính của chúng ta chắc không đủ cắm cái rào. Nên mình sẽ lấy nghĩa của từ 分 (phân, phần) là một phần mười của một đơn vị đo lường nào đó. Dù không chính xác nhưng mọi người cứ hiểu là vườn sau nhà không to không nhỏ nhé.

(**) Trứng hoa: gọi chung cho canh trứng, nấu đơn giản nhất là đánh trứng rồi cho vào nước sôi, nấu với đường và gừng.
Bình Luận (0)
Comment