Nói ngắn gọn như Vũ Huy Kim thì là Trần Tụy rất tủn mủn. Hai đứa có thân quen lắm không? Thật tình là không phân định rõ ràng được, nước nóng uống rồi, thước đưa lấy rồi, chẳng lẽ lấy không của nó thế à? Thế nó có nên được lại cái gì từ Vũ Thành Vãn không? Nếu Vũ Thành Vãn định đòi tiền nó thì tên nó đã ghi trong danh sách. Mà nó nằm ngoài cái danh sách ấy.
Vũ Thành Vãn nhíu mày với Trần Tụy, cặp mắt một mí nheo lại trông hơi sắc bén. Trần Tụy cảm thấy Vũ Thành Vãn hung dữ nhưng không phải kiểu dữ muốn đấm người khác.
Thấy Vũ Thành Vãn về chỗ Trần Tụy mới cầm một cái bánh bao áp chảo lên từ tốn cắn từng miếng một, ăn xong cậu quay lại bảo: “Ngon lắm.”
Vũ Thành Vãn gật đầu, không tỏ vẻ gì thêm. Trần Tụy ăn bánh mà trong lòng tràn đầy hương vị, thứ này ngon hơn bánh nướng cứng còng nhiều lắm, hai mặt trên dưới đều vàng giòn bóng dầu, cắn một miếng nghe thơm phức. Thậm chí chỉ mỗi cái còn nóng thôi nó đã hạ đo ván bánh nướng của cậu, đúng là món gì cũng phải ăn nóng mới ngon. Đâu phải Trần Tụy không biết vậy, chẳng qua là cậu tiết kiệm tiền cho cha, cứ dè sẻn mãi nên cậu mới trông như suy dinh dưỡng thế này. Cũng may tuổi này thanh thiếu niên đứa nào cũng cao gầy nên cái sự bất thường của cậu mới không còn bất thường lắm.
Tiển Binh từ nhà ăn lên ngửi thấy mùi thơm ngay, nó chưa kịp gào lên thì Vũ Thành Vãn đã đưa cho nó một túi. Quá là tiên tri, không mua cho nó kiểu gì nó cũng chìa tay đòi Trần Tụy.
“Á à, vẫn nhớ tao là huynh đệ của mày đấy.” Tiển Binh đã có lộc ăn còn hênh hoang, “Tao ăn sáng no rồi. Nể mày lắm mới cố thêm tí này đấy nhá.”
Vũ Thành Vãn còn lạ gì cái kiểu này của Tiển Binh nữa, nhưng còn Trần Tụy… thấy Tiển Binh cũng có bánh tự dưng cái bánh bao áp chảo vỏ giòn thơm phức đang nhai trong miệng cậu bớt ngon hơn một chút. Cậu ăn chậm lại, vào giờ học rồi còn hai ba cái bánh chưa ăn hết đành nhét vào ngăn bàn.
Sao phải mua đồ ăn sáng cho cậu nhỉ? Trần Tụy nghĩ đến tận trưa mà vẫn không nghĩ ra, cả buổi tâm hồn cậu cứ bay tận đẩu đâu chẳng nghe giảng được câu nào. Vũ Thành Vãn ngồi đằng sau thấy hết cái vẻ ngơ ngơ ngẩn ngẩn của Trần Tụy, cậu cảm thấy nó không khác gì mấy đứa trẻ con học tiền mẫu giáo không thể nào tập trung được, nhìn qua là biết chúng nó muốn chạy đi chơi.
Trên đời này có hai loại người không hề bị áp lực học hành, loại thứ nhất là người học một hiểu mười, loại hai là học mười không hiểu được một, thôi bỏ cuộc cho nhanh. Vũ Thành Vãn là loại một, Trần Tụy thì hẳn là loại hai.
Thật sự là nhìn Trần Tụy không hề thấy dấu vết của những áp lực mà học sinh tuổi này nên có. Mục tiêu của cậu rất đơn giản, chỉ cần có cái bằng tốt nghiệp, học xong cậu sẽ quẩy giỏ trúc đi bán khắp phố phường. Nghe thì đúng là thối chí thật đấy nhưng cha cậu chẳng bán giỏ trúc mà nuôi lớn được hai chị em cậu đấy thôi, thế còn đòi gì nữa?
Cuộc đời này cậu chỉ mong được sống bình yên.
Thay vì ngồi đau đầu lo nghĩ về tương lai thà đi lấy phích nước nóng ngay bây giờ còn hơn.
Thấy cậu lại xách phích đi ra khỏi lớp Vũ Thành Vãn thiếu điều giật mí mắt phải. Cậu khỏi ốm rồi mà thói quen lấy nước nóng của Trần Tụy vẫn cứ tiếp diễn.
Trời lạnh hơn một tí là bọn học sinh xuống nhà đun nước cũng đông hơn. Tòa nhà lớp học nằm phía trước, sân thể thao, ký túc xá và nhà đun nước đều ở phía sau trường. Trong trường không có nơi nào không phải xếp hàng, đi vệ sinh phải xếp, đi ăn phải xếp, đi xin nước nóng cũng phải xếp luôn.
Trần Tụy đi khá lâu, chuông vào học reo rồi mà nó vẫn chưa trở lại, cũng may tiết này là tiết tự học chứ phải tiết khác bị thầy cô phát hiện thì kiểu gì nó cũng bị mắng. Chờ thêm một lúc vẫn không thấy nó về, Vũ Thành Vãn đứng dậy, Tiển Binh ngồi học vốn không tập trung, nhác thấy Vũ Thành Vãn định ra ngoài nó thì thào hỏi: “Làm gì đấy?” Vũ Thành Vãn khoát tay ý bảo nó đừng hỏi.
Xuống khỏi bậc thềm tòa nhà lớp học trước mắt sẽ là một hàng cây nhựa ruồi lùn và hoa quế, đi ngang qua dãy nhà tập thể của giáo viên và công chức sẽ thấy những chùm hoa đỏ tím chìa ra trên ban-công tầng một. Nhiều giáo viên yêu thích làm vườn nên khắp trường trồng đầy những loài hoa không tên, đến cả trong những góc kẹt vắng vẻ cũng có chậu xương rồng cảnh lâu đời đang trổ bông. Đi hết dãy nhà ở giáo viên, rẽ trái, sân trường phút chốc trở nên yên tĩnh, lá khô rụng đầy dưới gốc cây du, cậu bước trên lá rụng, thấy Trần Tụy ở đầu con đường từ phòng nước nóng tới sân bóng rổ.
Bóng cây chập chờn, dáng Trần Tụy ngồi xổm trên mặt đường lát gạch đỏ thật nhỏ bé, nhỏ như một chồi non.
Vũ Thành Vãn đi tới, Trần Tụy đang cặm cụi nhặt mảnh ruột phích vỡ kinh ngạc ngẩng lên nhìn cậu. Hẳn là cậu đã xuất hiện sỗ sàng quá nếu không sao cậu lại thấy đôi mắt đỏ hoe của Trần Tụy đang ầng ậc nước, như thể liền sau đây sẽ là một trận mưa tuôn không kìm giữ được.
Gió thổi tung góc áo Trần Tụy như muốn viền ra khung xương cậu. Cậu nghĩ chỉ cần Vũ Thành Vãn hỏi một câu làm sao thế thì chắc chỉ một giây sau cậu sẽ yếu đuối bật khóc. May sao Vũ Thành Vãn không nói gì. Bởi vì lúc này Trần Tụy thực sự không chịu nổi sự quan tâm của người khác, cậu nuốt lại cơn uất nghẹn, đứng dậy chùi mắt bảo: “Xui quá, vỡ phích rồi.”
Chỉ vỡ cái phích mà phải khổ sở đến thế ư?
Vũ Thành Vãn nhìn xuống cái phích nằm cạnh đó, trên lớp vỏ màu xanh da trời còn hằn một dấu chân mà nó vẫn ngoan cố không chịu vỡ, chỉ tan mỗi cái ruột bên trong.
Cậu cúi xuống nhặt cái vỏ phích rỗng và tất cả những phần còn dùng được rồi đi về phía quầy bán đồ lặt vặt. Trần Tụy ngơ ngác đứng tại chỗ, Vũ Thành Vãn quay lại nháy mắt với Trần Tụy, bấy giờ Trần Tụy mới cập rập chạy theo.
Quầy hàng có bán ruột phích vì chuyện bọn học trò làm vỡ phích là quá thường, Vũ Thành Vãn chọn mua loại tốt rồi đứng luôn trong quầy hàng để thay ruột phích cho Trần Tụy. Nhét ruột vào, đậy miệng phích lại rồi siết chặt đáy là xong. Trần Tụy nhìn cậu với vẻ tràn trề hy vọng như thể cậu đang làm cái gì thần kỳ lắm.
Sửa xong cái phích Vũ Thành Vãn còn thuận tay chùi sạch dấu chân trước khi đưa lại cho Trần Tụy. Cặp mắt long lanh của Trần Tụy thoáng hấp háy, bao nhiêu đau khổ vừa xong thế là bay biến hết.
Phía sau quầy hàng có bể nước, Vũ Thành Vãn ra rửa tay, Trần Tụy lẽo đẽo theo sau như cái đuôi, bảo: “Mới thay ruột xong đổ nước vào chưa uống được đâu, có mùi đấy.”
Vũ Thành Vãn mải rửa tay, không ngẩng lên nhìn Trần Tụy. Trần Tụy lại bảo: “Tiết sau mình mang cốc của cậu xuống lấy nước nóng nhé.”
“Trời khô lắm, phải uống nhiều nước vào.” Thời tiết phương Bắc khô thật đấy, Trần Tụy lẩm bẩm, Vũ Thành Vãn thì vẫn không để ý đến cậu, làm như từ đầu tới giờ toàn cậu tự biên tự diễn.
Ngay lúc Trần Tụy chuẩn bị nhụt chí thì Vũ Thành Vãn vẩy nước trên tay rồi rút trong túi ra hai cái kẹo cao su cho cậu. Cậu ngạc nhiên cầm lấy, suýt thì hỏi
mua cho mình à? may mà nhận ra hỏi vậy siêu ngu ngốc. Cậu mím môi, muốn cười mà không dám.
Thấy chưa thấy chưa, đâu có ai xui xẻo hoài. Trần Tụy tay nắm kẹo cao su, lòng lâng lâng sung sướng.
Trên đường Vũ Thành Vãn đưa Trần Tụy về lớp bị Vũ Huy Kim nhìn thấy. Giữa giờ học mà đi nhong nhong trong sân trường là cái thể thống gì!!
Cuối buổi dạy hôm đó Vũ Huy Kim không đợi Vũ Thành Vãn mà tức tốc về nhà để bàn với Mạc Hiền chuyện cho thằng con học nội trú. Ở nhà họ Mạc Hiền mới là người quyết định, anh ta không thể tự quyết được. Những lời thầy Trương nói hôm trước quả thật đã làm anh ta động lòng, anh ta muốn Thành Vãn phải thi đỗ đại học danh giá, với anh ta có vượt giai cấp được không không quan trọng, chủ yếu là anh ta muốn nở mày nở mặt một phen. Hồi đó khi anh ta và Mạc Hiền đăng ký kết hôn điều kiện nhà Mạc Hiền tốt hơn nhà anh ta không biết bao nhiêu lần, tự dưng anh ta thành ở rể. Nhà gái chưa có ý kiến gì thì chính cha Vũ Huy Kim lại trở chứng trước. Ông ta cho rằng Mạc Hiền mạnh mẽ quá dễ át vía chồng nên sống chết không đồng ý, thậm chí cha anh ta còn bảo Vũ Huy Kim mà rước con bé đó làm vợ thì sau này đừng hòng bén mảng về nhà họ Vũ. Và quả thật sau khi kết hôn mỗi lần về nhà là một lần bị ông già cầm chổi đuổi đánh, khổ sở vô cùng.
Anh ta nghĩ chỉ cần Thành Vãn thi đậu, được nêu tên trên báo thì với tính cách của cha anh ta kiểu gì ổng cũng cầm tờ báo đi khoe khoang trạng nguyên nhà họ Vũ ta đây.
Vũ Huy Kim trình bày hết nhẽ với Mạc Hiền xong, Mạc Hiền không hề tỏ ra hào hứng như anh ta mà chỉ khoanh tay, bảo: “Hồi Tiểu Vãn bị ốm, ba anh làm ông nội không hỏi lấy một câu cháu ốm đau thế nào, vừa thấy bảo cháu câm là ông ấy nằng nặc đòi anh đẻ đứa nữa. Anh nghĩ em không biết thật à? Giờ anh nói thế này là ý gì?”
Vũ Huy Kim bị vợ chất vấn thì nghẹn lời, lúc sau anh ta mới ấp úng đáp: “Ai lại nói như thế… sao em cứ phải làm căng lên thế nhỉ, có cần thiết phải thế không?”
Mạc Hiền lạnh lùng đáp: “Nếu anh nghĩ vì thành tích học tập của Tiểu Vãn thì được, chúng ta sẽ bàn với con chuyện học nội trú. Còn nếu anh chỉ vì cái danh hão cho nhà họ Vũ các anh thì em khuyên anh bỏ ý định đi.”
“Ơ em này, làm gì mà căng thẳng thế.” Vũ Huy Kim đấu dịu: “Ừ thì thôi không nói chuyện ba anh nhưng mà con thi đỗ đại học danh tiếng cũng tốt cho mình mà? Sao cứ nhắc đến ba là em lại gay gắt thế, hồi đó ba bắt mình sinh đứa nữa cũng có sai đâu, em thấy anh Vũ con có khỏe mạnh không, vớ vẩn sau này Thành Vãn còn phải trông vào em nó chăm sóc ấy chứ.”
Mạc Hiền nghe vậy thì trợn mắt với chồng, cô hận nhất chính là chuyện năm đó ông Vũ già tự ý đổi tên con trai cô. Trước khi anh Vũ con ra đời Tiểu Vãn còn là Vũ Khoảnh Lân, từ ngày có anh Vũ con ông Vũ già đặt tên cho nó là Vũ Thành Tài, đứa anh phải theo tên lót của đứa em mà đổi thành Vũ Thành Vãn.
Thành Vãn Thành Vãn, luận sao cũng là đảo ngược của Vãn Thành, có tài mà trễ nên người, như thể đứa bé bị câm hẳn nhiên thành đồ bỏ. Đời thuở nhà ai em trai là Thành Tài, anh trai là Thành Vãn, năm ấy khi Mạc Hiền biết chuyện thì cái tên Thành Vãn đã được sửa vào hộ khẩu, cô tức điên người suýt nữa thì tung hê hết với nhà chồng.