Cái Chết Của Ba Người Lính Ngự Lâm

Chương 33

Fouquet chờ đợi trong tâm trạng lo âu. Ông đã cho gia nhân về, từ chối bạn bè đến chầu chực trước cửa theo bữa tiếp đãi thường lệ. Ai cũng thấy có mối nguy hiểm bàng bạc trong bữa lễ và với ai, Fouquet hỏi xem Aramis ở đâu.

Khi ông ta thấy d Artagnan trở lại và sau lưng ông này là giám mục Vannes, ông vui mừng khôn xiết, không còn lo âu gì nữa. Đối với ông tổng giám, thấy được Aramis là bù được nỗi đau buồn phải bị bắt:

- Thế nào, ông chưởng quan đem ngài D Herblay đến cho tôi đấy à?

- Còn hơn nữa, thưa ngài.

- Cái gì?

- Sự tự do.

- Tôi được tự do?

- Đúng thế. Sắc chỉ của Hoàng thượng đây.

Sau khi liếc mắt nhìn dò hỏi Aramis. Fouquet trở lại tỉnh táo, d Artagnan tiếp tục:

- Ồ, ngài nên cảm ơn giám mục Vannes. Nhờ có giám mục mà Hoàng thượng thay đổi ý kiến đó.

- Fouquet "ồ" lên một tiếng vì thấy sự việc này tủi nhục, không vui mừng trước sự thành công mấy. D Artagnan quay trở lại rồi nói với Aramis:

- Còn bạn, bạn che chở ông Fouquet mà còn làm chút gì cho tôi không?

Giám mục bình tĩnh trả lời:

- Ông bạn thích cái gì thì được cái nấy.

- Còn chuyện này nữa là tôi thoả mãn rồi. Tại sao bạn vốn chỉ gặp Hoàng thượng vài lần mà ngày nay bỗng trở thành sủng thần?

Aramis nhẹ nhàng trả lời:

- Có bạn chí thiết như bạn thật khó giấu được điều gì.

- À, đúng.

- Thế thì nói đi.

- Thế này, bạn tưởng tôi chỉ gặp Hoàng thượng có hai lần, thực ra tôi gặp cả hàng trăm lần đấy. Chỉ có điều là tôi giấu bạn mà thôi.

Rồi Aramis quay về phía Fouquet cũng đang ngạc nhiên như d Artagnan. Ông nói:

- Hoàng thượng lệnh cho tôi chuyển lời nói với ngài là lúc nào Hoàng thượng cũng là bạn của ngài và bữa tiệc lễ vui vẻ, nồng nhiệt này khỉến cho đấng quân vương rất lấy làm cảm động.

Nói xong, ông nghiêng mình chào Fouquet thật trịnh trọng khiến ông này chẳng hiểu gì hết về cái lối ngoại giao gượng ép đó, nên đứng đực ra không nói một lời, không nghĩ được gì cả.

D Artagnan lại cứ tưởng rằng hai người có chuyện nói riêng với nhau nên quay sang chào Fouquet, Aramis với một dáng kính cẩn hơi khôi hài rồi bước ra.

Fouquet đang bồn chồn chờ đợi như thế này nên vụt nhảy tới khép cửa rồi trở lại phía giám mục. Aramis ngồi xuống và mời Fouquet cùng ngồi:

- Để tôi giải thích cho ngài nghe. Chúng ta bắt đầu từ đâu nhỉ?

- Từ đâu trước hết. Tại sao Hoàng thượng cho thả tôi?

- Đáng lẽ ngài nên hỏi tại sao Hoàng thượng sai bắt ngài.

- Từ lúc bị bắt, tôi đã có dịp nghĩ đến điều này và tôi nghĩ là do một chút ganh ghét. Cuộc lễ tiệc của tôi làm phật ý ông Colbert và ông Colberl tìm ra một hoạ đồ nào đó, ví dụ hoạ đồ vùng Belle-Islen sur Mer(1) để tố cáo tôi.

- Chưa phải việc Belle - Isle đâu?

- Thế thì cái gì?

- Ngài có nhớ tới chuyện mười tám triệu tiền thu thuế mà ngài Mazari đã lấy của ngài không?

- Ồ, nhớ rồi. Sao nữa?

- Ngài bị coi là ăn cắp đấy.

- Ô! Trời!

- Chưa hết đâu. Ngài có nhớ bức thư ngài viết cho tiểu thư La Vallière không?

- Than ôi, đúng vậy.

- Ngài bị coi là phản bội và tham nhũng.

- Thế thì tại sao lại được tha?

- Chúng ta chưa đến chỗ nói chuyện lý lẽ. Bây giờ chỉ nói đến cái gì xảy ra thôi. Nên chú ý điều này. Hoàng thượng biết ngài phạm tội thâm lạm công quỹ. Ô, không, tôi biết rằng ngài không thâm lạm chút nào đâu, nhưng mà Hoàng thượng không thấy tiền thuế thu về nên không có cách nào khác hơn là coi ngài phạm tội. Thêm nữa, Hoàng thượng lại bắt được miếng giấy tình tứ gởi cho nàng La Vallière, chắc chắn không nghi ngờ gì hết về thái độ ngài đối với người đẹp. Cho nên đối với Hoàng thượng, ngài là kẻ thù số một, vĩnh viễn không thể quên được.

- Nhưng ngài lại tha cho tôi?

Vị giám mục nhìn dò hỏi:

- Ngài tưởng như thế à?

- Tôi không tin ở tấm lòng thành thực, nhưng tôi lại tin ở sự việc thực.

Aramis hơi nhún vai. Fouquet hỏi:

- Thế sao Louis XIV lại sai ông nói lại với tôi những điều này?

- Hoàng thượng không sai tôi nói chuyện gì đâu.

Ngài tổng giám sững sờ.

- Không à? Thế còn tờ sắc chỉ này thì sao?

- Ô, vâng, có tờ lệnh, đúng đấy.

Aramis nói mấy lời này với một giọng lạ lùng khiến cho Fouquet giật nảy mình:

- Này, ông còn giấu tôi điều gì đó, tôi biết mà, Hoàng thượng cho đầy tôi có phải không?

- Ngài thử đoán xem?

- Ông làm cho tôi sợ hãi đấy.

- Ô!

- Hoàng thượng nói với ông sao? Xin ông hãy vì tình bạn giữ chúng ta mà đừng giấu tôi điều gì.

- Hoàng thượng không nói gì với tôi cả.

- Ông làm cho tôi lo quá mức. Tôi vẫn còn là tổng giám à?

- Còn cho tới lúc ngài không muốn nữa thì thôi.

- Nhưng ông có cách nào mà bỗng dưng lại ảnh hưởng đến Hoàng thượng mạnh thế? Ông bảo Hoàng thượng làm gì cũng được à?

- Hình như thế.

- Khó tin quá.

- Để rồi ông xem.

- Ông D Herblay ơi, hãy nhớ đến sự liên kết giữa chúng ta, hãy nhớ đến tình bạn giữa chúng ta, đến tất cả những gì thân thiết nhất trên cõi đời này, xin ông nói cho tôi biết đi. Bằng cách nào mà ông vào được phòng Louis XIV. Tôi biết Hoàng thượng không yêu ông mà?

- Bây giờ Hoàng thượng yêu tôi,- Aramis nhấn mạnh hai từ đầu - Chắc ông biết điều gì riêng tư của Hoàng thượng phải không?

- Đúng, chuyện bí mật.

- Một chuyện bí mật làm thay đổi cả tâm tính Hoàng thượng.

- Đức ông thật là một con người ưu việt. Ngài đoán ra rồi.

- Đúng là tôi khám phá ra một điều bí mật có thể làm thay đổi cả vương quyền nước Pháp.

Fouquet "à" lên một tiếng nhưng vẻ mặt của một con người lịch sự không muốn hỏi thêm.

Aramis tiếp:

- Chắc ngài muốn cân nhắc, ngài muốn hỏi thử tôi có lầm lạc về tầm mức quan trọng của điều bí mật ấy, phải không ạ?

- Tôi xin lắng nghe chỉ vì ông đã tỏ ra muốn cởi mở với tôi. Có điều ông bạn ạ, nên biết tôi không xúi giục mở lời đâu.

Vị giám mục cúi đầu xuống nói:

- Ngài có nhớ chuyện sinh ra Louis XIV không? Ngài có nghe ai nói điều gì về chuyện đó không?

- Không?

- Chuyện bí mật của tôi bắt đầu từ đó. Thái hậu không phải sinh ra một mà là sinh đôi.

Fouquet ngẩng đầu lên hỏi:

- Người thứ hai chết à?

- Chuyện đây rồi. Hai người anh em song sinh đó đáng lẽ là niềm kiêu hãnh của người mẹ và là hy vọng của nước Pháp. Nhưng ông vua yếu đuối mê tín lại cho rằng hai đứa ngang quyền lợi sẽ gây mâu thuẫn cho đất nước. Ông quyết định huỷ đi một đứa.

- Huỷ à?

- Khoan. Hai đứa bé đều lớn lên hết. Nhưng một người làm vua, có ngài làm đại thần, người kia sống trong tăm tối và u tịch. Người ấy là là bạn tôi.

- Chúa ơi! Ông Herblay nói gì thế? Ông Hoàng khốn khổ ấy làm sao?

- Ông ấy được nuôi ở nhà quê và bị nhốt trong lâu đài có tên là La Bastille.

- Sao lại có thể như vậy được? - ông tổng giám chắp tay lại kêu lên.

- Một người là kẻ giàu mạnh nhất thế gian, một người là kẻ khốn khổ nhất trần đời.

- Thái hậu có biết không?

- Anne d Autriche biết hết.

- Còn Hoàng thượng?

- Hoàng thượng không biết gì hết.

- Càng hay? - Fouquet nói.

Lời này hình như có ảnh hưởng tới Aramis. Lo lắng nhìn lại Fouquet nói:

- Xin lỗi ngắt lời ông.

Aramis tiếp lời:

- Tôi đang nói chuyện ông hoàng ấy là người khốn khổ nhất trần rồi được Thượng đế vốn lúc nào cũng để tâm đến con cháu của mình nên ra tay cứu vớt.

- Ô sao được?

- Cả hai đều là con người hợp pháp nên đáng lẽ phải làm vua như nhau. Ngài nghĩ xem có đúng không?

- Đúng.

- Chắc chứ?

- Chắc. Hai anh em song sinh ấy chỉ là hai thân xác của một người.

- Tôi muốn có một luật gia có sức mạnh như ngài để làm cố vấn. Vậy thì giữa hai chúng ta đều xác nhận là hai người đó có quyền lợi ngang nhau phải không?

- Đúng rồi, nhưng chuyện đời, sao mà.

- Chúa muốn tạo ra cho kẻ bị ức hiếp một người đứng ra trả thù, một người nâng đỡ, tuỳ ý ngài dùng chữ. Ông vua đang cai trị kẻ chiếm đoạt - ngài đồng ý gọi tên đó chứ - đúng là kẻ chiếm đoạt vì ông ta hưởng thụ một cách bình yên, ích kỷ một gia tài mà ông ta chỉ có một nửa.

- Chiếm đoạt là đúng.

- Tôi nói tiếp đây. Chúa muốn cho kẻ chiếm đoạt có một vị tể tướng là một người có tài, có đức, có đầu óc rộng rãi.

Fouquet kêu lên:

- Đúng. Đúng. Tôi hiểu rồi. Ông muốn tôi giúp ông sửa lại lỗi lầm của Louis XIV đối với người anh em khốn khổ kia phải không? Ông nghĩ đúng rồi: Tôi sẽ giúp ông, D Herblay ạ. Cám ơn, cám ơn!

Aramis thản nhiên nói tiếp:

- Chưa hết đâu. Ngài chưa để tôi nói hết. Tôi có nói, ông Fouquet là quan khanh của ông vua đương quyền, bị vua ghét bỏ, bị đe doạ, bị mất tài sản, tự do, có lẽ cả sinh mệnh nữa do vua hay nghe lời những kẻ âm mưu, thù hận nhưng rồi cũng may mắn cho ông hoàng bị hy sinh là ông Fouquet có một người bạn trung thành biết được sự bí mật của quốc gia, và thấy có đủ sức mạnh đem điều bí mật ấy ra ngoài ánh sáng, sau khi đủ sức mang nó trong lòng hai mươi năm ròng.

- Bây giờ tôi hiểu ông và đoán ra rồi. Khi ông nghe tin tôi bị bắt, ông liền đến tìm Hoàng thượng và năn nỉ, cầu khẩn không được, liền dọa Louis XIV sẽ tố giác sự bí mật kia nên Louis XIV chịu nhận thả tôi ra. Tôi hiểu, tôi hiểu là ông đã nắm được Hoàng thượng rồi.

Aramis trả lời:

- Ngài không hiểu gì hết và ngài lại ngắt lời tôi lần nữa rồi, ông bạn ạ. Xin phép nói là ngài quá coi thường lý luận và không đủ trí nhớ đấy. Ngài có nhớ lúc bắt đầu nói chuyện tôi đã nhấn mạnh đến điểm gì không?

- Nhớ đó là mối hận của Hoàng thượng đối với tôi, hận khôn nguôi. Nhưng có mối hận nào mà không bỏ được khi bị đe dọa phát giác chuyện bí mật to lớn kia?

- Phát giác chuyện to lớn kia? Ngài lại thiếu lý luận rồi.

- Sao? Ngài nghĩ là tôi nói cho Hoàng thượng biết về chuyện kia, thì tôi còn sống tới bây giờ sao?

- Ông chỉ ở bên vua có mười phút mà.

- Đồng ý. Hoàng thượng có lẽ không có thì giờ giết tôi. - Nhưng chắc ông ta có đủ thì giờ cho trói gô tôi lại và ném vào một xó tối rồi. Này, hãy tìm cách lý luận cho thật chặt đi. Chán quá!

Fouquet vốn là người không dễ quên nên nghe thốt ra cái từ đặc biệt ngự lâm quân ấy, liền hiểu ngay là vị giám mục Vannes bình tĩnh, sâu kín đã đi đến mức độ kích động như thế nào. Ông rùng mình khi nhận ra điều đó. Aramis dằn lại được và nói tiếp:

- Và thêm nữa một người như tôi, tôi có còn là một người bạn thật sự nữa không nếu tôi muốn cứu ngài mà lại trình bày cho ông vua đáng ghét bỏ ngài một chuyện khiến ông ta càng hung dữ hơn? Ăn cắp của ông ta, chẳng sao, lừa đảo của ông ta, cũng chẳng nhằm nhò gì, nhưng lại nắm chiếc ngai vàng và danh dự của ông ta thì thôi rồi? Chỉ sợ ông ta lại muốn tự tay móc trái tim ngài ra mà thôi?

- Vậy là tôi uống số thuốc độc mà Mithridtae uống để tự tử trong vòng hai mươi năm còn hơn là nói ra.

Thế thì ông làm sao?

- À! Đến chỗ rồi đây, Đức ông ạ. Tôi chắc là có một vài lợi ích cho ngài đấy.

Aramis đi một vòng quanh phòng, lắng nghe và yên tâm thấy cảnh vắng lặng, rồi trở lại ghế ngồi bên Fouquet đang lo âu tận lực để nghe điều phát giác. Aramis nói tiếp:

- Tôi quên nói với ngài, tôi quên một điểm quan trọng về cặp song sinh này: là hai người giống nhau như hai giọt nước, chỉ có Chúa mới phân biệt được họ vào ngày phán xét thôi. Còn quan thái học cũng không biết.

Fouquet kêu lên:

- Sao lại thế được!

- Cùng một nét sang cả, cùng dáng đi, cùng giọng nói.

- Thế còn tư tưởng, sự thông minh, hiểu biết?

- Ồ chỗ này thì không đồng đều Đức ông ạ. Người tù ở ngục Bastille thông minh hơn hẳn người anh em đang làm vua và nếu từ nhà tù, nạn nhân khốn khổ đó lên được ngai vàng thì nước Pháp sẽ có một ông chủ tài ba nhất và đức độ nhất từ lúc thành lập đến nay.

Fouquet úp mặt vào hai bàn tay một lúc, tâm trí nặng nề vì điều vô cùng bí mật ấy, Aramis tiến đến gần ông tiếp tục công trình cám dỗ:

- Giữa hai người con song sinh của Louis XIII còn có thêm sự không đồng đều khác, quan trọng đối với ngài, là con người trong ngục không biết đến ông Colbert.

Fouquet vụt đứng lên, tái mặt, và nói với Aramis:

- Tôi hiểu rồi, ông đề nghị tôi cùng âm mưu.

- Gần như thế đấy.

- Một thứ âm mưu, như ông lúc đầu, sẽ làm thay đổi số mệnh của nhiều đế quốc.

- Và nhiều ông tổng giám, Đức ông ạ.

- Nói gọn đi là ông đề nghị tôi đem con của Louis XIII đang ở trong ngục thay người con của Louis XIII đang nằm trong phòng Giấc điệp lúc này phải không?

Aramis cười đáp.

- Đúng.

Sau một lúc yên lặng nặng nề, Fouquet tiếp tục:

- Nhưng sao ông không nghĩ rằng công trình chính trị này có thể làm đảo lộn cả vương quốc. Công việc này giống như nhổ một cái cây vô vàn rễ mà người ta gọi là ông vua đó để thay thế nó bằng một cây khác, đất chẳng bao giờ cứng cáp lại đủ để cho ông vua mới vững vàng chống lại gió bão ngày xưa cờn rơi rớt lại và những sự dao động của chính bản thân mình.

Aramis vẫn tiếp tục mỉm cười, còn ông Fouquet thì thấy mình sôi nổi dần lên. Sau một vài giây đồng hồ suy nghĩ và với tầm nhìn bao quát có thể tiên liệu hết mọi hậu quả xảy ra, ông nói:

- Ông hãy suy nghĩ đến việc phải triệu tập hội nghị quý tộc, giáo sĩ, đẳng cấp thứ ba, chuyện truất phế ông vua đang trị vì gây nên một tai tiếng gớm ghiếc động đến ông vua Louis XIII nằm trong mồ, chuyện làm mất mạng sống và danh dự của một người đàn bà là Anne d Autriche, làm mất mạng sống và sự yên lành của một người đàn bà khác Marie Thérèse, và nếu chúng ta làm xong.

Aramis lạnh lùng nói:

- Tôi không hiểu ngài nói gì cả. Không có một câu nào có ích trong những điều ngài vừa phát biểu hết.

Ông tổng giám ngạc nhiên:

- Sao, một người như ông mà không bàn bạc cụ thể à? Sao ông lại dừng lại ở niềm sung sướng trẻ con của ảo tưởng chính trị, sao ông lại bỏ lỡ những yếu tố may rủi khi thi hành, nghĩa là bỏ lỡ thực tế đi!

- Ông bạn ạ, - Aramis nói và nhấn mạnh chữ này một cách suồng sã và nhạo cợt, - nếu như muốn thay người này bằng người khác thì Thượng đế làm cách nào?

Fouquet kêu lên:

- Thượng đế ra lệnh cho người thừa hành đi nắm lấy tên bị án, lôi hắn đi vào cho kẻ thắng ngồi lên chỗ trống. Nhưng ông quên rằng nhân viên ấy tên là tử thần. Ôi! Chúa ơi, ông D Herblay có ý định là…

- Không phải thế đâu, Đức ông ạ. Ai nói đến chuyện cho Louis XIV chết đâu? Tôi chỉ muốn nói là Thượng đế làm việc gì cũng không gây nên xáo trộn, không ồn ào tai tiếng, không tốn sức và con người được Thượng đế tiếp sức thì cũng đủ sức làm như vậy đó.

- Ông muốn nói gì thế?

- Tôi muốn nói với ông bạn như thế này, - Aramis tiếp tục một lối nhấn mạnh chữ như trước, - tôi muốn nói với ông bạn rằng nếu có xáo trộn, tai tiếng và cả đến việc cố gắng một chút trong việc thay thế người tu thành ông vua, thì xin ngài hãy chứng minh xem.

- Thật không! - Fouquet la lên, mặt mày trắng bệch còn hơn chiếc khăn tay lau nơi trán.

Aramis bình tĩnh tiếp tục:

- Ngài hãy vào căn phòng của vua, ngài là người biết điều bí mật đó rồi, tôi thách ngài biết được có phải là người tù ở ngục Bastille đang nằm trên giường ngủ hay không?

- Thế còn Hoàng thượng? - Fouquet hoảng hồn, lắp bắp.

Aramis dịu dàng hỏi:

- Ông vua nào? Ông vua ghét ông hay ông vua yêu ông?

- Ông vua hôm qua?

- Ông vua hôm qua à? Ngài cứ an tâm đi. Ông đó bị đưa đến ngục Bastille, ở vào chỗ nạn nhân của ông ta nằm từ lâu đấy.

- Trời? Thế ai đưa ông ta đi?

- Tôi?

- Ông?

- Vâng, đúng vậy. Dễ mà. Đêm vừa qua tôi bắt cóc ông ta và trong khi ông ta rót vào bóng tối, thì người kia nhô ra ngoài ánh sáng. Làm như thế thì không thể ổn được. Chớp mà không có sấm thì không ai chú ý hết.

Fouquet thốt ra một tiếng kêu nặng nề, như là bị một đòn vô tình, và đưa hai tay bấu lấy đầu, lẩm bẩm:

- Ông làm thế ư?

- Làm khá khéo. Ngài nghĩ có được không?

- Ông đã lật đổ vua? Đã giam vua?

- Xong rồi.

- Chuyện xảy ra ở đây, ở Vaux à?

- Ở đây trong căn phòng Giấc Điệp, hình như phòng đó xây cất có tính trước chuyện này có phải không?

- Chuyện đó xảy ra lúc nào?

- Đêm qua.

- Đêm qua? Khoảng nửa đêm và một giờ sáng.

Fouquet như muốn xông vào Aramis nhưng ông kiềm được, tiếng ông như nghẹn lại:

- Ở Vaux, ở ngay nhà tôi?

- Hình như là phải đấy. Đúng là ngôi nhà của ông, từ khi ông Colbert không thể sai lấy gì của ông được nữa.

- Vậy thì chính ở đây đã xảy một tội ác đó.

- Tội ác? - Aramis sửng sốt hỏi.

- Fouquet tiếp tục nổi giận:

- Tội ác gớm ghiếc như một tội giết người đấy? Tội ác làm bại hoại danh tiếng của tôi, làm cả hậu thế ghê tởm tôi đấy!

- Ngài mê sảng rồi đấy, - Aramis trả lời không còn được vững vàng nữa, - ông nói to quá coi chừng đấy!

- Tôi còn la to hơn nữa, để cả thế giới nghe tôi!

- Ông Foupuet! Coi chừng đấy!

Fouquet quay phắt người lại nhìn vị giám mục:

- Phải, ông đã làm cho tôi mất danh dự khi làm điều phản bội như thế đối với khách của tôi, đang yên lành nghỉ ngơi dưới mái nhà của tôi! Ôi thật là khốn khổ cho tôi!

- Khốn khổ cho kẻ nằm dưới mái nhà của ngài mà suy tính để tàn hại cơ nghiệp, để giết ngài? Ngài quên rồi sao?

- Không, đó là khách của tôi, vua của tôi!

Aramis đứng dậy, mắt đỏ ngầu tía máu, miệng mím lại:

- Tôi đang nói chuyện với một thằng ngu đần đây sao?

- Với một người lương thiện đấy!

- Đồ điên!

- Người ấy thà là chết, thà là giết ông còn hơn để tiêu tan danh dự của hắn đấy?

Rồi Fouquet quyết nhảy tới nắm thanh gươm mà d Artagnan để lại nơi đầu giường, quyết liệt vung lên loang loáng ánh thép. Aramis nhíu mày, thọc tay vào ngực như muốn tóm vũ khí. Fouquet không thể để lọt qua cử chỉ ấy. Cho nên, ông tỏ thái độ hào hiệp cao cả, ném thanh gươm lên giường và đến bên Aramis, đặt tay lên vai ông này nói.

- Thưa ông tôi chết ở đây thật thảo dạ hơn là sống ô nhục và nếu ông còn chút tình thân với tôi, xin ông hãy ban cho tôi cái chết ngay đi.

Aramis vẫn đứng yên, không nói một lời nào nhưng trong đôi mắt thoáng hiện lại chút hy vọng ông nói:

- Xin Đức ông hãy suy nghĩ lại những gì sắp xảy ra cho chúng ta. Công lý đã thi hành xong, ông vua vẫn còn sống, và ông ta bị nhốt thì ngài được an toàn tính mạng.

Fouquet trả lời:

- Đúng, ông hành động như thế là vì tôi, nhưng tôi không chịu nhận ông giúp tôi như thế. Nhưng tôi cũng không muốn bị nguy. Xin ông hãy ra khỏi nhà này ngay!

Aramis cố nén nỗi đau của tấm lòng tan vỡ. Fouquet vẫn tiếp tục oai nghiêm không thể tả:

- Tôi chào đón tất cả mọi người tới đây. Ông sẽ không bị hy sinh, cũng như người mà ông vừa làm hại.

- Nhưng ông, ông sẽ phải chịu hy sinh, - Aramis nói với giọng khàn khàn cảnh cáo.

- Thưa ông D Herblay, tôi chấp nhận điều tiên đoán, nhưng không có gì ngăn tôi được. Xin ông rời khỏi Vaux, rời khỏi nước Pháp. Tôi cho ông bốn tiếng đồng hồ để thoát khỏi tầm tay Hoàng thượng.

Aramis gầm lên:

- Bốn tiếng đồng hồ!

- Bốn tiếng là đủ để ông xuống tàu đến Belle-Isle, để tá túc trong đất của tôi.

- Ồ, - Aramis lẩm bẩm.

- Belle- Isle của tôi đối với ông cũng như Vaux của tôi đối với nhà vua vậy. Đi đi, D Herblay, đi đi. Chừng nào tôi còn sống thì không một ai có thể động đến một sợi tóc của ông được.

Aramis rút cánh tay trong ngực ra. Bàn tay đỏ những máu.

Những ngón tay đã cào cấu bên trong ngực như để trừng phạt cái thân xác đã suy tính những dự tính vô ích, điên rồ, mong manh như số kiếp con người. Fouquet cảm thấy rùng mình thương hại.

Ông ôm choàng lấy Aramis:

- Tôi không có vũ khí nào hết - Aramis lẩm bẩm, vẻ kinh khiếp như bóng bà hoàng Didon(2).

Thế rồi, ông quay mặt đi, lùi lại hai bước, không chịu bắt tay Fouquet. Lời cuối cùng đó là tiếng nguyền rủa, cử chỉ cuối vẽ nơi bàn tay máu đỏ đó là tuyên cáo đoạn tình. Cả hai người đều chạy ra khỏi phòng, theo cầu thang bí mật dẫn đến vùng sân dưới.

Fouquet sai thắng ngựa tốt, còn Aramis dừng lại nơi cầu thang dẫn đến phòng của Porthos. Ông suy nghĩ thật lâu trong khi chiếc xe của Fouquet rời sân chính phi thật mau. Ông tự hỏi: "Đi một mình chăng? Báo ông hoàng biết chăng? Ôi, thật là khủng khiếp! Báo rồi làm gì nữa? Đi với ông ta chăng? Kéo lê khắp nơi cái bằng chứng tố cáo đó chăng? Ôi, thật là khủng khiếp! Hay là đánh nhau? Cuộc chiến triền miên! Ôi! Chẳng đào đâu ra tiền! Không thể được! Không có ta thì ông ấy làm nên chuyện gì được! Ôi không có ta thì ông ấy cũng đổ nhào như ta thôi! Thôi hãy để cho số mệnh hoàn thành! Ông ta đã bị kết án, đã bị loại bỏ thì cứ chịu mãi thế đi! Ôi cái quyền lực ảm đạm, bi hài mà người ta gọi là thiên tài của con người! May chỉ là một làn hơi, bấp bênh, vô ích hơn là cơn gió thổi trong núi rừng! Mày tên là may rủi, mày không là gì hết! Thua rồi! Ta thua rồi! Bây giờ làm thế nào? Đi Belle- Isle ư? Được, nhưng còn Porthos ở lại đây, nói ra, kể hết cho mọi nhưng nghe!

Porthos chắc lại sẽ đau khổ. Ta không muốn để cho Porthos sẽ đi với ta, đi theo định mệnh của đời ta, nhất định phải thế?"

Rồi Aramis bước lên bậc thang không bóng người.

Porthos vừa đi từ Paris về, đang ngủ yên lành. Thân xác của ông đã quên mệt mỏi cũng như trí óc của ông đã quên suy nghĩ.

Aramis bước vào như chiếc bóng, đặt bàn tay run rẩy lên vai người khổng lồ, kêu to lên:

- Dậy, Porthos, dậy, dậỵ!

Porthos nghe gọi, đứng dậy, mở mắt mà chưa hiểu gì hết, Aramis nói:

- Chúng ta đi!

- Chúng ta lên ngựa, chúng ta đi nhanh như chưa từng thấy.

- Ô! - Porthos lặp lại.

Ông giúp người khổng lổ mặc quần áo, nhét vàng, kim cương vào túi. Trong khi đang bận rộn, ông lưu ý đến một tiếng động nhẹ. D Artagnan đang đứng ngoài cửa sổ nhìn vào. Aramis giật nẩy mình. Người lính ngự lâm nói:

- Các ông làm cái quái gì mà hấp tấp thế?

- Chúng tôi đi công vụ đây.

- Các ông thật là sướng?

Porthos trả lời:

- Xì! Tôi mệt lử đây? Ngủ còn sướng hơn. Nhưng lệnh vua mà?

Aramis hỏi:

- Ông có gặp ông Fouquet không?

- Có trên xe, vừa mới đây thôi.

- Ông ta có nói gì không?

- Ông ta chào tôi.

- Chỉ có thế thôi sao?

- Ông còn muốn ông ta nói với tôi điều gì khác nữa? Có phải là từ khi tất cả các ông được ơn vua thì tôi vẫn không là gì hết không?

Aramis ôm hôn người lính ngự lâm:

- Hãy nghe đây bạn, thời của bạn trở lại rồi, bạn sẽ không còn ganh tỵ được với ai nữa đâu.

- Á! à!

- Tôi xin nói trước là ngày mai sẽ có biến chuyển khiến bạn được lên vị thế cao gấp đôi đấy!

- Thực sao!

- Này Porthos xong chưa? Chúng ta đi thôi.

- Đi!

Hai con người chạy trốn nhảy lên yên dưới con mắt của người chưởng quan ngự lâm đang nắm vàm ngựa của Porthos và theo dõi đến khi họ khuất bóng. Ông nghĩ "Như vào lúc nào khác thì mình sẽ nói là mấy tay này chạy trốn đây, nhưng thời này chlính trường thay đổi quá nhiều nên chuyện này gọi là công vụ. Thôi càng hay. Ta lo việc ta".

Thế rồi ông lặng lẽ đi vào nhà.

Chú thích:

(1) Theo trong chuyện là đất phong cấp cho ông Fouquet, ở đó ông xây cất thật nhiều

(2) Didon hay Elissa, bà hoàng sáng lập thành bang Carthge bị phụ tình, lên giàn hoả và tự đâm chết.
Bình Luận (0)
Comment