Cảm Ơn Ký Ức

Chương 2

"Giáo sư Hitchcock", tiến sĩ Fields đến bên Justin - lúc này đang bận rộn sắp xếp lại những tờ giấy ghi chú bài giảng của mình trên bàn giáo viên, trong lúc sinh viên nghỉ giải lao 5 phút.

"Xin cứ gọi tôi là Justin đi tiến sĩ!".

"Thế thì anh cũng gọi tôi là Sarah nhé!", cô thân thiện chìa tay ra.

"Rất vui được làm quen với cô, Sarah!".

"Tôi chỉ muốn hỏi thăm cho chắc chắn là lát nữa chúng ta sẽ gặp nhau chứ?".

"Lát nữa à?".

"Vâng, lát nữa. Tức là ... sau khi anh dạy xong ấy!", cô mỉm cười.

Ôi ... Có phải là cô ta đang "ngỏ ý" gì đó với mình không nhỉ? Nói gì đi chứ.

Justin. Nói xem nào.

"Tuyệt quá! Một cuộc hẹn thì quả là ... rất tuyệt!".

Cô giảng viên mím môi lại như cố nén một nụ cười. "Được rồi, vậy tôi sẽ gặp anh ở cổng chính, lúc 6 giờ, sau đó tôi đưa anh đến chỗ của tôi ...".

"Đưa tôi đi đâu cơ?".

"Đến chỗ chúng tôi sắp xếp một xe hiến máu nhân đạo lưu động ấy mà. Nó ngay bên cạnh sân bóng bầu dục, nhưng tôi sẽ rất vui nếu tự mình đưa anh tới đó".

"Xe hiến máu ...?", ngay lập tức anh thấy mình như chới với trong cảm giác kinh hãi đến phát ốm. "À, tôi không nghĩ rằng ...".

"Sau đó chúng ta sẽ đi ra ngoài uống chút gì nhé?", nữ tiến sĩ điềm nhiên nói tiếp.

"E hèm, cô biết không ... Tôi vừa mới trải qua một trận cúm. Vì thế, tôi không nghĩ rằng tôi phù hợp để tới hiến máu lúc này ...". Anh rụt tay lại và nhún vai.

"Anh có đang uống thuốc kháng sinh?".

"Không. Nhưng đó là ý hay đấy, Sarah. Có lẽ tôi nên ...".

Bất giác, anh đưa tay lên vuốt cổ họng của mình.

"Tôi nghĩ rằng anh sẽ ổn thôi!", cô khoe một nụ cười đến tận mang tai.

"Không ... cô biết đấy, tôi mới bị mắc mấy thứ bệnh dễ lây nhiễm thời gian gần đây. Sốt rét, đậu mùa, vô số thứ. Tôi đã ở khu vực nhiệt đới mà ...". Anh nhớ đến cái danh sách "chống chỉ định", không được phép cho máu. "Và anh trai tôi ... Vâng, anh ta bị mắc bệnh phong!".

"Một lời nói dối không đâu vào đâu. Hừm, không đâu vào đâu, không đâu vào đâu.".

"Thật sao?" cô nhướng mày.Và mặc dù đang "chiến đấu" với chuyện hiến máu bằng tất cả ý chí, Justin vẫn không thể không nở một nụ cười.

"Anh rời Mỹ cách đây bao lâu rồi?".

Phải suy nghĩ cẩn thận, có thể đây là một câu hỏi bẫy.

"Tôi chuyển tới London cách đây ba tháng", cuối cùng anh cũng có được một câu trả lời thành thật.

"Ồ, thật may mắn cho anh! Nếu trong vòng hai tháng thì anh nằm trong số không thể hiến máu rồi!".

"Khoan đã, khoan đã ... Để tôi nhớ xem ...". Anh đưa tay gãi gãi cằm và ra vẻ cố nghĩ thật kỹ lẩm bẩm hú họa các tháng như thể đang tính toán lại.

"Có lẽ là hai tháng trước. Nếu tính từ thời điểm tôi tới nơi ... Khi tôi đi làm, tính ngược lại thì ...". Anh kiếm cách nói lòng vòng trong khi đang nhẩm tính bằng ngón tay và nhìn chăm chăm vào khoảng không với đôi lông mày nhíu lại đầy vẻ tập trung.

"Anh sợ à, giáo sư Hitchcock?", cô mỉm cười.

"Sợ? Không!" Anh ngửa cổ cười phá lên. "Nhưng tôi đã đề cập tới chuyện tôi từng nhiễm sốt rét rồi mà, phải không?", anh thở dài, ngưng cười trước vẻ nghiêm túc của cô. "Thôi, tôi hết ý kiến rồi!".

"Tôi sẽ gặp anh ở cổng lúc 6 giờ. Đừng quên ăn chút gì trước đó!".

"Tất nhiên, bởi vì tôi sẽ đói cồn cào cả ruột trước cái hẹn của tôi với một cây kim giết người bự chảng", anh lẩm bẩm trong lúc nhìn theo bóng cô đi khuất.

Đám sinh viên bắt đầu lục tục kéo nhau vào đầy phòng trở lại. Justin cố giấu nụ cười mãn nguyện trên gương mặt trộn lẫn đủ mọi cảm xúc của mình. Nói gì thì nói, cuối cùng đây cũng là lớp học của anh!

Được rồi, những người bạn bé nhỏ rúc ra rúc rích của ta. Đây sẽ là khoảng thời gian trả đũa ra trò.

Anh bắt đầu ngay dù sinh viên có nhiều người còn chưa ổn định chỗ ngồi.

"Nghệ thuật ...", anh nhấn rành mạch từng chữ trong giảng đường, và anh nghe thấy cả tiếng sột soạt của bút chì của giấy ghi chép được lôi ra từ cặp sách bên dưới, tiếng mở khóa cặp, tiếng kéo vội dây kéo túi xách, tiếng những hộp bút chì bằng thiếc mở ra; tất cả đều thật mới mẻ trong ngày đầu tiên. Tất cả đều sạch bong không tì vết.

"Những sản phẩm đó con người sáng tạo ra". Anh không muốn vòng vo để cho những sinh viên của mình có thời gian bắt kịp, dù thật ra đầu tiết thường là khoảng thời gian thầy trò vui vẻ, với nhau chút ít. Lời giảng của anh nhanh hơn.

"Sự sáng tạo nên những gì đẹp đẽ hoặc những thứ có ý nghĩa ...". Anh bước đi trên bục trong khi nói, vẫn còn nghe tiếng lách cách mở cặp và kéo dây kéo túi xách bên dưới.

"Thưa thầy, thầy có thể nói lại lần nữa ...?".

"Không!", anh cắt ngang, "Kỹ thuật", anh tiếp tục, "sự ứng dụng kiến thức khoa học vào công nghiệp hoặc thương mại ...". Bây giờ, dưới các hàng ghế đã hoàn toàn trật tự.

"Sự sáng tạo và tính thực tiễn. Thành quả của việc liên kết giữa hai điều ấy chính là kiến trúc".

Nhanh hơn nữa Justin, giảng nhanh hơn nữa!

"Kiến trúc là sự biến đổi những ý tưởng trong quy luật tự nhiên thành hiện thực. Sự phức tạp và những kết cấu được thiết kể công phu của một vật nào đó, có liên quan đặc biệt đến một giai đoạn trong lịch sử. Để hiểu kiến trúc là gì, ta phải xem xét mối quan hệ giữa kỹ thuật, khoa học và xã hội".

"Thưa thầy, thầy có thể ...".

"Không!". Anh nói thế nhưng vẫn "chịu khó" chậm hơn một chút. "Chúng ta xem xét làm cách nào một công trình kiến trúc qua nhiều thế kỷ vẫn mang dáng dấp thể hiện rõ về xã hội. Làm cách nào để nó tiếp tục làm được điều ấy, hoặc cũng có thể là làm cách nào kiến trúc quay ngược lại định hình nên xã hội".

Anh ngừng giảng, nhìn những gương mặt trẻ măng xung quanh đang tròn mắt nhìn chằm chằm vào anh. Những cái đầu trống rỗng đang chờ được lấp đầy.

Quá nhiều thứ để học, quá ít thời gian để làm được điều đó. Chỉ cần một chút đam mê, những cô cậu sinh viên ấy có thể hiểu được một cách chân thật nhất.

Công việc của anh truyền niềm đam mê cho sinh viên. Anh chia sẻ với chúng những kinh nghiệm từ các chuyến đi, kiến thức của anh về những kiệt tác vĩ đại của nhiều thế kỷ trước.

Anh sẽ dẫn dắt chúng đi từ các giảng đường của trường cao đẳng Dublin đầy danh tiếng đến những căn phòng của Bảo tàng Louvre, giúp chúng như nghe tiếng vọng của những bước chân mình khi qua thánh đường của Thánh Denis, Thánh Germainđes- Prés và Thánh Pierre ở Montmartre. Chúng sẽ không chỉ biết được niên hiệu và những con số thống kê mà còn ngửi được mùi sơn toát ra từ những bức họa Picasso, cảm giác về những phiến đá cẩm thạch Ba- rốc, âm thanh của tiếng chuông thánh đường NotreĐame.

Chúng sẽ trải nghiệm tất cả nhưng điều ấy, ngay ở đây, trong lớp học này.

Anh sẽ mang lất cả những điều ấy đến cho chúng.

Sinh viên đang nhìn mình chằm chằm kìa, Justin. Phải nói điều gì đó đi.

Anh tằng hắng giọng. "Khóa học này sẽ dạy cho các bạn làm cách nào để phân tích tác phẩm nghệ thuật và làm cách nào để hiểu được ý nghĩa lịch sử của chúng. Nó cũng giúp các bạn phát triển nhận thức về môi trường, đồng thời cung cấp cho bạn những xúc cảm sâu sắc hơn về văn hóa, tư tưởng của các dân tộc khác. Các bạn cũng sẽ có được cái nhìn bao quát về nhiều lĩnh vực rộng lớn như:

lịch sử hội họa, điêu khắc, kiến trúc từ thời Hy Lạp cổ đại đến thời hiện đại, nghệ thuật của người Ai- len thuở sơ khai, về những họa sĩ thời kỳ Phục hưng, thánh đường Gô- tích vĩ đại ở châu Âu, những kiến trúc tráng lệ, lộng lẫy huy hoàng của vương triều các vua George ở Anh. Và cả những thành quả nghệ thuật của thế kỷ hai mươi".

Anh ngưng lại, cho phép sự im lặng lan ra. Chúng - các sinh viên của anh - đang cảm thấy đầy ắp sự nuối tiếc với những gì mới nghe được, vì giờ đây mới được biết đến. Những kiến thức đó sẽ thành ưu tiên hàng đầu với chúng suốt bốn năm kế tiếp? Hay trái tim chúng đang đập loạn xạ những nhịp điên cuồng đầy phấn khích như anh đã từng, khi chỉ cần thoáng nghĩ đến tất cả những điều mình sắp được học?

Ngay cả sau từng ấy năm, anh vẫn cảm thấy nguyên vẹn một cảm giác say mê nhiệt thành, đầy phấn khích với những tòa nhà, những bức tranh, những tác phẩm điêu khắc trên thế giới. Sự hồ hởi này thường làm anh muốn nín thở suốt bài giảng. Anh phải nhắc nhở mình nói chậm, không tuôn tràn ra cho sinh viên tất cả mọi thứ cùng một lúc. Mặc dù anh thật sự muốn chúng biết được mọi thứ, ngay bây giờ!

Anh nhìn lần nữa gương mặt của các sinh viên bên dưới và tưởng chừng mình đã làm nên một điều kỳ diệu.

Mình đã có chúng. Chúng đang nuốt lấy từng chữ của mình, chỉ khao khát được nghe nhiều hơn nữa. Mình đã làm được điều đó. Chúng đã nằm trong "quyền lực" của mình.

Một ai đó đột nhiên bật ra tiếng đánh rắm đầy giễu cợt và cả căn phòng vỡ òa những tiếng cười.

Anh thở dài, cả quả bóng nhiệt huyết đầy ảo tưởng của anh tan tành không thương tiếc. Anh tiếp tục bài giảng của mình với một giọng đầy chán ngàn.

"Tên tôi là Justin Hitchcock. Trong những bài giảng đặc biệt tôi được mời thỉnh giảng suốt khóa học này, các bạn sẽ được học phần giới thiệu về hội họa châu Âu, như hội họa thời kỳ Phục hưng ở nước Ý, trường phái ấn tượng Pháp. Khóa học này cũng bao gồm các bài phân tích, bình luận về hội họa, sự quan trọng của việc mô tả bằng hình tượng và những phương pháp kỹ thuật khác nhau được các họa sĩ sử dụng từ tác phẩm kinh điển của Kells đến thời hiện đại này. Cũng sẽ có một phần giới thiệu về kiến trúc Châu Âu, những đền đài Hy Lạp còn lại đến tận ngày nay, vân vân và vân vân ... Hai bạn nào tình nguyện lên đây treo giúp tôi những thứ này lên".

Vậy là lại một năm khác. Giờ anh không còn ở nhà, tại Chicago. Anh đã đuổi theo người vợ cũ và cô con gái đến sống ở London và đã từng bay tới bay lui giữa nơi London với Dublin để thực hiện những bài giảng được mời thỉnh giảng. Có lẽ là một đất nước khác, nhưng những lớp học thì đều giống nhau.

Tuần lễ đầu tiên và những trò tinh quái. Là một nhóm khác, nhưng cũng vẫn lại thể hiện sự thiếu hụt một cách non nớt khả năng hiểu được cảm xúc của anh:

cố tình quay lưng với cơ hội có thể - à không, không phải cơ hội có thể mà là một việc chắc chắn hoàn toàn - để học được một điều gì đó thật tuyệt điệu và đẹp đẽ.

Bất kể mình giảng với chúng cái gì lúc này, thì ở đây, bây giờ điều duy nhất mà chúng nhớ và sẽ mang theo khi về nhà chỉ là tiếng đánh rắm chọc cười khi nãy.

"Bea ... Trò đùa giỡn cứ tạo ra những tiếng như tiếng đánh rắm là cái quái gì thế, Bea?".

"Ồ ... Bố! Con chào bố!".

"Đó là kiểu đón tiếp quái quỷ gì thế nhỉ?".

"Thôi nào bố ... Con rất vui khi bố gọi. Nhưng chuyện gì thế ạ? Cuộc gọi cuối bố mới gọi con cách đây mới có 3 tiếng đồng hồ mà ...".

"Ừm, được rồi. Con không cần phải cuống quýt lên lo lắng như thế. Mẹ con về nhà chưa? Hôm nay là ngày đầu tiên mẹ con có việc làm mới thì phải ...".

"Vâng ạ, mẹ về nhà rồi. Con gọi mẹ nhé!".

"Mẹ con đưa cả gã Laurence quỷ tha ma bắt về nhà đấy chứ?". Anh không thể rút kịp lại lời mỉa mai khá cay độc của mình, lời nói khiến anh cảm thấy ghét chính mình, nhưng cũng không sẵn sàng để rút lại nó và lại càng không đủ khả năng để thốt nên một lời xin lỗi. Anh làm điều anh luôn luôn làm, điều khiến mọi thứ trở nên tồi lệ hơn. "Laurence", anh kéo dài giọng ... "Laurence với ... à ... mấy cái quần chật cứng".

"Bố ... bố đúng là không thể hiểu nổi. Bố không thôi được việc cứ nói tới nói lui về mấy ống quần của ông ấy sao?", tiếng bên kia đầu dây thở dài với vẻ chán chường.

Justin đá tung cái chăn ngứa ngáy của khách sạn Dublin rẻ tiền anh đang ở tạm xuống đất. "Thật hả, Bea, lần tới con thử để mắt kiểm tra ông ta xem sao.

Lúc nào cũng là những cái quần dài quá chật ... Phải kiếm ra một cái tên cho mấy cái quần kiểu đó ... Một cái tên gì ... Thật đấy!".

Đánh trúng một quả bóng rồi.

"Chỉ có bốn kênh tivi ở cái nơi khỉ gió này. Một kênh thì bằng thứ tiếng mà bố chưa từng bao giờ nghe tới. Con nhớ không, trong ngôi nhà tuyệt vời của bố ở Chicago, bố có trên hai trăm kênh tivi".

Hỏng một trái rồi. Ném một cái đi chứ. Hà hà ...

"Hai trăm kênh, ừm ... những kênh mà bố chẳng bao giờ có thời gian xem ấy à?".

"Nhưng đó vẫn là một sự lựa chọn để con không phải coi những kênh vớ vẩn như kiểu kênh ca nhạc với toàn phụ nữ khỏa thân nhảy múa quay cuồng ...".

"Con hiểu được chuyện phải đối mặt với những biến đổi đột ngột trong cuộc sống, bố. Đó là một sang chấn tâm lý rất nặng nề vời bố - một người đàn ông đã trưởng thành. Nhưng còn con, lúc đó con cũng mới mười sáu tuổi, phải đối mặt với những điều chỉnh lớn khủng khiếp trong cuộc sống của mình khi bố mẹ li dị và chuyển từ Chicago đến London. Cả một sự thay đổi lớn của con ...".

"Thì con có hai ngôi nhà và rất nhiều quà, con còn quan tâm cái gì nữa?", anh càu nhàu. "Cũng là ý muốn của con mà!".

"Ý muốn của con là đi học múa balê tại một trường ở London, chứ không phải là muốn cuộc hôn nhân của bố mẹ kết thúc!".

"Ồ ... trường balê. Vậy mà bố đã từng nghĩ là con nói:

Thôi, bố mẹ chia tay đi, ông bố ngốc nghếch đáng chán của con. Lỗi của bố. Bố không biết chúng ta có nên nghĩ đến chuyện quay trở về Chicago và lại bắt đầu mọi thứ với nhau lần nữa?".

"Bố ...".

Anh cảm giác như mình "nghe" được một nụ cười đang nở trên môi con qua giọng nói của cô bé và biết mọi thứ sẽ ổn thôi. "Ồ, con nghĩ bố sẽ ở lại Chicago trong khi con cách xa đến nửa vòng trái đất à?".

"Bố thậm chí còn không ở yên trong nước nữa là ...". Cô bé bật cười lớn.

"Ai- len chỉ là một chuyến công tác thôi. Bố sẽ quay trở về London sau vài ngày. Bố nói thật nhé, Bea, không có nơi nào khác bố muốn về như thế đâu ...".

Anh quả quyết với con gái.

Mặc dù bốn mùa ở đây thật tuyệt ...

"Con đang nghĩ tới chuyện chuyển tới sống chung với Peter", cô bé nói với một vẻ như thể tình cờ.

"Này ... con chưa nói cho bố nghe cái trò đùa cứ tạo ra những tiếng bật bật môi như tiếng đánh rắm hồi nãy bố kể là thế nào?", anh hỏi lại lần nữa, giả vờ phớt lờ câu nói của con gái. "Ý bố là làm sao một tiếng động như thế phát ra trong không khí, lại có thể khiến mọi người ngưng sự tập trung vào những kiệt tác tuyệt diệu từng được sáng tạo nên?".

"Con nhận ra là bố không muốn nói chuyện với con về việc con sẽ chuyển tới sống chung với Peter?".

"Con hãy còn là một cô bé. Con và Peter có thể chuyển đến sống trong một cái lều đồ chơi cho trẻ em. Bố có một cái trong nhà kho ấy. Bố sẽ căng lều ra trong phòng khách nhé. Chắc chắn là con sẽ thấy nó rất dễ chịu và ấm cúng".

"Con mười tám tuổi rồi. Con không phải là một đứa trẻ nữa. Con đã sống một mình xa nhà suốt hai năm nay rồi".

"Sống một mình một năm thôi. Mẹ con đã rời bố, để bố một mình vào năm thứ hai để đến ở với con, nhớ chứ?".

"Chẳng phải bố mẹ gặp nhau hồi bằng tuổi con là gì ...".

"Và bố mẹ đã không sống hạnh phúc sau đó. Đừng có bắt chước bố mẹ nữa mà hãy viết nên câu chuyện thần tiên của chính con đi".

"Con sẽ làm vậy. Nếu bố không kè kè bảo vệ con đến mức quá đáng, và không suốt ngày sắp đặt sẵn hết tình tiết diễn tiến câu chuyện thế nào ...". Bea thở dài, lái cuộc nói chuyện trở về với một đề tài "an toàn" hơn.

"Tại sao đám sinh viên của bố lại cười phá lên với trò phát ra những tiếng như tiếng đánh rắm à? Vì mọi người chẳng hiểu tại sao lại chọn môn chán phèo ấy học. Bố dạy bảo con về Peter nghe chán muốn chết, và ... con yêu anh ấy!".

Yêu! Cứ phớt lờ chuyện đó và con bé hẳn sẽ quên cả điều nó vừa nói.

"Không có chuyện gì khó hiểu đâu nếu con lắng nghe bố khi bố nói. Bên cạnh những lớp học dành cho các nghiên cứu sinh, bố cũng được yêu cầu giảng cho sinh viên năm nhất suốt cả năm. Một việc mà bố phải hối hận. Nhưng không sao cả. Công việc của bố hiện nay ổn và sắp tới, bố đang dự tính tổ chức một cuộc triển lãm về những tác phẩm hội họa của Hà Lan từ thế kỷ mười bảy.

Con nên đến đấy xem!".

"Không ạ, con cảm ơn!".

"Ừm, có thể trong vài tháng tới sinh viên sẽ đánh giá cao hơn về kiến thức chuyên môn của bố".

"Bố biết không, những sinh viên của bố có thể cười phá lên với trò đùa đánh rắm nhưng con đánh cuộc là tối thiểu một phần tư các bạn ấy sẽ đi hiến máu nhân đạo".

"Chúng làm thế chỉ vì chúng nghe nói rằng sẽ được phát miễn phí mấy thỏi kẹo KitKat sau khi hiến máu". Justin bực tức nói với giọng gắt gỏng. "Con giận dữ với bố vì bố không hiến máu à?".

"Con nghĩ bố chẳng ra thể thống gì khi lỡ hẹn với cô giảng viên ấy".

"Đừng dùng những từ kiểu như chẳng ra thể thống, Bea. Mà này, ai nói với con là bố lỡ hẹn với cô ấy?".

"Chú Al".

"Chú Al mới là chẳng ra thể thống gì. Thế con còn biết chuyện gì khác nữa, bé cưng? Con biết những điều tốt đẹp mà cô tiến sĩ đã nói hôm nay về chuyện hiến máu nhân đạo không?". Anh cố gắng mở lớp thiếc nằm trên cùng của hộp khoai tây chiên Pringles.

"Gì nữa ạ?", Bea ngáp dài.

"Rằng những người hiến máu thì không được nói tên cho người nhận biết.

Con nghe chứ hả? Giấu tên. Thế thì quan điểm cứu sống cuộc đời của một ai đó ở đây là gì khi mà họ thậm chí không biết được rằng con là một trong số những người đã cứu sống họ?".

"Bố!".

"Cái gì? Thôi nào, Bea. Con muốn nói dối bố theo kiểu con chẳng cần đến một bó hoa nào cho việc con cứu sống một ai đó chứ?".

Bea phản đối nhưng anh vẫn tiếp tục.

"Chẳng cần một túi quà nhỏ để cảm ơn, thứ gì đó con thích ... Bánh nướng, đậu phộng ...".

"Bánh quế ạ!", cô con gái bật cười, cuối cùng cũng phải nhượng bộ.

"Một túi nhỏ bánh nướng quế đặt ngay trước cửa phòng con với một mẩu giấy nhỏ gắn vào và viết rằng:

Cảm ơn, Bea. Cảm ơn bạn đã cứu tôi. Bất kỳ lúc nào bạn muốn được làm điều gì đó, ví dụ như đi thu lấy những quần áo dơ gửi giặt ủi, hoặc là mang cà phê và báo đến trước cửa phòng bạn mỗi buổi sáng, hoặc là một chiếc xe hơi với tài xế riêng được dành cho riêng bạn, hoặc là một vé xem kịch opera ... Ồ, một danh sách dài có thể đưa ra và đưa ra".

Anh đầu hàng chuyện cố kéo lớp thiếc trên cùng của hộp khoai tây ra, và đành nhặt lấy cái vặn nút chai để đục lớp thiếc. "Đó cũng có thể là vài món đồ sứ Trung Quốc. Con biết cái cách một ai đó đã cứu sống con và sau đó con mãi mãi phải mang ơn họ chứ. Thật dễ chịu khi có ai đó theo con mỗi ngày, để giúp con những việc hi hữu kiểu như ... bắt lấy một cây đàn piano rơi ngoài cửa sổ ngay trên đầu của con. Một thứ gì đại để như thế ...".

Bea cố trấn tĩnh mình. "Con hi vọng là bố chỉ đang đùa ...".

"Ừ, tất nhiên là bố đang đùa đấy!". Justin chành miệng làm mặt hề. "Thật không công bằng ...".

Cuối cùng, anh cũng mở được hộp khoai tây chiên Pringles chết tiệt, và ném cái vặn nút chai vào một góc phòng. Nó bay vèo ngay vào một cái ly nằm trên cùng của ngăn đựng thức uống và làm cái ly vỡ tan từng mảnh.

"Chuyện gì thế bố?".

"À, người dọn phòng ấy mà ...", anh nói dối. "Con nghĩ rằng bố thật ích kỷ, phải không?".

"Bố ... Bố đã rời bỏ một cuộc sống ổn định, bỏ một việc làm tốt, một căn hộ chung cư tuyệt đẹp và bay hàng ngàn dặm đến một đất nước khác chỉ để được ở gần con. Tất nhiên con không nghĩ là bố ích kỷ rồi".

Justin mỉm cười, bốc một miếng khoai tây chiên đưa vào miệng.

"Nhưng nếu nãy giờ không phải là bố đang nói đùa về chuyện cái túi bánh nướng, thì thật sự con nghĩ bố hoàn toàn ích kỷ. Nếu Tuần lễ Hiến máu vì Cuộc sống được tổ chức ở trường con, con chắc mình sẽ tham gia. Bố vẫn còn cơ hội làm việc đó mà, đi hiến máu với người phụ nữ ấy ...".

"Bố chỉ cảm thấy rằng bố đang bị ép buộc trong toàn bộ việc này. Bố đã dự tính là bố sẽ đi cắt tóc vào ngày mai, chứ không phải để cho một ai đó đâm cây kim vào mạch máu của mình".

"Đừng hiến máu nếu bố không muốn, con không quan tâm. Nhưng bố hãy nhớ, nếu bố hiến máu, một mũi kim nhỏ sẽ không thể giết chết bố được. Sự thật thì mọi việc có thể xảy ra theo hướng khác hẳn, rằng bố có thể cứu sống một ai đó mà bố không hề biết, rằng người đó có thể đi theo bố suốt cả cuộc đời còn lại để đặt những túi bánh nướng trước cửa phòng cho bố hay bắt lấy cái đàn piano trước khi nó rơi xuống trúng đầu bố. Nghe chẳng phải rất dễ thương sao?".

Trong chiếc xe hiến máu lưu động bên cạnh sân bóng bầu dục của trường Cao đẳng Trinity, Justin cố giấu hai bàn tay đang run rẩy của mình với Sarah, trong khi viết vào mẫu đồng ý hiến máu và điền bảng câu hỏi về "Tình trạng sức khỏe, lối sống"- cái thứ đang "vạch trần" rõ ràng mọi thứ về anh một cách "thẳng thắn và trung thực" hơn nhiều những điều lẽ ra anh sẽ cố giấu về mình trong lần hẹn đầu tiên.

Sarah mỉm cười đầy khích lệ và nói với anh vài điều về việc hiến máu, đại loại như cho máu là một việc rất đỗi bình thường trên thế giới.

"Bây giờ, tôi cần hỏi anh vài câu. Anh đã đọc, hiểu và điền đầy đủ bảng câu hỏi về tình trạng sức khỏe và lối sống của mình rồi chứ?".

Justin gật đầu. Chữ nghĩa bay đâu mất cả khỏi cái cổ họng khô khốc đang tắc lại.

"Và tất cả những thông tin mà anh cung cấp cho chúng tôi đều chân thật; chính xác là những điều anh hiểu một cách rõ ràng nhất?".

"Sao thế?", anh kêu lên khó chịu. "Những điều tôi viết ra có vẻ không giống với tôi à? Nếu nó không ổn thì tôi có thể rời khỏi đây và quay trở lại vào một lần nào đó khác".

Cô mỉm cười với anh, với một ánh nhìn giống hệt như mẹ anh trước kia, mỗi khi kéo anh lên giường, dém chăn và tắt đèn kêu anh ngủ.

"Được rồi, chúng tôi đã sắp xếp xong. Tôi sẽ làm xét nghiệm kiểm tra lượng hemoglobin trong máu", cô giải thích.

"Cái đó có kiểm tra được về các bệnh lây nhiễm không?", anh căng thẳng nhìn những dụng cụ trong xe.

Làm ơn đừng để mình mắc phải căn bệnh lây nhiễm nào. Thật là đáng mắc cỡ. Những câu hỏi không giống ai cả. "Anh nhớ có lần cuối cùng anh có chuyện gần gũi tình dục là khi nào?".

"Không, xét nghiệm này chỉ đo lượng sắt trong máu thôi. Cô châm một cái vào ngón tay anh để lấy chút máu lên mẫu thử. "Lát nữa mới xét nghiệm bệnh lây nhiễm và bệnh lây truyền qua đường tình dục sau".

"Chắc phải bắt những anh bạn trai làm xét nghiệm đó rồi, rất có ích đấy!", anh đùa, cảm thấy những giọt mồ hôi rịn ra, mằn mặn môi mình. Anh ngắm nghía ngón tay. Sarah trấn an anh khi cô bước ra ngoài với mẫu thử của xét nghiệm nhanh vừa rồi.

Justin nằm ngửa trên chiếc ghế dài bọc đệm trắng toát và duỗi thẳng cánh tay trái của mình ra. Sarah quấn một vòng đai y tế quanh bắp tay trên của anh, khiến những mạch máu lồi lên dễ thấy hơn. Rồi cô dùng miếng bông sát trùng lau ở phân điểm gấp bên trong cánh tay, giữa bắp tay trên với bắp tay dưới.

Đừng nhìn cây kim, đừng nhìn cây kim.

Anh nhìn cây kim tiêm và mặt đất như thể quay mòng mòng bên dưới anh.

Cổ họng anh dính chặt lại.

"Nó ... đau chứ?". Justin nuốt nước bọt một cách khó khăn trong khi lưng áo bắt đầu ướt đẫm, dính bệt vào người.

"Chỉ là tiêm một chút xíu thôi mà", cô mỉm cười, cầm sợi dây dùng để dẫn máu đến bên anh. Anh thoáng nghe mùi nước hoa ngọt ngào rất nhẹ của cô, và nó làm anh quên đi chuyện kinh khủng này trong một vài giây. Khi cô tựa mình cúi xuống, anh thoáng nhìn theo dưới cổ áo hình chữ V. Một chiếc áo nội y bên trong màu đen!

"Tôi muốn anh cầm lấy cái này và bóp chặt, lặp đi lặp lại nhiều lần".

"Hả, cái gì thế?", anh bật một tiếng cười nhưng vẫn đầy căng thẳng.

"Quả bóng", cô mỉm miệng.

"Ồ ..." anh cầm lấy quả bóng nhỏ mềm mại. "Để làm gì vậy?", giọng nói của anh chợt run run.

"Nó sẽ giúp làm quy trình bơm máu nhanh hơn ...".

Anh bóp lấy bóp để quả bóng theo đúng yêu cầu.

Sarah bật cười:

"Ồ, chưa đâu. Và cũng không phải làm nhanh như thế, Justin".

Mồ hôi lại tiếp tục thi nhau rịn ướt lưng áo anh. Tóc anh bết chặt vào trán.

Lẽ ra mình nên đi cắt tóc. Sao lại ngốc nghếch có cái ý định hiến máu này chứ ...

"Ahhhh ...".

"Đâu có gì khủng khiếp lắm đâu, phải không nào?", cô nói với một giọng êm ái tựa hồ như đang nói với một đứa trẻ.

Justin nghe rõ nhịp đập thình thịch của quả tim mình. Anh bóp quả bóng trong tay theo nhịp tim. Anh tưởng tượng trái tim anh đang bơm máu, dòng màu chảy hối hả qua từng mạch đang căng. Anh nhìn thấy máu chạm đến mũi kim, đi ra ống dẫn máu và chờ một cảm giác "chóng mặt". Nhưng cảm giác choáng váng, chóng mặt không hề đến và anh nhìn dòng máu của mình chảy qua dây dẫn, xuống dưới giường vào trong một túi trữ máu mà Sarah đã tế nhị để khuất bên dưới, trên một cái giá.

"Tôi sẽ được nhận mấy thỏi kẹo KitKat sau khi hiến máu Sarah bật cười:

"Dĩ nhiên".

"Và sau đó chúng ta sẽ đi ra ngoài uống chút gì đó nhỉ? Hay là cô chỉ định dùng cơ thể tôi để ... lấy máu thôi?".

"Uống chút gì đó ... Nghe rất hấp dẫn. Nhưng tôi phải cảnh báo anh là không được làm việc gì khác quá sức hôm nay. Cơ thể anh cần hồi phục lại sau khi lấy máu".

Anh kín đáo liếc một ánh nhìn qua chiếc áo bên trong của cô lần nữa.

Vâng, chắc hẳn rồi.

Mười lăm phút sau. Justin nhìn túi máu đã hiến của mình đầy vẻ hãnh diện.

Anh không muốn những giọt máu quý báu ấy lại mang đi cho những người xa lạ. Giá mà anh được tự mang nó đến bệnh viện, tìm hiểu hết các trường hợp và tặng nó cho một ai đấy mà anh thật sự quan tâm, một ai đấy đặc biệt, vì đó chính là thứ thiêng liêng đầu tiên từ trái tim anh truyền thẳng đến với họ.

Ngày hiện tại ...

Tôi từ từ mở mắt.

Một luồng sáng lóa hết mọi thứ. Mãi một lúc, mọi vật xung quanh mới bớt nhòe nhoẹt để trở về trạng thái bình thường. Luồng sáng lóa mắt cũng dịu hơn.

Bây giờ là màu hồng cam. Tôi đảo mắt nhìn xung quanh. Tôi đang ở trong bệnh viện. Một cái tivi được treo cao cao trên tường. Màn hình nhập nhoạng màu xanh lá cây. Tôi định thần và tập trung hơn. Những con ngựa ... Vượt chướng ngại vật và đang đua ...

Chắc hẳn bố đang ở trong phòng. Tôi hạ tầm nhìn thấp hơn. Đây rồi, bố đang ngồi trên một chiếc ghế bành, quay lưng lại phía tôi, ông nắm tay lại, đấm khẽ vào thành ghế. Từ sau lưng ghế, tôi thấy chiếc nón lưỡi trai bằng vải tuýt của ông cứ nhấp nhô ẩn hiện theo từng động tác nhấp nhổm. Lớp lò xo bên dưới ghế cứ kêu cót két.

Một trận đua ngựa trong yên lặng. Đúng là bố! Còn tôi, mọi thứ giống như một bộ phim câm diễn ra trước mắt tôi, tôi cũng yên lặng quan sát ông. Tôi tự hỏi sao đôi tai mình chẳng cho phép mình nghe thấy thanh âm gì của bố hết.

Bây giờ, bố nhấp nhổm trên chiếc ghế còn nhanh hơn hồi trước đây mỗi khi xem đua ngựa. Rồi bố giơ cả nắm tay lên phía tivi, cứ như đang thúc ngựa trong yên lặng.

Bất chợt, cái tivi bỗng trở nên tối đen. Hai nắm tay của bố mở ra và bố giơ cả hai cánh tay lên trong không khí, ngước mắt lên trần nhà cầu khẩn. Rồi bố đút tay vào túi quần, mò mẫm kéo ra một thứ gì đấy. À, hai cái túi của chiếc quần tây màu nâu trống rỗng. Bố đang lộn ngược cả túi quần ra ngoài để trông cho rõ xem có gì không. Tôi thấy bố vỗ nhẹ vào ngực áo, nhận ra tiền vẫn còn để đó. Rồi ông kiểm tra trong túi nhỏ của chiếc áo len màu nâu. Càu nhàu gì đấy. Tôi không nghe được gì cả, như là ... tôi không có tai vậy.

Ông quay sang để tìm chiếc áo khoác ngoài nằm cạnh tôi và tôi nhắm ngay mắt lại.

Tôi vẫn chưa sẵn sàng để đón nhận hiện tại. Sẽ chẳng có chuyện gì xảy ra, cho tới lúc mọi người cho tôi biết sự thật. Tối hôm qua sẽ vẫn chỉ là một cơn ác mộng hãi hùng trong đầu tôi thôi, cho đến khi mọi người nói với tôi đó là sự thật. Tôi nhắm mắt càng lâu thì mọi việc sẽ càng giữ nguyên trong hoàn cảnh như thế này lâu. Niềm hạnh phúc của sự không- biết- gì- cả.

Tôi nghe tiếng bố lục lọi quanh chiếc áo khoác ngoài. Tiếng sột soạt. Âm thanh leng keng của những đồng xu rơi tụt vào khe bỏ tiền tự động của chiếc tivi. Tôi đánh liều mở mắt lần nữa và thấy ông đã quay lưng lại phía tôi, ngồi trong chiếc ghế bành, chiếc mũ lưỡi trai lại nhấp nhô lên xuống nắm tay lại giơ lên, đấm vào không khí.

Có một tấm màn nằm ngay bên phải tôi, nhưng tôi có thể chắc chắn rằng tôi đang nằm cùng phòng với nhiều người khác nữa. Tôi không biết cụ thể là bao nhiêu người. Tất cả đều yên lặng. Không khí trong phòng đặc quánh, ngột ngạt với mùi mồ hôi lâu ngày. Những khung cửa sổ bằng kính to đùng chiếm hết phần tường bên trái đều bị đóng lại, ánh sáng quá chói mắt nên tôi không thể nhìn ra ngoài. Tôi mất một lúc điều tiết mắt mình cuối cùng mới thấy. Một chiếc xe buýt dừng lại trên đường. Người phụ nữ đang đứng chờ ở điểm đỗ xe, những chiếc túi mua sắm đặt dưới chân. Cô ấy bồng một em bé bên hông. Hai cái chân trần mũm mĩm của đứa trẻ ánh lên trong ánh nắng mùa hè ...

Tôi quay đi ngay lập tức. Bố đang nhìn tôi, ông dựa người hẳn qua một bên cửa chiếc ghế bành, ngoái cổ lại đằng sau, trông giống như một đứa trẻ nhoài ra khỏi cái giường cũi của nó.

"Chào con gái".

"Chào bố!". Tôi cảm thấy như đã không nói gì trong một thời gian dài, và tôi ngỡ tiếng nói của mình sẽ nghe khàn khàn, đùng đục. Nhưng không. Giọng của tôi trong, rõ và nhẹ nhàng tuôn ra như một dòng mật ngọt. Như thể không hề có chuyện gì từng xảy ra. Nhưng không thể không có chuyện gì từng xảy ra. Chỉ là chưa thôi. Cho đến khi mọi người nói cho tôi biết.

Với cả hai cánh tay đặt trên thành ghế, bố từ từ nhấc mình đứng dậy. Giống như một chiếc bập bênh, ông lúc lắc người lên xuống để đi đến phía bên kia giường. Xuống lên, lên - xuống. Ông sinh ra với một chân khập khiễng, chân bên trái dài hơn chân bên phải. Bất chấp có đôi giày đặc biệt được tặng năm ngoái, bố vẫn cứ lắc lư theo một động tác chuyển động mà bố đã phải làm quen dần suốt từ khi bắt đầu tập đi.

Bố ghét mang những đôi giày đó. Bất chấp những cảnh báo của chúng tôi, lo ngại rằng bố có thể bị đau lưng, bố vẫn quay về với tư thế đi như trước giờ vẫn thế. Tôi thấy mình thân quen lắm với hình dáng của bố cứ lên xuống, lên xuống khi đi. Tôi hồi tưởng lại cái thuở mình còn là một cô bé con, được bố cầm tay đi dạo. Nhờ cái cách mà cánh tay tôi chuyển động nhịp nhàng, hoàn hảo theo nhịp chân của bố. Bị kéo lên khi ông bước chân phải xuống, bị kéo xuống khi ông bước chân trái lên.

Ông luôn luôn rất mạnh mẽ. Luôn luôn có thể làm mọi việc. Luôn luôn chữa được mọi thứ bị hỏng. Nhấc mọi thứ lên, sửa sang vật dụng. Luôn luôn cầm một cái tuốc- na- vít trên tay, mở các loại máy móc ra thành từng phần và gắn chúng trở lại - nào remote, nào rađiô, nào đồng hồ báo thức, nào phích cắm điện. Một người đàn ông bị tật nhưng làm được tất cả mọi thứ trên đời. Hai chân bố không đều nhau, nhưng đôi tay của ông luôn luôn và mãi mãi chắc như đá, sẵn sàng cho mọi thứ.

Bố giở cái nón lưỡi trai ra khi ông đến bên cạnh tôi, nắm chặt lấy nó bằng cả hai tay, rồi quay nó vòng vòng giống như một cái bánh xe đang chuyển động trong lúc ngắm tôi một cách chăm chú. Ông đứng trên chân phải rồi ngồi xuống gập chân trái lại. Đó là tư thế ngồi thư giãn của ông.

"Con thấy ... À ... ừm ... Họ nói với bố rằng ... À ...". Ông tằng hắng giọng. "Họ nói với bố rằng ...". Ông nuốt nước bọt một cách khó khăn, hai hàng chân mày rậm đen, dày, mọc lộn xộn của ông tạo nên một đường sậm trên khuôn mặt, ông cố giấu đôi mắt nhòe nước, "Con đã mất ... con đã mất ... ừm ...".

Môi tôi run bần bật.

Giọng nói của bố vỡ ra khi bố lặp lại lần nữa. "Con mất rất nhiều máu.

Joyce. Họ ....". Ông chuyển cái mũ lưỡi trai qua một tay và làm nó quay tròn với một ngón tay khum cong cong, cố gắng để nhớ. "Họ đã tiếp cho con máu của một số người giấu tên hiến máu. Vì thế con ... Ừm ... hiện giờ con đã ổn với đủ lượng máu".

Môi dưới của tôi vẫn run bần bật và hai bàn tay tôi tự động áp lên bụng, để xem có gì còn phồng lên bên dưới lớp chăn không. Tôi nhìn bố đầy hi vọng, chỉ kịp nhận ra rằng mình vẫn đang cố bám víu biết bao cái hi vọng mong manh, cố thuyết phục mình biết bao rằng chuyện khủng khiếp xảy ra chỉ là một cơn ác mộng.

Có thể chỉ là tôi đã tưởng tượng ra sự im lặng đáng sợ của con tôi - sự im lặng đã bao trùm lên cả căn phòng vào khoảnh khắc cuối cùng hôm qua. Có thể đã có tiếng khóc mà tôi không nghe. Tất nhiên có thể chứ ... Lúc đó, tôi không còn sức lực và lịm đi dần ... Có thể tôi đã không nghe thấy thanh âm yếu ớt kỳ diệu đầu tiên của sự sống, điều mà một người nào đó khác đã được chứng kiến.

Bố lắc đầu buồn bã. Không! Có cái gì đó xáo động mạnh trong tôi. Môi tôi càng run bần bật dữ đội hơn, nó cứ bật lên bật xuống và tôi không thể ngừng nó lại được. Cả người tôi lẩy bẩy và tôi cũng không thể ngừng nó lại được. Nước mắt ... Khóc được thì tốt biết bao, nhưng tôi phải ngăn không cho chúng rơi ra.

Nếu tôi bắt đầu khóc lúc này, tôi biết rằng mình sẽ chẳng bao giờ ngừng khóc được.

Tôi tạo ra một thanh âm gì đó. Một thứ thanh âm bất thường mà tôi chưa từng bao giờ nghe trước đây. Rên rỉ. Run rẩy kêu ư ử trong cuống họng. Kết hợp cả hai lại với nhau. Bố nắm chặt lấy tay tôi và giữ nó thật chặt. Chính cái cảm giác về làn da của ông đã mang tôi quay trở lại cuộc sống tối hôm qua, khi tôi đang nằm ở chân cầu thang. Ông không nói gì cả. Một người có thể nói cái gì vào tình huống như thế này? Tôi chưa từng biết.

Tôi trải qua những giấc ngủ lơ mơ gà gật. Cứ hễ thức dậy tôi lại nhớ ra cuộc nói chuyện với bác sĩ và tự hỏi phải chăng nó chỉ là một giấc mơ. Cô đã mất đứa con của mình, Joyce, chúng tôi đã làm tất cả những gì có thể ... Truyền máu ... Ai cần nhờ đến những việc như thế chứ? Không ai cả. Ngay cả tôi cũng vậy.

Khi tôi thức dậy lần nữa, bức màn bên cạnh tôi đã được kéo lại. Có ba đứa trẻ đang chạy đuổi theo một đứa bé khác quanh giường, trong khi cha của chúng - tôi đoán thế - bảo chúng dừng lại bằng một thứ ngôn ngữ tôi không nhận ra.

Mẹ của chúng - có lẽ là vậy - đang nằm trên giường. Chúng tôi nhìn nhau và mỉm cười. Tôi biết chị cảm thấy thế nào - nụ cười buồn rầu của cô ấy như đang nói - Tôi biết chị cảm thấy thế nào.

Chúng ta làm gì bây giờ? Nụ cười của tôi như trả lời cô ấy.

Tôi không biết! Ánh mắt cô ấy lại nói với tôi. Tôi không biết!

"Chúng ta sẽ ổn chứ?".

Cô ấy quay đầu đi, không nhìn tôi nữa. Nụ cười của cô ấy cũng biến mất.

Bố bỗng hỏi vọng qua, "Hết cả gia đình đông đúc các bạn từ đâu đến vậy?".

"Xin lỗi, ông nói gì?", người chồng hỏi.

"Tôi nói là hết cả gia đình đông đúc các bạn từ đâu đến vậy?", bố lặp lại.

"Chắc không phải là gần đây rồi". Giọng của bố thật thân thiện, gần gũi và dễ chịu. Không hề ẩn chứa chút ý định xúc phạm nào. Hoàn toàn không hề ẩn chứa chút ý định xúc phạm nào, dù nhỏ nhất.

"Chúng tôi từ Nigeria", người đàn ông trả lời.

"Nigeria", bố hỏi lại. "Nó ở đâu nhỉ?".

"Châu Phi", giọng người đàn ông cũng thật dễ chịu. Chỉ là một ông già rất thèm được nói chuyện, đang cố gắng tỏ ra thật thân thiện, anh nhận ra thế.

"À, châu Phi. Tôi chưa từng bao giờ đến đấy, ở đấy nóng lắm phải không?

Tôi nghe mọi người nói thế. Nóng hơn ở đây. Dễ dàng có được một làn da rám nắng tuyệt đẹp, nhưng tôi nghĩ ông chẳng cần đến nó đâu!". Và bố cười, "Ở đây các bạn có thấy lạnh không?".

"Lạnh á?", người đàn ông châu Phi mỉm cười.

"Vâng ...". Bố choàng hai tay tự ôm lấy người mình và giả vờ run lên vì lạnh.

"Có lạnh không?".

"Có", người đàn ông cười thành tiếng. "Thỉnh thoảng tôi thấy lạnh".

"Tôi cũng nghĩ vậy. Tôi ở đây mà còn thấy lạnh nữa là ...", bố giải thích.

"Những cơn ớn lạnh cứ luồn lách ngay trong xương tôi ấy. Nhưng tôi cũng không phải là người thích khí hậu nóng cho lắm. Da cứ đỏ lên, rồi cháy nắng.

Con gái tôi. Joyce, cũng đang sạm đen đi. Con tôi nằm ở đằng kia kìa". Bố chỉ về phía tôi và tôi nhắm mắt lại ngay.

"Một cô con gái rất đáng yêu", người đàn ông nói một cách thật lịch sự.

"Ừ, nó đấy!". Một không khí im lặng bao phủ. Tôi đoán là họ đang nhìn mình. "Vài tháng trước, nó sống ở một hòn đảo ở Tây Ban Nha và trở nên sạm đen như thế. Ừ, không đen bằng anh. Anh biết không, nó tắm nắng. Nhưng rồi da bị lột, bong tróc ra. Có lẽ anh không bị lột da nhỉ?".

Người đàn ông bật cười lịch thiệp. Bố là vậy. Chẳng bao giờ làm điều gì hại ai nhưng cũng chẳng bao giờ rời đất nước của mình trong suốt cả cuộc đời. Vì sợ đi máy bay mà ông chẳng dám đi đâu. Hoặc đó là cách ông nói như thế.

"Nói gì thì nói, tôi chỉ hi vọng cô con gái đáng yêu của ông sớm khỏe lại.

Thật là khủng khiếp khi bị ốm".

Vì câu nói ấy, tôi mở mắt ra.

"À, chào mừng con tỉnh dậy, con yêu. Bố vừa mới nói chuyện với những người bạn cùng phòng đáng quý của chúng ta".

Ông lại khập khiễng đi đến bên tôi, chiếc mũ lưỡi trai vẫn cầm trên tay. Từ từ hạ chân phải, ngồi xuống gập chân trái lại. "Anh biết không, tôi nghĩ chỉ có chúng tôi là người Ai- len trong cái bệnh viện này thôi. Cô y tá mới ở đây vài phút, cô ấy từ nước gì ... nước gì mà tên là sing- a- song, hay đại loại giống giống như thế!".

"Singapore đó bố!". tôi mỉm cười.

"Vâng, đúng nó đấy!". Bố nhướng mày. "Anh gặp cô ấy rồi chứ, phải không? Họ đều nói tiếng Anh, mặc dù họ lại là người nước ngoài. Chắc chắn chẳng có gì chán hơn là suốt chuyến du lịch nước ngoài cứ phải sử dụng thứ ngôn ngữ ký hiệu, ra dấu tay chân ...". Ông đặt chiếc mũ lưỡi trai xuống giường và ngọ nguậy ngón tay xung quanh.

"Bố ...", tôi mỉm cười, "Cả đời bố có bao giờ rời đất nước của mình đâu!".

"Chẳng phải mấy chú ở Câu lạc bộ thứ Hai vẫn hay nói với nhau như thế sao? Chú Frank từng đến đó tuần trước. Ồ, cái nơi gì ấy nhỉ?". Bố nhắm mắt và suy nghĩ rất chăm chú. "Cái chỗ gì mà họ làm sôcôla ...?".

"Thụy Sĩ hả bố?".

"Không".

"Bỉ?".

"Không", bố đầy vẻ thất vọng. "Tên nó giống tên loại sôcôla cơ. Loại sôcôla tên gì mà có những viên nhỏ nhỏ tròn tròn, có nhân cứng giòn bên trong. Lúc con lấy cái hộp màu trắng nhưng bố lại thích cái hộp màu cam sẫm hơn ấy ...".

"Sôcôla Maltesers hả bố?", tôi cười thành tiếng, nhưng lập tức có cảm giác đau và phải ngưng cười.

"Đúng rồi. Chú ấy ở Maltesers".

"Bố, đấy là Malta cơ mà! Cộng hòa Malta, một đảo quốc nhỏ giữa Địa Trung Hải".

"Chính là nó đấy. Chú ấy ở Malta ...". Ông im lặng một chút. "Có phải họ làm ra kẹo Maltesers không?".

"Con không biết. Có lẽ thế ạ. Nhưng có chuyện gì xảy ra với chú Frank ở Malta?".

Ông nhắm chặt mắt lại lần nữa và ra chiều suy nghĩ. "Bố không nhớ tại sao bố lại nói về chuyện đó nữa ...".

Một khoảng lặng. Ông ghét cảm giác không thể nhớ được ông từng nhớ tất cả mọi thứ.

"Bố có thắng được đồng nào với mấy con ngựa không đấy bố?", tôi hỏi.

"Được tí tẹo thôi. Đủ cho vài cốc ở Câu lạc bộ thứ Hai tối nay".

"Nhưng tối nay là thứ Ba mà bố!".

"Tối nay có buổi gặp mặt của nhóm bạn làm ngân hàng", ông giải thích, khập khiễng đi vòng quanh sang một góc giường khác rồi ngồi xuống.

Tôi không thể cười. Tôi bị đau. Hơn nữa, dường như khả năng hài hước của tôi cũng đã mất đi cùng vời đứa con của mình.

"Con không buồn nếu bố đi chứ, Joyce? Bố sẽ ở lại đây với con nếu con muốn. Bố thật sự sẽ không thấy làm sao đâu. Chuyện đến Câu lạc bộ không quan trọng ...".

"Quan trọng mà bố. Bố không hề để lỡ mất một buổi tối thứ Hai nào ở đó hai chục năm nay rồi".

"Gặp mặt nhóm bạn làm ngân hàng!". Ông đưa ngón tay cong cong của mình lên, đôi mắt như đang nhảy múa.

"Gặp mặt nhóm bạn làm ngân hàng!". Tôi mỉm cười, nắm lấy ngón tay ông.

"Ừm ...", bố cầm tay tôi, "Con quan trọng hơn là một vài cốc bia và một vài bài hát nhiều chứ!".

"Con có thể làm gì nếu không có bố nhỉ?", mắt tôi lại rưng rưng.

"Con sẽ ổn thôi, con yêu. Bên cạnh ...", ông nhìn tôi với vẻ cẩn trọng trong từng lời nói. "Con có Conor".

Tôi thả tay mình khỏi tay bố và quay nhìn chỗ khác. Thế còn chuyện gì xảy ra nếu tôi không muốn có Conor ở bên một chút nào nữa?

"Bố cố gọi điện thoại cầm tay cho cậu ta tối hôm qua nhưng không thấy trả lời. Có lẽ bố bị nhầm số điện thoại!", ông nói nhanh, "Số điện thoại cầm tay dài quá, có quá chừng con số ...".

"Điện thoại di động, bố!". Tôi nói.

"Ừ, đúng rồi. Điện thoại di động. Cậu ta gọi lại trong lúc con đang ngủ, nói là sẽ về nhà ngay khi bắt được chuyến bay. Cậu ta rất lo lắng ...".

"Anh ấy tử tế nhỉ ... Rồi chúng con lại có thể trở về với công việc và có 10 năm của cuộc sống hôn nhân ở phía trước để sinh con ...". Ừ, quay trở lại công việc:

Một chút xa cách để giúp mối quan hệ giữa chúng tôi có ý nghĩa hơn.

"Đúng vậy, con yêu ...".

Ngày đầu tiên trong phần còn lại của cuộc đời tôi, và tôi không chắc rằng tôi muốn ở đây. Tôi biết tôi nên cảm ơn một số người, nhưng tôi thật sự không cảm thấy hạnh phúc với điều ấy. Tôi ước, giá mà họ đã không làm phiền, để kéo tôi trở lại.
Bình Luận (0)
Comment