Cảm Ơn Ký Ức

Chương 4

Khi taxi đến gần nhà tôi ở Phisboro, dạ dày tôi thắt lại.

"Thật là buồn cười vì người đàn ông phía trước cũng bảo taxi chờ phải không Gracie?".

"Vâng ạ, nhưng con là Joyce!", tôi trả lời, chân tê cứng.

"Bây giờ người ta hay làm vậy khi đi cắt tóc hả con?".

"Làm cái gì bố?".

"Bảo taxi chờ ở ngoài ...".

"Con không biết!".

Ông dịch người ra ngoài rìa chỗ ngồi, chồm lên gần anh tài xế. "Bây giờ người ta hay làm như vậy, khi đến tiệm cắt tóc hả Jack?".

"Thường làm cái gì?".

"Bảo taxi chờ họ bên ngoài?".

"Từ trước đến giờ, tôi chưa bao giờ được yêu cầu chờ như thế ...", anh tài xế lịch sự giải thích.

Bố thư thả ngồi trở lại phía sau. "Bố cũng nghĩ vậy đó, Gracie!".

"Con là Joyce mà!", tôi ngáp.

"Joyce. Nó là sự ngẫu nhiên. Con có biết sự ngẫu nhiên là gì không?".

"Con biết!". Chúng tôi vừa quẹo qua khúc cua vào con đường về nhà quen thuộc và dạ dày tôi thắt lại.

"Chẳng có cái gì ngẫu nhiên kỳ lạ như thế cả!", bố kết luận, mặc dù tôi đã nói là đồng ý trước đó rồi. "Chắc chắn là không", ông tự nói với mình. "Không thể có những điều như vậy. Patrick kìa!", ông vẫy tay. "Bố hi vọng ông ấy không vẫy tay chào lại!".

Bố gặp ông bạn này ở Câu lạc bộ thứ Hai, chật vật đi với hai tay vịn vào khung đỡ. "Và David đang dắt chó đi dạo ...". Ông lại vẫy tay mặc dù David đang dừng cho con chó ghếch chân "tè" và nhìn đi chỗ khác. Tôi nhận ra bố cảm thấy mình rất oai trên chiếc taxi. Hiếm khi nào ông phải trả tiền đi lại nhiều như thế, ông chỉ đi bộ quanh quẩn gần nhà hay cùng lắm là cách một trạm xe buýt.

"Ôi, nhà đây rồi!", ông thốt lên. "Tôi trả anh bao nhiêu, Jack?", ông chồm người lên phía trước lần nữa, ông lấy hai tờ năm euro từ trong túi ra.

"Cho xin ... hai mươi euro!".

"Cái gì?", bố nhìn lên đầy kinh ngạc.

"Con sẽ trả, bố cất tiền vào đi!". Tôi đưa anh tài xế hai mươi lăm euro và bảo anh ta không phải thối lại. Bố nhìn tôi như thể tôi vừa lấy một lít bia từ tay ông rồi đổ xuống cống.

Tôi và Conor sống trong một ngôi nhà liên kế bằng gạch đỏ ở Phisboro từ khi chúng tôi cưới cách đây mười năm.

Mấy căn nhà này được xây dựng từ những năm bốn mươi, và hàng năm chúng tôi đều chi tiền để làm mới lại. Cuối cùng, nó trở thành ngôi nhà mà chúng tôi yêu quý. Một hàng rào sơn đen xung quanh sân vườn nhỏ phía trước, ở đó có những bụi hoa hồng mà mẹ tôi đã trồng. Bố cũng sống trong căn nhà giống như vậy nhưng cách hai con đường. Đó là ngôi nhà mà tôi sống thời ấu thơ, rồi liên tục học hành, và mỗi khi quay lại đó là tôi lại nhờ đến những năm tháng thơ dại của mình.

Cửa nhà tôi mở ra ngay khi chiếc taxi vừa quay đầu xe. Cô hàng xóm, Fran, cười với tôi khi tôi đang đứng tại cửa nhà mình. Cô nhìn chúng tôi với vẻ ngượng nghịu, lúng túng, né ánh mắt tôi khi tôi quay nhìn lại. Tôi sẽ phải làm quen với những ánh nhìn như thế.

"Ô, tóc của con!", cô thốt lên, liền sau đó rút lại lời. "Cô xin lỗi, ý cô là cô phải đi ngay khi con về nhà". Cô mở rộng cửa và kéo một cái túi phía sau. Cô mang một chiếc găng hình bông cúc đại đóa lớn bên tay phải.

Bố cũng đầy vẻ căng thẳng và tránh nhìn vào mắt tôi.

"Cô làm gì ở đây vậy, cô Fran? Sao cô lại vào nhà con?", tôi cố gắng giữ lịch sự nhưng việc một người vào nhà tôi mà không được tôi cho phép đã làm tôi bất ngờ tức điên lên.

Cô nhìn bố. Bố nhìn bàn tay cô và húng hắng ho. Cô nhìn xuống, cười bối rối, rồi cởi găng tay ra. "Ồ, bố con đã đưa chìa khóa cho cô. Cô nghĩ ... À, cô mới để tấm thảm ở ngoài hành lang cho con. Cô hy vọng con thích nó!".

Tôi nhìn cô chằm chằm với một sự bối rối cao độ.

"Không sao, cô sẽ đi ngay đây!". Cô đi ngang qua tôi, chộp lấy cánh tay tôi, nắm chặt nhưng không nhìn vào mắt tôi. "Bảo trọng nhé con!". Cô đi dọc theo con đường và kéo cái túi có gắn bánh xe phía sau.

"Bố", tôi nhìn bố một cách giận dữ, "Chuyện này là thế nào?". Tôi đi nhanh vào phía sau nhà, nhìn tấm thảm lau chân cáu bẩn nằm trên tấm thảm màu be của tôi. "Sao bố lại đưa chìa khóa nhà con cho một người gần như là xa lạ, để cô ta có thể tự tiện vào nhà và bỏ lại thảm lau chân ở đây? Con đâu có tốt bụng, dễ tính dữ vậy!".

Bố cởi cái mũ lưỡi trai ra và mân mê bằng hai tay. "Cô ấy không phải là người lạ đâu con. Cô biết con từ hồi con mới từ nhà bảo sinh về!".

Đó chẳng phải là chuyện nên nói lúc này và ông biết điều ấy.

"Con không quan tâm", tôi lắp bắp. "Đây là ngôi nhà yêu quý của con, chứ không phải của bố! Bố không thể làm như thế được ... Con ghét cái tấm chùi chân xấu xí dơ bẩn đó!". Tôi nắm một góc tấm thảm, kéo nó ra ngoài và đóng sầm cửa lại. Tôi đang nổi cáu và lại gào lên với bố lần nữa. Nhưng ông không để ý đến những câu gào thét của tôi. Ông tái nhợt, tay run run, mải nhìn xuống đất với một vẻ buồn buồn. Mắt tôi dõi theo ánh nhìn của ông.

Nhiều vết bẩn màu nâu, giống như nhang giọt rượu đỏ, vương vãi trên tấm thảm màu be. Nó đã được làm sạch, nhưng lông thảm bị chải ngược như cố xóa đi cái gì đó đã nằm ở đây. Vâng, máu của tôi.

Tôi gục đầu vào hai tay mình.

Giọng bố khe khẽ, đầy tổn thương. "Bố nghĩ sẽ tốt hơn cho con khi con về nhà và những dấu vết đó đã được xóa đi ...".

"Bố ...".

"Cô Fran đã đến đây mỗi ngày một chút và thử nhiều cách để xóa hết vết bẩn. Cái tấm lau chân là do bố đề nghị ....", ông hạ giọng, "Con không thể trách cô ấy!".

Tôi nghe lòng mình đầy hối hận.

"Bố biết con thích mọi thứ trong nhà đều mới và hòa hợp với nhau", ông nhìn xung quanh, "nhưng cô Fran và bố không có những thứ đó".

"Con xin lỗi bố. Con không biết chuyện gì đã xảy ra với con. Con xin lỗi vì đã gào lên với bố. Bố đã giúp con rất nhiều suốt cả tuần nay. Con sẽ ... con sẽ gọi điện cho cô Fran để cảm ơn cô ấy!".

"Ừ!", ông gật đầu, "Bố sẽ để con xử trí việc này. Bố sẽ mang tấm thảm chùi chân trả cho cô Fran. Bố không muốn những người hàng xóm thấy nó ở phía ngoài và nói lại với cô ấy".

"Không, con sẽ để nó lại chỗ cũ. Nó quá nặng cho bố để mang đi trả. Con giữ nó và sẽ trả lại cho cô ấy sau ...". Tôi mở cửa, lấy lại tấm thảm từ hành lang bên ngoài. Tôi kéo nó vào trong nhà với một sự trân trọng và để nó nằm đè lên đúng cái nơi mà tôi đã mất đứa con của mình.

"Con thật lòng xin lỗi bố!".

"Không sao đâu con!". Ông khập khiễng đi về phía tôi và vỗ nhẹ vai tôi.

"Bố biết con đang trải qua một khoảng thời gian khó khăn. Bố quanh quẩn gần đây, khi nào cần thì con cứ gọi!".

Tôi nhìn theo cái dáng đi với cổ tay đánh nhẹ, chiếc mũ lưỡi trai sờn trên đầu, cách ông khập khiễng bước từng bước trên đường. Những cử chỉ quen thuộc và bình yên. Ông khuất nơi góc đường và tôi đóng cửa lại. Một mình. Yên tĩnh. Chỉ có tôi và căn nhà. Cuộc đời vẫn tiếp tục bất kể chuyện gì đã xảy ra. Có vẻ như phòng trẻ con trên lầu đang lúc lắc làm rung tường và sàn. Thình thịch.

Thình thịch. Giống như tiếng vọng của con tim. Nó đang cố gắng xô ngã bức tường và đẩy máu tràn xuống cầu thang, đến hành lang, đến từng ngõ ngách.

Tôi đi ra khỏi cầu thang, thơ thẩn quanh các phòng. Mọi thứ dường như vẫn ở chỗ cũ. Tôi xem kỹ hơn. Cô Fran đã sắp xếp lại ngăn nắp cả. Tách trà tôi uống không còn nằm trên bàn cafe trong phòng khách. Vòi nước và chạn đựng bát đĩa sáng bóng. Xuyên qua nhà bếp là cánh cửa dẫn ra vườn sau. Những bụi hồng của mẹ trồng dọc theo chân tường. Cây phong lữ màu đỏ thắm lú nhú trên mặt đất.

Phòng trẻ con trên lầu vẫn còn đập mạnh.

Tôi chú ý đến ánh sáng đỏ của chiếc máy điện thoại trả lời tự động. Bốn tin nhắn. Tôi liếc danh sách số điện thoại và nhận ra là số của những người bạn.

Quay đi khỏi chiếc máy điện thoại, tôi biết mình không có khả năng nghe những lời chia buồn của họ lúc này. Rồi tôi đứng lại. Tôi quay trở lại. Xem danh sách một lần nữa.

Nó đây rồi. Tối thứ Hai, lúc 7 giờ 10 phút. Lần nữa lúc 7 giờ 12 phút. Cơ hội thứ hai để tôi nhấc ống nghe. Cuộc gọi này đã làm tôi bị té cầu thang, và làm mất đi cuộc sống của con tôi. Ai đó để lại lời nhắn. Với những ngón tay run run, tôi nhấn nút "play".

"Xin chào, đây là công ty cho thuê băng đĩa Xtra- vision ở Phisboro. Chúng tôi gọi để hỏi về đĩa DVD Ca khúc Giáng sinh. Theo sổ sách của chúng tôi thì bạn đã trễ một tuần. Xin bạn vui lòng gửi trả lại sớm!".

Tôi hít thật sâu vào. Nước mắt chảy ra. Tôi đã mong đợi điều gì? Một cuộc gọi có giá trị bằng sự mất mát một đứa bé? Có phải đó là điều quá gấp để tôi vội vàng như thế? Đó là điều xứng đáng để tôi mất đứa con?

Toàn thân tôi run lên. Tôi cảm thấy mình muốn nổi cơn thịnh nộ. Hơi thở của tôi cũng run run. Tôi đi qua phòng khách. Tôi nhìn thẳng vào đầu DVD.

Nằm trên đầu máy DVD là cái đĩa mà tôi thuê trong lúc chăm sóc đứa con gái đỡ đầu. Tôi chụp lấy cái đĩa DVD, nắm chặt nó trong tay tôi, siết chặt như thể tôi có thể bóp chết cuộc sống của nó. Tôi ném mạnh xuyên qua phòng. Nó đập mạnh vào khung ảnh để trên cây piano, làm vỡ tan lớp kiếng của bức hình cưới và trầy luôn lớp tráng bạc của tấm hình.

Tôi há hốc mồm và hét lên, hét bằng tất cả sức mình, hét với âm lượng cao nhất có thể. Và rồi tiếng hét trở nên sâu và trầm, chứa đầy nổi thống khổ. Tôi hét lên lần nữa, kéo dài cho đến khi hết hơi. Tiếng hét nối tiếp tiếng hét phát ra từ trong lòng, từ trong nơi sâu thẳm trái tim tôi. Tôi cứ để tiếng hét phát ra xen lẫn với tiếng cười não nề buột chặt lấy tâm trạng thất vọng. Tôi hét và tôi hét cho đến khi hết hơi, cháy cả cố họng.

Trên lầu, phòng dành cho trẻ sơ sinh vẫn tiếp tục rung động. Thình thịch, thình thịch. Nó ra hiệu cho tôi, rằng trái tim của ngôi nhà đang đập một cách man dại. Tôi đi đến cầu thang, bước lên tấm thảm chùi chân, bước lên từng nấc thang. Tôi chụp lấy lan can, cảm giác quá yếu để nhấc chân lên. Tiếng đập ngày càng to theo từng nấc thang, cho đến khi tôi lên được trên lầu, đối diện với cánh cửa ở phòng của con. Tiếng đập dừng lại. Tất cả mọi thứ đều đứng yên. Tôi lướt những ngón tay trên cánh cửa, áp má tôi vào nó, sẵn sàng chấp nhận bất cứ điều gì xảy ra. Rồi tôi nắm lấy tay nắm, và mở cửa.

Bức tường đã sơn được một nửa chào đón tôi. Màu hoa vàng nhạt. Mùi thơm ngòn ngọt. Cái giường cũi với vài con vịt nhỏ màu vàng đang đung đưa phía trên. Hộp đồ chơi được trang trí bằng những chữ cái to. Chấn song treo hai con búp bê.

Chú thỏ nhồi bông đang ngồi trong giường cũi. Nó cười ngơ ngẩn với tôi.

Tôi cởi giày ra và đi chân trần trên lớp thảm mềm, cố hết sức bám vào thế giới này. Đóng cửa lại. Không một tiếng động. Tôi nhặt con thỏ lên và mang nó đi xung quanh phòng trong khi tay tôi lướt qua những quần áo đồ chơi trẻ con và những đồ đạc sáng bóng trong phòng. Tôi mở hộp nhạc đồ chơi và nhìn vào con chuột nhỏ bên trong chạy vòng vòng theo miếng bơ, phát ra điệu nhạc ngân nga đầy mê hoặc.

"Mẹ xin lỗi, Sean!", tôi thì thầm như bị nghẹn ở cổ họng. "Mẹ xin lỗi rất, rất nhiều".

Tôi ngồi xuống sàn, bó gối lại, ôm con thỏ đang nở nụ cười hạnh phúc một cách vô thức. Tôi nhìn con chuột đồ chơi lần nữa. Nó đang chạy vòng vòng trong chuồng, đuổi theo miếng bơ mà nó sẽ chẳng bao giờ bắt được. Đóng sầm cái hộp lại, tiếng nhạc ngưng và tôi bị rơi vào khoảng không yên lặng.

"Em không tìm ra cái gì ăn được trong nhà cả. Mình đi ra ngoài mua cái gì đó đi!". Doris - cô em dâu của Justin - nói vọng ra phòng khách trong khi lục tìm các ngăn tủ bếp.

"Có thể anh biết người phụ nữ này ...", Al - cậu em trai của Justin - ngồi trên chiếc ghế nhựa trong căn phòng khách đã được trang bị đồ đạc phân nửa.

"Không, đó là điều anh đang cố gắng giải thích với mình. Cảm giác giống như anh biết cô ta, nhưng thực tế anh chưa từng biết cô ta".

"Anh nhận ra cô ta à?".

"Vâng, à ... không!".

"Và anh không biết tên cô ta?".

"Không, chắc chắn anh không biết tên cô ta!".

"Ô, có ai nghe em nói không? Hay em đang tự nói với mình thế này?", Doris xen vào lần nữa. "Em nói là chẳng còn gì ăn, vì thế chúng ta cần phải đi ra ngoài mua gì đó thôi!.

"Vâng, em yêu!", Ai đáp như cái máy. "Có lẽ cô ta là học trò của anh hay là người từng đến dự một buổi nói chuyện nào đó của anh. Anh có nhớ hết những người mà anh nói chuyện không?".

"Hàng trăm người đến cùng một lúc", Justin nhún vai, "và hầu như họ ngồi trong bóng tối".

"Vậy là không thể", Al gãi gãi cằm.

"Thôi quên cái vụ mua đồ ăn về đi", Doris kêu lên, "Anh chẳng có thớt hay dao gì cả. Mình đi ăn ở ngoài thôi!".

"Để anh làm rõ điều này, Al. Khi anh nói anh "nhận ra", ý anh là anh chưa từng biết gương mặt cô ta ...".

Al cau mày.

"Anh chỉ có cảm giác cô ta quen quen". Ừ, đúng vậy đó, cô ta quen quen.

"Có thể cô ấy giống một người nào đó mà anh biết". Có thể.

"Ô, có ai nghe em không?", Doris nói chen vào. Cô đứng ngay cửa phòng khách, những chiếc móng tay in hình con báo dài đến khoảng 2,5cm đặt trên cái quần da bó sát vào hông. Ba mươi lăm tuổi, người Mỹ gốc Ý, nói chuyện rất nhanh, Doris và Al kết hôn đã được mười năm. Justin xem cô là một đứa em dâu đáng yêu nhưng cũng hay gây phiền phức. Cô giữ dáng đến mức tưởng chừng chẳng có tí mỡ nào dính nổi vào xương.

"Vâng, em yêu!", Al nói một lần nữa nhưng mắt vẫn không rời khỏi Justin.

"Có thể đó là người mà mình đã- từng- nhìn- thấy". Justin búng ngón tay, "Hoặc đã- từng- xảy- ra, đã- từng- cảm- thấy". Anh gãi gãi cằm và chìm trong suy nghĩ, "hay đã- từng- trải- qua".

"Cái khỉ gì thế?", Al hỏi trong khi Doris đổ cái thùng carton chứa đầy sách ra.

"Đã- từng- nhìn- thấy mô tả cảm giác một người đã chứng kiến hoặc trải qua một tình huống dường như đã xảy ra trước đây. Đây là khái niệm của nhà tâm linh người Pháp Emile Boirac, ông mở rộng viết thành bài tiểu luận khi đang ở trường đại học Chicago". "Hay nhỉ!", Al nâng chiếc cốc cũ kỹ lên trong không khí.

Doris nhìn chồng với vẻ khó chịu. "Kệ ảnh ... Tiếp đi, anh Justin!".

"Đã- từng- nhìn- thấy thường đi kèm với cảm giác vừa thân quen vừa xa lạ.

Những trải nghiệm này thường được cho là giấc mơ mặc dù trong một vài trường hợp những trải nghiệm như vậy đã thật sự xảy ra trong quá khứ. Đã từng- nhìn- thấy được diễn ra như là ... nhớ về tương lai".

"Tuyệt quá!", Doris nói trong hơi thở gấp.

"Vậy ý anh là sao?", Al hỏi.

"Ồ, anh không nghĩ chuyện ngày hôm nay giữa anh và cô gái đó là đã từngnhìn- thấy", Justin cau mày thở dài.

"Tại sao không?".

"Bởi vì đã- từng- nhìn- thấy chỉ liên quan đến hình ảnh và anh cảm thấy ...

Hừm ... anh không biết", anh cảm thấy đã từng nhìn thấy diễn tả một trải nghiệm xa hơn là hình ảnh nhưng cần phải có kiến thức huyền bí để biết chuyện gì sẽ xảy ra kế tiếp. Đã- từng- cảm- thấy thuộc về lĩnh vực tinh thần và đã từng đến là cảm giác đến một nơi mới nhưng cảm thấy như đã từng tới nơi này rồi.

"Không", anh ta lắc đầu, "chắc chắn là anh không có cảm giác từng đến tiệm hớt tóc đó".

Mọi thứ lắng lại.

Al phá vỡ bầu không khí yên tĩnh:

"Chắc chắn là ... đã từng cái gì đó. Anh có chắc anh chưa từng ngủ với cô ta?".

"Al", Doris huých vào người anh chồng một cái. "Sao anh không để em cắt tóc cho anh, Justin? Và chúng ta đang nói chuyện về ai thế nhỉ?".

"Để anh giải thích điều này", Al xen vào, "Anh Justin gặp người phụ nữ hôm qua tại tiệm cắt tóc ở Dublin và anh bảo anh nhận ra cô ta nhưng không biết gương mặt cô ta và anh cảm thấy biết cô ta nhưng thật sự là anh không biết".

"Ôi trời ơi," Doris hét toáng, "Em biết đó là gì rồi".

"Là gì?". Justin nhíu mày.

"Chắc chắn ...", cô đưa hai tay lên và nhìn lần lượt từng người ra vẻ kịch tính, "Nó là chuyện của kiếp trước". Mặt cô sáng lên. "Anh đã biết cô gái ấy từ ...

kiếp trước. Em thấy trong kịch người ta như thế!".

"Vớ vẩn quá!", Al nhăn mặt.

"Anh không tin đó là chuyện kiếp trước, Doris, nhưng dẫu sao cũng cám ơn", bây giờ đến lượt Justin.

Doris tặc lưỡi:

"Hai anh cần cởi mở tiếp nhận những chuyện như thế vì các anh chưa biết mà".

"Biết chuyện vớ vẩn thế làm gì?", Al phản pháo.

"Ồ thôi đi, hai đứa em. Một người phụ nữ trông quen quen, thế thôi. Có thể cô ta giống một ai đó mà anh biết lúc ở nhà. Chẳng có chuyện gì lớn cả!". Quên nó đi.

"Ô hay, không phải anh khơi mào về chuyện đã từng sao?", Doris giận, "Vậy anh giải thích thế nào?".

Justin nhún vai:

"Đường mòn thị giác làm cản trở giả định".

Cả hai đều nhìn chằm chằm anh, không biết nói gì.

"Giả định cho rằng một con mắt có thể tiếp nhận hình ảnh nhanh hơn con mắt còn lại, tạo nên cảm giác hồi tưởng mạnh mẽ về cùng một cảnh tượng nhưng được tiếp nhận tích tắc sau đó bởi con mắt thứ hai. Nghĩa là con mắt thứ hai thấy y hệt như con mắt kia, nhưng sau một tích tắc. Điều đó tạo nên cảm giác quen quen nhưng thật sự không phải vậy".

Im lặng.

Justin tằng hắng giọng.

"Tin hay không tin em yêu? Giờ thì anh thích chuyện kiếp trước của em hơn", Al khịt mũi, uống hết ly bia.

"Cám ơn anh yêu", Doris đặt hai tay lên trái tim, "Dù sao, như em đã nói lúc còn trong nhà bếp, không còn thức ăn, không có dao, không bát đĩa. Vì thế tối nay chúng ta phải đi ăn ngoài thôi. Xem anh sống như thế nào đây này, Justin.

Em lo cho anh quá!", Doris quay nhìn xung quanh phòng và mái tóc nhuộm đỏ cũng bồng bềnh quay theo.

"Anh đến đây một mình. Anh chẳng có gì ngoài mấy vật dụng làm vườn và mấy cái thùng các- tông chưa mở nắp ở tầng hầm. Trông giống như khu cho sinh viên ở trọ. Rõ ràng là Jennifer cũng phải chịu đựng tình cảnh như vậy".

"Ngôi nhà này là kiệt tác thời Victoria đấy, Doris. Một khám phá đầy ý nghĩa. Nơi duy nhất anh có thể tìm được chút không khí cổ kính và đủ khả năng thuê. Thành phố này đắt đỏ phát khiếp!".

"Em chắc mấy viên đá này đã có cách đây hàng trăm năm. Nhìn chúng, em cứ có cảm giác sợ sợ như thể những người xây tòa nhà vẫn còn lẩn quẩn đâu đây trong các phòng. Em cảm thấy như có ai đó đang nhìn mình ...", Doris rùng mình.

"Đừng vớ vẩn thế!", Al liếc mắt.

"Nơi này ổn mà, chỉ cần cải tạo một chút thôi!". Justin nói, cố gắng quên đi căn nhà yêu quý xinh đẹp tại khu phố cổ Chicago giàu có và nhiều giá trị lịch sử. Anh đã bán mất nó cách đây không lâu.

"Thật nhé! Nếu thế thì em sẽ ở đây!", Doris vỗ tay vui mừng hồn nhiên như đứa trẻ.

Justin mỉm cười:

"Thôi đi ra ngoài ăn tối nào. Anh đang thèm một miếng bít tết".

"Em ăn chay mà, Joyce!".

Conor nhìn tôi như thể tôi có vấn đề về tâm thần. Ừ, có thể như vậy lắm chứ.

Đã lâu tôi không ăn thịt đỏ nhưng sao tự nhiên hôm nay tôi thèm một miếng bít tết tại nhà hàng này đến thế.

"Em không ăn chay, Conor. Em chỉ không thích thịt đỏ thôi!".

"Nhưng em mới vừa kêu món bít tết tái vừa!".

"Thì sao?", tôi nhún vai, "Em giống như con mèo hoang thích thịt tái mà!".

Conor cười như đang nhớ lại những xử sự kỳ quặc theo ý mình của tôi trong quá khứ. Chúng tôi giống hai người bạn gặp lại sau nhiều năm trời xa cách. Có rất nhiều chuyện để nói nhưng chẳng biết bắt đầu từ đâu.

"Anh chọn rượu chưa ạ?", người phục vụ hỏi Conor.

Tôi nhanh chóng vớ lấy cái thực đơn.

"Vui lòng lấy cho tôi cái này!", tôi chỉ vào thực đơn.

"Rượu Sancerre 1998. Rất ngon thưa bà!".

"Cám ơn!", tôi đáp như máy, chẳng biết tại sao mình chọn nó.

Conor cười nhẹ:

"Em có hay xử sự thế này khi không có anh không?".

Tôi cười nhẹ, không trả lời nhưng thấy gáy mình nóng lên. Tôi không biết tại sao tôi lại chọn thứ rượu ấy, nó quá đắt trong khi bình thường tôi chỉ uống vang trắng. Nhưng tôi làm ra vẻ bình thường bởi tôi không muốn Conor nghĩ rằng tôi có vấn đề tâm lý sau những cơn sốc nặng. Anh ấy đã nghĩ như vậy khi mới nhìn thấy mái tóc ngắn cũn cỡn của tôi. Anh ấy cần phải nghĩ là tôi hoàn toàn bình thường để mà tôi có thể nói những điều tôi sẽ nói tối nay.

Người phục vụ quay lại với chai rượu trên tay.

"Anh nếm thử xem có đúng thứ anh đã chọn không?", Al nói với Justin.

Đáp lại lời cậu em trai, Justin cầm lấy ly rượu, đưa lên mũi và hít một hơi thật sâu.

Tôi cũng hít một hơi thật sâu và lắc nhẹ ly khiến chất rượu sóng sánh bên trong. Giống như gợn sóng vậy, rượu cuộn lên rồi trượt xuống phía thành ly.

Tôi hớp một ngụm, giữ nó lại trên lưỡi, rồi nuốt vào để cho rượu đốt cháy cổ họng. Hoàn hảo.

"Tuyệt vời, cám ơn anh!", tôi đặt ly trở lại bàn.

Ly của Conor đã được rót đầy và ly của tôi cũng vậy.

"Rượu này ngon quá!", tôi bắt đầu câu chuyện.

"Anh biết loại rượu này khi Jennifer và anh đi Pháp cách đây nhiều năm rồi", Justin giải thích. "Cô ấy đến đó trình diễn cùng ban nhạc trong lễ hội Cathédrales de Picardie tại Versailles. Anh chị ở khách sạn Berry, một biệt thự thanh nhã với đồ nội thất từ thời 1634. Thực tế nó là một bảo tàng lịch sử của khu vực. Em có nhớ những điều anh đã kể hồi trước không? Ở Paris, một đêm Jennifer không biểu diễn, thế là bọn anh tìm ra được một nhà hàng nhỏ xinh, nằm ở một nơi kín đáo trên con đường rải sỏi của Montmartre. Anh chị gọi một món cá đặc biệt của nhà hàng. Nhưng em biết đấy, anh vốn ghiền vang đỏ.

Ngay cả ăn món cà anh cũng thích uống rượu đỏ, vì thế người phục vụ đề nghị Sancerre".

"Hai em biết không, điều thú vị nhất là em có thể uống sancerre đỏ ướp lạnh cũng giống như rượu vang trắng mười hai độ. Nhưng khi không ướp lạnh, Sancerre cũng rất ngon khi thưởng thức với thịt. Nâng cốc nào!", Justin nâng ly với hai vợ chồng người em trai và em dâu.

Conor nhìn tôi với gương mặt lạnh tanh. "Montmartre? Joyce, em chưa hề đến Paris mà. Sao mà em biết nhiều về rượu thế? Và Jennifer là ai vậy?".

Tôi dừng lại, thoát khỏi cơn mê và tự nhiên tôi không hiểu nổi tại sao tôi lại biết câu chuyện mà tôi vừa kể. Tôi chỉ có thể làm một việc trong lúc này là cười. Tôi bắt đầu cười "Em biết rồi ...!".

"Biết rồi?", Conor khó chịu.

"Đó là một bộ phim em đã xem vào buổi tối nào đấy ...".

"Ồ", gương mặt anh giãn ra, trông thoải mái hơn. "Joyce, em làm anh sợ.

Anh nghĩ một ai đó đã nhập vào em!". Và anh cười:

"Phim nước nào vậy?".

"Em không nhớ!". Tôi xua tay một cách thô bạo, lo lắng không hiểu chuyện gì đang xảy ra với mình và cố gắng nhớ lại xem mình đã xem bộ phim nào tương tự như thế chưa trong mấy tuần vừa qua.

"Em không thích cá thác lác nữa à?". Conor cắt ngang dòng suy nghĩ của tôi và nhìn xuống những miếng cá thác lác tôi đẩy ra một góc đĩa.

"Cho em mấy miếng cá thác lác anh không ăn nào!". Al nói, đưa cái đĩa của mình đến gần Justin. "Em thích món đó! Không hiểu sao anh ăn xà lách Caesar mà không có cá thác lác cho được". Và quay sang vợ, Al hỏi một cách hài hước:

"Anh ăn cá thác lác được chứ, Doris? Bác sĩ đâu có nói ăn cá thác lác sẽ bị chết, đúng không?".

"Anh cứ ăn thử đi rồi biết!", Doris nghiến răng.

"Ba mươi chín tuổi mà tôi bị đối xử như trẻ con!". Al lẩm bẩm một mình, nhìn đăm đăm vào những miếng chả cá thác lác chiên vàng ruộm.

"Ba mươi lăm tuổi và tôi chỉ có một đứa trẻ đó là chồng tôi", Doris cũng lẩm bẩm một mình, trả đũa. Nhưng cô cũng lấy một miếng cá từ đĩa và ăn thử. Cô phồng mũi và nhìn xung quanh nhà hàng. "Nhà hàng này mà là nhà hàng Ý à?

Mẹ em và các cô dì cậu mợ đã khuất bên ngoại sẽ đội mồ sống dậy nếu họ biết điều đó!". Cô lẩm bẩm một câu cầu nguyện. "Justin, nói tiếp vụ người phụ nữ mà anh gặp đi ...".

Justin cau mày:

"Doris, thật sự chuyện đó chẳng có gì lớn lao cả. Anh đã nói với em rằng anh chỉ nghĩ là anh biết cô ta thôi!".

Và có vẻ cô ta cũng nghĩ là cô ta biết anh.

"Không, không phải cô đó!". Al ngắt lời, miệng vẫn đầy những miếng cá thác lác. "Cô ấy nói về người phụ nữ mà anh hẹn hò kìa ...".

"Al!", Justin vội vã cắt ngang, thức ăn nghẹn ngay cổ họng.

"Joyce!", Conor nói với đầy vẻ quan tâm, "Em ổn chứ?".

Tôi chảy nước mắt, cố lấy hơi trong cơn ho sặc sụa.

"Đây, uống chút nước đi", anh đưa cái ly ra trước mặt tôi.

Mọi người xung quanh nhìn chúng tôi chằm chằm.

Tôi ho nhiều đến nỗi không lấy được hơi để uống nước. Conor đứng dậy, đi vòng qua phía tôi. Anh vỗ nhẹ lưng và tôi lẩy người ra, từ chối, vẫn còn trong cơn ho làm nước mắt chảy ròng ròng. Tôi đứng dậy trong hoảng loạn, làm ngã luôn cái ghế đang ngồi.

"Al, Al, anh làm cái gì đi. Trời ơi!". Doris hốt hoảng.

"Anh đang tím tái lại kìa!".

Al tháo khăn ăn trên cổ áo ra và bình tĩnh đặt nó trên bàn. Kế đó thì đứng dậy, đi vòng ra phía sau ông anh. Anh vòng tay ôm eo Justin và ép mạnh tay vào bao tử Justin.

Đến cái ép lần thứ hai, thức ăn mới vụt ra khỏi cổ họng Justin.

Khi người thứ ba lao vào giúp (thật ra là hoảng loạn bàn cách cấp cứu cho người bị ngạt), đột nhiên tôi ... hết ho. Ba gương mặt nhìn chằm chằm vào tôi với sự ngỡ ngàng trong khi tôi bối rối đưa tay vuốt lấy vuốt để cổ họng mình.

"Em ổn?", Conor hỏi, vỗ vỗ lưng tôi lần nữa.

"Vâng". Tôi thì thầm, ngượng nghịu với sự quan tâm của mọi người. "Tôi ổn rồi, cám ơn các bạn rất nhiều".

Họ từ từ quay lại chỗ ngồi.

"Xin tự nhiên về chỗ ngồi và thưởng thức buổi tối của các bạn. Thật sự là tôi đã khỏe. Cám ơn các bạn!". Tôi nhanh chóng ngồi xuống, vừa chùi mascara trên hai mi mắt vừa cố lơ đi những ánh nhìn. "Trời ơi, thật là ngượng chết đi được!".

"Thật kỳ lạ! Em chưa ăn gì cả. Em đang nói và ... Bùm một cái! Em bắt đầu ho sặc sụa!".

Tôi nhún vai, vẫn vuốt vuốt cổ họng. "Em không biết, cái gì đó mắc kẹt khi em hít vào!".

Người phục vụ đến bàn dọn đi mấy cái đĩa của chúng tôi. Anh chàng vẫn e dè:

"Bà khỏe rồi chứ, thưa bà?".

"Vâng, cám ơn, tôi ổn rồi!".

Có một cái huých nhẹ bằng khuỷu tay ở sau lưng tôi khi người khách gần đó đi ngang qua bàn:

"Một phút trước tôi còn tưởng cô đau đẻ, ha ha! Phải không Margaret?". Ông ta nhìn vợ cười.

"Không!". Người phụ nữ hàng xóm tên Margaret nói, nụ cười nhanh chóng tắt đi và gương mặt cô sậm lại. "Không, Pat!".

"Hả?", ông bối rối, "Tôi nghĩ vậy thật mà. Có gì xấu đâu. Chúc mừng, Conor! Ông nháy mắt với Conor. Ông ta quay về bàn và chúng tôi nghe tiếng xì xào cãi vã giữa hai vợ chồng. Conor nắm lấy bàn tay tôi:

"Em thật sự ổn rồi chứ?".

"Chuyện này đã xảy ra vài lần ...", tôi giải thích và theo bản năng tự dưng tôi đặt tay lên cái bụng trống rỗng của mình. "Hồi nãy ở nhà, em soi gương ... Trông em tệ quá!".

Conor nói cái gì đó đầy quan tâm. Tôi nghe từ "đẹp" và "xinh" nhưng tôi bắt anh phải im lặng. Tôi muốn anh lắng nghe chứ không phải cố gắng giải quyết vấn đề gì. Tôi muốn anh biết rằng tôi không cố gắng để xinh hay để đẹp, đơn giản bản thân tôi là vậy. Tôi muốn nói với anh cái cảm giác khi tôi cố ép mình nhìn vào gương và thấy thân thể mình như cái vỏ không ruột.

"Joyce". Anh nắm chặt tay tôi khi tôi nói, khiến chiếc nhẫn cưới của tôi bị ép chặt vào da đau điếng.

Tôi ngọ nguậy bàn tay mình một chút để anh biết đường mà nới lỏng cái siết tay thay vì bảo anh buông ra.

"Conor ...". Đó là tất cả những gì tôi nói. Tôi nhìn anh và hiểu rằng anh biết tôi sắp nói gì. Tôi đã từng thấy gương mặt của anh như vậy trước đây.

"Không, không, không, không, Joyce, không nói chuyện đó bây giờ!". Anh rút tay lại và giơ hai tay ra như tự vệ. "Em ... chúng ta đã trải qua đủ thứ chuyện trong tuần này rồi".

"Conor, đừng đánh trống lãng nữa!". Tôi nghiêng về phía trước với giọng khẩn nài. "Chúng ta phải đối diện với chính mình bây giờ hoặc là trong mười năm tới, mỗi ngày chúng ta đều phải tự hỏi về cuộc sống khốn khổ của mình.

Anh biết điều đó đã từng xảy ra mà!".

Suốt năm năm qua, mỗi năm chúng tôi đều nói tới vấn đề này. Tôi chờ những lời vặn vẹo như thường lệ từ Conor. Không ai nói hôn nhân là dễ dàng, chúng tôi cũng không mong đợi điều đó, chúng tôi hứa hẹn lần này qua đến lần khác. Nào là hôn nhân phải thế này thế kia ... Nào là anh quả quyết sẽ xem lại điều đó.

Tôi im lặng, tập trung nhìn ánh sáng lấp loáng phản chiếu ánh đèn lên cái muỗng bé tí dùng để ăn món tráng miệng của mình trong khi chờ những lời bình luận từ anh như thường lệ. Vài phút trôi qua. Chẳng có lời giải thích hay hứa hẹn, phân tích nào. Tôi nhìn lên, thấy anh giàn giụa nước mắt gật đầu theo kiểu đồng ý.

Tôi thở một hơi dài.

Mọi thứ là vậy.

Justin xem thực đơn tráng miệng.

"Anh không thể ăn thêm gì nữa, Al!". Doris giật cuốn thực đơn từ tay ông chồng và đóng lại.

"Sao không? Ngay cả đọc thôi mà em cũng không cho phép nữa à?".

"Đọc thôi cũng làm lượng cholesterol trong người anh tăng lên".

Justin không xen vào khi hai đứa em cãi nhau. Anh biết mình cũng không nên ăn gì thêm nữa. Từ khi ly dị, anh bắt đầu buông thả bản thân mình, ăn theo sở thích thay vì phải chừng mực điều độ và tập thể dục chuyên cần mỗi ngày.

Thật sự, anh biết mình không nên, nhưng mắt anh vẫn dõi theo từng món trên thực đơn giống như chim kền kền săn mồi.

"Ông dùng món tráng miệng không?", người phục vụ hỏi.

Tiếp đi nào.

"Vâng, cho tôi ...".

"Bánh nướng Banoffee", tôi buột miệng nói với người phục vụ. Rồi chính tôi cũng ngạc nhiên về điều ấy.

Conor há hốc mồm.

Trời đất! Tôi đó sao? Cuộc hôn nhân của tôi vừa mới chấm dứt và tôi đang kêu món tráng miệng. Tôi cắn môi mình, ngăn cản nụ cười hoảng sợ từ trong đổ vỡ.

Bắt đầu một cái mới.

Theo đuổi ... một điều gì đó mà tôi chưa biết.

Một tiếng nhạc chuông lớn chào đón tôi đến ngôi nhà đơn sơ của bố.

Không khó nhận ra đó là nhạc hiệu chương trình hài kịch trên tivi.

Bố là như vậy!

Tiếng chuông mang tôi về với thời thơ ấu, những tháng năm lớn lên dưới mái nhà và bên trong những bức tường này. Tôi nhớ cách mình nhận biết người viếng thăm qua cách họ bấm chuông trước cửa nhà. Những âm thanh ngắn, cà giật là bạn bè tôi. Những đứa trẻ hàng xóm nghịch ngợm thì còn quá thấp để với tới chuông, nên chúng nhảy lên để bấm, khiến tiếng chuông cứ rời rạc từng nốt.

Rồi âm thanh nhanh, nhẹ, ngắt quãng là bạn trai, đang khúm núm bên ngoài, rất sợ bị phát hiện sự hiện diện của mình, mặc dù bố tôi thì chẳng mấy quan tâm.

Đêm khuya, nhiều tiếng chuông liên tiếp là bố say khướt trở về nhà từ câu lạc bộ mà quên mang theo chìa khóa. Nhịp điệu hớn hở vui vẻ là người hàng xóm gọi đi lễ hội nào đó. Ngắn, lớn, liên tục như súng máy là những nhân viên bán hàng tận nhà. Tôi nhấn chuông một lần nữa, không phải vì đã 10 giờ sáng mà trong nhà vẫn yên ắng, tĩnh lặng. Đơn giản tôi chỉ muốn nghe lại, xem âm thanh tiếng chuông của mình tạo ra thì như thế nào.

Hối tiếc. Ngắn. Và đứt lịm như chẳng muốn cho ai nghe thấy. Nhưng thật sự nó đang cần người nghe. Tiếng chuông như muốn nói xin lỗi bố, xin lỗi đã làm phiền bố. Xin lỗi vì đứa con gái ba mươi ba tuổi mà từ lâu bố nghĩ đã thoát khỏi thì nay đã trở về sau một cuộc hôn nhân thất bại.

Cuối cùng, tôi nghe tiếng động bên trong và thấy bố khập khiễng đi về phía cửa, tạo nên cái bóng kỳ lạ, móp méo sau lớp cửa kính.

"Xin lỗi con!", ông mở cửa, "Bố không nghe con gọi ...". Ông nhìn tôi rồi bất thần nhìn xuống túi xách tôi để dưới chân.

"Cái gì vậy?".

"Bố ... bố cho con ở đây ít lâu ...".

"Hừm, con chẳng ở lại quá một giờ đâu ...".

"Ồ, con muốn ở lâu hơn vậy!".

"Đã lâu lắm rồi nhỉ!". Ông nhìn đâu đó ngoài khung cửa. "Vào đi, vào đi.

Conor đâu con? Có chuyện gì xảy ra ở nhà à? Có chuyện gì với mấy con chuột nuôi à? Mùa này phải chăm sóc chúng cho kỹ. Con phải nhớ đóng tất cả các cửa lại, cửa cái và cửa sổ. Bố cũng làm như vậy. Bố sẽ chỉ con cách chăm sóc khi con vào trong nhà. Conor cũng nên biết điều đó ...".

"Bố, con không đến đây đòi ở lại chỉ vì mấy con chuột ...".

"Mẹ con cũng thường làm vậy. Ghét mọi thứ. Bà ấy thường về nhà bà ngoại con ở vài ngày trong khi bố quanh quẩn ở đây giống như con mèo trong phim hoạt hình, cố đuổi bắt con chuột. Phim Tom và Jerry phải không con?". Ông nhắm nghiền mắt suy nghĩ, rồi mở mắt ra, nhưng kể cả khi mở, mắt ông cũng nheo nheo trông không lớn hơn khi nhắm là bao nhiêu. "Bố chưa bao giờ thấy sự khác biệt giữa bố và mẹ, nhưng có Chúa mới biết!". Ông vung tay lên, trong lúc nóng nảy, trong lúc đang suy nghĩ điều gì đó. Rồi ông bất ngờ dừng lại và xách cái túi xách của tôi lên, mang vào nhà.

"Bố?", tôi nói với giọng nản nản buồn buồn. "Con nghĩ bố hiểu khi con nói chuyện với bố trên điện thoại. Conor và con đã chia tay!".

"Chia cái gì?".

"Chúng con chia tay".

"Chia tay cái gì?".

"Chúng con chia tay nhau".

"Trời, con nói gì thế, Gracie?".

"Con là Joyce. Tên con là Joyce, không phải Gracie. Chúng con không còn ở với nhau nữa. Chúng con đường ai nấy đi!".

Ông đặt túi xách xuống cạnh bức tường có treo tấm hình lớn, nơi bất cứ người nào đi vào nhà cũng đều nhìn thấy. Trong hình là những diễn biến chính, những sự kiện trọng đại của gia đình. Bố, thời còn là một cậu thanh niên. Mẹ, thời còn là một cô thiếu nữ. Rồi hình bố và mẹ đến nhà thờ kết hôn. Rồi lễ rửa tội của tôi. Rồi tiệc cưới. Chụp hình, đóng khung, trưng bày. Thật là ngộ nghĩnh cái cách người ta đánh dấu cuộc đời. Nhũng sự kiện người ta chọn để đánh dấu thì rất ngắn, ngắn hơn bất cứ cái gì khác. Nhưng cuộc sống đã sinh ra chúng.

Trong tâm trí tôi, tất cả các sự kiện đều tuyệt đẹp. Tất cả như hiển hiện trong tôi và chỉ dành cho tôi mà thôi. Bố chẳng có vẻ bận tâm chút nào khi nghe tôi tiết lộ chuyện hôn nhân tan vỡ. Ông đi thẳng vào nhà bếp.

"Con uống trà nhé?".

Tôi đứng lại trong phòng khách, nhìn các tấm ảnh xung quanh và hít thở cái mùi của ngày xưa. Cái mùi tỏa ra hàng ngày từ sợi vải sau lưng áo bố. Lúc nào tôi cũng nghĩ rằng đó là mùi các món ăn mẹ nấu, bay khắp phòng, thấm vào từng sợi vải, thấm vào cả giấy dán tường, dù mẹ đã mất mười năm. Có lẽ đấy là cái mùi từ mẹ. Có lẽ mẹ hãy còn quanh quẩn đâu đây.

"Con làm gì mà như đang ngửi bức tường vậy?".

Tôi giật mình bối rối vì bị bắt gặp. Tôi đi xuống bếp. Nhà bếp cũng chẳng thay đổi kể từ khi tôi sống ở đây. Nó sạch sẽ tinh tươm như cái ngày mẹ ra đi, không có thứ gì bị thay đổi. Tôi nhìn bố di chuyển chậm rãi, làm động tác ngồi xuống để lấy ly tách trong tủ đựng ly. Phía dưới, và sau đó ông đứng dậy thong thả để lấy đồ vật ở ngăn tủ phía trên. Ấm đun nước sôi kêu lớn đến mức chúng tôi không thể nói chuyện với nhau, và tôi vui mừng vì điều đó. Một cái muỗng nằm trong chiếc cốc trên tay trái ông, đặt gần hông. Nó làm tôi nhớ lại hình ảnh ông thường đứng đó với điếu thuốc lá trên tay bị ố vàng vì chất nicotine. Ông nhìn vào khu vườn yên tĩnh trong lành và nghiến răng. Ông giận, và tôi cảm thấy như mình trở lại là một đứa trẻ lần nữa.

"Bố nghĩ gì vậy bố?". Tôi hỏi ngay khi ấm đun nước hết kêu.

"Cái vườn", ông trả lời, quai hàm của ông bành ra, cắn chặt lại một lần nữa.

"Cái vườn?".

"Con mèo chết tiệt bên hàng xóm cứ hay qua phá mấy bụi hoa hồng của mẹ con", ông lắc đầu giận dữ.

"Thật sự bố đang nghĩ về điều đó à?", tôi hỏi một cách ngờ vực.

"Ồ không phải, con yêu ...", ông thú nhận và lấy lại bình tĩnh. "Bố đang nghĩ tới cây thủy tiên hoa vàng. Chẳng còn bao lâu nữa là tới mùa cây cối tươi tốt xum xuê đón xuân về. Và vài bụi nghệ tây ... Bố sẽ trồng thêm vài bụi hành đằng kia nữa ...".

Cuộc hôn nhân tan vỡ của tôi không phải là mối quan tâm hàng đầu của bố.

Cũng chẳng phải ưu tiên thứ hai. Nó xếp sau cả mấy bụi nghệ tây kia đấy.

"Và hoa giọt tuyết nữa ...", ông thêm vào.

Rất hiếm khi tôi ra vườn vào buổi sáng sớm. Thường, tôi phải đi giới thiệu các sản phẩm bất động sản cho khách hàng vòng vòng trong thành phố. Ở đây quá yên tĩnh đối với những người đi làm. Tôi ngạc nhiên tự hỏi bố làm gì trong sự yên tĩnh như thế.

"Bố đang làm gì trước khi con đến?".

"Ý con muốn hỏi bố đang làm gì cách đây ba mươi ba năm trước khi con sinh ra, hay hôm nay?".

"Hôm nay ạ". Tôi cố gắng không cười bởi vì tôi biết ông đang hỏi nghiêm túc.

"Bố giải câu đố". Ông gật đầu chỉ trên bàn ăn, nơi có tờ giấy đầy các ô chữ và số. Phân nửa đã được hoàn thành. Bố bị kẹt ở con số sáu. Đây này ...". Ông mang tách trà đến bàn, cố giữ để không làm trà sóng sánh rơi ra giọt nào dù những bước chân của ông cứ khập khà khập khiễng. Bất chấp sự khập khiễng.

Luôn luôn vững vàng.

"Con nghe hình như có mùi gì?".

Ông ngồi thẳng lên, hít hít không khí như đang săn mùi.

"À, mùi bánh mì nướng. Bố nướng hơi sớm. Nướng lửa cao nên cháy. Hai lát cuối cùng ...".

Tôi lắc đầu. "Bố, hình của mẹ bố để ở đâu trong phòng khách?".

"Con hỏi hình nào? Mẹ có ba mươi tấm hình".

"Bố đếm à?", tôi nhe răng cười.

"Bố ghim nó lên đấy mà. Tổng cộng bốn mươi bốn tấm hình, cần bốn mươi bốn cây ghim. Bố đi ra cửa hàng mua một hộp ghim. Một hộp ghim chỉ có bốn mươi ghim. Báo hại, bố phải đi mua một hộp nữa mà chỉ cần thêm có bốn cây ghim thôi!".

Ông đưa bốn ngón tay lên và lắc đầu. "Vẫn còn ba mươi sáu cây ghim trong hộp. Ôi cuộc đời ...".

Bố đấy. Chẳng bao giờ quan tâm đến khủng bố hay sự ấm lên toàn cầu.

Chuyện quan trọng hơn cả những bằng chứng về sự suy thoái của thế giới, trong mắt ông, là ba mươi sáu cây ghim còn lại trong cái hộp.

"Nó ở đâu?".

"Nó ở ngay chỗ của nó", ông nói một cách không thuyết phục.

Cả hai chúng tôi nhìn về phía cửa nhà bếp đã đóng, hướng sang cái bàn ở phòng khách. Tôi đứng dậy và định đi kiểm tra. Đây là thứ bạn hay làm, tẩn mẩn kiểm tra khi có quá nhiều thời gian rỗi.

"Thôi ...", ông nắm tay tôi giật lại, "Ngồi xuống đây! Để bố đi lấy cho?".

Ông đóng cửa bếp lại sau khi bước ra, làm tôi chẳng thấy được cái gì ngoài phòng khách. "Mẹ con đây này!". Ông gọi tôi:

"Chào bà, Gracie. Con gái bà đang lo lắng cho bà đây. Mặc dù, con không thấy bà nhưng chắc chắn bà vẫn ở đó chứ, bà vẫn nhìn thấy nó ngửi ngửi bức tường, suy nghĩ về những mảnh giấy đang cháy trong lò sưởi chứ? Chắc con nó đang bực bội, bỏ chồng và bỏ công việc".

Tôi chưa bao giờ nói với ông về việc tôi bỏ việc! Điều đó có nghĩa là Conor đã nói với ông, nghĩa là ông biết một cách chắc chắn lý do tại sao tôi đến đây ngay từ khi ông nghe chuông cửa reo. Tôi phục ông, ông giã vờ ngây ngô rất tài.

Ông quay vào bếp và tôi nhìn lướt qua tấm hình trên bàn phòng khách.

"A!", ông nhìn đồng hồ đeo tay đang kêu tít tít. "Mười giờ hai mươi lăm! Đi vào trong này nhanh lên!". Ông đi nhanh hơn bất cứ lúc nào tôi nhìn thấy, chộp lấy cuốn chương trình truyền hình hàng tuần và tách trà rồi vào phòng có để tivi.

"Chúng ta xem gì hả bố?". Tôi đi theo ông vào phòng khách, nhìn ông mà thấy vui vui.

"Vụ án mạng, con biết nó chứ?".

"Con chưa xem bao giờ!".

"Ô, chờ chút con xem, Gracie. Phim đó nói về Jessica Fletcher đuổi bắt những kẻ giết người. Kênh kế tiếp, chúng ta xem Khám Phá Vụ Án Mạng, một vũ công phá án!". Ông lấy cây viết khoanh tròn trên trang chương trình tivi.

Tôi bị cuốn vào sự hứng khởi, sôi động của bố. Ông hát theo nhạc, làm tiếng kèn trompet bằng miệng.

"Đến đây, nằm trên cái ghế dài này và bố sẽ đắp cái này cho con ...". Ông nhặt tấm chăn sọc vuông đang phủ lên chiếc ghế dài nhung màu xanh lá và đắp lên người tôi, kéo nó sát vào người làm tôi không cử động được cánh tay. Đó là tấm chăn tôi hay cuộn tròn hồi còn bé. Đó là tấm chăn tôi hay đắp khi đi học nhớ nhà. Giờ thì tôi đắp nó xem tivi trên cái ghế dài này. Tôi nhìn bố với vẻ trìu mến, nhớ đến sự âu yếm ân cần ông dành cho tôi khi tôi còn trẻ, cảm giác như mình đã trở về sống với quá khứ một lần nữa. Cho đến khi ông đến ngồi phía cuối băng ghế với tôi.

"Con nghĩ sao, Gracie? Liệu Betty có trở thành triệu phú sau chương trình này không?".

Tôi đã xem chương trình nửa giờ buổi sáng này suốt mấy ngày hôm nay và bây giờ chúng tôi chuyển tiết mục sang chương trình Bán đồ cổ ngoài đường phố.

Betty, bảy mươi tuổi, đến từ Warwickshire đang chờ người mua đồ cổ định giá cái ấm pha trà cũ bà mang theo.

Tôi nhìn người mua hàng cầm cái ấm pha trà một cách điệu nghệ, có một cảm giác thân thuộc, quen quen. "Xin lỗi, Betty ...", tôi nói với chiếc tivi, "Đây là hàng nhái. Người Pháp sử dụng dạng ấm này vào thế kỷ mười tám. Nhưng cái ấm pha trà của Betty được làm hồi đầu thế kỷ hai mươi. Bố có thể phân biệt bằng hình dáng tay cầm. Làm rất vụng!".

"Thật hả con?", bố nhìn tôi đầy thích thú.

Chúng tôi chăm chú theo dõi màn hình và lắng nghe người mua hàng lặp lại nhận xét của tôi. Tội nghiệp Betty, bà giả vờ nói nó là món quà quý từ người bà của bà.

"Nói dối", bố la lên. "Làm sao con biết về cái ấm pha trà và của người Pháp, Gracie? Chắc con đọc ở đâu đó hả?".

"Có lẽ vậy bố ạ!". Tôi chẳng biết nữa. Tôi thấy nhức đầu khi nghĩ về những kiến thức chẳng hiểu ở đâu mình có.

Bố lại nhìn tôi:

"Sao con không gọi cho bạn bè nói chuyện chơi?".

Tôi không muốn nhưng tôi biết mình cần làm như vậy. "Có lẽ con nên gọi cho Kate!".

"Cô gái cao lớn hả? Cô đã hạ nốc- ao con bằng rượu uýt- ki năm con mười sáu tuổi đó hả?".

"Kate đó bố!", tôi cười. Ông chưa bao giờ tha thứ cho cô bạn của tôi vì điều đó.

"Cô ta giờ sao nhỉ? Con gái uống rượu thật nhếch nhác. Cô ấy có làm nên trò trống gì không?".

"Không, chẳng có gì cả. Cô ấy vừa mới bán một cửa hàng to đùng ở thành phố được hai triệu đô. Giờ thì ở nhà trông con". Tôi cố nhịn cười trước gương mặt kinh ngạc của ông.

Đôi tai ông vểnh lên. "Ồ, vậy hãy gọi cho cô ta nói chuyện chơi. Con gái, phụ nữ thích làm như vậy. Tốt cho tinh thần, mẹ con thường hay nói vậy. Mẹ con thích nói chuyện lắm, lúc nào cũng tán dóc với một ai đó về một đề tài nào đó".

"Không biết từ đâu mẹ có tính đó". Tôi thì thầm khe khẽ một mình nhưng như có phép màu, đôi tai trông giống như miếng đệm cao su của bố tôi lại đung đưa.

"Tính của mẹ là do cung sao số mệnh của bà, cung Kim Ngưu. Người thuộc cung Kim Ngưu thường nói nhiều".

"Bố!".

"Cái gì? Con hỏi bố có ghét điều đó không à? Không. Hoàn toàn không. Bố yêu mẹ con bằng tất cả trái tim mình. Phụ nữ thì phải nói nhiều, vậy thôi. Nói chẳng bao giờ biết đủ cả. Bố phải nghe mẹ con nói lên cảm nghĩ của mình về điều đó. Hơn mười lần!".

"Bố đâu có tin vào cung sao!", tôi thúc khuỷu tay trêu chọc ông.

"Bố tin. Bố thuộc cung Thiên Bình. Cái cân!". Ông lúc lắc bên này bên kia.

"Rất công tâm".

Tôi cười và ra khỏi giường điện thoại cho Kate. Tôi đi vào phòng, mọi thứ đều không thay đổi kể từ ngày tôi đi. Bố không bao giờ di chuyển những đồ cá nhân tôi còn để lại. Các miếng dán ghi chú thuốc chữa bệnh vẫn còn nằm trên cửa và một phần giấy dán tường bị tôi xé để làm áp phích. Bố đã phạt tôi cắt cỏ phía sau vườn vì phá hỏng bức tường. Nhưng khi cắt cỏ tôi đã cắt luôn mấy bụi cây ông trồng. Ông không thèm nói chuyện với tôi suốt ngày hôm đó. Những bụi cây này ông trồng cách đấy một năm và bắt đầu ra hoa. Tôi không thể hiểu sự thất vọng của ông vào thời điểm ấy. Nhưng sau nhiều năm cật lực vun trồng cho cuộc hôn nhân của mình, mà cuối cùng thì nó vẫn héo khô và chết đi, bây giờ tôi mới thấm thía nỗi buồn bực của ông. Song tôi dám chắc rằng ông không có được sự khuây khỏa như tôi bây giờ khi nghĩ về cái cây của mình.

Phòng ngủ của tôi chỉ vừa đủ cho cái giường và tủ quần áo nhưng đó là cả một thế giới tuyệt diệu. Đó là khoảng không duy nhất tôi có thể suy nghĩ, mơ mộng, khóc, cười và chờ đợi cho đến khi tôi lớn để làm được tất cả mọi chuyện mà tôi không được phép làm lúc bé. Đó cũng là không gian duy nhất của tôi trên thế giới này khi tôi đã ba mươi ba tuổi. Không gian duy nhất của tôi bây giờ là đây. Ai biết được tôi có thể tìm lại chính mình không, khi chẳng còn những thứ mình hằng khao khát?

Không là thành viên của hội độc thân nhưng không có con, không có chồng.

Giấy dán tường là cây cỏ hoang dại, không hợp tí nào cho nơi chốn thư giãn.

Hàng triệu những bông hoa màu nâu nhỏ xíu kết thành chùm trên những nhánh cây màu xanh đang héo tàn. Bởi vậy không trách tôi che lại bằng mấy tấm áp phích. Tấm thảm màu nâu có đôi chỗ bị bạc màu vì các vết nước hoa và mỹ phẩm. Một món đồ vật mới trong phòng là túi xách da màu nâu đã bạc để trên đầu tủ quần áo, cũng với bụi bặm phủ dày từ ngày mẹ qua đời. Bố chẳng bao giờ đi đâu nữa. Từ khi không còn mẹ tôi, bố đã quyết định bôn ba như thế là đủ rồi.

Ngoài ra, chiếc chăn lông là món đồ vật còn mới nhất trong phòng. Mới, bởi vì lúc tôi hơn mười tuổi, mẹ mua nó để dành những lúc phòng của tôi trở thành phòng dành cho khách. Tôi ra khỏi nhà sống với Kate một năm trước khi mẹ mất. Nhớ lại lúc đó, tôi cứ mong ước mỗi ngày thức dậy đừng nghe mẹ ngáp, vừa ngáp vừa hát, tự nói với chính mình như là viết nhật ký bằng lời, trên nền nhạc của chương trình radio Gay Byrne. Bà thích Gay Byrne, ước muốn duy nhất trong đời bà là gặp ông ta. Cơ hội bà gần nhất với giấc mơ của mình là khi bà và bố có cặp vé xem chương trình. The Late Late và bà nói về điều đó nhiều năm sau. Tôi nghĩ bà ngưỡng mộ Gay Byrne. Tôi cũng nghĩ bố biết điều đó. Bố ghét ca sĩ này.

Nhưng bây giờ ông nghe nhạc của Gay Byrne bất cứ khi nào có cơ hội. Tôi nghĩ ông nhớ thời gian quý giá bên mẹ. Vì thế khi ông nghe Gay Byrne, ông như đang nghe mẹ vậy. Khi bà mất, ông luôn sống với tất cả những đồ vật mà lúc sống mẹ rất yêu thích. Ông bật radio nghe Gay mỗi sáng, xem những chương trình mẹ thích, mua bánh quy bà thích ăn mỗi khi ông đi mua sắm hàng tuần, mặc dù ông chưa bao giờ ăn bánh quy.

Ông thích nhìn nó trong ngăn tủ mỗi khi ông mở tủ đựng thức ăn, thích tạp chí của bà bên cạnh báo của ông. Ông thích đôi dép của bà để bên cạnh ghế bành cạnh lò sưởi. Ông muốn nhắc nhở rằng thế giới của ông như chưa hề có cuộc chia ly. Chúng ta luôn cần một đồ vật nào đó để gắn bó chúng ta với nhau.

Với tuổi sáu mươi lăm, ông hãy còn quá trẻ để mất đi người vợ. Với tuổi hai mươi ba, tôi cũng quá trẻ để mất đi người mẹ. Với tuổi năm mươi lăm, bà cũng quá trẻ để mất đi cuộc sống của mình, nhưng căn bệnh ung thư, bất ngờ ập đến, đã cướp đi cuộc sống của bà và của tất cả chúng tôi. Ngày trước, bố lập gia đình trễ cho nên đến khi ông bốn mươi hai tuổi mới có tôi. Tôi nghĩ có một ai đó từng làm tan vỡ trái tim bố trước đó nhưng ông không bao giờ nói về điều này và tôi cũng không bao giờ hỏi. Những điều ông hay nói trong khoảng thời gian đó là thời gian ông chờ đợi mẹ lâu hơn thời gian ông thật sự sống với bà. Nhưng từng phút được chờ đợi và cuối cùng được nhớ bà đã là có giá trị lắm rồi.

Mẹ chưa bao giờ gặp Conor. Tôi không biết là bà có thích anh ấy không nhưng bà luôn lịch sự khi nói về anh. Mẹ thích tất cả týp người trên đời này, nhưng đặc biệt thích những người có tâm hồn cao thượng và sức sống tràn đầy.

Conor thì vui vẻ dễ thương, lúc nào cũng vui vẻ dễ thương. Chưa bao giờ bị kích động quá mức. Chưa bao giờ. Rất vui vẻ dễ thương. Cưới một người đàn ông dễ thương, bạn sẽ có một cuộc hôn nhân dễ thương, nhưng không có cái gì khác hơn. Dễ thương thì tốt khi nó ở giữa những thứ khác. Nhưng chẳng bao giờ tốt khi nó đứng một mình.

Bố luôn nói với mọi người mọi lúc mọi nơi mà không để ý đến cảm giác của người ta. Có một lần, ông lỡ lời gọi Conor là "týp đàn ông chuyên mặc quần soóc tennis".

Ông trách tennis nhưng thật ra ông không thích cái quần soóc trắng mà Conor mặc. Tôi biết ông nói như vậy để chọc cho tôi vui, và đôi khi tôi vui thật, và đôi khi chẳng vui gì cả. Nhưng đó rõ ràng là câu đùa không ác ý bởi vì tất cả chúng ta đều biết vấn đề không phải là ở cái quần soóc tennis hay ở người đàn ông mặc nó.

Tôi ngồi trên cái chăn mà mẹ mua, chẳng muốn gấp lại. Một bộ gối đôi và chăn lông, một cây nến trên bậu cửa sổ, chưa bao giờ được đốt lên nhưng đã mất mùi thơm. Một lớp bụi phủ phía trên, điều đó chứng tỏ bố không hoàn thành nhiệm vụ của mình. Ông già bảy mươi lăm tuổi chẳng lau dọn bụi ở bất cứ đâu trừ cái kệ ký ức của mình.

Tôi bật máy điện thoại lên. Tôi đã tắt nó mấy ngày rồi. Nó bắt đầu kêu bíp ...

bíp ... khi nhận hàng tá tin nhắn. Trước đó tôi đã gọi cho một số người thân thích. Như là việc gỡ một miếng băng cá nhân trên vết thương vậy; đừng nghĩ về nó, hành động nhanh chóng thì sẽ chẳng bị đau. Mở sổ danh bạ điện thoại, bấm bấm bấm ... Mỗi cuộc ba phút. Các cuộc gọi nhanh chóng, bực dọc, cáu kỉnh như được thực hiện bởi một người đàn bà lạ, bất thần hiện diện trong tôi.

Một người đàn bà không thể tin được, tích cực, tràn đầy sức sống nhiều cảm xúc và thông minh trong tất cả mọi tình huống. Người đàn bà ấy cũng có một chút tính hài hước làm cho một số người thích và một số cảm thấy như bị sỉ nhục. Nhưng rõ là người đàn bà ấy chẳng quan tâm bởi vì đây là không gian của bà, thời khắc của bà và bà có thể khóc nếu bà muốn. Dĩ nhiên là tôi đã "gặp".

người phụ nữ này trong tôi trước đó. Bà đã chiếm lấy tôi những khi tôi đau buồn, tham dự vào công việc của tôi, và giành lấy phần khó khăn. Chắc chắn, bà ta sẽ quay lại trong tôi.

Sẽ còn mất nhiều thời gian nữa trước khi tôi có thể nói bằng chính giọng của mình, chứ không phải của một người đàn bà nào đó trong tôi như bây giờ.

Kate bắt máy ngay tiếng chuông thứ tư.

"Xin chào". Cô hét lên và tôi giật mình. Có tiếng ồn ào như thế là đang nổ ra chiến tranh ở đầu dây bên kia.

"Joyce!". Cô reo lên và tôi nhận ra mình đang mở loa ngoài điện thoại. "Tớ đang nói chuyện với cậu đây ... Tớ đang nói, chuyện với cậu. DEREK, NGỒI XUỐNG. MẸ KHÔNG THÍCH NHÉ! Xin lỗi, mình mới đón con ở trường về.

Mình đón con về nhà, ăn qua loa chút rồi mình đưa Eric đi học đánh bóng rổ.

Jayda đi bơi. Muốn gặp mình lúc bảy giờ ở đó không? Jayda sẽ thi bơi môn mười mét hôm nay". Jayda gào lên về việc ghét môn bơi mười mét.

Kate lại nói gì đó. Rồi có tiếng Jayda hét lớn hơn và tôi phải đưa điện thoại ra xa tai. "JAYDA! CHO MẸ NGHỈ CHÚT NÀO. DEREK, MANG DÂY AN TOÀN VÀO. Mẹ mà thắng gấp là con BAY qua kiếng chắn gió và bể mặt. Giữ máy, Joyce!".

Một sự yên lặng trong khi tôi chờ.

"Gracie!". Bố kêu lên.

Tôi hoảng hốt chạy đến đầu cầu thang. Chưa bao giờ tôi nghe ông la lớn như thế từ hối còn bé.

"Vâng, bố! Bố ổn không?".

"Bố có bảy chữ", ông la lên.

"Bố có cái gì?".

"Bảy chữ!".

"Nghĩa là sao?".

"Trong trò chơi đếm ngược!".

Tôi thôi hoảng hốt, ngồi phịch trên đầu cầu thang với tâm trạng thất vọng.

Bất ngờ lại nghe giọng của Kate. Giọng nói giờ đã có được sự bình tĩnh trở lại.

"Ok, cậu tắt loa ngoài đi. Tớ giữ điện thoại từ hồi nãy đến giờ, đừng nói về mấy việc đưa rước con cậu nhé. Khỉ gió. Tớ chẳng thích nghe tí nào!".

Tôi buột miệng rồi tự nhủ thầm, bố sẽ nói với mẹ là con ăn nói cục cằn.

"Khỉ gió, khỉ gió, khỉ gió", tôi nghe tiếng lũ trẻ bắt chước nhại giọng ở đầu dây bên kia.

"Chúa ơi, Joyce, tớ phải đi đây. Gặp cậu ở trung tâm giải trí lúc bảy giờ?

Mình chỉ rảnh lúc đó. Hoặc là ngày mai. Tennis lúc ba giờ hay phòng tập thể dục lúc sáu giờ? Mình sẽ xem xem Frankie có thể đi cùng được không".

Frankie. Tên thánh Francesca, đứa bạn của tôi.

Bố đã sai về Kate. Kate có thể là nguồn gốc của vụ uýt- ki nhưng chính Frankie là người ép tôi mở miệng ra và đổ uýt- ki vào cổ họng tôi. Vì việc này chưa từng được kể, nên ông nghĩ Frankie là thánh thiện, quá thánh thiện so với sự quậy phá của Kate.

"Tớ sẽ đến phòng tập thể dục ngày mai". Tôi cười trong khi những đứa trẻ hét lớn hơn. Kate cúp điện thoại. Và tôi chìm vào một khoảng không yên lặng.

"GRACIE!". Bố gọi lần nữa.

"Con là Joyce mà, bố!".

"Bố có câu hỏi khó quá".

Tôi đi trở vào phòng ngủ và lấy chiếc gối phủ lên mặt.

Mấy phút sau bố đến cửa phòng, làm tôi hết hồn.

"Bố là người duy nhất có được câu hỏi đó. Người dự thi chẳng có manh mối nào. Simon đã thắng và vào tiếp vòng sau vào ngày mai. Ông ấy là người thắng ba ngày nay và bố thấy chán khi nhìn mặt ông ta quá. Ông ta có gương mặt buồn cười lắm. Nếu con gặp chắc chắn con sẽ cười ngay. Đừng có nghĩ là Carol thích ông ta. Con muốn uống gì không? Bố sẽ đi pha tách trà khác đây!".

"Không ạ, cám ơn bố!". Tôi lấy cái gối úp chặt lên đầu mình hòng ngăn bớt âm thanh. Ông nói nhiều quá.

"Ồ, bố sẽ ăn cái này. Bố phải ăn để uống thuốc. Đáng lẽ phải uống hồi bữa ăn trưa nhưng bố quên ...".

"Bố đã uống thuốc hồi trưa rồi mà, bố nhớ không?".

"Đó là thuốc đau tim. Đây là thuốc cho trí nhớ. Thuốc nhớ ngắn hạn!".

Tôi lấy gối ra khỏi mặt để xem ông nói nghiêm túc không.

"Và bố quên uống viên này à?".

Ông gật đầu.

"Ô, bố!". Tôi cười trong khi ông nhìn tôi. "Bố là thuốc của con. Bố cần thuốc mạnh hơn nữa. Những viên thuốc này chẳng có tác dụng, phải không ạ?".

Ông quay lưng đi xuống tiền sảnh, lầm bầm:

"Nó có tác dụng chứ nếu bố nhớ uống".

"Bố". Tôi gợi ông và ông đứng lại ở cầu thang.

"Cám ơn vì bố chẳng hỏi gì về Conor".

"Bố chẳng cần ... Bố biết các con sẽ quay lại với nhau nhanh thôi mà".

"Không, chúng con chẳng quay lại!". Tôi nói một cách dịu dàng.

Ông đi đến gần phòng của tôi. "Nó có hẹn hò với ai khác không?".

"Không, anh ấy không. Và con cũng không. Chúng con không còn yêu nhau nữa. Không còn ... đã lâu lắm rồi".

"Nhưng con quyết định cưới mà, Joyce. Chẳng phải chính bố đưa con đến nhà thờ sao?".

"Điều đó có ý nghĩa gì không?".

"Hai con đã hứa với nhau trong nhà thờ trước mặt Chúa. Chính bố đã nghe bằng tai mình. Chuyện gì đã xảy ra với bọn trẻ bây giờ, lúc nào cũng tan vỡ, rồi cưới lại? Chuyện gì sẽ xảy ra nếu giữ lời hứa?".

Tôi thở dài. Làm sao mà tôi có thể trả lời được.

Ông bước đi.

"Bố!".

Ông dừng nhưng không quay lại.

"Con không nghĩ bố đang nghĩ về một sự thay thế. Liệu con có nên giữ lời hứa của mình sống hết cuộc đời còn lại với Conor, nhưng không yêu anh ta và cũng không hạnh phúc?".

"Nếu con nghĩ mẹ của con và bố đã có một cuộc hôn nhân hoàn hảo, thì con lầm to rồi. Chẳng có ai lúc nào cũng hạnh phúc đâu, con yêu!".

"Con hiểu điều đó, nhưng chuyện gì xảy ra nếu bố không bao giờ hạnh phúc.

Không bao giờ!".

Ông suy nghĩ như mới nghe điều đó lần đầu. Tôi nín thở cho đến khi ông nói:

"Bố đi lấy tách trà mới đây!".

Đến cầu thang, ông hét vọng lại đầy vẻ chống đối:

"Một tách trà sôcôla".
Bình Luận (0)
Comment