Cảm Ơn Ký Ức

Chương 6

Hai tai tôi bắt được ngay những tiếng rì rào khi vừa đến sân tập thể dục buổi tối hôm ấy. Tôi nhận ra Kate và Frankie túm tụm vào nhau trên sân tập, hình như đang bàn chuyện gì đó căng thẳng.

Mặt Kate trông cứ như Frankie vừa mới báo tin là bố cô mới qua đời vậy.

Nét mặt đó tôi rất quen thuộc, vì nó cũng chính là nét mặt của tôi nhìn Kate cách đây năm năm khi cô ta cắt ngắn những ngày nghỉ của mình để vội vã về bên chồng. Bây giờ thì Kate đang nói. Và gương mặt của Frankie trông như mới vừa nghe tin con chó của cô ta bị xe cán phải. Gương mặt ấy tôi cũng quen thuộc vì chính tôi là người từng báo tin con chó bị gãy ba chân.

Rồi Kate bối rối như bị bắt gặp đang nói lén chuyện gì khi cô thoáng nhìn qua hướng tôi. Frankie cũng ngưng lại mọi biểu hiện cảm xúc. Có vẻ như bất ngờ, rồi cảm thấy có lỗi, và một nụ cười. Điều đó làm tôi nghĩ dường như họ đang bàn về chuyện thời tiết, hơn là những chuyện đã xảy ra trong cuộc sống của tôi. Mọi thứ thật dễ thay đổi.

Tôi vẫn chờ đợi đấng thiêng liêng chia sẻ những sự cố của tôi. Hẳn ngài sẽ cho tôi một ít thư thái trong tâm hồn bằng những lời khuyên sâu sắc như thường lệ; giải thích rằng những mất mát hiện tại như là một phần của cuộc hành trình, chứ không phải là nơi kết thúc tất cả mọi việc. Hãy xem đó như là cơ hội vô giá để có thêm sức mạnh và kinh nghiệm, để rồi biến một bi kịch khủng khiếp thành một động lực tích cực to lớn. Nhưng dường như lúc này, đấng thiêng liêng chưa muốn đến vì biết rằng việc thuyết phục tôi tin điều đó chẳng phải là công việc dễ dàng. Và hơn nữa, ngài hiểu rằng hai người bạn đang ôm chặt tôi có thể hiểu được những lời ngài muốn nói cũng như hiểu thấu lòng tôi.

Những cái ôm của hai người bạn hôm nay lâu hơn và chặt hơn. Kèm theo đó là những cái vỗ về nhè nhẹ sau lưng. Cả hai hành động đó khiến tôi cảm thấy được an ủi một cách bất ngờ. Vẻ thương xót trên gương mặt của hai đứa bạn như đánh trúng vào sự mất mát to lớn của tôi. Tôi thấy buồn nôn và xây xẩm đầu óc. Tôi nhận ra rằng sự giam mình trong nhà của bố chẳng phải là cách chữa lành vết thương lòng tốt nhất. Cứ mỗi khi tôi rời khỏi nhà để gặp một ai đó, thì y như rằng tôi phải đi qua nỗi buồn một lần nữa. Không chỉ là nhũng chuyện không đầu không cuối, mà tất cả những cảm giác đau buồn đều như quay về, tất cả quay về, những điều mệt mỏi khó diễn tả bằng lời.

Trong vòng tay Kate và Frankie, tôi dễ dàng trở thành một đứa bé mà cả hai đang nâng niu chìu chuộng. Nhưng tôi không như vậy bởi vì nếu tôi làm một đứa bé, thì tôi biết, tôi sẽ không bao giờ lớn lên được.

Chúng tôi ngồi ở chỗ khán đài không mái che, cách xa những phụ huynh khác. Một vài người đang ngồi trò chuyện với nhau, nhưng đa số người khác tận dụng thời gian quý báu hiếm hoi của mình để ngồi đọc sách báo, suy nghĩ, hay xem những đứa con của họ đang nhào lộn ở phía bên kia, trên những tấm nệm cao su.

Tôi nhận ra con của Kate, Eric sáu tuổi và Jayda - đứa con đỡ đầu năm tuổi của tôi. Chúng háo hức đùa nghịch, chạy chỗ này chỗ kia, cười cười nói nói, nắm kéo quần áo của nhau và vấp vào chân nhau. Sam, mười một tháng tuổi, đang ngủ bên cạnh chúng tôi, trong chiếc xe đẩy dành cho trẻ con. Nó phì phì những bong bóng nước bọt nhỏ xíu trên đôi môi chúm chím. Tôi nhìn nó một cách trìu mến, nhớ lại chuyện cũ và nhìn đi chỗ khác. Ừ, chuyện của tôi đã là ngày hôm qua, đã cũ rích rồi.

"Công việc thế nào, Frankie?", tôi hỏi, mong mọi thứ suôn sẻ.

"Vẫn bận rộn như thường lệ", cô trả lời và tôi phát hiện ra điều gì đó trong cách nói, cứ như là ngượng nghịu, lúng túng hay có lỗi. Tôi thèm cái vẻ bình thường như của bạn mình, có thể là thèm muốn cả cái buồn chán của cô nữa.

Tôi ghen tị với việc Frankie ngày hôm nay vẫn giống hệt như cô ngày hôm qua.

"Vẫn mua thấp bán cao?", Kate nói to.

Frankie trợn mắt. "Mười hai năm, Kate!".

"Tớ biết, tớ biết!", Kate cắn môi và cố nhịn cười.

"Mười hai năm tớ làm công việc này và mười hai năm cậu vẫn nói y như vậy. Chẳng vui thích gì đâu. Thật ra, tớ không chối bỏ điều đó, nhưng đâu có nhất thiết cậu phải lôi ra nói hoài như thế!".

Kate cười. "Tớ đùa thôi mà. Làm gì mà cậu cáu thế. Tớ hoàn toàn không biết cậu đang làm gì. Hình như làm ở thị trường chứng khoán?".

"Quản lý, phó trưởng phòng ngân khố và giải pháp đầu tư":

Frankie đáp.

Kate nhìn chằm chằm, ngây ra, rồi thở dài. "Nghe chức danh là biết cậu đang làm việc văn phòng".

"Thế còn cậu, lúc này cậu làm gì? Vẫn làm bánh sandwich chuối à?".

"Mọi việc thay đổi từ khi tớ làm mẹ, Frankie!", Kate thở phù. "Trách nhiệm của tớ là chuẩn bị cho ba đứa con để nếu có chuyện gì xảy ra với tớ, hay khi chúng nó lớn lên, chúng nó hoàn toàn có khả năng sống, làm việc và thành công một cách đầy trách nhiệm trong cái thế giới này".

"Và làm bánh sandwich chuối", Frankie thêm vào.

"Không, không, khoan nào, cậu muốn hỏi việc trước hay sau khi có ba đứa nhóc? Trước?". Frankie gật đầu. "Vâng, tớ làm bánh, sau đó chuẩn bị sinh con.

Và có nó!".

Tôi không tham gia vào cuộc tranh luận, nhưng dường như Kate đang hăng tiết.

"Cậu chưa làm mẹ thì sao hiểu hết ý nghĩa trong từ làm mẹ!". Kate nói trong tức giận. "Mẹ - Đó là cái từ mà sinh nở, có con cũng được gọi, nhưng từ đó lại không thể diễn tả hết trách nhiệm!".

Frankie nhún vai một cách thờ ơ. "Xin lỗi, tớ chẳng quan tâm đến điều đó.

Và tớ cũng nhất định không lấy từ đó để thay cho các bạn đồng nghiệp, cho những thú vui của mình!".

"Thật sao?", Kate nhướng mày. "Tớ tự hỏi tại sao cậu không gặp được một mống đàn ông nào. Tìm một người đi!".

"Đừng lo, tớ đang tìm một người đàn ông đặc biệt cho mình đây!", Frankie cười một cách duyên dáng.

Bạn tôi là thế. Cả hai đứa, lúc nào cũng đốp chát như vậy. Nhưng có một điều lạ là chính điều đó giúp chúng tôi gần nhau hơn, dù rằng kiểu ăn nói ấy có thể làm tan vỡ những tình bạn khác. Một khoảnh khắc im lặng. Cả hai như đang nhớ lại xem chính xác họ đã nói gì về chuyện của tôi. Mười giây sau, Kate phản đối Frankie. Ô, vâng. Chuyện những đứa nhỏ.

Khi bi kịch xảy ra, bạn sẽ nhận ra rằng bạn, người chịu bi kịch, sẽ trở thành người làm mọi việc để cho người khác thoải mái.

"Crapper thế nào?". Tôi phá vỡ sự im lặng khó chịu và hỏi han về con chó của Frankie.

"Nó khỏe:

chân của nó đã lành. Nhưng nó vẫn hay gào lên thảm thiết khi thấy hình cưới của cậu!".

"Thế thì cậu bỏ tấm hình cưới ấy đi ... Kate, mà tớ cũng định nói là cậu nên bỏ tấm hình cưới của tớ đi đấy!".

Cuối cùng cũng có thể nói về vụ ly hôn.

"Joyce", Kate lắc đầu nhìn tôi một cách buồn buồn, "Tớ thích tấm hình đó lắm. Trông tớ xinh cực kỳ trong tiệc cưới của cậu. Hay là tớ chỉ cắt hình Conor ra thôi nhỉ?".

"Hay là vẽ một ít râu cho anh ta", Frankie thêm vào. "Hay là cho anh ta biến thành một nhân vật khác. Nên như thế nào nhỉ?".

Tôi cắn môi với vẻ có lỗi để giấu đi nụ cười không mong muốn chực chờ nở ra nơi khóe miệng. Tôi không quen những kiểu nói chuyện như thế này về người chồng cũ. Như vậy là thiếu sự tôn trọng và tôi không chắc tôi thoải mái được với điều đó. Nhưng quả thật, ý tưởng của Frankie thật ngộ nghĩnh. Tôi nhìn ra phía những đưa trẻ đang chơi đùa.

"Các em!", huấn luyện viên vỗ tay, kêu gọi sự chú ý của các em bé. "Chúng ta sẽ lộn ngược. Hãy để hai bàn tay chạm đất, đầu ngón tay hướng về vai khi chúng ta lộn người ra sau, rồi đứng dậy. Như thế này này!".

"Trông chúng dẻo thật đấy", Frankie nhận xét.

Từng em từng em lộn ngược, rồi đứng dậy một cách hoàn hảo. Đến lược Jayda, cô bé lộn chệch qua một bên, đá vào chân một cậu bé đứng gần đó và ngồi dậy trên hai đầu gối, sau đó nhảy lên và đứng lại. Cô bé bắt chước tư thế của Spice Girl và nghĩ rằng chẳng ai để ý đến lỗi của mình. Huấn luyện viên cũng bỏ qua cho cô bé.

"Chuẩn bị những em bé cho thế giới ngày mai", Frankie lặp lại rồi quay sang tôi và xuống giọng. "Joyce, cậu thế nào?".

Tôi đang suy nghĩ xem có nên nói với họ, hay có nên nói với bất kỳ một ai khác ... Tôi không biết mọi người sẽ phản ứng như thế nào khi nghe chuyện của tôi. Nhưng sau những trải nghiệm kỳ quặc của ngày hôm nay, về mặt lý trí, tôi cũng muốn nói ra lắm.

"Có một chuyện rất ... rất kỳ cục, vì thế các cậu cố chịu đựng mà nghe nhé!".

"Ừ", Kate nắm lấy tay tôi. "Cậu có thể nói bất cứ điều gì cậu muốn!".

Frankie thì nhướng mày ra dấu sẵn sàng.

"Cám ơn các cậu". Tôi từ từ rút tay lại. "Tớ vẫn thấy người đàn ông đó".

Kate cố gắng ghi nhận những điều tôi nói. Tôi thấy rõ cô ta cố liên kết dữ liệu ấy với việc mất đứa con của tôi, rồi liên kết thử với vụ ly hôn, nhưng cô không thể hiểu được tôi muốn nói gì.

"Tớ nghĩ tớ biết anh ta nhưng đồng thời tớ biết là tớ không biết anh ta. Tớ đã thấy anh ta chính xác ba lần, lần gần đây nhất là hôm nay, khi anh ta đuổi theo chiếc xe buýt Viking. Và tớ nghĩ anh ta đã gọi tên tớ. Có lẽ tớ đã tưởng tượng ra điều đó bởi vì làm thế nào mà anh ta lại biết tên tớ được? Trừ khi anh ta biết tớ, nhưng chắc chắn là anh ta chưa hề biết tớ. Các cậu nghĩ sao?".

"Khoan đã, quay lại vụ xe buýt Viking", Frankie kéo tôi chậm lại. "Cậu nói gì về xe buýt Viking?".

"Tớ đang trên xe buýt. Với bố tớ. Xe buýt có thể lội nước ấy các cậu biết mà.

Ai cũng đội mũ sắt có sừng và gầm gừ nhau như kiểu các tay cướp biển". Tôi chồm tới gầm thử vào mặt hai đứa bạn và vẫy vẫy tay.

Cả Kate lẫn Frankie đều nhìn tôi sững sờ.

Tôi thở dài trở về chỗ ngồi của mình trên băng ghế. "Dẫu sao đi nữa thì tớ vẫn khẳng định tớ thấy anh ta".

"Được rồi!", Kate nói chậm rãi, nhìn sang Frankie.

Một sự im lặng ngượng nghịu. Tôi hiểu chuyện gì xảy ra:

Hai đứa bạn đang thầm lo lắng cho tinh thần và sự tỉnh táo của tôi.

Tôi chia sẻ với họ điều đó.

Frankie tằng hắng. "Joyce, vậy người đàn ông đó trẻ hay già?".

"Khoảng bốn mươi tuổi. Người Mỹ. Tớ và anh ấy cùng cắt tóc chung tại một tiệm. Đó là lần đầu tiên tớ gặp anh ta".

"Nghe khá dễ thương đấy chứ!". Kate từ tốn nói.

"Mái tóc của tớ ... Bố nghĩ tớ giống nhân vật Peter Pan trong truyện", tôi cười.

"Có lẽ anh ta đã nhớ cậu từ khi ở tiệm cắt tóc rồi ...", Frankie lý giải.

"Ngoài cảm giác kỳ lạ tại tiệm cắt tóc, cậu có nhận ra được cái gì khác không?".

Frankie cười:

"Xin chào mừng đến với thế giới của những phụ nữ cô đơn ...".

Cô quay sang Kate, vẻ mặt như không đồng tình. "Lần cuối cùng Joyce hẹn hò là khi nào? Cậu ấy đã lập gia đình lâu rồi nhỉ!".

"Thôi nào", Kate nói bằng giọng kẻ cả với Frankie. "Nếu cậu nghĩ phụ nữ lập gia đình xong sẽ cô đơn thì cậu đã mắc sai lầm lớn rồi. Không trách sao cậu sợ lập gia đình đến thế!".

"Tớ không sợ, tớ chỉ không đồng ý với điều đó. Cậu biết mà, mới hôm nay tớ xem chương trình trang điểm ...".

"Rồi, tới nữa rồi ...".

"Im đi, nghe này. Chuyên gia trang điểm cho rằng vùng xung quanh mí mắt rất nhạy cảm nên cậu phải dùng kem bằng ngón tay áp út bởi vì ngón này là ngón yếu nhất!".

"Hay thật", Kate nói cộc lốc. "Cậu làm như bọn tớ ngốc lắm!".

Tôi chớp mắt mệt mỏi. "Tớ biết mình nói có vẻ điên khùng. Tớ mệt mỏi và có lẽ đã tưởng tượng ra những điều không đâu. Người đàn ông đáng lẽ ở trong tâm trí tớ lúc này là Conor, nhưng không. Anh ta hoàn toàn không còn gì trong tớ. Tớ không biết nếu tớ cứ trì hoãn việc ly hôn thì tháng tới tớ sẽ ra sao, biết đâu chừng tớ sẽ bị bỏ lại, bắt đầu uống rượu, và mặc toàn quần áo đen mỗi ngày ...".

"Giống Frankie", Kate chen ngang vào.

"Nhưng ngay lúc này tớ chẳng cảm thấy gì nữa và chỉ rất nhẹ nhàng, thanh thản thôi!", tôi tiếp tục. "Điều đó có tệ lắm không?".

"Nếu tớ nói với cậu là tớ cũng cảm thấy thanh thản, dễ chịu như vậy trước chuyện ly hôn của cậu, cậu thấy có ổn không?", Kate hỏi.

"Cậu ghét anh ta à?", tôi buồn buồn.

"Tớ ghét anh ta", Frankie nói nhỏ nhẹ nhưng quả quyết.

"Bọn tớ nhắc chuyện anh ta hôm qua. Lạ thật. Ly hôn mà anh ta muốn biết liệu anh ta có thể lấy máy pha cà phê sau khi chia tài sản không?".

"Chết tiệt", Frankie chen vào.

"Tớ thật sự không quan tâm đến cái máy pha cà phê. Anh ta có thể lấy đi!".

"Nó là trò chơi tinh thần, Joyce. Cẩn thận đấy. Trước hết, là máy pha cà phê, kế đến là cái nhà, rồi tới linh hồn của cậu. Và rồi đến cái nhẫn ngọc lục bảo của bà nội, anh ta nói rằng cậu đã đánh cắp. Nhưng cậu nhớ rõ ràng rằng khi cậu đến nhà anh ta lần đầu tiên để ăn trưa, anh ta đã tặng cậu ... Chuyện sẽ là vậy đấy!". Frankie cáu kỉnh.

Tôi nhìn Kate để tìm sự giúp đỡ.

"Christian đến uống với Conor tối hôm qua", Kate nói. "Hy vọng cậu không khó chịu".

"Dĩ nhiên tớ không khó chịu. Hai người là bạn bè mà. Conor khỏe hả?".

"Ừ, anh ấy có vẻ ổn. Anh ta buồn về việc, cậu biết mà ...".

"Đứa nhỏ. Cậu có thể nói từ đó. Không cần né tránh đâu!".

"Anh ta buồn vì chuyện đứa con và thất vọng vì cuộc hôn nhân đã kết thúc không được tốt đẹp. Nhưng anh ta nghĩ đó là quyết định đúng đắn. Vài ngày nữa anh ta sẽ quay lại Nhật. Anh ta cũng nói là cả hai người cùng đồng ý bán nhà".

"Tớ không muốn ở đó nữa. Bọn tớ đã cùng nhau mua nó vì thế sẽ cùng nhau bán nó".

"Nhưng cậu có chắc không? Cậu sẽ sống ở đâu? Bố cậu không nói cậu điên à?".

Là người hứng chịu bi kịch và là người sắp sửa ly hôn, bạn sẽ nhận ra rằng mọi người sẽ hỏi bạn về những quyết định to tát mà bạn chưa từng quyết định trong đời, chưa từng nghĩ tới. Thông qua hai mươi câu hỏi của họ với những nét mặt hồ nghi, họ sẽ làm sáng lên một vài vấn đề nào đó những vấn đề mà bạn mắc phải lần đầu tiên, hay mắc hàng trăm lần trong thời gian suy sụp nhất của bạn.

"Không", tôi cười, nghĩ về chồng cũ. "Anh ta chẳng bị tác động gì nhiều. Tớ sẽ ở với bố cho đến khi căn nhà được bán đi và tớ sẽ tìm một nơi nào đó để sống".

"Joyce, xa anh ta, cậu cảm thấy thật sự như thế nào? Bọn tớ không gặp cậu kể từ ngày trong bệnh viện và bọn tớ vẫn thấy lo ...".

"Tớ biết. Cho tớ xin lỗi ...". Tôi đã từ chối gặp cả hai khi họ đến thăm, và tôi nói bố ra hành lang tiễn họ về. Nhưng dĩ nhiên lúc đó bố không làm vậy, nên họ đến ngồi bên cạnh tôi vài phút, trong khi tôi nhìn chằm chằm bức tường màu hồng trong bệnh viện, suy nghĩ về việc tôi nhìn chằm chằm vào bức tường màu hồng, và thế là họ đi về. "Tớ thật sự cảm ơn các cậu đã đến".

"Lúc đó cậu chẳng buồn cảm ơn bọn tớ ...".

"Ừ, thì bây giờ tớ cảm ơn này!".

Tôi lẩm bẩm, suy nghĩ về mình thời điểm đó và mình trong lúc này.

"Bây giờ tớ đã ăn thịt, uống rượu vang đỏ. Tớ ghét cá và nghe nhạc cổ điển.

Tớ đặc biệt thích JK Ensemble với giọng John Kelly trên đài FM. Hồi tối, tớ nghe Mirestano le lagrime của Handel trước khi đi ngủ. Tớ hiểu từng lời hát, nhưng tớ không biết lý do vì sao tớ hiểu. Tớ biết rất nhiều về kiến trúc Ai- len, tớ cũng biết nhiều về kiến trúc Pháp và Ý. Lần đầu tiên tớ viết thư cho hội đồng thành phố hỏi họ tại sao lại cho xây một lốc nhà hiện đại xấu xí tại khu vực mà hầu hết là những ngôi nhà cổ xưa. Điều đó không chỉ đe dọa nghiêm trọng đến di sản quốc gia mà còn ảnh hưởng đến sự lành mạnh của cuộc sống người dân.

Trước đây, tớ nghĩ chỉ có bố mới viết những từ ngữ mạnh mẽ như thế. Chuyện đó, không có gì lớn, chuyện lớn là cách đây hai tuần tớ rất thích thú với cuộc triển lảm cảnh quan khu vực. Hôm nay, tớ rất bực mình lời phát biểu về việc sang bằng tòa nhà một trăm tuổi ở thành phố cổ Chicago, và tớ sẽ viết một lá thư nữa. Tớ dám chắc là các cậu sẽ hỏi làm sao mà tớ biết những điều đó. Vâng, tớ đọc số mới nhất Nghệ thuật & Kiến trúc, tạp chí quốc tế chuyên về nghệ thuật và kiến trúc trên thế giới. Bây giờ tớ đăng ký thường xuyên tạp chí đó".

Tôi hít một hơi sâu. "Hãy hỏi tớ bất cứ điều gì, bởi vì tớ có thể biết câu trả lời nhưng không biết tại sao tớ biết".

Choáng váng. Kate và Frankie nhìn nhau, há hốc mồm choáng váng.

"Có thể vì cậu chịu nhiều áp lực chuyện ly hôn với Conor nên cơ thể cậu tự nảy sinh khả năng tập trung vào một điều gì đó khác biệt hơn", Frankie lý giải.

Tôi cũng có lúc nghĩ thế. "Hầu như mỗi tối tớ đều mơ thấy một bé gái với mái tóc màu vàng hoe, và đứa bé cứ lớn lên sau mỗi đêm. Và tớ nghe trong giấc mơ một bài hát mà tớ không hề biết. Những đêm không mơ thấy bé gái đó thì tớ mơ thấy rõ ràng những nơi mà tớ chưa bao giờ đến, ăn những món mà tớ chưa từng ăn, xung quanh toàn là người lạ nhưng chẳng hiểu sao tớ cảm thấy biết khá rõ về họ. Tớ thấy trong mơ một buổi đi chơi ngoài trời ở công viên với một phụ nữ có mái tóc đỏ ...". Tôi đăm chiêu. "Khi, tớ tỉnh dậy, tớ nhớ lại tất cả những việc đã mơ. Giấc mơ của tớ không có thật và sự thật thì chẳng phải là giấc mơ.

Bố ở đó với nụ cười trên gương mặt, xúc xích đang chiên trên chảo, đuổi con mèo Fluffy ra khỏi vườn, và không biết vì lý do gì mà bố giấu hình của mẹ trong ngăn kéo ở đại sảnh. Sau ít phút đầu tiên, tớ thức dậy, tất cả mọi thứ trong giấc mơ giờ chỉ còn lại một, một thứ duy nhất nằm lại trong suy nghĩ. Đó là một người đàn ông, tớ không thể vứt ra khỏi tâm trí của mình được, không phải Conor như các cậu đoán đâu. Tớ nghĩ về người đàn ông Mỹ và tớ chưa từng biết kia kìa ...".

Hai cô bạn tròn xoe mắt, gương mặt hỗn độn những cảm xúc khác nhau, cảm thông, lo lắng, và hoang mang.

Tôi không muốn họ nói điều gì. Chắc chắn là họ nghĩ tôi điên. Tôi nhìn mấy đứa trẻ đang chơi bên ngoài một lần nữa, nhìn Eric đang đi cân bằng trên tấm ván, được trải miếng da mỏng phía trên. Người hướng dẫn khuyên cậu bé giơ hai tay ra, như cánh máy bay. Gương mặt của Eric trông rất căng thẳng. Cậu bé ngừng lại, chậm rãi nâng hai tay lên. Người hướng dẫn không ngừng khuyến khích và nụ cười tự hào nở tươi trên gương mặt Eric. Cậu bé đưa mắt ngước lên xem mẹ có nhìn mình không, và trong tích tắc, mất thăng bằng rơi thẳng xuống.

Gương mặt thì không hề hấn gì.

Frankie thở phì phì. Eric gào lên. Kate chạy đến con trai.

Sam tiếp tục thổi bong bóng.

Và tôi đứng lên, rời khỏi đấy.

Lái xe trở về nhà bố, tôi cố gắng để không liếc nhìn khi chạy ngang qua căn nhà của mình. Tôi nhắm mắt lại, đấu tranh tư tưởng và rồi tôi thấy chiếc xe của Conor đang đậu bên ngoài. Kể từ sau bữa ăn tối trong nhà hàng, chúng tôi đã nói chuyện thêm mấy lần, mỗi lần là một mức độ tình cảm khác nhau theo hướng giảm dần, cho đến lần cuối cùng - thấp nhất!

Tối hôm cùng ăn trong nhà hàng xong, Conor gọi, hỏi tôi xem liệu chúng tôi quyết định có đúng không. Giọng nói líu ríu mềm mỏng trôi vào tai tôi khi tôi đang nằm trên giường, trong phòng dành cho em bé và nhìn lên trần nhà, cũng giống hệt như những cuộc điện thoại hàng đêm nhiều năm trước khi chúng tôi mới quen nhau. Sống với bố ở tuổi ba mươi ba sau cuộc hôn nhân thất bại và có một người chồng dễ tổn thương ở đầu dây bên kia ... Điều đó thật dễ khiến người ta nhớ đến khoảng thời gian tuyệt diệu đã cùng nhau trải qua và cũng thật dễ khiến người ta đi đến quyết định dứt khoát cuối cùng.

Những quyết đinh dễ dàng thường hay sai. Có thể. Đôi khi chúng tôi cảm thấy như mình sẽ quay lại với nhau, nhưng thật ra tất cả chỉ khiến chúng tôi xa nhau hơn.

Cuộc gọi kế tiếp thì pha trộn thêm được một ít cứng rắn, lúng túng xin lỗi, và đề cập đến một số việc liên quan đến pháp lý. Kế tiếp, là phàn nàn việc tại sao luật sư của tôi chưa trả lời cho luật sư của anh. Kế nữa, anh nói với tôi là người em vừa có thai của anh sẽ lấy cái giường dành cho trẻ con. Điều đó làm tôi điên cuồng lên, quăng ngay cái điện thoại vô thùng rác. Lần cuối cùng, anh gọi cho tôi để nói rằng anh đã chuẩn bị hành lý xong và sẽ đi Nhật trong vài ngày tới.

Và anh hỏi liệu anh ta có được lấy máy pha cà phê mang đi?

Cứ mỗi lần gác điện thoại, tôi lại có cảm giác lời nói tạm biệt yếu đuối của mình chẳng phải là lời tạm biệt thật sự. Nó giống như hẹn gặp lại vào dịp nào đó hơn. Tôi biết rằng luôn có cơ hội để quay trở lại, rằng anh ấy sẽ đi lâu hơn thường lệ một chút, rằng những lời nói của chúng tôi thật sự là chưa kết thúc.

Tôi dừng xe lại và nhìn chằm chằm vào ngôi nhà mà chúng tôi đã ở mươi năm trời. Liệu có đáng không để từ biệt?

Tôi bấm chuông. Không có tiếng trả lời. Qua cửa sổ phía trước tôi có thể thấy mọi thứ trong thùng chưa đậy nắp. Đây là giai đoạn chuẩn bị cho gia đình khác dọn vào. Tôi vặn khóa cửa, bước vô, tạo ra tiếng động để không làm Conor giật mình. Tôi sắp gọi tên anh khi nghe tiếng nhạc nhẹ nhàng ở trên lầu. Ngay lập tức, tôi đi thẳng lên căn phòng trẻ con mới được trang trí một nửa và thấy Conor đang ngồi trên tấm thảm mềm lót trên sàn, nước mắt chảy dài trên gương mặt trong khi anh xem món đồ chơi con chuột đuổi theo miếng bơ. Tôi đi vào phòng, đến với anh. Tôi ôm anh thật chặt và vỗ về anh một cách nhẹ nhàng.

Nhắm mắt. Buông trôi.

Anh không khóc nữa, ngước lên nhìn tôi một cách chậm rãi. "Gì em?".

"Gì là gì ạ?", tôi thốt lên như bị thôi miên.

"Em đã nói cái gì đó bằng tiếng Latin".

"Không, em có nói gì đâu ...".

"Em nói, mới đây mà!". Anh lau nước mắt. "Em nói được tiếng Latin từ khi nào vậy?".

"Em không có!".

"Trời đất, anh vừa nghe em nói vừa xong đấy".

"Conor, em không nhớ là em đã nói bất cứ điều gì".

Anh nhìn tôi trừng trừng, một ánh nhìn rất gần với căm ghét và tôi cố đè nén cảm xúc mình.

Một người lạ trừng trừng nhìn tôi trong sự im lặng căng thẳng.

"Được rồi". Anh đứng lên đi về phía cửa phòng. Không câu hỏi nào nữa, không cố gắng để hiểu tôi. Anh chẳng còn quan tâm nữa. "Anh chọn Patrick là luật sư của anh". Patrick là một người anh họ của anh ta.

"Được rồi". Tôi nói khẽ.

Anh dừng ở cửa, quay lại, nghiến quai hàm nhìn khắp lượt trong phòng. Đó hẳn là cái nhìn cuối cùng vào mọi vật, kể cả tôi. Rồi anh đi.

Lần tạm biệt cuối cùng.

Suốt đêm hôm đó, tôi nằm trên giường nhà bố mà không nghỉ được. Nhiều hình ảnh lóe lên trong tâm trí tôi chớp rất nhanh và sắc nét. Nó hiện mồn một trong tâm trí tôi rất vội vã rồi biến mất. Trở lại là bóng đêm.

Nhà thờ. Tiếng chuông. Bình tưới cây. Rượu vang đỏ. Những tòa nhà cổ với những cửa tiệm ở phía trước. Những tấm kính cáu bẩn.

Hình ảnh một người đàn ông đứng ở thành cầu thang đang đóng lại cánh cửa phía sau ông ta. Một em bé trong quen thuộc. Những giọt nước mắt. Những người trong gia đình mặc toàn đồ màu đen.

Những cái xích đu trong công viên. Cao hơn và cao hơn. Tay tôi ôm chặt em bé. Tôi đung đưa như một đứa trẻ. Cái ván bập bênh. Một bé trai mũm mĩm đẩy tôi lên cao trên không trung, trong khi bé chìm xuống mặt đất.

Lại bình tưới cây. Tiếng cười. Tôi và em bé trai hồi nãy trong bộ quần áo tắm. Ngoại ô. Tiếng nhạc. Tiếng chuông. Một phụ nữ trong bộ đồ màu trắng.

Con đường trải sỏi. Nhà thờ. Hoa giấy. Bàn tay, ngón tay, nhẫn. Tiếng hét.

Tiếng đóng sầm cửa.

Người đàn ông đóng sầm cánh cửa.

Lại bình tưới cây. Em bé trai mũm mĩm đuổi theo tôi và cười. Ly nước uống trong tay tôi. Đầu tôi gục vào toilet. Giảng đường. Mặt trời và cây cỏ. Tiếng nhạc.

Người đàn ông đứng ở ngoài vườn, đang cầm vòi nước trong tay. Tiếng cười. Bé gái có tóc màu hoe vàng đang chơi đùa vời cát. Bé gái đang cười trên xích đu. Tiếng chuông ngân lên lần nữa.

Hình ảnh một người đàn ông ở thành cầu thang đang đóng lại cánh cửa phía sau, trên tay ông đang cầm cái chai.

Cửa hàng pizza. Kem trái cây.

Những điều cay đắng nằm trên tay ông ta. Mắt của người đàn ông nhìn thẳng vào tôi trước khi cánh cửa đóng lại. Tay tôi nắm quả núm cửa. Cửa mở. Cái chai không nằm lăn lóc trên sàn nhà. Dấu chân trần màu xanh lá. Bình đựng tro hỏa táng.

Bình tưới cây. Tảng đá lắc lư. Lời bài hát. Mái tóc dài màu hoe xõa xuống gương mặt tôi và tay tôi. Tiếng xì xào ...

Tôi mở mắt trong hơi thở hổn hển, tim đập thình thịch trong lồng ngực.

Khăn trải giường bị ướt chỗ tôi nằm:

cả thân người tôi đẫm mồ hôi. Tôi dò dẫm trong bóng đêm tìm đến cây đèn ngủ. Tôi không cho phép mình ngã quỵ mặc dù nước mắt tuôn trào. Tôi tìm điện thoại và bấm số gọi với những ngón tay rung rung.

"Conor?", giọng tôi cũng rung rung.

Anh nói lầm bầm rời lạc một hồi cho tới lúc anh tỉnh hẳn.

"Joyce, mới ba giờ sáng!", anh càu nhàu.

"Em biết, em xin lỗi".

"Có chuyện gì không? Em ổn không?".

"Vâng, vâng, em ổn, nhưng chỉ vì ... em nằm mơ. Có thể nó là cơn ác mộng hoặc chẳng là gì, có nhiều ánh chớp ... nhiều người, nhiều nơi, nhiều đồ vật và ...", tôi dừng lại, cố tập trung. "Perfer et obdura; dolor hic tibi proderit olim?".

"Cái gì?", anh nói kinh hoảng. "Cái câu chữ Latin em vừa nói ... Đó là do em nói à?".

"Vâng, nó giống tiếng Latin. Chúa ơi, Joyce ...".

"Hãy kiên nhẫn và cứng rắn; một ngày nào đó niềm đau này sẽ trở nên có ích cho anh", tôi thốt ra. "Câu đó có nghĩa là như vậy".

Anh im lặng rồi thở đài. "Vâng, cám ơn em!".

"Em không biết tại sao em biết câu đó ...".

"Em không phải giải thích".

Im lặng.

"Bây giờ em sẽ đi ngủ tiếp đây".

"Ừ".

"Em ổn không, Joyce? Em có muốn anh gọi người nào đó cho em không?

Hay ...".

"Không sao, em ổn thôi". Giọng tôi nghẹn trong cổ họng. "Chúc ngủ ngon".

Anh gác máy.

Tôi lau giọt nước mắt đang lăn tròn trên má. Đừng khóc, Joyce. Mình phải bắt đầu mọi thứ, bây giờ.

Khi đi xuống cầu thang buổi sáng hôm sau, tôi nhìn trộm thấy bố đang để hình của mẹ trở lại trên chiếc bàn ở đại sảnh. Hình như ông nhận ra tôi đến nên vội vã móc chiếc khăn tay trong túi ra, giả vờ phủi phủi bụi cho mấy tấm hình.

"A, cô ta đây rồi! Công chúa ngốc ngếch vừa mới chết đi sống lại!".

"Bố hay nhỉ! Tiếng nước xả trong phòng vệ sinh cứ mỗi mười lăm phút của bố ấy, làm con cả đêm hầu như chẳng ngủ nghê gì được". Tôi đùa, và đặt một chiếc hôn lên cái trán hầu như không còn tóc của ông rồi đi vào nhà bếp. Tôi ngửi thấy mùi thức ăn thoang thoảng.

"Bố xin lỗi nhé! Người già hay thế ... Bố làm con mất ngủ thật à?", ông nhìn tôi thăm dò. "Mắt con sao thế?".

"Cuộc hôn nhân của con đã kết thúc thật sự rồi và vì thế con đã khóc sướt mướt suốt đêm", tôi giải thích trong khi tay chống nạnh, mũi khịt khịt.

Bố trở nên mềm mỏng:

"Vậy mà bố cứ nghĩ đó là điều con muốn".

"Vâng, bố ... Bố nói hoàn toàn chính xác đấy. Cách đây mấy tuần, cuộc sống của con hãy còn là giấc mơ của không ít cô gái khác".

Bố bước khập khiễng, khập khiễng lại cái bàn trong bếp, ngồi vào chiếc ghế quen thuộc, nơi có thể nhìn thấy những tia nắng đầu tiên khi mặt trời lên. Ông để mắt kiếng trễ xuống sóng mũi và tiếp tục chơi ô số Sudoku. Tôi nhìn ông một hồi lâu, cảm thấy như mình bị thôi miên bởi vẻ mộc mạc đơn sơ của ông.

"Bố lại nướng bánh mì nữa hả bố?".

Ông chẳng nghe tôi hỏi mà mải miết ghi ghi xóa xóa. Tôi kiểm tra lò nướng bánh. "Máy đang để đúng chế độ mà! Con không hiểu tại sao lại nghe mùi khen khét!". Tôi nhìn vào bên trong. Chẳng có mẩu vụn nào. Mở nắp kiểm tra.

Không có mùi bánh nướng. Tôi khịt khịt mũi trong không khí lần nữa, thoáng nghi ngờ rồi liếc nhìn sang bố. Ông lộ rõ vẻ bồn chồn.

"Con giống như Fletcher ấy, thám thính khắp nơi. Nhưng con sẽ chẳng tìm ra được cái xác nào ở đây đâu!", ông nói, mắt không rời khỏi những ô số.

"Vâng nhưng con sẽ tìm được thứ gì đó, phải không ạ?".

Ông ngẩng đầu lên. Lo lắng. A ha. Tôi nhíu mày.

"Cuối cùng thì chuyện gì đã xảy ra với con vậy?".

Tôi phớt lờ ông, tiếp tục đi vòng quanh nhà bếp, mở các ngăn tủ, tìm kiếm bên trong.

Giờ thì trông ông có vẻ bất an thật sự. "Con có bị gì không? Con làm gì vậy?".

"Bố uống thuốc chưa?". Tôi hỏi khi đi ngang tủ thuốc.

"Thuốc gì?".

Với phản ứng như vậy của bố, chắc chắn là có chuyện gì đó.

"Thuốc đau tim, thuốc cải thiện trí nhớ, vitamin ...".

"Không, không và ...", ông suy nghĩ một hồi, "không".

Tôi mang thuốc để trên bàn cho ông. Mặt ông giãn ra một chút. Sau đó, tôi tiếp tục lục lọi tìm kiếm tủ đựng thức ăn và lúc này tôi thấy rõ ông căng thẳng lại. Tôi chạm đến cánh cửa ngăn ngũ cốc ...

"Nước!". Ông la toáng lên khiến tôi suýt nhảy dựng, phải đóng sầm cánh cửa ngăn tủ lại.

"Bố ổn không ạ?".

"Ổn", ông bình tĩnh. "Cho bố xin một ly nước để uống thuốc. Ly ở tủ đằng kia kìa!". Ông chỉ về phía cuối nhà bếp.

Nghi ngờ, tôi rót ly nước mang đến cho ông rồi quay lại ngăn ngũ cốc.

"Trà!". Ông la lên lần nữa. "Chúng ta sẽ uống trà. Ngồi ở đây đi, bố sẽ pha trà cho con. Con đang trong thời kỳ khó khăn. Con rất có nghị lực, rất can đảm, đáng nhận được cúp tuyên dương lòng can đảm. Nhưng bây giờ thì ngồi xuống đó đi, bố sẽ pha trà cho con. Bố sẽ lấy thêm một miếng bánh hạnh nhân nữa.

Con thích bánh này lắm mà. Lúc nào cũng gỡ lấy hạnh nhân ăn khi không ai nhìn thấy. Con là cô bé háu ăn!". ông cố gắng đánh lạc hướng.

Bố", tôi ngắt lời. Ông ngừng quanh co và thở dài đầu hàng. Tôi mở cửa tủ đựng thức ăn nhìn vào trong. Chẳng có gì lạ mọi thứ đều nằm ngay ngắn, chỉ những gói cháo đặc mà tôi ăn mỗi sáng và ít đường thẻ mà tôi chẳng đời nào đụng tới. Bố có vẻ rất hài lòng, quay trở lại bàn. Dừng một chút. Tôi mở cửa tủ lần nữa và với lấy hũ đường thẻ mà tôi chưa từng ăn và cũng chưa bao giờ thấy bố ăn. Khi tôi cầm nó lên, nó nhẹ hẫng. Tôi biết bên trong không có đường. Vậy là gì nhỉ. Tôi nhìn vào trong.

"Bố!".

"Cái gì, con?".

"Bố, bố đã hứa với con!". Tôi lôi gói thuốc lá đặt trước mặt ông.

"Bố chỉ hút có một điếu à!".

"Bố không chỉ hút một điếu. Mùi khen khét mỗi sáng không phải là bánh nướng khét. Bố nói dối con!".

"Một điếu mỗi ngày không thể giết bố chết được".

"Chính xác là nó sẽ giết bố chết đấy. Bố phẫu thuật tim. Bố nhớ không?

Người phẫu thuật tim tuyệt đối không được hút thuốc! Con đã bỏ qua những món ăn dầu mỡ buổi sáng của bố. Nhưng thuốc lá là không thể chấp nhận được!", tôi nói với ông.

Bố trợn mắt, ghép hai bàn tay làm thành hình cái miệng con rối, mở ra và đóng lại trước mặt tôi.

"Vậy để con gọi cho bác sĩ của bố".

Miệng ông méo xệch. Ông nhảy ra khỏi ghế. "Không, con gái yêu! Đừng làm vậy!".

Tôi đi ra ngoài phòng đại sảnh và ông lật đật bước theo tôi. Lên xuống, xuống lên, lên xuống. Xuống chân phải, cong chân trái.

"Con không nên làm điều đó với bố. Thuốc lá không giết chết bố nhưng cô bác sĩ ấy sẽ giết bố chết mất. Cô ấy nghiêm khắc lắm ... Con biết mà!".

Tôi bước tới điện thoại nằm ngay bên cạnh tấm hình của mẹ và quay số khẩn cấp mà tôi nhớ. Con số đầu tiên hiện ra trong tâm trí tôi mỗi khi tôi cần sự giúp đỡ cho một người quan trọng nhất cuộc đời mình.

"Nếu mẹ biết bố hút thuốc, mẹ sẽ nổi quạu ...". Tôi dừng lại. "Đó là lý do tại sao bố lại giấu tấm hình đi à?".

Bố nhìn xuống tay mình và gật đầu một cách buồn buồn. "Mẹ con bắt bố hứa là không hút thuốc vì thế bố không muốn mẹ con nhìn thấy", ông nói thì thầm như thể mẹ cũng đang nghe chúng tôi.

"A lô". Giọng chào vang lên bên đầu kia điện thoại.

"A lô! Bố hả bố?". Tiếng một cô gái nói bằng giọng Mỹ.

"Con ...", bố nhìn tôi với vẻ van nài.

"Xin lỗi", tôi nói vào điện thoại. "A lô ...".

"Ô, xin lỗi, tôi thấy số điện thoại từ Ai- len nên nghĩ là bố tôi gọi", giọng cô gái ở đầu dây bên kia giải thích.

"Không sao", tôi nói trong bối rối.

Bố vẫn đang đứng trước mặt tôi, chắp tay cầu nguyện.

"Tôi muốn tìm ...".

Bố hốt hoảng lắc đầu dữ dội. Và tôi ngừng lại, bỏ dở chừng câu nói.

"Vé xem trình diễn?", giọng cô gái bên kia hỏi.

Tôi cau mày. "Trình diễn gì cơ?".

"Nhà hát Opera Hoàng gia".

"Xin lỗi, cô là ai?", tôi bối rối.

Bố trợn mắt, ngồi bệt xuống chân cầu thang.

"Tôi là Bea".

"Bea". Tôi nhìn Bố dò hỏi và ông nhún vai. "Bea là ai?".

"Thế cô là ai?", giọng cô gái đầu dây bên kia nói lớn hơn.

"Tôi tên là Joyce. Xin lỗi, Bea. Có lẽ tôi gọi nhầm số. Ban nãy cô nói cô thấy số điện thoại từ Ai- len nên tưởng là bố cô? Như vậy nghĩa là ... tôi đang gọi điện sang Mỹ à?".

"Không, không sao". Giọng cô gái bên đầu dây kia vui vẻ trở lại. "Cô đang gọi điện thoại đến London", cô gái giải thích. "Tôi thấy số Ai- len nên tưởng là bố tôi gọi. Ông ấy sẽ bay về London tối nay để xem buổi trình diễn của tôi vào ngày mai. Mà có lẽ cháu nên gọi cô bằng cô nhỉ? Tiếng nói của cô ... Cháu nghĩ cô lớn tuổi. Cháu thì chỉ mới là sinh viên thôi. Đây là việc quá lớn và cháu nghĩ là bố cháu sẽ ... Xin lỗi, cháu hoàn toàn không biết tại sao lại nói chuyện này với cô nhưng cháu đang căng thẳng quá!", cô gái cười, hít thật sâu. "Đây là số điện thoại khẩn cấp của bố cháu!".

"Kỳ thật, cô cũng đang gọi số khẩn cấp của cô!", tôi đổi cách xưng hô theo, nói một cách yếu ớt.

Cả hai chúng tôi cùng cười.

"Ồ, kỳ lạ thật!", cô gái nói.

"Giọng cháu nghe quen quen, Bea. Cô có biết cháu không?".

"Cháu không nghĩ vậy. Ở Ai- len, cháu chẳng biết ai ngoài bố cháu. Bố cháu là người Mỹ ...".

"Cô xin lỗi, cô muốn hỏi cháu một câu ... Có thể đây là câu hỏi rất ngớ ngẩn, nhưng ... Cho cô hỏi có phải tóc cháu màu vàng hoe không?".

Bố ôm đầu và tôi nghe ông lầm bầm.

"Vâng! Nhưng tại sao cô hỏi vậy, giọng nói của cháu giống màu vàng hoe à?

Có lẽ màu này không được đẹp!", tiếng cô gái nghịch ngợm cười nắc nẻ đầu dây bên kia.

Tôi bị nghẹn cứng và phải ngưng nói. "Cô chỉ đoán vậy thôi", tôi tháo lui.

"Cô đoán hay quá", cô gái nói một cách tò mò. "Cháu hi vọng mọi thứ đều tốt đẹp chứ? Lúc nãy cô nói cô đang gọi số điện thoại khẩn của cô?".

"Ừ, cảm ơn cháu. Mọi thứ đều ổn cả!".

Trông bố lúc này có vẻ bớt căng thẳng.

Cô gái cười. "Điều này thật lạ lùng nhỉ. Nhưng cháu phải đi đây. Nói chuyện với cô rất vui, cô Joyce".

"Nói chuyện với cháu cũng rất vui, Bea. Chúc cháu may mắn trong buổi biểu diễn ballet".

"Vâng ạ! Cảm ơn cô!".

Chúng tôi nói lời tạm biệt. Tôi để điện thoại xuống mà tay vẫn còn run.

"Con thật ngớ ngẩn, con mới gọi qua Mỹ phải không?". Bố nói trong khi mang lại mắt kính và bấm nút để hiển thị lại số điện thoại vừa gọi.

"Joseph ở cuối phố chỉ cho bố làm cái này khi bố nhận được những cuộc gọi kỳ lạ. Con có thể biết ai gọi cho con và con gọi cho ai. Đây này. Số đầu 0044 là ở đâu?".

"Đó là mã quốc gia của nước Anh".

"Tại sao con gọi đi Anh?".

"Xin lỗi, bố!". Tôi lê bước xuống chân cầu thang. "Con không biết tại sao con nảy ra số điện thoại đó một cách vô thức trong đầu nữa".

"Ô, việc này cũng đủ cho bố bài học ...", ông đùa. "Bố sẽ không bao giờ hút thuốc nữa. Bob mà cho bố thuốc lá, bố sẽ ném nó đi".

Tôi giơ tay ra, cảm thấy choáng váng.

Ông chụp lấy gói thuốc và nhét sâu vào túi quần. "Bố hi vọng con sẽ trả cuộc điện thoại đó bởi vì lương hưu của bố không đủ trả đâu". Ông nhíu mày.

"Chuyện gì xảy ra với con vậy?".

"Con sẽ đi London", tôi thốt ra.

"Cái gì?". Hai con mắt ông muốn nhảy xổ ra ngoài. "Chúa ơi, Gracie, hết chuyện này rồi đến chuyện khác".

"Con phải tìm ra lời giải cho ... một vài vấn đề. Con phải đi London. Bố đi với con!", tôi thúc giục, đứng dậy và đi về phía ông.

Ông bắt đầu lùi lại, tay vẫn giữ nguyên bao thuốc lá ở túi quần.

"Bố không thể đi", ông nói một cách bối rối.

"Tại sao không?".

"Cả cuộc đời bố chưa bao giờ đi khỏi nơi này!".

"Chẳng có lý do gì cả", tôi giục ông quyết liệt hơn. "Nếu bố lại hút thuốc ...

Thì trước khi tự giết mình bố nên đi tham quan bên ngoài Ai- len đi".

"Này ... này ... bố biết nhiều số điện thoại để gọi ra bên ngoài đấy nhé. Con tưởng bố không nghe nói ầm ĩ về cách con cái đối xử với cha mẹ già à?".

"Bố biết con quan tâm đến bố mà. Con có nói gì đâu ... Bố đi London với con nhé bố!".

"Nhưng, nhưng ... Bố không thể bỏ lở Câu lạc bộ thứ Hai".

"Chúng ta sẽ đi vào sáng ngày mai, và trở về trước thứ hai, con hứa!".

"Nhưng, bố không có hộ chiếu!".

"Bố chỉ cần photo giấy chứng minh nhân dân".

Chúng tôi trở vào nhà bếp.

"Nhưng chúng ta không có chỗ ở", ông tiếp tục lo lắng.

"Chúng ta sẽ đặt khách sạn".

"Đắt lắm!".

"Chúng sẽ thuê phòng rẻ hoặc chia phòng với người khác".

"Nhưng bố chẳng biết cái gì ở London".

"Con biết đường mà! Con đến đó nhiều lần rồi!".

"Nhưng ... nhưng ...". Ông đến bàn ăn, gương mặt hoảng sợ trông đến tội. "Bố chưa bao giờ đi máy bay".

"Chẳng thành vấn đề gì nghiêm trọng đâu bố. Bố sẽ có khoảng thời gian thật thoải mái trên máy bay. Và con lúc nào cũng ngay bên cạnh bố, lúc nào cũng nói chuyện với bố!".

Trông ông có vẻ nghi ngờ.

"Chuyện gì nữa bố?", tôi hỏi nhẹ nhàng.

"Bố sẽ mang theo cái gì? Bố cần mang theo cái gì để sử dụng ở đó? Trước đây, mẹ con lúc nào cũng chuẩn bị hành lý cho bố".

"Con sẽ giúp bố chuẩn bị hành lý", tôi cười và cảm thấy thích thú thật sự.

"Chuyến đi này sẽ có nhiều điều thú vị, bố và con lần đầu tiên cùng nhau đi nghỉ ở nước ngoài!".

Bố phấn khởi được một chút, rồi những tia phấn khởi lại lụi tàn đi.

"Không, bố không đi đâu. Bố không biết bơi. Nếu máy bay rớt, bố không bơi được. Bố không muốn đi ngang qua biển. Bố sẽ bay với con đến nơi nào đó, mà không bay ngang biển".

"Bố, chúng ta đang sống trên đảo; bất cứ nơi nào bên ngoài đất nước này đều phải đi qua biển. Và có áo phao cứu sinh trên máy bay mà bố".

"Có thật à?".

"Vâng, bố sẽ ổn thôi!", tôi quả quyết với ông. "Họ sẽ chỉ bố những điều cần làm trong trường hợp khẩn cấp, nhưng hãy tin con, chẳng có chuyện gì đâu. Con đã bay rất nhiều lần mà đâu có gặp trục trặc gì đâu. Bố sẽ có thời gian thật thoải mái. Và hãy tưởng tượng bố sẽ có biết bao nhiêu chuyện để kể với những người bạn trong Câu lạc bộ thứ Hai. Họ sẽ háo hức nghe bố kể chuyện suốt cả ngày".

Một nụ cười từ từ nở trên môi bố và ông thừa nhận:

"Donal lớn mồm sẽ phải lắng nghe những câu chuyện thú vị hơn từ người khác. Bố nghĩ Maggie sẽ sắp xếp lịch cho bố, được rồi!".

"Cô Fran đến bên ngoài rồi kìa bố. Chúng ta phải đi thôi!".

"Khoan con, để bố xem lại mọi thứ đã ổn chưa!".

"Ổn hết rồi bố", tôi quả quyết. "Bố đã kiểm tra tổng cộng đến năm lần rồi".

"Con đừng bao giờ quá chắc chắn việc gì. Con có nghe chuyện tivi và lò nướng bị trục trặc nổ tung, và chủ nhà đi nghỉ về thì thấy đống tro tàn còn lên khói, chứ không phải cái nhà nữa không?". Ông kiểm tra các cầu dao, công tắc nhà bếp không biết bao nhiêu lần.

Cô Fran bóp còi xe lần nữa.

"Một ngày nào đó chắc bố phát khùng vì những tiếng còi xe bíp bíp này quá!". Ông cáu kỉnh, và tôi bật cười.

"Bố", tôi nắm tay ông, "Chúng ta phải đi thôi. Căn nhà sẽ ổn. Tất cả bạn bè hàng xóm của bố sẽ coi chừng nhà giùm bố. Hễ họ nghe tiếng động là sẽ nhìn qua cửa sổ liền. Bố biết điều đó mà!".

Ông gật đầu nhìn xung quanh.

"Chúng ta sẽ có nhiều điều thú vị. Bố đang lo cái gì nữa vậy?".

"Bố lo con mèo Fluffy, sẽ lại qua vườn phá phách mấy bụi hoa của bố, làm hư hết mấy cây đã yên thảo và cây mõm chó, rồi chẳng ai chăm sóc khóm cúc nữa. Chuyện gì sẽ xảy ra nếu có gió mạnh hay mưa lớn khi chúng ta đang ở xa?

Bố chưa đóng cọc bao xung quanh nó, nó có thể bị ngả hết. Con có biết phải mất thời gian bao lâu để cây mộc lan ra hoa không? Bố trồng nó hồi con còn bé xíu, lúc mẹ con còn nằm, để chân trần phơi nắng và cười với ông Henderson.

Ông này lúc nào cũng nhìn lén mẹ con ...".

Bíp. Bí ...p. Cô Fran nhấn còi lần nữa.

"Đi có mấy ngày thôi bố. Khu vườn sẽ ổn. Bố có thể sửa chữa lại ngay sau khi đi về mà".

"Được rồi", ông xem xét xung quanh lần cuối rồi đi ra cửa.

Tôi nhìn dáng ông lắc lư. Ông mặc bộ trang phục đẹp nhất của mình. Com lê, áo sơ mi, dây nơ, giày bóng loáng và cái mũ len. Ông trông như mới vừa bước ra khỏi tấm hình treo trên tường. Lúc đi ngang qua sảnh, ông đứng lại ở chiếc bàn, chạm nhẹ vào tấm hình của mẹ.

"Con biết không, mẹ lúc nào cũng muốn ở bên bố ...". Ông giả vờ lau bụi trên tấm kiếng nhưng thật ra là ông vuốt tay lên mặt mẹ.

"Mang mẹ theo với bố đi".

"Ồ không, thật không nên!". Ông quả quyết, nhưng rồi lại nhìn tôi một cách lưỡng lự. "Nên không nhỉ?".

"Con nghĩ ý đó hay mà. Cả ba chúng ta sẽ đi và sẽ có thời gian thật thú vị bên nhau".

Mắt ông ngấn lệ. Ông gật đầu, kéo nhẹ khung hình về phía mình và rời khỏi nhà trong tiếng còi xe của cô Fran.

"Fran, cô có ở đó không?". Bố gọi to trong lúc lắc lư đi ra cổng. "Cô đến trễ nhé, chúng tôi chờ cô lâu quá trời!".

"Tôi nhấn còi rất nhiều lần mà, Henry. Ông không nghe à?".

"Đây rồi!". Bố leo lên xe. "Cô phải nhấn còi mạnh thêm tí nữa:

ở trong đó chúng tôi chẳng nghe thấy gì cả".

Tôi đút chìa khóa vào khóa cửa, vặn nhẹ. Ngay lúc quay đi để ra xe thì chiếc điện thoại trong phòng khách reo vang lên. Tôi nhìn đồng hồ. Bảy giờ sáng. Ai mà gọi vào lúc sáng sớm thế này nhỉ?

Tiếng còi xe của cô Fran vang lên lần nữa. Tôi xoay người nhìn ra, thấy bố đang chồm qua vai cô Fran, ấn inh ỏi cái còi trên tay lái.

"Nhấn như vầy nè, Fran. Chúng tôi sẽ nghe. Nhanh lên con ơi, chúng ta phải bắt kịp máy bay!". Ông cười lớn, tiếng oang oang. Tôi đành phớt lờ tiếng chuông điện thoại, bước những bước dài ra xe với chiếc túi xách trên tay.

"Không có ai trả lời cả". Justin bồn chồn đi tới đi lui trong phòng khách.

Anh cố gọi thêm một lần nữa. "Tại sao con không nói chuyện này với bố hôm qua, Bea?".

Bea tròn xoe mắt. "Bởi vì con nghĩ chuyện đó chẳng có gì quan trọng cả.

Người ta ai chẳng có lúc gọi nhầm số. Con đâu biết cô ấy là ai!".

"Nhưng chuyện này không phải nhầm số". Anh dừng lại, mất kiên nhẫn.

"Lại chuyện gì nữa thế này?".

Máy trả lời tự động. Khỉ thật! Mình có nên để lại lời nhắn vào hộp thư thoại?

Anh nhấc điện thoại lên, vội vã quay lại số một lần nữa.

Chán trò gọi điện kỳ quặc của bố, Bea đong đưa chân trên chiếc ghế trong phòng khách, nhìn xung quanh căn phòng đầy bụi bặm với những bức tường sơn hàng tá mẫu màu. "Khi nào thì cô Doris mới dọn xong chỗ này hả bố?".

"Cô ấy còn chưa bắt đầu dọn nữa!". Justin ngắt lời, lại tiếp tục quay số.

"Ai đây ... ai đây ...". Doris xuất hiện trước cửa, miệng hát nghêu ngao, vẫn mặc bộ quần áo da beo ôm sát, mặt trang điểm đậm lét. "Cô mới học được bài hát này hôm qua, nghe dễ thương không?". Cô cười. "Bea bé con, rất vui gặp lại cháu!". Cô nhào tới ôm ghì đứa cháu gái. "Cô chú và cả bố cháu đều rất hồi hộp ... hào hứng ... háo hức với buổi trình diễn của cháu tối nay, cháu không thể tưởng tượng được đâu. Bé Bea của cô giờ đã lớn rồi, biểu diễn ở Nhà hát Hoàng gia cơ!". Giọng cô cao vút lên. "Ôi, thật là đáng tự hào, phải không Al?".

Al đi vào phòng với cái chân gà trên tay. Ậm ừ.

Doris nhìn chồng từ trên xuống dưới với thái độ chán ngán, sau đó thì quay lại với đứa cháu gái. "Chiếc giường đặt cho căn phòng trống đã được đưa đến vào sáng hôm qua. Thế là anh có cái để nằm khi ở lại rồi đấy, vui không?". Cô lườm Justin. "Em cũng đã mua sơn và mang mẫu vải về để thiết kế lại phòng cho anh, nhưng em chỉ thiết kế theo phong thủy thôi đấy nhé!".

Bea reo lên. "Ồ, quá tuyệt vời!".

"Cô biết chúng ta sẽ vui vẻ bên nhau như thế mà!".

Justin kín đáo lườm con gái. "Đừng tiết lộ thông tin đấy ...".

"Thông tin gì? Chuyện gì đã xảy ra?", Doris sửa sửa mái tóc và chỉnh lại cái nơ trên đỉnh đầu.

"Bố cháu lại đang vấn đề ...", Bea lúc lắc đầu.

"Cô đã nói bố cháu đi nha sĩ rồi mà không nghe. Cô bảo đảm là bố cháu bị sâu răng!". Doris nói như thật.

"Con cũng bảo bố", Bea đồng tình.

"Không, không phải chuyện đó. Người phụ nữ ...". Justin phản đối dữ dội.

"Em có nhớ chuyện người phụ nữ mà anh đã kể cho em nghe?".

"Phụ nữ nào, Sarah?", Al hỏi.

"Không phải?". Justin cáu.

"Anh lại vớ vẩn gì nữa đấy? Ai hiểu được anh nói cái gì ...".

Al nhún vai. "Nhưng hiểu rồi. Chắc chắn không phải Sarah, Sarah không thể khiến anh chạy sau xe buýt với tốc độ tối đa như thế!".

"Anh xin lỗi".

"Theo hộp thư thoại của cô ta ...", Justin cười nhẹ. "Có lẽ cô ta sẽ không bao giờ trả lời điện thoại nữa".

"Anh đang nói tới người phụ nữ chưa- gặp- đã- quen?", Doris há hốc mồm.

"Đúng rồi!". Justin hào hứng hẳn khi có người bắt được ý mình. "Cô ta tên là Joyce. Cô ta gọi cho Bea hôm qua!".

"Ai biết được có phải cô nào đó bố nói hay không". Bea phản ứng ngay, nhưng câu phản ứng của Bea dường như vô hiệu, chẳng ai thèm để ý. "Người phụ nữ gọi cho con hôm qua tên Joyce. Nhưng con tin rằng không phải chỉ có một cô tên Joyce trên thế giới!".

Phớt lờ cô cháu gái, Doris hỏi tiếp:

"Chuyện là thế nào? Làm sao anh biết tên cô ta?".

"Anh nghe ai đó gọi tên cô ta trên xe buýt. Và hôm qua Bea nhận được điện thoại, theo số khẩn cấp, từ một người phụ nữ ở Ai- len, cũng tên là Joyce. Nên nhớ rằng số điện thoại khẩn cấp của Bea chẳng ai có cả, trừ anh!". Justin dừng lại để tăng thêm hiệu ứng.

Im lặng. Justin ngẫm nghĩ thêm một lát rồi gật đầu tỏ vẻ đã hiểu vấn đề.

"Vâng, anh biết rồi, Doris!.

Doris bất động như vẫn chưa hiểu hết. Cô quay sang Bea.

"Cháu đã mười tám tuổi rồi. Vậy mà còn cho bố số điện thoại khẩn cấp?".

Justin lầm bầm bực bội và bắt đầu quay số lần nữa.

Hai má Bea ửng hồng. "Mẹ không để bố gọi điện thoại vào giờ này bởi vì khác múi giờ. Vì thế cháu và bố sử dụng một số điện thoại khác. Nó chẳng phải là số điện thoại khẩn cấp gì cả nhưng chỉ một mình bố mới có số đó. Cứ mỗi lần bố gọi là y như rằng có chuyện chẳng lành".

"Không đúng", Justin phản đối.

"Chắc chắn là như vậy", Bea đáp lại, vẫn luôn tay lật lật cuốn tạp chí.

Chọn đúng thời điểm để chen vào, Doris quay sang Justin. "Từ đầu, em đã nói chuyện người phụ nữ chưa gặp mà quen ...".

"Joyce, cô ta tên Joyce".

"Tên gì cũng được, nhưng anh chẳng có gì ngoài sự trùng hợp ngẫu nhiên.

Chuyện này ... khó hiểu thật!".

"Không phải là anh chẳng có gì, Doris. Anh có tên và bây giờ anh có số điện thoại!". Anh quỳ xuống trước mặt Doris, tay bóp chặt vào hai má làm miệng của cô chu ra.

Bea thở dài, nhìn bố và cô chú của mình đùa như trẻ nít.

Bố ngọ nguậy tí tẹo, chỉnh chỉnh tai nghe. Hai hàng chân mày rậm đen của ông nhướng lên.

"Cô sẽ nói với gia đình là tôi muốn gặp họ chứ, Fran?".

Bố nói với giọng lo lo.

"Dĩ nhiên, tôi sẽ nói, Henry. Ông sẽ có thời gian thú vị ở London nhé ...". Cô Fran nheo mắt cười với tôi qua kính chiếu hậu.

"Tôi sẽ thăm họ khi tôi trở về". Bố nói trong lúc nhìn theo một chiếc máy bay đang mờ dần trên bầu trời. "Nó biến mất sau đám mây rồi kìa", ông nhìn tôi một cách thiếu tự tin.

"Vâng", tôi cười.

Có vẻ nụ cười đó làm ông bớt căng thẳng. Cô Fran dừng ở nơi đỗ xe. Rất đông người hối hả xếp hoặc lấy hành lý, ôm nhau, trả tiền taxi. Nhiều chiếc taxi khác đang tấp vào.Bố đứng yên một chỗ, giống như cục đá bị ném vào dòng suối thu mình lại trong khi tôi linh kỉnh mang những chiếc túi xách ra khỏi cốp xe ở phía sau. Cuối cùng ông cũng bày tỏ được tình cảm yêu mến của ông với người phụ nữ hàng xóm cứ hay cự cãi lặt vặt. Sau đó, ông còn làm chúng tôi ngạc nhiên hơn bằng cách ôm cô Fran lúc chia tay, tất nhiên hơi ngượng nghịu.

Khi vào một trong những sân bay ồn ào và đông đúc nhất châu Âu, bố nắm chặt tay tôi, khi thì tay này lúc thì tay nọ, kéo theo cái túi tôi cho ông mượn. Tôi phải mất cả ngày để thuyết phục ông là nó không giống như túi sọc chéo của cô Fran, cũng không phải là túi xách của những bà lão thường hay sử dụng khi mua sắm. Ông nhìn xung quanh và ông nhận ra cũng có những người đàn ông mang túi xách giống như mình. Ông có vẻ rất vui, dù có chút bối rối. Hai bố con đi đến quầy đăng ký chuyến bay.

"Con định làm gì? Đi rút tiền à?".

"Đây không phải là máy rút tiền, là quầy đăng ký chuyến hay đó bố".

"Không có ai để chúng ta trình báo sao?".

"Không, cái máy này làm tất!".

"Bố chẳng tin mấy cái máy kiểu này đâu". Ông nhìn qua vai người đàn ông bên cạnh. "Xin lỗi?".

Người đàn ông nói một tràng tiếng Ý. Bố cười. Nhưng nụ cười méo xệch.

"Gì thế con?".

"Mi dispiace tanto, signore, la prego di ignorarlo, è un vecchio sciocco e non sa cosa dice".

Tôi xin lỗi người đàn ông Ý, giải thích đôi chút về bố. Ông ta không có vẻ gì khó chịu, chỉ lịch sự đáp lại nụ cười của tôi và tiếp tục công việc đăng ký chuyến bay.

"Con nói tiếng Ý?". Bố nhìn tôi đầy kinh ngạc nhưng tôi chưa kịp trả lời thì bố đã ra dấu im lặng để nghe thông báo.

"Ô, Gracie, có thể thông báo đó là cho chúng ta. Thôi đi nhanh lên!".

"Chúng ta còn hai giờ nữa mới bay".

"Tại sao chúng ta lại đến sớm thế?".

"Phải đến sớm thôi bố". Tôi cảm thấy mệt. Càng mệt tôi càng trả lời ngắn.

"Ai nói?".

"Bảo vệ".

"Bảo vệ nào?".

"Bảo vệ sân bay. Đằng kia!". Tôi hất đầu về hướng những người bảo vệ đang kiểm tra hành lý.

"Chúng ta đi đâu bây giờ?", ông hỏi trong khi tôi lấy thẻ lên máy bay từ chiếc máy.

"Đi gửi hành lý".

"Chúng ta không thể mang nó theo cùng sao?".

"Không".

"Xin chào", cô gái đứng sau quầy tươi cười nhận lấy hộ chiếu của tôi và chứng minh nhân dân của bố.

"Xin chào", bố đáp lại vui vẻ, một nụ cười ngọt ngào quá sức tưởng tượng xuất hiện tươi rói trên khuôn mặt với những nếp nhăn cau có của bố. Tôi tròn xoe mắt. Ông luôn luôn là người thích thu hút phụ nữ.

"Chị có mấy túi xách?".

"Hai".

"Chị tự sắp xếp hành lý?".

"Vâng".

"Không". Bố thúc cùi chỏ vào tôi và nhướng mày. "Con xếp hành lý cho bố, Gracie!".

Tôi thở dài. "Vâng, nhưng bố cũng ở đó với con mà. Chúng ta cùng xếp hành lý!".

"Cô ta không hỏi vậy ...", ông quay lại cô tiếp tân. "Như vậy có được không cô?".

"Vâng, được ạ!", cô tiếp tục, "Có ai yêu cầu chị mang dùm bất kỳ thứ gì lên máy bay?".

"Kh. ....".

"Có", bố ngắt lời. "Gracie bỏ đôi giày trong túi xách của tôi vì túi xách của con gái tôi không còn chỗ. Chúng tôi đi có vài ngày mà cô biết không, nó mang theo đến ba đôi giày. Ba đôi đấy!".

"Cô có mang các vật nhọn nguy hiểm trong túi xách tay, như kéo, nhíp, hộp quẹt..?".

"Không", tôi trả lời.

Bố lúng tung không phản ứng gì.

"Bố", tôi thúc khuỷu tay vào ông, "Nói với cô ấy là không đi".

"Không", cuối cùng ông cũng trả lời.

"Tốt lắm", cô tiếp tân cười duyên dáng. "Chúc chuyến đi tốt lành". Cô đưa lại giấy tờ cho chúng tôi.

"Cảm ơn. Cô có màu son môi đẹp lắm!". Bố nói thêm trước khi bước đi.

Tôi hít thật sâu khi đến cổng kiểm tra an ninh và tự nhắc mình rằng đây là lần đầu tiên bố đi máy bay, rằng bố đã lớn tuổi và có hàng loạt vấn đề muốn hỏi.

"Bố thấy vui không?". Tôi hỏi, cố gắng tạo nên không khí vui vẻ.

"Vui cuồng nhiệt, con ạ!".

Tôi lấy túi nylon nhựa trong suốt để đựng mỹ phẩm và thuốc của bố. Rồi chúng tôi xếp hàng đi qua cổng kiểm soát.

"Bố cảm thấy chúng ta giống như con chuột", ông bình luận. "Có phó mát cuối đầu kia không con?". Ông cười. Sau đó thì chúng tôi đi qua máy dò kim loại.

"Chỉ cần làm theo lời họ bảo", tôi nói với bố trong khi cởi dây nịt và áo vét tông. "Bố sẽ không gây ra chuyện gì phiền phức chứ?".

"Phiền phức? Tại sao bố phải gây ra phiền phức? Con làm gì thế? Tại sao con phải cởi áo khoác và dây nịt, Gracie?".

Tôi lầm bầm.

"Thưa ông, xin ông vui lòng cởi giày, dây nịt, áo khoác và mũ!".

"Cái gì?", ông cười với anh nhân viên an ninh.

"Cởi giày, dây nịt, áo khoác và mũ".

"Tôi chẳng làm như vậy đâu. Anh muốn tôi đi vòng quanh trên sàn mà chỉ mang vớ thôi ấy à?".

"Bố, làm theo đi!". Tôi bảo ông.

"Nếu bố cởi dây nịt, quần bố sẽ tụt xuống!", ông tức giận.

"Bố có thể lấy hai tay giữ quần lại", tôi ngắt lời.

"Chúa ơi", ông kêu lớn.

Anh nhân viên an ninh nhìn sang mấy người đồng nghiệp.

"Bố, làm đi!". Tôi nói kiên quyết hơn. Hàng dài những người khách du lịch đang cáu tiết đứng phía sau chúng tôi. Họ đã cởi giày, dây nịt và áo khoác ra sẵn.

"Vui lòng lấy hết đồ trong túi ông ra". Một người an ninh già trông rất bực tức bước tới.

Bố ngập ngừng.

"Ô, bố! Đây không phải trò đùa. Bố hãy làm theo đi!".

"Tôi có thể lấy đồ trong túi ra mà không có mặt của cô ấy?", ông chỉ sang tôi.

"Không, ông phải làm ngay đây".

"Con chẳng nhìn đâu". Tôi quay sang chỗ khác.

Tôi nghe tiếng rõ lớn khi bố lấy đồ trong túi ra.

"Thưa ông, chúng tôi đã nói với ông là không được mang những thứ này theo người mà".

Tôi quay lại, thấy nhân viên an ninh đang cầm nào hộp quẹt, nào đồ cắt móng tay, nào bao thuốc trong cái hộp có hình của mẹ. Và cả trái chuối nữa.

"Bố!". Tôi kêu lên.

"Xin vui lòng ra khỏi chỗ này!".

"Đừng nói với con gái tôi như vậy. Tôi không biết là tôi không được mang chúng theo. Cô kia nói kéo, nhíp và ...".

"Vâng, chúng tôi hiểu, thưa ông. Nhưng chúng tôi buộc phải lấy những thứ này của ông".

"Nhưng đó là cái hộp quẹt tốt nhất của tôi, anh không thể lấy được! Và tôi phải làm sao nếu không có bấm móng tay?".

"Chúng ta sẽ mua cái mới", tôi nói trong sự chịu đựng.

"Còn bây giờ thì bố hãy làm theo những gì họ bảo".

"Vâng", ông phẩy tay thô bạo với họ, "Giữ những cái này đi".

"Thưa ông, vui lòng cởi mũ, áo khoác, giày và dây nịt".

"Ông ấy già rồi", tôi nói nhỏ với người nhân viên an ninh để những người phía sau không nghe thấy. "Ông cần cái ghế ngồi để cởi giày. Và ông cũng không nên cởi giày bởi vì nó là giày cho người có tật. Anh có thể cho ông qua không?".

"Chiếc giày bên phải, chúng tôi phải kiểm tra". Người nhân viên giải thích nhưng bố nghe lỏm được và hét toáng lên bực tức. "Anh nghĩ là có BOM trong đôi giày của tôi à? Ai mà ngốc như thế? Anh nghĩ tôi để BOM trước trán, phía dưới cái mũ hay ở thắt lưng? Trái chuối của tôi có phải là cây SÚNG không?".

Ông vẫy trái chuối trước mặt người nhân viên, và làm tiếng súng nổ. "Tất cả các anh điên hết rồi à?".

Bố đưa tay lấy cái mũ. "Hay có thể tôi có lựu đạn ở dưới ...".

Ông không có cơ hội để kết thúc câu bởi vì một quan cảnh hỗn loạn lập tức xảy ra trước mắt tôi. Cả hai bố con được đưa tới căn phòng nhỏ giống như phòng tạm giam và được lệnh ngồi chờ.
Bình Luận (0)
Comment