Cầm Thú Đại Chiến

Chương 68

Sau khi Trần Gia Lạc mất việc, Tạ Hồng Anh bất đắc dĩ phải trông nom, cùng con ở lại thành phố hơn nửa năm.

 Trong hơn nửa năm này, trong lòng Tạ Hồng Anh luôn đau xót, nhìn con trai mình ngày ngày đi tìm việc làm, ngày ngày bị từ chối, tính nết ngày một tệ đi, Tạ Hồng Anh đã rơi không ít nước mắt.

Mấy công ty không có mắt đó, rõ ràng có nơi đã thông báo cho con bà hai ngày sau tới phỏng vấn, nhưng đến hai ngày sau, lúc con bà đến phỏng vấn, cái thứ đểu giả đó lại nhìn con bà với ánh mắt hết sức kì lạ, rồi cười ha hả trả lại hồ sơ cho con bà.

  Tạ Hồng Anh từng nghe con mình nói, bọn người đó chỉ là mượn cớ, nói rằng cái công ty gì đó con bà làm ngày trước, không giống với ngành nghề của họ, khiến Trần Gia Lạc vừa về đã mở miệng chửi mắng, vương vãi rượu khắp phòng, uống say rồi lại chửi tiếp, chửi xong thì nôn, nôn xong … Tạ Hồng Anh chỉ biết lau nước mắt vác con lên giường ngủ.

  Mấy ngày đầu, Tạ Hồng Anh còn có thể bắt Vương Hiểu Hân làm theo ý mình, la mắng cô gái mà trong mắt bà là vô dụng này chăm sóc cho con bà nhưng sau đó, đến Vương Hiểu Hân cũng bỏ đi, những chuyện thế này lại đến tay Tạ Hồng Anh.

  Trong lòng Trần Gia Lạc không vui, uống rượu xong là gây rối, căn hộ họ thuê càng ngày càng bé, những người xung quanh cũng bắt đầu dị nghị, mỗi lần Trần Gia Lạc gây rối xong Tạ Hồng Anh lại phải ra cửa cãi vã một trận.

Tuy vẫn may Tạ Hồng Anh cãi nhau với người ta cũng có kinh nghiệm rồi, trước giờ vốn chưa bao giờ thua, nhưng không ngờ, sau ba tháng họ thuê căn hộ, chủ nhà nhất quyết không cho họ ở thêm nữa.

  Vậy là Tạ Hồng Anh chỉ có thể mang hết đồ đạc, dắt theo con trai mặt mày ủ rũ của mình trở về quê.

 Thực ra, người không muốn về quê nhất chính là Tạ Hồng Anh.

 Lúc đầu, Tạ Hồng Anh được Vương Hiểu Hân mời lên thành phố, thì dương dương tự đắc bỏ đi, bà nói với những người khác rằng, con bà muốn đón bà đi hưởng phúc, đi hưởng tuổi già, mà giờ… lại lủi thủi dắt thằng con người không ra người ngợm không ra ngợm về đó, thử hỏi Tạ Hồng Anh còn mặt mũi nào nữa.

  Vậy nên thời gian về là lúc tối, nhân lúc mọi người ngủ say rồi, Tạ Hồng Anh dắt theo con, vác theo cái bao to, cứ thế lén lút vào trong làng.

 Nhưng Tạ Hồng Anh lại không biết, gần đây trong làng hay có trộm, có hai nhà bị mất trộm gà, còn có nhà thấy dấu chân trong chuồng trâu.

  Phải biết rằng, trâu cày ở nông thôn là chuyện lớn. Tuy giờ rất nhiều loại máy móc, nhưng người ta chỉ là hộ nhỏ, lấy đâu ra tiền mua mấy thứ như thế.

  Vậy nên, về cơ bản, một đội sản xuất mới có một hai con trâu cày, bao nhiêu người chăn người nuôi, đến mùa thu hoạch, cùng nhau dùng. Mấy tên trộm ở quê cũng đều biết điều này, vốn không bao giờ liều mạng đụng vào nó. Anh trộm gà trộm vịt, chẳng ai thèm chấp anh, nhiều nhất cũng chỉ có mấy bà chanh chua đanh đá chửi bới nguyền rủa mấy hôm, nhưng giờ anh mà dám đụng vào trâu cày, kể cả những người nông dân dốt nát, cũng phải đi báo án!

  Thế là, Tạ Hồng Anh tay lôi một người lớn lúng ta lúng túng, vác theo cái túi vừa to vừa nặng, lúc vào làng trông như thể kẻ trộm. Chỉ nghe thấy mấy tiếng chó sủa, bà còn chưa kịp nhận ra điều gì, chó giữ nhà tứ phía xung quanh cũng sủa theo, rồi đèn trong làng đều bật lên.

 Rồi thấy trong nhà gần cổng làng nhất, một lúc có mấy người đàn ông chạy ra, có người chậm tay chậm chân, vừa hét “DKM” (bà con tự hiểu) vừa mặc áo. Còn người tay chân nhanh nhẹn thì đã nhặt đòn gánh xông tới trước mặt Tạ Hồng Anh còn đang ngơ người ra.

  Trần Gia Lạc có chán nản thế nào, do dự thế nào, nhìn thấy cảnh như thế này cũng phải tỉnh ra, một tay đỡ lấy cái đòn gánh đó, một tay đẩy Tạ Hồng Anh ra, rồi gào lên : “Các anh định làm gì?”

  Đèn trong làng không chiếu được tới đây, vốn đã không nhìn rõ rồi, Trần Gia Lạc lại lâu rồi không về quê, mọi người đều không quen giọng của anh. Lại thêm việc dạo này anh liên tục nát rượu, tự giày vò bản thân, sớm đã trông không ra người, còn ai nhận ra anh ta nữa.

  Từng nhà từng nhà trong làng, đều bị tiếng chó sủa với tiếng ồn ào làm tỉnh dậy, lần lượt bật đèn lên, không ít người còn mặc áo đeo giày, hỏi “Chuyện gì thế? Chuyện gì thế?”, tay đã cầm sẵn đòn gánh, cuốc xẻng, gậy gộc. Thậm chí có người đã tháo xích thả chó ra rồi.

  Trần Gia Lạc hoảng hồn, kéo đòn gánh trên tay một cái, định kêu lên, nào ngờ giọng của đối phương át hết giọng anh, vừa phát hiện “vũ khí” của mình bị tước mất, lập tức hô hào mấy người vai u thịt bắp phía sau: “Mau tới đây, mau tới đây đi! Thằng trộm chó chết này, để tao cho nó một trận! Mẹ nó, dám trộm gà nhà ông! Xem ông đánh gãy chân nó đây!”

Trần Gia Lạc còn chưa kịp giải thích gì, chỉ kịp kêu lên một tiếng, tay đã bị người ta bẻ ra sau, xương kêu cách một tiếng, thêm một cái thúc mạnh, bụp một tiếng rồi ngã cắm đầu xuống đất, khiến câu: “Là tôi! Đừng đánh! Đừng đánh!” của Trần Gia Lạc trở thành: “Ư… Ư…” , sau đó thấy lưng quặn đau.

Trần Gia Lạc kêu lên một tiếng, toàn thân giật giật, nhưng chưa kịp bât lên thì đã bị người ta đánh một cách tàn nhẫn, lại đổ rầm xuống đất.

  Tạ Hồng Anh bị những người chạy đến xem quây kín, lúc này cũng coi như hoàn hồn rồi nhưng không tài nào chen vào trong được, chỉ nhìn thấy bóng người này người nọ, đầu người nhấp nhô, người bên trong ai ai cũng giận dữ, còn có người lớn tiếng: “Đánh cho ông! Đánh chết thằng chó đó cho ông! Mẹ nó!”, Tạ Hồng Anh cũng không còn để ý mặt mũi gì nữa, cứ thế vừa khóc vừa gào: “Đừng đánh! Đừng đánh nữa! Là con trai tôi đấy!”

 Có người cầm đèn pin soi qua hướng Tạ Hồng Anh, Tạ Hồng Anh bị soi chói cả mắt, quay mặt đi chỗ khác. Chỉ nghe thấy có tiếng đàn bà kêu: “A! Đây chẳng phải con dâu nhà họ Trần sao! Ôi trời, dừng tay dừng tay! Đừng đánh nữa! Nhận nhầm người rồi!”

  Mấy người đàn ông đang sôi nổi bỗng ngơ ra, các bà ra can chồng mình, Tạ Hồng Anh nước mắt nước mũi ròng ròng chạy tới, bới con mình ra từ hố bùn , đèn pin được soi tới, thấy Trần Gia Lạc đang khe khẽ khóc, trên mặt chỗ tím chỗ bầm, lại thêm một vết chân nữa.

Tạ Hồng anh khóc rống lên, ôm đứa con đang run run kêu đau mà rống: “Con của tôi! Thằng con đáng thương của tôi! Lũ người đáng chết này!”

  Người xung quanh đưa mắt nhìn nhau, cảm giác ăn năn lúc nhìn bộ dạng thảm hại Trần Gia Lạc hết sạch khi nghe được mấy câu chửi này . người vừa rồi đánh tàn nhẫn nhất, cho Trần Gia Lạc cả cái đòn gánh mắng lại: “Khóc! Khóc gì mà khóc! Mẹ nó! Nếu không phải tại nó chả nói câu nào, bọn tôi có đánh tàn nhẫn thế không? Ai bảo mẹ con nhà bà len lén lút lút như kẻ trộm thế!”

mắt Trần Gia Lạc sưng vù, môi thì toàn bùn đất, cũng không biết khu ruộng này thường ngày có phải hay thả gà thả vịt hay không, cái vị trên môi … Trần Gia Lạc chỉ thấy buồn nôn. Lúc này dù có nghe thấy mấy câu ngứa tai vậy, anh cũng chẳng nói được, môi anh cử động nhẹ, cũng đã đau lắm rồi.

  Tạ Hồng Anh cũng hoảng sợ, ôm chặt con mình nhìn đám người đang lúng túng đứng quanh một cách căm hờn: “Các người … Các người … Việc tốt các người làm! Tôi nói cho các người, hôm nay tôi ghi rõ lại! Các người đền con cho tôi! Đền con cho tôi! ”

  Ai mà không tức được chứ, đánh hội đồng vốn dĩ là không đúng nhưng Tạ Hồng Anh mắng nhiếc như thế, có ngay một bà đáp trả: “Được thôi! Bà không muốn Trần Gia Lạc bị bắt nạt, thì đi mà bắt nạt chồng tôi ấy! Là đàn bà dễ bắt nạt hơn đấy!”

Cũng có bà quen cãi vã với Tạ Hồng Anh rồi cũng chen vào: “Được rồi nhà họ Trần kia, con chị lén lén lút lút thế, lại vác bao nhiều đồ, ai biết anh ta là ai chứ? Ai lại nửa đêm canh ba về nhà bao giờ? Đến chút phong thanh cũng không thấy! Con trai bà không kêu được, bà đứng bên cạnh cũng không biết mà kêu à? Bà nói một tiếng là được, không nói rồi người ta tưởng bà là trộm đánh cho, còn trách được ai.”

  Tạ Hồng Anh tức không nói nên lời, nhưng hôm nay người bị bà mắng cũng không ít, tất cả đều đứng trên một con đường, giờ cũng đã xì xào nói với nhau.

  Phía này có tiếng “Phải đấy phải đấy, ai còn biết là con trai bà ấy chứ? Bao nhiêu năm không về rồi còn gì.”, phía kia có câu “Con trai thì không nhận ra, nhưng mẹ thì mới đi chưa được nửa năm, mà không biết nhờ ai đó báo trước? Đây chẳng phải tự làm tự chịu à?”

Tạ Hồng Anh đầu óc quay cuồng, cũng chẳng chen miệng vào đâu được.

  Dẫu sao việc cũng đã rồi, bị chửi cũng chửi rồi, đánh cũng đánh rồi, đứng dậy nhờ trai tráng cõng Trần Gia Lạc vào bệnh viện huyện, thu nhặt các đồ của Trần Gia Lạc bị rơi gửi về nhà.

  Thế là, Tạ Hồng Anh và Trần Gia Lạc lần này về quê, còn chưa nhìn thấy nhà, đã phải vào bệnh viện ở.

  Trần Gia Lạc đa phần chỉ bị thương ngoài da, ở chỉ hai ngày, rồi vì tiền thuốc men đắt đỏ mà ra viện, cầm theo một túi thuốc to, nhờ Tạ Hồng Anh dìu, hai người cúi đầu lẳng lặng về nhà.

  Lúc về nhà, hai mẹ con mỗi người một suy nghĩ, nhưng đều sợ người ta nhìn thấy. Thế là, Tạ Hồng Anh bỏ ra mấy ngày trời quét dọn căn nhà đầy bụi của mình, không dám ra khỏi nhà, sợ bị người ta châm chọc.

  Bà như thế này, còn gì để người ta nhìn vào nữa? Nhớ lại ngày trước khoe khoang kiêu ngạo, Tạ Hồng Anh xấu hổ chỉ muốn chui đầu vào trong cổ áo.

Trần Gia Lạc cũng không biết có phải bị trận đánh này làm ngu muội đi không, không còn ra hình người nữa.

  Cả ngày chẳng để ý cái gì, chỉ biết uống rượu, Tạ Hồng Anh mắng cũng mắng rồi, đánh cũng đánh rồi, thực sự không còn cách nào với anh nữa.

  Đây là đứa con duy nhất của bà, từ bé đến lớn luôn ở bên cạnh bà, dù nghèo dù khổ, cũng chưa bao giờ bà để con thiệt thòi, thấy con mình thời gian gần đây đáng thương như thế, Tạ Hồng Anh cũng không thể nào từ bỏ được.

  Tạ Hồng Anh đã quen hưởng thụ mấy năm rồi giờ lại phải toan tính mọi việc, lo trồng trọt, lo trông nom con mình. Tạ Hồng Anh nghĩ, hay là, lấy vợ cho nó nhỉ? Ôi dào, cũng không được, con bà đang sống tốt là thế, nếu không phải bà xen vào, có khi, giờ cũng có cháu bế rồi cũng nên.

  Tạ Hồng Anh càng nghĩ, càng thấy tội lỗi với con, Tuy hàng ngày bà khuyên con đừng uống rượu, chú ý sức khỏe, nhưng khi con xin tiền thì bà vẫn đưa. Nhưng không ngờ, chỉ qua mấy ngày, Trần Gia Lạc lại vướng vào cờ bạc.

  Khi có mấy thanh niên bặm trợn đến nhà đòi tiền, Tạ Hồng Anh tức run người. Nếu không có người trong làng nhìn thấy, gọi người tới giúp, chỉ sợ căn nhà mà Tạ Hồng Anh vất vả xây nên giờ cũng không còn.

  Từ lần đó, đàn bà trong làng cũng không cố ý châm chọc trước mặt Tạ Hồng Anh nữa, tuy sau lưng vẫn bàn tán xôn xao, nhưng cũng không tùy ý như trước nữa. Nhưng sự thông cảm của những người đó, lại làm Tạ Hồng Anh càng tức hơn: sự thông cảm đó, từ khi bà được gả về, từ khi bà trở thành góa phụ, đã luôn luôn đi theo bà. Bà không cần!

  Đêm hôm đó, Tạ Hồng Anh cuối cùng cũng đặt quyết tâm, Phải tìm bằng được một người vợ cho con!

  Tạ Hồng Anh vất vả lắm mới tìm được một đám trong làng, cô gái đó bà cũng gặp một lần, là người thật thà chăm chỉ, tuy có hơi nhiều tuổi một chút, hơn con trai bà hai tuổi, còn đã từng li hôn, nhưng tốt xấu thì vẫn là gái chưa có con, ở cái tuổi này, gái chưa có con không nhiều nữa. Thậm chí vẻ ngoài thế nào Tạ Hồng Anh cũng không để ý nữa. Bà cũng thấy nhiều rồi, những cô gái vẻ ngoài đẹp, thì đều chẳng có ai tốt! Nếu đã vậy, cứ thật thà chất phác, mới không lăng nhăng ong bướm, mới là tốt.

  Tạ Hồng Anh phải nói mãi mới bảo được đứa con nát rượu mặc bộ vest lâu rồi không đụng đến, cắt gọt đầu tóc râu ria, hầy, đẹp trai nho nhã khỏi nói.

  Tạ Hồng Anh Càng nhìn càng thích, trong lòng nghĩ: “Đừng nói cái đất này, kể cả ở thành phố lớn, cũng chưa chắc tìm được đứa đẹp trai như con trai mình đâu! Cô gái kia kiểu gì cũng bị con trai mình hút hồn.”

Gặp nhau ở một quán ăn nhỏ, Tạ Hồng Anh cũng đã gặp cô gái ấy và mẹ của cô, cô gái ngẩng đầu nhìn lên, trông có vẻ thẹn thùng không tự nhiên.

  Tạ Hồng Anh quay sang nhìn, cười thầm trong lòng, lập tức thẳng người trở lại: “Không hổ là con trai mình! Nhìn vẻ ngoài này! Đẹp trai vậy cơ mà!”

  Tạ Hồng Anh hớn ha hớn hở kéo con trai qua phía đó, cũng không để ý con trai mình nghĩ gì, như thể là theo bước bà tới nơi nào đen tối, càng ngày càng tối …

  Vậy là, đến trước bàn ăn, đợi đối phương đứng dậy, Tạ Hồng Anh chuẩn bị mở miệng giới thiệu, Trần Gia Lạc vung tay Tạ Hồng Anh ra, giận dữ chỉ vào cô gái mà nói: “Đây là cô gái mẹ tìm cho con à? Chỉ thế này thôi à? Muốn cưới thì mẹ đi mà cưới? Con không cần”

  Một mùi thuốc nồng phả vào mặt Tạ Hồng Anh, Tạ Hồng Anh còn chưa kịp hiểu ra chuyện gì, Trần Gia Lạc đã vùng vằng bỏ về. Đợi Tạ Hồng Anh hết hoảng nhận ra con mình nói gì, thì thấy cô gái đối diện nước mắt đầy mi, mẹ của cô gái tức giận nói: “Đàn ông như thế à, sao lọt vào mắt con gái nhà tôi! Chút bản lĩnh cũng đếch có, cái loại đàn ông khốn nạn chỉ biết dựa vào mẹ xin tiền! Đi thôi con!” nói xong, cả bàn đi hết, đến cơm còn chưa đụng tới.

  Qua sự việc này, tính cách kí quái của Trần Gia Lạc được đồn ầm lên, không ai muốn giới thiệu con mình hay người thân cho nhà đó nữa, Tạ Hồng Anh vác mặt đến không biết bao nhiêu nhà, đến đâu cũng bị từ chối, cuối cùng cũng phải từ bỏ.

Tạ Hồng Anh vừa giận vừa lo, vừa cảm thấy mất mặt, cứ thế, Trần Gia Lạc vẫn không quan tâm gì, cả ngày không làm ăn gì chỉ uống rượu cờ bạc, Tạ Hồng Anh bị dọa mấy lần, chửi mấy lần, cuối cùng ăn cũng không nổi.

  Tuổi bà cũng không hẳn đã cao nhưng nuôi Trần Gia Lạc từ bé đến lớn, vốn cũng chịu khổ bao nhiêu rồi. Sau này Trần Gia Lạc hiếu thuận, chăm sóc tốt cho bà, thực sự cho bà hưởng thụ mấy năm. Nhưng, sướng mãi quen rồi khổ không chịu được, Tạ Hồng Anh đã quen với cách sống nhàn hạ, tự nhiên một ngày trời sập xuống, cái gì cũng đến tay bà, ngay cả hoa màu mấy năm không trồng trọt gì cũng mình bà quản lí. Gặp phải mùa thu hoạch, một mình bà già yếu, dù có nhờ thêm bao nhiêu người, thì cũng mệt đứt hơi rồi.

  Cứ thế vừa tức vừa vội vừa mệt, trong lòng còn tủi thân, sau một thời gian, cơ thể cũng không thể chịu được.

Lúc Tạ Hồng Anh ra đi, đang là mùa đông.

  Trần Gia Lạc râu ria rậm rạp khắp mặt quỳ trước giường bà, mấy năm nay, lần đầu tiên anh khóc thảm thiết, miệng cứ lẩm bẩm: “Mẹ! Mẹ đừng dọa con! Mẹ, đều là lỗi của con, con biết lỗi rồi, mẹ dậy đi mẹ!”

  Ngón tay Tạ Hồng Anh từng béo tròn giờ thì gầy trơ xương, mu bàn tay vàng vọt, cái nhẫn vàng trên tay thì không còn thấy nữa.

  Trần Gia Lạc khóc hết nước mắt, Tạ Hồng Anh cũng coi như trút được bực tức, gắng hết chút sức lực cuối cùng nhắc nhở con: “Gia Lạc, mẹ cũng chẳng có tâm nguyện gì khác, chỉ mong … chỉ mong con sinh cho mẹ đứa cháu. Con … con hãy cưới đi, sinh con đi … nhớ … nhớ nói với mẹ một câu…”

  Tạ Hồng Anh cứ thế ra đi, Trần Gia Lạc cuối cũng cũng thoát khỏi mê muội, nhưng giờ còn cô gái nào chịu cưới anh nữa?

  Tạ Hồng Anh tự hào nhất anh là sinh viên, học bao nhiêu thứ, lúc anh nghèo khó thiếu thốn, những thứ đó lại chẳng để làm gì. Mà ở nông thôn, mấy việc gieo mạ, cày cuốc, Trần Gia Lạc trước giờ đã làm bao giờ, học mãi không làm được. Mấy năm sau, nghĩ lại cuộc sống ngày trước ở thàng phố, nghĩ lại người vợ xinh đẹp hiền dịu từng ở bên mình, như thể chỉ là một giấc mơ.

  Trần Gia Lạc hơn bốn mươi tuổi, cuối cùng cũng có chút của cải, nhà cửa sửa mới, cưới được cô vợ.

  Vợ anh là người nơi khác, người ta mai mối, eo thô bụng tròn, nói chuyện to tiếng, vang đến cả bên kia dốc cũng nghe thấy.

  Bà mai nói vợ như thế này dễ nuôi, biết làm việc, Trần Gia Lạc lúc đó cũng chẳng còn đẹp trai tuấn tú như hồi trẻ, cứ thế gật đầu đồng ý, cho bà mai một khoảng tiền lớn, đem bản sao giấy chứng nhận kết hôn đốt trước mộ Tạ Hồng Anh.

Kết quả, mới cưới được hai tháng thì còn tốt, chẳng bao lâu sau, cô dâu đó đã hiện nguyên hình.

  Thì ra, người phụ nữ này vô cùng cay nghiệt, lần trước kết hôn, chỉ thích đánh đập chồng, cãi vã với cả làng, anh chàng đó không chịu nổi cô, lại không có cách nào đối phó, may mà anh em trong nhà cũng ra mặt, tìm người chỉnh đốn cô ta một trận, cô ta sợ rồi, thì cũng li hôn xong. Sau này tìm người mai mối, gả đến nơi không ai biết cô ta là ai .

  Thực ra cô ta cũng là người có năng lực, chuyện đất đai nhà cửa đều có thể quản lí. Chỉ là tính cách mạnh bạo thái quá. Gặp Trần Gia Lạc, nhìn anh tuy là người quê mùa từ đầu tới chân, nhưng bề ngoài lại hơn hẳn anh chồng cũ. Cô gái nào mà không thích đẹp chứ? Cô ta cũng yên tâm vui vẻ chịu gả cho anh.

Ai ngờ rằng, Trần Gia Lạc chỉ được cái vẻ bề ngoài.

Chuyện đồng ruộng làm không ra gì thì chẳng nói rồi, ngay cả chuyện giường chiếu… dù là người sống một mình gần hai chục năm như Trần Gia Lạc cũng không đáp ứng nổi cô này.

  Người phụ nữ này quản lí hết mọi việc trong nhà, trừ khi làm việc trên giường ra còn lại đều không coi Trần Gia Lạc ra gì.

  Giang sơn dễ đổi bản tính khó dời, tính cách cô ta vốn đã không tốt, dù nói dù mắng không có tác dụng, cô ta bắt đầu động tay động chân.

Lúc đầu Trần Gia Lạc còn đánh trả, đến nỗi hàng xóm đều đến khuyên nhủ, sau này nhiều rồi, hàng xóm cũng coi như không thấy gì, trừ bọn trẻ con thích hóng hớt ra, không ai quan tâm nữa.

Trần Gia Lạc dù có đánh, cũng không ác bằng phụ nữ, cầm cái gì cũng dám đánh, bất kể là đòn gánh hay dao thái rau. Trần Gia Lạc lúc đầu còn mạnh tay, lúc sau thì sợ, mà đã sợ rồi, làm sao phản kháng lại được nữa.

Thế là cứ vài ngày, không theo ý vợ, Trần Gia Lạc lại bị đánh. Suốt mấy năm qua, tính cách Trần Gia Lạc càng giống một đống mùn nhão, không dám nói gì hết, ngoan ngoãn đến đáng thương.

Cưới được bốn năm năm, cô ta cũng mang thai.

Trần Gia Lạc giờ mới vui vẻ một chút, kết quả sinh ra lại là bé gái, mà dáng vẻ, lại giống vợ hơn.

Trong lòng Trần Gia Lạc có chút không ưng, nhưng không ưng thì để làm gì? Tuổi anh cũng lớn rồi, chắc gì sinh được tiếp, việc nhà thì cái gì cũng là vợ quản, tuy cuộc sống tốt hơn lúc anh ở một mình, nhưng Trần Gia Lạc trước giờ vẫn cảm thấy không vui.

Trần Gia Lạc cùng vợ vui vẻ ôm đứa con sáu tháng đi chụp bức ảnh cả gia đình, đốt đi cho mẹ. Rồi lúc đốt, Trần Gia Lạc không chịu được khóc, bò ra trước mộ mẹ mình khóc không nên lời.

Vợ anh lần này không nói gì, hừ một tiếng rồi bế con về.

Trần Gia Lạc bò ra trước mộ, muốn nhớ lại cuộc sống ngày xưa, lại nhận ra, không thể nhớ ra điều gì nữa, ngay cả khuôn mặt của người vợ hiền dịu, cũng đã mờ nhạt trong kí ức của anh.

Anh hối hận, hối hận lắm, nhưng giờ thì để làm gì.

Trời tối, vợ gọi Trần Gia Lạc về ăn cơm, Trần Gia Lạc lau nước mắt, rồi cúi đầu men theo bờ ruộng đi về.
Bình Luận (0)
Comment