Cẩm Y Vệ

Chương 977

Nắm đại quyền, trong thiên hạ đâu cũng là đất của Hoàng đế, muốn chút bạc không phải là dễ dàng sao, Vạn Lịch hăng hái bừng bừng bắt tay vào làm.

Đầu tiên y nghĩ đến chuyện tăng thêm kim hoa ngân, nhưng kế hoạch này bị Hộ bộ phản đối mãnh liệt. Rất nhiều Ngự Sử ngôn quan không có hảo ý nhìn Hoàng đế, hy vọng có thể lừa gạt một trận đình trượng, để được đãi ngộ giống như các vị tiền bối Hải Thụy, Dư Mậu Học, Triệu Dụng Hiền, Ngô Trung Hành.

Vạn Lịch không thể làm gì khác hơn là cuốn cờ dẹp trống, sau đó lại vươn tay về phía mỏ bạc tích lũy đã nhiều năm ở Vân Nam. Lần này Hộ bộ không gây náo loạn, đổi lại là Vân Nam đạo giám sát Ngự Sử, Vân Nam Tuần Phủ và Bố Chính Sứ ty, bọn họ bày ra khí thế phục vụ vì dân, tỏ vẻ dù cho rơi đầu cũng không tiếc. Sau khi Vạn Lịch thỏa hiệp thỉnh thoảng cũng sinh lòng nghi ngờ, không biết số bạc kia có phải đã sớm rơi vào túi của những kẻ phục vụ vì dân kia hay không.

Cuối cùng Vạn Lịch rơi vào tuyệt lộ sử xuất một chiêu cuối cùng, y phái thái giám nhận chức giám sát sứ mỏ thuế, đi tới các nơi thu thuế cho mình. Sự thật chứng minh đây vẫn là thủ đoạn kém cỏi, bọn thái giám vô cùng hưng phấn thu bạc mang về nhà mình, chỉ chừa lại chút đỉnh đối phó Hoàng đế. Đám quan văn thanh lưu khai hết hỏa lực, ra sức công kích Hoàng đế tranh lợi với dân. Thật ra thì dân trong lời sĩ đại phu chính là bản thân bọn họ, bởi vì ích lợi của mỏ quặng và buôn bán luôn luôn thuộc về bọn họ.

Không làm bếp không biết giá gạo củi, Vạn Lịch nhiều lần nếm mùi đau khổ, dần dần hiểu được tính quan liêu của triều Đại Minh được thành lập hai trăm năm qua, rốt cục khó đối phó tới mức nào.

Hiểu thì hiểu, cuộc sống vẫn phải tiếp tục, Hoàng trưởng tử, Hoàng thứ tử trước sau ra đời, Lộ Vương được ngoại phong, các nơi cần phải dùng tiền nhiều hơn, chi tiêu ngày càng tăng mạnh. Hai mươi vạn kim hoa ngân năm Vạn Lịch thứ sáu kia không đủ chi dùng, Chu Dực Quân giàu có tứ hải lại thường cảm thấy mình nghèo khố rách áo ôm.

Dĩ nhiên, mấy chục vạn lượng bạc nói thế nào cũng là một con số hết sức khổng lồ. Chỉ cần Vạn Lịch giảm bớt chi tiêu một chút, bên trong nội khố cũng còn dư dả. Bất quá nghèo cũng không thể là Hoàng đế nghèo, Vạn Lịch cầm quyền trong tay không còn ai bó buộc, càng ngày càng tham lam, y có thể buộc mình chịu uất ức sao?!

Cho nên khi biết được Tần Lâm vận bạc đưa vào nội khố, tâm trạng của Vạn Lịch chính là buồn ngủ gặp chiếu manh.

Y lấy cớ khen ngợi thần tử có công với nước, sải bước đi nhanh tới nội khố ở góc Đông Bắc bên ngoài Tử Cấm thành. Nhìn các rương bạc trắng lóa chất đầy đất, tuy rằng ngoài mặt bất động thanh sắc nhưng thật ra đã như mở cờ trong bụng. 

Sau khi khố đại sứ tới điểm thu, vị Đốc Chủ Đông Xưởng này bất ngờ xăn tay áo lên giúp đỡ vận chuyển, mệt mỏi đầu đầy mồ hôi. Khi Vạn Lịch thu hồi ánh mắt khỏi các rương bạc nhìn sang Tần Lâm, hắn đang ở xa xa khiêng ngân lượng, lưng hướng về phía Hoàng đế, miệng đếm nhịp một hai.

Lục Viễn Chí, Ngưu Đại Lực, Hoắc Trọng Lâu và Tần Lâm dùng hai cây đòn khiêng gỗ khiêng một chiếc rương đựng bạc, tên mập liền nhắc nhở hắn:

- Bệ hạ tới rồi, Tần ca, chúng ta đi tiếp giá đi.

- Chớ có phân tâm, tiếp tục khiêng đi. 

Tần Lâm cũng không quay đầu lại, miệng cười hắc hắc, nếu đã làm cho đích thân Vạn Lịch chạy đến tới nơi này, cứ để cho y chạy thêm vài bước cũng không có gì.

Thời này tôn ti trên dưới khác biệt, đột nhiên Tần Lâm trở nên sốt sắng quá mức, Đốc Chủ Đông Xưởng còn đi khiêng bạc, thái giám, quản kho bên cạnh thấy vậy, mười người có chín biết hắn cố làm ra vẻ.

- Làm bộ làm tịch, thật là ghê tởm! 

Trương Kình tức giận nhổ toẹt một bãi nước bọt.

Nhưng Vạn Lịch không nghĩ như vậy, hoặc là làm bộ như không biết, cười khanh khách đi tới, khoát khoát tay ngăn Trương Thành muốn gọi Tần Lâm, đi thẳng đến sau lưng Tần Lâm cách đó không xa mới nhẹ giọng nói:

- Tần ái khanh chuyên cần chăm chỉ, trẫm đã biết.

Trong một trăm hai mươi vạn kim hoa ngân của nội khố, ngoại trừ số ban thưởng cho tướng sĩ biên quân và võ huân quý thích, số mà Vạn Lịch có thể tự do tiêu xài chỉ có bất quá hơn ba mươi vạn, Tần Lâm đưa tới năm mươi vạn lượng năm nay khiến cho bạc trong nội khố của y gia tăng đáng kể, công lao này trong lòng Chu Dực Quân rất là sâu nặng.

Tần Lâm đầu tiên là ngẩn ra, tiếp theo từ từ để rương đựng bạc xuống, không dám tin quay đầu lại, vui mừng gọi:

- Bệ hạ...

- Ái khanh thật sự là trung thần của trẫm!

Vạn Lịch đỡ Tần Lâm đang phục lạy hành lễ.

Tần Lâm cũng không bỏ qua, lộ vẻ sợ hãi ra sức muốn quỳ xuống, Vạn Lịch ra sức kéo lấy, hai vị giằng co với nhau một phen. Quả thật là cảnh tượng quân thần tương đắc chẳng khác nào Văn Vương gặp Khương Tử Nha bên bờ sông Vị, Cao Tổ gặp Trương Lương ở Uyển Thành.

Trước mặt của năm mươi vạn lượng bạc, bản tính cay nghiệt khắc bạc của Vạn Lịch lại bại lộ không bỏ sót thông qua chuyện Nghiêm Thanh: Nghiêm lão Thượng Thư cố nhiên rất tốt, nhưng không cần thiết vì lão mà từ chối năm mươi vạn lượng bạc. So với lão già không thể khỏi bệnh kia, Tần Lâm giống như đồng tử Tống Tài còn hữu dụng hơn nhiều.

Sau lưng Vạn Lịch, Trương Thành nở một nụ cười khả ái. Tần Lâm chưởng lãm đại quyền Đông Xưởng cũng rất có trợ lực cho y tranh quyền đoạt lợi nội đình, sau này sẽ không còn bị Trương Kình áp chế như trước nữa.

Sắc mặt Trương Kình Trương Ty Lễ đen như mực, một phen tâm huyết lại hóa thành không, mới vừa rồi nói nhiều bên tai bệ hạ như vậy, chỉ sợ đã sớm biến thành gió thoảng qua tai.

Y oán hận nhìn Tần Lâm, hàn quang lóe lên trong đôi mắt tam giác.

Tần Lâm nhìn thấy rõ ràng vẻ oán hận trên mặt Trương Kình, vừa đúng Vạn Lịch hỏi tới Đông Xưởng, hắn bèn ôm quyền đáp:

- Bệ hạ, thần phụng chỉ nhậm chức Đốc Chủ Đông Xưởng, may nhờ Trương Ty Lễ lưu lại cho thần hai viên kiện tướng, thần mới có thể thẳng tay phát triển.

- A, là Hình Thượng Trí sao? 

Vạn Lịch cười nói.

Tần Lâm lắc đầu một cái:

- Là Tào Thiếu Khâm và Vũ Hóa Điền, thật sự là dũng sĩ hổ tướng.

Tức chết nhà ta rồi! Trương Kình nhất thời kích động, suýt chút nữa nói ra chuyện Tần Lâm trọng dụng Từ Tước và Trần Ứng Phượng.

Nói đi, có giỏi ngươi cứ nói… Tần Lâm cười gian không có hảo ý, dường như có một thành ngữ gọi là chỉ hươu nói ngựa, ám chỉ quyền yêm nói hươu nói vượn trước mặt Hoàng đế. Trương Ty Lễ ngài có muốn thử một chút hay không?

Trương Kình mấp máy đôi môi mấy cái, cuối cùng cũng ngậm miệng không nói, không có chứng cớ, nói cũng là nói suông, ngược lại khiến cho bệ hạ hiểu lầm, vậy thì được không bằng mất.

Vạn Lịch lại không nghe ra ẩn ý trong lời nói Tần Lâm, nghiêng đầu cười nói: 

- Đại Trương Bạn Bạn, trẫm không biết ngươi đã hóa giải hiềm khích lúc trước với Tần ái khanh, còn phái kiện tướng dưới quyền tương trợ.

- Dạ, dạ…

Trương Kình vâng dạ luôn miệng, nghiến răng cơ hồ muốn nát, biết rất rõ ràng đã xảy ra chuyện gì, chỉ là không có bằng cớ cụ thể cũng không dám nói ra trước mặt bệ hạ, thật làm cho người tức nổ phổi!

Kẻ tức nổ phổi không chỉ có Trương Kình, còn có Nghiêm Thanh.

Nghiêm lão Thượng Thư nằm trên giường bệnh vô cùng mong mỏi bệ hạ chủ trì công đạo cho mình. Dĩ nhiên trong tấu chương cáo bệnh của lão sẽ không nói là bị Tần Lâm chọc giận thành bệnh, nói như vậy thanh danh một đời của lão coi như mất sạch không còn. Lão chỉ cho con trai lén lút nhờ Trương Kình, cũng dặn dò đám Ngự Sử ngôn quan bên Đô Sát Viện, tin tưởng mình được mặt rồng ưu ái, bệ hạ tuyệt sẽ không dung tha cho Tần Lâm.

Kết quả lão nhận được tin là Tần Lâm đích thân áp tải năm mươi vạn lượng bạc vào trong nội khố Tử Cấm thành, chính miệng bệ hạ khen ngợi hắn công trung với nước, chuyên cần chăm chỉ.

Nghiêm Thanh phun một ngụm máu tươi lên cao ba thước, hôm sau phục lạy về hướng bệ rồng, sau đó dắt theo già trẻ cả nhà về quê. Hơn nữa theo Lý Kiến Phương phán đoán, chứng can dương thượng kháng của lão Nghiêm gặp phải đả kích nặng nề như vậy, đã bị can hỏa công tâm, có thể sống trở lại quê nhà Vân Nam hay không cũng là vấn đề. Tóm lại, từ nay kinh sư triều cục không còn một nhân vật như thế.

Nghiêm Thanh đã cáo bệnh hồi hương, ánh mắt cựu đảng thanh lưu kinh sư lập tức tập trung vào Đô Sát viện. Bọn họ có hỏa lực hùng mạnh nhất ở chỗ này, đối mặt cục diện Tần Lâm chấp chưởng Đông Xưởng quyền thế bành trướng, Giang Đông Chi, Dương Khả Lập, Lý Thực cầm đầu đông đảo mạ tướng bắt đầu rục rịch muốn động. Ánh mắt của bọn họ đều nhìn chăm chú vào Tả Đô Ngự Sử Triệu Cẩm, chờ đợi cử động của vị lão tiên sinh này.

Triệu Cẩm thuộc về sĩ lâm thanh lưu, tự nhiên là đồng minh với bọn Triệu Dụng Hiền, Ngô Trung Hành, Giang Đông Chi. Mặc dù lão tỏ thái độ trung lập với Giang Lăng đảng, lúc Vạn Lịch hạ chỉ tịch biên gia sản Thái Sư phủ lão từng dâng biểu khuyên can, nhưng Cố Hiến Thành sử dụng kế sách xảo diệu, vì tình thế bắt buộc nên Triệu Cẩm phải đứng về phía đối nghịch với Tần Lâm.

Đô Sát viện, Hình bộ và Đại Lý tự xưng là Tam Pháp Ty, phương Tây thuộc Kim, chủ sát khí, nha thự Tam Pháp Ty thiết lập ở Phụ Tài phường phía Tây thành, phủ đệ Triệu Cẩm nằm trong hẻm Tiêu Gia phía Nam Đô Sát Viện không xa.

Triệu phủ có bốn viện, trong đó giữa sảnh đường viện thứ ba bày trí vật dụng bằng gỗ nam mộc sơn, bốn bề treo hoành phi họa tượng, lộ vẻ thanh nhã trang nghiêm. Trên hai cây cột lớn có đề chữ thật to, bên trái đề Tâm Ngoại Vô Lý, bên phải đề Tâm Ngoại Vô Vật.

Chính giữa sảnh đường trên cao bảng viết bốn chữ Tri Hành Hợp Nhất, nét bút trang trọng uy nghiêm, bên dưới có bàn thờ bài vị, trong lư hương khói xanh lượn lờ, Một vị lão tiên sinh tóc bạc mặc áo xanh, đầu đội khăn, ăn mặc giống hệt nho sinh đang dâng hương đảnh lễ trước bài vị, giọng nói hào hùng bi tráng:

- Tiên sinh ôi tiên sinh, nghiệt đồ vô năng, không thể phát dương quang đại đạo của tiên sinh, khiến cho minh châu bị phủ bụi trần, chính đạo không rõ, tương lai có mặt mũi nào gặp lại tiên sinh dưới cửu tuyền...

- Lão gia... 

Quản gia ở ngoài cửa thấp thỏm nhỏ giọng gọi:

- Từ Vị Từ Văn Trường tiên sinh tới bái.

Lão nhân xoay người lại, lão nhân áo xanh nho phục giống như Tú Tài nghèo này là chính nhị phẩm Tả Đô Ngự Sử Triệu Cẩm. Mà trên bài vị lão tế bái viết rất rõ ràng: tiên sư Dương Minh tiên sinh Vương húy Thủ Nhân.

- Không phải đã nói với các ngươi, lúc lão phu tế cáo tiên sư không cho quấy rầy sao? 

Triệu Cẩm giọng bình thản, cho dù trách cứ quản gia cũng không có thái độ ép bức người.

Quản gia cáo lỗi trước, sau đó mới nói:

- Vốn tiểu nhân đã ngăn lại, nhưng vị Từ tiên sinh kia nói, nói lão tới đây là vì chuyện của tiên thái lão sư…

Triệu Cẩm đầu tiên là ngẩn ra, sau đó trên mặt yên tỉnh không dao động lộ ra vẻ kinh ngạc.

Tiên thái lão sư mà quản gia vừa nói chính là tiên sư của lão, tông sư Tâm Học nổi danh Vương Dương Minh Vương Thủ Nhân.

Không giống với các tiên sinh Đại nhân Đông Lâm đảng chú trọng ‘Bình thời khoanh tay bàn tâm sự, tới lúc liều chết báo quân vương’, thực tế thậm chí ngay cả liều chết cũng không làm được, nhảy sông sợ nước lạnh, cắt cổ lại sợ đau, cuối cùng dứt khoát đầu hàng Mãn Thanh, Dương Minh tiên sinh Vương Thủ Nhân này mới là chân quân tử, làm được ba điều bất hủ trong đời: lập đức, lập công, lập đạo. 

Lão có đạo cao đức trọng, tài học năm xe, đề xướng Tri Hành Hợp Nhất (hiểu biết và thực hành phải đi đôi với nhau), lại cầm binh bình định loạn Ninh Vương, được phong Tân Kiến Bá, sau khi chết phong thụy hiệu Văn Thành.

Nghe nói Vương Dương Minh không chỉ có văn võ toàn tài, còn có thành tựu nội công cực kỳ cao thâm. Lúc cầm quân tác chiến từng bị tập kích doanh, đại quân đêm khuya không chiến mà loạn, lão đang ở đại trướng trung quân thét dài một tiếng, thanh âm chấn động vang vọng mười dặm. Quân sĩ bị tiếng thét này chấn nhiếp dần dần bình tĩnh lại, dẹp yên một trận tập kích của địch.

Nhưng một nhân vật truyền kỳ như vậy lại bị người khác chèn ép trước sau. Bởi vì nhân sĩ văn bát cổ lấy Lý Học là chính thống, hệ phái Lý Học chiếm cứ địa vị chủ đạo, Tâm Học của Vương Dương Minh không được người khác coi trọng. Sau đó lão thân là văn thần lấy công trận mà được phong tước Bá, càng chuốc lấy nhiều hiểu lầm hơn.

Cho đến năm Vạn Lịch, mặc dù ảnh hưởng Tâm Học càng lúc càng lớn nhưng vẫn không được triều đình thừa nhận địa vị chính thống, bản thân Vương Dương Minh cũng không thể lấy tư cách chân nho được thờ nơi Khổng miếu.

Triệu Cẩm thân là quan môn đệ tử của Vương Dương Minh, quả thật hết lòng lo lắng về chuyện này.

Vương Dương Minh đối với Triệu Cẩm ân đồng tái tạo, tên quan môn đệ tử này thật sự không phải tầm thường. Phải biết Vương Dương Minh ra đời vào thời Minh Hiến Tông năm Thành Hóa thứ tám (công nguyên 1472), Triệu Cẩm sinh vào thời Minh Vũ Tông năm Chính Đức mười một (công nguyên 1516), hai người chênh lệch bốn mươi bốn tuổi. 

Năm Gia Tĩnh thứ sáu lúc Triệu Cẩm mười hai tuổi xếp vào môn hạ, Vương Dương Minh đã là Tân Kiến Bá, văn thần Phụng Thiên Dực Vệ Thôi Thành Tuyên Lực Thủ, đặc tiến Quang Lộc Đại Phu, Trụ Quốc kiêm Nam Kinh Binh bộ Thượng Thư, đệ tử lớn tuổi một chút trong hàng nhập thất đều có thể làm gia gia Triệu Cẩm.

Nhưng Vương Dương Minh vừa nhìn thấy Triệu Cẩm, liền nói tương lai người này tất có thể quang đại đạo học của ta, vì vậy lấy thân phận công trùm thiên hạ, danh chấn bát hoang thu một hài đồng mười hai tuổi làm quan môn đệ tử, sánh ngang hàng với các đệ tử công thành danh toại của lão.

Trong lòng Triệu Cẩm thật sự xem cử chỉ Vương Dương Minh là ân đồng tái tạo, thề phải phát dương quang đại Tâm Học. Sau đó quả nhiên làm quan thanh chính, trị học nghiêm cẩn, chú trọng Tri Hành Hợp Nhất, bây giờ đã làm tới chính nhị phẩm Tả Đô Ngự Sử, coi như là đệ tử Tâm Học có chức quan cao nhất.

Nhưng Lý Học nằm ở địa vị thống trị đã rất lâu rồi, Triệu Cẩm không hề dám mơ tưởng Tâm Học thay thế Lý Học. Chẳng qua là muốn triều đình thừa nhận Tâm Học có được địa vị chính thống giống như Lý Học, kết quả vẫn gặp phải trở ngại.
Bình Luận (0)
Comment