Cánh Cửa

Chương 17

Nhà xuất bản nọ vừa in được một lô sách mới.

Đêm ấy, người bảo vệ đang đi tuần tra quanh tòa nhà, thấy có căn phòng làm việc giờ này hãy còn sáng đèn bèn đẩy cửa bước vào. Bác ta bắt gặp một người đang miệt mài vẽ gì đó trên bìa cuốn sách mới bằng một cây bút mực carbon. Trông anh ta có vẻ mệt mỏi, vầng trán lấm tấm mồ hôi.

Nghe thấy tiếng mở cửa, anh ta ngoảnh đầu lại nhìn người bảo vệ với khuôn mặt tái nhợt: “Các anh quên đóng khung đen cho tên của tôi, tôi đang phải sửa lại từng quyển đây này.”

Anh ta là tác giả, mới mất.

Truyện kinh dị được kể trên truyền hình còn tác phẩm viết được nhà xuất bản phát hành, được phát tán trên mạng, được tải xuống đi dộng… đâu đâu cũng có bóng dáng gã nhà văn.

Từ sau hôm gã gặp “tiểu nhân”, một người biên tập già họ Trương bỗng nhiên qua đời vì tai nạn.

Ngày hôm sau, di thể người biên tập họ Trương được đưa đi hỏa táng.

Gã nhà văn vốn kỵ nhất là đi viếng đám ma của ai đó, nhưng đây lại là biên tập phụ trách cuốn Đã khuất gã mới xuất bản nên dù thế nào cũng vẫn phải có mặt.

Sáng hôm ấy, gã tới nhà tang lễ ở ngoại ô bằng chiếc Santana.

Gian đưa tiễn chật hẹp, bức di ảnh, đôi câu liễn và vòng hoa đen trắng…

Lúc nghi thức còn chưa bắt đầu, điện thoại của gã chợt đổ chuông. Một tin nhắn. Gã rút di động ra, dáo dác nhìn ngó bốn xung quanh rồi mở ra một cách dè chừng, ra là tin nhắn của thư ký trên công ty: “Thưa thầy, cuốn Đã khuất đã in xong, nhà xuất bản vừa gửi sách tặng”.

Gian đưa tiễn tĩnh lặng và trang nghiêm nên không tiện để nói chuyện. Gã bèn trả lời bằng tin nhắn: “Cứ để tạm ở chỗ tôi. Chiều tôi về lấy. Cảm ơn!”.’

Thư ký lại gửi tiếp một tin nữa: “Tốt nhất thầy nên về ngay bây giờ…” Người thư ký này vốn tính thẳng thừng, không hiểu vì lẽ gì mà lúc này lại cứ ăn nói lấp la lấp lửng. Gã cau mày và nhắn lại bằng một dấu hỏi chấm.

Thư ký ấp a ấp úng: “Thầy phải về thì mới sửa được…”

Hôm ấy là cá tháng tư, ngày quốc tế nói dối, nhưng người thư ký này xưa nay chưa bao giờ biết đùa cợt.

Gã nhà văn lặng lẽ rời khỏi nhà tang lễ và lái xe về thẳng công ty. Vừa bước chân qua cửa, gã liền hỏi ngay:

– Sách đâu?

Người thư ký chỉ trỏ vào góc tường.

Gã bước tới, nhấc cuốn sách lên và nhìn vào mặt bìa. Hai mắt gã trợn lên khi thấy tên mình được đóng trong một khung vuông thô dày. Ai cũng biết một điều khi tên tác giả được đóng trong khung đen thì cũng có nghĩa người đó vừa tạ thế. Theo ý nghĩa ấy, khi một cái tên được lồng vào giữa khung đen cũng có nghĩa chủ nhân nó đã bị đẩy vào cánh cửa tử. Gã quăng toẹt cuốn sách và gào lên:

– Ai đã làm điều này?

Người thư ký dè dặt nhắc nhở:

– Thầy gọi điện hỏi nhà xuất bản xem.

Gã thở hồng hộc, tóm lấy điện thoại và gọi đi. Máy tắt. Gã gọi lại, máy vẫn tắt. Người thư ký ngồi cạnh gã nãy giờ khẽ lên tiếng:

– Thầy, thầy đang gọi cho ai thế?

– Nhà xuất bản. – Gã đáp.

– Số thầy gọi… là của chú Trương mà… – Thư ký nói.

Gã vừa vô tình gọi điện cho một người đã chết!

Gã vỗ bộp vào trán một cái thật mạnh rồi cuống quýt dập máy xuống, sau đó lại gọi đến phòng biên tập nhà xuất bản.

Không ai nhấc máy. Tất cả nhân viên trong phòng này hẳn đều đã đi dự đám tang biên tập Trương. Nghĩ bụng, hắn lại gọi vào máy chủ của nhà xuất bản:

– Xin cho nối máy với phòng in ấn.

Trong nháy mắt cuộc gọi đã được chuyển đi và có ngay người nhận.

– Có phải chính các anh gửi cuốn Đã khuất tới chỗ tôi không? Tôi là tác giả đây.

– Đúng vậy, có vấn đề gì chăng? – Đầu dây bên kia hơi thảng thốt – Ngài… Ngài là tác giả?

– Tôi là tác giả đây! Tôi hỏi anh, ai đã đóng tên tôi vào trong khung đen?

– Ờm… Chú biên tập phụ trách cuốn sách này đã qua đời, các công đoạn cuối cùng không có ai đảm nhiệm chuyên trách… Cấp trên có ra chỉ thị cho chúng tôi, trên những cuốn sách mới còn đang in, tên chú ấy xuất hiện ở đâu thì đều phải đóng khung đen hết. Trong số đó có cuốn này của ngài… có lẽ vì bận bịu chồng chéo nên người ta đóng nhầm tên chăng?

– Không cần biết thiệt hại là bao nhiêu, các anh phải bảo bọn họ ngừng in ngay lập tức! Nếu không tôi sẽ kiện!

– Được được, chúng tôi sẽ liên hệ với nhà in ngay bây giờ. Rất xin lỗi, rất xin lỗi!

Mãi đến tận nửa đêm gã nhà văn mới chợp nổi mắt.

Khắp gian nhà chỉ có một mình gã. Cuối cùng gã cũng nằm im, thôi trở mình qua lại, trong không gian chỉ còn hơi thở phát ra nhè nhẹ.

Trên tường treo một bức tranh, họa một người phụ nữ dị tộc với nụ cười mỉm lặng lẽ giữa màn đêm. Cánh cửa tủ quần áo màu trắng khép âm thầm trong tĩnh lặng, nó đứng thẳng đơ không nhúc nhích dù thời gian cứ bất tận trôi qua. Những cuốn sách trên giá im lìm tựa vào nhau, trong đó có cả cuốn mang tên gã nhà văn bị đóng trong khung đen. Chỉ riêng cuốn sách ấy dường như đã xê dịch ít nhiều.

Con chuột máy tính quen được di động trên mặt bàn nay cũng nằm nguyên một chỗ tựa con chuột sống vừa quan sát thấy điều gì đó trong đêm đen, nó thu mình lại, im thin thít…

Người phụ nữ trong bức họa, cánh cửa tủ, cuốn sách, con chuột… tất cả đều yên lặng, chẳng có hành động gì.

Còn người trên giường thì đột ngột nhỏm dậy.

Gã hồng hộc thở hắt ra từng hồi như thể vừa bị ai nghiến nghẹn cổ, mãi bây giờ mới giằng ra được. Một lúc lâu sau, gã bước chân xuống giường và bật máy tính.

Tất cả mọi người đều đã chìm trong giấc ngủ. Chỉ còn mình Mễ Gia đang online.

Gã mở cửa sổ chat với cô và bắt đầu lạch cạch gõ chữ. Gã kể:

“Ban nãy tôi vừa nằm mơ…”

“Tôi nằm mơ thấy căn nhà tang lễ…”

Không thấy hồi đáp. Gã kể:

“Dưới nền trời xám xịt, âm u, tôi đi theo hàng người đeo khăn tang trắng, chầm chậm tiền đến trước di thể của biên tập Trương và cúi mình tiễn biệt. Nhạc đám ma nổi lên tứ phía, tiếng khóc vang rúng động trời đất…”

Không thấy hồi đáp. Gã kể:

“Lúc cúi xuống, tôi chợt phát hiện di thể kia không phải của biên tập Trương!… Theo cô, đó là ai?”

Không thấy hồi đáp. Gã kể:

“Chính là tôi. Tôi nằm trải mình cứng đơ ngay giữa gian đưa tiễn, gương mặt, khuôn miệng đều trắng nhợt, không có lấy một sắc máu. Mái tóc được chải chuốt chỉnh tề, đen kịt như được nhuộm mực chứ chẳng giống thật chút nào…”

Không thấy hồi đáp. Gã kể:

“Tôi nheo mắt nhìn kẻ đó và nhếch miệng cười. Mí mắt gã giật giật và từ từ mở ra, bên trong nhồi đầy bông vải âm ẩm những máu. Gã cũng nheo mắt và cười với tôi…”

Không thấy hồi đáp. Gã kể:

“Tỉnh dậy xong, tôi càng nghĩ càng thấy sởn người…”

Giọng kể của gã lúc này hệt như một đứa trẻ bơ vơ không nhà đang đi tìm vòng tay của mẹ để dựa dẫm. Có lẽ Mễ Gia không ngồi bên máy tính, hoặc đã ngủ mà quên không tắt máy.

Gã nhà văn thôi màn độc thoại, ngẩn ngơ ngồi đó một lúc rồi ngoảnh đầu nhìn ngó xung quanh. Ánh mắt gã dừng lại ở chỗ chiếc vô tuyến. Bình thường hắn có sở thích vừa nằm trên giường vừa thưởng thức tiết mục của chính mình nên đã dời luôn ti vi vào phòng ngủ.

Chiếc vô tuyến nằm kia ngay ngắn, hệt như một khuôn mặt không có ngũ quan đang vô hồn nhìn về phía gã.

Cứ vào mỗi đêm cuối tuần, hình ảnh của gã lại hiện lên trên đó.

Màn hình tivi chính là một cái khung đen.
Bình Luận (0)
Comment