Cánh Cửa

Chương 5

Một lữ khách bị lạc đường giữa đồng không mông quạnh, bốn xung quanh tăm tối mịt mùng.

Cuối cùng anh ta cũng gặp được một gia đình, chủ nhà là một ông già thông tỏ sự đời, không chỉ có lòng giữ khách ở lại qua đêm mà còn mời anh ta cùng thưởng thức trà.

Trong vườn nãy giờ cứ loáng thoáng tiếng cãi cọ của ai đó. Hai người đàn bà, một đã đứng tuổi, một còn trẻ măng kéo nhau bước vào.

Người đàn bà trẻ nói với ông già:

- Rõ ràng tôi là vợ cả, thế mà bà ta cứ đòi ở phòng trên rồi đẩy tôi xuống phòng dưới! Sống thế thì ai mà sống được!

Người đàn bà đứng tuổi không chịu lép vế:

- Tuy chỉ là vợ thứ, nhưng tôi đã sinh con đẻ cái cho ông!

Ông già xua tay và nói:

- Hai người đi ra đi, lát nữa tôi giải quyết.

Hai người đàn bà bèn lui ra ngoài.

Ông lão xin lỗi người khách:

- Thật ngại quá! – Nói rồi ông cũng bỏ ra ngoài.

Người khách cảm thấy thật kỳ quặc: tại sao người đàn bà trẻ lại là vợ cả còn người đứng tuổilại làm thân lẽ?

Anh ta lẳng lặng đi theo, thấy ông già đang giương cao cây xèng lúi húi đào đất. Rất mau mắn, ông bới ra được hai hộp tro. Sau khi đổi chỗ hai hộp tro với nhau, ông lại lấp vào như cũ và thì thầm:

- Lần này thì hết cãi cọ rồi nhé!

Người lữ khách bỏ chạy biệt tích.

Người đàn ông thọt nọ vốn rất nhát vía. Sau cơn kinh hoàng lần trước nay đã không còn dám bước chân khỏi cửa. Cảnh sát hình sự phải đến gõ cửa tận nhà những hai lần mới lấy xong lời khai.

Mười hai ngày sau, tinh thần ông có vẻ tỉnh táo hơn ít nhiều, ông lại đạp xe lên thành phố tìm gặp chị họ để giải quvết nốt việc đang dang dở. Chiếc xe cũ vốn đã bị ai đó lấy mất, giờ ông lại mua một chiếc mới.

Ông ta tìm chị họ làm gì? Đầu đuôi cơ sự ngắn gọn là thế này: anh con cả của ông bị đứa thứ tư nhà trưởng thôn đánh cho què quặt đến nỗi phải đi tập tễnh chẳng khác chi ông bây giờ, ấy vậy mà không được giải quyết như ý. Mấy hôm trước ông vừa kiện trưởng thôn lên tòa. Chị họ ông vốn là phó bí thư một đoàn thể nào đó trên Tây Kinh, ông phải cầu cứu chị cho hả nỗi uất này.

Ông ra khỏi nhà vào hơn mười một giờ lúc ban trưa, khi đi ngang qua gốc du già nua, chốc chốc ông lại thấp thỏm ngước mắt nhìn.

Dưới đồng có dăm ba người nông dân đang làm ruộng, người ta đã bắt đầu gieo hạt vào vụ như thể chưa từng có chuyện gì xảy ra. Có đứa bé gái trạc bốn, năm tuổi của gia đình nào đó mặc áo hoa tươi rói đang lúi húi đào giun nơi bờ ruộng…

Một sinh mệnh xanh tươi mới khi nào vẫn còn đang hân hoan nhảy múa bỗng chốc kết thúc câm lặng ngay tại nơi đây, chẳng khác nào một màn pháo hoa giữa trời đêm đã đến hồi tàn úa. Nhưng rồi ngay sau đó, một đợt pháo hoa khác lung linh hơn, rực rỡ hơn lại nhanh chóng tỏa bùng khiến người ta lại vội vàng thưởng ngoạn kẻo bỏ lỡ.

Người đàn ông thọt định quay về thôn trước khi trời tối, nhưng nửa đường, lốp xe không may cán phải đinh nên ông đành xuống xe dắt bộ.

Mãi mới gặp được một quán sửa xe đạp, nhưng đàn ông trong quán đã ra ngoài cửa hàng mua keo dính săm, chỉ còn có đàn bà ở lại. Đàn bà chỉ biết vá áo cho đàn ông, thế nên đàn ông mới biết vá săm xe.

Ông ta đành nhẫn nại ngồi chờ trước cửa.

Thật ra người đàn ông sửa xe kia đã đến cửa hàng bán keo dính săm từ lâu, nhưng cửa hàng ấy lại chỉ còn đàn ông, đàn bà đã đi đâu mất. Mà đàn bà mới là chủ quán, đàn ông chỉ là người nhà, anh ta làm việc tại công xưởng, hôm đó được nghỉ vì là chủ nhật. Anh ta chỉ biết cái nhẫn cưới trên ngón tay vợ đáng bao nhiêu tiền chứ chẳng rõ keo dính săm bán bao nhiêu đồng. Người đàn bà của anh vừa sang nhà mẹ đẻ đón cháu…

Nhìn mặt trời mỗi lúc một khuất dần về phía tây, lòng lão thọt nóng ran như lửa đốt, đương toan bỏ đi thì người đàn ông sửa xe bất chợt quay về.

Chiếc xe được vá săm rồi bơm hơi, người đàn ông thọt vội vã phóng xe như ngựa vía về phía thôn Huyền Quái.

Ông ta đi mãi không dừng giống như câu chuyện trong cuốn sách này cứ tiếp diễn liên hồi. Bóng chiều lại mặc sức bủa vây khắp vòm trời không gì cản nổi.

Màu trời ngả xám tới đâu thì cõi lòng ông thêm mông lung tới đó. Khi gần tới am ni cô, bắp chân ông thình lình khẽ co giật. Xuống tới đường cái, ông đạp chậm lại một chút. Bốn phía nhập nhoạng không ánh đèn, đường đất gồ ghề nhấp nhô, mấy lần ông suýt ngã vì chỉ chăm chăm hướng mắt về phía cây du cổ kính đang in bóng đen kịt giữa nền trời phía xa.

Lúc ấy, gió bỗng chốc gợn lên, bụi đường nháo nhác bốn xung quanh.

Khi chỉ còn cách gốc du già một đoạn, ông đột nhiên trông thấy một vật lông lá rậm rì xuất hiện ven đường, lạnh lẽo giương mắt nhìn mình trong bóng tối.

Chó ư?

Hay là sói?

Trời tối quá, ông không phân biệt nổi.

Ông bắt đầu phân vân không biết nên gồng sức đạp thật mau qua con vật hay vòng quách xe lại phía sau mà chạy. Ông thầm mong đây chỉ là chó nhà ai trong thôn nuôi, mà nhà đó lại quen ông thì càng tốt… Nhưng chó nhà ai mà lại ngồi đây vào cái giờ này?

Có lẽ, nó không phải chó, cũng không phải sói, mà là một con người với bộ lông rậm rì… Càng nghĩ vậy trong đầu, mắt ông càng lờ mờ thấy mặt nó hao hao giống mặt người.

Ông ghì chặt hai bàn tay tươm tướp mồ hôi vào ghi đông nhưng vẫn làm ra vẻ rất điềm tĩnh, thậm chí còn ngâm nga một đoạn Kinh kịch.

Con vật lạ từ từ quay đầu theo chuyển động của ông. Càng lúc ông càng tiến đến gần nó.

Đột nhiên, bánh xe trước vấp phải một hòn gạch khiến ông loạng quạng tay lái rồi ngã bịch xuống ngay trước thứ lông lá đó.

Một âm thanh quái dị phát ra từ khuôn mặt lông rậm rì ấy. Người đàn ông tập tễnh nào dám nhìn vào nó, ông lập cập bò dậy toan bỏ chạy!…

Về sau khi hồi tưởng lại sự viêc, người đàn ông thọt chỉ nhớ mình đã nghe thấy một giọng nói rất giống của nữ giới âm ỉ phát ra từ cổ họng nó: “Vá… xe… đi…” Trước mặt lại còn là cây du già từng treo một tử thi, ông suýt nữa thì sợ mất mật!

May sao lúc đó có người trông thấy ông, hình như là hai người đang chuyện trò gì đó dưới cây đại thụ. Chắc là thanh niên trong thôn lẻn ra đây tự tình. Người đàn ông khi ấy mới định thần lại và bước đi thong thả hơn.

Ngoảnh đầu lại nhìn, thứ lông lá đó không hề đuổi theo ông mà cũng đã biến mất tự khi nào.

Người đàn ông thọt len lén nhìn ngóng một hồi rồi sải bước quay về dựng lại chiếc xe đạp, vừa leo lên xe vừa ngoái đầu nhìn, cứ lên được bên này thì lại ngã xuống bên kia… Cuối cùng, ông quyết định dong xe chạy.

Ông toan mau chóng chạy vượt qua cây du già âm u nhân lúc hai người kia vẫn còn ở đó. Khi chỉ còn cách độ chừng mươi mét, một trong hai người kia chợt ngước lên và chạy về phía ông. Dưới ánh trăng tờ mờ, ông nhìn thấy đó là một cô gái ăn vận giản đơn, mặt mũi trông rất lạ, không giống người trong thôn Huyền Quái chút nào.

– Bác ơi, phiền bác giúp cháu một chút!

– Có chuyện gì thế hả cô?

– Bác ra đây phân xử giúp cháu!

Nói rồi cô kéo lấy ghi đông xe của ông, mặt hầm hầm bước về phía người còn lại.

Bấy giờ người đàn ông tập tễnh mới trông rõ, hóa ra người thứ hai cũng là nữ. Cô đứng dựa vào cây du già, lặng lẽ như đang trông ngóng người trong mộng.

Xem ra hai cô gái hoàn toàn không hề hay biết những chuyện từng xảy ra tại gốc cây này. Người đàn ông tập tễnh quyết định không nói ra nếu không cả hai sẽ chết ngất vì khiếp đảm. Ông tự nhủ nên đưa hai cô gái rời khỏi đây trước rồi có chuyện gì cứ về thôn hẵng hay. Đến chỗ cây du già, ông nói:

– Hai cô theo tôi đi khỏi đây đã.

Cô gái thứ nhất lên tiếng:

– Không! Hôm nay cháu phải nói cho ra nhẽ với chị ta ngay tại đây!

Cô gái còn lại gắt lên:

– Cô còn muốn nói cái gì!

Người đàn ông tập tễnh nghĩ một hồi rồi hỏi:

– Hai cô là người ở đâu?

Cô gái đầu tiên đáp:

– Chúng cháu là người ở đây… À không, có cháu thôi, còn chị ta thì không!

Cô gái còn lại gằn giọng:

– Cô nói láo! Tôi mới là người ở đây chứ không phải cô!

Người đàn ông tập tễnh thoạt nhiên cảm thấy có điều gì đó khác thường, ông nheo mắt nhìn kỹ hai cô gái lạ vô cớ xuất hiện dưới cây du già từ đầu đến chân rồi khẽ hỏi:

– … Ở đây là ở đâu?

Cô gái thứ nhất chỉ vào cây du già nói dõng dạc:

– Là ở đây chứ đâu!

Ông già giật điếng người như có tiếng sấm nổ đùng trong óc. Cô gái ghì khư khư vào ghi đông xe đạp của ông suốt nãy giờ mặc một áo phông đỏ cùng quân bò xanh. Cô gái còn lại thì mặc nguyên một bộ trắng!

Não ông bỗng dưng trống hoác, dù muốn chạy cũng không nhấc nổi chân lên được nữa.

Cô gái áo phông đỏ vẫn chưa dứt lời:

– Cái nhà này vốn dĩ là của cháu, cháu đến đây ở được mười mấy ngày rồi. Chẳng hiểu chị này ở đâu ra, cứ khăng khăng nhận nhà này của mình từ hơn ba mươi năm trước…

Nói rồi, cô gái đột ngột buông tay khỏi chiếc ghi đông và túm chặt tay người đàn ông:

– Cái hôm cháu dọn vào đây bác cũng chứng kiến mà, đúng không? Bác nói gì đi chứ?

Ông cuống cuồng giằng tay khỏi cô gái, vừa gào thét vừa cắm đầu chạy một mạch về phía thôn.
Bình Luận (0)
Comment