Chương có nội dung bằng hình ảnh
Loại hình ở Tây Uyển khác biệt với khu biệt thự ở Đông Hồ, là kiểu sân vườn Trung Quốc hiện đại, xe đi qua cổng phải lái một lúc mới dừng lại trước một cánh cửa lớn bằng gỗ màu đỏ có chạm khắc sơn mài.
Bởi vì đã đánh tiếng trước nên đã có ba người đứng đợi bên ngoài từ sớm. Người đi trước là một bà lão đầu tóc bạc phơ, đầu đội khăn choàng gấm. Mái tóc của bà được để gọn gàng, đeo hoa tai ngọc trai, khí chất vô cùng tao nhã.
Phượng Thải Tiêu, bà ngoại của Trữ Khâm Bạch.
Bà là nữ chủ nhân của nhà họ Tần, một gia đình văn học, mất chồng ở tuổi trung niên, về già lại mất con gái nhưng số phận lại không đánh gục được bà. Sau khi cháu ngoại duy nhất Trữ Khâm Bạch được mười tuổi, bà gần như một tay nuôi nấng anh nên tình cảm vô cùng đặc biệt.
Lúc này nhìn thấy có người xuống xe thì bà đi lên trước đón, ngẩng đầu lên vừa nhìn gương mặt anh đã nói: "Gầy đi rồi."
Một tay Trữ Khâm Bạch ôm vai bà cụ, sau đó cười nói: "Mỗi lần thấy con đều bảo gầy đi rồi, nếu con thật sự gầy đi thì thím Trương đã sớm cáo trạng với bà rồi chứ gì."
"Con còn nói nữa à. Một lần đi quay phim đến núi sâu rừng già là ở lại liền mấy tháng, bà ấy muốn cáo trạng thì cũng phải nhìn thấy con chứ." Bà cụ vỗ lên tay anh, sau đó hỏi: "Không phải nói qua hai ngày nữa mới đến à? Sao qua đây sát giờ cũng không báo sớm một chút."
"Ngoài ý muốn." Trữ Khâm Bạch trả lời.
Lực chú ý của bà cụ vốn đều đặt lên người Trữ Khâm Bạch, sau khi nói được vài câu mới chú ý tới người từ cửa xe bên kia đi xuống chậm hơn một bước.
Bà cụ không đeo kính, trời lại tối đen nên do dự hỏi: "Đây là?"
Châu Thanh đi vòng qua đầu xe, gọi theo Trữ Khâm Bạch: "Bà ngoại."
Bà cụ nhất thời không nói chuyện. Sau lưng bà đều là mấy người già quanh năm đi theo bà ở nhà họ Tần, nghe thấy xưng hô này thì đại khái đã biết là ai, bầu không khí ngay lúc đó trở nên có chút ngưng trệ.
Trong lòng bà cụ đã nắm chắc.
Bà chưa từng gặp Châu Thanh, Trữ Khâm Bạch không dẫn đến là một, hơn nữa còn là vì bà không muốn gặp.
Sau khi con gái được gả cho Trữ Kiến Hùng thì qua đời sớm, đây là nút thắt không thể vượt qua trong lòng bà cả đời này. Cha con Trữ Khâm Bạch trở mặt với nhau, đã nhiều năm qua đi rồi mà vẫn còn phải kết hôn vì chuyện của nhà họ Trữ.
Bà cụ không nói gì nhưng trong lòng vô cùng tức giận. Giận Trữ Kiến Hùng, càng là giận chính Trữ Khâm Bạch.
Giận anh thừa hưởng sự tàn nhẫn của ba anh và sự cố chấp của mẹ, không xem việc kết hôn của mình ra gì. Thế nhưng đứa trẻ mà mình nuôi nấng bên cạnh, nhiều hơn vẫn là sự thấu hiểu nên làm sao nỡ giận anh hoài. Nếu như không thể ngăn cản thì cứ dứt khoát không gặp, đã không gặp thì xem như không có chuyện này.
Biểu cảm của bà cụ trong chốc lát nhạt đi rất nhiều nhưng có lẽ là do dòng dõi vẫn còn đó nên không thể làm ra chuyện như chặn người ở bên ngoài.
Bà chỉ vịn cánh tay của thím Lý trong nhà rồi xoay người: "Nếu đã đến rồi thì đi vào đi."
Châu Thanh tụt lại phía sau.
Trữ Khâm Bạch chờ cậu tiến lên, nhìn bóng lưng của bà ở trước mặt rồi mới mở miệng nói một câu: "Bà ấy không nhằm vào cậu."
Cũng không giải thích thêm gì khác.
Châu Thanh lắc đầu, biểu thị mình không để bụng.
Hai người một trước một sau bước vào cổng Tây Uyển.
Vừa rồi ở ngoài cổng nhìn không rõ, lúc này nhìn thấy hai người đứng cùng nhau, thím Lý vốn dĩ chỉ định đến hỏi bọn họ buổi tối muốn ăn gì lại không khỏi sửng sốt.
Trong lòng thầm nói bà cụ lo lắng nhiều quá rồi, hai người này trông có vẻ rất hợp.
Thím Lý đã ở bên cạnh bà cụ từ khi bà còn là cô gái trẻ, đôi khi nói chuyện cũng không cân nhắc nhiều, bây giờ đang nói với Trữ Khâm Bạch cũng là nói với Châu Thanh: "Hiếm khi hai đứa mới ghé qua, Châu Thanh còn là lần đầu tiên, tối nay cùng bà cụ ăn một bữa ăn đàng hoàng đi. Đừng nhìn tính cách bà ấy thời trẻ mạnh mẽ như thế chứ thật ra là dễ mềm lòng nhất."
Bà vừa nói vừa nhìn về phía Trữ Khâm Bạch: "Đặc biệt là Khâm Bạch con đấy, người đã kết hôn rồi mà vẫn chẳng đáng tin gì sất, trong lòng bà cụ cảm thấy không thoải mái thì cũng phải sớm đưa người đến gặp mới đúng chứ."
Trữ Khâm Bạch bị dạy dỗ, nói: "Bây giờ không phải đã gặp rồi sao."
Thím Lý nạt anh: "Lời ngang ngược thế này để bà cụ nghe được thì lại nói con."
Bây giờ đến lượt Châu Thanh xấu hổ, cậu vốn dĩ còn không cảm thấy có gì nhưng một khi đã nói như vậy rồi lại làm cho cậu cảm thấy giống như đặc biệt đến đây để gặp người lớn vậy.
Cậu hơi nghiêng người về phía Trữ Khâm Bạch, "Không mang quà."
Trữ Khâm Bạch liếc cậu một cái, "Không cần, nửa đêm ai lại tới thăm hỏi."
Châu Thanh rất thường tỏ vẻ như không có gì để nói với anh, trong lòng thầm nghĩ người này đúng là không biết hai chữ "quy tắc" viết thế nào.
Nhà họ Châu cũng là gia đình văn học, vì vậy Châu Thanh không ngạc nhiên khi đồ đạc của nhà họ Tần đầy những bức tranh và thư pháp cổ. Điều duy nhất khiến cậu ngạc nhiên là gia đình bên ngoại như vậy cũng có thể nuôi dạy ra người nổi loạn như Trữ Khâm Bạch.
Điều này khiến cho cậu càng tò mò hơn về người nhà họ Trữ mà cậu chưa từng tiếp xúc.
Thím Lý và những người khác đều bận rộn chuẩn bị thức ăn.
Trữ Khâm Bạch thì ngồi trong đại sảnh nhàn rỗi, sau khi bà cụ bưng dưa và trái cây ra, nhìn Châu Thanh đang ngồi bên cạnh có vẻ rất yên tĩnh, dừng lại một chút rồi trực tiếp đặt chiếc đĩa ngay trước mặt cậu.
Châu Thanh có hơi ngạc nhiên, vội vàng đưa tay giúp bà nhận lấy, khẽ cười nói: "Cảm ơn bà ngoại."
Bà cụ sửng sốt, đứng dậy khép khăn choàng lại, "Ăn nhiều vào đi, quả lựu này sáng nay mới mua."
Châu Thanh tự nhiên sẽ không làm phật ý tốt của người già.
Cậu lấy một quả lựu lớn màu đỏ rồi bóc vỏ, xuất phát từ phép lịch sự nên vừa bóc ra lớp thịt màu đỏ bên trong, Châu Thanh đã đưa sang bên cạnh, "Ăn không?"
Trữ Khâm Bạch nhìn quả lựu và gương mặt cậu, "Không ăn."
Châu Thanh "Ò" một tiếng rồi thu tay lại.
Bà cụ đứng bên cạnh nhìn cảnh tượng này, sắc mặt không hiểu sao lại hoà hoãn xuống, sau đó nói với Trữ Khâm Bạch: "Con nhìn trơ ra đấy làm cái gì? Cũng không phải đầu gỗ, giúp lột đi chứ."
Trữ Khâm Bạch rõ ràng đối xử với bà cụ không hề giống với người khác, anh đưa tay ra định lột thì Châu Thanh đã xoay người tránh đi.
Trữ Khâm Bạch: "... Làm gì đấy?"
Châu Thanh cúi đầu bóc từng múi từng múi ra, đặt vào đĩa trên bàn trà rồi chậm rãi nói: "Tôi tự làm."
Trữ Khâm Bạch nhìn góc nghiêng khuôn mặt cậu, không hiểu sao lại nhớ đến dáng vẻ cậu đếm thuốc buổi sáng hôm đó rồi nói: "Cậu có đam mê gì đó với mấy thứ đồ có hạt à?"
Châu Thanh không hiểu nên nhìn sang.
Trữ Khâm Bạch: "Xem như tôi chưa nói gì."
Không hiểu ra sao cả, Châu Thanh thầm nghĩ.
Suy cho cùng cũng không phải ăn tối chính thức, bữa tối dọn lên bàn, mọi người chỉ đơn giản là ăn một chút rồi đặt đũa xuống.
Sau bữa tối bà cụ đã quen viết chữ, không thì sẽ vẽ một bức tranh.
Trong sảnh phụ nhỏ có đặt một chiếc bàn làm việc và giấy Tuyên (*).
(*) bàn làm việc ở đây bản gốc là 案台, là một từ cụ thể chỉ cái bàn hay dùng để viết chữ hoặc trưng đồ trang trí, mọi người có thể thấy cái ảnh minh hoạ mình để dưới đây là nó có treo bút vẽ như trong truyện này nói nè
(*) Giấy Tuyên hay giấy huyện Kính là một loại giấy có nguồn gốc ở Trung Quốc cổ đại, được sử dụng để viết và vẽ. Giấy Tuyên nổi tiếng mềm mại và kết cấu mịn màng, phù hợp để truyền tải biểu cảm nghệ thuật cho cả thư pháp và hội họa Trung Hoa.
Châu Thanh đã lâu không chạm vào nên vô thức lại gần. Bà cụ cảm nhận được cậu tới cũng không nói gì, Châu Thanh vẫn luôn lẳng lặng đứng một bên.
Đợi đến khi một bức tranh hoa mẫu đơn được vẽ xong, Châu Thanh mới nói: "Bức tranh của bà ngoại phủ lên tầng tầng màu sắc, bút pháp tinh tế, những chỗ chi tiết càng giống như rõ ràng triệt để đi vào chi tiết, lối vẽ công bút (*) được vận dụng đến trình độ cực cao."
(*) bản gốc là 工笔, là một kỹ thuật hiện thực cẩn thận trong hội họa Trung Quốc, đối lập với phong cách tả ý thì diễn đạt một cách tự do. Ví dụ công bút hoa mẫu đơn
Bà cụ ngạc nhiên nhìn cậu một cái, sau đó mới nói: "Dù sao cũng đã vẽ mấy chục năm rồi, lời này của cậu không giống như người ngoài ngành, đã từng học qua à?"
"Không dám nhận ạ." Châu Thanh cười: "Chỉ biết một chút mà thôi."
Bà cụ lập tức tránh sang một bên, hứng thú nổi lên nên trải thêm một tầng giấy Tuyên nữa rồi nói: "Cậu thử xem."
Châu Thanh cũng không định trốn tránh.
Cậu đã lâu không vẽ tranh nhưng lại không hề xa lạ.
Những gì Châu Thanh phác hoạ là một bức tranh sơn thuỷ. Từ những đường nét núi đá phác hoạ đơn giản ban đầu rồi trở nên rõ ràng từng chút từng chút một.
Châu Thanh có hơi đi vào trạng thái nên không thấy ánh mắt thường xuyên nhìn mình của bà cụ, cũng không phát hiện trong sảnh phụ nhỏ không chỉ có đám người thím Trương đến tham gia cuộc vui mà Trữ Khâm Bạch không biết từ lúc nào cũng đến gần dựa vào khung cửa sổ.
Cho đến khi đặt xuống nét vẽ cuối cùng, ở lạc khoản (*) góc dưới bên trái là một chữ "Thanh" phồn thể (聲).
(*) lạc khoản: dòng chữ viết nhỏ để tên họ và ngày tháng ở trên các bức họa hay các bức đối trướng.
Bà cụ nhìn bức tranh lẩm bẩm: "Vận dụng lối vẽ công bút đến trình độ cực cao không khó, khó ở chỗ quan niệm nghệ thuật bao hàm lấy ít thắng nhiều. Đặt bút chính xác, nghĩ đến đâu bút đi đến đó, cậu như thế này không chỉ gọi là chỉ biết một chút mà thôi."
Nếu tính ra thì tuổi vẽ tranh của Châu Thanh quả thật không thấp nhưng cậu chưa bao giờ cảm thấy mình là một người có năng khiếu, chẳng qua hồi nhỏ bị mẹ bắt học.
Trái lại là những năm không còn ai bắt ép nữa, khi cậu thỉnh thoảng có thời gian nhàn rỗi thì ngược lại sẽ cảm thấy thuậnbuồm xuôi gió hơn so với trước đây.
Bà cụ lập tức cầm bức tranh treo lên, lần đầu tiên lộ ra nụ cười rạng rỡ, nhìn Châu Thanh: "Ta rất thích bức tranh này, có thể từ bỏ nó cho ta (*) được không?"
(*) bản gốc là 割爱, nghĩa đầy đủ là "vứt bỏ một thứ mình yêu thích", trong tiếng Việt không có từ này, ý bà lão là bảo Châu Thanh nhường lại tranh đẹp cho bà mà từ này có vẻ khá là lịch sự nên bên dưới Châu Thanh mới bảo thế này
"Lời này nặng quá rồi." Châu Thanh có chút được ưu ái mà lo sợ, "Người thích thì lại quá tốt rồi."
Thím Lý và những người khác ở bên cạnh cũng không hiểu, thế nhưng ai cũng biết một bức tranh của Phượng Thải Tiêu bây giờ nghìn vàng khó tìm.
Bà đã nói là đẹp thì nhất định là rất đẹp.
Thím Lý cẩn thận nhận lấy bức tranh, hỏi bà cụ: "Treo lên sao?"
Bà cụ nhìn xung quanh, "Vậy thì treo ở sảnh chính đi."
Tất cả những bức tranh có thể treo trong sảnh chính của nhà họ Tần, không bức nào không là kiệt tác.
Châu Thanh cũng không phải không có mắt nhìn, đột nhiên cảm thấy không ổn nên mở miệng ngăn cản, "Bà ngoại, cái này không thích hợp lắm."
"Cái này có gì mà không thích hợp." Ánh mắt của Phượng Thải Tiêu di chuyển trên mặt Châu Thanh, ý vị sâu xa nói: "Nhìn tranh có thể nhìn ra tính cách của một người nhất, trong lòng có chỗ hở, lòng dạ này của cậu, ngày nay hiếm thấy đấy."
Lần đầu tiên Châu Thanh được người khác nói đến mức sắc mặt không thoải mái.
Cậu vô tình quay đầu lại, bắt gặp ánh mắt của Trữ Khâm Bạch, người đang dựa vào cửa sổ.
Trữ Khâm Bạch thấy cậu nhìn sang liền đứng thẳng người, tay đút túi chậm rãi đi tới.
Anh cũng nghiêng đầu nhìn bức tranh, trực tiếp nói với thím Lý: "Thím treo lên đi, cẩn thận chút."
Thím Lý thở dài một tiếng, cầm lấy bức tranh rồi chỉ huy mọi người ra ngoài.
Châu Thanh bước sang một bên, hỏi Trữ Khâm Bạch, "Anh có muốn vẽ không?"
Phượng Thải Tiêu lập tức nói: "Đừng hỏi nó, đừng nói đến quốc hoạ, học sinh tiểu học còn vẽ giỏi hơn nó. Bình thường thà chơi mấy cái như đấu vật hay lặn thôi, còn không thể ngồi nghiêm túc trước bàn được nửa tiếng nữa là."
Châu Thanh có hơi buồn cười.
Trữ Khâm Bạch giữ nguyên bộ dạng đó, còn nói: "Cái đó gọi là ai mà có thể có văn hoá được như người chứ."
"Chả nói được câu nào ra hồn!" Phượng Thải Tiêu cười mắng.
Đơn giản chế nhạo một câu, bà cụ lại quay đầu nói với Châu Thanh: "Đúng rồi, mặc dù ta già rồi nhưng cũng không thể lấy không đồ của con được, con xem xem phòng này có gì thích không thì ta tặng con."
Bao quanh sảnh phụ nhỏ này đều là kệ bằng thuỷ tinh, bất kỳ đồ vật nào trên đó đều vô giá.
Châu Thanh đương nhiên không thể thật sự lấy đi thứ gì nhưng cậu đã nhìn trúng một món đồ trong khung vuông đóng đinh trên tường.
Trữ Khâm Bạch nhìn qua theo ánh mắt của cậu, nói: "Mắt nhìn không tệ, cái đó là gốm ngũ thái (*) thời nhà Minh."
(*) ngũ thái: là một kiểu trang trí đồ sứ Trung Hoa trong một phạm vi hạn chế các màu. Thông thường nó sử dụng màu xanh lam coban dưới men để tạo ra đường viền và một số phần của họa tiết trang trí, còn trang trí trên men bằng màu đỏ, xanh lục và vàng cho phần còn lại của họa tiết trang trí.
Châu Thanh lắc đầu: "Không phải."
Trữ Khâm Bạch: "Cậu cảm thấy là hàng giả?"
"Đương nhiên không phải ý này." Châu Thanh thu ánh mắt lại, "Ý của tôi là không lấy, chỉ là muốn hỏi xem có cách nào để mua không, tôi lấy đi làm quà tặng."
Trữ Khâm Bạch cau mày: "Cậu có biết ý nghĩa của đồ cổ là gì không?"
Châu Thanh lườm anh: "Đầu óc tôi trông có vẻ không tốt sao?"
Trữ Khâm Bạch gật đầu: "Đúng vậy thật, cậu còn trông giống đồ cổ hơn so với cái bình gốm đó đấy. Một người bắt taxi còn chê đắt, vậy mà vừa ra tay lại chọn gốm sứ thời nhà Minh, tôi thật sự tò mò ai xứng đáng để cậu bỏ ra số tiền lớn như thế đấy."
Châu Thanh không chấp nhặt với anh mà tiện tay dọn đồ đạc trên bàn làm việc, còn thành thật nói, "Anh có quen."
"Tôi quen?"
Châu Thanh: "Sếp tổng của Thịnh Vũ, anh trai anh, Trữ Húc Minh."
Trữ Khâm Bạch chỉ cần vừa nghĩ đã biết lý do trong đó.
Anh quyết định rút lại những gì đã nói với Phạm Tuyền rằng người nhà họ Châu không có mắt nhìn.
Trữ Khâm Bạch nhìn người đang chuyên chú rửa bút, nói: "Anh ta chưa bao giờ nhận hối lộ."
"Ngài Trữ." Động tác trên tay Châu Thanh dừng lại, ngẩng đầu, "Trên đời này có một từ gọi là quà gặp mặt. Thuận theo sở thích quả thật là điểm cộng thêm cho việc giành được thiện cảm, nhưng có thể hợp tác được nhất định là vì phù hợp chứ không phải là vì tặng quà, xin đừng dùng những từ ngữ giao dịch bẩn thỉu như hối lộ này."
Trữ Khâm Bạch nhìn cậu hai giây, chế giễu: "Tật xấu cũng không ít nhỉ, nói cậu hối lộ đã là bẩn thỉu rồi à?"
Châu Thanh đi vòng qua bàn, treo bút lên, gật đầu hài lòng: "Cũng đúng, không thể thấy nhiều biết rộng như ngài Trữ, người đã lăn lộn trong giới giải trí nhiều năm."
Hai tay Trữ Khâm Bạch đặt lên bàn, cúi xuống kéo gần khoảng cách.
"Bây giờ cậu thích chuyển hướng mắng tôi đúng không?"
"Nói anh thấy nhiều biết rộng." Châu Thanh ngước mắt lên, nhẹ giọng trách cứ, "Con người anh sao có thể không biết điều như vậy chứ?"