44.
Năm mới vừa qua, sinh nhật của cậu chủ nhỏ sẽ đến ngay sau đó.
Cậu ấy vẫn đang ở nhà ông nội, sau khi được cho phép, mỗi tối lúc 8 giờ rưỡi tôi đều gọi điện cho cậu ấy, nói chuyện luyên thuyên, nghe giọng nói của cậu ấy, thỉnh thoảng trêu cậu ấy đến mức đỏ mặt, nghe thấy giọng nói ngượng ngùng bực bội từ đầu kia điện thoại truyền đến, tôi gần như không thể kiềm chế bản thân.
Không thể phủ nhận, tôi cố tình làm vậy.
Đôi khi, không nhìn thấy còn khiến người ta ngứa ngáy hơn là khi nhìn thấy nữa.
Nghe giọng cậu chủ nhỏ, tôi có thể tưởng tượng ra cảnh cậu ấy đang ngồi trên ghế sofa hoặc giường, tựa lưng vào, cầm điện thoại hoặc đeo tai nghe, vô tư trò chuyện với tôi. Còn cậu ấy bị những trò đùa của tôi làm cho ngượng ngùng, nhưng vẫn ngoan cố phản kháng, chính cậu ấy cũng không nhận ra vành tai mình đã đỏ bừng.
Cậu ấy không nhìn thấy được, nên không biết mình đáng yêu đến mức nào.
Nhưng tôi biết.
Những hình ảnh này cứ lẩn quẩn trong đầu tôi, khiến tôi vừa mắng mình vô liêm sỉ, vừa không thể ngăn mình muốn cậu ấy nói nhiều thêm vài câu, chửi mắng tôi cũng được, thậm chí chỉ cần cậu ấy còn ở đó, nghe thấy âm thanh nhịp thở đều đặn từ bên kia, tôi cũng cảm thấy yên tâm.
Nhưng làm như vậy cũng không phải lúc nào cũng suôn sẻ.
Có lần cậu chủ nhỏ bị tôi trêu quá mức, đã cúp điện thoại. Tôi chờ một phút, rồi gọi lại; cậu ấy lại cúp, tôi tiếp tục gọi. Sau ba lần, tôi đã chuyển sang nhắn tin và WeChat, gửi một biểu tượng cảm xúc kèm theo câu “Tôi sai rồi, cậu nghe điện thoại của tôi đi mà, cậu chủ nhỏ ơi." Cuối cùng cậu ấy cũng băn khoăn hồi âm một câu ngắn gọn: “Im miệng, đi ngủ.”
Tôi lập tức đáp: “Chúc ngủ ngon!”
Còn thêm một dấu chấm than.
Vô cùng trẻ con.
Nhưng cậu ấy lại rất thích điều này.
Tôi không còn cách nào khác, chỉ có thể học theo như vậy.
Buổi tối gọi điện trò chuyện với cậu ấy, ban ngày tôi dùng để xử lý công việc của công ty và chuẩn bị quà sinh nhật cho cậu chủ nhỏ.
Cậu ấy thích xe máy. Tôi đã mua một chiếc và giao cho người bạn có hiểu biết về vấn đề này để độ lại. Tôi phụ trách chi tiền, yêu cầu chính chỉ có hai điều: một là an toàn, hai cũng phải an toàn. Bạn tôi cười châm chọc rằng tôi không dám lái thì đừng mua, tôi liếc qua nói: “Không phải mua cho tôi.”
“Vậy là mua cho ai?” Anh ta hứng thú hỏi.
Tôi: “Cho cục vàng nhà tôi.”
Anh ta: “……”
Tôi: “Cái gì cũng phải tốt nhất, an toàn nhất, anh tự xem mà làm, nhất định phải cho cục vàng của tôi một món quà thật hoàn hảo.”
Tôi: “Ôi cục vàng của tôi đáng yêu lắm, chỉ có cái tốt nhất mới xứng với cậu ấy thôi.”
Anh ta nói một cách lạnh lùng: “Quý Thiệu, nếu anh còn phát bệnh như vậy nữa, có tin tôi sẽ độ anh cùng với chiếc xe luôn không?”
Tôi khôn ngoan lựa chọn im lặng.
Ý tưởng này đã xuất hiện từ khi lần trước cậu ấy cưỡi xe máy của bạn tôi mà không chịu ngừng lại, nhưng lúc đó vì cậu ấy đột nhiên biến mất khiến tôi lo lắng hoảng cả lên, tôi chỉ chú tâm đến vấn đề an toàn của cậu ấy nên đã quên mất chuyện này.
Sau đó, trong một thời gian dài, tôi đã phải đấu trí với ba của cậu chủ nhỏ, lo lắng đến cực độ, còn phải đề phòng những suy nghĩ thầm kín của mình bị phát hiện. Tôi bận rộn đến mức đầu óc choáng váng, tự nhiên không còn thời gian làm nữa.
Nhưng giờ thì cơ hội đã đến.
Thời gian không có cậu ấy bên cạnh khiến tôi thấy những ngày dài như năm, nhưng cũng chỉ có như vậy mới cho tôi cơ hội để chuẩn bị một bất ngờ độc nhất vô nhị cho cậu ấy.
Chỉ cần nghĩ đến biểu cảm phấn khích của cậu ấy khi nhận được món quà này, tôi đã cảm thấy mãn nguyện không gì sánh bằng, như thể đã thấy khóe miệng cậu chủ nhỏ của mình nhếch lên, còn ra sức giả vờ thờ ơ kiêu hãnh, cùng với hình ảnh cậu thanh niên cưỡi xe máy nhanh như tia chớp lao đi trong gió.
Và tôi tặng cậu ấy chiếc xe máy, có lẽ sẽ khiến cậu ấy thích tôi thêm một chút.
Cho dù chỉ một chút, cũng đủ rồi.
Tất nhiên, nếu nhiều hơn một chút nữa tôi cũng không để ý lắm đâu.
Vội vàng lắm, cuối cùng chiếc xe cũng được độ xong vài ngày trước sinh nhật của cậu chủ nhỏ. Tôi đã nhờ bạn mình xác nhận, anh ta nói không có vấn đề gì, rồi tối hôm đó như thường lệ, tôi gọi điện hỏi cậu ấy khi nào có thể về.
Bên đó có tiếng xì xào một hồi, cậu ấy mới trả lời: “Ông nội bảo tôi ở nhà ông ăn sinh nhật, sinh nhật xong mới về.”
Vậy quà của tôi sẽ phải gửi thế nào đây?
Tôi nắm chặt điện thoại, nghe cậu ấy nói tiếp: “Thật ra ông nội còn muốn tổ chức tiệc, mời nhiều người cho vui, nhưng tôi không thích, nên thôi.”
Tôi nghe ra ẩn ý cậu ấy không nói thành lời, liền hỏi: “Vậy chỉ có người nhà cùng cậu ăn mừng sao?”
Cậu ấy: “Ừm.”
Tôi chợt nghĩ: “Vậy tôi có thể đi được không?”
Cậu ấy do dự hai giây: “Chắc là... có thể đấy.”
Tôi qua điện thoại “chụt” một tiếng: “Cảm ơn cậu chủ nhỏ!”
Cậu ấy bên đó dừng lại một lúc, rồi bỗng cúp điện thoại.