Câu Chuyện Phù Sinh

Chương 165

– Không ai có thể mặc bộ áo cưới này, không một ai…

Ông Tần làm việc ở văn phòng của viện bảo tàng đang vuốt ve tủ kính trưng bày sáng choang không một mảy bụi nằm ở góc trong cùng của phòng triển lãm số 3, thẫn thờ nhìn vào bên trong, lẩm bẩm một mình.

Một màu đỏ thạch lựu tươi tắn xuyên qua lớp kính kiên cố, phản chiếu trong đáy mắt đã gần như mờ đục của ông.

Sắc màu đỏ, dịu dàng như nước, rực rỡ như lửa.

Là một bộ áo cưới thời cổ.

Bên trên là chiếc áo cổ cao bằng lụa mỏng dệt kim tuyến thêu hoa, bên dưới là chiếc váy có hai mươi tư nếp gấp, trên vạt váy được đính ngay ngắn những vật trang sức hình tròn tinh xảo được chế tác từ lưu ly trong suốt, bên ngoài khoác một tấm áo the mộc dài chạm đất, điềm đạm nằm trên chiếc giá áo bằng gỗ trinh nam. Màu đỏ thạch lựu chói chang của áo và váy được khoác lên lớp the mỏng manh, tạo nên một vẻ hư ảo mơ màng, thực giống như người thiếu nữ đang chờ xuất giá, e thẹn nép vào góc khuất, nôn nóng mà dè dặt nhìn trộm người trong mộng, lớp rèm châu lay động, che khuất dung nhan, song không che được hai vệt mây hồng ửng trên đôi gò má.

Đích thực là một bộ áo cưới lộng lẫy tuyệt vời. Tin chắc rằng bất cứ cô gái nào nhìn thấy nó cũng đều dấy lên một niềm ao ước ngọt ngào là được khoác nó lên người.

“Áo cưới của phụ nữ quý tộc thời Nam Tống, khai quật tại công trường số 2 phía bắc ngoại ô thành phố Vong Xuyên năm 1977.”

Trên tấm biển giới thiệu trắng toát, dòng chữ màu đen giới thiệu sơ lược về lai lịch của bộ váy áo.

Nó đáng ra là món cổ vật quý giá nổi bật nhất trong viện bảo tàng, nhưng vì năm chữ “Đây là vật phỏng chế” ở dưới cùng tấm biển, mà đã phải nằm oan ức ở nơi xó xỉnh nhiều năm.

Quân Tụ Hàn cầm chiếc chổi lông gà, hờ hững phe phẩy chiếc tủ trưng bày bên cạnh, ánh mắt bất giác cứ nhìn về phía ông Tần, cùng với mục tiêu mà ông ta đang nhìn chăm chú.

Hôm nay là ngày thứ bảy Quân Tụ Hàn tới làm việc ở viện bảo tàng. Là một nhân viên văn phòng bình thường, công việc của cô chẳng mấy bận rộn, chỉ là sắp xếp tài liệu, bảo quản đồ trưng bày, tiếp đón khách tham quan, lặp đi lặp lại một cách đơn điệu ngày này qua ngày khác. Và sự thực, là một viện bảo tàng chẳng mấy quy mô nằm ở ngoại ô một thành phố nhỏ, khách tham quan hàng ngày có thể nói là chỉ lác đác vài mống. Cư dân nơi đây dường như rất ít người hứng thú với lịch sử, họ thà ngồi trong quán trà đánh mạt chược cũng chẳng buồn tới viện bảo tàng để cảm hoài quá khứ. Thời điểm đông đúc nhất của viện bảo tàng chính là trước sau lễ Quốc khánh, bởi vì sẽ luôn có giáo viên dẫn một nhóm học sinh tới nơi này để bổ sung cho kiến thức ngoại khóa.

Do đó cũng không khó hình dung, thu nhập của viện bảo tàng chẳng có bao nhiêu. Nếu chỉ trông vào tiền vé vào cửa, e rằng thế nào cũng có ngày chẳng còn đủ tiền mua nước tẩy rửa. Cũng may là chính quyền thành phố hàng năm đều rót cho một chút kinh phí còm cõi, viện bảo tàng mới có thể duy trì tới ngày nay.

Trước khi Quân Tụ Hàn tới đây, vị trí của cô ta đã thay đổi nhiều người. Chẳng có mấy người trẻ tuổi chịu ở lại cái nơi nghèo khó này quá ba tháng. Cái hào khí sẵn sàng cống hiến để bảo vệ lịch sử rực rỡ của Tổ quốc những ngày mới đến, cuối cùng đã bại dưới gót giày của hiện thực vô tình.

Bây giờ, cả viện bảo tàng chỉ có năm nhân mạng. Ngoài giám đốc viện bảo tàng và nhân viên bảo vệ, chỉ còn ba người làm việc trong văn phòng. Tới cả lao công cũng thuê theo giờ để tiết kiệm chi phí. Và sĩ số của văn phòng sẽ biến thành hai trong tương lai gần. Ông Tần sắp nghỉ hưu. Tuần này sẽ là bảy ngày cuối cùng ông làm việc ở viện bảo tàng.

– Bác Tần, tài liệu trong tủ hồ sơ của bác đã sắp xếp xong cả chưa? Có cần cháu giúp không? – Quân Tụ Hàn bước tới bên cạnh ông Tần, nhớ tới tủ hồ sơ cũ kỹ đã bị ông xào xáo tới lộn tùng phèo.

Nghe cô hỏi vậy, ông Tần khẽ đẩy gọng kính đã bạc màu trên sống mũi lên, mỉm cười cảm kích:

– Không cần đâu, cũng đã thu dọn gần xong rồi.

Nói xong, ông quay đầu lại, ánh mắt tiếp tục lưu luyến trên sắc đỏ thạch lựu.

Tạ Phi tới đây trước Quân Tụ Hàn hai tháng từng thầm thì với cô rằng, ông Tần yêu quý bộ áo cưới giả hiệu này một cách bất thường. Rất nhiều đêm sau khi viện bảo tàng đóng cửa, cô ta đã nhìn thấy ông Tần đứng thẫn thờ trước tủ trưng bày với tư thế y hệt như vậy, lẩm bẩm một mình.

Ánh mắt đó, chỉ có ở một kẻ si tình.

Mỗi lần nói tới đây, Tạ Phi luôn kết thúc bằng một tràng cười châm biếm.

Mấy hôm trước, khi chỉnh lý hồ sơ, Quân Tụ Hàn nhớ rằng, trong mục “tình trạng hôn nhân”, ông Tần điền là “độc thân”, là chưa kết hôn hay đã ly dị, chẳng thể biết được. Cô cũng không hào hứng với việc soi mói đời tư của người khác. Huống hồ, cô luôn cảm kích và tôn trọng ông Tần. Khi cô đang đau đầu nhức óc tìm việc làm, đúng một ngày trước khi bị bà chủ nhà chợ búa tống cổ ra đường, ông Tần đã gọi điện thoại tới báo tin trúng tuyển, cứu cô trong cơn nguy cấp. Ngay ngày hôm đó, cô liền xách theo ít hành lý đơn giản, tìm tới viện bảo tàng. Nghe cô bối rối trình bày về hoàn cảnh khốn đốn hiện tại, ông Tần lập tức giao cho cô một chiếc chìa khóa, nói rằng từ nay cô hãy tạm thời ở trong văn phòng, trong gian phòng nhỏ có một chiếc giường gấp, cố gắng chịu đựng một thời gian, đợi khi tìm được nhà thì chuyển đi sau.

Trong cái thời đại khủng hoảng lòng tin này, Quân Tụ Hàn dè dặt cầm lấy chiếc chìa khóa màu trắng bạc, trịnh trọng cúi rạp người cảm ơn ông Tần, tự đáy lòng trào dâng một niềm ấm áp đã vắng mặt từ lâu.

Có việc làm, còn có chỗ ở miễn phí, Quân Tụ Hàn cuối cùng đã có thể thở phào nhẹ nhõm.

Tất cả công việc cô phải phụ trách, bất kể là phức tạp hay đơn giản, ông Tần đều chỉ bảo tận tình. Không chỉ trong công việc, mà thấy cô bị viêm họng, bất chấp thời tiết oi bức, ông đã tìm tới một tiệm thuốc ở rất xa mua thuốc giúp cô, còn ôm tới cho cô một tấm chăn dày hơn, nói rằng ban đêm trong viện bảo tàng lạnh lẽo, đắp chăn ấm mới không bị cảm lạnh. Biết cô kinh tế khó khăn, ông còn gặp riêng giám đốc viện bảo tàng, xin ứng trước lương tháng này cho cô.

Đối với một tiền bối, một cấp trên tốt bụng lại tận tâm như vậy, Quân Tụ Hàn kiên quyết không nói nửa lời thị phi sau lưng ông.

Cô không muốn ông nghỉ việc, ít nhất là đừng quá nhanh như thế này.

– Bác Tần… – Quân Tụ Hàn ngẫm nghĩ một lát, rồi lấy hết dũng cảm cắt ngang ánh nhìn mê mải của ông Tần vào bộ áo cưới. Có một vài câu hỏi, cô muốn biết được đáp án trước khi ông rời khỏi nơi này.

Ông Tần xoay nghiêng mặt qua, ánh đèn phản chiếu trên mắt kính, biến thành hai mảng sáng lóa che khuất đôi mắt ông.

– Bác có thể kể cho cháu nghe câu chuyện về bộ áo cưới được không? – Cô hỏi câu mà mình muốn hỏi nhất.

Im lặng hồi lâu.

– Nó đang chờ đợi!

Khóe miệng ông Tần hơi nhếch lên, khuôn mặt đầy nếp nhăn giãn ra thư thái, giống như mảnh đất hoang vu vừa bừng nở một đóa hoa.

Quân Tụ Hàn chưa từng nhìn thấy biểu cảm đó ở ông.

– Chờ đợi?! – Cô ngẩn người – Chờ cái gì kia?

Bàn tay ông Tần chầm chậm dịch chuyển trên mặt kính, hơi nóng từ lòng bàn tay phả lên lớp kính một làn khói trắng mờ mờ, rồi biến mất trong chớp mắt.

– Hạnh phúc!

Một cảm giác thanh thản như trút bỏ gánh nặng, lập lờ giữa hai con chữ ngắn ngủi.

– Oi bức quá, e rằng đêm nay sẽ mưa to. Đi ngủ nhớ đóng cửa sổ cho kỹ. Bác về đây.

Ông Tần cầm chiếc ô đang gác dưới đất lên, dường như không nhìn thấy ánh mắt nghi hoặc của Quân Tụ Hàn, nhẹ nhàng vỗ lên vai cô, rồi lại lưu luyến liếc nhìn bộ áo cưới.

– Giao nó cho cháu đấy. – Trước khi đi, ông nhìn ra ngoài cửa sổ, vẻ đầy suy tư – Ngày kia, Thất tịch[1], có mưa không nhỉ?!

[1] Tức ngày mùng 7 tháng 7 Âm lịch, là ngày Ngưu Lang Chức Nữ gặp nhau trong truyền thuyết, được coi là ngày lễ tình nhân của Trung Quốc. (Nd)

Miệng Quân Tụ Hàn hơi há ra, cho tới khi bóng của ông Tần khuất sau cánh cửa.
Bình Luận (0)
Comment