Chế Tạo Hào Môn

Chương 194



Nhìn cách ăn mặc cực kỳ bình thường của anh, không ít người đều tỏ ra nghi ngờ, cảm thấy đây là một người qua đường muốn góp vui, hoặc là phóng viên muốn kiếm cớ để qua cửa. “Làm thế nào chứng minh anh quen biết với giáo sư Triệu?”, người chặn đường kia hỏi.

Hoắc Khải bị hỏi thì ngây người, làm sao chứng minh? Điều này cũng cần chứng minh sao?

Mặc dù yêu cầu của người kia rất vô lý nhưng Hoắc Khải cũng không tức giận, lấy điện thoại, gọi cho Đường Thế Minh một cuộc: “Tôi đến bên ngoài phòng bệnh rồi, nhưng có người ngăn lại không cho tôi qua”.

“Đợi một chút, tôi đến ngay”, Đường Thế Minh trả lời nói.

Không lâu sau, Đường Thế Minh đi đến, trên đường có rất nhiều người giữ anh ta lại để hỏi về tình hình của Triệu Vĩnh An.

Đường Thế Minh tuỳ tiện trả lời qua quýt vài câu, tỏ vẻ tình hình của giáo sư rất tốt, không cần lo lắng.

Đường Thế Minh đi đến trước mặt Hoắc Khải, nói: “Đi theo tôi”.

Người vừa rồi còn ngăn Hoắc Khải, cũng không chặn đường nữa mà một trong những người đứng bên cạnh lại hỏi: “Thế Minh, đây là ai?”

“Anh ấy là một người bạn mà giáo sư gặp trong hiệu sách, Lý Phong”, Đường Thế Minh trả lời nói.

“Anh Lý, xin chào. Tôi là Bao Bất Đồng, không biết anh Lý làm việc ở đâu?”, người đó giơ tay về phía anh hỏi.

Theo phép lịch sự, Hoắc Khải bắt tay với anh ta, trả lời nói: “Tôi làm việc ở công ty con của nhà họ Cơ”.

Người của nhà họ Cơ?

Nghe thấy đáp án này, những người xung quanh đều mất hứng. Nhà họ Cơ ở trong nước được coi là một trong những dòng họ lớn, nhưng không tính là bậc cao, miễn cưỡng chỉ có thể coi là bậc trung.

Trong những người có mặt ở đây, không thiếu người có thế lực còn mạnh hơn nhà họ Cơ nhiều.

Hơn nữa, quản lý ở công ty con nhà họ Cơ đều là con cháu của dòng họ, mà Hoắc Khải nói anh họ Lý, vậy không phải là người của nhà họ Cơ, cho nên chức vụ ở công ty cũng không cao lắm.

Đối với chuyện Đường Thế Minh nói anh quen Triệu Vĩnh An ở hiệu sách thì họ lại cảm thấy không có gì đáng ngờ.

Từ trước đến nay, Triệu Vĩnh An không coi trọng bối cảnh gia đình, từ nhà quyền quý cho đến nhân viên quét dọn, ông ấy đều có thể nói chuyện. Bình thường có kiểu người bán hoa, bán cây được ông ấy mời về nhà ăn cơm cũng không phải chuyện hiếm lạ gì.

Những người đến thăm Triệu Vĩnh An, phần lớn là người có quyền có thế, đối với hạng người như Hoắc Khải, trong tình huống này, họ cho rằng anh cơ bản không đủ tư cách để vào thăm bệnh.

Mà sẽ có người chặn lại như vừa rồi. Nếu không phải Đường Thế Minh đến dẫn đường, thì anh chỉ có thể đứng ở đây.

Đường Thế Minh dẫn Hoắc Khải đến bên ngoài phòng bệnh nhưng lại không bảo anh vào, chỉ nói: “Giáo sư đang nói chuyện với người khác ở bên trong, đợi một chút rồi vào nhé”.

Hoắc Khải gật đầu, nghe theo lời của Đường Thế Minh đứng đợi bên ngoài cửa phòng.

Bên cạnh còn có mấy người cũng đang đợi tò mò đánh giá anh, sau đó chủ động đến bắt tay, hỏi về thân phận.

Khi biết Hoắc Khải chỉ là một trợ lý ở công ty con nhà họ Cơ, quen Triệu Vĩnh An ở hiệu sách thì họ đều lập tức mất hứng.

Không phải ai quen biết Triệu Vĩnh An đều đáng để họ giao thiệp.

Tình huống như thế, Hoắc Khải cũng không quan tâm. Anh đến đây vì Triệu Vĩnh An mà không phải vì người khác. Những người khác nhìn anh thế nào cũng không quan trọng.

Lúc này, trong phòng bệnh vọng ra tiếng tranh cãi: “Thầy, thầy thật sự già đến hồ đồ rồi, không trộm không cướp thì sao phải quyên góp cho bảo tàng, tự mình giữ lại không tốt sao?”

“Đúng thế, những đồ vật đó là tâm huyết một đời của thầy, giá trị không thể tính được. Quyên góp cho viện bảo tàng thì không có gì cả sao!”

Hoắc Khải và những người khác đều bất giác nhìn vào phòng bệnh qua cửa kính thì nhìn thấy bốn, năm người đang đứng trước giường bệnh, tranh cãi với Triệu Vĩnh An.

Không cần hỏi, Hoắc Khải cũng biết thân phận của những người ngày, từ trái sang phải lần lượt gọi là: “Thượng Toàn Minh, Miêu Nhất Khoa, Thạch Đông Phong, Đặng Vinh Hoa”.

Bốn người này đều là học sinh của Triệu Vĩnh An, hơn nữa đều thuộc hàng có máu mặt, địa vị cao. Bất kỳ người nào chỉ cần dậm chân một cái là khiến toàn quốc xảy ra chấn động không nhỏ.

Mỗi ngành nghề, mỗi lĩnh vực đều ít nhiều có sự góp mặt của họ.

Mạng lưới quan hệ của Triệu Vĩnh An chỉ yếu dựa trên bốn người này, cho nên họ cũng là người vào phòng bệnh đầu tiên.

Vốn dĩ cho rằng sẽ là bức tranh ấm áp về tình cảm thấy trò nhưng không ngờ, mới vào được mười mấy phút thì đã cãi nhau rồi.

Theo ý trong lời nói của họ, có lẽ là có liên quan đến những món đồ cổ mà Triệu Vĩnh An sưu tầm.

Miêu Nhất Khoa để đầu xẻ ngôi giữa, nhìn có vẻ phóng khoáng nói: “Thầy à, thầy bảo chúng em giúp xây lại nhà, thật sự mà nói, coi như không lấy đồng nào thì chúng em cũng phải làm. Nhưng, vừa rồi thầy nói phải kiếm tiền có đạo đức, nói tiền của mấy người chúng em kiếm được không chính đáng. Câu nói này có hơi quá rồi. Nếu đã cảm thấy tiền chúng em kiếm đều là tiền bẩn thì sao còn tìm chúng em giúp chứ?”

Triệu Vĩnh An đang nằm trên giường bệnh, cánh tay và chân đều bị băng bó. Vẻ mặt nhìn không tốt lắm. Ông ta ngồi thẳng người, trong vẻ lúng túng còn mang chút tức giận nói: “Tôi đang dạy các anh đạo lý làm người, tiền có thể kiếm nhưng không thể vì kiếm tiền mà táng tận lương tâm!”

“Thầy, câu này của thầy em không nghe nổi. Cái gì mà táng tận lương tâm kiếm tiền? Nói thật, năm đó thầy chỉ là một giáo viên, tuy rằng tổ tiên có để lại chút sản nghiệp nhưng cũng chỉ là những viên gạch vụn lạnh lẽo, đều là vật chết. Nếu dựa vào đồng lương giáo viên ít ỏi thì có thể mua nổi nhiều đồ cổ như vậy sao? Còn không phải do mấy người chúng em đều biết thầy thích những đồ này, cho nên mỗi dịp gặp mặt, đón năm mới đều tặng hai món. Sau này, thầy lại dùng danh tiếng của mình, cao mua thấp bán mới tạo thành sản nghiệp lớn như thế. Thầy không có con ruột, bình thường có chuyện gì cũng đều là mấy người chúng em đến xử lý, không để thầy phải nói nhiều một câu. Bây giờ thì tốt rồi, thầy lại nói tiền chúng em kiếm được đều là do vô lương tâm mà có, câu nói này cũng khó nghe quá rồi”.

Người nói câu này là tổng giám đốc doanh nghiệp nhà nước lớn Thạch Đông Phong, cũng là người lớn tuổi nhất trong bốn người, đã sáu mươi tuổi, gần đến tuổi về hưu.

Bình thường, ông ta nói chuyện rất hoà nhã. Nhưng hôm nay tức giận như vậy, có lẽ do lời nói của Triệu Vĩnh An thật sự có chút khó nghe rồi.

“Được rồi, mấy người các anh có phải cảm thấy nhà và đồ cổ của tôi bị cháy sạch sẽ, những đồ khác lại quyên góp cho viện bảo tàng, còn bảo các anh giúp xây lại nhà nên trong lòng không vui đúng không? Trước đây nói hay như thế, một ngày làm thầy, cả đời làm cha, còn nói gì mà nuôi tôi đến cuối đời. Coi như tôi nhìn rõ rồi, tất cả chỉ là nói bậy! Các anh đều như nhau, thèm thuồng ít đồ vật đó trong tay tôi. Bây giờ biết không lấy được thì cũng chán không buồn đối phó với lão già này. Được rồi, các anh đã không sẵn lòng vậy thì cút! Cút đi càng xa càng tốt! Tôi không tin, không có mấy người các anh, tôi không tìm được người cho tôi mượn tiền sửa nhà!”

Triệu Vĩnh An tức đến nỗi đập bàn, hô lớn: “Đường Thế Minh! Đường Thế Minh! Vào đây cho tôi, đuổi mấy kẻ này đi!”

Lúc này Đường Thế Minh mới đẩy cửa đi vào, nói với mấy người Thạch Đông Phong: “Mời các ông về trước”.

“Đi thì đi. Gào cái gì mà gào”, Miêu Nhất Khoa bất mãn rời đi trước. Ông ta dùng sức mở cửa phòng bệnh khiến cánh cửa đập lên vách tường, phát ra tiếng động lớn, thu hút sự chú ý của rất nhiều người.

Sau đó, Thạch Đông Phong và Thượng Toàn Minh cũng rời đi, Đặng Vinh Hoa nhìn có chút mập mạp lại thở dài nhìn Triệu Vĩnh An: “Thầy, thầy làm sao vậy. Thật ra họ cũng không phải muốn đồ gì nhiều đâu. Như ông Miêu, chỉ là thích cái nghiên mực đời Tống mà thôi. Cái này cũng không phải đồ quý giá không thể thiếu được. Thầy cho ông ta thì có mất gì đâu”.

“Cút đi cho tôi!”, Triệu Vĩnh An tức đến nỗi cầm cái gối ném lên người ông ta, quát mắng: “Tôi thà ném hết tất cả những thứ đó đi cũng không cho các anh cái gì! Tất cả cút đi!”

Đặng Vinh Hoa cũng rất tức giận, đá cái gối vừa rơi từ trên người mình xuống, sau đó đi ra khỏi phòng bệnh.

Ba người khác đã đi ra ngoài rồi, trên đường đi có một người quen không hiểu hỏi: “Tổng giám đốc Thạch, sao vậy, đang yên đang lành lại giận giáo sư Triệu như vậy chứ”.

Thạch Đông Phong vẻ mặt ảm đạm nói: “Nhà của thầy cháy hết rồi đấy, ông ấy bảo chúng tôi giúp xây lại. Ông Miêu nói có thể cho không số tiền mượn đó, chỉ cần thầy bằng lòng đưa cho ông ta nghiên mực đời Tống thì chuyện này ông ta sẽ lo liệu. Thật ra cũng không có gì không thể. Nghiên mực đời Tống đó nhiều nhất cũng chỉ một, hai triệu tệ, nhưng nhà của thầy có thể xây bằng một, hai triệu tệ sao? Ông Miêu cũng rất nể mặt rồi, nhưng thầy vừa mở miệng đã mắng mấy người chúng tôi là tiền bẩn, vô lương tâm. Các anh nói xem, lời này là sao chứ! Chúng tôi chỉ có lòng muốn giúp, thế mà lại bị mắng một trận, thật là già hồ đồ rồi!”

Bình Luận (0)
Comment