Chỉ Gọi Tên Em

Chương 15

8 giờ 32 phút tối, tàu hỏa khởi hành từ Cáp Nhĩ Tân, 7 giờ 7 phút sáng hôm sau, tàu tới Bắc Kinh, vẫn phải ngồi 10 tiếng 35 phút đồng hồ.

Hệt như lúc từ Bắc Kinh tới Cáp Nhĩ Tân, chỉ sai lệch có hai phút.

Tại sao tàu không chạy vào lúc tám rưỡi như bình thường mà phải là 8 giờ 32 phút, tôi thật không sao lý giải nổi.

Nhưng cũng may mà dôi ra hai phút này, vì tôi và Noãn Noãn ham chơi, vào tới sân ga đã là tám rưỡi rồi.

Vé tàu về đã mua từ trước, vẫn là giường nằm mềm tầng dưới.

Lần này cùng cabin với chúng tôi là hai cô gái Bắc Kinh tới Cáp Nhĩ Tân du lịch, hình như vừa tốt nghiệp đại học chưa được bao lâu.

Chính vào độ tuổi đi giày cao gót bước chân vẫn còn lúng túng, thông thường con gái ở độ tuổi này là thu hút nhất.

Các cô rất nhiệt tình, chủ động bắt chuyện với Noãn Noãn, Noãn Noãn còn giới thiệu tôi từ Đài Loan tới.

Hai cô gái, một cao một gầy, lập tức từ giường trên trèo ngay xuống dưới, đến trước mặt tôi.

“Em chưa được tận mắt nhìn thấy người Đài Loan bao giờ, phải nhìn cho kỹ” cô cao nói.

“Anh nói câu gì nghe coi” cô gầy nói.

“Xin chào” tôi nói.

“Nói câu nào dài dài vào” cô cao nói.

“Lạnh, quá lạnh, Cáp Nhĩ Tân thực sự quá lạnh” tôi nói.

Hai người bọn họ rộ lên cười ngặt nghẽo, như sắp bay cả nóc tàu.

“Đừng cười nữa,” tôi nói, “mọi người sẽ nghĩ cabin chúng ta xảy ra án mạng đấy.”

Bọn họ lại càng cười lớn, đồng thanh nói: “Người Đài Loan nói chuyện thú vị thật.”

Hai cô gái này hẳn vừa trải qua một cuộc ngao du vui vẻ ở Cáp Nhĩ Tân, tâm trạng đến giờ vẫn rất phấn khích.

Ríu ra ríu rít nói mãi không chán, còn mang cả bộ bài ra rủ tôi và Noãn Noãn cùng chơi.

Noãn Noãn xẻ “đại liệt ba” ra, bốn người chia nhau ăn, mới ăn hết một phần ba đã no rồi.

“Đại liệt ba” ăn có vẻ hơi cứng, vị hơi chua, nhưng vẫn thơm ngào ngạt.

Khó khăn lắm cuối cùng hai cô gái cũng yên tĩnh, tôi ra ngoài cabin hóng gió.

Tàu hỏa vẫn phát ra những tiếng xình xịch thấp trầm đều đặn, chạy thẳng về Bắc Kinh.

Trời vừa sáng là liền tới Bắc Kinh, tôi còn ở lại Bắc Kinh một ngày sau mới về Đài Loan.

Hiện thực đột nhiên ập đến khiến lòng tôi chùng hẳn xuống, rũ tàn những bông hoa rực rỡ trong lòng.

Công việc mấy ngày bê trễ có thể cứu vãn được, nhưng về rồi lại phải đối mặt với nỗi nhớ nhung vô tận.

Phải làm sao đây?

“Anh đang nghĩ gì thế?” Noãn Noãn cũng ra ngoài cabin.

“Không có gì” tôi nói.

Noãn Noãn nhìn tôi rồi quay đi, hỏi: “Lên chuyến bay lúc mấy giờ?”

“Sáng ngày kia, hơn 10 giờ.” Tôi cũng nhìn sang Noãn Noãn rồi quay đi.

Sau đó chúng tôi im lặng.

“Noãn Noãn,” tôi phá vỡ không khí yên tĩnh, “anh muốn hỏi em một câu hỏi uyên thâm.”

“Hỏi đi” Noãn Noãn nói.

“Cuộc sống của em có tốt không?”

“Câu này quả thực quá uyên thâm.” Noãn Noãn bật cười. “Cũng tạm ổn. Còn anh?”

“Cuộc sống của anh đều đều bất biến, có hơi lỗi thời” tôi nói.

“Cuộc sống của phần lớn mọi người đều lỗi thời cả, làm gì có bao nhiêu người có cuộc sống tươi mới chứ?” Noãn Noãn nói.

“Có lý.” Tôi nói.

Noãn Noãn đột nhiên lấy trong túi ra một tờ giấy, nói: “Anh xem này.” Tôi nhìn sang, liền nhận ra đó là những chữ viết khi coi chữ trên phố Tô Châu năm ngoái.

“Sao lại ở chỗ em thế này?” tôi hỏi.

“Lúc đó sau khi ông lão đưa cho em, em định đưa trả tờ anh viết, nhưng cứ quên mất.”

Noãn Noãn lại lấy ra giấy trắng và bút. “Anh viết lại lần nữa xem. Ông lão đã nói, chữ viết có thể sẽ thay đổi.”

Tôi tìm quanh toa một chỗ bằng phẳng, viết lại lần nữa câu đối trong miếu Thành Hoàng ở Đài Nam.

“Chữ anh có vẻ hơi khác.” Noãn Noãn đối chiếu chữ trên hai tờ giấy, nói: “Ví dụ từ ‘ta’ này, nét móc không còn nhọn nữa, mà giống đường vòng cung hơn.”

Tôi cũng nhìn xem, quả thực đúng vậy. Điều này chắc có nghĩa là tôi đã khôn khéo hoặc tinh tế hơn rồi.

Một năm rưỡi bước vào trường đời, đi làm, giờ tôi đã biết phải tán dương sắc mặt và phong thái lãnh đạo rồi.

Noãn Noãn cũng viết lại câu đối trong đền thờ Vũ Hầu Thành Đô, tôi nhận thấy chữ Noãn Noãn viết gần như không có gì thay đổi.

Còn về cách bố trí hàng dọc với hàng ngang, cả tôi và Noãn Noãn đều không đổi, chữ cũng vẫn thẳng như thế.

Tôi vẫn có bó buộc trong lòng, Noãn Noãn trước sau vẫn thiếu dũng khí.

Tôi và Noãn Noãn hệt như Vạn Phúc Các, đầu tiên dựng xong tượng Phật Mại Đạt La, sau đó mới xây các cho phù hợp với tượng Phật; chẳng hề vắt óc suy nghĩ làm cách nào để thay đổi hoàn cảnh, đặt tượng Phật vào Vạn Phúc Các.

“Về tương lai, em có dự định gì không?” tôi hỏi.

“Cứ sống qua ngày thôi, còn dự định gì nữa?”

“Nói cũng phải” tôi nói. “Nhưng thỉnh thoảng ngẫm nghĩ, như vậy có lẽ quá bình thường.”

“Cứ để người khác theo đuổi cái không bình thường,” Noãn Noãn cười nói. “Khi phần lớn mọi người đều không bình thường, thì không bình thường chính là bình thường, còn bình thường lại trở thành không bình thường.”

“Em nhìn xa trông rộng đấy” tôi nói.

“Chỉ có thể như vậy thôi” Noãn Noãn nói.

Về hiện thực chia cách hai bờ, tôi và Noãn Noãn dường như đều muốn làm điều gì đấy, nhưng lại không muốn thay đổi điều gì.

“Chúng ta thật giống hai người trong chuyện Tiểu Tâm và A Lực” tôi nói.

“Tiểu Tâm và A Lực?” Noãn Noãn thắc mắc.

“Ừ,” tôi nói. “Tiểu Tâm mua một con cá, nhưng A Lực không muốn nấu.”

“Sau đó thì sao?”

“Không có sau đó nữa.”

“Hả?”

“Đây chính là Tâm có cá nhưng Lực không nấu, đọc chệch là tâm có cả nhưng lực không hậu *.

* Tâm có cả nhưng lực không hậu:  Lực bất tòng tâm.

Noãn Noãn trừng mắt, trên mặt lộ vẻ do dự không biết nên tức hay nên cười, cuối cùng cũng quyết định bật cười.

“Lương Lương,” Noãn Noãn nói, “thật không ngờ em lại có thể chịu đựng anh lâu đến thế.”

“Em vất vả rồi” tôi nói.

“Nếu như có một ngày trong tương lai, chúng ta gặp lại nhau, anh nhất định phải nhắc em nhớ, trên chuyến tàu từ Cáp Nhĩ Tân về Bắc Kinh, anh đã nói một câu đùa siêu siêu nhạt toẹt đấy.”

“Nhất định anh sẽ nhắc,” tôi nói, “thậm chí còn tặng thêm một câu đùa siêu siêu nhạt toẹt khác nữa cơ.”

“Hẹn thế nhé.” Noãn Noãn nhoẻn cười.

Tôi và Noãn Noãn chẳng có kế hoạch, dự định gì về tương lai, nhưng lại muốn ôm một niềm hy vọng.

Chúng tôi quay lại cabin, đèn đã tắt, hai cô gái Bắc Kinh kia chắc đã ngủ rồi.

Noãn Noãn nói khẽ chúc ngủ ngon, rồi chúng tôi ai nằm xuống giường người nấy.

Tôi nhắm mắt, bắt đầu hồi tưởng những chuyện sau khi tới Bắc Kinh.

Gặp gỡ ngắn ngủi, mà biệt ly lại quá dài, tôi phải cố nhớ lại mọi chuyện, vì sau này thời gian cần nương nhờ những dư vị này sẽ nhiều lắm.

Thời gian tí tách chảy qua, tiếng xình xịch lao về phía trước của con tàu vẫn đều đều bên tai, đây là tiền đề của cơn mất ngủ.

Tôi thở dài, rờ rẫm lần mò ra phía cửa, khẽ khàng mở cửa he hé, lách người chui ra.

Gặp ngay phải một bác trung niên nửa đêm vệ sinh, khiến tôi giật bắn cả mình.

Hai mắt bác ta lờ đờ, thần thái đờ đẫn, bước chân uể oải lại còn chao đảo trái phải theo nhịp tàu chạy.

Nếu như bạn đã từng xem bộ phim “Cấm vào nghĩa địa”, hẳn bạn cũng sẽ giống như tôi, cứ ngỡ bác ta là cương thi.

“Sao lại ra đây rồi?”

Tôi quay đầu lại, Noãn Noãn đang dụi dụi mắt.

“Anh không ngủ được” tôi nói.

“Thế em thức cùng anh” Noãn Noãn nói.

Khi một người con trai vì bạn gái mà cai thuốc lá, lại bắt đầu hút thuốc, thông thường mọi người sẽ ngạc nhiên hỏi: “Ấy? Không phải cậu cai thuốc rồi sao?”

Nhưng tôi và Noãn Noãn lại thuộc loại người đến một câu cũng không nói.

Bởi chúng tôi đều biết ý nghĩa đằng sau của việc người con trai hút thuốc trở lại.

Vì vậy tôi và Noãn Noãn không hề hỏi nhau lý do mất ngủ.

“Đến lượt em hỏi anh một câu uyên thâm” hồi lâu sau, Noãn Noãn nói.

“Ừ, hỏi đi” tôi nói.

“Vì sao anh không từ Tô Châu về luôn Đài Loan, mà còn qua Bắc Kinh làm gì?”

“Vì trong lòng luôn nhớ đến những chuyện xảy ra ở Bắc Kinh hè năm ngoái, nên anh đến Bắc Kinh thôi,” tôi nói.

“Sức hút Bắc Kinh lớn thật.” Noãn Noãn nhoẻn cười.

“Không phải là vì nhớ Bắc Kinh,” tôi nói, “mà vì nhớ một người.”

“Em có thể hỏi tiếp không?” Noãn Noãn nói.

“Không” tôi nói.

“Thế thì em không hỏi nữa.”

“Nhưng anh lại cứ muốn trả lời,” tôi nói. “Là vì nhớ Noãn Noãn, nên anh tới Bắc Kinh.”

Noãn Noãn không trả lời, chỉ im lặng dựa vào thành tàu, trên môi khẽ nở nụ cười.

“Em buồn ngủ rồi” Noãn Noãn nói.

“Em đi ngủ đi” tôi nói.

“Còn anh?”

“Anh không dịch chuyển được nữa, vì cơn sóng tương tư đã nhấn chìm anh rồi.”

“Nói gì thế.”

“A! Ngập đến mũi rồi, anh sắp không thở được nữa rồi.”

“Nhạt phèo” Noãn Noãn nói.

“Chết chìm rồi” tôi nói. “Cứu… tôi… với…”

“Đừng có làm trò lố ở đây.” Noãn Noãn kéo tôi trở lại cabin. “Ngủ mau.”

Về giường nằm, trong bóng đêm, mắt nhắm nghiền mà vẫn không muốn ngủ. “Lương Lương,” Noãn Noãn thì thào gọi.

“Ừ?”

“Đưa tay phải anh đây.”

Tuy không hiểu gì, nhưng tôi vẫn đưa tay phải ra, ngón út tay trái Noãn Noãn móc lấy ngón út tay phải tôi.

“Làm gì thế?” tôi hỏi.

“Không phải anh nói đã chết chìm rồi sao?” Noãn Noãn cười khe khẽ. “Em đành phải móc anh lên thôi.”

Trái tim tôi lại cảm thấy trào dâng một niềm ấm áp, cả người dần thả lỏng, mắt bắt đầu chùng xuống.

“Chúng ta đã móc tay thế này, thì làm luôn một cái hẹn đi,” Noãn Noãn nói.

“Hẹn?”

“Nếu như sau này anh ở Đài Loan mà mất ngủ, hãy nhớ đến đêm nay. Được không?”

“Ừ.”

“Ngủ ngon” Noãn Noãn nói.

Tay tôi và Noãn Noãn cũng tự nhiên buông xuống, nhưng ngón tay út vẫn giữ nguyên dấu móc.

Tôi biết sau khi tỉnh lại hai ngón út nhất định sẽ rời nhau, nhưng ít nhất trước khi chìm vào giấc ngủ, chúng vẫn ở trong trạng thái này.

Vậy là đủ.

Trời sáng, tàu hỏa đã đến ga Bắc Kinh.

Chẳng cần đến điện thoại báo thức, tiếng nói cười của hai cô gái Bắc Kinh giường trên đã đủ đánh thức tôi mười lần.

“Anh bạn Đài Loan, đến lúc nói lời tạm biệt rồi,” cô cao nói, “đừng khóc nhé.”

“Tuyệt đối đừng lưu luyến không nỡ rời chúng tôi nhé,” cô gầy nói. “Chúng tôi là những bông hoa không bao giờ quay đầu lại nhìn đâu.”

“Không phải không nỡ rời,” tôi nói, “mà là mong chẳng được.”

“Nói gì thế.” Noãn Noãn trừng mắt nhìn tôi.

Hai cô gái Bắc Kinh cười cười đi khỏi, bóng người đã mất hút mà tôi vẫn còn nghe thấy tiếng cười.

Vừa ra khỏi ga tàu, Noãn Noãn phải tới công ty bàn giao công việc, nói bao giờ xong sẽ tới tìm tôi rồi đi luôn.

Tôi nhìn theo Noãn Noãn mất hút giữa đám đông, trong lòng dâng lên một cảm giác cô đơn khó tả.

Nhưng tôi vẫn phải kiên cường đứng vững, duy trì nhịp thở, nhịp tim đều đặn, và khóe mắt khô cong.

Bởi vì tôi phải chuẩn bị trước, tập chịu đựng sức tấn công của sự chia ly này, tránh khỏi ngày mai chính thức công diễn, lại bị sức mạnh này quật ngã.

“Hi!” Đột nhiên có ai vỗ vào vai tôi, ngoảnh đầu lại, Noãn Noãn tủm tỉm cười đứng ngay sau lưng.

Tôi há hốc miệng, ngạc nhiên xen lẫn vui sướng.

“Đã đi tàu điện ngầm ở Bắc Kinh chưa?” Noãn Noãn nhoẻn miệng cười. “Chúng ta cùng đi.”

“Em…”

“Muốn cho anh một ngạc nhiên thú vị thôi mà” Noãn Noãn đắc ý nói.

Noãn Noãn dẫn tôi xuống bến tàu điện ngầm, lên tuyến số 2 rồi chuyển sang tuyến số 1, xuống tàu ở điểm Vương Phủ Tỉnh.

Lên khỏi bến tàu điện ngầm, thả bộ chậm rãi về khách sạn, chếch đối diện khách sạn có quán sữa đậu Vĩnh Hòa, chúng tôi cùng dừng lại đó ăn sáng.

“Sữa đậu Vĩnh Hòa rất nổi tiếng ở Đài Loan phải không?” Noãn Noãn hỏi. “Ở Bắc Kinh có nhiều chi nhánh lắm.”

“Ở Đài Loan, sữa đậu đều gọi là Vĩnh Hòa, quả bưởi đều gọi là Ma Đậu, thịt viên đều gọi là Tân Trúc.”

“Nói gì thế.”

“Ý là sữa đậu Vĩnh Hòa rất nổi tiếng” tôi nói.

Nhớ lại chuyện năm ngoái đi uống nước đậu, cũng đều là đậu mà sao vị sữa đậu có nhân tính hơn bao nhiêu, ít ra cũng không bắt bạn phải rèn luyện vị giác.

“Em thích nước đậu hay sữa đậu hơn?” tôi hỏi Noãn Noãn.

“Nước đậu” Noãn Noãn đáp.

“Người đẹp vẫn cứ là người đẹp,” tôi nói, “đến cả khẩu vị cũng khác người.”

“Anh thôi ngay” Noãn Noãn nói.

Ăn sáng xong, chúng tôi quay lại khách sạn Đài Loan, sau đó tôi lên phòng, còn Noãn Noãn ngồi taxi về công ty.

Tuy biết rõ rằng lần này hẳn không có khả năng nào nữa, nhưng trước khi bước vào thang máy tôi vẫn ngoảnh đầu lại xem Noãn Noãn có ở sau lưng khôngQuả nhiên không có.

Lê những bước nặng nề về phòng, đặt hành lý xuống, ngồi bên giường đờ đẫn.

Ý thức phải tìm việc gì đó để làm, tôi bèn đứng dậy đi vào phòng tắm tắm nước nóng.

Tắm xong lại ngồi bên gường đờ đẫn, rồi tiện thể nằm xuống.

Lúc tỉnh lại đã sắp 1 giờ chiều, kiểm tra điện thoại, chẳng có cuộc gọi nhỡ hay tin nhắn nào.

Từ sau khi xuống máy bay ba hôm trước, tôi thức dậy mở mắt, nhất định sẽ thấy ngay Noãn Noãn.

Nhưng giờ trong phòng trống hoác, chỉ có mình tôi.

Cảm giác như đang có một lực vô hình từ căn phòng ép xuống người tôi, tôi không thở nổi, bèn xuống tầng, ra khỏi khách sạn.

Ra phố Vương Phủ Tỉnh, hôm nay chính là chủ nhật, trên phố người qua lại tấp nập.

Tôi thả bước đi vô định, cả bước đi lẫn tâm trạng đều chẳng phù hợp với dòng người trên phố.

Tới ngã ba, tôi rẽ phải đi thẳng tiếp phố Đông Trường An, tới quảng trường Thiên An Môn.

Quảng trường có sức chứa một triệu người lúc này đã có vài vạn người đổ về, nhưng vẫn mang cảm giác trống trải.

Xuyên qua Thiên An Môn, tôi mua một tấm vé vào cửa, rồi vào Tử Cấm Thành.

Năm ngoái vào thăm nơi này với Noãn Noãn đúng vào giữa mùa hè, ánh mặt trời chiếu lên lớp ngói vàng, sáng lấp lóa.

Bây giờ sau trận tuyết ba hôm trước, Tử Cấm Thành nhuộm một sắc trắng, nhìn sao ảm đạm lạnh lẽo

Tôi đi loanh quanh, tới nơi nào cũng đầy những kỷ niệm từng dừng chân cùng Noãn Noãn.

Cuối cùng đi tới Ngự Hoa Viên, cây liên lý vì hứng tuyết mà bạc cả đầu, nhưng vẫn trước sau ôm chặt lấy nhau.

Cây liên lý vẫn cứ là biểu tượng cho tình yêu thuần khiết, bất kể mùa đông hay mùa hạ, tóc xanh hay tóc trắng, cần mẫn nhắc nhở con người rằng tình yêu thuần khiết đáng quý biết bao, đáng ca ngợi biết bao.

Nếu như có một ngày, mọi cặp nam nữ trên thế gi­an này đều có thể đối với nhau chân thành thuần khiết, nào còn cần cây liên lý đứng đây nhắc nhở chúng ta về sự thuần khiết của tình yêu?

Tới lúc đó, cây liên lý có thể ngậm cười héo khô được rồi.

Đến giờ, cây liên lý vẫn còn xanh tốt, là vì con người vẫn còn cần được nhắc nhở.

Rời Ngự Hoa Viên, ra khỏi Thần Vũ Môn, sông Hộ Thành tích đầy băng tuyết, có lẽ chẳng bao lâu nữa sẽ hoàn toàn kết băng.

Di động đột nhiên đổ chuông, nhìn màn hình hiển thị, là Noãn Noãn.

“Lương Lương,” giọng Noãn Noãn rất lo lắng, “anh đang ở đâu?”

“Ở bờ sông Hộ Thành ngoài Thần Vũ Môn” tôi nói.

“Em tới ngay đây” giọng Noãn Noãn vẫn rất gấp gáp.

“Em đừng vội, cứ từ từ thôi” tôi nói.

Tôi nhìn chăm chăm xuống dòng nước chầm chậm trôi trên sông Hộ Thành, liệu khi Noãn Noãn tới, nước sông Hộ Thành có đóng băng

“Lương Lương!” Noãn Noãn gọi.

Tôi quay lại nhìn Noãn Noãn, mới mấy tiếng không gặp mà trong lòng kích động như vậy.

Noãn Noãn nói dài dòng một hồi, không ra thứ tự lô gic gì.

Tôi nghe xong phải sắp xếp lại thông tin, hóa ra em xong việc liền về nhà tắm rửa, tắm rửa xong định tới tìm tôi, nhưng lại ngủ quên mất.

“Tới khách sạn không thấy anh, em còn tưởng anh ra sân bay đáp máy bay về rồi” Noãn Noãn nói.

“Còn chưa nghe em chào tạm biệt, anh sẽ không đi đâu” tôi nói.

Mùa đông phương Bắc, trời tối rất mau, Noãn Noãn hỏi tôi muốn đi ăn tối ở đâu.

“Ăn món Trùng Khánh đi” tôi nói.

“Anh không ăn được cay cơ mà?” Noãn Noãn rất ngạc nhiên.

“Nhưng em thích thấy anh bị cay đến chóng mặt,” tôi nói, “không phải sao?”

“Nói mấy lời ngốc nghếch gì thế,” Noãn Noãn nói, “chúng ta đi ăn lẩu thịt trắng dưa chua Đông Bắc chính cống đi.”

Tôi tin rằng quán lẩu thịt trắng dưa chua Noãn Noãn dẫn tôi đến nhất định rất Đông Bắc, nhưng tôi chẳng còn lòng dạ nào.

Cuộc ly biệt sắp tới gần khiến lòng tôi lạnh buốt, không cách nào cười nói bình thường với Noãn Noãn cho được.

Noãn Noãn dường như cũng nhận thấy vậy, những câu chuyện trò dần ít đi, cuối cùng thành im lặng.

“Noãn Noãn,” phá vỡ bầu không khí tĩnh mịch, “em có biết Mary họ gì không?”

“Hả?” Noãn Noãn dường như giật nảy mình, “Mary họ gì?”

“Christmas,” tôi nói.

“Hử?”

“Vì mọi người đều nói: Merry Christmas mà.”

Noãn Noãn trừng mắt nhìn tôi, hồi lâu sau mới nói: “Anh vất vả quá.”

“Thực sự rất vất vả” tôi nói.

Bấy giờ Noãn Noãn mới khẽ bật cười, tôi cũng vì thế mà cười theo.

“Năm nay khi đón Giáng Sinh, em phải nhớ lại lúc này nhé” tôi nói.

“Ừm.” Noãn Noãn nhoẻn cười.

Ăn xong, Noãn Noãn dẫn tôi đến trà quán Lão Xá uống trà nghe kịch.

Trà quán mang nét cổ xưa, cố gắng tái hiện văn hóa trà quán của Bắc Kinh cũ.

Noãn Noãn đã đặt bàn trước, lúc ngồi xuống, chúng tôi mới nhận ra phòng biểu diễn đã chật kín người, quá nửa trong đó là người nước ngoài.

Tiết mục biểu diễn có Kinh kịch, nhại tiếng, tạp kỹ, tấu hài, dân ca…, thậm chí còn có cả võ thuật Trung Hoa.

Trước đây từng xem trên ti vi biểu diễn biến mặt, giờ được tận mắt chứng kiến, mắt thường vẫn không nhanh bằng tay diễn viên.

“Tôi phải đi bán nem…” diễn viên Kinh kịch trên sân khấu ngân dài âm cuối, “rán”

Tôi cười phá lên quên cả thể diện.

Rời khỏi trà quán Lão Xá, đêm đã về khuya, tôi và Noãn Noãn dạo bộ trên phố.

Cũng không hiểu vì sao, như một thỏa thuận ngầm, chúng tôi không ngồi taxi, mà chỉ đơn giản muốn tản bộ.

Qua Tiền Môn, ánh đèn spotlight màu vàng ấm chiếu sáng lên tòa cổ thành, trông rất đẹp.

Đây có lẽ là sự kết hợp hoàn hảo nhất giữa khoa học kỹ thuật hiện đại và những kiến trúc cổ xưa.

Trên nền Tiền Môn, đêm Bắc Kinh toát lên một khí chất mê đắm lòng người.

Tôi và Noãn Noãn hầu như không nói chuyện, chỉ thỉnh thoảng mỉm cười khi ánh mắt giao nhau.

Tôi cố nhớ xem còn lời nào chưa nói, vì đây đã là đêm cuối cùng ở Bắc Kinh rồi.

Đột nhiên nhớ ra một chuyện, năm ngoái Noãn Noãn lúc nào cũng kêu gào hoặc ngầm ám chỉ muốn tới thăm Noãn Noãn, nhưng lần này tôi tới Bắc Kinh, lại không hề thấy Noãn Noãn nhắc lại chuyện này.

Đi thẳng đường phía đông quảng trường, bên tay trái là quảng trường Thiên An Môn, tới cuối rồi quẹo phải ra phố Đông Trường An.

“Chuyện em muốn tới Noãn Noãn…” tôi nói.

“Em biết,” Noãn Noãn không để tôi nói hết, “Tiểu Tâm mua cá, nhưng A Lực không muốn nấu.”

“Thực ra anh…”

“Không cần nói nữa, trong lòng em hiểu cả” Noãn Noãn mỉm cười, “anh có tâm là đủ rồi”

Tuy Noãn Noãn nói vậy, nhưng tôi vẫn cảm thấy có lỗi.

“Rất xin lỗi em,” tôi nói, “đây thực ra chỉ là một nguyện vọng nhỏ bé…”

“Thứ gọi là nguyện vọng ấy, tốt nhất là cái thì thực hiện, cái lại chẳng nên thực hiện” Noãn Noãn nói.

“Vì sao?”

“Nguyện vọng đều được thực hiện cả rồi, cuộc sống còn có ý nghĩa gì nữa chứ?” Noãn Noãn nhoẻn cười.

“Em có nguyện vọng đã được thực hiện rồi không?” tôi hỏi.

“Có chứ” Noãn Noãn nói. “Không phải giờ anh đang ở Bắc Kinh đó sao?” Noãn Noãn nở một nụ cười mãn nguyện.

Tôi cũng cười, bởi tới Bắc Kinh tìm Noãn Noãn cũng chính là nguyện vọng của tôi.

Phố Đông Trường An rộng lớn, đêm đã khuya mà những dòng xe vẫn nối tiếp nhau không nghỉ, người đi bộ chỉ như những con kiến đang bò nơi góc tường.

“Cho anh này.” Noãn Noãn giơ ra một món đồ, tôi đưa tay cầm lấy.

Là một phiến lá đỏ sẫm, thậm chí còn mang chút sắc tím, hơi giống hình bầu dục.

“Lá đỏ trên Hương Sơn đấy,” Noãn Noãn nói. “Hôm sinh nhật anh, em đi Hương Sơn nhặt.”

“Đây chắc không phải lá phong nhỉ” tôi nói.

“Đây là lá cây hoàng lô, cứ đến mùa thu là nhuộm sang sắc đỏ, hơn nữa càng gặp sương càng thêm thắm sắc,” Noãn Noãn nói. “Sinh nhật anh đúng tiết sương giáng, là lúc lá đỏ nhất và cũng đẹp nhất, vừa hay tặng anh làm quà sinh nhật. Thích không?”

“Ừ.” Tôi gật đầu. “Cảm ơn em.”

“Có người nói mùa thu ở Bắc Kinh là đẹp nhất, đó là vì lúc đó lá trên Hương Sơn phủ tràn một sắc đỏ, đâu đâu cũng thấy một màu đỏ, còn đỏ hơn hoa, đỏ hệt như lửa, cảnh sắc vô cùng đẹp” Noãn Noãn nói. “Vì vậy mùa thu tới Bắc Kinh là đẹp nhất.”

“Mùa thu nên quay lại Portman chứ” tôi nói.

“Anh vẫn nhớ bài thơ đó à?” Noãn Noãn hỏi.

“Ừ,” tôi nói. “Cảm ơn em.”

“Cảm ơn gì?”

“Vì em đã cho anh đọc được bài thơ ấy, và cũng cho anh uống cả vang đỏ.”

“Công ty chi tiền mà.”

“Nhưng tâm ý là của em.”

Noãn Noãn không nói gì nữa, chỉ mỉm cười.

Rẽ trái vào phố Vương Phủ Tỉnh, các cửa hàng hầu như đều đã đóng cửa, cảnh huyên náo ban ngày đã trở lại tĩnh lặng.

Tôi định bỏ chiếc lá đỏ vào ví, vừa mở ví ra, tấm ảnh trước mặt khiến tôi thất thần.

“Ngắm ảnh người yêu đấy à?” Noãn Noãn nói đùa.

“Đúng thế.” Tôi đưa ví cho Noãn Noãn.

Noãn Noãn chỉ nhìn qua liền đỏ ửng mặt, nói: “Ảnh của em sao lại ở trong ví anh?”

“Đây là ảnh Cao Lượng chụp lúc ở Bắc Thất lầu, Trường Thành năm ngoái” tôi nói.

“Thêm mấy năm nữa, có lẽ em không còn trông thế này đâu.” Noãn Noãn xem một lúc, rồi đưa ví lại cho tôi.

“Trong tim anh, em mãi mãi trông thế này” tôi nói.

“Nói cứ như sau này không gặp nữa ấy.” Noãn Noãn trừng mắt nhìn tôi.

“Anh nói sai rồi,” tôi nói, “anh xin lỗi.”

“Em chấp nhận” Noãn Noãn nói.

Khách sạn Đài Loan đã ở ngay trước mắt, chỉ cách chiều ngang một con đường, tôi và Noãn Noãn cùng dừng bước.

Trước khi cất chiếc lá đỏ vào ví, tôi nhận thấy dòng chữ mặt sau tấm lá.

Hẳn là chữ Noãn Noãn viết bằng bút lông: Sớm mai trên đường dài, tiếc tấm lòng lúc này.

“Em có nguyện vọng mới nào chưa?” tôi nói.

“Mong lần sau gặp lại, anh vẫn trông như bây giờ” Noãn Noãn nói. “Còn anh?”

“Hì hì” tôi bật cười.

“Vậy em phải cố sống cho tốt, đợi nguyện vọng thành sự thật.” Noãn Noãn cũng cười.

Noãn Noãn vẫy vẫy tay, lên taxi, đi về hướng Đông.

Tôi băng qua đường, về hướng Bắc, vào khách sạn.

Về phòng, sắp xếp hành lý, tôi mở cửa sổ, ra ban công ngồi, tận hưởng đêm cuối cùng ở Bắc Kinh.

Cảm thấy lạnh dần, tôi bèn đóng cửa sổ, nằm lên giường, đợi trời sáng.

Trời sáng rồi.

Kéo khóa va li chắc chắn, cho vé máy bay và giấy chứng nhận đồng bào Đài Loan vào ba lô tùy thân, rồi đi xuống sảnh.

Làm xong thủ tục check out, tôi ngồi lên ghế so­fa trong sảnh khách sạn, mặt hướng ra cửa.

Noãn Noãn tới rồi, chậm rãi bước đến trước mặt tôi, dừng lại.

Tôi đứng dậy.

“Hi, Lương Lương,” Noãn Noãn nói.

“Hi, Noãn Noãn” tôi nói.

“Đi thôi” Noãn Noãn nói.
Bình Luận (0)
Comment