Chỉ Mong Người Lâu Dài

Chương 43

Tôn Cánh Thành gặp xong khách hàng, trên đường trở về công ty, tình cờ đi ngang qua phòng khám, thấy đói, anh tấp xe vào để lên kiếm ăn. Lên lầu liền hỏi người đang ngồi trong phòng khám uống trà với Tôn Hữu Bình là ai? Người nọ ngồi đó trầm ngâm dè dặt, trông không giống người thân trong nhà.

Mẹ Tôn đang lục lọi đáy tủ, tìm quần áo cũ trước đây của ba anh em họ, vừa lục vừa nói áy náy với anh cả, hồi còn trẻ chưa từng mua cho con quần áo tử tế nào, giờ lục ra thì toàn là cảnh phục cũ.

Nói xong liền gấp gọn hai bộ cảnh phục duy nhất lại, cẩn thận cất vào tủ. Bình thường cảnh phục cũ đều phải thu hồi về đơn vị để xử lý chung, hai bộ này có lẽ là bị quên.

“Người ở dưới lầu là người vô gia cư hai tháng trước, ba con tìm cho cậu ta một công việc ở công trường, hôm qua vừa lĩnh lương, hôm nay đến thăm ba con đấy.” Mẹ Tôn nói xong thì nhìn anh, “Con về thì gom hết quần áo cũ không mặc nữa cho mẹ. Mẹ tìm người cho.”

“Cỡ không vừa đâu, người đó ốm hơn con nhiều…”

“Người nghèo không cầu kỳ thế đâu, rộng hơn một cỡ vẫn mặc được.” Mẹ Tôn nói: “Cũng nói anh hai con gom luôn, dù sao thì cũng tốt hơn là vứt đi.”

“Dạ.” Tôn Cánh Thành nói: “Về con cũng gom nốt cả quần áo dày. Quần áo cũ trước đây con cũng chưa từng vứt đi, đều bỏ vào thùng quần áo cũ trong khu nhà để tái chế.”

“Thùng tái chế đó là không đáng tin nhất! Nghe nói những quần áo tốt sẽ bị người ta chọn trước, xử lý qua rồi bán làm quần áo xuất khẩu!” Mẹ Tôn căn dặn anh, “Sau này không được bỏ vào thùng quyên góp quần áo nào nữa, cứ gom hết mang về cho mẹ, giày cũ cũng mang hết về đây.”

“Cảnh phục cũ của anh cả thì không được cho người khác, trên đó có số hiệu cảnh sát.” Tôn Cánh Thành nhắc nhở bà.

“Mẹ biết rõ hơn con.” Mẹ Tôn nhìn anh, “Con không đi làm mà về đây làm gì?”

“Con đói.”

“Đói chết con đi.” Mẹ Tôn lập tức bỏ quần áo xuống, đi vào bếp giúp anh lấy thịt hầm đã chín mềm trong nồi ra, nhanh nhẹn cắt nhỏ, rắc thêm hành lá và ngò, kẹp vào bánh nướng cho anh ăn. Sau đó lại múc cho anh một chén canh, hỏi anh: “Mẹ đối xử với con tốt hơn hay là vợ con đối xử với con tốt hơn?”

Tôn Cánh Thành đã học khôn, anh trả lời chắc nịch: “Mẹ!”

Mẹ Tôn đánh anh một cái, trong lòng biết rõ anh đang lấy lòng mình, bà cười, “Vợ con vẫn quan trọng hơn, vợ con là người phải cùng con nương tựa lẫn nhau cả đời, mẹ có ba con đối xử tốt là được rồi.” Nói xong lại quay về bếp cắt một miếng thịt nhỏ, kẹp hết vào bánh của anh. Sau đó ngồi xuống, mãn nguyện nhìn anh ăn. Từ đường nét trên khuôn mặt anh, bà nhìn thấy bóng dáng của anh cả, nhất thời cảm thấy cay mũi, thuận tay lấy một gói bánh của bọn trẻ trên bàn, mở ra ăn một miếng, cùng anh nói chuyện phiếm.

Tôn Cánh Thành nói người vô gia cư này rất biết điều, vừa lĩnh lương đã đến thăm Tôn Hữu Bình. Mẹ Tôn cũng đáp lại: “Đúng vậy, giàu hay nghèo cũng đều có người tốt kẻ xấu. Năm ngoái một đứa cháu của em họ mẹ ở quê không thi đỗ vào trường cấp ba, lại không muốn cho học nghề, nên nhờ mẹ và anh hai con cho cháu vào nhà hàng của anh con phụ việc.”

“Anh hai con cũng vì nể mặt, chưa làm được nửa năm thì đã cho nó làm tổ trưởng, sau đó là quản lý, thế rồi… Hừ, nó không làm việc đàng hoàng, cặp kè với một ông già làm tình nhân! Tức chết đi mất! Mẹ nó còn quay sang trách anh hai con, nói nó hư hỏng là do làm ở nhà hàng!” Mẹ Tôn nhắc đến chuyện này là đầy bụng tức, “Cô ta không trách con gái mình vô dụng, lại đi trách nhà hàng? Thật là ngộ!”

“Nhưng mà giờ đây những đứa trẻ ở nông thôn rất khó để thành đạt, những đứa có chút năng lực đều lên thành phố học rồi, những đứa ở lại thị trấn thì suốt ngày cắm mặt vào điện thoại xem video ngắn… Trước kia những đứa trẻ nghèo không được nhìn thấy thế giới hoa lệ bên ngoài nên đành phải ngoan ngoãn làm con ếch ngồi đáy giếng. Nhưng bây giờ thông qua điện thoại có thể nhìn thấy mọi thứ… ôi chao, nhìn thấy rồi lại càng đau khổ hơn! Em họ con là giáo viên trung học ở thị trấn, nó nói trong nhà vệ sinh toàn là tàn thuốc.”

“Người lớn còn muốn kiếm tiền, muốn mua nhà đẹp, xe đẹp, cuộc sống sung sướng. Huống chi là những đứa trẻ này. Thời của chúng ta ngoài nghèo ra thì không có gì khác, cả nhà cùng chung nhau vượt qua khó khăn. Bây giờ thì không ai phải lo đói nữa, nhưng mọi chuyện lại đổ ập xuống. Cũng không biết xã hội này là tiến bộ hay là thụt lùi nữa.”

“Lần trước chơi mạt chược, nghe ai đó khoe con gái mình mua một chiếc túi giá năm sáu mươi ngàn, ôi trời ơi, thế hệ các con đúng là như trẻ con, đua nhau xem xe ai sang hơn, túi ai đắt hơn, đua xong rồi thì được cái gì chứ? Trời không thu các con hay bệnh tật không tìm đến các con? Đến lúc già rồi, các con vẫn phải mặt mày hốc hác thôi…” Bà vừa ăn vừa nói làm vụn bánh quy rơi khắp bàn, bèn gom vụn bánh vào lòng bàn tay rồi đổ hết vào miệng, nói với anh: “Đúng là không bằng mua nhà, nhà còn để lại cho con cháu.”



Mẹ Tôn quay lại bếp cắt thịt, Tôn Cánh Thành đã ăn no, nói với bà là anh ăn đủ rồi. Mẹ Tôn kẹp thịt vào bánh, nói là để cho người ở dưới lầu ăn. Tôn Cánh Thành nói: “Bất ngờ đưa cho người ta một cái bánh kẹp thịt thì có ý gì?”

“Có ý gì chứ, mẹ đã hầm món này mấy tiếng đồng hồ rồi.” Nói xong liền đóng gói quần áo cũ lại, kêu anh giúp bà xách xuống lầu.

Chu Ngư ngủ một mạch đến ba giờ chiều, tròn tám tiếng, cô chưa từng ngủ say đến thế, cũng chưa từng cảm thấy toàn thân thoải mái như vậy.

Đúng trưa, Tôn Cánh Thành gửi cho cô một tin nhắn cùng với bức ảnh tự sướng anh chụp với chiếc bánh kẹp thịt: “Mẹ làm bánh kẹp thịt cho anh.”

Thì ăn đi, Chu Ngư không thèm trả lời anh.

Thay quần áo, tắt điều hòa, đeo băng tay chống nắng, cô đi xe máy điện về nhà tập thể. Trên đường đi cảm thấy oi bức quá, cô tấp xe vào lề đường, nhắn tin cho Tôn Cánh Thành: “Lần sau anh đi làm bằng xe máy điện thì…” Vừa viết xong, nghĩ lại rồi xóa nội dung vừa viết đi.

Về đến nhà tập thể, Phùng Dật Quần đang giúp bà nội vệ sinh thân dưới, mười phút trước bà đã dùng một ống thuốc thụt tháo, vừa mới đi đại tiện xong, nhưng không may làm bẩn cả mông và ga giường.

Chu Ngư đi vào giúp đỡ, vừa định đưa tay ra thì nhìn thấy trên giấy vệ sinh trên sàn nhà có dính chất thải bẩn thỉu, cộng thêm ngửi thấy mùi khó ngửi, theo bản năng cô có chút buồn nôn. Phùng Dật Quần kêu cô đi vào nhà vệ sinh lấy nước ấm, sau đó lấy khăn ướt lau sạch cho bà nội, rồi nửa nâng đỡ cơ thể bà để kéo ga giường ra.

Tiếp đó dọn sạch chất bẩn trên sàn nhà, tháo cả găng tay cao su đang đeo trên tay, buộc chặt miệng túi lại, trực tiếp mang xuống tầng dưới. Đợi đến khi quay lại, bà dùng khăn ấm lau sạch cơ thể cho bà nội, bôi phấn rôm lên người bà, cùng Chu Ngư trải ga giường sạch.

Làm xong tất cả mọi việc, Phùng Dật Quần đỡ hông ngồi đó nghỉ một lát. Chu Ngư đề nghị thuê một người giúp việc, Phùng Dật Quần nói: “Tình trạng của bà nội con như vậy, thuê giúp việc thì phải trả sáu bảy ngàn. Để mẹ trông vẫn hơn, dù sao cũng rảnh rỗi.”

Chu Ngư không nói gì nữa.

Phùng Dật Quần lại đi vào nhà vệ sinh, cầm bàn chải chà ga giường, chà sạch chất bẩn rồi vứt ga giường vào máy giặt chuyên dụng của bà nội.

Chu Ngư đi vào bếp rửa chén đũa dùng buổi trưa, phòng khách rất sạch sẽ, không có gì phải dọn dẹp. Cô lại đi giặt giẻ lau để lau nhà.

Phùng Dật Quần bật điều hòa phòng khách, sau đó pha loãng nước khử trùng, dặn cô dùng để lau nhà. Cô lau mỗi phòng một lần, đợi mười mấy phút lại dùng nước sạch lau thêm hai lần nữa. Phùng Dật Quần lấy ga giường ra khỏi máy giặt, Chu Ngư đi tới, hai người cùng nhau giũ mạnh rồi đem ga giường phơi lên ban công.

Làm xong hết mọi việc, Phùng Dật Quần đi nghỉ ngơi, Chu Ngư ngồi trên ghế sô pha xem tivi, xem một lúc thì tắt điều hòa, bật quạt lên.

Đúng sáu giờ chiều, Chu Ngư như thường lệ cõng bà nội xuống dưới đi dạo, lần này cô không mua bất cứ đồ ăn gì cho bà, trên đường đi cô mua một bó hoa loa kèn rồi quay về. Khi về thì phát hiện lỗ thông hơi của giường vệ sinh đã được đóng lại, Phùng Dật Quần đang chuẩn bị tã giấy cho bà nội, nói là lỗ thông hơi rất khó chịu, bà nội quá gầy nên phần viền quanh miệng lỗ cọ xát vào người, bà luôn tìm cách nhích phần mông ra ngoài…

Chu Ngư nghe xong thấy buồn cười, nhìn bà nội, bà như hiểu được ý cô, bất chợt cười e thẹn như một thiếu nữ.

Ăn tối đơn giản xong, lúc về khu đô thị mới cô đi vòng qua phòng khám, Phùng Dật Quần đặt ba thùng sữa lên chỗ để chân trên xe máy điện của cô, toàn bộ đều là của hàng xóm xung quanh mang đến thăm bà nội khi bà bệnh, quá nhiều, Phùng Dật Quần kêu cô mang về phòng khám cho mấy đứa cháu uống.

Chu Ngư mang lên, vừa lên đến thì Dục Ngôn đã ôm chầm lấy chân cô, ngước đầu nhìn cô cười rạng rỡ, cười xong còn nhảy một vòng tại chỗ, lại ôm lấy chân cô nói: “Thím ơi, con thích thím lắm!”

Chu Ngư bị cậu bé lây niềm vui, ngồi xổm xuống hỏi: “Thực sự thích thím hả?”

“Dạ!” Dục Ngôn gật đầu thật mạnh, vui vẻ nhảy cẫng lên, “Con thích thím lắm luôn!”

Chị dâu cả cũng thấy buồn cười, hỏi cậu bé: “Tại sao con thích thím thế?”

“Con không biết nữa!” Dục Ngôn hơi ngại ngùng.

“Dục Ngôn, vậy con có thích cô không?” Tôn Cánh Phi ngồi ở bàn ăn hỏi cậu bé.

“Thích! Con thích cô lắm!” Dục Ngôn vui vẻ chạy vòng quanh phòng.



Chu Ngư véo má bầu bĩnh của cậu bé, không kiềm được mà hôn một cái. Có ai lại không thích trẻ con chứ?

Dục Ngôn hỏi cô: “Thím ơi, thím sắp sinh em gái hả thím?”

Chu Ngư cười ha ha, hỏi ngược lại: “Theo con thì thím có sinh em gái không?”

“Dạ có, trong bụng thím có em gái.” Dục Ngôn ôm mặt cười ngây thơ.



Mẹ Tôn vừa vặn nghe được câu nói này, liền chạy lại hỏi: “Con có thai rồi sao?”

“Không có đâu mẹ, con vừa mới hết kinh.”

Mẹ Tôn rất mê tín, kéo Dục Ngôn đến hỏi: “Dục Ngôn, con nhìn thấy em gái trong bụng của thím sao?”

“Thím đang ôm em gái…” Dục Ngôn nói xong, cúi gập lưng giống như một con bê nhỏ chạy vào phòng trong tìm anh trai chơi.

Mẹ Tôn rất chắc chắn, nói cô sẽ sớm có thai thôi, chắc chắn là một bé gái. Bà nói đôi khi trẻ con có con mắt thứ ba, có thể nhìn thấy những thứ mà người lớn không nhìn thấy. Nói xong cũng không quan tâm họ có tin hay không, tiếp tục bận rộn với công việc của mình.



Chu Ngư ngồi lại một lúc, nhớ đến việc phải về nấu cơm cho Tôn Cánh Thành đang phải làm thêm giờ, cô liền chạy xe máy điện về. Trên đường đi cô rất vui vẻ, đi ngang qua một hàng liễu rủ, nhìn những người đi dạo dưới hàng cây, cô không tự chủ được mà cười thành tiếng.

Gen của nhà họ Tôn quá mạnh. Mạnh đến nỗi Tôn Cánh Thành chỉ có một bà cô, một người cô, một chị gái, một cháu gái. Bốn thế hệ, mỗi thế hệ chỉ có một bé gái.

Nếu cô thực sự sinh một bé gái thì tốt biết bao!

Tôn Cánh Phi đang ngồi ăn tối ở bàn ăn, nhớ đến chuyện quan trọng, chị gửi tin nhắn cho Chu Ngư dặn cô đi lấy bưu kiện, chị mua cho vợ chồng cô một chiếc máy lau nhà. Tôn Cánh Thành đã lải nhải mấy ngày nay, nói là chiếc máy lau nhà ở khu nhà mới bị hỏng rồi, vì sợ Chu Ngư phát hiện ra máy đã hỏng nên anh đã phải tự tay lau nhà suốt mấy ngày nay.

Tại sao lại muốn chị mua? Anh đã nói một tràng lý lẽ. Nếu bản thân anh mua thì chắc chắn sẽ bị mắng, nhưng nếu chị tặng thì sẽ khác…

Chị đang rửa đồ trong bếp, mẹ Tôn trong nhà tắm căn dặn chị, kêu chị đổ thau nước vo gạo vào trong bình đựng nước ngọt lớn để lên men, sau đó dùng để tưới hoa.

Đã muộn rồi, chị đã đổ đi rồi, để tránh bà nói nhiều, chị nói là vừa mới đổ ra tưới hoa rồi. Mẹ Tôn trách chị không hiểu biết, “Mẹ đã tưới mấy năm rồi, sao con không để ý hả?”

Tôn Cánh Phi không để ý.

Mẹ Tôn đang tắm cho Dục Ngôn, cũng không nói gì chị nữa. Chị dâu cả đến nhà của chị ấy và anh cả để dọn quần áo, người đã đi rồi, quần áo cũng không cần giữ lại nữa. Anh trai chị đời này là người tốt bụng nhất, để quần áo đó ở đó không bằng dọn dẹp đi tặng cho người khác.

Tôn Cánh Phi rửa chén xong thì nhìn vào nhà vệ sinh, chị lặng lẽ bưng một thau nước đi tưới hoa, tưới xong thấy ban công trồng nhiều hoa cỏ sẽ thu hút muỗi, chị lại tìm nhang muỗi để đốt. Sau đó chị dựa vào lan can gọi điện đặt vé tàu cao tốc cho Kha Vũ, thằng bé định trở về, vì Dục Nhất chuẩn bị đi du lịch Vân Nam với bạn học.

Đặt xong vé, chị gửi ảnh chụp màn hình cho Kha Vũ, sau đó ngồi ngẩn ra, nhìn thấy trên móc quần áo kẹp đầy vớ, có vớ lớn vớ nhỏ, của nam lẫn nữ, trong số đó có hai đôi vớ thể thao màu trắng mà trước đây chị mua cho Kha Vũ, vì bị thủng một lỗ nên đã không mang nữa, giờ đây chúng đều được vá những miếng vá màu xanh.

Nhìn hai đôi vớ này, chị đột nhiên nhớ đến rất nhiều chuyện, chị nhớ đến chuyện trước khi kết hôn, mẹ chị cũng thích đi vớ của chị; nhớ đến chuyện hồi chị mấy tuổi, nhà chị vẫn chưa trả hết số tiền mượn họ hàng để mua phòng khám này; nhớ đến chuyện vì nợ người thân tiền mà mẹ chị thấy họ từ xa là phải tránh đi… Chị nhớ đến rất nhiều chuyện, rất nhiều chuyện vào thời điểm đó chị không thấy gì, nhưng bây giờ nghĩ lại thì đó đều là những kỷ niệm chua xót.

Khi còn nhỏ, chị chưa từng thấy cuộc sống trong nhà khó khăn bao giờ, những đứa trẻ khác ở trường có gì thì bốn anh em chị đều có. Tất cả đều phải có cặp đi học thời trang có hai quai, không dùng cặp vải thô đeo chéo. Hộp đựng bút cũng phải thay một lần một học kỳ. Nói chung là chị chưa bao giờ cảm thấy nhà mình nghèo, cũng không có khái niệm giàu nghèo, vì đồ ăn, đồ uống, cặp sách, đồ dùng của bọn chị đều đầy đủ.

Một năm không ăn được thịt mấy lần, nhưng họ cũng không thèm ăn thịt, chỉ cần có đồ ăn vặt là được. Chị có ấn tượng là có một lần đi ăn tiệc, có một người lớn chê bai nhà chị tổ chức tiệc rượu thua kém, nợ một đống tiền mà con cái ra ngoài cứ se sua như người giàu có. Ngày hôm đó khi về, Tôn Cánh Thành đã hỏi mẹ, tiệc rượu thua kém là sao hả mẹ? Mẹ Tôn hỏi anh nghe ở đâu, anh nói là nghe ở trong bữa tiệc. Sau đó mẹ Tôn im lặng, không nói lời nào.

Nghĩ đến đây, chị vào phòng ngủ chính, mẹ Tôn vừa mới tắm cho Dục Ngôn xong, kêu cháu tự lại tủ lấy sữa ra uống. Dục Ngôn cầm hai hộp sữa ở trên tay, chạy đến đá cửa phòng bên cạnh, gọi anh trai mở cửa.

Trong phòng không ai trả lời nó, nó lại quay về khóc nói anh trai không chơi với mình. Mẹ Tôn đập mạnh vào cửa, kêu mấy đứa cháu mau mở cửa ngay, nếu không thì mỗi đứa sẽ ăn một trận. Đứa cháu trong phòng không kiên nhẫn mở cửa, mẹ Tôn nói với chúng: “Mấy đứa còn dám khóa cửa nữa, bà vặn đầu mấy đứa hết.”



Mẹ Tôn mắng cháu xong thì đi rửa mặt, sau đó nhìn Tôn Cánh Phi đang ở phía sau mình, “Con cứ đi theo mẹ làm gì vậy?”

“Con có chuyện muốn bàn bạc với mẹ.” Chị chưa từng nói chuyện chính thức và gần gũi với mẹ như vậy bao giờ.

Bàn bạc – Tôn Cánh Phi chưa từng nói chuyện lịch sự như vậy với bà. Chị luôn làm theo ý mình, khi làm bất cứ việc gì cũng đều tự quyết định rồi mới thông báo sau, bỏ học cũng vậy, mang thai trước khi kết hôn cũng vậy. Việc đã rồi, chỉ cần thông báo với bà một tiếng là xong.

Bàn nạc – thật là một từ mới mẻ, văn minh và thân thiết.
Bình Luận (0)
Comment